Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Văn hóa / Sự nhạy bén văn hóa của Phao-lô

Sự nhạy bén văn hóa của Phao-lô

Sự nhạy bén văn hóa của Phao-lô trong sách Công vụ – một số kinh nghiệm cho việc chứng đạo tại Việt Nam

Lê Minh Đạt

 

Dẫn nhập

Sự quy đạo của Sau-lơ trên đường đến thành Đa-mách được xem là một trong những biến cố quan trọng bậc nhất của Cơ Đốc Giáo. Một người đàn ông trẻ, một học giả, một nhà lãnh đạo tôn giáo đang hăng say bắt bớ những người tin thờ Đức Chúa Giê-xu đã nếm trãi một kinh nghiệm khiến cuộc đời ông thay đổi hoàn toàn. Chẳng những thế thôi, vô số người cũng được thay đổi cuộc đời – và phần số trong cõi đời đời – sau khi cuộc đời ấy được thay đổi. Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ đã lan rộng ra khỏi tuyển dân Israel, ra khỏi xứ Giu-đia bởi chức vụ của Sau-lơ, người sau này được đổi tên thành Phao-lô.

Phao-lô được xem là sứ đồ cho dân ngoại (Công 9:15, 13:46), tức những sắc dân không phải là dân Do Thái. Trong quá trình giảng đạo của mình Phao-lô không tránh khỏi những va chạm văn hóa với thính giả của ông. Nghiên cứu sự nhạy bén văn hóa trong chức vụ của Phao-lô, đặc biệt trong sách Công vụ các sứ đồ, là quan trọng cho việc trình bày Tin Lành tại Việt Nam.

 

Văn hóa là gì?

Có nhiều định nghĩa về văn hóa. Trong cuốn sách, “Cơ sở văn hóa Việt Nam,” trang 20, tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.

Tổ chức UNESCO định nghĩa rằng văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, tập tục, tín ngưỡng.[1]

Tựu trung lại, văn hóa là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần, truyền thống, thói quen đặc trưng của một nhóm người, tạo nên sự khác biệt giữa nhóm người này với nhóm người khác. Văn hóa được hình thành vừa ý thức vừa vô thức, vừa chọn lọc vừa không chọn lọc.

 

Tin Lành có bản chất liên văn hóa

Thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu là một quá trình tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau. 18 Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. 19 Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Tin Lành của Chúa Giê-xu không chỉ dành riêng cho dân Do Thái. Các môn đồ – và chúng ta ngày nay – được kêu gọi đem Tin Lành đến nhiều sắc dân khác nhau, nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Lẽ đương nhiên, sẽ có va chạm văn hóa trong quá trình đó. Đức Thánh Linh sẽ thêm sức cho chúng ta làm việc đó, theo như Công vụ 1:8, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

Có hai quan điểm cực đoan về vấn đề Cơ Đốc Giáo giao thoa với văn hóa:

Thứ nhất là Cơ Đốc Giáo tùy biến theo văn hóa (Cultural Christianity). Trong cuốn sách “Crumbling Foundations,” tác giả Donald Bloesch, cựu giáo sư Viện thần học Dubuque cho rằng quan điểm thần học của một cá nhân là sự phản chiếu kinh nghiệm của người đó đối với Đấng Tối Thượng hoặc các vấn đề về tâm linh. Những kinh nghiệm đó có thể xuất phát từ văn hóa của môi trường sống, hoặc từ những kinh sách tôn giáo. Trong chừng mực nào đó, Cơ Đốc Giáo trở thành một tổng hợp những tiếng dội của văn hóa. Tại Đức quốc dưới thời Hitler, một Cơ Đốc Nhân thờ Chúa nhưng vẫn thù ghét người Do Thái. Trước đó, khi Công Giáo truyền đến vùng Đông Nam Á, có lẽ là nơi mà người dân có nhu cầu thờ phượng, cúng bái mạnh mẽ nhất thế giới, đã đối diện một vấn đề lớn. Đối với văn hóa của người dân ở khu vực này, không cúng không được. Khi nhóm dân này gia nhập Công Giáo, họ đem theo văn hóa của họ vào tôn giáo mới. Kết quả, Công Giáo đã cho phép sự cúng bái, dĩ nhiên, với nhiều lý lẽ biện hộ. Quan điểm này nguy hiểm ở chổ, những thói tục ngoại giáo dễ dàng có vị trí quan trọng trong đời sống Cơ Đốc Nhân. Và, Cơ Đốc Giáo sẽ mất tính ưu việt của mình, trở thành một tôn giáo như những tôn giáo khác đã tồn tại trước đó hàng ngàn năm.

Thứ hai, Cơ Đốc Giáo bất chấp văn hóa (Non-cultural Christianity). Quan điểm này phổ biến trong các thế kỷ 18-20, cho rằng chứng đạo nhân chỉ trình bày “đức tin” chứ không trình bày văn hóa. Sứ điệp của họ là “ hãy tin Chúa thì sẽ được cứu, mình và cả nhà mình (Giăng 3:16, Công 16:30-31) và “hãy từ bỏ hình tượng, chỉ thờ Đức Chúa Trời mà thôi” (I Thê 1:9). Theo quan điểm này, các giáo sĩ đi đến những vùng văn hóa khác nhau để giới thiệu và chia sẻ niềm tin của họ. Trong quá trình đó, họ mặc nhiên truyền đạt những tiêu chí trong niềm tin của họ về kiến trúc nhà thờ, trang phục, tác phong, cách thức tiến hành buổi thờ phượng, cách áp dụng niềm tin vào cuộc sống…Trong thế kỷ 19-20, các giáo sĩ phương Tây dạy rằng hàng giáo phẩm nên mặc veston khi hành lễ. Cuối thế kỷ 20, khi chính họ không còn thích mặc áo veston thì họ khuyên rằng bạn có thể mặc áo thun, áo sơ-mi màu sắc sặc sỡ, hoặc bất cứ thứ gì miễn sao cho thuận tiện và thoải mái. Suy cho cùng, họ cũng đang truyền đạt sứ điệp của mình thông qua văn hóa. Họ đang áp đặt văn hóa của chính mình lên người nghe sứ điệp của họ. Vì thế, quan điểm Cơ Đốc Giáo bất chấp văn hóa là không đứng vững.

Như vậy, có thể nói rằng, không thể bỏ qua yếu tố văn hóa trong quá trình mở mang Đạo của Chúa, thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa chúng ta.

 

Trường hợp Sau-lơ

Một số câu Kinh Thánh cung cấp thông tin về lai lịch vị sứ đồ vốn sau này được đổi tên thành Phao-lô như sau:

Rô-ma 11:1, “Vậy tôi nói: Đức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy; vì chính tôi là dân Y-sơ-ra-ên, dòng dõi Áp-ra-ham, về chi phái Bên-gia-min.”

Phi-líp 3:5, “tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si.”

Công vụ 23:6, “Phao-lô biết trong bọn họ phần thì người Sa-đu-sê, phần thì người Pha-ri-si, bèn kêu lên trước tòa công luận rằng: Hỡi anh em tôi là người Pha-ri-si, con của dòng Pha-ri-si. Ấy là vì sự trông cậy của chúng ta và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi phải chịu xử đoán.”

Công vụ 16:37, ”Nhưng Phao-lô nói cùng lính rằng: Chúng ta vốn là quốc dân Rô-ma, khi chưa định tội, họ đã đánh đòn chúng ta giữa thiên hạ, rồi bỏ vào ngục; nay họ lại thả lén chúng ta ư! Điều đó không được. Chính các quan phải tới đây mà thả chúng ta mới phải!”

Công vụ 21:39, “Phao-lô trả lời rằng: Tôi là người Giu-đa, vốn ở thành Tạt-sơ, công dân của một thành trong xứ Si-li-si tức là thành có danh tiếng; xin hãy cho phép tôi nói với chúng dân.”

Công vụ 22:25, “Họ đang căng người ra để đánh đòn, thì Phao-lô nói cùng thầy đội đương đứng đó rằng: Ngươi được phép đánh đòn một người quốc dân Rô-ma, mặc dầu người đó chưa thành án, hay sao?”

Có thể tóm tắt như sau: Sau-lơ là người Pha-ri-si, con của người Pha-ri-si, thuộc chi phái Bên-gia-min, dòng dõi Do Thái, sinh ra tại Tạc-sơ (một thành phố thuộc đế quốc Rô-ma), có quốc tịch Rô-ma, hiểu biết luật pháp Do Thái lẫn luật pháp Rô-ma. Từ những thông tin này có thể nói cuộc đời của Sau-lơ va chạm nhiều văn hóa khác nhau. 

Sự trở lại đạo của Sau-lơ

Cụm từ “trở lại đạo” hoặc “quy đạo” được hiểu là một người quyết định đặt niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Công vụ 9:1-19 cho biết, trước khi trở lại đạo, Sau-lơ đang rất hăng say bắt bớ đạo của Chúa. Ông đã có được những sự cho phép cần thiết để đi đến thành Đa-mách bắt những ai tin thờ Đấng Christ, đem về Giê-ru-sa-lem để xử. Trên đường đi, Chúa Giê-xu hiện đến với ông, đối thoại trực tiếp với ông. Kể từ đó, Sau-lơ được thay đổi, chính ông trở thành người rao giảng về Đấng mà trước đó ít lâu ông cực lực chống đối.

 

Những thất bại trong thời kỳ đầu chức vụ của Sau-lơ

  1. Thất bại đầu tiên của Sau-lơ:

Công vụ 9:19-25 cho biết, ngay sau khi quy đạo, Sau-lơ nhanh chóng tuyên rao sứ điệp của mình. Và, ông đã gặp những thất bại trong giai đoạn đầu của chức vụ. Trong phạm vi bài viết này, chữ “thất bại” được hiểu theo nghĩa tương đối, rằng người nghe không tiếp nhận sứ điệp của người giảng. Người viết bài này không có ý định thuộc linh hóa tất cả những thất bại của Sau-lơ.

Công vụ 9:19-25:

19Khi người ăn uống rồi, thì được mạnh khỏe lại. Sau-lơ ở lại một vài ngày với các môn đồ tại thành Đa-mách. 20 Người liền giảng dạy trong các nhà hội rằng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. 21 Phàm những người nghe đều lấy làm lạ, mà nói rằng: Há chẳng phải chính người đó đã bắt bớ tại thành Giê-ru-sa-lem những kẻ cầu khẩn danh nầy, lại đến đây để trói họ điệu về cho các thầy tế lễ cả hay sao? 22 Còn Sau-lơ lần lần càng thêm vững chí, bắt bẻ những người Giu-đa ở tại thành Đa-mách, mà nói rõ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ.
23 Cách lâu ngày, người Giu-đa mưu với nhau để giết Sau-lơ. 24 Nhưng có người báo tin cho Sau-lơ về cơ mưu chúng nó. Người ta lại giữ các cửa cả ngày và đêm đặng giết Sau-lơ. 25 Song lúc ban đêm, các môn đồ lấy thúng dòng người xuống ngoài vách thành.

  1. Địa điểm: thành Đa-mách
  2. Thính giả: người Giu-đa
  3. Thời điểm khởi đầu: chỉ vài ngày sau khi quy đạo (câu 19)
  4. Sứ điệp của ông là đúng (câu 20 và 22b) Ông ở tại Đa-mách 3 năm (Ga 1:17)
  5. Cách thức trình bày sứ điệp đã khiến ông gặp rắc rối (câu 22a)
  6. Đỉnh điểm của sự thù hận là người Giu-đa muốn giết Sau-lơ (câu 23). Họ quyết chí giết Sau-lơ (câu 24)

Kết quả: không có ai tin Chúa sau sự giảng dạy của Sau-lơ. Ông phải chạy trốn trong hổ thẹn, vừa lại làm phiền đến anh em khác (câu 25).

Với bài giảng đầu tiên, Sau-lơ có thính giả là người Giu-đa, hay còn gọi là người Do Thái. Như một nét văn hóa, người Hy-lạp tìm kiếm tri thức, người Giu-đa tìm kiếm phép lạ (I Cô-rinh-tô 1:22). Trong bốn sách Tin Lành, thì sách Ma-thi-ơ, được viết bởi một người Do Thái gửi cho độc giả Do Thái, ghi lại nhiều phép lạ nhất. Ma-thi-ơ đã biết xoáy vào đặc điểm văn hóa này của người Giu-đa để trình bày Đức Chúa Giê-xu.

Người Do Thái rất quan tâm đến phép lạ (Công 4:16). Đây là một nét văn hóa rất rõ rệt. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, trong bài giảng đầu tiên của Phi-e-rơ, ông đã tận dụng đặc điểm văn hóa này của thính giả, nhắc lại Chúa Giê-xu là Đấng làm phép lạ, “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết.” (Công 2:22). Sau bài giảng này, đã có ba ngàn người được đem vào Hội Thánh.

Có vẻ như Sau-lơ đã bỏ sót đặc điểm văn hóa này trong thính giả của ông. Trong sự rao giảng của ông tại câu chuyện này, Sau-lơ đã dành phần lớn cho việc “bắt bẻ những người Giu-đa” (Công 9:22). Chữ “bắt bẻ” này được dịch từ chữ Hy Lạp là “sugcheo” – có nghĩa là “trình bày bừa bãi, lộn xộn, làm cho rối trí”.[2] Có lẽ đây là sự lúng túng, lọng cọng của Sau-lơ trong những ngày đầu của chức vụ – vốn là điều dễ hiểu. Sự sốt sắng, nóng nảy, cộng thêm sự non nớt trong chức vụ, lại thêm sự khinh suất trong văn hóa đã khiến Sau-lơ gặp thất bại đầu tiên trong chức vụ.

Công 9:23-25 cho biết người Giu-đa quyết chí giết Sau-lơ cho bằng được. Các môn đồ đã phải dùng thúng dòng ông xuống ngoài vách thành để chạy thoát – một cách thoát chạy hổ thẹn, lại hao phí đến sức người, sức của của anh em khác.

Thính giả của ông tại thành Đa-mách thắc mắc về tính chính danh của Sau-lơ. Nói cách khác, người ta hoài nghi sự tin cậy của Sau-lơ.

Công 9:21, “Phàm những người nghe đều lấy làm lạ, mà nói rằng: Há chẳng phải chính người đó đã bắt bớ tại thành Giê-ru-sa-lem những kẻ cầu khẩn danh này, lại đến đây để trói họ điệu về cho các thầy tế lễ cả hay sao?”

Sau-lơ chưa có thời gian để chứng minh sự thay đổi trong cuộc đời ông. Vừa mới hôm qua ông là kẻ hăng say bắt bớ những người tin thờ Chúa Giê-xu Christ, mà nay ông lại giảng về Đấng ấy. Thính giả của ông không tin lời ông giảng. Sự không tin ấy là điều hợp lý. Nói theo kiểu bình dân của người Việt Nam, Sau-lơ không có tư cách để giảng.

Chỉ riêng sự sốt sắng không thôi, không đủ để khiến cho lời giảng của Sau-lơ trở nên đáng tin. Cách đây vài năm tôi có gặp một trường hợp gần giống như vậy. Cô A. là tín đồ tại Hội Thánh nơi tôi đang hầu việc Chúa. Cô A. này tính tình cáu gắt, nóng nảy, luôn miệng chửi thề, lối cư xử, nói năng rất là giang hồ. Nhưng cô lại luôn miệng nói về Chúa, gặp ai cô cũng làm chứng. Cô A. giao dịch mua bán với cô B. là một người ngoại, tôi biết rõ giao dịch này. Cô A. thiếu ngay thẳng, và lại thất tín trong giao dịch với cô B., nhưng cứ luôn miệng nói rằng Chúa ban phước cho mình thế này, thế kia, và kêu cô B. đến Hội Thánh để tin Chúa. Bạn đoán được kết quả thế nào rồi. Cô B. ghét cay ghét đắng những người Tin Lành. Bạn có tin rằng Chúa được vinh hiển qua lời chứng đạo của cô A. không?

Marvin Mayers cho rằng tính chính danh là nguyên tắc đầu tiên cho việc chứng đạo xuyên văn hóa.[3] Tính chính danh đòi hỏi câu trả lời cho những thắc mắc, “Anh là ai?” “Điều gì khiến tôi tin anh?” Sau-lơ đã không đạt được tính chính danh trong trường hợp này.

  1. Thất bại thứ hai của Sau-lơ

Ga-la-ti 1:17 cho biết Sau-lơ đã ở thành Đa-mách ba năm. Ba năm giảng dạy thiếu nhạy bén với văn hóa của Sau-lơ đã không được kết quả. Không một ai tin Chúa từ chức vụ của ông. Sau khi chạy thoát khỏi thành Đa-mách – trong hổ thẹn – ông đến thành Giê-ru-sa-lem, nơi ông sẽ thất bại lần thứ hai. Cũng như tại thành Đa-mách, lần này tại thành Giê-ru-sa-lem không có ai tin Chúa từ chức vụ của Sau-lơ. Điều đáng để ý là, hai thất bại này nối tiếp nhau. Không có thành công nào xen giữa hai thất bại này.

Công vụ 9:26-30:

26 Sau-lơ tới thành Giê-ru-sa-lem rồi, muốn hiệp với các môn đồ; nhưng hết thảy đều nghi sợ người, không tin là môn đồ. 27 Ba-na-ba bèn đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Jêsus tại thành Đa-mách. 28 Từ đó, Sau-lơ tới lui với môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem, 29 và nhân danh Chúa mà nói cách dạn dĩ. Người cũng nói và cãi với những người Hê-lê-nít; nhưng bọn nầy tìm thế để hại mạng người. 30 Các anh em hay điều đó, thì đem người đến thành Sê-sa-rê, và sai đi đất Tạt-sơ.” 

  1. Địa điểm: thành Giê-ru-sa-lem
  2. Thời điểm: nối tiếp sau thất bại tại thành Đa-mách
  3. Sứ điệp của ông là đúng, không hề bị các môn đồ phản đối (câu 28)
  4. Thính giả: người Hê-lê-nít
  5. Cách thức trình bày sứ điệp: cãi với người Hê-lê-nít (câu 29)
  6. Người Hê-lê-nít tức giận muốn giết Sau-lơ (câu 29b)

Kết quả: không có ai tin Chúa sau sự giảng dạy của Sau-lơ. Vừa lại làm phiền đến công sức của anh em khác (câu 30)

 

Chạy thoát khỏi thành Đa-mách, Sau-lơ tới thành Giê-ru-sa-lem, muốn hiệp với các môn đồ, nhưng không ai tin ông. Một lần nữa, chúng ta thấy Sau-lơ mắc phải sai lầm về tính chính danh. Chỉ khi được Ba-na-ba giới thiệu – như một hình thức bảo lãnh – thì Sau-lơ mới được các môn đồ chấp nhận.

Cũng như tại thành Đa-mách, lần này tại thành Giê-ru-sa-lem Sau-lơ giảng đạo cách dạn dĩ. Nhưng lòng sốt sắng và sự can đảm không đủ để đảm bảo cho thành công.

Trong số thính giả của ông, nổi bật là người Hê-lê-nít. Các học giả cho rằng người Hê-lê-nít là những người Do Thái sinh trưởng ở các vùng lãnh thổ bên ngoài xứ Palestine, theo như Giô-ên 3:6, “Các ngươi đã bán con cái của Giu-đa và con cái của Giê-ru-sa-lem cho các con trai Gờ-réc, đặng làm cho chúng nó lìa khỏi bờ cõi mình.” Người Hê-lê-nít nói tiếng Hy Lạp, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Sử liệu và các công trình khảo cổ xác nhận điều này.[4] Người Hê-lê-nít giống như người Việt hải ngoại từ thế hệ thứ hai trở đi tại Mỹ. Họ là người Việt Nam sinh ra ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, hấp thụ nền văn hóa Mỹ.

Kinh Thánh cung cấp thêm một ít thông tin về người Hê-lê-nít tại Công 6:1, “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày.” Độc giả của sách Công vụ có thể hiểu rằng người Hê-lê-nít không được đối xử bình đẳng như người Hê-bơ-rơ, là chữ mà tác giả Lu-ca dùng để chỉ người Do Thái bản xứ. Lẽ ra, Lu-ca đã có thể nói cách đơn giản rằng “có sự bất công trong sự cấp phát hàng ngày, đã dẫn đến sự phàn nàn trong hội chúng.” Nhưng ông đã không nói như thế. Bác sĩ Lu-ca phân biệt rõ ràng giữa hai lớp người này: dân Do Thái bản xứ (Hê-bơ-rơ) và dân Do Thái thập phương (Hê-lê-nít). Với đặc tính tự hào mình là tuyển dân của Đức Chúa Trời, dân Do Thái bản xứ (người Hê-bơ-rơ) vẫn có phần kỳ thị, kém tôn trọng dân Do Thái hấp thụ văn hóa và giáo dục của dân ngoại (người Hê-lê-nít). Trong câu Kinh Thánh trên cho biết người Hê-lê-nít bị thiệt thòi hơn, thiếu quan tâm hơn, ở vị trí kém quan trọng hơn so với người Hê-bơ-rơ.

Với tầng lớp người thấp hơn về địa vị xã hội, trong giao tiếp càng cần phải có sự cảm thông, nhạy bén, chia sẻ, lắng nghe, vì họ dễ dàng mặc cảm, tủi thân. Có nhiều người trở nên tự ti. Đây là nét văn hóa của họ. Chính Chúa Giê-xu đã làm gương trong cuộc đối thoại với người đàn bà Sa-ma-ri nơi giếng nước (Giăng 4:1-42). Ngài đã cảm thông, lắng nghe bà, xóa đi khoảng cách giai cấp và sắc tộc.

Thay vì nhạy bén văn hóa, mềm mỏng và khoan dung với thính giả của mình, Sau-lơ đã “cãi với những người Hê-lê-nít” (Công 9:29). Sự tranh cãi này không thể thuyết phục họ tin theo niềm tin của Sau-lơ. Ngược lại, sự kháng cự là rất lớn: người Hê-lê-nít tìm cách để giết Sau-lơ (Công 9:29).

Kết quả: không một ai tin Chúa từ chức vụ của Sau-lơ. Sự kháng cự gay gắt của người Hê-lê-nít buộc các môn đồ phải đem Sau-lơ đi tới Sê-sa-rê và về lại Tạc-sơ, nơi quê hương của ông. Lại một lần nữa, có lẽ sự thiếu nhạy bén đã khiến Sau-lơ thất bại trong chức vụ. Kèm theo đó là sự liên lụy, làm hao tốn sức người, sức của của anh em khác.

 

 

  Thất bại đầu tiên Thất bại lần hai
Kinh Thánh Công 9:19-25 Công 9:26-30
Thời điểm Ngay sau khi quy đạo Nối tiếp thất bại lần thứ nhất
Địa điểm Thành Đa-mách Thành Giê-ru-sa-lem
Thính giả Người Giu-đa Người Hê-lê-nít
Sứ điệp Giê-xu là Con Đức Chúa Trời Danh Đức Chúa Giê-xu
Phản hồi Người Giu-đa muốn giết Sau-lơ Người Hê-lê-nít muốn giết Sau-lơ
Kết quả Không có ai tin Chúa Không có ai tin Chúa
Rút lui Trong hổ thẹn Ít hổ thẹn hơn
Liên lụy Hao tốn công sức của anh em Hao tốn công sức của anh em

 

Trong lúc Sau-lơ thất bại và chuốc lấy hận thù cực độ vào bản thân, chúng ta hãy nhìn xem bối cảnh chung vào lúc bấy giờ: Hội Thánh đang rất yên bình và phát triển trong ơn của Chúa (Công 9:31). Chỉ có một mình Sau-lơ gặp vấn đề trong lúc giảng dạy.

Một điều thú vị là, trong phần còn lại của đoạn 9, sách Công vụ ghi lại sự thành công trong chức vụ của Phi-e-rơ. Sự khác nhau giữa hai trường hợp này là gì? Phi-e-rơ đáp ứng mối bận tâm và những nhu cầu của thính giả, còn Sau-lơ thì thiên về bắt bẻ, cãi cọ với người khác.

Chúng ta thấy gì qua những thất bại của Sau-lơ? Đó chính là cách thức ông giảng Tin Lành, hay nói cách khác, là cách ông tiếp cận với thính giả của ông.

Sau-lơ được anh em đem qua thành Tạt-sơ (Công 9:30) và ở đó cho đến khi Ba-na-ba đi tìm ông (Công 11:25).

Tạt-sơ chính là quê hương của Sau-lơ (Công 22:3).

Đối chiếu giữa Công 9:30, Ga 1:18, và Ga 2:1, các học giả cho rằng Sau-lơ đã ở tại Tạc-sơ mười năm. Thời gian này đủ để ông chiêm nghiệm lại các thất bại đầu tiên của mình.

Sau khi Môi-se học sự khôn ngoan của người Ai-cập trong 40 năm, Chúa chưa dùng ông liền, nhưng đưa ông vào đồng vắng 40 năm để tôi luyện ông. Có lẽ Chúa cũng làm thế đối với Sau-lơ: sau khi quy đạo, Sau-lơ đã nếm trãi những thất bại trong chức vụ, và được Chúa cho phép trở về quê hương của ông trong 10 năm để va chạm lại, làm quen lại với văn hóa. Chúa không muốn dùng một Môi-se mới vừa tốt nghiệp tại Ai-cập, vốn còn đang hung hăng và kiêu ngạo. Có lẽ Chúa cũng không muốn dùng Sau-lơ sau kinh nghiệm “nóng hổi” gặp Chúa  trên đường đi Đa-mách. Vì có thể lắm, sự sốt sắng, nóng cháy cộng với tính hay tranh cãi của Sau-lơ sẽ đem đến kết quả tiêu cực trong quá trình ông giảng Tin Lành.

Chỉ sau khi Sau-lơ đã đổi tên thành Phao-lô, chúng ta mới thấy chức vụ của ông có hiệu quả khác biệt. Sau-lơ – tên tiếng Hê-bơ-rơ – có nghĩa là “cầu xin Đức Chúa Trời,” trong khi đó, Phao-lô – tên tiếng La-Mã – có nghĩa là “nhỏ bé, khiêm nhường.” Điều này không cổ súy cho mê tín dị đoan rằng phải đổi tên thì mới thành công. Không phải như thế. Chúa muốn dùng Phao-lô cho phạm vi lớn hơn, rộng hơn, vươn ra ngoài lãnh thổ Palestine: đó là đế quốc La Mã rộng lớn thời bấy giờ. Tất cả các trường hợp đổi tên trong Kinh Thánh, như đối với Gia-cốp, Si-môn… đều do Chúa đổi tên cho người ấy, ngoại trừ trường hợp của bà Na-ô-mi. Bà muốn tự ý đổi tên của mình từ “Na-ô-mi” – nghĩa là ngọt ngào – sang “Ma-ra” – nghĩa là cay đắng (Ru-tơ 1:19-22). Nhưng sự tự ý đó của bà cũng không thực hiện được. Kinh Thánh vẫn gọi bà là Na-ô-mi. Tên “Sau-lơ” chỉ có người Hê-bơ-rơ hiểu ý nghĩa. Tên “Phao-lô” thì cả thế giới rộng khắp thời bấy giờ đều hiểu. Há đó không phải là sự nhạy bén văn hóa của Chúa sao? Độc giả của sách Công vụ có thể hiểu được điều mà Đức Thánh Linh muốn chuyển tải: chỉ khi cá nhân người chứng đạo thay đổi cuộc đời, thay đổi cách thức tiếp cận – với một sự nhạy bén văn hóa – với thính giả của mình thì sứ điệp Tin Lành sẽ được tiếp nhận dễ dàng hơn. Đừng hiểu lầm đây là một sự thỏa hiệp, rằng phải giảm đi sứ điệp Phúc Âm – thiên thượng – và thêm nhiều tính văn hóa – thế gian – trong công tác chứng đạo. Nhưng trong quá trình giới thiệu Tin Lành cho người Việt Nam, chúng ta cần nhạy bén với văn hóa Việt Nam.

Tôi biết rất rõ tình hình của một Hội Thánh nọ, khi lãnh đạo và một vài nhân sự quyết liệt bắt chước nước ngoài trong phong cách giảng dạy và thờ phượng, thì trong đa số tín hữu của Hội Thánh tràn đầy những tiếng thở dài chán chường, bất mãn. Hội Thánh sa sút và chia rẽ. Tôi không đả kích việc học tập gương thành công ở nước ngoài. Học tập nước ngoài không phải là việc xấu, nhưng trong sự áp dụng cần hết sức nhạy bén với yếu tố văn hóa sở tại của người Việt Nam. Ngân hàng HSBC có phương châm rất hay, “Ngân hàng toàn cầu am hiểu địa phương.” Khách hàng có thể cảm nhận được chính sách của ngân hàng ấy là theo đuổi (và tôn trọng) những giá trị và nguyên tắc được chấp nhận phổ quát trên toàn thế giới, nhưng họ cũng rất nhạy bén, uyển chuyển trong cách tiếp cận, phục vụ khác hàng tại quốc gia sở tại. Một sản phẩm tài chính thích hợp ở Mỹ chưa chắc thích hợp ở Việt Nam. Một chiến dịch marketing thành công ở Singapore nhưng có thể trở thành lố bịch khi triển khai tại Việt Nam. Một cách chăm sóc khách hàng được hài lòng tại Nam Hàn nhưng có thể làm phiền nếu đem ra áp dụng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại mà người ta còn nghiên cứu và phân tích để có thể chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng. Rủi thay, trong khi công tác chứng đạo sẽ tác động đến cõi đời đời thì những người trong cuộc lại thiếu sự nhạy bén văn hóa khi tiếp cận với “khách hàng” của mình.

Có một thực tế tại Việt Nam: Tại một số Hội Thánh, người ta bắt chước cách ăn mặc của mục sư Rick Warren và hát những bài hát của Hillsongs mà không biết rằng mình đang đánh mất “khách hàng” bằng cách này hoặc cách khác. Trong loạt bài giảng về chủ đề Tuyên đạo pháp (Preaching) tại Đại học Anderson, mục sư Rick Warren kể rằng ông là người ham đọc sách. Thư viện cá nhân của ông có hơn 20 ngàn cuốn sách, chỉ tính riêng lĩnh vực Tuyên đạo pháp thì có hơn 500 cuốn. Nhiều mục sư Việt Nam bắt chước lối ăn mặc của mục sư Rick Warren, nhưng không bắt chước tính ham đọc sách của ông. Tôi kể lại điều này với một số nghiên cứu sinh tiến sĩ mục vụ (D.Min) người Việt Nam, thì có tiếng cười rằng cái nào dễ thì học. Tôi hỏi một mục sư bạn tôi đang hầu việc Chúa tại Rwanda bài giảng của anh ấy dài bao nhiêu. Anh ta trả lời, hai tiếng đồng hồ. Tôi chau mày ngạc nhiên. Anh ta giải thích tiếp, ở chổ anh ta, mỗi buổi nhóm hàng tuần kéo dài sáu tiếng đồng hồ xen lẫn giờ nghe giảng và những màn nhảy múa đặc trưng của người Phi Châu. Trong văn hóa ấy bài giảng dài hai tiếng đồng hồ là điều hết sức bình thường. Tôi đoán rằng một người Việt Nam sẽ khó mà quay lại với Hội Thánh nào có bài giảng dài hai tiếng đồng hồ mỗi tuần. 

Sau-lơ quay lại chức vụ

Công vụ 11:19-30 thuật lại quá trình Sau-lơ quay lại chức vụ sau mười năm ở tại Tạc-sơ. Ba-na-ba đã đến Tạc-sơ để tìm Sau-lơ và cả hai đi đến thành An-ti-ốt để giảng dạy. Thời gian tại đây, Kinh Thánh luôn đề cập đến hai người theo thứ tự Ba-na-ba trước – như một người thầy, và Sau-lơ sau – như một học trò. Từ ảnh hưởng chức vụ của cặp đôi thầy-trò này mà tại An-ti-ốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơ Đốc Nhân, nghĩa là người tin theo Đấng Christ.

Có thể nói, hai nhân vật quan trọng đã nắn đúc nên Sau-lơ. Trước khi tin Chúa, Sau-lơ đã học với giáo sư Ga-ma-li-ên (Công 22:3). Ga-ma-li-ên là một nhà thông thái luật pháp Do Thái và là thành viên của Tòa Công Luận. Ông có tước hiệu là “Rabban” (sư phụ của chúng tôi), còn cao hơn cả tước hiệu “Rabbi” (thầy của chúng tôi). Ảnh hưởng của Ga-ma-li-ên đối với dân Do Thái đến mức Kinh Sonah và sử liệu Do Thái đã ghi lại rằng, sau khi Rabban Ga-ma-li-ên qua đời thì dân sự không còn kính trọng luật pháp Do Thái nữa, và người ta ngày càng luông tuồng.[5] Sau-lơ đã “học nơi chân của Ga-ma-li-ên”, một sự gắn bó và thân mật như giữa vị sư phụ và người đệ tử chân truyền.

Người thứ hai đã nắn đúc Sau-lơ xuất hiện sau khi ông đã tin Chúa và thất bại trong những nỗ lực đầu tiên thực hiện chức vụ. Người đó là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi. Ba-na-ba là người có ơn khích lệ, khuyên bảo, nhu mì. Nếu ông không đến tìm và đem Sau-lơ theo mình để cùng hầu việc Chúa, có lẽ Sau-lơ vẫn còn tiếp tục chìm lắng trong sự im lặng tại thành Tạc-sơ. Một số nhà thần học cho rằng nếu không có Ba-na-ba thì sẽ không có Phao-lô, có lẽ cũng không quá đáng. Trong chức vụ giảng dạy tại An-ti-ốt và hành trình truyền giáo đầu tiên, Ba-na-ba luôn nổi bật hơn Sau-lơ. Về sau, sách Công vụ tập trung nhiều hơn vào Phao-lô vì tác giả Lu-ca đi kèm với Phao-lô. Dù gì đi nữa, nếu chức vụ sau này của Phao-lô vượt bậc so với Ba-na-ba, âu cũng là điều vui mừng.

Giai đoạn tại An-ti-ốt (Công 11:19-30) đã giúp ích cho Sau-lơ rất nhiều khi tấm gương trước mắt ông, đồng công với ông là “Ba-na-ba thật là người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” (Công 11:24), lại có tính mềm mại, nhu mì. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp trong chức vụ của Sau-lơ để chuẩn bị ông cho chức vụ kết quả sau này. 

Phao-lô rút kinh nghiệm

Công vụ 13:9 cho biết Sau-lơ được đổi tên thành Phao-lô.

Bài giảng công khai đầu tiên của Phao-lô sau hai thất bại đã phân tích bên trên, được Kinh Thánh ghi lại tại Công 13:13-52. Vì đây là bài giảng quan trọng cho thấy Phao-lô đã rút kinh nghiệm về sự nhạy bén văn hóa, tôi thấy cần thiết phải trích lại dưới đây:

13 Phao-lô với đồng bạn mình xuống thuyền tại Ba-phô, sang thành Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly. Nhưng Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem. 14 Về phần hai người, thì lìa thành Bẹt-giê, cứ đi đường đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi; rồi nhằm ngày Sa-bát, vào trong nhà hội mà ngồi. 15 Vừa đọc sách luật và sách các tiên tri xong, các chủ nhà hội sai sứ nói cùng hai người rằng: Hỡi anh em, nếu có mấy lời khuyên bảo dân chúng, hãy giảng đi.
16 Phao-lô bèn đứng dậy, lấy tay làm hiệu, rồi nói rằng: Hỡi người Y-sơ-ra-ên và các người kính sợ Đức Chúa Trời, hãy nghe: 17 Đức Chúa Trời của dân Ysơ-ra-ên nầy đã chọn tổ phụ chúng ta; làm cho dân ấy thạnh vượng lúc ở ngụ nơi ngoại quốc, tức là trong xứ Ê-díp-tô, và Ngài dùng cánh tay cao dẫn họ ra khỏi xứ đó. 18 Ước chừng bốn mươi năm, Ngài chịu tánh nết họ trong nơi đồng vắng. 19 Lại khi đã phá bảy dân trong xứ Ca-na-an, Ngài khiến họ nhận lấy đất của các dân đó, 20 Độ trong bốn trăm năm mươi năm; kế đó Ngài lập cho họ các quan đoán xét cho đến đời tiên tri Sa-mu-ên. 21 Bấy giờ, dân đó xin một vị vua, nên Đức Chúa Trời ban Sau-lơ, con của Ki-sơ, về chi phái Bên-gia-min, trị họ trong bốn mươi năm; 22 đoạn, Ngài bỏ vua đó, lại lập Đa-vít làm vua, mà làm chứng về người rằng: Ta đã tìm thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta.

ISa 13:14; Thi  89:20

23 Theo lời hứa, Đức Chúa Trời bèn bởi dòng dõi người mà dấy lên cho dân Y-sơ-ra-ên một Cứu Chúa, tức là Đức Chúa Jêsus. 24 Trước khi Đức Chúa Jêsus chưa đến, Giăng đã giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn cho cả dân Y-sơ-ra-ên. 25 Giăng đang lo làm trọn công việc mình, thì nói rằng: Ta chẳng phải là Đấng mà các ngươi tưởng; nhưng có Đấng đến sau ta, ta chẳng xứng đáng mở dây giày Ngài.
26 Hỡi anh em, là con cháu dòng Áp-ra-ham, và kẻ kính sợ Đức Chúa Trời, lời rao truyền sự cứu chuộc nầy đã phán cho chúng ta vậy. 27 Vì dân và các quan ở thành Giê-ru-sa-lem chẳng nhìn biết Đức Chúa Jêsus nầy, nên lúc xử tội Ngài, chúng đã ứng nghiệm lời của các đấng tiên tri mà người ta thường đọc trong mỗi ngày Sa-bát. 28 Dầu trong Ngài chẳng tìm thấy cớ gì đáng chết, họ cứ xin Phi-lát giết Ngài đi. 29 Họ đã làm cho ứng nghiệm mọi điều chép về Ngài rồi, thì hạ Ngài xuống khỏi thập tự giá mà chôn trong mả. 30 Song Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại. 31 Những kẻ theo Ngài từ xứ Ga-li-lê lên thành Giê-ru-sa-lem đã được thấy Ngài lâu ngày, và hiện nay đều làm chứng về Ngài giữa dân chúng. 32 Còn chúng tôi, thì rao truyền cho các anh em tin lành nầy về lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, 33 rằng Đức Chúa Trời bởi khiến Đức Chúa Jêsus sống lại thì đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta là con cháu của tổ phụ, y như đã chép trong sách Thi thiên đoạn thứ hai rằng: Con là Con trai ta, ngày nay ta đã sanh Con.

Thi  2:7

34 Ngài đã làm cho Đức Chúa Jêsus sống lại, đặng nay khỏi trở về sự hư nát nữa, ấy về điều đó mà Ngài đã phán rằng: Ta sẽ thành tín giữ cùng các ngươi lời hứa thánh đã phán với Đa-vít.

Es 55:3

35 Lại trong câu khác, cũng có phán rằng: Chúa chẳng cho Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát đâu.

Thi  16:10

36 Vả, vua Đa-vít lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời, đoạn qua đời; người đã được trở về cùng các tổ phụ mình, và đã thấy sự hư nát; 37 nhưng Đấng mà Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, chẳng có thấy sự hư nát đâu. 38 Vậy, hỡi anh em, khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được rao truyền cho anh em; 39 lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình. 40 Nên, hãy giữ lấy cho khỏi mắc điều đã chép trong sách tiên tri rằng:
41 Hỡi kẻ hay khinh dể kia, khá xem xét, sợ hãi và biến mất đi;
Vì trong đời các ngươi, ta sẽ làm một việc,
Nếu có ai thuật lại cho, các ngươi cũng chẳng tin.

Ha 1:5


42 Khi hai người bước ra, chúng xin đến ngày Sa-bát sau cũng giảng luận các lời đó. 43 Lúc hội đã tan, có nhiều người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa, đi theo Phao-lô và Ba-na-ba, hai người nói chuyện với họ và khuyên cứ vững lòng theo ơn Đức Chúa Trời.
44 Ngày Sa-bát sau, gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe đạo Chúa. 45 Song những người Giu-đa thấy đoàn dân đó thì đầy lòng ghen ghét, nghịch cùng lời Phao-lô nói và mắng nhiếc người. 46 Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Ấy cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhứt cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại. 47 Vì Chúa có phán dặn chúng ta như vầy:
Ta lập ngươi lên đặng làm sự sáng cho các dân,
Hầu cho ngươi đem sự cứu rỗi cho đến cùng cõi đất.

Es 49:6


48 Những người ngoại nghe lời đó thì vui mừng, ngợi khen đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo.
49 Đạo Chúa tràn ra khắp trong xứ đó. 50 Nhưng các người Giu-đa xui giục những đàn bà sang trọng sốt sắng và dân đàn anh trong thành; gây sự bắt bớ Phao-lô và Ba-na-ba, mà đuổi ra khỏi phần đất mình. 51 Hai người đối cùng họ phủi bụi nơi chân mình, rồi đi đến thành Y-cô-ni. 52 Còn các môn đồ thì được đầy dẫy sự vui vẻ và Đức Thánh Linh vậy.”
(Công 13:13-52).

Lần này, thính giả của Phao-lô là người Do Thái. Mạch bài giảng của Phao-lô đã có sự khác biệt so với trước đây:

Địa điểm: trong nhà hội, là nơi người Do Thái nhóm lại để thờ phượng Chúa, và được nghe giảng Lời Chúa.

Nội dung bài giảng: Phao-lô tỏ rõ sự tôn trọng thính giả của ông bằng cách gọi họ là “Người Y-sơ-ra-ên, dòng dõi Áp-ra-ham, những người kính sợ Đức Chúa Trời.” Điều này hợp với niềm tự hào dân tộc của người Do Thái. Phao-lô đã rất nhạy bén với văn hóa của người Do Thái.

Trong khi triển khai bài giảng, Phao-lô trình bày lịch sử của người Do Thái chịu ơn thương xót của Chúa, những lời tiên tri được ứng nghiệm, và kết luận Chúa Giê-xu Christ là Đấng đến thế gian để cứu loài người theo như Đức Chúa Trời đã hứa. Văn hóa của người Do Thái là tôn trọng những lời tiên tri, và sẽ bị bắt phục khi thấy các lời tiên tri được ứng nghiệm.

Kết quả: Sau khi giảng xong, người ta mời Phao-lô tuần sau quay lại giảng nữa (Công 13:42). Đây là điều mong đợi của bất cứ diễn giả nào!

Ngoài ra, còn có nhiều người tin đạo sau sự giảng dạy của Phao-lô, cả người Do Thái lẫn phi Do Thái. Người ngoại và các môn đồ vui mừng. Đạo của Chúa tràn ra khắp xứ. Kết quả lần này thật quá khác biệt so với hai thất bại đã đề cập trước đây.

Trong bài giảng này, Phao-lô không “bắt bẻ người Giu-đa” như đã từng thất bại trước đây tại thành Đa-mách. Có lẽ vì thế ông đã đúc kết và dạy dỗ Ti-mô-thê rằng, “phải tránh sự cãi lẫy về lời nói, sự đó thật là vô dụng, chỉ hại cho kẻ nghe mà thôi.” (II Ti 2:14) 

Một lần khác Phao-lô rút kinh nghiệm

Một trường hợp nữa mà Phao-lô đã thể hiện rõ sự nhạy bén văn hóa khi tiếp cận với thính giả của mình được ghi lại trong Công vụ 17:16-34. Lần này, ngay tại giữa thành Athens là thủ đô của Hy Lạp, Phao-lô giảng sứ điệp của mình cho những người Hy Lạp. Có lẽ câu chuyện này mang đậm dấu ấn xuyên văn hóa của việc rao giảng Tin Lành nhất trong Tân Ước.

Người Hy Lạp có văn hóa thờ thần linh phong phú. Cho đến ngày nay, những câu chuyện thần linh được lưu truyền rộng khắp nhất thế giới đa phần xuất phát từ Hy Lạp. Những vị thần linh của người Hy Lạp như Thần Zớt, Thần tình yêu, Các vị thần 12 chòm sao….. được nhiều người nhắc đến. Người Hy Lạp có những vị thần cho những lĩnh vực trong đời sống của họ, nhưng chưa yên tâm, sợ rằng sẽ thờ phượng thiếu một thần nào đó chăng, nên họ gọi đó là Vị Thần Không Biết, và lập một trang thờ dành cho vị thần đó. Phao-lô đã tận dụng tối đa đặc điểm văn hóa này của người Hy Lạp, khen họ là những người sốt sắng về vấn đề tâm linh (Công 9:22). Phao-lô không đả kích họ là thờ ma lạy quỷ, đi trong tối tăm, nhưng ngược lại, rất nhạy bén với hoàn cảnh đặc thù của thính giả.

Phao-lô đã khéo léo dùng một điểm khuyết trong sự thờ phượng – và cũng là văn hóa – của họ về Vị Thần Không Biết để làm chủ đề cho bài giảng của mình về Đức Chúa Trời. Phao-lô giải thích uy quyền tối thượng, quyền năng vô hạn, sự thương xót, tình yêu thương và chương trình của Đức Chúa Trời. Có lẽ đòn quyết định là khi Phao-lô trích lời các thi nhân người Hy Lạp khẳng định rằng loài người là dòng dõi của Ngài (câu 28). Người Hy Lạp có văn hóa tôn kính các triết gia và thi nhân, xem họ như những vị thánh dạy điều khôn ngoan cho xã hội. Phao-lô đã rất nhạy bén với đặc điểm văn hóa này của thính giả.

Kết quả: Có một số người tin theo Phao-lô, có người không tin, nhưng sự phản kháng là không gay gắt. Điều đáng lưu ý là trong số những người quy đạo là kết quả từ sự giảng dạy này của Phao-lô có một nhân vật tên Đê-ni, là một quan tòa ở A-rê-ô-ba (câu 34), là một trí thức có tầm ảnh hưởng và vị trí cao trong xã hội bấy giờ. Sử liệu cho biết Đê-ni về sau là giám mục đầu tiên ở thành Athens.[6] Bạn sẽ không biết khi rao giảng sứ điệp Tin Lành cùng với sự nhạy bén văn hóa sẽ đem đến tác động lớn đến dường nào!

 

Có thể giảng Tin Lành mà bất chấp văn hóa của người nghe hay không?

Có, nếu bạn muốn thính giả của mình nghe Tin Lành và rồi bàng quan với sứ điệp của bạn. Có, nếu bạn muốn thính giả buông một câu rằng, đó là đạo của Mỹ, không phải đạo của người Việt Nam. Có, nếu bạn muốn nghe thính giả phản hồi rằng, đó là chuyện của mấy người, tôi có đạo rồi, tôi không quan tâm.

Công vụ 8:26-40 ghi lại câu chuyện Phi-líp giải thích cho hoạn quan người Ê-ti-ô-pi. Phi-líp từ chổ thắc mắc và quan tâm của vị hoạn quan mà giải thích về Chúa Giê-xu. Kết quả, vị hoạn quan chủ động tin nhận Chúa Giê-xu, đầu phục Chúa qua việc chịu phép báp-têm, và chính ông vui mừng với niềm tin mới, đời sống mới. Nếu Phi-líp là một tín hữu Tin Lành người Việt Nam, có lẽ Phi-líp đã sớm đề cập việc dẹp bàn thờ, không được hút thuốc, và không được ăn đồ cúng. Có lẽ Phi-líp đã dẫn vị hoạn quan đó đến nhà thờ, bảo rằng phải giơ tay khi hát thờ phượng.

Phong trào Tin Lành tư gia tại Việt Nam bùng nổ từ năm 1988, ban đầu thu hút được khá nhiều người vì yếu tố lạsôi động trong hình thức thờ phượng. Sau hai mươi năm, phong trào này đã chựng lại, vì nhiều lý do, nhưng không thể không kể đến những va chạm văn hóa. Khi liên quan đến vấn đề thờ phượng, người Việt Nam có văn hóa ưa chuộng sự tôn nghiêm, kỉnh kiềng, trầm lặng, sâu lắng. Đã có nhiều người rời bỏ phong trào này, tìm nơi thờ phượng thích hợp hơn. 

Phao-lô dạy về nhạy bén văn hóa

Nhạy bén văn hóa là sự tận dụng tối đa các yếu tố văn hóa của thính giả để trình bày sứ điệp Tin Lành cách dễ hiểu nhất. Người nghe sẽ được biết về chân lý Phúc Âm qua ngôn ngữ của mình, hình ảnh và khái niệm quen thuộc trong đời sống mình. Khi đối diện với một trí thức hàng đầu như Ga-ma-li-ên, Chúa Giê-xu đã trả lời bằng những khái niệm siêu hình nhưng sâu sắc (sinh lại, gió, nước…). Khi giảng dạy cho đoàn dân, Chúa Giê-xu dùng hình ảnh đồng áng đơn giản quen thuộc hàng ngày (gieo giống, lúa mì, chim sẻ…). Khi đối đáp với người Pha-ri-si và thầy thông giáo, Chúa dùng những hoạt động của chính họ (luật pháp, kiêng ăn, cầu nguyện, dạy dỗ…).

Phao-lô, sau những thất bại và thành công trong chức vụ, đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của sự nhạy bén văn hóa. Ông dạy,

19Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. 20 Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp; 21 với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp. 22 Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. 23 Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó.” (I Cô-rinh-tô 9:19-23).

Tưởng không cần giải thích thêm. Sự dạy dỗ này của Phao-lô là hết sứ rõ ràng: là người giảng Tin Lành, ông vừa nhún nhường, nhạy bén với văn hóa của thính giả, nhưng vẫn giữ những giá trị, lẽ đạo cốt lõi của Tin Lành. Đây là một thách thức không đơn giản trong chức vụ rao giảng sứ điệp cứu rỗi cho người Việt Nam.

Nguy hiểm của việc nhạy bén văn hóa

Việc nhân danh nhạy bén văn hóa quá mức có thể dẫn đến một nguy hiểm là những tư tưởng, dạy dỗ, lễ nghi, tập tục ngoại giáo có thể xen vào Hội Thánh. Nhưng thế nào là “quá mức”? Khó có thể đưa ra một khuôn mẫu cho tất cả các trường hợp. Người viết bài này đề nghị học theo tấm gương ở sách Công vụ 15: Khi các sứ đồ va chạm văn hóa với dân ngoại đến mức không thể giải quyết được thì đem vấn đề trình ra trước Hội Thánh, nhờ ơn Chúa để cùng bàn luận và ra nghị quyết trên cơ sở Kinh Thánh. 

Kiến nghị

Sự kết quả trong công tác rao giảng Tin Lành trên hết là do sự ban ơn của Đức Thánh Linh, nhưng không vì thế mà người rao giảng lại thiếu trau dồi, học tập (II Ti 2:15). Để sứ điệp Tin Lành dễ được chấp nhận hơn giữa dân tộc Việt Nam, bài viết này nêu vài kiến nghị dưới góc độ nhạy bén văn hóa như sau:

  1. Đưa môn “Văn hóa Việt Nam” vào chương trình đào tạo người hầu việc Chúa tại các trường thần học. Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam (Union University of California – UUC) có thực hiện điều này. Nhưng nhiều chương trình đào tạo khác – theo quan sát của tác giả – đã sơ suất trong vấn đề này. Trên cơ sở hiểu biết về văn hóa, chứng đạo nhân và tuyên đạo nhân xin ơn Chúa để nhạy bén với văn hóa của thính giả. Những xung đột văn hóa không đến mức trực tiếp, rõ ràng nghịch lại lẽ đạo của Kinh Thánh thì nên tránh đối đầu. Vừa xin Đức Thánh Linh giúp đỡ, vừa phải nỗ lực hóa giải những xung đột theo phương châm: chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.” (Hê 12:14)
  2. Hạn chế người nước ngoài trực tiếp giảng dạy trong các buổi nhóm của tín hữu trong Hội Thánh. Thay vào đó, người nước ngoài có thể tham gia làm chứng, khích lệ tín hữu trong giờ nhóm. Vì trong khi giảng dạy trước hội chúng, người nước ngoài sẽ giải thích Kinh Thánh, áp dụng Kinh Thánh theo góc nhìn và văn hóa của họ. Có khả năng sẽ có trường hợp người tín hữu Việt Nam đang bắt chước văn hóa một tín hữu nước ngoài mà cứ ngỡ rằng mình đang bắt chước Kinh Thánh.

Đội ngũ mục sư có thể học tập với người nước ngoài để trau dồi, trang bị. Những hấp thu do giao lưu và tiếp biến văn hóa sẽ được sàng lọc và trung hòa bởi bản sắc văn hóa Việt Nam có sẵn trong ông. Nếu được huấn luyện tốt, ông sẽ là một màng lọc giúp tín hữu phân biệt giữa lẽ đạovăn hóa.

  1. Môn “Giải kinh” nên được dạy đại trà cho các tín hữu trong Hội Thánh, và đặc biệt chuyên sâu đối với người hầu việc Chúa. Mỗi một hoặc hai năm, những người đã thực thụ trong chức vụ cần được bồi dưỡng, bổ túc thêm kiến thức và kinh nghiệm trong khoa giải kinh. Vì niềm tin và nếp thực hành của Cơ Đốc Nhân sẽ hình thành do cách anh ta hiểu Kinh Thánh. Được trang bị kiến thức về khoa giải kinh sẽ giúp người đọc Kinh Thánh phân biệt giữa lẽ đạo và văn hóa, giữa chân lý bất biến của Kinh Thánh và văn hóa – vốn thay đổi theo thời đại.

Có một vị mục sư nọ rất thích giơ tay khi hát thờ phượng. Ông thường xuyên kêu gọi tín đồ hãy làm như thế. Nhưng không có mấy người đáp ứng. Khoảng hai năm gần đây thì ông phát hiện chữ “giơ tay” trong Thi 134:2 và I Ti 2:8. Ông rất phấn khởi với khám phá này, cho chiếu hai câu Kinh Thánh này lên máy projector, khẩn thiết kêu gọi tín đồ làm theo. Nhưng rồi cũng không có mấy người làm theo, hoặc làm theo một cách gượng gạo. Ông thất vọng, trách hờn tín đồ không vâng phục lãnh đạo. Thực ra, ông đã phạm sai lầm trong khi giải kinh, nhầm lẫn giữa lẽ đạovăn hóa. Lẽ đạo mà Kinh Thánh dạy, ấy là phải thờ phượng Đức Chúa Trời cách hết lòng. Nhưng về mặt văn hóa, người Do Thái là dân tộc có lịch sử chiến tranh nhiều nhất thế giới, vì thế người Do Thái có văn hóa động tay động chân, trong đời sống và trong cả sự thờ phượng. Hãy xem người Do Thái dạy tránh sự biếng nhác:

 

9 Hỡi kẻ biếng nhác, ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào?
Bao giờ ngươi sẽ ngủ thức dậy?
10 Ngủ một chút, chợp mắt một chút,
Khoanh tay nằm một chút,
11 Thì sự nghèo khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo,
Và sự thiếu thốn của ngươi tới như người cầm binh khí.”
(Châm 6:9-11) 

Trong khi đó, người Việt Nam có văn hóa tĩnh hơn, trầm hơn, chứ không động như người Do Thái hoặc như người phương Tây. Cũng dạy tránh sự biếng nhác, người Việt Nam dạy rằng,

“Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho”,

hoặc

“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa

Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”

hoặc

“Đời người dài một gang tay

Ai hay ngủ ngày còn lại nữa gang.”

Rõ ràng là văn hóa của người Việt Nam không động tay động chân như người Do Thái.

Trở lại với vị mục sư vừa kể. Tôi tự nghĩ, khi giảng dạy về sự ăn năn thì ông có bảo hội chúng phải “xé áo, đội tro” hay không, vì những chữ này cũng có trong Kinh Thánh, hoặc, sẽ giải thích thế nào với Hê-bơ-rơ 12:12 khi Kinh Thánh viết rằng hãy giơ tay và giơ cả đầu gối nữa. Cách hiểu và giải thích Kinh Thánh có thể khiến đào sâu khoảng cách văn hóa không đáng có giữa Cơ Đốc Giáo với dân tộc Việt Nam.

  1. Bên cạnh việc học Kinh Thánh, đội ngũ người hầu việc Chúa cần luôn luôn trau dồi kiến thức xã hội đời thường. Có một thực tế là tại nhiều nơi, các bạn thanh niên được lãnh đạo cổ vũ hãy hầu việc Chúa, và gián tiếp hay vô tình xem nhẹ việc học kiến thức xã hội, hoặc cực đoan hơn nữa là cho rằng đi hầu việc Chúa là thiêng liêng hơn theo đuổi việc học “kiến thức thế gian.” Nếu Phao-lô không có kiến thức về các thi nhân và các tác phẩm lớn của xã hội Hy Lạp, ông không thể trích lời dạy của chính người ngoại giáo Hy Lạp dạy cho người Hy Lạp (bằng cách đó ông đã chinh phục thính giả của mình), và có lẽ ông đã không đạt được kết quả vui mừng như đã được ghi lại trong Công 17:16-34.

Đó là chưa nói, thiếu kiến thức xã hội tổng quát sẽ dẫn đến cách hiểu Kinh Thánh ngây ngô, phiến diện. Khi những người như thế đứng lên giảng dạy sẽ khó bắt phục được ai.

Nhạy bén văn hóa là một vấn đề mà người rao giảng Tin Lành luôn phải đối diện, trong đó, vừa cần ơn của Chúa, vừa cần nỗ lực tự hoàn thiện của bản thân. 

Kết luận

Kinh Thánh không hoàn toàn tô hồng những nhân vật của mình. Đức Thánh Linh cho phép Kinh Thánh ghi lại những tội lỗi của các anh hùng, những thất bại của các vĩ nhân. Phao-lô đã từng thất bại nặng nề vì thiếu sự nhay bén văn hóa trong khi rao giảng sứ điệp Tin Lành mà Chúa giao cho ông. Nhưng ông đã rút kinh nghiệm, quá trình chức vụ của ông cho thấy điều đó. Thật sai lầm khi nghĩ rằng, khi một người Việt Nam quy đạo thì chúng ta mong đợi anh ta rủ bỏ tất cả những văn hóa của người Việt Nam, và bắt chước theo văn hóa của người Y-sơ-ra-ên, hoặc người Singapore, hoặc người Nam Hàn, hoặc người phương Tây. Điều quan trọng trước mặt Chúa là một tấm lòng ăn năn, một sự thay đổi bề trong, chứ không phải anh ta cầu nguyện gào lớn tiếng như người Nam Hàn, hoặc ăn mặc xuề xòa như người Mỹ, hoặc ca hát ngất ngây như người Úc tại hội thánh Hillsongs.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời thần học gia C.S Lewis trong cuốn sách kinh điển của ông “God in the dock: Essays on Theology and Ethics”:

““Nhiệm vụ của chúng ta là trình bày chân lý vượt thời gian cho một thời đại cụ thể, trong một ngôn ngữ cụ thể, đến một đối tượng thính giả cụ thể. Bạn phải bản địa hóa Thần học của mình.

 

[1] Hội nghị quốc tế UNESCO, 1982, tại Mê-hy-cô

[2] Strong’s Hebrew and Greek Dictionaries

[3] Marvin K. Mayers, Christianity confronts Culture, Zondervan, trang 5.

[4] Thư viện điện tử Do Thái Giáo, Jewish Virtual Library, từ mục “Hellenism”

[5] Bách Khoa Toàn Thư Do Thái Giáo, Jewish Encyclopedia, từ mục “Rabban Gamaliel”

[6] Philip J. Luca, Paul’s contextualization of the Gospel before the Areopagus in Acts 17, Luận văn tốt nghiệp chương trình đặc cách dành cho sinh viên giỏi, Đại học Liberty, trang 29. 

Đôi điều về tác giả:

Tác giả bài viết này, Lê Minh Đạt, là một người tin Chúa trọn thời gian, có bằng tiến sĩ Thần học (2008) và đang học bằng tiến sĩ thứ hai (mục vụ), hiện đang làm việc 3 job cùng lúc: (1) Giữ tiết mục Kể chuyện Kinh Thánh đêm khuya, phục vụ cho một thính giả duy nhất là con trai Lê Minh Quân (sáu tuổi) trước giờ ngủ. Không sợ mất job, vì không có ai thay thế. (2) Dạy Kinh Thánh ở những nơi có nhu cầu. Có thể bị mất job khi có người khác thay thế. (3) Cày bừa, phụ vợ nuôi con. Rất sợ mất job vì có thể bị người khác thay thế. Ai muốn trao đổi việc đồng áng, xin mời liên hệ qua email:    [email protected]   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn