“Ông Trời” trong Văn Hóa Việt Nam
Mục sư Nguyễn Văn Huệ sưu tầm
Trong Ca Dao Việt Nam
Đạo Trời:
Dù ai nói ngược nói xuôi
Ta đây vốn giữ đạo Trời khăng khăng
Dù ai chác lợi mua danh
Miễn ta, ta được đạo lành thì thôi.
Ơn Trời:
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản dài lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ơn Trời mưa gió thuận hoà…
Ơn Trời phù hộ ngày đêm…
Cầu Trời:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm.
Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Lạy Trời mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em.
Tin Trời:
Trời sinh Trời chẳng phụ nào…
Trời sinh Trời dưỡng…
Trời sinh voi Trời sinh cỏ…
Trời nào có phụ ai đâu…
Quyền cao chức trọng Trời cho…
Tam đa phú quí rõ ràng Trời cho…
“Của Trời tám vạn nghìn tư
Hễ ai ngay thật thì dư của Trời.”
Ở hiền gặp lành
Ông Trời có con mắt
Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt
Thiên bất dung gian.
nghĩa là Trời không dung thứ người gian ác
Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh
nghĩa là Trời sinh ra muôn vật, duy chỉ con người là linh thiên hơn hết.
Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần
nghĩa là giàu lớn là do Trời ban, giàu vừa là do cần kiệm.
Trời sinh voi sinh cỏ.
Trời cho ai nấy hưởng.
Trời kêu ai nấy dạ.
Sống nhờ ơn Trời, chết về chầu Trời.
Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
“Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.”
“Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân,”
nghĩa là Trời không phụ bạc người có lòng tốt bao giờ.
“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”
nghĩa là thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất.
Duyên ba sinh Trời đã sẵn dành
nghĩa là duyên phận vợ chồng là do Ông Trời sắp đặt.
Than Với Trời Vì Tin Trời
Trời ơi, Trời ở chẳng cân
Người ăn không hết, người mần không ra
Người thì mớ bảy mớ ba
Người thì áo rách như là áo tơi?
“Chữ bạc mệnh ai ơi thấu với
Câu đa đoan Trời hỡi thấu chăng?”
(trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ).
“Quyền họa phúc Trời giành mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.”
(trong Cung Oán Ngâm Khúc).
Ông Trời trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
“Tâm thành đã thấu đến Trời
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.”
“Lấy tình thâm, trả tình thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời.”
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn tự bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Trong Lịch Sử Việt Nam
Danh Tướng Lý Thường Kiệt, trong lúc kháng cự quân Tống xâm lăng, đã làm 4 câu thơ và loan truyền là do Thần Linh báo mộng ban cho để khích lệ tinh thần binh sĩ yên tâm đánh giặc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã dịch như sau:
Sông núi nước Nam vua Nam coi
Rành rành một phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Bây sẽ tan tành, chết sạch toi.
Đây là cách áp dụng chiến tranh tâm lý, mượn oai Trời. Kết quả là quân lính nức lòng đánh giặc, quân Tống không tiến được đành giảng hòa.
Ông Trời trong Kinh Sách Trung Hoa được dân Việt tiếp thu Trời trong sách Lễ Ký:
“Vạn vật bản hồ Thiên, nhân bản hồ Tổ” nghĩa là “Muôn vật gốc ở Trời, người gốc ở Tổ.”
Trời trong Kinh Thi:
“Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức” nghĩa là “Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, mới có đức tốt.”
Mục sư Nguyễn Văn Huệ sưu tầm