Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Giới thiệu sách / SÁCH CỦA MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN

SÁCH CỦA MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN

Lời giới thiệu

Xin ân cần giới thiệu sách mới của Mục sư Lữ Thành Kiến “NẾU NHỮNG CON CHIM BIẾT NÓI”. Sách được thực hiện để gây quỹ cho những chuyến Truyền giáo của tác giả, phổ biến tại Đại Hội Báp-tít 28 – 2012

Giá ủng hộ: $10.00 USD

Liên lạc:
Mục sư Lữ Thành Kiến
Email: [email protected]  

ĐỌC TRONG SÁCH NẦY

Cõi Văn Thơ Của Người Giảng Đạo – tựa Thiên Kiều Giang
Tạp Chí Văn Chương Da Màu (www.damau.org) phỏng vấn – MS Trần Nguyên Đán – Đinh Từ Bích Thủy

1.Dòng Sông Yên Tĩnh
2. Khi Bầy Chim Vỗ Cánh
3. Để Bớt Nhớ Mùa Thu
4. Những Ngày Viết Nhật Ký
5. Nhật Ký Đường Dài
6. Nếu Những Con Chim Biết Nói
7. Chàng Đã Đi Rồi Nhưng Vẫn Còn Ở Lại – thơ
8. Sống Như Gió Cuốn
9. Tự Vẽ Chân Dung
10.Vượt Qua Biên Giới
11.Phát Biểu Vắng Mặt
12. Những Ngày Bay Với Sydney
13.Chỉ Là Một Cánh Chim Bay
14.Người Ở Xa Mà Gần
15.Vài Lời Gởi Chúa Năm Mới
16.Từ Merry Christmas Đến Happy New Year
17.Jacksonville Những Ngày Không Được Nói
 
Tựa
——————————————————————-
CÕI VĂN THƠ CỦA NGƯỜI GIẢNG ĐẠO
Tôi ít khi lang thang “lướt web” lạ, mặc dù biết đó là một trong những điều cần thiết, lý thú của người thời đại. Ít chứ không phải là không. Phần vì thiếu giờ, mỗi lần “lướt” hay bị …vướng, hơi lâu, nên cũng ngại. Nhưng phần khác, quan trọng hơn, chính là vì sợ bị thương tích khi “lướt”, đụng phải đá ngầm của những triết lý hư không, hoặc trợt ngã vào vòng xoáy của những điều không …hay lắm.
Với website đời, tôi chú ý các mạng chuyên về văn học. Lần đó lang thang rồi dừng lại ở một trang web văn chương khá kỳ thú, tôi đọc chậm và kỹ từng trang, từng bài, ngay cả từng lời bình của độc giả. Và tôi bất ngờ gặp bài viết của Trần Nguyên Đán. Mục sư Kiến đây mà? Như đi giữa phố đông bỗng gặp người quen, định ngoắc tay, vẫy chào mừng rỡ…nhưng rồi tôi đã khựng lại. Dưới bài viết là những lời bình hơi gay gắt của một độc giả. Đã vài năm trôi qua, tôi không thể nhớ nguyên văn, đại khái người ấy trách tác giả với cương vị mục sư sao đi kể lại những “riêng tư” của tín đồ mình. Tôi thấy tác giả nhũn nhặn trả lời, nhưng độc giả vẫn không chịu “nhất trí”. “Riêng tư” đó là những chuyện thật của một người “xấu” (không nêu tên) trước khi gặp Chúa, rồi đổi “tốt” sau khi bước theo Ngài. Chỉ thế thôi, với Cơ-đốc nhân thì bình thường quá. Chúng ta truyền Đạo nhiều…triệu cách, mà cách đơn giản, thường gặp nhất là “làm chứng”, thuật lại điều kỳ diệu Chúa tái tạo một tấm lòng, đổi thay một nếp sống. Tôi ngại mình nữ nhi, tiếng nói, à không, chữ viết không đủ “uy” để người khác chú ý chăng, nên đã tìm một biệt hiệu đàn ông, mở cửa, bước vào “hội nghị bàn tròn” đó, việc tôi chưa từng làm trong đời.
Tôi “giải vây” Mục sư bằng cách đồng ý với ông, cho độc giả đó biết rằng với người Tin Lành thì chuyện “thuật lại ơn phước Chúa” là điều tự nhiên, công khai, không phải như lời xưng tội kín giấu mà người chăn, vì con chiên, cần phải…giấu. Rằng tôi, một tín hữu Tin Lành, sẽ hãnh diện và hạnh phúc biết bao nếu được mục sư tôi cảm thông và viết về mình cách ân cần, ấm áp đến vậy. Độc giả ấy đã im lặng, ngưng chiến (không chắc nhờ tôi đâu). Tác giả sau đó quay sang “chào hỏi” và rất mong biết tôi…là ai. Tôi từ chối, nhất định quay lưng, biến mất, điều không nỡ làm với bất kỳ ai. Bây giờ kể lại đây, xin như một lời…xưng tội không kín giấu vậy. Giữa những nhọc nhằn của đời tận hiến, tôi muốn Mục sư tận hưởng niềm vui bất ngờ gặp được một “chiến hữu vô danh”, cùng trải qua với mình một chặng cam go (nhỏ) vì danh Chúa. “Chiến hữu” cần “vô danh” vì nếu biết ra cái “danh” nầy, một tín hữu quen, bình thường quá, e Mục sư bớt hào hứng, thú vị chăng.
Sở dĩ hôm nay thuật lại “giai thoại văn chương” nầy là vì tôi muốn chia điều trăn trở bấy lâu của mình mỗi khi nghĩ đến Mục sư Kiến và những vị Mục sư, Truyền đạo, tín hữu đang cầm bút khác: Cõi văn thơ của người giảng Đạo đẹp ra sao và “lao đao” thế nào? Mục sư Lữ Thành Kiến đang thật sự…sống (chết) ra sao với thiêng trách và cõi văn thơ của ông? Người khác biết ông trước tôi. Báo đạo, báo đời, giải thưởng văn chương, những cuốn sách, những lời bình của các nhà văn, các “fan” hâm mộ…Chuyện đó xảy ra ở tận …đâu đâu, sau nầy tôi mới biết. Tôi chỉ phụ trách một website nhỏ, đơn sơ như tên gọi. Không ngờ đến quyển sách thứ ba nầy Mục sư gởi “lời mời danh dự”, giao tôi viết lời tựa. Tôi cảm động vì một câu của Mục sư: Chẳng có bài nào viết về “Đạo” mà không gởi đăng trên Sống Đạo. Vâng, tạ ơn Chúa và cảm ơn Mục sư, chúng ta được niềm vui cùng “tác chiến”, hy vọng sẽ dài lâu, trên một mặt trận cam go (không nhỏ) cho danh Chúa.
Người đạo làm văn chương khó hơn người đời. Tôi nghĩ vậy. Không thả khói để trầm tư, không có men say để gợi hứng, lại càng không họp mặt “văn nghệ văn gừng” với bạn, không “cà phê cà pháo” với…bè, để trao đổi văn chương, ngâm nga thi phú. Người đạo mà còn là người giảng Đạo nữa thì …phải làm sao đây? Bài giảng hằng tuần, thăm viếng tín hữu, giờ kiêng ăn, tĩnh nguyện chung, riêng, các mùa Lễ, cộng thêm bao nhiêu việc rất…đời thường, làm sao các vị bay theo áng mây xanh để gom bắt ngôn từ đẹp, trèo lên ngọn núi biếc để đào xới ý tưởng quý, hiếm?
Đã gọi là cõi văn thơ thì nó phải…thơ. Cõi đó người đạo lạc vào có bị…lạc lối luôn không? Đâu là biên cương, đâu là khuôn phép? Còn nhớ bài đầu tiên của MS Lữ Thành Kiến mà tôi vô tình đọc được trên báo Hướng Đi là truyện ký “Xây nhà bên suối”. Tôi đã ngạc nhiên về nét nên thơ rất lạ, ít thấy trên báo Đạo. Đọc những bài sau, biết ông không phải “đạo giòng” nên tôi như hiểu ra. Ưu điểm của văn thơ Lữ Thành Kiến phải chăng là nét nên thơ, phóng khoáng, đa dạng của văn chương, thi ca đời, chuyên chở nội dung Đạo một cách không cần nghiêm trang mà vẫn sâu sắc và không xa rời chuẩn mực Kinh Thánh?
Cõi văn thơ của người đạo, và là người giảng Đạo, tôi tin rằng rất đẹp. Họ để nhiều giờ “văn nghệ văn gừng” với Nhà Văn trác tuyệt trên cao, họ luôn đặt bút với thôi thúc duy nhất: Đạo! Thế nhưng họ phải trình bày sao cho độc giả không ngán “Đạo”, thậm chí, khi cần thiết, không nhận ra “mùi Đạo” nữa. Con đường không dễ đi nhưng nó đẹp, nên người cầm bút Cơ-đốc Lữ Thành Kiến vẫn thích đi. Như trường hợp bài thơ “Chàng đã đi rồi nhưng vẫn còn ở lại”, Mục sư đã đăng cả website đời lẫn đạo, có trong quyển sách nầy:
chàng đột ngột đến (thật ra không phải vậy), trong một làng nhỏ, chẳng có ai biết gì về sự xuất hiện đột ngột mà thầm lặng đến nỗi chẳng ai biết. chỉ với cái áo dài lặng lẽ kiểu do thái, chàng trong thời niên thiếu đi qua lại giữa bầy trẻ nhỏ thầm lặng, chơi đùa với một cái búa và vài cái đinh nhỏ, bên kia ngôi nhà là một khu chợ gần như bỏ hoang, gió và bụi lốc dưới chân những con lạc đà.
… có một ngày chàng cùng những người bạn đi vào một khu vườn. tại đó người ta đến, thầm kín với những bước chân nhón gót, nhưng xôn xao ánh lửa của đuốc. chàng thản nhiên để người ta lôi đi, kéo vào, quăng ra, tung ném. rồi chàng bị treo lên một ngọn đồi không bao giờ thơ mộng. trên đất đá hoang mạc, chàng hát bài ca hi bá lai lần cuối cho những ai có thể hiểu chàng….
Tôi thích bài thơ rất…thơ nầy của Trần Nguyên Đán. Chúa Giê xu cao cả của muôn người trở thành “Chàng” dịu dàng, bình dị của riêng tôi. Trên Tiền Vệ và Sống Đạo, bài thơ không khác chữ nào, nhưng đọc ở hai trang web khác nhau, cảm giác có cái gì đó…rất khác. Tôi viết cho tác giả: “Chàng” ở SĐ thì độc giả dễ nhận ra hơn, thấy thân thương, gần gũi vì đã quá quen thuộc.”Cả nhà” luôn nhắc đến “Chàng”, mọi sinh hoạt trong “nhà” đều hướng về “Chàng”. Còn “Chàng” nơi đất lạ thì hơi.. lạ, khó nhận ra (vì có nhiều chàng khác đầy dẫy chung quanh). Độc giả chưa từng biết “Chàng” thì có lẽ sẽ ngờ ngợ, còn độc giả từ đất nhà bên nầy chạy qua thì sẽ mừng rỡ được gặp lại “Chàng” nơi đất khách, thấy ngạc nhiên, vui mừng và cảm động vì “Chàng” đang làm công việc …tỏ mình nơi dân ngoại”.
“Tỏ mình nơi dân ngoại”, Mục sư Lữ Thành Kiến đã nhiều lần bày tỏ khuynh hướng nầy của cõi văn thơ ông. Người ta bảo “văn chương không biên giới” nhưng thật ra nó vẫn bị nhiều rào cản. Còn văn chương Cơ-đốc chắc chắn phải đi ra, bay bổng, không bị chắn lại bởi một biên cương nào. Như tình yêu của “Chàng”, một lần đã đến, lan tỏa ra, vượt thời gian, không gian để mãi mãi còn ở lại.
Tôi không hiểu, và không hỏi, vì sao trong các truyện ngắn, ký, thơ in nơi đây, tác giả chọn “Nếu những con chim biết nói” dùng làm tựa sách. Tôi tìm đọc lại và thấy nơi đó những câu như:
Nếu những con chim biết nói, như ngày xưa, chúng sẽ nói: chúng tôi sẽ bay đi, bay đi. Đó là một lời thông báo, chứ không phải là một lời thỉnh cầu. Chúng thật hạnh phúc. Chúng có thể bay đi, không cần nói trước, không cần chuẩn bị, thích là bay, nói xong là bay liền, không cần mua vé, không cần tính toán để mua vé rẻ….
Và lời tâm tình giản dị mà sâu sắc của Mục sư Jack trong truyện:
Khuôn mặt ông chợt có một vẻ gì đó mơ màng, thánh thiện và lãng mạn. Và ông nhìn tôi, cười: We, like birds, will fly. Fly to the sky. For God.
Tạm dịch là “chúng ta, như loài chim, sẽ bay, bay vào vùng trời xa cho Chúa”. Mục sư Kiến dự định dùng sách nầy gây quỹ để đi truyền giáo. Có thể Mục sư chọn tựa truyện nầy để tô đậm hạnh phúc của loài chim khi chúng “không cần chuẩn bị, thích là bay, nói xong bay liền, không cần mua vé, không cần tính toán để mua vé rẻ” như ông? Hoặc vì ông đang tha thiết với những chuyến truyền giáo xa, bởi tâm đắc lời Mục sư Jack, người giảng Đạo là chim, mãi dấn thân vào những vùng trời xa xôi của ơn gọi?
Cõi văn thơ của người giảng Đạo Lữ Thành Kiến đẹp giữa vòng mến thương, trân trọng của tín hữu Tin Lành, cũng như được ưu ái đón nhận, với chút ít “lao đao”, ở ngoài khuôn viên nhà thờ mà Mục sư luôn tìm cách vượt ra, vươn tới. Nghe tác giả cho hay tác phẩm thứ ba nầy của ông, mà quý vị đang cầm trên tay, mong được in tại quê nhà nhưng cuối cùng đã không thành, tôi chợt xúc động. Phải chăng “Chàng” rất muốn cùng tác giả đi những dặm đường xa hơn, về miền dấu yêu để gặp những người “Chàng” hằng yêu dấu mà chưa được? Văn chương không “đi” được thì người làm văn chương phải đích thân dấn bước. Và những bàn chân rao giảng Tin Lành trong khó khăn, trắc trở mới thật đẹp, đẹp vô cùng!
 
thiên kiều giang
admin của songdaoonline

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn