Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Văn hóa / CHỪNG NÀO TÔI CÒN SỐNG

CHỪNG NÀO TÔI CÒN SỐNG

 

Tôi không nhớ bài hát “Gọi người yêu dấu“ tôi được nghe lần đầu tiên vào khoảng năm nào. Chỉ nhớ thuở ấy chúng tôi đã bắt đầu biết để ý đến người khác phái, và hẳn nhiên đứa nào cũng thầm ao ước có một “người yêu dấu” thật sự có tên tuổi đàng hoàng để mà “gọi”. Con gái, bọn tôi thời đó, dưới mười tám tuổi, còn ngồi ở ngưỡng cửa trung học, là còn hoàn toàn bị gia đình kiểm soát; chuyện có thân thiết với người khác phái nào đó trong tính cách bè bạn thôi cũng đã khó khăn rồi, huống gì là bạn trai, bồ bịch. Và mặc dầu trong lớp chúng tôi dạo ấy cũng có đôi ba chị là “người yêu của lính”, hoặc có chị đang đi học bỗng nghỉ ngang xương để đi lấy chồng; nhưng những đứa còn lại như tôi, vẫn là thứ con nít ăn chưa no lo chưa tới, xớn xác để mắt tới tên con trai nào đó là thể nào cũng bị “coi chừng tao!”.

 

Do đó người yêu dấu của chúng tôi thuở đó, thưòng chỉ là một “thằng” bạn học cùng lớp, một anh lớn hơn đôi ba tuổi, học chung hoặc khác trường, thỉnh thoảng đứng chờ trước cổng trường để nhìn theo tà áo chúng tôi vờn bay. Hay gần hơn, là một ông bạn của ông anh, bà chị lớn trong nhà, tình cờ thả cho một ánh mắt, một câu nói dễ thương nào đó. Chỉ cần vậy thôi, là đủ rúng động tâm can rồi. Người “có tên tuổi” đàng hoàng để gọi như tôi nói trên, chỉ là ở… trên mây.

 

Nhưng đã nửa nít nhỏ, nửa lớn như vậy, nên bọn tôi đứa nào cũng đua đòi hát “gọi người yêu dấu” để mơ có người yêu dấu. Và khi hát, khi nghe bài ca lãng mạn ấy, chúng tôi đã được đôi lần nghe người ta nhắc đến tên nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Trong đám bè bạn tôi thuở ấy, thì có đứa biết đến tên tác giả bài hát, có đứa không. Riêng tôi, tôi nhớ chắc chắn mình có nghe đến, vì trong nhà tôi; ngoài anh chị em ruột của tôi, ba mẹ tôi còn nuôi một số anh em nuôi, hoặc bà con của chúng tôi nữa; đứa nào cũng mê nhạc, mê đàn.

 

Nhà tôi dạo ấy có một kệ sách, chứa đầy sách văn học. Nghiên cứu có, truyện ngắn có, tiểu thuyết có. Phía dưới cùng, là ngăn để chứa những bài hát của rất nhiều tác giả, do cậu và các anh tôi mua về để học đàn. Đây là những bản in rời, đằng trước thường có in hình ca sĩ. Minh Hiếu, Thanh Thúy, Phương Dung, hay Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu… Và nhạc thì bao gồm đủ loại. Từ loại xoàng xoàng, mùi mẫn, như Giã từ gác trọ, Lạnh trọn đêm mưa, Tàu đêm năm cũ, Đám cưới đầu xuân, Tình Anh Lính Chiến v.v. Đến những loại nhạc tân kỳ, với hình nữ hoàng nhạc Twist Túy Phượng, Sáu Mươi Năm Cuộc Đời, chẳng hạn. Rồi nhạc tiền chiến, Văn Cao, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Văn Tí, Lê Thương… Và cả cổ nhạc, mà tôi vẫn còn nhớ những Minh Cảnh, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan…, với Gánh nước đêm trăng, Tình anh bán chiếu, rồi sau này, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà.

 

Một ngăn thứ hai nữa, là nhạc in thành tập. Nhiều nhất là của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Các anh tôi mê nhạc, mặc dầu không anh nào hát hay, cũng chẳng anh nào đàn giỏi.

 

Tuy nhiên, tôi không hiểu sao Vũ Đức Nghiêm lại “lọt sàng”, hoàn toàn không có bản nhạc, hay tập nhạc nào trong danh sách kể trên.

 

*

 

Sau bảy lăm, tất cả các sách báo trong nhà tôi đều bị rơi rụng dần trong hai đợt chiến dịch càn quét văn hóa phẩm đồi trụy của chính quyền cộng sản đương thời. Anh em chúng tôi hết dấu trước dấu sau, thì còn lại được vài tập truyện dịch Anh, Pháp. Truyện Tàu còn Thủy Hử, Anh Húng Lương Sơn Bạc. Nhạc thì chỉ hai cuốn, Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn; và Ngày Đó Chúng Mình của Phạm Duy mà thôi. Về sau, cả hai tập nhạc này cũng mất, không hiểu lý do vì sao. Có thể vì đứa em nào đó trong nhà tôi lấy đi nộp “kế hoạch nhỏ” cho cô giáo. Hay thời buổi khan hiếm giấy má, vật dụng, mẹ tôi đem đi… nhóm lửa cũng nên.

 

Văn nghệ văn gừng thuở bị cấm đoán đủ mọi thứ như vậy, cũng không hiểu sao, mấy anh em tôi còn giữ lại được đôi ba cuộn băng cassette, gồm trường ca Mẹ Trùng Dương, trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy, Người Đi Qua Đời Tôi của Phạm Đình Chương… Và lạ hơn, là một cuộn băng thâu nhiều loại nhạc khác nhau, trong đó có những bài nhạc tình của Từ Công Phụng, nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang, Bùi Công Thuấn, phản chiến của Miên Đức Thắng. Và, Gọi Người Yêu Dấu của Vũ Đức Nghiêm.

 

Tôi không hề biết Vũ Đức Nghiêm là trung tá chế đô cũ. Cũng không biết ông đi học tập cải tạo nhiều năm. Kể cả sau này, thời gian gia đình chúng tôi dọn về huyện lỵ Xuân Lộc, tôi thân với em gái nhạc sĩ Bùi Công Thuấn, nghe anh Thuấn kể chuyện về nhiều người bị đọa đày trong trại cải tạo, cũng không nghe anh nhắc đến tên tác giả “Gọi Người Yêu Dấu”… Mãi cho đến ngày ra hải ngoại, tôi mới tình cờ “gặp” lại Vũ Đức Nghiêm, một cách hết sức khác thường, không qua nhạc phẩm của ông, mà qua bài viết của nhà văn Duyên Anh về ông. Lúc Duyên Anh viết “Lãng Mạn Ngục Tù” về tác giả Gọi Người Yêu Dấu, đăng trên báo Ngày Nay, số 55, tháng 3&4 năm 86, thì Vũ Đức Nghiêm vẫn còn đang nằm ở trại trừng giới Phú Khánh; và tôi thì đang ở tại Xuân Lộc. Bài báo tôi đọc được, chẳng nhớ ở đâu, chỉ nhớ đó là lúc tôi đã được định cư ở Úc, nhiều năm sau khi nó được viết ra. Về sau này, khi có dịp đọc lại bài viết ấy, thấy Duyên Anh ca ngợi “vậy thì tôi viết những gì cần viết về Vũ Đức Nghiêm và xin phép được ví Nghiêm như một biểu tượng sĩ quan trong sạch nhất và oan khiên nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”; tôi mới thấy nhà văn một thời rất nổi tiếng này, đã yêu mến không chỉ “con người nghệ sĩ Vũ Đức Nghiêm” mà còn “con người trung tá Vũ Đức Nghiêm” nữa. (1)

 

Ngoài Duyên Anh, còn có nhạc sĩ Anh Việt, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, và vân vân người, viết về Vũ Đức Nghiêm; với những lời lẽ rất chân tình và yêu mến. Nhưng người ta đã chỉ biết đến một Vũ Đức Nghiêm viết nhạc tình, một Vũ Đức Nghiêm viết nhạc buồn cải tạo, Giả sử Mai Ta Về (phổ thơ Nguyễn Xuân Thiệp), Mưa Buồn Long Giao, (phổ thơ Hà Thượng Nhân)… Giới văn nghệ sĩ, tiếp xúc với Vũ Đức Nghiêm, người khen anh khiêm tốn, người khen anh hiền. Anh Nguyễn Xuân Hoàng, chủ bút tờ Văn và Việt Mercury, nói với tôi “anh ấy dễ thương lắm”.

 

Và người ta đã chỉ biết như vậy về Vũ Đức Nghiêm. Tôi không biết những người quen với ông, trong giới văn nghệ sĩ, có ai đã từng nghe “Tôi Ước Mơ Tôi Là Viên Than Hồng”, “Khi Tôi Quì Bên Chân Chúa”… hay chưa.

 

Riêng tôi, có lẽ tôi may mắn hơn họ. Tôi đã “gặp” lại Vũ Đức Nghiêm một lần nữa, chẳng chỉ ở những bài viết tôi kể trên, mà trong những giòng thánh ca ông viết ca tụng Chúa. Trong những gương mặt bừng sáng, ước mong “được góp một phần; dù rằng tôi thật nhỏ bé đơn sơ…” vào ngọn lửa Tin Lành đang tỏa sáng. Trong những giọt nước mắt thống hối của nhiều tín đồ xa cách Chúa đã tuôn rơi lúc được nghe “Khi Chúa Yên Lặng Nhìn”.

 

Bản thân tôi cũng đã từng khóc khi nghe bài thánh ca này. Bài hát, mà cái âm giai, âm điệu của nó, không chỉ gợi lên nỗi buồn cách đơn giản khi một cơn mưa u hoài nào đó rớt ngang qua trại cải tạo Long Giao, Suối Máu, Phú Khánh…, mà có thể khiến được trái tim người tan nát, đớn đau. Lời bài hát, theo tôi nghĩ, cũng chỉ là những lời mà tín đồ vẫn thường được nghe giảng, hay được trích trong Kinh Thánh, về một tiếng gà gáy vang rền khi Phierơ nhận ra mình đã chối Chúa ba lần như lời Ngài đã nói trước đó với ông, hay về nỗi thống hối của con người tầm thường đã từng treo mình Chúa lên thập tự nhiều lần bởi những vấp phạm hằng ngày của mình đối với Chúa. Điều tôi muốn nói ở đây, là khi bài hát được cất lên, những nốt nhạc, những giòng chữ khi biến thành thanh âm vang lên; là nỗi bi thương, thống thiết cũng tuôn tràn, khiến người ta không thể nào không nghĩ đến những giọt huyết mà chính Chúa đã đổ ra trên thập tự giá cho tội lỗi của mình.

 

Bài hát đã tràn đầy sức mạnh, Vũ Đức Nghiêm đã thuyết phục được người nghe, bởi vì chính ông đã đến với Chúa, bằng tấm lòng bi thương, thống thiết như vậy.

 

Mãi đến năm 2003, tôi mới được quen với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tạp chí Làng Văn ở Canada viết cho tôi “một bậc đàn anh văn nghệ rất đáng kính của anh, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, muốn làm quen với Hoàng Nga”. Trước đấy, chẳng bao giờ tôi nghĩ, tôi sẽ có dịp trao đổi chuyện sáng tác với nhạc sĩ, không phải vì thể loại sáng tác của chúng tôi hoàn toàn khác hẳn nhau, văn chương và âm nhạc; nhưng vì ông đi trước tôi nhiều quá. Vừa về tuổi đời, vừa cả về sự nghiệp.

 

Một điều thật hết sức bất ngờ đối với tôi. Và còn bất ngờ hơn, là tôi không bao giờ nghĩ rằng những bài viết của tôi, lại có tác động, không chỉ đối với riêng Vũ Đức Nghiêm, mà còn với rất nhiều người như ông đã kể cho tôi nghe.

 

Ông viết cho tôi, “khi tôi đọc đến nhân vật Năm Ngoạn, một người, đã cưu mang nỗi cay đắng, buồn tủi lâu ngày, vì những tháng năm thanh xuân của đời mình đã không cung hiến mình cho Chúa, cho đến lúc về già, sức đã hết, lực đã tàn thì tất cả đều muộn màng; thú thật là tôi đã vội nghĩ ngay đến mình. Tôi cũng thấy mình đã chẳng tận hiến cho Chúa điều gì trong những tháng năm tôi còn trẻ. Và tôi cũng đã buồn như Năm Ngoạn. Nhưng thật cám ơn Chúa, cám ơn Hoàng Nga, rằng Hoàng Nga đã không cho Năm Ngoạn bi lụy với nỗi hối hận, không bắt Năm Ngoạn làm Giu đa Ích ca ri ốt, mà cho Năm Ngoạn biết dùng những sức lực cuối của đời mình để hấu việc Chúa”.

 

Trong truyện ngắn ấy, có đoạn tôi viết, Chúa đã trả lời với ông Năm Ngoạn, “chiếc thân gỗ mục, mà khi được dùng vào việc hữu ích, có thể làm nở rộ những đóa phong lan chùm gửi, thì nó chẳng còn là gỗ mục nữa. Cũng như con, khi con già yếu, mà còn biết nương cậy nơi ta, còn có ý muốn hầu việc ta, ta sẽ dùng con…”. Tôi đã hoàn toàn không bao giờ dám nghĩ những điều tôi viết ra ấy, lại có tác động đến một người, thật ra vẫn trung tín, vẫn biết dùng sức của mình ngay từ thời còn thanh xuân để phục vụ Chúa như vậy. Nhạc sĩ nói với tôi, “phục vụ Chúa, là phải phục vụ mọi bề, phục vụ hết mình, và phục vụ đến cùng”.

 

Đến “Chừng Nào Tôi Còn Sống” (2). Đến hết đời tôi!

 

*

 

Vũ Đức Nghiêm đã cho tôi nghe bài hát này tại nhà riêng của ông bà, ở San Jose. Bài hát rất hùng tráng, âm điệu rất mãnh liệt. Khác hẳn, khác hoàn toàn với một “Gọi Người Yêu Dấu” tôi từng nghe thời thiếu nữ. Cũng không đau đớn như “Khi Chúa Yên Lặng Nhin”, và càng không bi thương, u uất như “Mưa Buồn Long Giao”. Mà bài hát, thật đã như một lời khấn nguyện, một lời hứa với Chúa, rằng “chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ hát ca tôn vinh Đức Giê Hô Va cho đến trọn đời”.

 

Tôi đã chứng kiến cảnh cả hai ông bà đều ngồi nhắm mắt khi nghe bài hát này với tôi. Tôi đã thấy cả ông lẫn bà đều như muốn nói với Chúa, rằng chừng nào ông bà còn sức lực, là còn nương thân mình dưới cánh của Đấng Toàn Năng, là còn hát ngợi ca Ngài.

 

Tôi cũng đã tự hỏi tôi, nếu như những điều tôi viết ra, đã có sức tác động đến một người đã dám hứa với Chúa, “sẽ hát ca tôn vinh Đức Giê Hô Va cho đến trọn đời”, thì tôi, tôi cũng có dám hứa với Chúa, rằng tôi sẽ phục vụ Ngài hết mình, trên trọn bước đường Ngài ban cho tôi ở trên đất hay chăng?

 

 

 

HOÀNG NGA

 

 

 

 

———————-

(1) Trích “Lãng Mạn Ngục Tù”, Duyên Anh.

 

(2) Nhạc Vũ Đức Nghiêm, trích Thi Thiên 146 : 2

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn