Здратсивуйте (Xin chào bạn, tôi biết nói tiếng Nga rồi đấy, oai không?)
Tôi mới đi Nga về, có nhiều chuyện vui quá muốn chia xẻ với các bạn ngay, nhưng cũng vì nhiều chuyện quá mà lúng túng không biết phải chia xẻ chuyện gì trước chuyện gì sau. Thôi thì sẽ bắt đầu với cái gì hiện ra trong đầu mình trước, rồi cứ từ đó mà đi.
Tôi ngồi đây mà vẫn còn vướng vất hình ảnh Nga, những tòa nhà chung cư hoặc hotel to lớn, xám xịt, cứng ngắc và lãnh đạm, như bản tính của người Nga. Mỗi khi xe chạy ngang tòa nhà chung cư nào, tôi hay liên tưởng tới hình ảnh của Tanya, người vợ hiền của bác sĩ Zhivago vươn người và tay ra cửa sổ, chào người chồng thất thế vì thời cuộc đang trở về nhà. Những người đồng thời với tôi chắc không quên bộ phim Dr. Zhivago nổi tiếng một thời với bài hát Le chanson de Lara mà giai điệu của nó từng làm đau lòng rất nhiều những cặp tình nhân với những nỗi niềm ngang trái. Sau nhiều năm, Zhivago vẫn còn sống ở đó, hay ít nhất là trong tâm hồn tôi. Nhưng tôi đến Nga không để thăm Zhiavgo hoặc để thấy lại hình ảnh ông đã phai nhòa qua thời gian, tôi đến vì những lời kêu gọi của Chúa Jesus, người mà tôi yêu và nguyện rằng sẽ mãi mãi yêu cho đến suốt cuộc đời mình.
Tôi nhớ rõ cảm giác của mình khi nghe lời đề nghị đi Nga. Tôi không hỏi Chúa nhưng nghĩ: why Nga, tôi vẫn xin Chúa cho có một cơ hội đi châu Âu, và châu Âu trong suy nghĩ của tôi là Pháp, là Anh, là Đức, Ý, có thể thêm Thụy Sĩ, Na Uy hay Hòa Lan, nơi có những vườn tulip tuyệt trần. Chưa bao giờ có chữ Nga trong đầu tôi. Đây là một điều khá bất ngờ. Tuy nhiên tôi đã có một cam kết với Chúa là sẵn sàng vâng phục Ngài nếu Ngài gọi mặc dù không hiểu hết, như Áp ra ham ra đi mà không biết mình đi đâu, ngay cả Nô ê khi Chúa kêu gọi đóng tàu chuẩn bị cho một trận lụt lớn nhất trái đất từ trước chưa bao giờ có, về sau cũng không bao giờ có, trong một xứ sở chưa từng có một giọt… mưa. Ông không hiểu, nhưng đã không hỏi, chỉ vâng lời. Tôi vâng lời Chúa và đi. Tôi có hơn Áp ra ham một điều là tôi biết mình đi đâu. Tôi đi Nga, trên cánh của đại bàng Air France. Mục sư “xếp” và nhà tôi nói: hãy nắm lấy cơ hội mà Chúa cho.
Tôi đến Moscow vào một buổi trưa đầu tháng 8. Những người Nga đầu tiên gặp trên đất nước Nga không mấy thân thiện mà cũng không làm khó dễ, nhưng phải chờ đợi người đến đón hơi lâu, phải đi vòng vòng phi trường hỏi thăm có ai biết tiếng Anh không để nhờ gọi điện thoại giùm. Tôi gặp những anh chị em những người đi cùng trong chuyến truyền giáo này tại một trong những hotel to lớn, xám xịt, cứng ngắc và lãnh đạm của nước Nga và là một hotel đặc biệt kiểu Nga, khác hẳn các hotel của Mỹ ngay cả hotel tại Việt Nam. Một phòng có 4 chiếc giường nhỏ cho 4 người ở chung, trông tuềnh toàng nhếch nhác, nhưng giá rất mắc, không có restroom bên trong, mỗi lần có nhu cầu phải đi restroom tập thể, dọc hành lang khá dài, sặc mùi thuốc lá, thỉnh thoảng gặp những người đàn ông Nga đi ngược chiều, ăn mặc thoải mái gần như… không mặc gì cả. Với những người đàn ông thì OK, nhưng các bà các cô mỗi lần cần đến restroom thì phải rủ nhau đi, tay bịt mũi và khi thấy các ông Tây phơi phới đi qua thì… ù té chạy. Nhưng đi truyền giáo mà, có phải đi chơi đâu mà kén chọn, nên mọi người cũng chỉ nói cho vui chứ cũng chẳng phàn nàn gì.
Với những người bản xứ thì chẳng mấy nhiệt thành, nhưng với những anh em cùng một Cha trên trời thì rất nhiệt thành, giúp đỡ rất nhiệt thành, vì chúng tôi không ai biết một tiếng Nga nào, hầu như muốn… mỏi tay cũng không được. Mọi sinh hoạt trong đời sống chúng tôi những ngày đó đều giao cả vào trong tay của Mục sư Hòa, quản nhiệm Hội Thánh Lời Sự Sống và các anh em nhân sự, họ nói gì nghe nấy và làm theo không dám ý kiến JMột anh em đi cùng đoàn hay nói đùa, bảo “người bảo chi hãy vâng theo cả”.
Chúng tôi đến đúng vào lúc mà công an Nga đang mở chiến dịch càn quét những di dân bất hợp pháp trong đó có người Việt Nam và nặng nề nhất là người Việt Nam, nghe nói để trả đũa và dằn mặt những di dân vì một người trong số họ đã đánh công an đến bất tỉnh. Đang đi trên xe chúng tôi liên tục nghe những cú điện thoại thông báo tình hình càn quét và xin cầu nguyện cho những người bị bắt, trong đó có cả những tín hữu của Hội Thánh. Đang trên xe trên đường đi đến chợ Sadovod, một khu chợ tổ chức chương trình truyền giảng, người anh em nhân sự chỉ cho tôi thấy một khung cảnh bên kia đường. Từ trong một ngôi nhà lớn, một số người tay nắm tay nhau đi hàng dài về hướng một chiếc xe công an lớn, đó là những người Việt Nam, anh nói. Bỗng nhiên ruột tôi thắt lại, và nước mắt chảy xuống mũi, xót xa cho đồng bào mình đang bị bắt bớ, bị sỉ nhục. Ngay tức thì, trên xe, tôi cầu nguyện xin Chúa cho họ bình an và sớm biết về Ngài.
Sau buổi tối thứ sáu giảng truyền giảng cho Hội Thánh Lời Sự Sống có 1 người tin Chúa (số thân hữu không bao nhiêu vì tình hình bắt bớ đang rất căng thẳng, mọi người đang tìm mọi cách để bảo đảm sự an toàn nhất thời cho mình, 1200 người Việt đã bị bắt) Chúng tôi đến khu chợ Sadovod cho đêm truyền giảng thứ hai. Mỗi người trong đoàn truyền giáo làm tốt nhiệm vụ của mình, người làm MC, người hát, người làm chứng, người kêu gọi, sau những lời kêu gọi đã có hơn 30 người tiến lên sân khấu để cầu nguyện tiếp nhận Chúa và ngay sau đó tăng thêm lên, tổng cộng là 47 người. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã đóng cửa các tầng trời không cho mưa trong một khu vực lộ thiên giữa chợ, ngay trong lúc tin thời tiết cho biết có khoảng 70% sẽ mưa chiều ấy. Sau đó 3 ngày khu chợ này đã bị công an càn quét, trở thành vườn không nhà trống suốt một tuần sau đó vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trở lại. Nếu chương trình truyền giảng chậm lại 3 ngày, chắc chắn không có kết quả đó. Đó là việc làm của Chúa. Tạ ơn Ngài.
Theo thỏa thuận ban đầu, tôi được mời đến để giảng, người trưởng nhóm, Thu Vân, nói rằng đoàn truyền giáo này cần một Mục sư để giảng, và chương trình truyền giảng gói trọn trong 3 ngày đầu tiên khi chúng tôi đến Nga, sau đó các anh chị em sẽ lần lượt rời Nga, người đi Pháp tiếp tục đại hội, người trở về Việt Nam, chỉ một mình tôi ở lại thêm một tuần nữa. Ở lại để làm gì? Tôi đã cầu nguyện Chúa cho đến Nga lần này không chỉ để truyền giảng, nhưng còn là để đưa chương trình của VMI đến Nga. Tôi nghĩ rằng việc mời một Mục sư đến giảng truyền giảng không phải là vấn đề, vì rất nhiều Mục sư có thể làm điều này và làm tốt hơn tôi, không nhất thiết phải là tôi, nhưng chương trình VMI thì chỉ có tôi làm được (ngoại trừ Mục sư Huệ không thể đi được) Ngay từ đầu có những dấu hiệu không mấy sáng sủa, dễ nản lòng. Một vài đám mây đen trong bầu trời. Tôi liên lạc trực tiếp với Mục sư quản nhiệm ở đó và đề nghị đưa VMI đến. Tôi gởi powerpoint bài giới thiệu VMI và gởi một cái link vào website của VMI để Mục sư có thể tìm hiểu. Vài ngày sau Mục sư email lại: dạ, cháu sẽ sắp xếp thì giờ cho Mục sư chia xẻ về VMI.
Đây là điều Chúa làm cho tôi vượt quá sự cầu xin hoặc suy tưởng, tôi chỉ ao ước có một buổi để vừa giới thiệu vừa dạy mẫu bài học căn bản của VMI, nhưng Chúa đã cho 5 buổi. Một chương trình Trại Hè Thanh niên của Hội Thánh đã được chuẩn bị trước đó ngay khi chương trình truyền giảng chấm dứt, khi mọi người đã đi về hết còn mình tôi ở lại. Một mình tôi múa kiếm. Mục sư quản nhiệm cho tôi hết 5 buổi học Kinh Thánh do ông đảm trách, chưa kể hai bài giảng bồi linh trong hai đêm ở đó để huấn luyện VMI. Trại hè là một khu vực ở ngoại ô Moscow, như các trung tâm retreat hay cắm trại ở Mỹ, nằm trong một khu rừng thưa xa vắng xe cộ và người (không có thú dữ), là một khu vực thơ mộng với dòng sông nhỏ uốn quanh, và một chiếc thuyền con neo trên bến, người nào thích có thể tự lên xuồng chèo đi mênh mang trên sông, suy tư, mơ mộng và thư giãn, nếu chèo trở lại không được thì cứ kêu cứu sẽ có người trên bờ nhảy xuống nắm thuyền kéo vào bờ.
Tôi có hai ngày đêm ở với khoảng 50 tín hữu của Hội Thánh tham dự trại. Ban ngày thì đi dạo, đá banh, chơi vũ cầu, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đạp xe đạp, chèo thuyền, ăn uống, học Kinh Thánh, huấn luyện VMI, ban đêm thờ phượng Chúa và sau đó lửa trại. Cái gì cũng nồng nhiệt, hết mình, không giới hạn, không để cái gì giới hạn niềm vui trong tình yêu của Chúa. Nhưng có lẽ điều làm tôi vui thỏa nhất là đã đem VMI đến cho Nga một cách hứng khởi. Tôi đã nhờ Chúa truyền được ngọn lửa đam mê phục vụ Chúa cho Hội Thánh. Khoảng 15 người (Mục sư và nhân sự) đã tham gia 5 buổi học cuốn Người Chăn Bầy Chúa Dùng trong giáo trình của VMI. Kể ra thì dài dòng, và có lẽ cũng có thể làm cho người ta nghĩ rằng mình tự tán dương hay kiêu ngạo, nhưng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã dùng hơi thở Ngài để thổi dạt những đám mây đen trên bầu trời lúc ban đầu, và ánh nắng của mùa hè rực rỡ cùng những làn gió mát từ phía dòng sông nhỏ thổi lên dãy nhà chúng tôi đang ngồi học, có thể nhìn ra xa, vào trong khu rừng bạch dương êm đềm mà hình dung ra dòng Volga lững lờ chảy ngang thành phố Moscow cổ kính, với những mái nhà thờ Chính Thống giáo dát vàng chói chang.
Những buổi học là tuyệt vời, mọi người enjoy thì giờ học, vừa học vừa cười rộ lên, vừa nhăn nhíu trán suy nghĩ để rồi lại cười rộ lên khi trả lời sai. Bài học của VMI có khác với những chương trình học khác vì chỉ được ngồi khi học, nhưng học xong rồi thì phải đứng dậy… mà đi, chứ không được phép ngồi nữa. Chúa trang bị chúng ta trong quân trường để đi ra chiến trường, chứ không ngồi trong quân trường. Một anh em phát biểu ngay trong giờ học rất… thật thà: chương trình học này… văn minh thật, đây là từ mà tôi chưa nghĩ ra. Tôi cầu nguyện xin Chúa ban phước Ngài một cách đặc biệt trên Mục sư quản nhiệm trẻ tuổi (dưới 30) rất năng động, nhiệt tình, đầy những hoài bão, và tất cả các anh chị em nhân sự năng động không kém, những người thật sự đi ra sau những giờ ngồi học. Tôi tạ ơn Chúa vì hình như đây là lần đầu tiên mà tôi nhìn thấy một Hội Thánh thật trẻ (chỉ có một hoặc hai người trên 50) và nhiệt thành, yêu mến Chúa như vậy. Tôi cũng tin vào tiềm năng phát triển của họ khi tìm kiếm khải tượng từ Chúa và bước đi trong khải tượng ấy.
Trước khi đi Trại Hè, tôi đã đề nghị đi thăm những cánh đồng rau (gọi là vườn rau), nơi những người Việt Nam đã đến và làm việc. Người Việt đi lao động nước ngoài tại Nga được chia vào ba khu vực chính: vườn rau, xưởng may và chợ. Nơi mà mỗi tháng, mỗi nửa tháng, mỗi tuần đều có người mới đến và có người cũ dời đi, tôi và Thu Vân đã đến đây, làm chứng, chia xẻ, có 3 người tin Chúa lần đó. Nhưng đó chỉ là bước ngắn, những lán rau ở gần, ít người. Ngay trước khi Trại Hè chấm dứt, tôi được một cặp vợ chồng trẻ mời trở lại vườn rau, mà tôi được cho biết rằng với một quy mô lớn hơn, cánh đồng rộng lớn hơn, đông người hơn. Cánh đồng hoàn toàn là nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhìn từ xa, cánh đồng mênh mông xanh ngắt, như bài hát của Phạm Duy vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu. Nhưng không cóbà mẹ quê nương náu mà là những người Việt tha hương cầu thực, quê nhà không nương thân nổi, phải trôi dạt quê người, đổ mồ hôi trên ruộng đồng xứ người để mưu cầu sự sống cho gia đình còn ở quê nhà. Đây là một cặp vợ chồng có tâm tình truyền giáo, người chồng là dược sĩ, người vợ là bác sĩ, nhưng dâng cho Chúa ngày thứ bảy để truyền giáo. Tôi cảm động và cảm phục tinh thần tận hiến cho Chúa của anh chị, và đứa bé gái mới năm tuổi. Hỏi, con đi theo ba mẹ để làm gì, con có làm gì không. Cháu đáp: con vào buồng kêu mọi người ra. Hỏi: họ có đi ra không. Cháu cười đáp, có người không, con nắm tay kéo ra. Tôi hỏi đùa, vậy họ có la con không. Không ạ, họ thế này này, cháu làm điệu bộ một người vùng vằng dằn kéo và kêu ứ ứ phản đối yếu ớt.
Từ Trại Hè trở về, chúng tôi đi vào vườn rau, đi xa hơn. Lán rau đầu tiên vắng ngắt, vì đang giờ làm việc trên đồng, cô bác sĩ nói: vậy thì mình đi ra đồng luôn. Cô tìm cho tôi một cái nón lá, rồi cả hai đi theo một người dẫn đường. Từ xa tôi có thể nhìn thấy những chấm đen di động từng nhóm rải rác khắp cánh đồng xanh và rộng. Từ xa tôi nghe tiếng cười chào: chào chị Trang, lâu quá không thấy Hội Thánh đến, cứ thứ bảy là chúng em về sớm, tắm rửa sạch sẽ ngồi chờ. Cô bác sĩ cười đùa: vậy chắc mấy ngày kia không tắm rửa sạch sẽ? Cả đám cười rộ lên vui vẻ trong nắng chiều. Một cô nói: tối hôm qua chúng em chạy trốn Amôn (cảnh sát đặc nhiệm Nga), lên rừng ngủ muỗi cắn quá chị ạ. Thế lúc chạy có kêu ai không. Có ạ, chúng em kêu Chúa quá. Chúa bảo sao. Chúa che chở chị ạ, không ai bị gì hết. Nghe mà thương biết bao. Không thể tập trung những nhóm người đang di động trên khắp cánh đồng, chúng tôi đi đến những người đang làm việc gần nhau và gọi họ lại gần bên để làm chứng và chia sẻ, ai cần làm chứng thì được làm chứng, ai cần chia sẻ thì được chia sẻ, và rồi sau đó thì nắm tay nhau cầu nguyện, cứ như thế chúng tôi di chuyển hết cánh đồng không để sót người nào. Khi đi ra, một cô nói: chị đi qua lán bên kia rồi trở lại đây chị nhé, chúng em cố gắng làm cho xong chỉ tiêu sớm rồi về nhà chờ, 7 giờ chị nhé. Nhưng chúng tôi không thể hứa được, vì còn nhiều nơi để đi, mà chỉ có chúng tôi, một nhóm người. Tôi thấm thía câu nói của Chúa Jesus: đồng lúa thì thật trúng, mà con gặt thì ít. Vậy hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.
Cô bác sĩ nói: chúng con muốn đi cho tới khoảng 2 giờ sáng mới hết các lán ở gần đây, mọi người sẵn sàng thức để nghe lời Chúa, nhưng Mục sư Hòa gọi bảo cho Mục sư về sớm vì mai Mục sư còn giảng cho Hội Thánh, nên khoảng 12 giờ mình sẽ về. Có 11 người tin Chúa trong đêm hôm đó. Tôi về đến nhà khoảng 1 giờ sáng, vẫn còn băn khoăn về mục vụ trên cánh đồng rau. Tại đây những người Việt tha hương, thương nhớ gia đình, làm việc cật lực, luôn bị săn đuổi, bị bắt bất cứ lúc nào, từ nơi này đến nơi khác. Hội Thánh ở đây có tấm lòng truyền giáo và khả năng truyền giáo, nhưng để chăm sóc những người mới tin Chúa lại là một điều khó, cần một lực lượng đông đảo hơn, sẵn sàng tận hiến cho Chúa để cứu người. Tôi tin rằng chương trình VMI có thể là một phương pháp thích hợp nhất cho tình trạng ở đây. Sau khi họ tin Chúa, sẽ chăm sóc ngay bằng tài liệu của VMI. Khi họ đi đâu, về đâu, di chuyển đến bất cứ nơi nào, thì có lời Chúa đi cùng. Lúc ấy lời Chúa sẽ nuôi họ và làm cho họ lớn lên. Bao nhiêu người còn đứng vững, chúng ta không biết, nhưng Chúa biết, vì tôi đã trồng, A bô lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 1 Cô rinh tô 3:6. Chúng ta chẳng đặt những câu hỏi thế nào, ra sao, chỉ hãy trung tín làm công việc Chúa giao cho, hãy trồng hãy tưới, Chúa chịu trách nhiệm về sự lớn lên, không phải mình. Hãy cứ quăng bánh trên mặt nước, khỏi lâu ngày, có thể sẽ tìm thấy nó lại trên một bến bờ khác.
Tôi đã sử dụng gần cạn số tiền ít ỏi đã gây quỹ được từ những người yêu mến chức vụ mình và yêu mến công tác truyền giáo. Tôi nhớ tới bữa ăn lần trước để tiễn những người truyền giáo về sớm tại một nhà hàng Chinese Buffet, tôi nhẩm tính số tiền chi ra cho những người mà tôi dự tính sẽ mời đi ăn chung với nhau bữa tối cuối cùng trước khi rời Nga, và thấy là vừa đủ, không còn một đồng nào để… lận lưng khi trở về, nhưng tôi quyết định nhờ Mục sư Hòa mời hết 25 người mà tôi muốn mời. Chúng tôi có một bữa ăn vui nhất trong các chuyến truyền giáo của tôi. Khi trở về nhà, tôi lấy những món quà mà Hội Thánh tặng ở trong những cái túi giấy ra xếp vào va ly, giao những cái túi giấy không cho các cô ở trong nhà. Một lát sau, cô cầm một xấp tiền Nga ra phòng khách và cười nói: có phải đây là số tiền Chúa ban phước cho con không. Mục sư đưa con mấy cái túi không bảo quăng giúp vào thùng rác, nhưng con còn cẩn thận xem có gì còn bên trong không thì thấy số tiền này. Mục sư Hòa bảo: đó là số tiền Hội Thánh gởi tặng Mục sư, con sẽ đổi tiền đô la cho Mục sư. Số tiền ấy tương đương với 110 đô la Mỹ. Thật là tuyệt vời. Chúa lo liệu hết cả.
Tôi đã suy nghĩ không biết Chúa có chương trình gì cho tôi khi đến Nga và đó là gì. Những ngày đầu khi tham gia chương trình truyền giảng tôi chưa thấy rõ điều Chúa muốn. Nếu chỉ đến Nga và giảng, 47 người tin Chúa, tôi e rằng đó không phải là điều Chúa muốn. Nhưng vào đến hiệp hai của trận đấu, mọi sự đã dần dần được bày tỏ. Tiếng kêu gọi ấy chẳng phải trong đồng vắng, mà tại vườn rau, và nếu tôi đi vào các xưởng may, tôi sẽ lại nghe thêm những tiếng gọi. Như Phao lô nghe tiếng gọi từ Ma xê đoan: hãy qua xứ Ma xê đoan mà cứu giúp chúng tôi. Dĩ nhiên bây giờ thì chúng ta sẽ nói khác đi một chút: hãy đem Chúa Jesus đến Nga mà cứu chúng tôi, chúng tôi cần Chúa Jesus. Ngay khi tôi đặt chân đến lãnh thổ nước Mỹ mà chưa kịp về đến nhà, còn một chuyến bay 55 phút nữa, tôi mở iPhone và nhận được 2, 3 cái email: Xin Mục sư trở lại Nga càng sớm càng tốt, tốt nhất là mùa đông năm nay. Tôi nhớ câu Kinh Thánh 2 Ti mô thê 4:21 và tựa đề một bài giảng của Mục sư Huệ mà tôi rất thích: Con hãy cố sức đến trước mùa đông.
Nhưng Chúa vẫn chưa hết làm điều lạ lùng của Ngài. Trong những ngày ở trại tôi để ý đến một thanh niên rất năng nổ khi làm việc, ai giao việc gì cũng làm, không ai giao việc thì tự làm, khi có người góp ý thì nghe, với một khuôn mặt tươi cười. Trong những lúc tôn vinh Chúa, tôi thấy anh nhắm mắt lại và để trôi linh hồn mình vào một bến bờ xa xăm nào đó. Buổi tối thứ hai trong trại, sau bài giảng của tôi, khi Mục sư Hòa kêu gọi mọi người lên cầu nguyện xưng tội cùng với các Mục sư, anh đi lên, nói: xin Mục sư cầu nguyện cho con, con có những vấn đề cần cầu nguyện. Khi tôi cầu nguyện cho anh thì anh thổn thức khóc. Cầu nguyện xong thì anh nắm tay tôi và nói: con cám ơn Mục sư. Tôi nhìn người thanh niên ấy và nghĩ đến câu chuyện người đàn ông giàu có trong Kinh Thánh, không phải vấn đề giàu có, nhưng vì câu Kinh Thánh này: Chúa Jesus nhìn người mà yêu.
Buổi tối thông công ở nhà hàng buffet, trong khi mọi người lần lượt người bắt tay người ôm vai nói lời tiễn biệt và hy vọng gặp lại, anh đến gần tôi và nói nhỏ: sáng sớm mai con muốn đưa Mục sư ra phi trường, con có thể đến nhà Mục sư Hòa ở lại đêm nay không. Tôi nói được. Về đến nhà đã 12:30 sáng mà 3 giờ phải ra phi trường. Chỉ có khoảng 2:30 tiếng nữa. Dĩ nhiên là chẳng thể ngủ trong tình huống như vậy với thì giờ như vậy, tôi hiểu rằng tôi phải tiêu số thì giờ ít ỏi đó cho người thanh niên này, còn rất nhiều thì giờ trên máy bay để ngủ. Chúng tôi nói chuyện với nhau trong căn phòng nhỏ mà gia đình Mục sư Hòa đã phải dồn người lại nhường cho tôi trong suốt một tuần tôi ở lại Nga. Trước khi rời phòng, chúng tôi nhìn nhau, cả hai cùng hiểu ý nhau và từ trong lòng biết phải làm điều gì, ngay lúc đó, vì không còn thì giờ nữa. Chúng tôi cầu nguyện để Phao lô có thể nhận Ti mô thê làm đứa con yêu dấu của mình. Vào đến những giây phút cuối cùng tại Nga, mà Chúa còn muốn cho tôi một món quà đặc biệt nữa, món quà này ngoài sự suy tưởng tôi. Rồi anh chạy ra ngoài và trở vào với một túi giấy đựng quà: con đã chuẩn bị món quà này từ chiều, vì biết rằng sẽ cần đến nó đêm nay. Đây là cái đồng hồ. Người ta nói cái mà tình yêu cần là thời gian, Bố cần cái đồng hồ để dành thời gian cho tình yêu. Wow. Ti mô thê nói một câu còn hay hơn cả Phao lô J Tôi không hề chuẩn bị món quà đáp lễ, nhưng hứa là khi trở lại Mỹ sẽ có.
Tôi rời Nga sáng sớm mai hôm ấy, nhưng mang theo trong lòng hình ảnh của Hội Thánh, của Mục sư quản nhiệm, những anh chị em nhân sự, hình ảnh của những người Việt Nam bị bắt đang nắm tay nhau đi một đoàn dài đi vào chiếc xe chở mình đến nơi giam giữ, hình ảnh những người Việt Nam lam lũ cần cù trên những cánh đồng rau, những người rất cần Chúa Jesus cho cuộc đời của họ. Và hình ảnh của Ti mô thê mới, mà tôi hy vọng sau này sẽ trở thành một Ti mô thê cũ, một thế hệ mới bước tới khi những thế hệ cũ bước lùi lại và dần đi vào quá khứ.
MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN