CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ CHO CHÚA
ĐÁNH THỨC NGƯỜI KHỔNG LỒ ĐANG NGỦ TRONG HỘI THÁNH
Viện Nghiên Cứu Gallup đã có thống kê cho thấy trong hầu hết các Hội Thánh ở Mỹ chỉ có 10% tín hữu là tích cực hoạt động trong việc thờ phượng, dâng hiến, dạy đạo, truyền giáo. Trong khi đó có 50% tín hữu chỉ đi nhóm rồi về nhà, lúc nào cũng ở không, không muốn làm gì, nói mấy cũng vậy. Nhưng Gallup cũng nhận thấy có 40% tín hữu còn lại thì hầu hết đều muốn làm nhưng không được mời hoặc muốn làm nhưng không biết làm sao. Mục Sư Rich Warren gọi đây là một mỏ vàng chưa khai thác. Ông nói: “Nếu chúng ta dùng 40% số người nầy, cùng với 10% người có sẵn, chúng ta sẽ có 50% tín hữu trong Hội Thánh cùng nhau phát triển Hội Thánh.” Mục Sư Rich Warren nói tiếp: “Chúng ta đang có một người khổng lồ đang ngủ trong Hội Thánh.”
Bí quyết “đánh thức người khổng lồ” để phát triển Hội Thánh ngày nay là trang bị chương trình Đào Tạo Môn Đồ cho các Hội Thánh để ai nấy đều biết cách thi hành đại mạng lịnh Chúa. Nguyên tắc và phương pháp Đào Tạo Môn Đồ được Kinh Thánh giới thiệu trong 2 câu Kinh Thánh chép ở Ma-thi-ơ 28:18-20 và 2 Ti-mô-thê 2:2.
- TIN CẬY VÂNG LỜI THI HÀNH ĐẠI MẠNG LỊNH CỦA CHÚA…
- GIAO THÁC PHÚC ÂM CHO MẤY NGƯỜI TRUNG THÀNH… CÓ TÀI DẠY DỖ NGƯỜI KHÁC…
Tôi cảm ơn Chúa là Chúa đang dẫn dắt để người Việt chúng ta có thể thành lập VIỆN ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ (Vietnamese Missionary Institute). Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam đang có một học trình đơn giản gồm 3 cấp:
- Tôi Muốn Biết Chúa.
- Tôi Muốn Theo Chúa.
- Tôi Muốn Hầu Việc Chúa.
Ba cấp nầy có thể học xong trong 6 tháng đến một năm và được cấp CERTIFICATE OF MISSIONARY PREPARATION.
Ngoài ra, Viện còn một chương trình tiếp theo để đào tạo những người lãnh đạo mở thêm Hội Thánh mới: “Tôi Muốn Thành Tôi Tớ Chúa.” Phương pháp của chương trình nầy là lắng nghe tiếng Chúa, nghiên cứu Kinh Thánh, đọc, thảo luận sách giáo khoa của Viện, tự khám phá ý muốn Chúa… với tinh thần “leaders are readers and readers are leaders” (người lãnh đạo là người đọc sách, người đọc sách là người lãnh đạo).
Nguyên tắc thì ít nhưng phương pháp thì nhiều. Nguyên tắc không thay đổi nhưng phương pháp có thể thay đổi. Tôi thấy mạng lịnh Đào Tạo Môn Đồ Cho Chúa là một nguyên tắc không thay đổi, chúng ta phải vâng lời thi hành…nhưng ngày nay với phương tiện truyền thông liên lạc rộng khắp và nhanh chóng chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp mới thi hành đại mạng lịnh của Chúa. Ví dụ đặt mục tiêu: Mỗi người đào tạo 1 học trò, mỗi năm sinh cho Chúa 1 người con thuộc linh. Qua lớp học hằng tuần, qua internet, qua điện thoại, qua cầu nguyện, qua tiếp xúc học viên…Tôi nhận thấy phương pháp học để dạy và dạy để học (learn to teach and teach to learn) là một phương pháp tốt và thích hợp nhất với đời sống bận rộn của chúng ta trong thế giới ngày nay. Hãy bắt đầu, Chúa sẽ dẫn dắt bạn.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Giám Đốc
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE
www.vmiweb.org
———————————–
DẠY ĐỂ CỨU NHỮNG CUỘC ĐỜI
MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ
Mục Sư Giáo Sĩ Ted Lindwall hiện đang sống ở McKinney, Texas là người bạn vong niên của tôi. Tôi đã nhiều lần đến thăm và ăn chung với ông từ khi bà còn sống, nay bà đã qua đời, ông sống một mình. Ông làm giáo sĩ cho Guatamala trong 40 năm. Ông nay đã 85 tuổi mà vẫn còn hầu việc Chúa. Ông có mục vụ dạy trong tù. Ông thông thạo tiếng Anh và tiếng Mễ nên ông tìm dạy Kinh Thánh cho người nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi yêu ông như người thầy và người bạn. Ông thích dạy hơn là giảng. Ông viết phần lớn các sách học của chương trình Đào Tạo Môn Đồ mà VMI đang dùng. Tinh thần truyền giáo của ông đã ảnh hưởng đến tôi và phương pháp đào tạo môn đồ của ông đã thay đổi phương cách hầu việc Chúa của tôi. Tôi tin rằng Chúa sai ông đến với tôi và tôi đến với ông, vì vương quốc Chúa, vì chủ trương truyền giáo bởi người Việt, vì người Việt của tôi. Mục Sư Ted Lindwall có ơn thuyết phục. Không phải bằng lời nói mà bằng ngòi viết của mình. Tôi thích đọc bài viết của ông.
Ông viết: “Trước khi các môn đồ gọi Chúa Giê-su là Cứu Chúa, họ đã gọi Ngài là Thầy. Chúng ta cần hiểu sự dạy dỗ và sự cứu rỗi là hai phần của cùng một hành động. Sau khi Chúa Giê-su chết vì tội chúng ta, Ngài đã không truyền lịnh chúng ta hãy chết cho tội nhân nhưng hãy ra đi và dạy dỗ Tin Lành cho họ. Cách duy nhất để sự chết của Chúa có thể cứu rỗi một tội nhân là người đó phải biết mình là tội nhân, rằng Chúa đã chết thế cho họ và họ phải quay khỏi tội lỗi và tin cậy Chúa hoàn toàn để được tha tội. Làm như vậy họ sẽ trở nên một phần của dân Ngài. Vì lý do đó, mạng lịnh cuối cùng trên đất của Chúa truyền là chúng ta phải đi ra với thế giới hư mất và đào tạo môn đồ, làm báp-têm cho họ và huấn luyện họ làm mọi điều Chúa truyền. Đào tạo môn đồ tức là dạy cho người khác về Chúa, để họ tin cậy Giê-su là Chúa và Cứu Chúa, và theo Ngài suốt đời cho đến vĩnh cửu.”
Sự vâng lời chịu chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá là điều cần thiết cho sự cứu rỗi loài người. Sự vâng lời của chúng ta cũng quan trọng như sự vâng lời của Chúa, bởi vì nếu chúng ta không vâng lời Chúa, thì sự chết của Ngài là vô ích đối với các tội nhân.
Các phong trào đầy quyền năng của loài người, dù tốt hay xấu, đều được xây dựng trên sự giáo dục. Hitler đã gây ra cái chết cho nhiều triệu người bằng cách dạy cho dân Đức rằng số mệnh của họ là chinh phục thế giới. Ngày nay, một số lớn những người tử vì đạo của các tôn giáo tự mang bom, gây nổ, làm chết hay bị thương cho nhiều người vì họ tin rằng làm vậy là làm đẹp lòng Chúa, theo như sự dạy dỗ của những ông thầy xúi giục họ làm theo. Trên đường phố của chúng ta cũng có những tiên tri giả, đang dẫn dụ người ta ra khỏi phúc âm để tìm đến các hy vọng giả tạo theo theo tôn giáo của họ. Họ làm việc dạy dỗ chết chóc của họ nếu có người nào nghe họ. Dạy người khác là chiến trường của linh hồn, dù đó là của Chúa hay của Satan. Người tín hữu không nhận biết tầm quan trọng của việc đào tạo môn đồ cho những người hư mất đều là những người mù và dốt.
Dấu hiệu thật của sự trung tín không phải là đi nhà thờ nhưng là đi ra vào trong thế gian, biểu lộ tình yêu cho mọi người, vâng lời Chúa, và đào tạo môn đồ cho Chúa. Làm như vậy, chúng ta đang đồng công với Chúa trong chương trình cứu chuộc. Chúa Giê-su đã phán, “Cha ta sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Giăng 20:21). Chúa đã ra đi, dạy dỗ môn đồ và chết để cứu chúng ta. Chúng ta cũng phải ra đi, dạy và sống cho Chúa để hoàn thành sự cứu rỗi của chúng ta. Đây là việc làm cao quý nhất bởi vì chúng ta được sai đi để đồng công với Con Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi đồng bào.
Chúa Giê-su và các sứ đồ đã đi vào thế gian để đào tạo môn đồ cho những người nam người nữ đang hư mất. Khi những người nầy hiểu rõ sứ điệp và cách áp dụng cho mình, họ dâng mình đầu phục Chúa. Họ được biến đổi bởi một hành động mà Chúa Giê-su gọi là “sự tái sinh”. Một em bé được sinh ra đời sau một thời gian người mẹ mang thai, sự sinh đẻ thuộc linh cũng như vậy. Vì thế trong Tân Uớc việc đào tạo môn đồ khởi đầu bằng cách dạy Tin Lành cho người chưa phải là tín đồ. Ngày nay, các Hội Thánh thường mở chương trình môn đồ hóa để dạy các tín hữu chưa trưởng thành, chứ không phải cho người đang hư mất. Ngày nay việc chứng đạo hay giảng Tin lành thường là vội vàng và người tham gia giảng đạo thường trông đợi người hư mất tin Chúa ngay sau 20 phút trình bày cách làm thế nào để được cứu. Điều nầy ngụ ý những người nghe đó đã sẵn sàng để được cứu. Không lạ gì đa số những người cầu nguyện quyết định tiếp nhận Chúa trong chỉ vài phút đã không hề bày tỏ sự sống mới của họ trong Chúa sau đó. Đó là do người tín đồ kêu gọi một người ngoại tin Chúa không cần ăn năn, không cần xây bỏ khỏi tội lỗi vốn phân cách họ với Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi không ăn năn, tất cả sẽ bị hư mất như vậy” (Lu-ca 3:5).
Phi-e-rơ giảng, “Hãy ăn năn, trở lại cùng Đức Chúa Trời, để tội lỗi các ngươi được xoá sạch” (Công vụ 3:19).
Phao-lô giảng cho các trưởng lão Hội Thánh Ê-phê-sô, “giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta” (Công vụ 20:21).
Phi-e-rơ viết, “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9).
Bạn nghĩ thế nào về những lời bình luận sau đây về sự ăn năn?
( ) Chỉ kẻ tội nhân xấu xa nhất mới cần ăn năn để được cứu.
( ) Người không ăn năn xây bỏ khỏi tội lỗi là hư mất.
( ) Tất cả điều Kinh Thánh yêu cầu chỉ là “mời Chúa vào lòng.”
( ) Quyết định tiếp nhận Chúa chỉ là một quyết định đạo đức.
( ) Yêu cầu người ta tin dễ hơn “ăn năn tội lỗi”.
( ) Bất cứ kế hoạch cứu rỗi nào mà không cần ăn năn đều thiếu sót.
( ) Nếu ăn năn là cần thiết cho sự cứu rỗi, chúng ta cần nói cho người ta biết.
( ) Cần hơn 20 phút để dẫn dắt một người quay bỏ tội lỗi và tiếp nhận Giê-su là Chúa và Cứu Chúa.
Nhiều nhà truyền đạo kinh nghiệm, khi đọc những câu Kinh Thánh nầy, sẽ bắt đầu cảm thấy tính chất yếu ớt của nhiều nỗ lực truyền giáo truyền thống. Chúng ta cảm nhận rằng nhiều thành viên Hội Thánh đều chưa thật sự quy đạo, và điều nầy thật rõ ràng là có lý do.
Vì sự ăn năn tội là yêu cầu thuộc linh quan trọng cho sự cứu rỗi, chúng ta hãy trở lại với chiến lược truyền giáo của Chúa Giê-su. Chiến lược đó có đòi hỏi cao hơn nhưng có kết quả lớn hơn và lâu dài hơn. Mạng lịnh cuối cùng của Chúa với chúng ta là “Hãy đi ra và đào tạo môn đồ khắp mọi nơi, làm báp-tem cho họ… và huấn luyện họ vâng theo mọi điều ta đã bảo các con làm” (Ma-thi-ơ 28: 19-20).
Bạn nghĩ gì về Đại Mạng Lịnh?
( ) Đó là mạng lịnh Chúa giao cho tất cả các tín đồ, không phải chỉ cho các Sứ Đồ.
( ) Mạng lịnh đó đòi hỏi chúng ta ra đi đến với người hư mất và dạy Tin lành cho họ.
( ) Mục tiêu chỉ là “nhiều người sẽ tuyên xưng đức tin”.
( ) Mục tiêu thứ nhất là mỗi người tin Chúa thật sẽ công khai chịu báp-tem.
( ) Mục tiêu thứ hai là chúng ta huấn luyện tất cả các tín đồ vâng theo Chúa Giê-su trong mọi sự.
( ) Mạng lịnh nầy cũng như các lời dạy của Chúa muốn chúng ta làm nhiều quá, không thực tế.
( ) Chiến lược của Chúa Giê-su thành công trong việc biến đổi các cuộc đời, chiến lược của con người thất bại.
Trở thành thầy giáo đức tin (truyền đạo Tin Lành) là noi gương của Chúa Giê-su. Ngài đã đi vào thế gian kêu gọi mọi người nam nữ ăn năn và tin Chúa, vì nước Thiên Đàng đã gần (Ma-thi-ơ 4:17). Trước khi có đức tin và ăn năn, người chưa tin Chúa đang khuất phục dưới quyền tể trị của sư tối tăm với án phạt chết mất đang treo trên đầu (Giăng 3:36). Từ bỏ tội lỗi, bản ngã và đầu phục Chúa như là Chúa và Cứu Chúa là nhờ ân điển Chúa mà một người bước vào Nước của Con yêu dấu của Đức Chúa Trời. “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài, 14 trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội” (Cô-lô-se 1:13-14).
Chỉ tiếp nhận bài tín điều sứ đồ vẫn chưa đủ. Chúng ta phải tìm kiếm cho được sự tái sinh và được bước vào gia đình của Đức Chúa Trời như là con trai, con gái của Ngài (Giăng 3:3). Điều nầy xảy ra do quá trình đào tạo môn đồ cho những người hư mất của thế giới. Đó chính là nhiệm vụ thiêng liêng và đó là công việc riêng bản thân của chúng ta.
Hãy bắt đầu công việc học để dạy và dạy để học. Cách dạy học nầy sẽ thay đổi đời sống học viên và chức vụ giảng đạo của chúng ta.
Bạn sắp được trang bị để dạy cả người được cứu lẫn người hư mất qua cách dạy khám phá. Người dạy sẽ hướng dẫn học viên tự khám phá cho mình các lẽ thật sâu nhiệm của Kinh Thánh, chứ không phải chỉ kể lại cho họ các lẽ thật nầy. Người ta không quan tâm nhiều đến những gì người khác nói cho họ, nhưng họ sẽ nhớ khi chính họ khám phá ra sự thật và tuyên bố ra. Sức mạnh của việc dạy các môn học của Viện Đào Tạo Môn Đồ là khả năng tham gia toàn bộ của cả người tin lẫn người chưa tin. Ông thầy sẽ hướng dẫn bài học và bạn là học viên sẽ thực hành bài học nầy với người khác. Khi bạn cùng học với người chưa tin Chúa, hãy khuyên học viên đọc lớn lên lời của Chúa. Hãy luôn luôn nhắc các học viên tìm câu trả lời từ trong Kinh Thánh chứ không phải bày tỏ ý kiến cá nhân. Chính Kinh Thánh mới có thẩm quyền trong lớp học chứ không phải giáo viên hay học viên.
Lỗi thông thường của các giáo viên là cứ đọc và đưa ra ý kiến của mình. Điều nầy có vẻ thích cho giáo viên mà không thích cho học viên. Ngược lại các giáo viên khôn ngoan sẽ dùng những câu hỏi để dẫn các học viên tự khám phá lẽ thật cho chính mình qua các câu Kinh Thánh. Khi các học viên trả lời đúng câu hỏi thì giáo viên hãy khen ngợi họ đã hiểu Kinh Thánh. Càng vui mừng khi hiểu Kinh Thánh các học viên sẽ tin tưởng lẽ thật bền chắc hơn trong lòng.
Dạy bài học mẫu
Bạn có thể bắt đầu dạy bài học mẫu cấp 1 VMI cho các học viên.
-Những Người Đã Biết Chúa Giê-su Học mẫu bài 1, 2 và 5
-Quyền Năng Đức Tin Bài 1 và 2
-Những Bước Đầu Làm Môn Đồ Chúa Bài 1 và 2
Đối với những ai chưa biết tại sao phải dùng tài liệu VMI, bạn có thể bắt đầu với tài liệu Dạy Để Cứu Những Cuộc Đời và bài học Mỗi Người Thi Hành Đại Mạng Lịnh.
NĂM CÂU HỎI QUAN TRỌNG VỀ CHỨC VỤ ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ
1. Làm thể nào để mời học viên đến học?
2. Bạn sẽ đào tạo ai làm môn đồ?
3. Bạn sẽ dạy gì?
4. Bạn sẽ dạy như thế nào?
5. Bạn sẽ dạy ở đâu?
1. Làm thế nào để mời học viên đến học?
Khi bạn nói đến việc học Kinh Thánh, người ta sẽ cho đó là việc dễ chán do bạn muốn truyền đạo cho họ. Đừng ngạc nhiên khi thấy một số người thực sự sợ học Kinh Thánh cùng với bạn. Vì lý do đó, tốt nhất là bạn giới thiệu cho thân hữu một số đề tài sách mà họ thích. VMI đang có sẵn một số đề tài như vậy. Khi thảo luận từ trong một câu chuyện của Kinh Thánh, họ sẽ lập tức thấy ý kiến của họ là quan trọng chứ không phải là ý của bạn.
Đối với nhiều người thì việc học đã là không hấp dẫn họ huống chi là học Kinh Thánh. Vì thế bạn nên khôn ngoan mời họ học thử một câu chuyện của Kinh Thánh (thường là một bài học in rời ra). Nếu học xong họ thấy thích, chúng ta sẽ mời họ học tiếp. Trong nhiều trường hợp, người đó sẽ thích và bạn bắt đầu có một học trò. Bạn có thể mời bạn hữu tham gia các sinh hoạt vui vẻ khác trước khi học Kinh Thánh.
Bạn sẽ thấy một số người muốn tìm hiểu Tin Lành, (chẳng hạn họ đã đến nhà thờ), bạn hãy đến nhà ở hay chỗ ở của họ để bắt đầu dạy cấp 1: Tôi Muốn Biết Chúa. Bạn sẽ thấy học trò của bạn sẽ nhanh chóng đến cùng Chúa. Chúa đang làm việc trong lòng họ. Cũng có những người chưa sẵn sàng học, nhưng nếu họ biết cách học của chúng ta qua những câu chuyện dễ hiểu như thế, họ sẽ không sợ học và sẽ tăng trưởng đức tin qua lời Chúa.
2. Bạn sẽ đào tạo ai làm môn đồ?
Ông Ma-thi-ơ đã viết câu chuyện của ông. “Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đương ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài” (Ma-thi-ơ 9:9).
Chúa Giê-su luôn tìm kiếm người mà Ngài có thể kêu gọi để theo Ngài. Có cả đám đông xung quanh Ngài, nhưng Ngài nhìn thấy một người đặc biệt và kêu gọi người đó. Người đó là ông Ma-thi-ơ. Ngay lúc đó ông Ma-thi-ơ chưa được cứu rỗi. Nhưng ngay từ giờ phút đó ông ấy đã trở nên học trò, và trở thành môn đồ của Chúa. Có phải tất cả những người Chúa kêu gọi đều theo Chúa không? Không, không phải tất cả đâu. Một thí dụ là anh chàng trẻ tuổi giàu có và quyền thế, khi suy nghĩ đến cái giá phải trả khi theo Chúa, đã quyết định xây lưng bỏ đi. Chúa Giê-su đã nói, “Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn” (Ma-thi-ơ 20:16). Điều nầy đúng với chức vụ của Chúa Giê-su cũng đúng với chức vụ của bạn ngày nay. Có một số người sẽ khước từ khi bạn mời họ học. Có thể lần đầu họ khước từ nhưng lần sau có thể khác. Vì thế tôi nghĩ hãy cầu nguyện để Chúa cảm động lòng người muốn học là tốt nhất. Điều vui là một số người sẽ dành cho bạn cơ hội để dạy. Đó là những người bạn thực sự muốn mời. Đừng ép buộc ai không thích học, nhưng hãy thường xuyên để ý người nào Chúa Thánh Linh đang cảm động.
Khi Chúa nhìn ông Ma-thi-ơ, Ngài biết ngay ông có tấm lòng khao khát thuộc linh và ông muốn kết bạn với Chúa. Khi bước đi trong cuộc đời, bạn cũng sẽ gặp thấy những người đang cần đến Chúa mà bạn muốn giới thiệu cho họ. Họ sẽ vui đón tiếp bạn, đồng hành với bạn. Con đường hay nhất là bạn cứ mời gọi học trò và chờ đợi Chúa làm việc.
Bạn cảm thấy Chúa đang sai bạn đến với ai? Nhiều người cảm động đến với thiếu nhi và họ chuyên dạy đạo cho thiếu nhi. Có người thích dạy đạo cho thanh niên và dành thì giờ cho thanh niên. Có người được kêu gọi nói chuyện về Chúa cho người nam. Những người khác được kêu gọi truyền đạo cho phụ nữ. Những người khác thích làm việc cho cả gia đình. Có người thích phục vụ cho các tù nhân. Khi Chúa kêu gọi bạn, bạn sẽ thấy thích tập trung thì giờ công sức đến một nhóm người mà bạn thấy thoải mái và vui lòng nhất để dạy đạo, để đầu tư cuộc đời của bạn.
3. Bạn sẽ dạy gì?
Trước hết, bạn cần dạy điều mà người học trò thích tìm hiểu nhất. Họ cần Chúa hơn cần bất cứ thứ gì khác. Một số người sẽ ý thức lẽ thật nầy và sẵn sàng học các sứ điệp cứu rỗi. Hãy bắt đầu dạy các bài học có trong cấp 1: Tôi Muốn Biết Chúa. Đó là bài học “Những Người Biết Chúa Giê-su” (theo sách Giăng) và bài “Quyền Năng Đức Tin” (theo sách Công Vụ). Học viên sẽ làm quen với những bài học Kinh Thánh. Kinh Thánh ghi chép đủ loại câu chuyện với mọi tình huống của đời sống. Ẩn chứa trong mỗi câu chuyện là những giáo lý Kinh Thánh bao gồm giáo lý cứu rỗi. Sau khi tiếp nhận Chúa, học viên sẽ tiếp tục học “Những Bước Đầu Làm Môn Đồ Của Chúa”. Môn học nầy giúp họ biết chắc đức tin, lý do được báp-tem và các sự kiện căn bản về đời sống mới của người theo Chúa.
VMI còn có những môn học cấp 2, cấp 3 và cấp 4. Bạn có thể liên hệ với VMI để có những bài học mới. VMI cũng có 260 câu chuyện từ Kinh Thánh để dạy đạo cho thiếu nhi (hiện các bài học nầy chỉ có trong tiếng Anh).
4. Bạn sẽ dạy như thế nào?
Phần lớn các tín hữu không được huấn luyện để thành các giáo viên. Tuy nhiên các bài học đào tạo môn đồ được giới thiệu ở đây rất dễ để dạy. Dĩ nhiên sự hiểu biết toàn bộ Kinh Thánh là cần và quý nhưng những bài học nầy có mỗi bài là một câu chuyện nên không đòi hỏi người dạy biết Kinh Thánh nhiều. Ngay cả người chưa tin Chúa vẫn có thể dạy cho thân nhân gia đình của mình. Họ chỉ dạy dựa theo cách trình bày của sách.
Điều nầy dẫn đến bí quyết thành công lớn nhất trong việc dạy Kinh Thánh cho người khác. Đó là sử dụng những câu hỏi để giúp thân hữu khám phá lẽ thật Kinh Thánh cho chính họ. Đây là cách giáo dục của người Do Thái và là cách áp dụng thành công ngày nay trên thế giới. Vì lý do đó, mỗi chuyện Kinh Thánh, dù là cho người lớn, thanh niên hay thiếu nhi, chỉ yêu cầu học viên trả lời các câu hỏi về Thánh Kinh. Các câu hỏi không khó, nhưng sẽ dẫn họ đến chỗ hiểu biết về Chúa và về ý Chúa cho con người. Các câu hỏi cũng được trình bày cách nào để các học viên không tranh cãi với nhau về điều Kinh Thánh muốn nói với họ.
5. Bạn sẽ dạy ở đâu?
Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy ra đi vào trong thế gian và đào tạo môn đồ ở đó. Được dạy trong cơ sở thánh đường là tốt nhưng đối với thân hữu nên dạy họ bên ngoài nhà thờ. Chúng ta có thể dạy học Kinh Thánh ở bất cứ nơi nào có thể ngồi lại với nhau và cùng đọc bài học. Có thể đó là nơi làm việc, nơi ăn trưa. Đó có thể là giờ sinh hoạt gia đình với người lớn trẻ em. Phụ nữ có thể được mời uống trà và học Kinh Thánh. Đàn ông có thể ngồi chung ở tiệm ăn để học Kinh Thánh. Trẻ em có thể tập trung ở nhiều nơi khác nhau. Bạn có thể bắt đầu học với chỉ một người hoặc hai ba người. Trong một gia đình bạn đến thăm, có thể cùng ăn chung rồi chia nhóm ra học theo các dạng tuổi.
Tiện lợi của việc thi hành Đại Mạng Lịnh là chúng ta có thể dạy đạo ở khắp mọi nơi. Chúng ta không cần tốn tiền để thuê chỗ học. Chúng ta có thể đến nhà bạn hoặc nhà người muốn tiếp. Chúng ta có thể dùng công viên, sân sau nhà, trong phòng khách hoặc ngay ở trong nhà tù hay trong trại lính. Chúa Giê-su đã dạy dân chúng bên bờ hồ, trên sườn núi, trong khu vườn, trên chiếc ghe, trên phòng cao. Chúa sẽ chỉ cho bạn biết bạn sẽ đến đâu và học trò của bạn là ai. Bạn không cần ép người nào tin hoặc thúc hối họ có ngay quyết định thuộc linh. Bạn hãy ra đi, đến với thân hữu, mở Kinh Thánh ra cho họ, và bạn sẽ thấy “đức tin đến bởi sự người ta nghe lời của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 10:17). Bằng phương cách ấy, học trò sẽ tin cậy bạn, yêu Kinh Thánh, và sẽ yêu Chúa và rồi sẽ tin nhận Chúa. Đây cũng là phương pháp truyền đạo đơn giản của Chúa Giê-su. Đời sống theo Chúa của bạn sẽ chưa đầy đủ cho đến khi bạn ra đi dạy về Chúa cho người khác theo như mạng lịnh của Chúa.
Quyền năng Chúa không thay đổi, mạng lịnh Chúa không thay đổi, và lời hứa của Chúa không thay đổi. Tôi cũng thấy nan đề của loài người không thay đổi và giải pháp cho nan đề loài người vẫn không thay đổi. Chỉ có Tin lành mới là quyền phép của Chúa cứu rỗi người tin. Các tôn giáo và triết lý loài người không cứu được ai. Hãy cùng tôi giới thiệu chương trình cứu rỗi duy nhất của Chúa cho đồng bào Việt Nam.
MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ
Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam