BAN BIÊN TẬP KÍNH CHÚC TẤT CẢ BẠN ĐỌC MỘT MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH, TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN THIÊN CHÚA.
Mục sư Martin Niemoller, một mục sư nổi tiếng người Đức, đã trải qua gần 8 năm trong trại tập trung Đức Quốc xã vì ông đã công khai phản đối Hitler. Vào đêm Giáng Sinh năm 1944, Niemoller nói những lời đầy hy vọng này với những bạn tù của ông ở Dachau: “Các bạn yêu quý, Giáng Sinh này… chúng ta hãy tìm kiếm Hài Nhi ở Bết-lê-hem, là Đấng đến để cùng san sẻ với ta mọi điều đang đè nặng trên vai chúng ta… Chính Ngài đã bắc một chiếc cầu giữa Ngài với chúng ta! Ánh sáng trên cao đã thăm viếng chúng ta.”
Vào mùa Giáng Sinh, chúng ta nắm chắc tin tức tốt lành rằng, qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta dù chúng ta đang ở đâu và Ngài đã bắc chiếc cầu nối liền chúng ta với Ngài. Ngài chiếu ánh sáng Ngài vào ngục tù bóng tối và cất gánh nặng buồn rầu, mặc cảm tội lỗi hay cô đơn đang đè nặng trên chúng ta.
Vào đêm Giáng Sinh trong tù lạnh lẽo đó, Niemoller đã chia sẻ tin lành này: “Từ ánh sáng chiếu rạng trên những gã chăn chiên, một tia sáng sẽ lọt vào chỗ tối tăm của chúng ta.” Lời của ông nhắc chúng ta nhớ về tiên tri Ê-sai, là người đã nói tiên tri rằng: “Dân đi trong bóng tối đã thấy ánh sáng lớn; Những người đang ngồi dưới bóng của sự chết, nay được ánh sáng chiếu rọi” (Ê-sai 9:1).
Dù hôm nay chúng ta đang ở đâu, thì Chúa Giê-xu cũng đã chiếu rọi niềm vui và ánh sáng của Ngài vào thế giới tối tăm của chúng ta.
Niềm vui của mùa Giáng Sinh là Chúa Giê-xu.
odb.org
Giáng Sinh Ý Nghĩa Nhất
Thượng nghị sĩ John McCain từng là tù binh trong thời chiến tranh Việt Nam. Máy bay ông bị bắn hạ và bị bắt giam tại Hà Nội trong 5 năm rưỡi, 1967-1973, hầu hết ở trong trại biệt giam. Thượng nghĩ sĩ John McCain kể lại rằng:
Trong thời gian ở tù, nhiều lần tôi chỉ cầu xin được sống thêm một phút thôi, thay vì thêm một giờ hay một ngày. Tôi biết rằng sở dĩ tôi có thể chịu đựng được lâu hơn trong thời gian tù đày là do bởi sự giúp đỡ thuộc linh mà tôi nhận được qua lời cầu nguyện.
Vào những dịp Giáng Sinh, tôi trở thành tuyên úy cho phòng giam, không phải do tôi thiêng liêng hơn những anh em khác, nhưng bởi vì do tôi biết những lời cầu nguyện dành cho một buổi nhóm thờ phượng như thế lúc ở Mỹ. Chúng tôi xin một quyển Kinh Thánh, nhưng lúc đầu nhà cầm quyền Việt Nam bảo họ không có bất cứ quyển Kinh Thánh nào cả. Sau này tôi được biết rằng có đến hàng ngàn quyển Kinh Thánh đã từng được gửi đến cho chúng tôi. Bốn ngày trước lễ Giáng Sinh năm đó, tôi được cho biết là tôi có thể chép những lời cầu nguyện và những câu chuyện Thánh Kinh từ quyển Kinh Thánh duy nhất mà họ có gởi cho tôi.
Buổi lễ Giáng Sinh của chúng tôi năm đó gồm việc việc đọc một phân đoạn Kinh Thánh, tiếp theo là một bài hát thích hợp do ca đoàn tù nhân trình bày. Tôi chia sẻ về sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế và rồi ca đoàn hát bài ‘Ðêm Yên Lặng.’ Chỉ có thế, nhưng khi tôi nhìn quanh phòng, thấy mắt những tù nhân đều tuôn tràn giọt lệ.
Ðiều đáng nói là đó không phải là nước mắt của sự thù hận, tức giận, đau buồn, cay đắng, ngay cả cũng không phải nước mắt của sự nhớ nhà. Nhưng đó là những giọt nước mắt của sự vui mừng, bởi vì đối với nhiều người, đó là lần đầu tiên trong suốt bảy năm qua, họ được dự một lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Ðêm Chúa Giáng Trần đầy ý nghĩa nhất!
Vuong Hung Nguyen (FACEBOOK)
🙂
Hưu chiến (ngừng bắn) đêm Giáng sinh (tiếng Anh: Christmas truce; tiếng Đức: Weihnachtsfrieden; tiếng Pháp: Trêve de Noël) là một loạt những cuộc ngừng bắn không chính thức xảy ra dọc theo Mặt trận phía Tây.
Hưu chiến đêm Giáng sinh (tiếng Anh: Christmas truce; tiếng Đức: Weihnachtsfrieden; tiếng Pháp: Trêve de Noël) là một loạt những cuộc ngừng bắn không chính thức xảy ra dọc theo Mặt trận phía Tây trong dịp Giáng sinh năm 1914 giữa lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một tuần trước ngày lễ, binh lính hai bên tham chiến đối đầu là Đức và Anh băng qua các chiến hào để trao đổi lời chào mừng cũng như trò chuyện với nhau. Vào ngày và đêm trước Lễ Giáng Sinh cũng như đúng ngày lễ này, binh sĩ từ hai phía dọ dẫm tiến vào vùng giao tranh, ngồi lại với nhau rồi cùng trao đổi thức ăn và những món quà kỷ niệm. Họ trao đổi tù binh, tổ chức chung lễ an táng, rồi hát với nhau các ca khúc Giáng sinh trước khi chia tay. Họ cũng tổ chức những trận đấu bóng giao hữu, tạo nên những ấn tượng sâu đậm nhất về cuộc hưu chiến. Tuy nhiên, tại một số khu vực, chiến tranh vẫn tiếp diễn, trong khi ở những nơi khác chỉ xảy ra những cuộc dàn xếp để thu hồi thi thể các binh sĩ tử trận.
Năm sau, mặc dù có một ít đơn vị cố sắp xếp những cuộc hưu chiến, số lượng các cuộc ngừng bắn không nhiều bằng năm 1914, một phần do mệnh lệnh nghiêm nhặt từ cấp trên ngăn cấm binh lính hai bên biểu lộ tình thân hữu. Không còn có chuyện hưu chiến trong Giáng sinh năm 1916. Chiến tranh khốc liệt hơn với thiệt hại nhân mạng tăng cao khi xảy ra trận Somme và trận Verdun, cùng với việc sử dụng vũ khí hóa học.
Hưu chiến không chỉ diễn ra trong mùa Giáng Sinh, nhưng là một hiện tượng phản ánh tâm lý “hãy sống và để người khác sống” khi những người lính trú đóng gần kề nhau công khai ngưng tỏ thái độ thù địch với nhau. Họ thường quy tụ thành những nhóm nhỏ, cùng tán gẫu và trao đổi thuốc lá. Cũng có một số cuộc hưu chiến được dàn xếp cho phép binh sĩ băng qua chiến tuyến để tải thương hoặc thu hồi thi thể đồng đội. Tại một số địa điểm, có những thỏa thuận ngầm không bắn nhau khi phía bên kia đang nghỉ ngơi, tập thể dục, hoặc làm việc dù họ đang ở trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, các cuộc hưu chiến Lễ Giáng Sinh đặc biệt có ý nghĩa đối với những người trong cuộc, nổi bật với mức độ thân thiện cao từ hai phía – ngay cả có những nơi, hàng chục người công khai dự thánh lễ với nhau giữa ban ngày – những điều này được xem như là biểu trưng cho hòa bình và tình nhân loại xảy ra giữa một trong những giai đoạn tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.
Bối cảnh
Trong 5 tháng đầu tiên của Thế chiến thứ nhất, quân Đức khởi sự tấn công Bỉ rồi tiến sang Pháp nhưng bị lính Pháp và Anh đẩy lùi trong trận Marne bên ngoài Paris vào đầu tháng 9 năm 1914. Quân Đức rút lui về thung lũng Aisne để củng cố vị trí phòng thủ. Sau trận Aisne, quân Đồng minh bắt đầu tiến qua phòng tuyến Đức, cuộc chiến mau chóng rơi vào tình trạng bế tắc; không bên nào muốn mất đất nên gia tăng củng cố hệ thống chiến hào. Ở phía bắc, tức là cánh phải của quân Đức, không có chiến tuyến rõ ràng, nên cả hai bên vội vàng tận dụng khoảng trống để áp sát sườn bên địch. Quân Anh rút khỏi Arne, tiến lên phía bắc vào Flanders, cuộc chiến lại rơi vào thế giằng co. Trong tháng 11 hình thành một chiến tuyến kéo dài từ Bắc Hải đến biên giới Thụy Sĩ, binh lính trú đóng hai bên chiến tuyến củng cố vị trí phòng thủ của họ.
Giao lưu
Giao lưu – những cuộc tiếp xúc hòa bình, đôi khi thân thiện, giữa hai phía thù địch – là điều thường xảy ra ở Mặt trận phía Tây. Trong một số khu vực, chỉ đơn giản là tình trạng thụ động, cả hai phía công khai tránh những hoạt động gây hấn, trong khi ở một số địa điểm, binh sĩ hai phía thường xuyên trò chuyện hoặc tìm đến chiến hào bên kia để thăm viếng nhau.
Từ đầu tháng 11 đã có những cuộc hưu chiến giữa các đơn vị Anh và Đức. Khi trời sập tối, những người lính trao đổi khẩu phần ăn với nhau. Ngày 1 tháng 12, một người lính Anh ghi lại cuộc viếng thăm thân hữu của một trung sĩ người Đức “để xem chúng tôi sống thể nào”. Lúc đầu, mối quan hệ giữa các đơn vị Pháp và Đức căng thẳng hơn, nhưng dần dà sự hòa hoãn cũng lộ diện. Đến đầu tháng 12, một bác sĩ giải phẫu người Đức thuật lại cuộc hưu chiến kéo dài nửa giờ vào mỗi chiều để hai bên đem thi thể đồng đội về chôn cất, trong khi những người lính Pháp và Đức trao đổi nhau những tờ nhật báo. Điều này gây khó chịu cho các sĩ quan chỉ huy; ngày 7 tháng 12, Charles de Gaulle viết về ý nguyện “thảm thương” của lính bộ binh Pháp muốn để kẻ thù sống yên ổn, trong khi tư lệnh quân đoàn 10, Victor d’Urbal, viết về “những hậu quả đáng tiêc” khi binh lính “trở nên thân thiện với những kẻ thù lân cận”. Còn có những cuộc hưu chiến bất đắc dĩ khác xảy ra chỉ vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là khi chiến hào của họ bị ngập lụt do ở vùng đất thấp, dù tình trạng hòa hoãn này thường tiếp tục kéo dài mặc cho thời tiết tốt hơn.
Khi có khoảng cách gần những người lính có thể kêu to chào hỏi nhau từ chiến hào của họ, đây là phương cách phổ biến nhất để họ dàn xếp những cuộc hưu chiến không chính thức trong năm 1914. Họ chào hỏi và thông báo tin tức cho nhau, nhiều người lính Đức từng sống ở Anh, nhất là tại Luân Đôn, quen thuộc với ngôn ngữ và văn hóa Anh. Vài lính Anh thuật lại rằng người Đức hỏi họ về tin tức bóng đá, nói về thời tiết, hoặc kể về người yêu. Một hiện tượng bất thường trở nên phổ biến là âm nhạc; trong những khu vực bình yên, nhiều đơn vị cùng ca hát với nhau khi chiều tối, đôi khi vui đùa và trêu chọc lẫn nhau. Đầu tháng 12, E.H.W. Hulse thuộc lực lượng Vệ binh Scotland viết rằng anh dự trù tổ chức một buổi hòa nhạc cho lễ Giáng sinh để “dành cho phía bên kia bài hát thể hiện tinh thần hòa hợp mà họ có thể cảm nhận được” nhằm đáp lễ nhiều lần họ hợp xướng ca khúc Deutschland Über Alles.