Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Đức Chúa Trời Của Sự Trông Cậy

Đức Chúa Trời Của Sự Trông Cậy

Một Đời Sống Tin Cậy

Điều thứ ba, chúng ta có thấy mình nhận được sự bình an khi chúng ta cầu nguyện hay không? “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!” (Rô-ma 15:13). Khi còn là sinh viên thần học, tôi đã muốn tìm cho mình một công việc bán thời gian vì vậy tôi đã tham khảo danh sách các công việc ở trên bảng thông báo của ký túc xá. Có một công việc dường như rất phù hợp với thời khóa biểu của tôi, vì vậy tôi đã gọi điện cho công ty, nói chuyện với giám đốc nhân sự để nhận công việc – và chỉ qua điện thoại. Nhưng khi trở về phòng, tôi cảm thấy rất bối rối và bất an bởi vì tôi biết mình đã đi trước Chúa. Vì thế tôi đã gọi cho giám đốc nhân sự để xin thôi việc, và ông ấy đã rất thông cảm cho tôi. Một vài tuần sau đó tôi được mời để làm Mục sư lâm thời tại Hội Thánh nhà trong lúc họ chờ vị Quản nhiệm mới, và tôi đã ở đó với họ trong suốt 7 năm! (Một Mục sư lâm thời không bao giờ được mời làm Quản nhiệm, nhưng Đức Chúa Trời thì có kế hoạch khác). Cho dù hoàn cảnh xung quanh chúng ta như thế nào, nhưng nếu chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Trời ở trong lòng, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi giông tố và được nghỉ yên tại nơi mà Ngài đã chọn. Ba người trẻ Hê-bơ-rơ là một ví dụ hoàn hảo cho điều này (Đa-ni-ên 3).

dan3image

Thứ tư, chúng ta có sẵn sàng chờ đợi không? Hầu việc Chúa không chỉ đơn giản là vâng theo mạng lệnh của Chúa. Mà chúng ta còn phải làm theo ý muốn Chúa theo đường lối Ngài, với động cơ và thời điểm đúng đắn. Rô-ma 10:11 chép rằng: “Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn.” Lời này được trích từ Ê-sai 28:16, “ai tin sẽ chẳng gấp rút.” Nếu chúng ta hành động cách bốc đồng và nóng vội, chúng ta sẽ nhận lại sự hổ thẹn và phiền muộn, nhưng khi chúng ta sống bằng đức tin chúng ta sẽ sẵn sàng chờ đợi Chúa. Đa-vít đã cảnh báo chúng ta trong Thi Thiên 32:9, “Chớ như con ngựa và con la.” Con ngựa có khuynh hướng chạy thật nhanh về phía trước và con la thì rất là ương bướng. Khi bước đi bằng đức tin, chúng ta không thể phạm cả hai sai lầm này, nếu không, chúng ta sẽ gặp bối rối và bước đi cách luẩn quẩn. Trông đợi nơi Chúa không bao giờ là mất thời gian, hãy dành thời gian để chờ đợi và tìm kiếm đường lối của Chúa cho đến khi Ngài cho chúng ta biết những dấu hiệu để hành động. Đức Chúa Trời không bao giờ vội vã! “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va.” (Thi Thiên 27:14). “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài.” (Thi Thiên 37:7).

images-4

Sống bởi đức tin, trông cậy nơi Chúa và lời hứa của Ngài không phải là quá khó khăn, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta những tố chất thuộc linh có cần; và nó chắc chắn rất cần thiết cho mỗi con dân Chúa. Chúng ta muốn Cha kiên nhẫn với chúng ta khi chúng ta trì hoãn trong việc vâng lời Ngài, nhưng chúng ta lại không muốn kiên nhẫn với Chúa khi Ngài bày tỏ ý muốn của Chúa theo thời điểm của Ngài! Không đủ kiên nhẫn luôn luôn toát ra sự nghi ngờ và sự vô tín, trong khi sẵn sàng chờ đợi là bằng chứng của đức tin. Bất cứ khi nào chúng ta mất kiên nhẫn với Cha và muốn hành động cách nhanh chóng, chúng ta phải nhớ ba “mệnh lệnh” được đưa ra trong Thánh Kinh: “Hãy ở đó” (Xuất 14:13), “Hãy ở đây” (Ru-tơ 3:18), và “Hãy yên lặng” (Thi Thiên 46:10). Nếu chúng ta cứ “ở đó”, Đức Chúa Trời sẽ đi trước chúng ta và sắm sẵn cho chúng ta một con đường, như Ngài đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ băng qua Biển Đỏ. Nếu chúng ta cứ “ở đây”, Đức Chúa Trời sẽ hành động và làm trọn ý muốn tốt lành của Ngài cho chúng ta như Ngài đã làm cho bà Ru-tơ. Còn nếu chúng ta cứ “yên lặng”, Chúa sẽ là nơi ẩn náu và sức lực của chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn, và mọi thứ sẽ được giải quyết hầu danh Chúa được vinh hiển và đem lại ích lợi cho chúng ta. Chữ “Hãy yên lặng” trong Thi Thiên 46:10 tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Hãy buông tay.” Thật lạ là chúng ta luôn có khuynh hướng tự mình cố gắng giải quyết mọi thứ và chỉ thưa với Chúa điều mình làm! Tất nhiên, khi chúng ta biết rõ ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải sẵn sàng hành động khi Ngài cho chúng ta dấu hiệu.

images-3

Đức tin có thể giúp gì cho chúng ta? 

Đức tin là một ống dẫn kết nối chúng ta với kho ơn phước của Chúa, và bởi đó Chúa sẽ cung ứng cho chúng ta mọi nhu cầu có cần. Qua Đức Chúa Giê-su Christ “chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững” (Rô-ma 5:2, Ê-phê-sô 3:12). Trong một bài giảng ở đại hội đồng Luân Đôn vào năm 1882, Charles Haddon Spurgeon đã nói, “Tuy vậy, hỡi anh em, mặc dầu thích hay không, thì hãy nhớ rằng, chúng ta cần phải biết rõ nguyên tắc của Nước Trời.” Chúa Giê-su đã hứa rằng nếu chúng ta cầu xin bởi đức tin, Ngài sẽ ban cho chúng ta cách rộng rãi, và Gia-cơ đã khuyến cáo chúng ta khi ông viết, “Anh em chẳng được chi, vì không cầu xin” (Gia-cơ 4:2). Sự tái sanh là món quà mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta tin Chúa Giê-su đã cứu chuộc chúng ta (Ê-phê-sô 2:8), chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời, và sau đó chúng ta sẽ được đưa vào “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 2:7). “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:19).

phi

Cha của chúng ta luôn muốn chúng ta cầu xin Ngài trong mỗi nhu cầu của chúng ta vì một lý do đơn giản bất cứ người cha người mẹ nào cũng muốn con mình nhờ ba mẹ giúp đỡ: cầu xin và nhận lãnh là bằng chứng của niềm tin và tình yêu. Con trẻ thừa nhận sự thiếu kém của mình và ba mẹ cho chúng thấy sự rộng lượng và bao dung đối với chúng. Chúng ta làm sáng danh Chúa khi chúng ta có thể nói, “Hãy nhìn xem những điều mà Chúa đã làm cho tôi!” Sự cầu nguyện trong đức tin giữ chúng ta luôn gần Chúa để Chúa có thể hướng dẫn, dạy dỗ, và bày tỏ tình thương với chúng ta. Khi con cái trưởng thành hơn, chúng bắt đầu biết vâng lời ba mẹ bởi vì chúng yêu thương ba mẹ và muốn làm hài lòng họ, không phải bởi vì chúng muốn “những thứ” cho bản thân chúng. “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta muốn giống như Chúa Giê-su và “hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Phao-lô cũng đã làm như vậy: “Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Những con dân Chúa nếu chỉ tập trung làm đẹp lòng mình và người khác mà không nghĩ đến việc phải làm sáng danh Chúa sẽ không đem lại kết quả nhiều cho vương quốc của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta sống bởi đức tin, chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa hướng dẫn mỗi ngày và Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để có những quyết định đúng đắn. “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” (Châm ngôn 3:5-6). Hãy nhớ rằng Sa-lô-môn đã không bảo chúng ta phải gạt bỏ những sự hiểu biết của mình bởi vì chính Chúa ban cho chúng ta “sự đổi mới của tâm thần mình” (Rô-ma 12:2). Điều mà Chúa mong muốn đó là chúng ta không “dựa” vào những lý lẽ của chúng ta. Sự bại trận của Giô-suê trước thành A-hi và giao ước của ông với người Ga-ba-ôn là một minh chứng về những nguy hiểm của việc quyết định cách vội vã (Giô-suê 7;9). Giô-suê phạm sai lầm bởi vì ông đã bước đi bằng mắt thấy mà không bởi đức tin, chính vì vậy ông đã không nhận được điều tốt nhất từ Đức Chúa Trời. Quả thật, ông là một chiến binh rất từng trải, nhưng điều đó không đem đến cho ông quyền được bỏ qua sự cầu nguyện và tìm cầu ý chỉ của Chúa.

Tin cậy nơi Chúa sẽ khiến cho chúng ta bình an và yên ổn giữa thế giới đầy rắc rối này. “Sự sợ loài người gài bẫy; Nhưng ai nhờ cậy Đức Giê-hô-va được yên ổn vô sự” (Châm ngôn 29:25). Vào đêm rời khỏi Ê-díp-tô, Môi-se đã không sợ đội quân của Pha-ra-ôn đang ở phía sau hay Biển Đỏ ở phía trước. Ông đáp cùng dân sự rằng: “Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi.” “Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng” (Xuất 14:13-14). Những ai tin cậy Chúa sẽ còn sống cho đến khi công việc của họ trên đất được hoàn thành. Tôi rất thích thái độ tin quyết của Phao-lô khi ông viết: “Nhưng tôi sẽ ở lại thành Ê-phê-sô cho đến lễ Ngũ Tuần, vì tại đó có một cái cửa lớn mở toang ra cho công việc tôi, lại có nhiều kẻ đối địch” (I Cô-rinh-tô 16:8-9). Phao-lô rất thực tế và ông đã không coi thường những trở ngại trước mắt, nhưng ông nhấn mạnh những cơ hội và năng quyền của Đức Chúa Trời. Mười trong số mười hai thám tử người Giu-đa được sai đến đất Ca-na-an đã thấy những khó khăn cùng nan đề, nhưng Ca-lép và Giô-suê đã thấy đó là cơ hội và họ đặt đức tin vào Chúa (Dân 13-14). Bước đi bởi đức tin là phương cách để chúng ta thắng trận, nhưng bước đi bởi mắt thấy sẽ khiến chúng ta bại trận và đánh mất đi sự vinh quang Chúa.

(Còn nữa)

images-1

Warren W. Wiersbe

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn