Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI CỦA BẠN

CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI CỦA BẠN

Bài trước:

https://huongdionline.com/2016/10/18/khong-rao-giang-mot-nua-le/

CHIA SẺ CHÚA JESUS MÀ KHÔNG SỢ HÃI

Nguyên tác: Share Jesus without fear
Chuyển ngữ: Tường Vi

share

Những người đọc đã nói gì về tác phẩm này?

Tôi chưa bao giờ biết bất cứ ai mà đem nhiều người về với Chúa và dạy người khác phương cách để làm điều đó giống như Bill.

Tiến sĩ Vernon Grounds, Giám Đốc Emeritus Denver Seminary.

—————————————————–

 

Bill Fay đã giúp cho thân thể Đấng Christ một mục vụ mạnh mẽ trong sứ điệp  Giới Thiệu Chúa Jesus mà Không Sợ Hãi. Tôi đã gặp nhiều người  đã bỏ cuộc không dám nói về Chúa nữa, nhưng rồi họ đã đứng lên chia sẻ Phúc Âm không hề sợ hãi sau khi đọc sứ điệp này. Trong tác phẩm của mình, Bill Fay và Linda Evans Shepherd đã nắm bắt tâm linh con người đằng sau mỗi sứ điệp. Nếu bạn thực sự quan tâm đến các bài học này bạn chắc sẽ dùng nó như một quyển sách gối đầu giường chứ không đơn thuần chỉ là một quyển sách để đọc. Chương “Chúng ta phải làm gì khi người khác tiếp nhận Đấng Christ” thì vượt ra ngoài khuôn khổ của một cẩm nang truyền giáo. Nếu bạn là người mới qui đạo thì sứ điệp này bảo đảm cho bạn trở thành chứng nhân với 100% kết quả.

Jimmy Kinnaird, Chuyên viên Chứng Đạo Cá nhân của Giáo hạt Báp tít Oklahoma.

——————————–

CHIẾN THẮNG NỖI SỢ HÃI CỦA BẠN

images

Một ngày nọ, tôi phải dừng lại chờ trung chuyển chuyến bay tại một phi trường, tôi vào trong một căn phòng trải thảm đỏ chờ đến lượt bay. Trong lúc ở đó tôi nhìn thấy Mohammed Ali, đang ngồi bên cạnh một cái bàn với cái cặp chất đầy những quyển sách nhỏ giới thiệu đức tin của người Hồi Giáo.
Tôi đến bên cạnh anh ta, và nhận được 2 quyển sách nhỏ quảng bá về Hồi Giáo. Vì anh ta bị bệnh Parkinson (một bệnh thuộc hệ thần kinh, làm cho các cơ bị rung và yếu). Anh ta phải vất vả lắm mới ký được tên của anh vào sách trước khi tặng cho tôi.
Khi nhìn Mohammed Ali, tôi nghĩ: Đây là một anh chàng tội nghiệp nhưng vẫn cố gắng đứng lên, sử dụng sức lực và khả năng vô cùng hạn chế của mình để chia sẻ điều dối trá. Thế nhưng có rất nhiều anh chị em Cơ đốc của tôi thuận lợi nhiều điều nhưng e ngại không dám nói ra lẽ thật.

Đây có phải là công việc của bạn?
Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người chúng ta chia sẻ đức tin của mình với một tấm lòng tự nguyện vâng phục. Ngài kêu gọi chúng ta rao giảng Phúc Âm. Nếu một người nào đó từ chối, thoái thác điều này: Xin lỗi tôi không có ân tứ rao giảng Tin lành. Khi đó anh ta cần đọc lại Kinh Thánh. Chắc chắn người đó sẽ khám phá Đại Mạng Lệnh: Rao giảng Phúc Âm, can đảm rao giảng Phúc Âm và cổ vũ rao giảng Phúc Âm.
Tôi muốn giải thích điều này: Tôi không có ân tứ ban cho, nó không phải là ân tứ siêu nhiên mà Đức Chúa Trời ban cho tôi. Tuy nhiên tôi được yêu cầu phải ban cho. Tôi không có ân tứ siêu nhiên về sự thương xót. Tuy nhiên tôi nhận được mệnh lệnh phải bày tỏ lòng thương xót. Công việc của tôi là một giáo sĩ tình nguyện, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn phải làm việc như một người chăm sóc các bà mẹ không con cái hoặc có con bị đột tử. Đôi khi tôi có mặt tại một nơi xảy ra thảm họa và tôi phải cố gắng an ủi những người còn sống sót sau những biến cố đau thương. Thậm chí tôi phải vào bệnh viện nâng đỡ, ủy lạo các nạn nhân bên giường bệnh. Và bởi vì tôi hoàn toàn không có ân tứ thương xót. Tôi phải tùy thuộc vào Đức Chúa Trời để Ngài khai phóng lòng thương xót của chính Ngài qua tôi.
Tất cả chúng ta phải rao giảng Phúc Âm trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời ban cho chúng ta năng lực để chia sẻ đức tin, mặc dù chúng ta thiếu thốn ân tứ, tài năng cho mạng lệnh này. Phao-lô bày tỏ thêm trong Ê-phê-sô 1:17-20: “Tôi cầu xin Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính Cha vinh quang ban cho anh chị em tâm linh khôn ngoan và được khải thị để nhận biết Ngài. Soi sáng con mắt trong lòng anh chị em để hiểu thấu niềm hy vọng của ơn Ngài kêu gọi là gì, thế nào là cơ nghiệp giàu có vinh quang của Ngài giữa vòng các thánh, và thế nào là quyền năng vĩ đại siêu việt Ngài dành cho anh chị em, là những người tin, theo như năng lực mạnh mẽ của Ngài hành động. Đây là năng lực Ngài tác động trong Chúa Cứu Thế, khiến Con Ngài sống lại từ trong kẻ chết, ngự trị bên phải Đức Chúa Trời trên các tầng trời.”
Điều này có nghĩa là chúng ta có một quyền năng tương tự như quyền năng phục sinh của Đấng Christ đang vận hành trong chúng ta. Vì vậy chúng ta không thiếu thốn một phương tiện nào cả để hoàn thành Đại mạng lệnh.
Kinh Thánh xác định rõ điều này khi đề cập đến chức vụ thầy giảng Tin Lành cũng như các chức vụ mục sư, giáo sư được nói đến trong Ê-phê-sô 4:11-13: “Chính Ngài cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm truyền giáo, một số làm mục sư và giáo sư, nhằm mục đích trang bị các thánh đồ cho công tác phục vụ, gây dựng Thân Thể Chúa Cứu Thế, cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Đức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế.”
Từ phần Kinh Thánh này, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời kêu gọi các chức vụ: mục sư, giáo sư, thầy giảng Tin Lành để chuẩn bị đầy đủ cho các mục vụ để gây dựng thân thể Đấng Christ.
Bởi vì Đức Chúa Trời đã kêu gọi thầy giảng Tin Lành để trang bị cho Hội Thánh, vì thế tôi có thể thực hành nhiệm vụ của mình, giúp đỡ cho các bạn những kỹ năng cần thiết để chia sẻ đức tin. Là một thầy giảng Tin Lành tôi có trách nhiệm hướng dẫn bạn thực hành đời sống Cơ đốc vì tôi biết mục vụ này không dễ dàng với bạn chút nào và bạn có khuynh hướng lãng quên nó. Khi bạn vâng phục Lời Chúa, chia sẻ đức tin là bạn đâng lên Đức Chúa Trời một cơ hội để Ngài làm việc thông qua bạn. Đức Chúa Jesus phán: “Hãy đi giảng Tin lành.” Đây không phải là một ý tưởng hay một lời đề nghị. Đây là một mạng lệnh.
images

Vì vậy đó là lý do chúng ta phải nỗ lực chia sẻ đức tin. Tại sao chúng ta e ngại trước mạng lệnh này? Hãy thử nhìn vào 6 nỗi sợ hãi hàng đầu chi phối khiến chúng ta không dám chia sẻ Phúc Âm. Và rồi chúng ta khám phá phương cách khắc phục chúng.

  1. Tôi sợ bị từ chối.

 

Không có nỗi đau nào lớn hơn là bị từ chối. Bob đã trải nghiệm nó. Nỗi sợ hãi bị từ chối của anh ta quá nhạy cảm đến nỗi anh ấy quyết định cắt đứt các mối dây ràng buộc với con gái của mình. Anh ấy đã không gặp cô con gái Carry từ khi anh sống tách biệt với mẹ của mình hơn 15 năm trước đó. Anh ấy sợ gặp lại Carry, đứa con gái của anh vẫn sống với bà ngoại từ khi anh ra đi.  Anh ta cho rằng cô con gái nầy không thích nhìn thấy anh. Vì vậy anh ta tránh đi thật xa, không để Carry có cơ hội đóng cửa phòng xua đuổi anh.

Có cách nào một người như Bob khắc phục nỗi sợ hãi bị từ chối của mình? Làm thế nào một người như Bob có thể thành công với công tác rao giảng Phúc Âm?

Điều gì quyết định thành công cho công tác truyền giáo? Hãy nhớ đây không phải là một trận thi đấu. Như tôi đã nói ở những trang trước. Sự thành công là chia sẻ đức tin và sống cho Chúa Jesus. Không có loại công việc nào tốt hơn là đem người khác về với Đấng Christ.

Chúng ta không cần trốn chạy để có một chiến thắng ảo. Những thân hữu của chúng ta không bao giờ tiếp nhận Đấng Christ nếu chúng ta ép buộc họ tin. Họ đặt niềm tin nơi Chúa bởi vì Đức Chúa Trời dùng chúng ta nói ra lẽ thật. Nếu chúng ta chinh phục được một ai đó về với Đấng Christ thì có lẽ người ấy chưa được cứu. Moody, người giảng Tin lành trứ danh trải nghiệm điều này khi ông đi trên một chuyến xe lửa sau một chiến dịch truyền giảng. Một lão già say rượu đến bên cạnh Moody: Anh biết đấy, Moody. Tôi là một trong những người qui đạo trong chiến dịch truyền giảng của anh.  Moody nhìn thẳng vào ánh mắt người đàn ông này: Tôi cho rằng anh không phải là người qui đạo trong chiến dịch của tôi, anh không thuộc về tôi vì rõ ràng anh không phải là người qui đạo của Đấng Christ. Moody đã nhìn thấy sự khác biệt ở đây.

Khi người ta từ chối sứ điệp của bạn thì không phải là họ từ chối bạn, nhưng là họ từ chối Chúa Jesus và Lời của Đức Chúa Trời. Vì vậy bạn không thất bại trong việc này. Ngược lại bạn đã vâng phục Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm. Thậm chí cách bạn chia sẻ đức tin có thể không khéo léo, nhưng Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng phương cách đó tác động tấm lòng người nghe. Duy chỉ có điều Đức Thánh Linh không thể làm gì được vì tội yên lặng của bạn.

Tôi đã thấy một vài phương cách chia sẻ Phúc Âm lạ lùng từ những người khác. Đó là có một lãnh đạo thanh niên cùng với một nhóm các em tuổi vị thành niên mua một quan tài. Một em giả làm hình nộm người chết và nằm bên trong quan tài. Họ đem quan tài này xuống khu phố chính. Ở đó họ cột dây vào quan tài kéo nó lên cao rồi hạ xuống thấp quanh một giá đỡ như trong một trò chơi, trong khi đó những người tham gia la ó om sòm nhằm thu hút sự chú ý của đám đông. Khi mọi người hiếu kỳ đã tụ họp lại, người đạo diễn trò chơi mở nắp quan tài để lộ ra bên trong là một hình người mắt nhắm chặt, hai tay gấp trước ngực. Sau đó một người đóng vai mục sư đọc điếu văn ca ngợi người chết: Đây là ông già John, lúc sinh thời ông thích câu cá và đọc sách…

Đột nhiên người chết bật dậy và nhảy ra khỏi quan tài. Anh ta chỉ tay thẳng vào mặt mục sư la lớn: Ông không bao giờ nói cho tôi biết phải được sanh lại để vào nước trời. Ông chẳng bao giờ chia sẻ đức tin của ông cho tôi. Ông không bao giờ cho tôi có cơ hội tiếp nhận Đấng Christ. Bây giờ tôi nằm đây chuẩn bị xuống địa ngục là vì lỗi của ông…

Trong khi mọi người theo dõi vở kịch với sự thích thú thì một bạn thiếu niên đi vòng chung quanh đám đông làm chứng và phát truyền đạo đơn. Một số người có mặt ở đó quyết định cầu nguyện tin Chúa.

Cá nhân tôi không thích cảnh hóa trang làm người chết. Tuy nhiên Đức Chúa Trời vẫn có thể sử dụng phương pháp này, bởi vì các bạn trẻ đã trung tín rao giảng Phúc Âm.

Bây giờ giả định là bạn đi ra ngoài cố gắng chia sẻ đức tin của bạn cho người đầu tiên bạn gặp, và người này  quay lưng bỏ đi. Như thế có nghĩa là bạn đã thất bại? Hiển nhiên là không. Bạn đã chọn lựa vâng phục Lời Chúa để rao giảng Phúc Âm. Rồi hãy tưởng tượng vào ngày sau đó một người bạn khác trong Hội Thánh cũng chia sẻ đức tin với người mà bạn gặp hôm qua. Anh này không chỉ quyết định tin Chúa nhưng còn muốn kế thừa chức vụ của Billy Graham. Như vậy có phải là người bạn trong Hội Thánh kia có công trạng hơn bạn? Hiển nhiên là không!

images-1

Khi con người chọn lựa vâng lời Đức Chúa Trời, thì trong vương quốc Đức Chúa Trời không có sự thành công hay thất bại. Cha thiên thượng có thể sử dụng mọi phương pháp chia sẻ đức tin của bạn cho dù nó không khéo léo hay thiếu thốn tình yêu. Sự thật chỉ có một căn phòng trong đời sống Cơ đốc nhân không thể vá víu được: Ngài không thể làm được gì nếu bạn yên lặng.

Sứ đồ Phao-lô chia sẻ đức tin của ông với một tâm trạng: “Về phần tôi, khi đến với anh chị em, tôi tỏ ra yếu đuối, sợ sệt và run rẩy” (1 Cô-rin-tô 2:3). Tuy nhiên Phao-lô đã làm nên sự khác biệt, vì ông đi ra và Đức Chúa Trời dùng ông. Phao lô chắc không cảm thấy dễ chịu khi ông bị đánh, ném đá, chìm tàu, chịu lạnh, lỏa lồ, rắn cắn…Mặc dù phải trả giá đắt, nhưng Phao-lô đã ra đi. Mỗi chuyến đi truyền giáo Đức Chúa Trời ban trợ quyền năng Đức Thánh Linh trên chức vụ Phao-lô. Đi qua những gian truân, vất vả, khổ đau, ông xem những điều này như là niềm vui của ông.

Điều này phải trở thành tiêu chí sống của chúng ta. Ngay cả khi bị ném đá, đau đớn trăm bề thì Đức Chúa Trời cũng xoay trở nỗi đau của chúng ta thành sự vui mừng.

Bằng cách nào mà chúng ta có thể kinh nghiệm niềm vui khi chính chúng ta bị từ chối trong lúc chia sẻ đức tin? Hãy nhìn vào trường hợp của Bob. Người cha này đã trở nên xa lạ với cô con gái của anh ta trong suốt 15 năm. Khi Bob nghe tôi giảng về tội yên lặng, anh ta đã có một quyết định: gọi điện thoại cho con gái của mình. Anh chân thành nài xin Carry tha lỗi cho anh. Và rồi anh nói với Carry về sự thay đổi mà Chúa đã thực hiện trong anh.

Buổi tối hôm sau hai bố con gặp lại nhau sau nhiều năm cách biệt vì Bob sợ bị từ chối. Một lần nữa Bob xin con gái tha thứ cho mình, và anh hướng dẫn Carry đến với Đấng Christ. Đây chính là một tin mừng.

Không phải mọi người khi chia sẻ đức tin của mình đều nhận được sự phản hồi tích cực ngay. Tôi biết có một thanh niên nhút nhát, e thẹn quyết định chia sẻ đức tin của mình với một người bạn gái trong cùng công ty.  Anh này kể lại: Tôi chia sẻ niềm tin của tôi với Sarah, nhưng cô ấy không hứa nguyện đi theo Đấng Christ. Tuy nhiên lòng tôi vẫn rộn ràng vì tôi đã giới thiệu với cô ấy tiến trình đức tin của tôi. Trước đây tôi không biết là tôi có thể nói được như vậy.

Một chị em khác, Lauren chia sẻ đức tin cho một thành viên trong gia đình của cô. Và chị nhận được một câu trả lời cộc lốc: Không đời nào tôi chấp nhận những chuyện này.

Về sau, Lauren nói tiếp: Cũng được thôi, xem như tôi là người đầu tiên chia sẻ đức tin. Tôi chưa hoàn thành sứ mạng. Cứ để cho anh chị em của tôi nghe Phúc Âm khoảng 6 hay 7 lần. Khi ấy tôi sẽ bắt đầu trở lại. Tôi chỉ mới ghi được 1 điểm và còn tới 6 lần nữa kia mà!

 (Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn