Thứ Hai , 25 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / ĐẠO TRỜI

ĐẠO TRỜI

my

Sau khi sống ở Mỹ hơn 20 năm, tôi kể mình như một người Việt được Đức Chúa Trời cho đi du học nhiều năm. Tôi muốn du học thành tài để có thể góp phần giúp ích cho Hội Thánh và quê hương. Tôi tự hỏi điều quý nhất sẽ giúp ích cho bà con ta là điều gì? Có phải là cho thêm tiền bạc không? Có phải là dựng thêm bệnh viện không? Có phải xây thêm nhà không? Có phải lập thêm công ty không? Có phải là giới thiệu thêm một tôn giáo mới hay không? Người Việt có nhiều nhu cầu. Nhưng nhu cầu lớn nhất là gì?  Tôi nghĩ đó không phải là nhu cầu thể xác nhưng là nhu cầu tâm linh, nhu cầu của linh hồn. Tôi biết nhu cầu tâm linh lớn nhất của người Việt giống như nhu cầu của các dân tộc khác trên thế giới là làm sao để thoát khổ, hay nói cách khác là làm sao nối lại mối liên hệ giữa con người với Đấng Tạo Dựng nên mình.

Người Mỹ thường nói, “Not religion but relationship” (không phải là tôn giáo nhưng là mối liên hệ). Vâng, mối liên hệ giữa người Việt với Ông Trời đang bị đứt đoạn, phân cách. Mọi nan đề của người Việt nẩy sinh từ mối liên hệ phân cách nầy. Trong số những nan đề đó có thể kể ra như là đau khổ, trống rỗng, cô đơn, lo lắng, sợ hãi, không hy vọng… Các tôn giáo nghĩ là họ đã khám phá ra phương pháp thoát khổ. Nhưng họ đã không phân biệt được đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả. Vì thế, các giải pháp đề nghị của loài người là không chắc, mãi mãi chỉ là lý thuyết. Phải biết nguyên nhân mới giải quyết được hậu quả. Không triết lý nào của loài người giải quyết được nan để gốc rễ của loài người. Nguyên nhân chính của mọi mối khổ đau con người đang gánh chịu là loài người đã quay lưng với Đức Chúa Trời. Biết rõ nguyên nhân, người Việt phải nhanh chóng nối lại mối liên hệ với Ông Trời. Đây là nhu cầu cấp bách nhất và quan trọng nhất. Nối lại mối liên hệ nầy là giải quyết được mọi nan đề.

Một Giáo Sư người Anh tên là C. S. Lewis đã viết, “Chúng tôi tin Đạo Trời giống như tin mặt trời, không chỉ vì chúng tôi thấy mặt trời nhưng là nhờ mặt trời chúng tôi thấy tất cả mọi sự.”

Mối liên hệ giữa người Việt với Ông Trời đang bị phân cách

Một học giả người Mỹ tên là A. W. Tozer đã viết, “Ý nghĩ đầu tiên của bạn về Ông Trời chính là điều quan trọng nhất về bạn.” Một văn sĩ người Nga được giải Nobel, ông Alexander Solzhenitsyn đã viết, “Nan đề của nước Nga ngày nay là người ta quên mất Ông Trời.” Tôi nghĩ nhận xét nầy đúng không chỉ ở nước Nga, nhưng cũng đúng cả ở nước Mỹ, Trung Quốc, và Việt Nam. Phải chăng quên Ông Trời là nan đề to lớn nhất trong đời sống nhân loại? Phải chăng nối lại mối liên hệ với Ông Trời là nhu cầu cấp bách nhất hôm nay?

Người Việt tin có Ông Trời

Trong văn chương Việt Nam, người ta đã truyền tụng cho nhau nghe những khái niệm về Trời. Chữ Trời không thiếu trong ngôn ngữ tiếng Việt, trong tâm hồn người Việt. Người Việt thường kêu, “Trời ơi!”

Trời sinh, Trời dưỡng.

Trời sinh voi, sinh cỏ.

Lạy Trời mưa xuống,

Lấy nước tôi uống,

Lấy ruộng tôi cày,

Lấy đầy bát cơm.

Con chim nó hót trên cành,

Nếu Trời không có, có mình làm sao?

Con chim nó hót trên cao,

Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Ở hiền thì lại gặp lành

Những người nhân đức Trời dành phúc cho.

Thuận với Trời thì còn.

Nghịch với Trời thì mất.

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng.

daotroi2

Người Việt không biết thờ Trời cho đúng ý Trời

Ông Trời không lạ đối với tâm hồn và ngôn ngữ của người Việt Nam. Nhưng người Việt vẫn chưa biết rõ Ông Trời là ai? Ngài đã làm việc gì cho chúng ta? Và Ngài muốn chúng ta làm gì? Có lẽ việc làm hay nhất của người Việt trước đây là lập bàn thờ Thiên trước cửa nhà:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Do quá bận rộn với cuộc sống, không dành thì giờ học hỏi, tìm kiếm Ông Trời nên người Việt phần lớn đã quên mất Ông Trời. Thỉnh thoảng có người gọi, “Trời ơi!” Cũng có người tự hỏi, “Không biết Ông Trời có thật hay không?” Có người kêu, “Trời ơi, Trời ở chẳng cân. Kẻ ăn không hết, người mần không ra!” Có người than, “Trời hành cơn lụt mỗi năm…”

Người Việt mắc tội với Trời

Vì không nhìn thấy Ông Trời, nghĩ rằng không ai có thể kêu thấu Trời, nên người Việt không biết cách liên hệ với Ông Trời. Cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không biết không phải là cách để trả lời. Bởi quên ơn Trời, quên thờ Trời, quên cầu Trời, quên ngày chầu Trời…là phạm tội với Ông Trời. Mắc tội với Trời dẫn đến bất hòa với Ông Trời chính là nan đề to lớn nhất, mọi nan đề khác trong cuộc sống đều nẩy sinh ra từ đây. Làm sao để giải quyết được nan đề cốt lõi nầy?

Quê hương yêu dấu thuở trẻ thơ

Người Việt Nam là dân tộc mộ đạo và thường tôn trọng các truyền thống của gia đình, dòng họ: Đình, chùa, thánh đường, mồ mã cha ông. Người Việt có nhân đạo, nhưng nhân đạo vẫn chưa đủ với bổn phận làm người, chưa kể bổn phận với Ông Trời. 

Người Việt hay cố gắng sống thỏa mãn các tiêu chuẩn đạo đức của con người. Người Việt nặng lòng với quê hương. Người Việt có thủy có chung. Người Việt sống tha phương hay thương nhớ quê hương. Tôi nhớ mình được sinh ra và lớn lên trong một làng quê ở tỉnh Quảng Nam, trước nhà tôi là dòng sông, sau nhà là biển cả. Có biết bao kỷ niệm trải qua thời niên thiếu. Tôi không quên cảnh nghèo của quê hương, những mái nhà tranh, những cái thúng chai,  những chiếc ghe đánh cá, những con cá nục, cá ngừ, cá hố, những thứ mắm cái, những củ khoai mì, hạt đậu phụng…

Tôi nhớ cái không khí thiêng liêng của những ngày Tết. Tôi thấy thân thương cái không khí gia đình, tình hàng xóm. Tôi cảm phục các cách chế biến thực phẩm rất ngon của người Việt, những món ăn khác nhau của người Miền Bắc, Miền Trung đến Miền Nam. Món nước mắm gừng. Trái ớt, trái tiêu. Những củ khoai lang nướng tro. Món chè môn nấu đường, ly nước mía ngọt lịm. Tôi quen nghe tiếng mẹ đẻ qua các giọng nói khác nhau của mỗi miền. Tôi thích những vần thơ, những câu ca dao tục ngữ. Tôi thích nhìn gương mặt và cái áo dài của phụ nữ Việt Nam. Tôi quen nghe tiếng khóc của trẻ thơ, bài hát ru con ầu ơ của mẹ, âm thanh tỏ tình của cặp chim cu, tiếng hót lẻ loi than thở của những con chim tu hú… Tôi nhớ khung cảnh chiếc đò chèo qua sông, con đê, cây đa, lùm tre, chiếc võng, luống mạ, đám ruộng… Hồi nhỏ mọi vật chung quanh tôi đều to và bây giờ khi đã lớn, qua Mỹ rồi trở về quê hương tôi thấy cái gì cũng nhỏ.

Người Việt là dân tộc tâm linh ưa suy nghĩ, vì thế cho nên các tôn giáo có đất màu phát triển. Người Việt thích theo đạo và nghĩ rằng đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ. Vì cái đức tính có tình có nghĩa, có thủy có chung nên người Việt không thích thay đổi, nhất là thay đổi cái truyền thống do ông bà để lại. Người Việt sùng đạo nhưng chưa biết thế giới chỉ có hai thứ đạo. Đó là đạo của người và đạo của Trời. Người Việt đã chọn đạo của người, do loài người sáng lập, theo triết lý của con người. Vì thế các thứ đạo khác nhau đã có mặt trên quê hương ta, như đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, đạo Cao Đài…và đạo thờ ông bà.

Người Việt thích tự do tín ngưỡng, vì thế họ quen với các mái đình, mái chùa, câu kinh, tiếng kệ, những hội hè, đình đám, những phong tục tập quán cổ truyền… Người Việt chuộng cổ và thích làm theo số đông. Người Việt quen thờ cúng, nhiều khi không biết cúng ai, cúng để làm gì. Không biết mà vẫn cứ làm. Khi mình không biết lựa chọn thì thôi hãy cứ để người khác chọn lựa cho mình. Thông thường ông bà hay cha mẹ đã quyết định, thì con cháu cứ việc vâng theo, cho đó như là bổn phận của mình. “Áo mặc sao qua khỏi đầu!” Con cháu vì thế cứ vâng lời cha mẹ. Không phân vân, không tính toán.

Người Việt thích những gì thiêng liêng huyền bí. Có lẽ vì tính nhiệm mầu, gần gũi, thiêng liêng, lâu đời, truyền thống. Các tôn giáo Á Đông là huyền bí, linh thiêng. Nhiều người Việt không trả lời được tại sao mình theo đạo, mình tin ai, tin gì và hành đạo thế nào. Xưa bày nay bắt chước. Đạo nào cũng tốt. Đường nào cũng tới La-mã. Không lẽ ông bà mình sai sao? Không biết. Không chắc. Ít người đặt câu hỏi rằng các tôn giáo Á Đông đã đem lại gì cho thế giới nói chung và cho gia đình mình nói riêng. Ít người dám hỏi đây là tôn giáo hy vọng hay thất vọng. Ít người dám phân tích sự kiện, “Xem trái thì biết cây.”

Số phận của một người, một gia đình, một dòng tộc tùy thuộc vào đức tin và thái độ của họ với Đức Chúa Trời.

Người Việt không biết rằng Ông Trời vẫn sống và Ngài đang chờ đợi những ai tìm kiếm Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa: “Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.” Kinh Thánh cũng báo trước, “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin là có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.”

Đức tin ảnh hưởng đời sống.

Trong lịch sử gần đây, chúng ta thấy rõ trên các nước Á Đông cũng như tại Việt Nam, cá nhân hay gia đình nào đã thay đổi niềm tin tôn giáo hay truyền thống cũ để trở lại THỜ TRỜI thì cá nhân hay gia đình đó đều có sự thay đổi lớn. Đời sống tinh thần đã ảnh hưởng đến đời sống vật chất. Sự thái an trong tâm hồn đã ảnh hưởng đến sự bình an của cuộc sống.

Thí dụ rõ ràng nhất ở Việt Nam là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, và ở Tây Bắc. Đã có hàng triệu người dân nhờ trở lại THỜ TRỜI mà đời sống đã được thay đổi thật nhiều. Từ tối qua sáng. Từ buồn trở nên vui. Từ lạc hậu đến văn minh.Từ chết đã trở nên sống. Các tôn giáo Á Đông trước đây đã không có ai quan tâm truyền đạo đến những người thiểu số. Cũng nhờ đó mà ngày nay đã không có hàng rào nào hay trở lực nào ngăn trở họ tiến đến bổn phận Thờ Trời. Các dân tộc thiểu số không hề chịu ảnh hưởng của các tôn giáo Á Đông. Họ biết có Ông Trời. Sau rất nhiều năm tháng sống trong tối tăm thờ cúng thần tượng, theo truyền thống mê tín dị đoan, sợ hãi ma quỷ, sợ chết và không dám thay đổi các phong tục cổ truyền, khi các giáo sĩ đem Phúc Âm đến cho họ, họ đã vui mừng tiếp nhận ơn cứu rỗi từ Trời. Họ sẵn sàng làm theo lời dạy của Trời. Họ nhìn thấy quyền phép của Đạo Trời đã chiến thắng trong đời sống và trong bản làng của họ. Ngày nay phần lớn các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có đời sống đổi thay, tâm hồn tự do, văn minh tiến bộ. Họ đã biết cầu Trời, tin Trời, thờ Trời, ca ngợi Ông Trời. Nếu bạn có dịp đến thăm các làng dân tộc thiểu số, các bạn cũng sẽ thấy sự khác nhau giữa những làng đã trở lại thờ Trời và những làng chưa trở lại thờ Trời.

images (13)

Gần đây hơn, ngay ở Việt Nam, các thanh niên bị cám dỗ sử dụng xì ke ma tuý đã phạm pháp, bị bắt, bị án tù, khi được được tha ra họ lại tiếp tục phạm tội, đời sống họ vô vọng vì thất bại trước những cơn ghiền thuốc, không phương cứu vãn. Hậu quả là gia đình tan nát, cha mẹ buồn rầu. Nhiều thiếu nữ ghiền ma túy đã bán thân để đổi lấy tiền mua thuốc chích. Họ không thấy tương lai tươi sáng. Họ trở thành nô lệ cho Ma quỷ. Ma quỷ không thương tiếc bất cứ một ai đã nằm trong tay của nó. Nhiều người trong đám họ xuất thân từ những gia đình giàu sang, có tôn giáo, có quyền thế, có học hành. Nhưng giáo dục, nhà tù, uy quyền không giúp được họ. Họ đã cố gắng vượt qua nhưng bất lực. Họ đã thử rất nhiều phương pháp để tự giải thoát khỏi xích xiềng của ma túy, nhưng họ thất bại. Đến khi có người giới thiệu Phúc Âm cho họ, chỉ dẫn họ đọc Thánh Kinh và cầu nguyện, nhiều người đã mạnh dạn quyết định trở lại THỜ TRỜI thì đời sống của họ đã thay đổi, họ hết ghiền thuốc, họ phục hồi sức khoẻ. Họ quý trọng thân thể, họ tập luyện thân thể, họ có đời sống mới. Họ có hy vọng, họ có tương lai. Tôi biết tên và đời sống của hàng trăm người như thế, cả nam lẫn nữ, cả ở miền Bắc lẫn ở miền Nam. Tôi tin đây là quyền phép của Đạo Trời. Đây là Ơn Trời miễn phí cho người có lòng tin.

Thay đổi để sống tốt hơn, văn minh hơn…

Người Việt Nam là dân tộc thực tế và khôn ngoan. Nhiều người đã nhanh chóng thay đổi và thích ứng với đời sống mới vì nắm bắt các giá trị của nền văn minh thế giới. Giá trị của tự do, của sự giải phóng tâm hồn là tốt đẹp. Thực tế đã diễn ra trước mắt mọi người trên thế giới. Chiếc xe hơi đi nhanh hơn chiếc xe đạp. Chiếc máy cày khoẻ hơn con trâu. Ánh mặt trời sáng hơn ánh đèn cầy. Thiện thắng ác, tình thương thắng hận thù, sáng thắng tối. Văn minh đạo đức thắng dã man. Hình ảnh người đàn ông mặc áo dài khăn đóng lụng thụng ngày xưa không còn ai ưa chuộng, người Việt đã ăn mặc áo quần gọn gàng theo thời trang Tây Phương. Thời trang thay đổi. Người con gái đến tuổi lập gia đình đã không còn nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” và phó mặc cuộc đời cho số phận nữa. Họ đã biết lựa chọn người bạn đời của mình theo quyền quyết định bản thân. Người con trai không còn ai dám có quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.” Truyền thống đang thay đổi. Sự lựa chọn đi đôi với trách nhiệm. Bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã nói về những thay đổi trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Nho. “Ông Đồ vẫn ngồi đó. Qua đường không ai hay.” Mới đã thay cũ. Tốt đã thay xấu. Xã hội Việt Nam có tiến bộ, có phát triển khi có sự đổi mới. Mọi người dân đều thấy mình cần phải đổi mới. Thay đổi để tiến lên theo với bước tiến của nhân loại. 

Ngày nay phần lớn các dân tộc trên thế giới đã lựa chọn đường lối kinh tế và xã hội theo kinh nghiệm tiến bộ Tây Phương. Từ nhà cửa, trường học, bệnh viện, đường sá, phương tiện đi lại, nghề nghiệp, giáo dục, ngôn ngữ, thời trang, giao thông, báo chí, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật, văn nghệ…ở đâu người ta cũng thấy dáng dấp của ảnh hưởng Tây Phương. Ngươi dân đã biết xuất ngoại. Học những nghề mới. Tích lũy của cải ở các ngân hàng. Các nước không còn ai bá quan toả cảng. Thế giới tự do thương mại. Khoảng cách trở nên gần hơn. Người dân biết sử dụng các tiện nghi và vật dụng nhập cảng. Cái máy lạnh, cái máy giặt, cái tủ lạnh, máy điện thoại cầm tay, các vật dụng khác càng ngày càng tinh vi, giá rẽ và tiện nghi không thể từ chối. Người Việt chúng ta chấp nhận các ảnh hưởng Tây Phương Âu Mỹ cách dễ dàng vì nhìn thấy giá trị của những hiểu biết mới đã đem lại một xã hội tiến bộ văn minh, đời sống tân tiến. Ví dụ cái máy điện thoại cầm tay quá tiện dụng, ai lại không thích dùng? Hay cái máy computer, cái máy chụp hình quá tốt, cái TV quá hay sao lại không học để sử dụng? Bài hát tân nhạc quá thích sao lại không hát, không nghe? Biết tiếng Anh là ích lợi quá, sao không học, không nói? Các dân tộc như Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore… sở dĩ đã tiến bộ xa và nhanh hơn chúng ta vì họ đã dứt khoát chọn con đường sống thực tế và thực dụng của Tây Phương Âu Mỹ từ rất sớm. Họ học tiếng Anh, họ đi du học ở các nước Âu Mỹ. Họ được tự do để nghiên cứu Đạo Trời. Ngày nay nước Mỹ có con số du học sinh nhiều nhất thế giới. Tiến bộ hay lạc hậu thật là khác nhau.

Tây Phương chịu ảnh hưởng của Đạo Trời

 images (1)

Hãy cùng tôi suy nghĩ điều gì đã khiến cho nền văn minh Tây Phương đã và đang ảnh hưởng đến cả thế giới? Câu trả lời mà tôi thấy rõ là đức tin thật đã ảnh hưởng thật đến đời sống. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, nhà truyền giáo Phao-lô đã phân vân và cầu nguyện xin ý Trời hướng dẫn ông. Ông muốn biết ý Trời là sẽ bắt đầu đi truyền giáo về hướng Tây hay là về hướng Đông? Tây Phương là Âu Châu, Đông Phương là Á Châu, là Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Người dân ở cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều cần trở lại Thờ Trời. Chỉ có điều ai nghe trước, ai nghe sau thôi. Nhưng dưới sự soi sáng của Đức Chúa Trời, ông Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông đã quyết định hướng về Tây Phương trước. Người Tây Phương thực tế, không huyền bí. Các tôn giáo cổ mê tín không bịt mắt bịt tai họ được. Người Tây Phương cần được nghe Đạo Trời trước. Ông Phao-lô đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của việc truyền đạo cho người Âu Châu. Trong một giấc chiêm bao, ông Phao-lô nhìn thấy một người Âu Châu lên tiếng gọi, “Xin hãy qua Âu Châu mà giúp chúng tôi.” Rõ ràng ý Trời đã định. Tây Phương cần được rao giảng Đạo Trời trước. Câu chuyện sau đó là lịch sử. Lịch sử cho thấy Phúc Âm được truyền đến Tây Phương và đã được người Tây Phương đón nhận ngay. Từ đó, trải qua một thời gian khá lâu, thế giới Đông Phương dường như bị quên lãng. Tất cả các tôn giáo huyền bí cao siêu đã không thay đổi được đời sống ở Đông Phương. Người ta chỉ thấy khổ nghèo, thiếu thốn, tối tăm. Chỉ mới hơn 100 nằm gần đây Đạo Trời mới được truyền đến cho người Việt Nam. Người Mỹ đã nghĩ đến người Đông Phương. Họ sai phái các giáo sĩ để truyền bá Đạo Trời. Nước Mỹ xưa nay vẫn là nước có giáo sĩ ra đi truyền bá Phúc Âm nhiều nhất trên thế giới. Luật sư David Allbritton viết rằng có độ 80% các giáo sĩ của thế giới đã ra đi từ nước Mỹ.

jesus-relationship-not-religion1

Tây Phương phát triển nhờ Đạo Trời 

Đây là thực tế. Lịch sử cho thấy, ngay ở Tây Phương trong suốt một ngàn năm dài Đạo Trời bị đóng khung, không có ai lo phổ biến ánh sáng Đạo Trời nên các dân tộc ở đó vẫn tiếp tục sống trong bóng tối nghèo khổ, chiến tranh, chia rẽ và lạc hậu…Đến khi có phát minh máy in, Thánh Kinh được in ấn và phát hành, thế giới Tây Phương mới bừng tỉnh. Ánh sáng Trời chiếu rọi tâm trí khi người ta đọc Thánh Kinh và đời sống văn minh đã phát sinh. Cuộc cải cách Giáo Hội bắt đấu ở Âu Châu đã lan tràn ra như lửa gặp gió. Mọi người đều thay đổi. Trí tuệ mọi người đọc và làm theo Thánh Kinh đều được khai phóng. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng. Tình trạng nô lệ được thay thế bằng sự giải phóng tâm linh. Đức tin thay cho mê tín. Sự lo sợ thay bằng tự do. Văn minh thay thế cho sự chậm tiến.

Nước Mỹ Tin Trời và Thờ Trời. 

Thời gian trôi qua, người dân Tây Phương bắt đầu đi khám phá thế giới. Niềm tin về một quả đất tròn, theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh đã giúp người Tây Phương chiến thắng sợ hãi, chiến thắng lầm lạc để dạn dĩ ra đi khắp nơi trên thế giới. Dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, người khám phá ra châu Mỹ đầu tiên là một nhà thám hiểm Cơ-đốc có tên Christopher Columbus. Rồi những người ở Âu Châu đã lần lượt kéo đến châu Mỹ.

Khi ra đi, họ đã mang theo Thánh Kinh. Họ mang ánh sáng tự do, dân chủ đến Mỹ, và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã được thành lập. Tất cả những nhà lập quốc của nước Mỹ đều là những người thờ Trời và có mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời. Họ bắt đầu lập hiến pháp của cả nước và hiến pháp của các tiểu bang trên căn bản nhận biết Đức Chúa Trời và cảm tạ ơn Trời.

Những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ trên chiếc tàu Mayflower đã kết ước với nhau xây dựng nước Mỹ “nhằm làm vinh hiển Đức Chúa Trời và sự tiến triển của Cơ-đốc Giáo.”

Hãy tưởng tượng tất cả năm mươi tiểu bang nước Mỹ đều nhận biết Đức Chúa Trời và đã viết thành văn ý niệm nầy ra trong hiến pháp tiểu bang của họ. Đó là lý do mà William Penn đã tuyên bố, “Những ai không được cai quản bởi Ông Trời thì sẽ bị cai quản bởi những nhà độc tài.”

Tổng Thống Mỹ đầu tiên tên George Washington đã nói, “Không thể nào cai trị thế giới cách đúng đắn mà không có Đức Chúa Trời và Thánh Kinh.”

Tổng Thống Mỹ Hoover đã nói, “Toàn bộ động cơ của nền văn minh của chúng ta phát xuất từ các sự dạy dỗ của Đấng Cứu Thế và những bài học của các vị tiên tri. Đọc Kinh Thánh là sự cần thiết cho đời sống người Mỹ.”

Tổng Thống Mỹ Theodore Roosevelt đã nói, “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thành lập trên những nguyên tắc của Cơ-đốc Giáo.”

Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln nói, “Kinh Thánh là món quà vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã từng ban cho loài người.”

Học giả William Lynch Phelps đã nói, “Nền văn minh Tây Phương đã được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh.”

Triết gia Immanuel Kent đã nói, “Kinh Thánh là lợi ích vĩ đại nhất mà nhân loại từng kinh nghiệm.”

Học giả M. E. Bradford là người nghiên cứu bối cảnh đức tin của những người ký tên vào Bản Tuyên Ngôn của nước Mỹ đã kết luận rằng 52 trên số 56 người ký tên vào bản Tuyên Ngôn là người Cơ-đốc. Tương tự, trong số 55 người ký tên vào bản Hiến Pháp Mỹ thì có 52 người là Cơ-đốc nhân chánh thống.

Trên mỗi tờ dollar của Hoa Kỳ, chúng ta luôn thấy dòng chữ IN GOD WE TRUST. Chữ nầy có thể dịch là CHÚNG TÔI SỐNG NHỜ TRỜI. Hoặc dịch CHÚNG TÔI TIN CẬY ÔNG TRỜI. Từ sự tin tưởng Đức Chúa Trời, người Mỹ đã cố sống theo sự chỉ dẫn của Đạo Trời. Họ học Thánh Kinh ngay từ nhỏ. Họ học đạo từ trong gia đình, họ đi nhà thờ để Thờ Trời. Họ học Lời Ngài trong các Trường Chúa Nhật. Họ vâng giữ Mười Điều Răn của Ông Trời. Họ tự hỏi mục đích đời người là gì? Họ tìm được câu trả lời cao cả rằng mục đích đời người là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính mình Ngài mãi mãi. Học đạo, sống đạo và truyền đạo là truyền thống tốt.

ingodwetrust_note

Tháng Ba năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tuyên bố lập một ngày cầu nguyện cho cả nước Mỹ và ngày nầy được kỷ niệm hằng năm. Đây là ngày toàn dân cầu Trời theo chỉ dẫn của Thánh Kinh.

Không lạ gì đời sống người dân Mỹ sống ở đất nước tự do Thờ Trời đã trở nên dư dật, thịnh vượng, thanh bình. Ý niệm mọi người sinh ra đều bỉnh đẳng nở hoa, kết quả. Ý niệm về một “xứ sở đượm sữa và mật” có thể áp dụng ngay cho nước Mỹ không sai. Các phát minh sáng chế đủ loại xuất hiện ở nước Mỹ. Từ nước Mỹ các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã lan tràn ra trên thế giới. Từ chiếc xe hơi, xe máy cày, máy ủi, máy gặt lúa, máy xe lửa, máy bay, bóng đèn, máy nổ, máy điện thoại, máy computer, tàu thủy, hàng không mẫu hạm, hỏa tiển… cho đến bom nguyên tử…. tất cả đều phát xuất từ Mỹ. Chỉ có 5% người Mỹ làm nông nghiệp vẫn có đủ khả năng sản xuất lương thực nuôi sống cho cả nước Mỹ và còn dư dùng để viện trợ cho thế giới. Tháng 12 năm 2014, Viện Gallup đã thống kê sau khi phỏng vấn 173,490 người công dân Mỹ,“Hơn 90% người Mỹ thích tự nhận mình là Cơ-đốc nhân.” (Israel My Glory, A Ministry of The Friends of Israel Gospel Ministry, Inc. March-April 2015). Người Mỹ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Do Thái – Cơ Đốc (Judeo – Christians).

Một Giáo Sư người Anh tên là C. S. Lewis đã viết, “Chúng tôi tin Đạo Trời giống như tin mặt trời, không chỉ vì chúng tôi thấy mặt trời nhưng là nhờ mặt trời chúng tôi thấy tất cả mọi sự.” Chỉ có tin Trời và thờ Trời mới thấy được toàn bộ bức tranh của đời người và thế giới. Giai đoạn nhớ thờ Trời là sáng láng, giai đoạn quên Trời là tối tăm.

Rõ ràng người nào Thờ Trời, gia đình nào Thờ Trời, dân tộc nào Thờ Trời đều được Đức Chúa Trời ban phước. Người Việt kinh nghiệm điều nầy và hay chia xẻ cho nhau:

Trời cho không ai thấy,

Trời lấy không ai hay.

Nhờ Trời ban phước nên thế giới mới có các nền Giáo Dục, các Viện Đại Học, các Đại Chủng Viện, các bệnh viện, các khoa nghiên cứu… các thành phố, siêu thị, phi trường, bến cảng như ngày nay. Nước nào thờ Trời là nước đó có phước. Đạo Trời giữ một địa vị quan trọng trong thế giới xưa nay.

Hãy cho tôi biết hôm nay bạn có đang thờ Trời không? Bạn đang thờ Trời theo cách của Ông Trời hay cách của con người? Tôi có thể cho bạn biết ngay số phận tương lai của bạn sẽ ra sao. Đức tin của bạn quyết định số phận của bạn. Tôi thích một câu nói của người Mỹ: “Đời sống bạn sẽ tốt hơn nếu bạn liên kết với chúng tôi.”

Cần biết thế giới quan của Đạo Trời 

Đời sống của một người được biến đổi nhờ sự biến đổi của thế giới quan của người đó. Thế giới quan của Đạo Trời khác với thế giới quan của các triết lý tôn giáo. Tin Trời hay không tin. Tin Trời hay tin người. Theo ý Trời hay theo ý mình. Ý Trời khác ý người. Cần phải học Thánh Kinh mới biết ý Trời. Đạo Trời dạy: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng Thế Ký 1:1). Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Tất cả trời đất đều do Trời dựng nên. Ngài là Đấng Tối Thượng. Thế giới và vũ trụ nầy không phải tự nhiên mà có nhưng đã do Ông Trời sáng tạo và điều khiển. Từ trong lòng người Việt, ai cũng biết có Ông Trời và Ngài đang sống.

Đạo Trời dạy: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam và người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dười biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:28). Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra loài người. Loài người là vật thọ tạo. Loài người cao cả hơn muôn vật. Loài người có linh hồn giống Đức Chúa Trời, có tri thức, có công chính và có thánh khiết, vì thế Đức Chúa Trời yêu quý, tôn trọng và dành quyền quản trị cũng như cải tạo thế giới cho cả loài người. Địa vị loài người là quan trọng trước mặt Chúa và thế giới.

Nhưng Đạo Trời cũng dạy, “Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Điều nầy chứng tỏ mọi người trên thế giới đều đã phạm tội nghịch lại với Ông Trời, theo ý mình mà không theo ý Trời. Loài người đã không tôn thờ Đấng Tạo Hoá nhưng đi tôn thờ các vật thọ tạo do Ngài dựng nên. Ý người đã thay ý Trời.

Đạo Trời khẳng định, “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Vì phạm tội với Trời, mọi người đều trải qua sự chết. Hậu quả là mọi người đều sẽ chịu số phận hư mất, và xa cách Đức Chúa Trời vĩnh viễn sau khi chết.

Tội lỗi đã gây ra nhiều hậu quả bi đát, và đau khổ cho loài người. Ai cũng thấy khổ, khổ thể xác như đau ốm bịnh tật, khổ tinh thần như hận thù, ghen ghét, tham lam, đàn áp, bất an. Lòng người cô đơn, trống rỗng, không mục đích. Loài người có nhu cầu tâm linh. Giống như uống nước biển, càng uống càng khát.

Do chịu đựng các hậu quả bi đát của tội lỗi, loài người đã suy tư về thân phận, đã nghiên cứu các giải pháp để tự cứu rỗi. Biết mình có tội họ không dám nhờ Trời. Đó là lý do thế giới có các tôn giáo và các triết lý. Đó là lý do xuất phát những dòng tu, những lớp tu tập. Đạo Trời đã nhận định: “Có những con đường dường như chánh đáng cho loài người, nhưng cuối cùng thành ra nẽo của sự chết.”

Cần biết nhân loại có một kẻ thù nghịch 

Điều bi đát hơn nữa là cả loài người đang có chung một kẻ thù tàn ác nhất, đó là Ma quỷ. Ma quỷ có sức mạnh. Người Việt sợ Ma quỷ và không biết cách chiến thắng ma quỷ. Ma quỷ muốn lôi kéo mọi người về phía nó. Phía Ma quỷ là phía sự chết, tối tăm, vô vọng. Ma quỷ chuyên lừa dối và cám dỗ con người đi xuống địa ngục cùng với nó. Ma quỷ đã lợi dụng cả các tôn giáo để ru ngủ, hù dọa. Ma quỷ còn đề ra những triết lý huyền bí xa cách đường lối của Đức Chúa Trời. Và Ma quỷ đã lôi kéo được nhiều người theo nó. Thánh Kinh chép: “Ma quỷ đã làm mù lòng những kẻ chẳng tin, nó đã làm mù lòng họ hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 4:3-4).

Đức Chúa Trời đã lập một chương trình cứu rỗi loài người. 

Kinh Thánh chép, “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời. Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời. Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:13-16).

Sứ đồ Phao-lô đã tóm tắt nội dung giải pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại như sau: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy, và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích. Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh;Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ. Rốt lại, sau những người ấy,Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy” (1 Cô-rinh-tô 15:1-3).

Chương trình cứu rỗi nầy chỉ xảy ra có một lần đủ cả, không tái diễn, không thay đổi. 

Mặc dầu trên thế giới ngày nay đã có 1/3 nhân loại tin thờ Trời, nhưng trên thế giới hiện nay có nhiều người vẫn chưa hề nghe nói đến Phúc Âm Trời. Họ cũng chưa bao giờ nghe nói đến Đấng Cứu Thế do Ông Trời sai đến thế gian. Việc gì xảy ra khi họ chết? Họ sẽ đi về đâu? Đây là câu hỏi quan trọng. Nếư người ta ai nấy đều sẽ lên thiên đàng thì hôm nay chúng ta không cần gì vội vàng để đem Đạo Trời cứu rỗi đến cho họ. Nhưng nếu họ không thể đi thiên đàng khi họ chưa nghe về Đấng Cứu Thế, thì việc ra đi nói cho họ biết về Đạo Trời là cấp bách, khẩn cấp, không thể trễ nãi. Nếu một người không đi thiên đàng thì chắc chắn sẽ đi địa ngục. Vì thế có một vấn đề quan trọng cần suy nghĩ: “Nếu một người chưa hề nghe về Đấng Cứu Thế thì số phận họ sẽ ra sao? Ông Trời có chương trình kế hoạch nào để cứu họ chăng?”

Sách Rô-ma trong Thánh Kinh đã trả lời câu hỏi nầy. Điều lý thú là sứ đồ Phao-lô viết sách Rô-ma để thuyết phục những tín hữu trong thành phố thủ đô nầy hãy giúp ông đem Phúc Âm đến cho những người chưa bao giờ nghe nói về Chúa Cứu Thế. Đặc biệt ông muốn đi qua Tây Ban Nha (Rô-ma 15:24) và đến giảng cho những người chưa hề nghe về Đấng Cứu Thế.

Dựa vào sách Rô-ma, Tiến Sĩ David Platt, tác giả quyển Radical, do Multnomah xuất bản năm 2010, đã đưa ra 7 lẽ thật được tóm lược sau đây:

Lẽ thật 1: Mọi người đều biết có Ông Trời. -Rô-ma 1:18-20.

Lẽ thật 2: Mọi người đều khước từ Ông Trời.  -Rô-ma 3:23.

Lẽ thật 3: Mọi người đều mắc tội với Ông Trời. -Rô-ma 1:18 đến 2:16; 3:10-11.

Lẽ thật 4: Mọi người đều bị định tội vì khước từ Ông Trời. -Rô-ma 3:20.

Lẽ thật 5: Ông Trời đã lập ra một con đường cứu rỗi cho người hư mất. -Rô-ma 3:21-22.

Lẽ thật 6: Không đặt lòng tin nơi Đấng Cứu Thế thì người ta không thể đến với Ông Trời.                        -Rô-ma 3:27-31; Rô-ma 5:1; Rô-ma 10:9-10.

Lẽ thật 7: Đấng Cứu Thế truyền cho Hội Thánh hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi người. –                          Rô-ma 10:13-15.

Đây là kế hoạch của Ông Trời để cứu rỗi loài người:

Ông Trời sai các tín hữu của Ngài >>> Các tín hữu của Ngài rao giảng >>>

Người khác nghe giảng >>> Người nghe tin nhận >>> Người tin kêu cầu >>>

Người kêu cầu Trời thì được cứu rỗi.

Những lẽ thật nầy chứng minh rằng con người không thể tự mình cứu rỗi hay đi theo phương pháp tự giải thoát của loài người. Nói cách khác tất cả các tôn giáo không thể cứu rỗi được con người. Con người chỉ được cứu rỗi nhờ giải pháp của Ông Trời. Đây là tin mừng: Con Một Ông Trời là Đấng Cứu Thế Giê-su đã thi hành xong giải pháp cứu rỗi bằng cách chết thay thế chỗ của con người tội lỗi trên cây thập tự. “Không đổ huyết thì không có sự tha tội.” Giải pháp nầy đã được Ông Trời chấp nhận. Ông Trời chấp nhận huyết của Con Trời đã đổ ra thay chỗ cho nhân loại. Không có con đường cứu rỗi nào khác. Loài người chỉ được cứu nhờ ân huệ của ÔngTrời.

Rao giảng tin mừng nhờ ơn Trời cứu cho muôn dân là con đường giải cứu duy nhất. Đây là lý do cấp bách nhất để những môn đồ thật của Đức Chúa Trời cố gắng làm theo mạng lịnh của Ngài. “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người” để “Phàm ai cầu Trời đều sẽ được cứu rỗi.”

HÃY TRỞ LẠI THỜ TRỜI 

Bạn đã trở lại thờ Trời chưa? Giống như người đi xa bỗng nhớ nhà và quay đầu trở lại, những điều bên phải của anh bây giờ là bên trái và những điều gì nằm bên trái bây giờ là bên phải. Người trở lại thờ Trời cũng như vậy. Có nhiều suy nghĩ cũ, niềm tin cũ, thói quen cũ cần phải được thay thế bằng những suy nghĩ mới, niềm tin mới và thói quen mới.

Ông Trời muốn chúng ta tin cậy Trời. 

images (1)

Hãy mở sách Trời ra và đọc, suy gẫm và làm theo. Kinh Thánh là Sách Trời. Ở Mỹ Kinh Thánh được dịch và in đi in lại ra Anh Ngữ với nhiều bản dịch khác nhau nhằm giúp người đọc dễ hiểu hơn và hiểu rõ ý Trời hơn. Các Hội Dịch Kinh Thánh ở các nước đã dịch Kinh Thánh ra hơn hai nghìn thứ tiếng chính trên thế giới để mọi người có cơ hội đọc Kinh Thánh. Mục tiêu là mỗi người đều được dịp nghe đến Đạo Trời và giải pháp cứu rỗi của Ông Trời qua Đấng Cứu Thế mà Ngài đã ban sai một lần đủ cả. Vì lòng thương người, phi lợi nhuận, phần lớn các bản Kinh Thánh dù là thứ tiếng nào đều được in ra để bán rẽ hoặc để tặng cho mọi người muốn đọc. Bạn có thể tìm được một quyển Kinh Thánh tiếngViệt dễ dàng. Hãy tìm bạn sẽ gặp. Câu hỏi duy nhất là, “Bạn có hiểu những điều mình đọc đó không?” Hãy đọc bạn sẽ hiểu. Không có gì huyền bí cả. Sách Trời không phải chỉ đọc để biết nhưng là để làm. Đây là thức ăn, nước uống, sữa ngon cho linh hồn. Chúng ta phải ham thích ăn nuốt và tiêu hoá Lời Sống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta phải tin điều chúng ta biết và biết điều chúng ta tin. Một tác giả người Mỹ đã viết, “Thà có kiến thức Kinh Thánh mà không có bằng Đại Học hơn là có bằng Đại Học mà không có kiến thức Kinh Thánh.” Xã hội ở Âu Mỹ xưa nay đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Kinh Thánh. Kinh Thánh ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống những người đọc và tin Kinh Thánh.

Ông Trời muốn chúng ta cầu Trời. 

 Cầu Trời không chỉ có nghĩa là cầu xin nhưng là tương giao, thông công mật thiết với Ông Trời như trong tình cha con. Cầu nguyện là nói chuyện, là tâm sự, là thờ phượng. Chúng ta có nhiều lời hứa trong Kinh Thánh đáp ứng mọi nhu cầu của nhân loại trong đời sống. Hãy cầu Trời để nhận, hãy cầu Trời để cho. Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh. Hãy xem việc cầu Trời như hơi thở. Thở là thở ra, là hít vào. Hãy cầu Trời không hề ngưng.

Ông Trời muốn chúng ta thờ Trời.

Mỗi ngày mỗi tuần hãy dành thì giờ tốt nhất để thờ Trời. Thờ Trời trong lòng, trong nhà và trong thánh đường. Hãy ca hát để thờ Trời. Hãy cầu nguyện để thờ Trời. Hãy dâng hiến để thờ Trời. Hãy yêu thương lẫn nhau để thờ Trời. Hãy tin cậy vâng lời theo Sách Trời chỉ dẫn để thờ Trời. Hãy cùng cả gia đình thờ Trời. Hãy dạy cho con cháu biết thờ Trời. Hãy giữ ngày nghỉ để thờ Trời. Hãy trở nên giống như Đức Chúa Giê-su là Con Trời gương mẫu.

Ông Trời muốn chúng ta truyền bá Đạo Trời.

Kinh Thánh chép, “Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.

Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin lành là tốt đẹp biết bao!”

Bàn chân chỉ đẹp khi nó được sử dụng để đi.  Hãy cùng đi với chúng tôi.

Ông Trời muốn chúng ta sẵn sàng để chầu Trời. 

 Sanh hữu hạn, tử vô kỳ. Đời sống con người chóng qua, vì cớ tội lỗi ai nấy đều sẽ chết. Sách Trời đã định: “Ai nấy đều phải chết một lần rồi chịu phán xét.”  Ông Trời là Đấng phán xét, là vị quan án công bình để xét đoán cả thế gian. Chết rồi không phải là chấm hết, chết rồi mọi người đều sẽ bị Ông Trời phán xét chung thẩm. Sách Trời tuyên bố, “Hiện nay chẳng còn sự định tội nào cho những kẻ ở trong Đấng Cứu Thế Giê-su.” Điều nầy cũng có nghĩa là những ai còn ở bên ngoài Đấng Cứu Thế Giê-su đều bị định tội và sẽ chịu án phạt của Trời.

Nếu bạn là người đang thờ Trời, câu hỏi đặt ra là bạn đã làm xong công việc Trời giao cho bạn chưa? Hãy bắt chước Đấng Cứu Thế thưa với Cha rằng, “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho con làm.”

Nếu bạn chưa trở lại thờ Trời, tôi tin đây là cơ hội Trời ban cho bạn.

HÃY NẮM LẤY CƠ HỘI HÔM NAY 

Bạn vẫn còn cơ hội. Bao lâu bạn còn sống, còn hơi thở là bạn còn cơ hội Cầu Trời, trở lại Thờ Trời. Đừng để lại ngày mai những gì bạn có thể làm được ngày hôm nay. Hãy làm hoà với Ông Trời, bằng cách ăn năn quay lại cầu Trời, đừng chống nghịch lại với Ngài nữa. Bạn cũng không cần lý luận hay thắc mắc, “Tại sao?” Trên đời nầy bạn sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi và bạn sẽ không bao giờ tự tìm được câu trả lời. Điều lý thú là khi bạn quyết định trở lại thờ Trời thì tự nhiên bạn sẽ có những câu giải đáp rất hay, rất hợp tình hợp lý cho mọi câu hỏi và mọi nan đề của bạn. Bây giờ nhiều điều còn mập mờ, nhưng đến bấy giờ mọi sự đều sẽ tỏ tường.

Tôi khám phá ra một ý rất hay:

Điều quý nhất trên thế giới là sự sống

Điều quý nhất của sự sống là tình thương

Điều quý nhất của tình thương là thì giờ

Điều quý nhất của thì giờ là bây giờ.

Đời người ngắn ngủi. Bạn biết chắc mình đã được Trời cứu chưa?

NOI GƯƠNG BÀ MA-RI

“Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đàn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài. Vả, Ma-thê mảng lo về việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi. Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.”

(Lu-ca  10:38-42).

Ở đây chúng ta hai người đàn bà. Hai người đều tốt cả. Họ có lòng hiếu khách, họ muốn tiếp đãi khách cho thật tốt. Đây là là khách quý. Hai người đều bận rộn. Nhưng bà chị tên Ma-thê thì bận quá, nhiều việc quá, lo lắng quá, làm sao việc tiếp khách hôm nay thành công, được tiếng tốt, nếu không thì buồn lắm, mệt lắm, tiếc lắm. Còn đối với cô em tên Ma-ri thì suy nghĩ khác nên đã làm khác. Cô biết một việc cần hơn và cô biết mình cần nắm lấy cơ hội, có thể cơ hội không còn. Cô đã mời Chúa vào nhà và đến gần ngồi dưới chân Chúa để nghe Ngài nói chuyện. Cô thích quá, thấy thì giờ nầy quý quá, cô nghe lời Chúa và cô quên mất lời chị. Bà chị ở dưới bếp chờ lâu không thấy em gái xuống giúp nên đã bực mình, có lẽ giận và tức quá cô đã đi lên gặp thẳng Chúa và trách Ngài, “Sao thầy không bảo em Ma-ri xuống giúp tôi?” Không ngờ Ma-thê nghe Chúa Giê-su cất tiếng trả lời: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.”

Phần tốt nhất bạn nên chọn hôm nay là hãy quên hết những lịch trình bận rộn trong đời sống thường nhật của bạn và hãy lập tức ngồi xuống dưới chân Chúa để nghe Ngài dạy. Bạn cần nghe tiếng Chúa. Đức tin đến bởi sự lắng nghe Lời Chúa.

NOI GƯƠNG ÔNG PHAO-LÔ

Khi gặp Đấng Cứu Thế trên đường tiến về thành phố Damascus, ông Phao-lô đã hỏi hai câu hỏi quan trọng của đời sống ông: 1. Lạy Chúa, Chúa là ai? 2. Ngài muốn tôi làm chi? Bạn có muốn bắt chước ông Phao-lô để đặt câu hỏi với Đức Chúa Trời ngay hôm nay không?

Mời bạn lắng nghe lời Chúa qua ông Phao-lô dạy bạn phải làm gì?

“Đạo ở gần ngươi,
ở trong miệng ngươi,
và ở trong lòng ngươi.”(Rô-ma 10:6-8)
Đó là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng.
9 Bởi vì, nếu miệng bạn xưng nhận Đức Chúa Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, thì bạn sẽ được cứu. 10 Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, và ai xưng nhận ra bằng môi miệng thì được cứu rỗi. 11 Vì Kinh Thánh dạy,
“Hễ ai tin Ngài sẽ không bị hổ thẹn” , là như vậy.
12 Thế thì, không có phân biệt gì giữa người Do-thái và người Hy-lạp cả, vì họ có cùng một Chúa, là Chúa chung của mọi người; Ngài là Đấng ban ơn dư dật cho những ai kêu cầu Ngài.
13 Vì “Hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”

14 Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Họ chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng thì làm sao họ nghe? 15 Nếu không ai được sai đi thì rao giảng thể nào? Như có lời chép rằng, “Bàn chân của những người rao truyền Tin Mừng thật tốt đẹp biết bao!”,

 

mshue

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

[email protected]

Tôi rất vui khi bạn liên lạc với tôi.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn