Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC TIN

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC TIN

images (2)

 

Tác giả: Michael Green

Bốn câu hỏi mà tôi muốn kết lại chương sách này.

Tại sao đức tin lại quan trọng đến như vậy?

Có hai lý do chính đáng. Một phần bởi vì niềm tin là điều cơ bản cho hành động. Thật ngu ngốc khi tập trung vào sự thành tâm trong hành động nếu bạn không chú tâm đến thực chất của những gì bạn tin. Những gì bạn tin chắc chắn sẽ dẫn đến những gì bạn làm và bạn là người như thế nào.

Nhưng còn có một lý do khác quan trọng hơn. Niềm tin rất quan trọng bởi vì đó là đáp ứng duy nhất có thể nhận thức được đối với tình yêu. Khi tình yêu của Thượng Đế đã được đem đến cho tôi trong Đấng Christ, nếu tôi nói: “Vâng, Ngài thật tốt. Vậy nếu việc con đi nhà thờ, con có lòng thành và con tự thay đổi chính mình liệu có thể mua được tình yêu của Ngài chăng?” tôi sẽ hoàn toàn khiến Ngài bị xúc phạm. Đáp ứng duy nhất đối với một món quà cao thượng và không xứng đáng cho tôi để nhận lấy đó là đưa ra đôi tay đức tin và nói “Tạ ơn Ngài.”

Niềm tin đạt được điều gì?

images (1)

Một lần nữa, câu trả lời đại khái có thể được tóm lại trong hai phần. Đầu tiên, niềm tin xóa đi quá khứ, hoặc nói đúng hơn niềm tin công bố rằng Đấng Christ đã xóa bỏ quá khứ tội lỗi trên thập giá. “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời,” đây chính là khám phá đắc thắng của thánh Phao-lô (Rô-ma 5:1). Giống như việc tôi đang bị cầm tù và một Lệnh Tha từ Hoàng Tộc mà tôi không hề biết đã được ban ra cho tôi. Tôi sẽ bị giam trong ngục cùng với bản cáo trạng của tôi cho đến khi tôi tiếp nhận Lệnh Tha từ Hoàng Tộc đó và bước ra khỏi ngục, một con người tự do mà không có gì chống lại tôi cả.

Thứ hai, đức tin đem một người về với gia đình của Đức Chúa Trời. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,” theo sứ đồ Giăng (Giăng 1:12), và “… đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi” theo Phao-lô (Rô-ma 8:15). Giống như việc chúng ta là những tên tội phạm vị thành niên, và vị thẩm phán không chỉ nhận lấy án phạt của chúng ta mà còn nhận chúng ta về chính gia đình của ông ấy cùng với những người con ruột của ông. Chúng ta không thể làm gì để đạt được điều đó. Chúng ta chỉ có thể tin cậy mà tiếp nhận mối quan hệ mới và nói rằng: “Xin tạ ơn Ngài,” và cố gắng sống xứng đáng với ân sủng đó.

Niềm tin sẽ bao gồm những gì?

Chắc chắn đây không phải là một sự lựa chọn rẻ tiền, không có sự lựa chọn nào dễ dàng cho hành động đắt giá. Nhưng niềm tin cũng không có nghĩa rằng chúng ta bị trói buộc vào việc phải tuân thủ nghiêm nhặt luật pháp đến mãi mãi. Hãy nhìn theo hướng này. Đối với một vận động viên, việc tin vào người huấn luyện có nghĩa là gì? Đối với một học sinh, việc tin vào thầy giáo có nghĩa là gì? Đối với một bệnh nhân, tin vào bác sĩ có nghĩa là gì? Đối với con cái, tin vào cha mẹ có nghĩa là gì, hoặc vợ tin chồng có nghĩa là gì? Dĩ nhiên kỷ luật và sự vâng phục là một phần của sự việc, tuy nhiên theo một cách nào đó nó không phải là một điều tẻ nhạt, bởi vì có mối liên hệ giữa người tin và đối tượng tin. Đó chính là niềm tin vào Đức Chúa Giê-su. Đó là một kết ước trọn đời, một sự phụ thuộc và sự vâng phục ngày càng nhiều đối với Đấng hoàn toàn đáng tin cậy. Bởi vì Ngài đến thế gian này để tìm kiếm tôi; bởi vì Ngài đã chết và sống lại vì tôi; bởi vì Ngài muốn chia sẻ chính Ngài với cuộc sống của tôi và bước vào nơi sâu thẳm nhất trong con người tôi, tôi biết rằng tôi có thể tin cậy Ngài một cách trọn vẹn. Và tin có nghĩa là gì nếu không phải là tin cậy, phó thác?

Tôi phải tin như thế nào?

Một lần nữa, câu trả lời có hai phần. Bỏ qua bước suy nghĩ rằng đức tin là tin những gì bạn biết không phải là điều đúng, hoặc đức tin là cốt tại việc thuật lại những tín điều theo phong cách đọc thuộc máy móc, đức tin được giải quyết trong vấn đề của tâm trí và tấm lòng.

Hãy xem xét về khía cạnh nhận thức trước. Tin không phải là sự đầu hàng của trí tuệ. Nó không phải là công nhận một cách mù quáng vào mọi lời Kinh Thánh dạy, hoặc mọi giáo điều của Hội Thánh Cơ-đốc. Không. Đức tin liên quan đến Đức Chúa Giê-su Christ. Tin là bàn tay đáp ứng của chúng ta, vươn ra đối với Ngài. Cả hai cùng gặp nhau. Vậy, tôi xin hỏi bạn, bạn có tin rằng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời? Bạn có tin rằng Ngài chết vì bạn không? Bạn có tin rằng Ngài là Chúa của sự sống lại, sẵn lòng và có thể thay đổi đời sống bạn? Đó chính là điều cốt lõi của niềm tin Cơ-đốc. Những Cơ-đốc nhân đầu tiên đã tóm lược những điều này thành hình ảnh biểu tượng con cá rất nổi tiếng – bởi vì năm chữ cái để viết thành từ con cá trong tiếng Hy Lạp có thể được xem là những chữ cái đầu tiên trong tuyên bố sau về Đức Chúa Giê-su: “Đức Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Rỗi” (Jesus Christ, Son of God, Savior.” Những tuyên bố trên đưa bạn đến trung tâm đầu não của niềm tin Cơ-đốc.

Nhưng thật dễ dàng tin vào một điều gì đó trong suy nghĩ mà không cần phải tham dự một cách cá nhân vào điều mà bạn tin, hoặc hành động dựa trên những gì bạn tin. Đó chính là lý do tại sao rất quan trọng để nhận ra rằng niềm tin là một vấn đề không chỉ của tâm trí nhưng còn ở tấm lòng. Câu chuyện thú vị về Blondin, người đi trên dây văng một trăm năm về trước sẽ chứng minh cho vấn đề này với sự hài hước và rõ ràng. Ông nổi tiếng về việc đi dây văng qua thác Niagara. Rất nhiều màn trình diễn bao gồm bịt mắt, bị quấn bao tải, đi trong đêm, đi cà kheo, và đôi chân bị cột nhiều lớp vải. Năm 1860 ông thực hiện màn trình diễn trước Hoàng Tử xứ Wales khi vị hoàng tử đang đến thăm thác Niagara. Blondin đề xuất muốn được cõng vị hoàng tử trên lưng. Vị hoàng tử từ chối, nhưng bằng sự lịch sự có thừa của hoàng gia, ông đã gợi ý rằng Công Tước của Newcastle cũng có mặt ở đó, có thể chấp nhận lời đề nghị. Chẳng may thay, Công Tước của Newcastle cũng từ chối!

Hai người này tin trong tâm trí rằng Blondin có thể làm được điều đó, nhưng đó không phải là đức tin theo ý nghĩa đơn thuần của Tân Ước. Họ không có hành động sẵn lòng, không có một cam kết cá nhân. Ngược lại, mẹ của Blondin khi đã xem ông đẩy một xe cút kít chở đầy khoai tây đi qua thác và rồi, khi ông đề nghị, bà đã leo lên xe và tin cậy nơi kỹ năng và sự thăng bằng của con bà. Bà đã không bị thất vọng. Đó là một ví dụ tốt về đức tin đích thực.

Dare-devil on a Rope. Blondin (Francois Gravelet) pushes a wheelbarrow across a tightrope over Niagra Falls. Original artwork from Look and Learn Book 1982.
Dare-devil on a Rope. Blondin (Francois Gravelet) pushes a wheelbarrow across a tightrope over Niagra Falls. Original artwork from Look and Learn Book 1982.

Vậy còn bạn và Đức Chúa Giê-su Christ thì sao? Bạn có tin Ngài trong tâm trí của bạn không? Vậy hãy đặt chính mình cho Ngài sử dụng. Hãy leo lên chiếc xe cút kít ấy, để nói và  kể cho Ngài rằng bạn nhận ra sự chân thành vẫn chưa đủ, rằng bạn phải trao phó cuộc sống bạn cho Ngài, và bạn không quan tâm ai biết điều đó.

Hành động thành tâm đầu phục như vậy sẽ sản sinh ra một sự tin chắc ngày càng vững vàng rằng Đấng Christ, không phải đơn thuần là sự chân thành, là những gì bạn cần trong cuộc sống này và đời sống kế tiếp. Bởi vì hành động kết ước dẫn đến một đời sống song hành cùng với Ngài là Đấng khiến mọi sự trở nên mới – và  bạn chắc sẽ kinh nghiệm được điều này.

 

Translated by Le Khac Vinh Hien

Bài trước:

https://huongdionline.com/2016/04/08/gioi-han-cua-long-thanh/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn