Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / CÔ DU KÍCH NĂM NÀO

CÔ DU KÍCH NĂM NÀO

codukich

Mùa Xuân năm 1968 chiến sự ác liệt xẩy ra tại Bình Long, bom đạn tàn phá nhà cửa và ruộng vườn, gia đình ly tán. Thanh chạy lạc vào rừng cao su bạt ngàn, không tìm được lối ra. Cô đói lả, mệt xỉu rồi ngất lịm đi… Hai ngày sau tỉnh dậy, mở mắt ra Thanh mới biết mình đang nằm trong lán của bộ đội. Cô sợ hãi, run rẩy không nói nên lời. Chị y tá bộ đội an ủi:

– Em tỉnh lại rồi à! Ngày hôm qua các anh du kích đã cõng em từ rừng cao su An Lộc đem về đây. May mà em còn sống. Thôi, hãy ở lại đây với các anh chị.
Thanh không biết nói gì hơn, chỉ biết gật đầu trong im lặng, vâng theo lời chị Thắm.
                                                            *

Sống trong rừng sâu, mang nỗi buồn xa cách gia đình, xa vắng Hội Thánh, xa rời mái trường thân yêu… rồi Thanh trở thành cô du kích nhỏ bé, ốm yếu, luôn mang bên mình một khẩu súng AK nặng nề, lạnh lùng. Lúc đầu cô cảm thấy chán nản và buồn vô hạn, suốt ngày đầu óc phải nhồi nhét lý tưởng Cách mạng, giải phóng dân tộc; căm thù bọn Đế quốc thực dân, bọn tay sai bán nước cầu vinh, phải chịu hi sinh gian khổ, chiến đấu cam go để giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc… Hình ảnh về Hội Thánh cứ phai nhạt dần theo từng giờ từng ngày. Phải chăng tôn giáo là sản phẩm mà người ta đặt ra để khống chế kẻ nhẹ dạ cả tin? Phải chăng Chúa Trời là Thần trong sự tưởng tượng của các nước Phương Tây, tương tự như Ngọc Hoàng trong các câu chuyện hoang đường hấp dẫn của truyền thuyết Á Đông?
Những cơn sốt rét rừng hành hạ Thanh, khiến thân hình cô xanh mét, như chỉ còn da bọc xương, tóc rụng dần từng sợi phơi bày ra mái đầu lưa thưa, trông thật là đáng thương tâm. Cỡ chừng một tháng thì cô bị lên cơn sốt một lần, mỗi lần kéo dài cả một tuần lễ, thuốc men hầu như không có, chỉ hái lá rừng xông tạm cho qua cơn, người cứ run lên cầm cập như trống đánh liên hồi… Với sức khỏe tiều tụy thế nầy, Thanh không còn đầu óc tỉnh táo đủ để suy nghĩ mông lung nữa, cô đành buông xuôi cuộc đời cho số phận đẩy đưa. Hi vọng ngày mai tươi sáng hơn, nhất là một ngày nào đó được gặp lại cha mẹ, anh chị em của mình.
                                                            *
Từ năm 1972 trở về sau quân du kích cần kết hợp với bộ đội chính qui từ miền Bắc ồ ạt chi viện vào, họ mới đến nên chưa quen đường sá, chưa quen tiếp cận với quần chúng địa phương. Đơn vị của Thanh được cấp trên điều động tăng cường cho mặt trận ở Phước Long. Cô và hai người nữa đóng chốt tại một sóc làng của đồng bào Stiêng, nằm bên dòng sông Bé. Dân làng thương yêu, nuôi dưỡng bộ đội như người nhà của mình, nhờ thế Thanh đã tìm lại một phần nào không khí nồng ấm gia đình của mình lúc nhỏ. Rảnh rỗi cô thường chơi với lũ trẻ, dạy cho chúng nói tiếng Kinh, tập hát một vài bài ca Cách mạng. Đáp lại mối chân tình đó, lũ trẻ rất quí mến, chúng hái măng, hái nấm, hái rau rừng giúp bộ đội có cái ăn, thỉnh thoảng còn tổ chức đi săn chuột đồng, săn thỏ rừng đem về cho bộ đội “liên hoan ”.
Dạo này các toán lính Cộng hòa đóng ở đồn thường đi càn quét, vào tận sóc làng lùng bắt cán bộ, khiến cho dân làng hoảng sợ chạy trốn vào rừng rậm. Quân du kích cũng lặng lẽ rút lui để tránh thương vong. Cấp trên chỉ thị phải lên kế hoạch đối phó. Một đêm kia, Thanh được giao nhiệm vụ phục kích nhà Huy là Trung sĩ trung đội trưởng nghĩa quân có tiếng tại vùng này.
Cầm chắc khẩu AK trong tay, giắt thêm hai quả lựu đạn chày vào thắt lưng, Thanh nhẹ nhàng bò vào tiếp cận nhà Huy, một ngôi nhà xây bề thế sang trọng. Dưới ánh đèn dầu mờ tỏ, trong nhà vọng vang tiếng hát:“Đêm yên lặng, đêm thánh nầy. Vắng vẻ thay, sáng láng thay…”. Bỗng nhiên, tim cô như ngừng đập, hai dòng nước mắt tuôn tràn trên đôi má, chảy vào cả miệng, tạo nên vị mặn chát, đắng cay. Trong trí cô, hình ảnh thơ ấu ngày nào chợt hiện lại, rõ ràng từng chi tiết một. Cứ vào độ Giáng sinh về, cô và các bạn thiếu nhi trong Hội Thánh cứ tập đi tập lại bài Thánh ca Đêm Yên Lặng nầy nhiều lần, càng hát càng thấy thích. Tiếng chó sủa làm Thanh trấn tỉnh lại, nhiệm vụ được giao cho quá rõ ràng. Nhưng bây giờ tình cảm sâu lắng lại hiện lên: “Chúa yêu thương nhân loại, giáng thế làm người, cứu vớt con người lạc lối hư mất… Chẳng lẽ bây giờ mình nhẫn tâm giết hại cả nhà người ta đang thờ phượng Chúa hay sao?”
Tiếng chó sủa từ trong nhà càng gắt gỏng, dồn dập. Một loạt đạn súng trường M 16 từ trong bắn ra. Thanh bị trúng đạn vào chân. Đau quá! Cô cố gắng thu hết sức lực, cam chịu đau đớn bò ra tuyến sau, rồi được đồng đội tiếp ứng cõng về hậu cứ. Ba tháng nằm dưỡng thương, Thanh thấm thía cái giá phải trả của chiến tranh: “Mình không giết đối phương thì đối phương cũng sẽ giết mình”. Ôi chiến tranh, chiến tranh! Sao mi tàn nhẫn thế! Hận thù cứ mãi tràn dâng lên khóe mắt, lên con tim, lên cả máu thịt trong người cô. Trong thời gian này, An là người anh, người bạn và người cán bộ cấp trên luôn gần gũi, động viên và giúp đỡ Thanh. Tình cảm giữa hai người ngày càng thắm thiết, rồi họ nên vợ nên chồng. Chuyện này giúp cô khuây khỏa bớt nỗi đau buồn vì cái chân bên trái bị thương, phải bước đi khập khiễng mỗi ngày.
                                                            *
Đầu năm 1974, bộ đội chiếm Phước Long, bom đạn san bằng trung tâm thị xã. Thanh đi làm công tác tuyên truyền. Trong một lần vào công tác tại trại cải tạo, cô chợt gặp lại chị Thắm -y tá bộ đội năm xưa tại thị xã An Lộc, Bình Long- Chị Thắm cho cô biết:
– Huy, người đã bắn què chân Thanh lúc trước, đang bị quản thúc tại đây.
Mặt cô sa sầm lại, một ý nghĩ trả thù lóe lên, hai hàm răng cô nghiến vào nhau kêu ken két. Lạ thay! Âm vang của bài Thánh ca Đêm Yên Lặng lại vang lên bên tai. Sự nhân từ thương xót của Chúa Cứu Thế tràn ngập tâm hồn cô. Hai dòng nước mắt nóng hổi chảy dài trên khuôn mặt gầy gò, xanh xao.
– Ủa Thanh! Sao em khóc? – Chị Thắm hỏi.
– Em hơi xúc động.
Rồi cô nói lảng tránh sang chuyện khác:
– Chiến tranh sắp chấm dứt rồi chị ạ! Em mừng quá! Sắp được gặp lại gia đình của mình rồi.
Đêm hôm đó Thanh không tài nào chợp mắt được. Cô cảm thấy con người mình đầy tội lỗi xấu xa, hận thù chất chứa. Cô quì gối cầu nguyện trong nước mắt: “Lạy Chúa Giê-su! Xin Ngài tha thứ tội lỗi cho con, xin ban cho con một tấm lòng trong sạch, biết yêu thương và tha thứ cho kẻ thù nghịch mình. Con nguyện tin cậy và phó thác cuộc đời con trong vòng tay nhân từ của Ngài. Amen.” Cô mạnh mẽ đứng lên và từ từ mở miệng hát: “Đã lăn xa, lăn rất xa, lăn xa bấy! Bao nhiêu ác tích Cứu Chúa xua sạch lòng đây. Sông huyết tuôn, trôi mọi tội, trôi đi xa, sạch rồi…”

                                                            *

Mùa Xuân năm 1975, điều bất hạnh đến cho Thanh là anh An -chồng cô- đã chết trong đợt tiến công đánh về Sài Gòn, để lại cho cô em bé Lan Ngọc, vừa tròn một tuổi, mới chập chững bước đi. Niềm vui chung pha lẫn nỗi buồn riêng, cứ đan xen mãi trong lòng cô ngày này qua ngày khác. Cái giá từ hậu quả của chiến tranh để lại là quá đắt! Sau hai năm dài lặn lội tìm kiếm tin tức, Thanh mới biết cha mẹ mình đã chết trong loạn lạc, các anh chị em di tản ra nước ngoài; chỉ còn lại một người chị gái trôi giạt về miệt Đồng Tháp Mười. Thanh dẫn con về thăm chị Thu. Hai người gặp nhau vừa mừng vừa tủi, ôm nhau khóc sướt mướt. Kinh tế gia đình chị sa sút, sống trong căn nhà lá lụp sụp, ngày ngày chị phải ra đồng mò cua bắt ốc, đem bán lấy tiền mua gạo. Cả ba đứa con của chị đều thất học, theo ba làm đủ thứ việc linh tinh như đi cắt lúa thuê, đi giăng câu, đi cất vó,… Trông chúng đen thui đen thủi, áo quần xốc xếch vá miếng to miếng nhỏ mà lòng Thanh co thắt lại. Tuy mình là cán bộ nhà nước nhưng mỗi tháng chỉ có mấy chục đồng, ăn lương thực theo tiêu chuẩn tem phiếu, cố công gói ghém lắm hai mẹ con mới đủ sống, bây giờ biết lấy gì mà giúp các cháu đây!
Suốt ngày Thanh cam chịu “nhức đầu nhức óc” khi nghe bà chị gái ca cẩm đủ thứ chuyện trên đời: “Nhà thờ bây giờ tín đồ nhóm lại thưa thớt, tiền dâng không đủ cung lương. Mục sư Truyền đạo cũng phải làm thêm mới bám trụ được, không như ngày trước …” Ông anh rể thì có phần lạc quan hơn:
– Tuần sau, bốn cha con tui vô bưng, vỡ thêm hai công đất nữa để trồng lúa, đào ao nuôi cá.
Chị Thu bàn lùi:
– Ông có thích thì cứ đi đi. Tui không đi theo đâu. Tui sợ đỉa đeo và muỗi thui lắm! Nghe nói trong bưng đỉa nhiều như bánh canh, muỗi bay như ong vỡ tổ.
Thanh vội góp ý dàn hòa:
– Thì chị cứ ở nhà, nuôi thêm chục con vịt. Cuộc sống bây giờ ai cũng gặp khó khăn, mình phải tự tìm kế sinh nhai. Biết đâu ngày mai “trời lại sáng”.
Chị Thu nghe em nói vậy, một phần thì ngại “mất lòng”, một phần thì nghe “có vẻ hợp lý” nên im lặng cho qua chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại, chị cũng thương cho em gái mình, nó lưu lạc xa gia đình từ nhỏ, nay phải sống cảnh mẹ góa con côi. Tình cảm chị em là vậy, nhưng “quan điểm sống” lại khác nhau. Thanh dẫn bé Lan Ngọc đi nhà thờ, nhưng người người nhìn mẹ con cô với đôi mắt ngờ vực, lạnh lùng. Âu đó cũng là lẽ thường tình, vì thời gian này, chính quyền địa phương đang tìm mọi cách quản lý hoạt động của các nhà thờ….
Về lại đất Bình Phước (lúc đó gọi là tỉnh Sông Bé), bà Thanh tham gia công tác trong hội Phụ nữ, rồi tuổi cao sức yếu xin về hưu, sống trong một căn nhà nhỏ gần thị trấn Đồng Xoài. Lúc đầu hằng tháng bà đi nhóm thờ phượng Chúa tại Bình Dương hoặc thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dần về sau chi phí đi lại tốn kém nên bà đành thờ phượng Chúa ngay tại nhà mình ở. Một vài tín hữu thuộc nhóm Tư Gia tìm đến kết thân với gia đình bà. Từ đó lửa linh bùng cháy, họ tìm cách kín đáo để làm chứng Tin Lành cho một số bạn bè và người thân quen.
                                                           *
Vào một ngày cuối năm 2012, thời gian thấm thoát đã 37 năm rồi. Ước mơ ngày nào của bà Thanh (và của hằng ngàn hằng vạn người khác nữa) là khi đất nước được giải phóng thì nhân dân sẽ được ấm no hạnh phúc, cuộc sống tươi đẹp,… mãi mãi vẫn là mơ ước. Lòng người thì vẫn “tội lỗi đầy mình”, xã hội thì vẫn “nhà tù khắp nơi”. Trong một buổi họp mặt học Kinh thánh, bà Thanh chậm rãi nói:
 – Chúa Cứu Thế đến thế gian để tìm và cứu những ai hư mất: không phân biệt màu da, chủng tộc, địa vị xã hội hay thể chế chính trị. Ai nhận biết tội lỗi của mình, ăn năn đến với Ngài thì sẽ được tha thứ, được hưởng sự nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời…
Chị Sang ngập ngừng tiếp lời:
– Chồng tôi là bộ đội, bị thương ở chiến trường Cam-pu-chia vào năm 1979, phục viên vào năm 1985. Trước kia, anh thường nhậu nhẹt li bì để giải khuây. Từ khi tin Chúa vào năm 2000 đến nay đã bỏ bớt nhiều. Nhất là không còn hung hăng đánh vợ nữa.
Bác Từ khua tay xen vào:
– Tôi là dân lưu lạc từ Trung vào Nam, tin Chúa từ lúc còn nhỏ nhưng vì sinh kế rày đây mai đó nên ba chìm bảy nổi, từng trải cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Đến xứ Đồng Xoài này gặp anh chị em, mới tỉnh ngộ nhận ra rằng: “Ở đâu cũng có Chúa, Chúa ngự trong lòng những người thành kính tôn thờ Ngài”.
– Ờ, con nhớ ra rồi – Cô Lan Ngọc lên tiếng. Con xin hát một bài Thánh nhạc tâm đắc. Rồi cô cất cao giọng, vừa hát vừa vỗ tay, mọi người cùng hưởng ứng vỗ tay theo: “Gặp gỡ Chúa Giê-su, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Chúa Giê-su, đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Chúa Giê-su, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Chúa Giê-su, nảy sinh tình đệ huynh…”
Tiếng hát mãi vang xa, chạm đến tấm lòng những người khao khát tìm gặp Chúa Giê-su ở một vùng chiến khu Cách mạng xưa, nay đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên những ngôi nhà cao tầng, những khu phố đông đúc. Hi vọng hạt giống Tin Lành sẽ đâm chồi nẩy lộc nơi đây.
 
THANH NGUYÊN
Bình Phước, Việt Nam

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn