Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Hình Ảnh Con Rồng

Hình Ảnh Con Rồng

LÁNH XA CON RỒNG

Bùi Quang Diễm Thu

“Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần. 9 Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? 10 Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư! 11 Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em” (Ga-la-ti 4:8-11).

Đây là một trong những dòng thư tín đã được Chúa Thánh Linh thần cảm để sứ đồ Phao-lô gửi đến cho người Ga-la-ti. Chúng ta cũng biết rằng nơi đó không chỉ có một Hội Thánh, mà là một vùng đất có nhiều Hội Thánh. Phao-lô đã thành lập rất nhiều Hội Thánh ở miền Nam Galati nằm trong tỉnh Lycaonia như Iconium, Lystra, Derbe, Antioch. Phaolô viết thư cho các Hội Thánh ông vừa thành lập. Vì thế, có giả thuyết về các Hội Thánh miền Nam Galati thường được công nhận khi thư gởi đến. Có hai quan điểm nói về tính cách của người Galati: đó là sự khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc.Giả Thuyết miền Bắc nói rằng sự nhạy cảm, dễ dao động, và lãng mạn của người Galati (trích trong Galati chương1:6) là cá tính của người Gauls, mà hậu duệ của họ ngày nay là người Pháp. Thuyết miền Nam chứng tỏ sự dễ bị ảnh hưởng của người Galati bằng sự kiện trong Công vụ 13-14 (Sau khi hết lòng tung hô, họ đã nhanh chóng chống lại các sứ đồ tại Antiốt, Ycôni, và Lítrơ).Đó chính là lý do một số nhà giải kinh hiện đại, đã cố gắng đặt sự thay đổi của người Galati trong bối cảnh Do Thái. Tuy nhiên, những quan điểm về người ngoại bang bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời, chính là lời giải thích khá thích hợp trong bối cảnh nầy. Một sự thật không thể chối cãi được, là cả nhân loại trên thế giới nầy (trừ những trẻ nhỏ chưa hiểu và chưa nhận thức được) đều thật sự nhận biết được Đức Chúa Trời qua thiên nhiên kỳ vĩ và kỳ diệu được sáng tạo. Cũng như giá trị lương tâm và đạo đức mà mỗi một con người có được từ trong sâu thẳm của trái tim mình. Sự hiểu biết này, trong đức tin hay là tín lý thần học của chúng ta gọi là mạc khải tự nhiên. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng quả quyết rằng cả người Do Thái lẫn người ngoại bang đều chối bỏ sự hiểu biết nầy. Ngay cả trong bối cảnh ngày nay, khi học về phân đoạn Kinh Thánh nầy trong ngày Tết Nguyên Đán.

Tiếng Hebrew được người ta cho rằng đó chính là ngôn ngữ của sự thân mật, tình thương yêu và mối liên hệ gia đình. Trong khi đó, tiếng Hy lạp lại chú trọng về khả năng nhận thức, suy xét, suy luận và phán đoán. Phần Kinh Thánh hôm nay kết hợp cả hai điều thú vị đó. Khi Phao-lô viết, “Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần (Galati 4:8). Thật sự, việc thờ lạy hình tượng không những vô ích và phù phiếm, nhưng Phao-lô quả quyết rằng sự thờ lạy hình tượng ngu muội nầy, chính là những hoạt động của ma quỷ. Người ta vẫn còn giữ ngày, mùa, tháng, năm cho các thần tượng ngoại giáo. Sự nô lệ của nhân loại phía sau những hình tượng nầy, xin điểm qua trong ngày Tết của chúng ta.Năm 2024 con người thế gian gọi là năm Giáp Thìn. Thìn là con rồng. Trong lịch sử Đông Phương, chưa bao giờ có ai có thấy con rồng. Một con vật với cái đầu kỳ lân (con nầy cũng không ai thấy, mình của rắn, chân con gà, và có vảy). Một mô tả khác là: Trong 12 con giáp, 11 con là con vật thật, chỉ có rồng là con vật huyền thoại. Vì là huyền thoại, nên hình dáng của nó cũng lạ hơn các con khác. Rồng châu Á có nguồn gốc liên quan đến cá sấu và rắn. Thân hình nó như con rắn khổng lồ, biết bay dù không có cánh, đầu dài và nhọn như đầu cá sấu, mắt lồi, mũi to, lỗ tai giống tai bò, sừng như sừng hươu, bờm như bờm sư tử, có râu dài, có vảy như cá chép, lưng có kỳ, có bốn chân như chân chim ưng với móng vuốt nhọn hoắc, miệng có thể phun nước và phun lửa. Khi so sánh với các loài vật được Đức Chúa Trời sáng tạo, thì loài nầy có thể gọi là quái vật.

Giờ đây, Chúng ta có thể nhìn thấy mô phỏng con rồng ở khắp nơi, trong khu chợ Tết, trong hình thực phẩm bánh mứt, và ngay trên cả trên Google. Long, lân, qui, phụng là bốn (4) con vật trong tứ linh. Nhưng con rồng là đặc biệt hơn cả vì tượng trưng cho sự nghiệp của đế vương. Giáp thìn cho năm nay, là năm con rồng, là cách tính dựa theo Thiên can và địa chi. Vậy, thiên can và địa chi là gì?Thiên Can 天干 là khái niệm phong thủy trong nền văn hoá cổ xưa của Trung Hoa. Vượt qua hàng ngàn năm lịch sử Thiên can vẫn tồn tại như một quy luật bất biến trong nền văn hóa Trung Quốc và các nền văn hóa lân cận ảnh hưởng Trung Hoa như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Từ quá trình nghiên cứu và lĩnh hội, người Trung Hoa đã đúc kết qua thuyết Thiên Can. Có hai thuyết, đó là Thiên Can Địa Chi ngũ hành và thuyết thái cực. Trong đó Thiên Can Địa chi là căn cứ, cơ sở để luận giải tương lai và những sự kiện nổi bật một kiếp nhân sinh. Thuận theo âm dương ngũ hành, Thiên Can và Địa Chi song hành được lập ra. Đây là cơ sở xác định các giai đoạn hình thành, phát triển và chuyển động vạn vật, cũng như con người. Ngoài việc được sử dụng để đếm giờ, ngày, tháng, năm Thiên Can còn được sử dụng trong chiêm tinh học.

Thiên Can còn dùng để bói toán. Địa Chi được phát minh để đếm thời gian theo năm, tháng và giờ và được sử dụng theo 12 con giáp Trung Quốc, tương ứng với một linh vật cố định.Thiên Can Địa Chi nghĩa là các Can – Chi kết hợp với nhau theo một thứ tự nhất định. Điều này sẽ tạo thành một chu kỳ Thiên Can Địa Chi. Chu kỳ này sẽ được lặp đi lặp lại theo một vòng tuần hoàn là 60 năm cho tới vô tận. Thiên Can và Địa Chi được lập ra để xác định giai đoạn hình thành và phát triển của vạn vật thuận theo âm dương. Theo đó, sẽ có 10 Can tương ứng với 12 Chi.

• Thứ tự tuần hoàn của 10 Thiên can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

• Thứ tự tuần hoàn của 12 Địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.Dựa vào sự kết hợp nầy, thì những người nào sinh năm 1964, chính là năm Giáp Thìn. Năm đó sẽ lặp lại trong vòng 60 năm, tức là năm nay 2024. Như trên đã trình bày Thiên Can và Địa Chi dùng để: khái niệm về phong thủy, âm dương ngũ hành là những từ ngữ của phong thủy và bói toán, xem vận mệnh con người, luận giải tương lai. Thiên Can Địa Chi được sử dụng để tính giờ, ngày, tháng, năm trong thời cổ xưa, khi con người không biết cách nào để tính thời gian.

Thế thì, lời hằng sống của Chúa thật chính xác trong bối cảnh nầy: Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? 10 Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư! 11 Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em (Galati4:9-11). Trong câu 10 tiếng Hy lạp cho biết đó là một động từ chỉ định một hành động liên tục. Trong trường hợp nầy là việc tuân thủ tỉ mỉ cách riêng tư về những mối liên hệ đến niên lịch của Do Thái Giáo. Những tín hữu của Galati vẫn còn trong cái bình cũ, dù đã nhận được rượu mới Phúc Âm. Sự tuân giữ những ngày tháng đó sẽ không thể nào thay thế được sự xưng công bình của Đức Chúa Trời.

Rồng trong Tân Ước là hình bóng về con rắn xưa, là ma quỉ: Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa: Là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. 7 Bấy giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại; 8 song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa. 9 Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó (Khải Huyền 12:3,7-9).

Vậy thì không lý do gì, chúng ta những người tin Chúa phải đồng hành cùng với những biểu tượng của thế gian. Không có lý do gì chúng ta khi nói với nhau phải cho biết rằng tôi tuổi ngọ, mùi, thìn hay là tỵ. Chúng ta là những tuyệt phẩm của Chúa, chúng ta được Ngài chọn lựa trên mặt đất nầy để hầu việc Ngài. Chúng ta không phải là những người cầm tinh con rồng, tượng trưng cho ma quỉ, hay là con rắn, con vật quỉ quyệt đã dụ dỗ Eva. Chúng ta cũng không thể là con khỉ, thủy tổ của loài người như những kẻ trong thuyết tiến hóa từng rêu rao. Chúng ta cũng không phải là những con trâu, như cách ví von để nói về sự làm việc cực khổ trên đất Mỹ. Chúng ta mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Thứ nhất, hình ảnh của Đức Chúa Trời có liên quan đến khả năng con người đáp ứng và bước vào mối liên hệ với Ngài.

Thứ hai, hình ảnh của Đức Chúa Trời có liên quan đến trách nhiệm thờ phượng và tôn vinh Ngài. Vậy, con người chiếm một vị trí cao đẹp trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, Phao-lô muốn nói đến mối liên hệ dựa vào giao ước mới được thiết lập trong Chúa Jesus. Cầu mong chúng hoàn toàn được trở nên mới trong Đấng Christ. Xin hãy bỏ xa những tên gọi ngày giờ, năm tháng của thế gian theo Thiên Can và Địa Chi. Chúng ta không bao giờ cần phải dùng và sẽ không ích lợi gì cho chúng ta cả. Con dân Chúa nếu cần cho ai biết tuổi, có thể nói đến năm sinh. Xin đừng nói rằng tôi tuổi mẹo, dậu, mùi hay thìn, tỵ. Xin đừng dùng những tên gọi thiên can và địa chi treo trong Hội Thánh, điều đó không nên làm.Xin đừng dùng những chữ Giáp Thìn, Ấy Tỵ, Quí Mùi, Tân Mão trong những lời chúc Tết của chúng ta.

“Vả, nguyền Đấng có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm và khiến anh em đứng trước mặt vinh hiển mình cách rất vui mừng, không chỗ trách được, là Đức Chúa Trời có một, là Cứu Chúa chúng ta, bởi Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta, được sự vinh hiển, tôn trọng, thế lực, quyền năng thuộc về Ngài từ trước vô cùng và hiện nay cho đến đời đời! A-men.” (Giu-đe câu 24-25).

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn