Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Không Bỏ Cuộc Khi Bị Ném Vào Hố Tử Thần

Không Bỏ Cuộc Khi Bị Ném Vào Hố Tử Thần

KHÔNG ĐẦU HÀNG KHI RƠI VÀO HỐ TỬ THẦN

Đọc Thi thiên 40

Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va,

Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi.

2 Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê,

Khỏi vũng bùn lấm;

Ngài đặt chân tôi trên hòn đá,

Và làm cho bước tôi vững bền.

3 Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới,

Tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi.

Lắm người sẽ thấy điều đó, bắt sợ,

Và nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va.

4 Phước cho người nào để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va,

Chẳng nể vì kẻ kiêu ngạo, hoặc kẻ xây theo sự dối trá!

5 Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công việc lạ lùng Chúa đã làm,

Và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều,

Không thể sắp đặt trước mặt Chúa;

Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến,

Thật lấy làm nhiều quá không đếm được.

6 Chúa không thích đẹp hi sinh hoặc của lễ chay:

Chúa đã xỏ tai tôi.

Chúa không có đòi của lễ thiêu hay là của lễ chuộc tội.

7 Bấy giờ tôi nói: Nầy tôi đến;

Trong quyển sách đã có chép về tôi:

8 Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa,

Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.

9 Trong hội lớn tôi đã truyền tin vui về sự công bình;

Kìa, tôi chẳng có ngậm miệng lại,

Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài biết điều đó.

10 Tôi chẳng giấu sự công bình Chúa ở nơi lòng tôi;

Tôi đã truyền ra sự thành tín và sự cứu rỗi của Chúa;

Tôi nào có giấu hội lớn sự nhân từ và sự chân thật của Chúa.

11 Đức Giê-hô-va ôi! đối cùng tôi chớ khép lòng thương xót của Ngài:

Nguyện sự nhân từ và sự chân thật của Ngài gìn giữ tôi luôn luôn.

12 Vì vô số tai họa đã vây quanh tôi;

Các gian ác tôi đã theo kịp tôi;

Đến nỗi không thể ngước mắt lên được;

Nó nhiều hơn tóc trên đầu tôi,

Lòng tôi đã thất kinh.

13 Đức Giê-hô-va ôi! xin sẵn lòng giải cứu tôi.

Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy mau mau giúp đỡ tôi.

14 Phàm kẻ nào tìm giết mạng sống tôi,

Nguyện chúng nó bị mắc cỡ và hổ thẹn cả;

Phàm kẻ nào vui vẻ về sự thiệt hại tôi,

Nguyện chúng nó phải lui lại và bị sỉ nhục.

15 Các kẻ nói về tôi: Ha, ha!

Nguyện chúng nó bị sững sờ vì cớ sự sỉ nhục của chúng nó.

16 Nguyện hết thảy những kẻ tìm cầu Chúa,

Được vui vẻ và khoái lạc nơi Chúa;

Nguyện những người yêu mến sự cứu rỗi của Chúa,

Hằng nói rằng: Đức Giê-hô-va đáng tôn đại thay?

17 Còn tôi là khốn cùng và thiếu thốn;

Dầu vậy Chúa tưởng đến tôi.

Chúa là sự tiếp trợ tôi, và là Đấng giải cứu tôi.

Đức Chúa Trời tôi ôi! xin chớ trễ huỡn.

Bạn đã từng ở trong hố khủng khiếp/hầm gớm ghê chưa? Lúc đó bạn có cảm thấy suy sụp tinh thần không? Hầm gớm ghê là một khái niệm được Kinh Thánh nói đến. Trong Thi thiên 40, Đa-vít viết về Đức Chúa Trời đã đem ông lên khỏi hầm gớm ghê (cái hố nguy hiểm). Ông dẫn dắt người đọc qua sáu giai đoạn trải nghiệm của mình: hố khủng khiếp, kêu cầu Chúa, kiên nhẫn chờ đợi Chúa, sự giải cứu đến từ Chúa, bài hát mới và ảnh hưởng của Đa-vít trên người khác.

1.Đa-vít đã ở trong một cái hố khủng khiếp

Hố/hầm gớm ghê đề cập đến một ngục tối, hầm mộ hoặc giếng sâu. Có một ngục tối tại Rô-ma, theo truyền thống, Phao-lô đã bị giam giữ ở đó. Ban đầu, lối vào duy nhất là một lỗ tròn trên tảng đá phía trên; khi nó bị chặn, sẽ hông có ánh sáng và không khí trong lành lọt vào. Đó là một nơi kinh khủng. Một số nhân vật trong Kinh Thánh bị ném vào trong hố. Các anh trai của Giô-sép đã ném ông vào một cái hố (Sáng thế ký 37:5-36; xem 39:20-23). Giê-rê-mi cũng bị quăng vào trong một cái hố. “Họ bèn bắt Giê-rê-mi và quăng người xuống hố của Manh-ki-gia, con trai vua, hố ấy ở trong hành lang lính canh; họ dùng dây mà thả Giê-rê-mi xuống. Hố không có nước, chỉ có bùn; Giê-rê-mi bị lút dưới bùn” (Giê-rê-mi 38:6). Đa-ni-ên ở trong hang sư tử (Đa-ni-ên 6:16). Những người khác phải đối mặt với những hố sâu về cảm xúc. Hố của Phao-lô là ở trên một con tàu trong cơn bão khi hy vọng dường như đã tắt (Công vụ 27). Ê-sai đã được giải thoát khỏi hầm hư nát (Ê-sai 38:17). Chúa Giê-su đã từng ở trong một “hố sâu buồn thảm” tại Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:36-38).

Trong Thi thiên 40, Đa-vít mô tả hầm gớm ghê là một tình trạng:

Bị giam cầm. Đa-vít cảm thấy bị mắc kẹt trong hố. Hình ảnh này có thể đề cập đến một cái bẫy cổ xưa được những người thợ săn sử dụng và vẫn được dùng cho đến ngày nay ở châu Phi và quần đảo Polynesia. Họ đào một cái hố sâu, đặt một con dê vào đó để làm mồi, và dùng tán lá che lỗ hổng phía trên. Bị thu hút bởi tiếng kêu của con dê, kẻ săn mồi sẽ rơi vào bẫy. Đa-vít có thể đã bị cám dỗ rơi vào hố sâu tội lỗi.

Ở trong bóng tối. Ánh sáng của mặt trời không đi vào hố, cho đến một thời điểm lời này được ứng nghiệm: “Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn. Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên” (Ma-thi-ơ 4:16)

Phiền muộn. Đó là một cái hố khủng khiếp, hoang tàn, đau khổ và lạnh lẽo. Từ mô tả sự khủng khiếp có nghĩa là “tiếng ồn, tiếng gầm rú, náo động như trong một vùng nước xoáy hỗn loạn, hay trong một đám đông quẫn trí hoặc chiến tranh ác liệt.” Điều này giống như thể tác giả Thi thiên 40 đã rơi vào một hang động đáng sợ, nơi đó có nhiều nỗi kinh hoàng rình rập. Một người có thể dễ dàng bị trầm cảm khi trực diện với hoàn cảnh này.

Chúng ta sẽ làm gì khi bị ném vào trong một cái hố?

Đây sẽ là cơ hội để cầu nguyện nhiều hơn, suy ngẫm những lời hứa của Chúa trong Kinh Thánh, và những sợ hãi sẽ tan biến. Có giải pháp toàn diện nào không? Tín nhân luôn có thể tin tưởng rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến nỗi buồn, sự cô đơn, nghèo đói, thất vọng, những bi kịch và tội lỗi của chúng ta (Đọc Thi thiên 139).

Tuyệt vọng. Những cái hố trong Kinh Thánh thường chứa đầy bùn nhão nhầy nhụa. Sử gia Josephus viết rằng các hố dùng để ném phạm nhân vào đó có độ sâu 20 feet với bùn ngập đến cằm.

Con người tự nhiên dường như không thể làm bất cứ điều gì trong cơn tuyệt vọng. Tác giả Thi thiên đã bị “hạ thấp” (Thi thiên 79:8; 142:6; 2 Cô-rinh-tô 4:8-9). Ông cảm thấy bất lực; ông không thể tìm được chỗ đứng vững chắc; ông bị trượt và chìm xuống (Thi thiên 69:1-2).

Cảm thấy không có gì là vững chắc và không có ai đáng tin cậy là điều khiến bạn nản lòng. Sự tuyệt vọng có thể đến từ đau buồn, thất bại và công việc quá tải. Một doanh nhân làm việc quá sức, một bà mẹ trẻ phải nuôi nhiều con trong khi chồng thất nghiệp, một sinh viên vừa học hành, vừa đi làm thêm quá tải đến kiệt sức, một căn bệnh kéo dài, một người cung cấp dịch vụ thất nghiệp, một người có kẻ thù, một người bạn đời không chung thủy, con cái nổi loạn, hoặc phản bội cha mẹ. Bạn có thể phải chịu trách nhiệm về hố của mình vì những quyết định tồi tệ của bản thân, hoặc bạn có thể là nạn nhân của những tội lỗi và quyết định từ người khác.

2.Đa-vít kêu cầu Chúa giúp đỡ (40:1)

Đa-vít biết rằng nếu cánh tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời không giải cứu, thì đời ông coi như xong. Những lời cầu nguyện và bài ca ngợi của ông là một thực tế sinh động. Ông nói, “Tôi mỏn sức vì than thở. Mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt” (Thi thiên 6:6; 56:8). Chúa Giê-su phán: “Phước cho kẻ than khóc” (Ma-thi-ơ 5: 4). Ngài hứa: “Các ngươi nhơn danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con” (Giăng 14:13; 15:7; Ma-thi-ơ 7:7). Đức Chúa Trời muốn chúng ta trao mọi lo lắng cho sự chăm sóc của Ngài (1 Phi-e-rơ 5:7).

3.Đa-vít kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời trả lời (40:1)

Đa-vít “nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va.” Chúng ta có thể phải nói, “tôi đã chờ đợi một cách thiếu kiên nhẫn.” Chúng ta thường không thích chờ đợi ở đường lái xe, khu chợ, điểm dừng hoặc cuộc hẹn. Mặc dù những tình huống này không quan trọng, nhưng sự thiếu kiên nhẫn rất nguy hiểm trong các tình huống: cố gắng giành lấy người phối ngẫu cho Đấng Christ và cứu vãn cuộc hôn nhân sắp tan vỡ, kiếm việc làm để trả các hóa đơn, chờ giảm bớt cơn đau mãn tính hoặc bệnh ung thư, hoặc chờ đợi cho đến khi những vết thương tâm hồn được lành.

Hai yếu tố cần có để trông đợi vào Chúa là khiêm nhường và hy vọng. Người khiêm tốn có thể chờ đợi. Họ hiểu vị trí của mình và không đòi hỏi hay hối thúc Chúa làm thành điều sở cầu. Trong thời gian Chúa Giê-su chịu thử thách và bị đóng đinh, Ngài tỏ ra khiêm nhường, bình tĩnh và kiên nhẫn. Ngài không giống như Gióp đau khổ ngồi trong đống tro. “Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro” (Gióp 2:8).

Cơ đốc nhân học cách sống với những điều bí ẩn chưa được giải đáp. Chúng ta chỉ thấy một phần những gì Chúa làm. Ngài có thể đang làm hàng trăm điều trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta chỉ thấy một vài điều. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Việc ta làm hiện nay, các ngươi không hiểu, nhưng sau này các ngươi sẽ biết” (Giăng 13:7). Công việc của chúng ta không phải là tạo ra cảm giác được Chúa quan phòng mà là tin cậy Ngài sẽ giải quyết mọi việc theo cách và thời điểm của Ngài.

Chờ đợi và hy vọng song hành cùng nhau. “Hỡi Chúa, bây giờ tôi trông đợi gì? Sự trông cậy tôi ở nơi Chúa” (Thi Thiên 39:7; 130:5). Đức Chúa Trời sẽ hành động theo thời điểm của Ngài, không phải của chúng ta. Augustine nói, “Bởi vì Đức Chúa Trời sống mãi mãi, nên bạn đủ khả năng để chờ đợi.” William Cowper viết, “Đằng sau sự quan tâm đến chúng ta, Đức Chúa Trời đang che giấu một khuôn mặt tươi cười.”

4.Đức Chúa Trời đã đưa Đa-vít ra khỏi hố (40:2)

“Người công bình bị nhiều tai họa. Nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi thiên 34:19). Đức Chúa Trời thực hiện:

  • Nâng cao và tiếp thêm sinh lực cho Đa-vít.
  • Làm cho Đa-vít được vững vàng. Đức Chúa Trời đặt chân ông lên một tảng đá. Ngài đã đưa Đa-vít từ nơi trơn trượt đến một chỗ đứng chắc chắn.
  • Thiết lập các bước đi tiếp theo của Đa-vít.

5.Chúa đã ban cho Đa-vít một bài hát mới

Một nhà truyền giảng đã phác thảo Thi thiên 40 như sau:

  • Đức Chúa Trời đưa tác giả Thi-thiên lên.
  • Đức Chúa Trời cho tác giả Thi-thiên đứng dậy.
  • Đức Chúa Trời điều chỉnh tác giả Thi thiên.

Khi Đức Chúa Trời chinh phục một người đi trên con đường thập tự về thiên đàng, Ngài muốn người ấy ra đi với một bài ngợi ca trên miệng.

Một bài hát mới mô tả một trải nghiệm mới. Mỗi bài hát đều sẽ là một bài mới (Khải Huyền 5:9). Thi thiên 40 là một bài ca về sự giải cứu. Một tù nhân có thể trốn thoát, nhưng anh ta sẽ sống trong sợ hãi, trong khi một tù nhân được ân xá sẽ bước ra khỏi cửa trước của nhà tù và không còn sợ hãi.

Một bài hát mới là một cách mới để tôn vinh Đức Chúa Trời. Kính thiên văn phóng đại những vật thể nhỏ bé để người ta có thể thấy nó đáng kinh ngạc như thế nào. Khi nhìn lên bầu trời mà không có kính thiên văn, nhiều người nghĩ, “bầu trời lấp lánh những ngôi sao nhỏ.” Ngôi sao nhỏ? Một số ngôi sao lớn đến nỗi mặt trời không thể so sánh với. Một bài hát mới sẽ thu hút sự chú ý của mọi người đến với Chúa Giê-su Christ. Nó tôn vinh một khía cạnh của bản chất hoặc hành động mà Ngài đã hoàn thành.

Và khi tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời không tiếc chính con Ngài – Chúa Giê-su đã chết vì tôi, tôi hiếm có thể giữ điều này trong lòng mà không ca hát ra ngoài miệng. “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va.” Chúa thật tuyệt vời làm sao! Ngài tuyệt vời biết bao!

6.Ảnh hưởng của Đa-vít: Những người khác đã nhìn thấy lời ca ngợi của Đa-vít và họ tin cậy Chúa (40:3)

Những cái hố kinh khủng là một phần không thể tránh khỏi trên con đường theo Chúa. Do đó, tất cả chúng ta phải học cách chịu đựng chúng một cách đúng đắn. Những người khác biết về rắc rối của Đa-vít; họ vui mừng khi ông được giải cứu. Họ trở nên kính sợ Đức Chúa Trời và biết rằng Ngài sẽ ở cùng họ trong những thử thách của đời sống.

Louis Brandeis (1856-1941), Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nói với cô con gái đang thất vọng của mình: “Con ơi, nếu con nhận ra rằng cuộc sống khó khăn thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với con”. Chúa Giê-su bảo trước cho các môn đồ là họ sẽ gặp khó khăn (Giăng 15:18; 16:1-2, 33). Các sứ đồ đã “giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 14:22). Đại mạng lệnh của Chúa và lời hứa Ngài dành cho chúng ta là: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Vì vậy, là Cơ đốc nhân chúng ta “chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:9).

Đừng đầu hàng khi rơi vào hố tử thần!

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn