GIÊ-SA-BÊN
Ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.
Giăng 8:34
Không phụ huynh nào muốn con của họ bị gọi là Giê-sa-bên hoặc Giu-đa. Cả hai cái tên này đều quá ô nhơ đến nỗi không một ai muốn đặt cho con trẻ cái tên gọi đó – tên đầu tiên là của một hoàng hậu sát nhân và tên còn lại là của một môn đồ phản bội. Rất có thể quyển từ điển của bạn sẽ có từ vựng “Giê-sa-bên” với chú giải “vợ của vua A-háp, một người phụ nữ độc ác và vô liêm sỉ.” Từ điển chuyên đề của tôi có ba lần nhắc đến cái tên này, một lần thuộc nhóm “độc ác” và hai lần thuộc nhóm “dâm ô,” còn riêng tôi thì có thể liệt tên của bà vào một số nhóm từ vựng khác nữa. Nhưng trước khi kết tội bà và chồng của bà mà khoe khoang về chính mình, chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm một số bài học mà bà để lại, những bài học đầy nguy hại cũng giống như bản tính của bà. Sau hết, chúng ta cũng có thể nằm trong một số vùng nguy hiểm!
1.CON NGƯỜI CÓ THỂ CHỌN CÁI ÁC
Giê-sa-bên sinh ra trong một gia đình ngoại quốc, bà là con của Ết-ba-anh vua dân Si-đôn và cũng là thầy tế lễ cả của thần Ba-anh, nhưng đó không phải là điều khiến bà độc ác. Cũng giống như bao người khác, bà được sinh ra với bản tính tội lỗi, và bản tính ấy ngày một thể hiện rõ hơn khi bà lớn lên và bắt đầu có những quyết định. Quả thật, việc xuất thân trong một gia đình và một nền văn hóa tôn thờ một vị thần Ba-anh giả dối bẩn thỉu dễ khiến cho bà xuôi theo, tuy nhiên thậm chí ngay tại xứ Phê-ni-xi với đầy sự thờ cúng hình tượng, Đức Chúa Trời vẫn luôn bày tỏ về chính Ngài. Giê-sa-bên có thể nhìn thấy bàn tay của Đấng Sáng Tạo qua thế giới xung quanh, và chắc chắn bà đã biết những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên trong quá khứ. Tại thành Giê-ri-cô Đức Chúa Trời đã giải cứu kỵ nữ Ra-háp, và Ngài cũng có thể giải cứu Giê-sa-bên, song bà chọn trở nên độc ác và không hổ thẹn về quyết định của mình.
Khi Giê-sa-bên dời đến cung điện tại Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc phía bắc, bà đã đem theo 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri Át-tạt-tê là vợ của thần Ba-anh, đồng thời hoàng hậu cũng đã dùng ngân sách triều đình để chu cấp cho các tiên tri này. A-háp xây một đền thờ cho Ba-anh và công bố tôn giáo mới này là quốc giáo của vương quốc. Dường như hầu hết thần dân Y-sơ-ra-ên đều chọn thờ cúng cho Ba-anh, bởi vì Chúa phán rằng chỉ có 7.000 người không quỳ gối xuống trước mặt Ba-anh (1 Các vua 19:18).
Đức Chúa Trời cho chúng ta có đặc ân được lựa chọn và đi cùng với đặc ân này đó là trách nhiệm to lớn. Mỗi một quyết định đều dẫn đến một kết quả, và một ngày trong tương lai Đức Chúa Trời sẽ đoán xét tất cả mọi quyết định và hậu quả của chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ rằng ý muốn thiên thượng của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người chúng ta là hai kẻ thù đang chiến đấu với nhau, bởi vì đặc quyền được lựa chọn chính là một phần ảnh tượng mà chúng ta có nơi Đức Chúa Trời. Những Cơ Đốc Nhân tận hiến sẽ “nhờ một mình Đức Chúa Giê-su Christ mà cai trị” (Rô-ma 5:17), nghĩa là chúng ta đồng ngồi trên ngôi cùng với Chúa, cùng đưa ra những quyết định và thi hành những quyết định ấy. Đức Chúa Giê-su hành động trong và qua chúng ta, Ngài không làm thay chúng ta, cũng không bất chấp sự lựa chọn của chúng ta.
2.CHỦ TÂM CHỌN CÁI ÁC SẼ DẪN ĐẾN SỰ TRÓI BUỘC
A-háp, vua của vương quốc phía bắc, biết tính cách và đạo thờ cúng hình tượng của Giê-sa-bên, và đó chính là lý do ông chọn bà làm hoàng hậu. A-háp và Giê-sa-bên là đôi bạn có cùng tâm hồn và tội lỗi. Một lý do khác cho cuộc hôn nhân này đó là lý do chính trị: bởi vì cưới con gái của Ết-ba-anh. A-háp đóng ấn một hiệp ước hòa bình với dân Si-đôn và khiến họ trở thành đồng minh. Trước mặt Chúa, A-háp đã bán mình cho cái ác, và ảnh hưởng xấu xa của người vợ chỉ càng khiến ông trở nên nô lệ cho cái ác (1 Các vua 21:20, 25). Cả vua và hoàng hậu đã đưa Y-sơ-ra-ên lâm vào những ngày tháng đen tối nhất.
Kinh Thánh sử dụng nhiều hình ảnh để nói về tội lỗi – sự tối tăm, bệnh tật, nợ nần, sự ô uế và thậm chí là sự chết – nhưng hậu quả của tội lỗi chính là sự trói buộc. Giê-sa-bên và A-háp đã chủ tâm bán mình vào sự trói buộc, và càng chối bỏ lẽ thật trong luật pháp Đức Chúa Trời thì cảnh nô lệ của họ càng tệ hơn, nhưng họ lại nghĩ đó là tự do! Tội lỗi luôn hứa sự tự do nhưng cuối cùng lại dẫn đến cảnh nô lệ (2 Phi-e-rơ 2:19).
Một châm ngôn quen thuộc nói rằng:
Gieo một suy nghĩ gặt một hành động.
Gieo một hành động gặt một thói quen.
Gieo một thói quen gặt một tính cách.
Gieo một tính cách gặt một số phận.
Lịch sử thế tục và lịch sử Kinh Thánh đều minh chứng cho nguyên tắc trên, bất kể bạn xem xét tiểu sử của A-háp, Giê-sa-bên, Sam-sôn, vua Sau-lơ, vua Đa-vít hay của Giu-đa. “Kẻ hung dữ sẽ bị gian ác mình bắt phải, và bị dây tội lỗi mình vấn buộc lấy” (Châm. 5:22), và chỉ duy Đức Chúa Giê-su Christ có thể giải phóng chúng ta khỏi sự trói buộc của tội lỗi (Giăng 8:32, 36). Bởi đức tin mà nhận biết Đức Chúa Giê-su cách cá nhân, tiếp nhận và vâng giữ lẽ thật của Chúa chính là con đường chắc chắn duy nhất để chúng ta tránh khỏi cạm bẫy của Sa-tan. “Tôi cũng sẽ bước đi thong dong, vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi. 119:45).
3.CÁI ÁC LAN TRÀN VÀ TÀN PHÁ
Trong vương quốc của A-háp có ba dạng thần dân: một là vui vẻ thờ cúng Ba-anh, hai là những người bề ngoài thì thờ cúng Ba-anh bên trong nhưng bí mật thờ phượng Đức Giê-hô-va, và thứ ba là những người công khai thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va bởi vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Giê-sa-bên đã giết rất nhiều tiên tri của Chúa (1 Các vua 18:13), chính vì thế không còn nhiều lãnh đạo thuộc linh chăn dắt những người trung tín ít ỏi còn sót lại, song dù có nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn trung tín. Qua câu chuyện A-háp có thể “sắp đặt” cho Na-bốt làm quan, khiến ông bị giết và rồi tịch thu vườn nho của ông (1 Các vua 21) chứng minh đa số người dân trong vương quốc phía bắc không thích vâng theo luật pháp Chúa. Cái ác lan từ người sang người và đem đến sự hủy phá.
Lần đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên tiếp xúc với thần Ba-anh của người Ca-na-an tại Mô-áp, ở biên giới Ca-na-an. Khi ấy người Mô-áp mời người Do Thái cùng tham dự một bữa tiệc đặc biệt (Dân. 25). Thờ lạy Mô-áp là một hành động không vâng lời đầy trắng trợn của người Y-sơ-ra-ên đến nỗi Đức Chúa Trời đã khiến một tai vạ làm chết 24.000 người Do Thái, và lãnh đạo các chi phái đã can đảm mà giết nhiều người đang thỏa sức làm điều vô luân và thờ lạy hình tượng. Khi nhớ về cơn khủng hoảng ấy lẽ ra dân sự trong thời Giê-sa-bên đã không đi theo thần Ba-anh. Ba-anh cũng xuất hiện trong thời các quan xét (Các. 2:11; 3:7; 8:33), và trước khi vương quốc được thành lập trong thời Sa-mu-ên, người Do Thái đã dẹp bỏ hình tượng Ba-anh (1 Sa-mu-ên 7:4). Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các tiên tri đều phải kêu gọi dân Do Thái từ bỏ sự thờ cúng Ba-anh mà quay trở về với Đức Chúa Trời.
Ngày nay vấn đề trên có được cải thiện trong các Hội Thánh hay không? Giống như men trong đống bột, những sự dạy dỗ sai lạc đã bí mật len lỏi vào Hội Thánh và ngấm ngầm phát triển cho đến một ngày trên bục giảng và trong các lớp học Kinh Thánh sự dối trá đã thay thế lẽ thật. Điều tệ hại hơn nữa đó là những đời sống giả dối. Những người đi thăm dò ý kiến đã phát biểu rằng nhiều Cơ Đốc Nhân tự xưng có những giá trị sai lầm và phạm những tội lỗi đáng kinh thường không khác gì con người thế gian. Giê-sa-bên đã chết nhiều thế kỷ trước nhưng niềm tin và hành động của bà thì vẫn còn ở với chúng ta và đầu độc Hội Thánh! Đức Chúa Giê-su cảnh báo Hội Thánh Thi-a-ti-rơ rằng có một Giê-sa-bên đang ở giữa họ và đang làm chính những công việc mà hoàng hậu Giê-sa-bên khi xưa đã làm: xúi giục tín hữu thỏa hiệp giữa đức tin với sự thờ lạy các thần khác và sống vô luân (Khải 2:18-29). Chúa gọi những sự dạy dỗ đó là “điều sâu hiểm của quỷ Sa-tan” (c. 24). Hãy tưởng tượng một tín hữu tìm kiếm một “cuộc sống sâu xa hơn” với ma quỷ!
Chúng ta cần phải cẩn trọng không để Giê-sa-bên hoặc A-háp lẻn vào Hội Thánh địa phương mà làm ô uế Hội Thánh bằng những sự dạy dỗ sai trái và lối sống không kính sợ Chúa.
4.SỰ GIAN ÁC VÀ NHỮNG VIỆC LÀM CỦA CHÚNG SẼ BỊ ĐOÁN XÉT
Trong hai mươi hai năm trị vì của vua A-háp, có những lúc người trung tín trong vương quốc này đã nghĩ rằng đức tin thật sẽ biến mất mãi mãi, và đó là điều mà nhà thơ James Rusell Lowell đã diễn tả trong bài thơ “Khủng Hoảng Hiện Tại” rằng: “Lẽ thật mãi mãi trên đoạn đầu đài, sai trái mãi mãi trên ngai.” Tuy nhiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân sự của Ngài, rồi đến một ngày vua A-háp “vô tình” bị giết trên chiến trường (1 Các vua 22:29-38) còn hoàng hậu Giê-sa-bên thì bị ném ra ngoài cửa sổ và bị ngựa giẫm đạp đến chết (2 Các vua 9:30-37). Sau đó vua Giê-hu quét sạch hậu tự của vua A-háp cũng như các thầy thế lễ Ba-anh. Sự chết của A-háp cùng vợ mình và cả dòng họ của ông đều bị tiêu diệt đã được Ê-li (1 Các vua 21:17-26) và một tiên tri vô danh khác báo trước (2 Các vua 9:1-10, 30-37).
Đôi khi Đức Chúa Trời đoán phạt kẻ ác trong đời của họ, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Rất nhiều người không tin kính Chúa và kiêu ngạo dường như được thoát khỏi luật pháp con người lẫn cơn thạnh nộ của Chúa mà qua đời một cách bình an, để lại gia sản giàu có cho con cái của họ. Song không tội nhân nào thoát được sự đoán xét sau cùng khi Quyển Sách được mở ra và công việc của họ sẽ bị đoán xét. Giống như những việc ác của A-háp và Giê-sa-bên, những công việc của tội nhân lạc mất sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người nhiều năm về sau, và người ta sẽ nhìn thấy tất cả hậu quả của tội lỗi trong ngày chung cuộc của thế gian khi thời gian không còn nữa. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho việc lành của con cái Chúa. Hạt giống mà dân sự của Đức Chúa Trời đã gieo qua nhiều thế kỷ sẽ tiếp tục kết quả và Đức Chúa Trời sẽ trọng thưởng cho đầy tớ của Ngài tại tòa án Đấng Christ. Bạn sẽ không bao giờ biết hết được mọi điều tốt lành mà bạn đang làm để hầu việc Đức Chúa Giê-su Christ, chính vì thế hãy bước đi và làm việc bởi đức tin chứ không bởi mắt thấy.
Còn đối với những A-háp và Giê-sa-bên trong thời hiện đại, chúng ta hãy giao phó họ cho Chúa, hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-su Christ và đừng rời khỏi công tác mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn bước vào.
admin