Quan điểm của một số nhóm Ân tứ Cực đoan đối với thẩm quyền của Kinh Thánh như thế nào?
Có một số nhóm Ân tứ Cực đoan, tuy rất yêu mến và tin cậy lời Kinh Thánh, nhưng cũng đề cao kinh nghiệm cá nhân về việc được Chúa phán trực tiếp. Thường thường, những người nầy sẽ đi xa đến mức xem những lời phán trực tiếp đó là có thẩm quyền, trên thực tế, ngang bằng với Lời Kinh Thánh.
Dầu rằng không ghi thành tín điều, nhưng những người Ân tứ Cực đoan thường rất chú tâm và đề cao vai trò “Lời của Cha” mà họ nghe được 24/24, mỗi ngày. Họ xem đó là lời Rhéma (Lời đang phán) của Đức Chúa Trời. Đặc biệt có một nhóm Ân tứ Cực đoan gọi là “The Word of Faith”, chính thức xem những “Lời của Đức tin” có giá trị ngang như Lời Kinh Thánh trong sự dạy dỗ và hướng dẫn hành vi.
Do niềm tin trên, các sứ giả của Ân tứ Cực đoan thường hay công bố: “Tôi được Chúa phán là tôi phải làm việc nầy, phải làm việc kia, phải đi nơi nầy, phải đi nơi kia”. Hay là: “Chúa phán với tôi rằng anh hãy làm cái nầy, chị hãy làm việc kia”. Thậm chí có khi họ cũng tuyên bố: “Chúa phán với tôi rằng anh mắc tội nầy, chị mắc tội kia”.v.v…
Có 2 vấn đề đối với quan điểm nầy:
(1) Ân tứ Cực đoan hiểu sai về “Lời đang phán” (Rhéma). Lời đang phán (hay Rhéma), không phải là những lời tự đến trong trí tưởng con người, mà phải là Lời đến từ Lời đã phán trong Kinh Thánh (Logos), một người nhận được đang khi suy-gẫm Kinh Thánh. Điều quan trọng là Lời ấy phải hoàn toàn phù hợp với Lời Logos.
(2) Ân tứ Cực đoan không có một tiêu chuẩn tối thượng khách quan. Kinh nghiệm cá nhân trong sự tương giao với Đức Chúa Trời là quý báu. Nhưng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân để làm tiêu chuẩn sống và nguyên tắc hướng dẫn hành vi, thiếu sự thẩm định tối thượng của Kinh Thánh, sẽ dễ trở thành lệch lạc. Kinh Thánh luôn luôn có thẩm quyền tuyệt đối và khách quan trên mọi kinh nghiệm, kể cả “dấu kỳ phép lạ”, để xác định điều nào thật sự đến từ Chúa, điều nào chỉ là kinh nghiệm chủ quan.