Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Làm rõ những điều cần thiết

Làm rõ những điều cần thiết

Bài trước: https://huongdionline.com/2020/09/18/nuoc-giau-co-va-mot-gioi-ngheo-kho/ 

Trước khi khám phá đầy đủ hơn về điểm mù này, tôi xin nói rõ những điều sau:

Đầu tiên, tôi là mục sư, không phải là nhà kinh tế. Tôi biết ơn sâu sắc những người nam, người nữ trong hội thánh mà tôi quản nhiệm và ở những nơi khác, họ là những người khôn ngoan hơn tôi về các vấn đề tài chính. Mặc dù tôi đã có những cuộc trao đổi chuyên sâu với rất nhiều người trong số họ và đã nghiên cứu nhiều vấn đề từ tài chính cá nhân đến tài chính doanh nghiệp cho đến kinh tế và cấu trúc xã hội, nhưng tôi không cho mình là một chuyên gia kinh tế. Mặc dù vậy, với cương vị là một mục sư, tôi cần phải đưa ra những câu hỏi liên quan đến cách chúng ta sử dụng tiền bạc mà tôi tin rằng phúc âm đòi hỏi chúng ta phải đặt ra những câu hỏi đó.

Thứ hai, mục đích của tôi trong chương sách này không phải để tổng quát mọi điều Kinh Thánh dạy về tiền bạc và tài sản. Dĩ nhiên, Kinh Thánh dạy dỗ những nguyên tắc quan trọng về đề tài này. Một trong số đó dạy rằng giàu có vốn không phải là điều ác. Kinh Thánh không kết tội những người giàu có hoặc những người sở hữu nhiều của cải vì lý do họ giàu có. Trên thực tế, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta có của cải vật chất vì đó là điều tốt lành cho chúng ta. Theo lời của Phao-lô, Đức Chúa Trời “ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.”[1] Sẽ thật sai lầm nếu có người sau khi đã đọc xong chương sách này và nghĩ rằng tiền bạc và tài sản là xấu; ngược lại đó là những món quà tốt lành đến từ Đức Chúa Trời để chúng ta vui hưởng và lan tỏa sự vinh quang của Ngài.

Bởi vì các lẽ thật Kinh Thánh khác liên quan đến tiền bạc và tài sản không được nói đến một cách đầy đủ trong chương sách này nên tôi có cung cấp thêm các tài liệu bài giảng, bài báo, sách và các đường dẫn liên quan đến thần học Kinh Thánh về tài sản để giúp độc giả có được hiểu biết rộng hơn những vấn đề mà tôi sẽ nói đến tại đây. Các tài liệu này có thể được tìm thấy tại trang Web kèm theo quyển sách này (www.radicalthebook.com). Tôi khích lệ bạn hãy tham khảo những tài nguyên ấy.

Tóm lại, mục đích của chương sách này rất đơn giản. Mục đích của tôi là muốn chia sẻ cho bạn biết làm cách nào Đức Chúa Trời đã mở mắt cho tôi thấy một điểm mù lớn trong đời sống của tôi và trong hội thánh mà tôi quản nhiệm. Trong tiến trình đó, tôi thách thức bạn hãy suy xét liệu bạn cũng đang có điểm mù này trong đời sống. Nếu có, tôi muốn thách thức bạn hãy nhìn đến viễn cảnh hàng triệu người đói nghèo qua cái nhìn của Đấng Christ, Đấng “vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.”[2] Và khi bạn đã có cái nhìn như thế, tôi thách thức bạn hãy để phúc âm biến đổi trọn vẹn cách bạn hiểu và sử dụng tài sản của mình.

 

Câu chuyện người giàu

Vậy phải chăng việc chăm sóc cho người nghèo là một vấn đề hệ trọng đối với Đức Chúa Trời?

Hãy lắng nghe câu chuyện Đức Chúa Giê-su đã kể với một nhóm các lãnh đạo tôn giáo, họ là những người yêu tiền bạc nhưng vì xã hội xung quanh họ phải biện minh cho sự ham mê này. Đức Chúa Giê-su đã kể cho họ câu chuyện về một người giàu có sống trong sự xa hoa nhưng lại ngó lơ một người nghèo tên La-xa-rơ đang ngồi trước cổng người nhà giàu, mình anh đầy ghẻ chốc có mấy con chó đến liếm ghẻ của anh, anh ăn những mảnh bánh vụn rơi từ bàn của người giàu.

Như chúng ta đọc thấy ở Lu-ca 16, ngày đến khi cả hai đều chết. Người giàu xuống địa ngục còn người nghèo lên thiên đàng. Người giàu nhìn thấy được thiên đàng và cầu xin chút nước để ông được khuây khỏa khỏi sự đau đớn nơi hỏa ngục. Lời đáp lại từ thiên đàng đó là: “Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình. Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.”[3]

Câu chuyện này minh họa cho sự đáp ứng của Đức Chúa Trời với những nhu cầu của người nghèo. Tên gọi của người nghèo là La-xa-rơ, có nghĩa là: “Đức Chúa Trời là sự giúp đỡ tôi.” La-xa-rơ, một người đau ốm, què quặt và nghèo khó đã nhận được sự thương xót từ Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, nghèo khó không phải là lý do để khiến một người trở nên công bình trước mặt Chúa và vì thế mà được vào nước thiên đàng. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời lắng nghe, chu cấp, làm thỏa mãn, giải cứu, bảo vệ, vực dậy và bảo đảm công bằng cho người nghèo khó nào nương tựa nơi Ngài. [4]

Tuy nhiên câu chuyện về người giàu minh họa cho phản ứng của Đức Chúa Trời đối với những ai bỏ mặc người nghèo. Ngài kết tội họ. Một lần nữa, Kinh Thánh không dạy rằng giàu có là lý do khiến một người trở nên không công bình và bị kết tội. Người giàu có trong câu chuyện này không bị đày xuống hỏa ngục vì lý do ông có tiền. Ngược lại, ông ở hỏa ngục bởi vì thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, điều đó khiến cho ông buông thả trong sự xa hoa đồng thời ngó lơ người nghèo khó ở bên ngoài.[5] Hậu quả là trần thế chính là thiên đàng của người giàu và cõi đời đời là hỏa ngục dành cho ông.

Đến đây tôi phải hỏi câu hỏi này. Khi lắng nghe câu chuyện này từ Đức Chúa Giê-su, bạn thấy mình giống ai hơn – La-xa-rơ hay người giàu có? Về vấn đề này, tôi nhận thấy mình giống nhân vật nào hơn?

Khi mở ra điểm mù này trong đời sống của tôi, Đức Chúa Trời khiến tôi thấy rõ rằng tôi rất giống người giàu có trong câu chuyện. Tôi không thường nghĩ mình giàu có, và tôi đoán bạn cũng không nghĩ bạn giàu có. Nhưng thực tế là nếu bạn và tôi có nước để dùng, có nơi để gối đầu, có quần áo mặc, có thức ăn và phương tiện để đi lại (kể cả phương tiện công cộng), thì chúng ta đã ở nhóm 15% những người giàu có trên thế giới.

Tôi rất giống người giàu trong câu chuyện, và hội thánh mà tôi quản nhiệm cũng rất giống người giàu có này. Mỗi Chủ nhật, chúng tôi nhóm lại trong một tòa nhà hàng triệu đô la và hàng triệu đô la khác được chi cho các phương tiện đi lại đang được đậu ở bãi đổ xe bên ngoài. Rời buổi nhóm, chúng tôi dành hàng nghìn đô la cho bữa trưa trước khi trở về những căn nhà với tổng giá trị hàng trăm triệu đô la. Chúng tôi sống thật xa hoa.

Trong khi đó, người nghèo khó đang ở trước cửa nhà của chúng tôi và họ đang rất đói. Trong lúc chúng tôi nhóm thờ phượng vào sáng Chủ nhật, gần một nghìn trẻ em ở những nơi khác đã chết vì thiếu thức ăn. Nếu những đứa trẻ đó là con của chúng tôi thì tất cả chúng đã chết trước khi chúng tôi cầu nguyện kết thúc buổi nhóm. Chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ bê con cái của mình trong lúc chúng tôi hát những bài hát và có những tiết mục giải trí, tuy nhiên chúng tôi lại thỏa lòng với việc phớt lờ con cái của những người khác. Rất nhiều cháu nhỏ ở các nước đang phát triển là những anh chị em thuộc linh của chúng ta. Chúng đang bị suy dinh dưỡng, thân thể và não bộ bị méo mó, và chúng đang mắc phải những dịch bệnh có thể ngăn ngừa được. Điều quan trọng nhất, chúng ta đang ném những mẩu bánh vụn cho họ trong khi chúng ta say mê với những điều vui thú tại đây. Những điều tương tự như thức ăn thêm cho các nô lệ vào dịp lễ Giáng Sinh vậy.

Đây không phải là điều con cái Chúa làm. Dù chúng ta có nói, hát, học tập những gì vào sáng Chủ nhật, nhưng người giàu nào phớt lờ người nghèo thì không phải là con cái Chúa.[6]

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn