Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Cơ-đốc-nhân Suy Ngẫm Về Cuộc Sống

Cơ-đốc-nhân Suy Ngẫm Về Cuộc Sống

Cuộc sống vội vã, đời người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hơn nửa đời người. Thời gian trôi nhanh như bóng cây lướt ngoài cửa sổ. Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa tan. Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn. Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai. Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc ta điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi.

Đôi khi buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải khổ não đây. Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc ta sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!

Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua. Đời người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào (Đây là quan điểm phổ biến của thế giới, nhưng không phải là quan điểm của Cơ đốc giáo)

Khi ta bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn ta, biết đủ mới là hạnh phúc. So với người bệnh, hạnh phúc của ta là sống khỏe mạnh. So với người đã khuất, hạnh phúc của ta là còn sống. Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt tranh giành một chút.

Khi ta cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt. Nghĩ kỹ rồi, ta sẽ không buồn nữa. Khi ta tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vì một người không đáng, tại sao ta lại để người đó làm chủ trong tâm hồn mình. Ta hãy quên đi cứ ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền là được rồi.

Khi ta muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước ? Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức. Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi!

Hãy sống sao cho thật vui vẻ. Có cơm để ăn, có quần áo để mặc, có núi để leo, có biển để ngắm, có internet để vào, có xe để đi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là … tuyệt vời! (Đây là cách sống thực tế của nhiều người khước từ Phúc âm cứu rỗi)

Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý ta là ăn mày hay là người giàu có? Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là ta không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan mất. Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?

Tài sản quý giá nhất là sức khỏe
(thực ra tài sản quí giá nhất là linh hồn – không phải sức khỏe)

Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.

Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ. Trong mắt người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc đều chỉ là vô giá (trị) mà thôi.

Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sĩ diện, xa hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.

Hãy luôn nhớ rằng : chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hề dùng tới. Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa. Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống. Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị, hư không. Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu. Hãy sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.

Đời người lại như một hiệp đấu. Nửa trước là học hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương, tăng chức. Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não. Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi. Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?

Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, có phiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lý cũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.

Bởi vì, một cái áo giá $1,000, một vé First class $7,000, một chiếc xe $50,000 tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh. Một căn nhà giá vài triệu, hợp đồng mua bán có thể chứng minh. Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh.

Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất !  Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng ta đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe. Trên đời này ta nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau. Lựa chọn món nào là quyền của ta. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản mà thôi.

Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh. Trên thế giới này có thể có người lái xe thay ta, kiếm tiền thay ta… nhưng không có ai mắc bệnh thay ta được (Thực ra Kinh Thánh dạy: “Thật người – Chúa Giê-su đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.” Ê-sai 53:4). Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

Ẩn Danh

KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ CUỘC SỐNG?

“Ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.  Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia.” (Gia-cơ 4:14-15)

 

Chăm Sóc Thân Thể Và Linh Hồn

Mỗi danh nhân Cơ đốc đều có những lời phát biểu ấn tượng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Hôm nay chúng ta sẽ luận về lời nói của một người nổi tiếng.

Nhà Thần học Saint Augustine (354-430 AD) được các Cơ đốc nhân biết đến qua câu nói bất hủ: “Trong lòng con người có một khoảng trống mênh mông, không gì có thể lấp đầy, trừ ra chính Đức Chúa Trời.”

Ông cũng là tác giả của sách: Sự thú tội (Confessions) và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.

Hôm nay chúng ta đọc lại một lời nói khác của ông: “Take care of your body as if you were going to live forever; and take care of your soul as if you were going to die tomorrow.”

(Tạm dịch: Hãy chăm sóc thân thể của bạn như thể bạn sẽ sống mãi mãi; và chăm sóc linh hồn của bạn như thể bạn sẽ chết vào ngày mai.)

Kinh Thánh nói gì về việc chăm sóc thân thể và chăm sóc linh hồn?

CHĂM SÓC THÂN THỂ

Từ “thân thể” xuất hiện 98 lần trong bản Kinh Thánh Tiếng Việt (Theo Thánh Kinh phù dẫn).

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể  mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (1 Cô-rin-tô 6:19)

“Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (1 Ti-mô-thê 4:8)

“Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân thể mình, nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:29)

 Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25)

 

CHĂM SÓC LINH HỒN

Từ “linh hồn” xuất hiện 284 lần trong bản Kinh Thánh Tiếng Việt.

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26)

“Chỉ hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn thận linh hồn mình, e ngươi quên những điều mà mắt mình đã thấy, hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó lìa khỏi lòng ngươi: phải dạy cho các con và cháu ngươi.” (Phục truyền 4:9)

“Kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi.” (Gia-cơ 5:20)

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37)

Vài suy nghĩ về lời dạy của Saint Augustine:

 

“Hãy chăm sóc thân thể của bạn như thể bạn sẽ sống mãi mãi.”  Dĩ nhiên Cơ đốc nhân sẽ sống đời đời với Chúa trên thiên đàng. Còn hiện nay thì sao?  Thân thể này sẽ trở về bụi đất sau một tiến trình sống, làm việc, phục vụ trên đất. Nó sẽ bị già nua, lão hóa và chết đi. Nếu bạn lên Google gõ các từ “chăm sóc thân thể” bạn sẽ đọc được các bài viết liên quan đến chủ đề này. Tuy nhiên không phải mọi bài viết đều đưa ra những thông tin đáng tin cậy. Bạn phải sàng lọc các thông tin và biết cách sử dụng chúng phù hợp với mình. Điều này đòi hỏi sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5). Chúng ta cần sự khôn ngoan trong việc sử dụng các nguồn thực phẩm, nước uống, thì giờ, tiền bạc, thú tiêu khiển… để duy trì và bảo vệ sức khỏe, thân thể trong mọi hoàn cảnh.

Giả định là con người chúng ta có khả năng sống mãi mãi trên đất này – sống trường thọ và không bao giờ chết. Muốn vậy con người phải chăm sóc thân thể thật chu đáo. “Hãy chăm sóc thân thể của bạn như thể bạn sẽ sống mãi mãi.”

Là Cơ đốc nhân, hãy tránh nếp sống buông thả phóng túng, thích gì làm nấy. Hãy lựa chọn nếp sống kỷ luật trong ân điển Chúa.

Việc chăm sóc thân thể bao hàm quan tâm đến vấn đề sức khỏe cá nhân. Người xưa có câu, “sức khỏe quí hơn vàng.”

Vậy thì “sức khỏe” là gì? Theo định nghĩa của tổ chức Y tế Thế giới: Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội mà không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật. (Health is a state of complete physical, mental and social well-being and not merely the absence of disease or infirmity).

Đời sống theo một phương diện giới hạn có nghĩa là cách sống của mỗi người sẽ góp phần quyết định đến sức khỏe của người đó.

Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần. Điều này không có nghĩa là cơ thể bạn hoàn toàn tráng kiện, khỏe mạnh 100% thì bạn sẽ trải nghiệm sự thoải mái toàn diện. Có thể bạn bị một căn bệnh mãn tính nào đó mà vẫn duy trì được trong một mức độ tương đối trạng thái thoải mái về thể chất và tinh thần thì xem như sức khỏe bạn khá ổn định. Có ai sống trên đời này dám nói rằng tôi không có bệnh gì cả? Trong Trường Y Khoa các sinh viên được dạy: có những bệnh không cần chữa cũng tự lành, có những bệnh có chữa cũng không lành hẳn, có những bệnh phải chung sống với nó suốt đời. Vậy thì điều mà chúng ta cần quan tâm là làm thế nào để có thể sống vui, sống khỏe và giới hạn đến mức thấp nhất các rủi ro của bệnh tật?

Bạn đang ở lứa tuổi bốn mươi, năm mươi, sáu mươi hay lớn hơn? Thông thường sau tuổi năm mươi chúng ta khó tránh khỏi các bệnh thường gặp của người cao tuổi. Có những bạn từ tuổi bốn mươi trở lên cũng có thể đã có các dấu hiệu của bệnh tật. Người Nhật được xem như dẫn đầu khu vực Châu Á về thu nhập cao tính trên đầu người ý thức rất rõ việc phòng bệnh từ xa. Người Việt Nam của chúng ta thì sao? Hầu hết khi phát hiện ra bệnh mới bắt đầu chữa trị, đôi khi đã quá muộn khi biết mình có bệnh! Vậy nên phòng bệnh chính là chữa bệnh. Phòng bệnh bằng cách nào? Khám sức khỏe định kỳ có làm cho bạn an tâm? Những câu hỏi như thế sẽ được chúng ta cùng thảo luận để tìm ra câu trả lời tối ưu nhất.

Chúng tôi đưa ra các câu hỏi sau liên quan đến sức khỏe để bạn đọc tham khảo:

  1. Bạn có ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý không?

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách ăn uống và thức ăn của bạn phải phù hợp với thể trạng của bạn. Một thầy thuốc chuyên môn cao, hiểu rõ tình trạng sức khỏe và bệnh lý của bạn sẽ cho bạn một hướng dẫn thích hợp. Hãy nhớ là một món ăn hay một phác đồ điều trị có thể tốt cho người này, nhưng chưa chắc đã tốt cho người kia.

  1. Bạn có vận động hay tập thể dục thường xuyên không?

Những bài tập thể dục của bạn phải phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý của bạn. Có những căn bệnh như đau cột sống thì phải điều trị đồng thời với việc tập vật lý trị liệu hay tập một số động tác thể dục theo sự hướng dẫn của một chuyên viên.

  1. Bạn có đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên 6 tháng một lần?

Một phiếu xét nghiệm sinh hóa về máu sẽ cho ra các chỉ số thông thường về tình trạng của bạn, X quang, MR hay CT cũng rất cần thiết để thầy thuốc căn cứ vào đó mà hướng dẫn bạn một phác đồ điều trị thích hợp.

  1. Nếu bạn đang điều trị một chứng bệnh, bạn có tuân thủ theo các hướng dẫn của thầy thuốc?

Đừng bỏ qua các hướng dẫn này nếu bạn đang điều trị bệnh. Một vài căn bệnh thông thường đôi khi chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt thì cơ thể đã tự chữa lành. Rượu bia, cà phê, thuốc lá, nước đá, các món thịt nướng….. có phù hợp với sức khỏe hiện tại của bạn?

Nếu câu trả lời của bạn là có trong những câu hỏi trên thì xem như bạn đang ở trong một tình trạng sức khỏe quân bình. Hãy nhớ rằng sức khỏe tốt không đồng nghĩa là không có bệnh. Nhưng sức khỏe tốt phải quân bình cả về sức khỏe thể chất và một tinh thần lạc quan vui sống. “Một tinh thần vui vẻ trong một thân thể ổn định” – sẽ là phương châm của chúng ta?

Đến đây có một câu hỏi khác: Làm thế nào để duy trì một tình trạng tinh thần thoải mái?

Có rất nhiều bài nghiên cứu trả lời cho câu hỏi này. Bạn có thể tìm kiếm nó trên Google. Còn theo quan điểm của tôi? Tôi chỉ đơn giản nói lên điều mình suy nghĩ, tôi không trông đợi là bạn sẽ hoàn toàn đồng ý với tôi, bạn có thể phản biện.

  • Để duy trì một tinh thần thoải mái bạn phải có một lý tưởng sống – mục đích sống rõ ràng. Nếu bạn chưa có một mục đích cho cuộc sống của mình thì những điều tôi viết tiếp theo sẽ không dành cho bạn.
    • Có một nhà văn viết rằng: Cuộc sống vốn vô nghĩa, vì vậy mỗi người phải tìm ra ý nghĩa và mục đích của cuộc sống cho riêng mình. Bạn đã tìm ra ý nghĩa và mục đích cuộc sống của bạn chưa?
    Saint Augustine cũng đã nói, “Trong lòng con người có một khoảng trống mênh mông, không gì có thể lấp đầy, trừ ra chính Đức Chúa Trời.” Và khi trong lòng chúng ta có một Đức Chúa Trời, lúc đó chúng ta đã tìm ra ý nghĩa và mục đích cuộc sống.

Bất luận ý nghĩa và mục đích cuộc sống của bạn là gì, nhưng nếu nó không làm cho bạn vui sống, lạc quan, yêu đời, hướng thiện, có những cảm xúc tích cực về cuộc sống… thì bạn nên tìm kiếm một lời khuyên của các chuyên gia trong vấn đề này.

Ai là chuyên gia?

Hãy nghĩ xem trên thế giới này có ai dám nói câu này: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”

Nếu bạn chưa đến với Người tuyên bố những lời này, thì mọi giải pháp cho cuộc sống sẽ trở nên rất hạn chế.
Bây giờ chúng ta nói đến việc chăm sóc linh hồn.

 

“Chăm sóc linh hồn của bạn như thể bạn sẽ chết vào ngày mai.” Suy ngẫm Lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng, nhóm họp thông công với các thành viên khác trong hội thánh, chứng đạo, thi hành các mục vụ mỗi ngày… là những yếu tố căn bản để chăm sóc linh hồn. Hãy nắm lấy cơ hội ngay hôm nay, vì có thể ngày mai cơ hội không đến nữa. Nếu là người giảng đạo hãy công bố sứ điệp Thánh Kinh như thể đây là sứ điệp cuối cùng của cuộc đời bạn. Có một câu nói khá hay dành cho các ông thầy giảng: “người giảng đạo hãy giữ tâm thế của một người sẽ chết đang nói với người sắp chết.”

Nếu bạn bày tỏ cho một người nào đó về tình yêu của Đức Chúa Trời nhưng không cho họ sự lựa chọn tiếp nhận nó thì thật không hợp lý. Đây là điều mà nhà truyền giáo Moody đã một lần làm như thế. Và rồi nó luôn ám ảnh ông trong suốt quãng đời còn lại.

D.L Moody đã không yêu cầu thính giả tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa của họ vào ngày 8 tháng 4 năm 1871. Đêm hôm đó tòa nhà cao tầng nơi ông truyền giảng Phúc âm ở Chicago bị hỏa hoạn. Moody đã giảng cho một số lượng khán giả lớn nhất ở Chicago từ trước cho đến thời điểm đó. Bài giảng của ông hôm ấy có chủ đề: “Bạn có thái độ nào với Jesus, được gọi là Chúa Cứu Thế?” Vào cuối bài giảng ông yêu cầu khán giả suy nghĩ, cân nhắc và sẽ trả lời câu hỏi này vào Chủ nhật kế tiếp, khi họ trở lại. Nhưng khán giả đã không trở lại. Chuông báo hỏa hoạn vang lên trong thành phố không lâu sau đó. Tòa nhà cao tầng phát hỏa và giáo đoàn bị tan lạc.
Moody luôn luôn muốn biết có bao nhiêu khán giả của ông đã có đức tin nơi Chúa Jesus trước khi họ bị trượt chân vào cõi đời đời.

Mỗi người trong chúng ta có thể ra đi vào cõi đời đời bất cứ lúc nào. Vậy thì việc chăm sóc thân thể và linh hồn mỗi ngày là một hành động đương nhiên cần thiết.

 

Bạn có phương cách nào để chăm sóc thân thể và linh hồn của bạn? Tôi muốn lắng nghe bạn nói!

 

Tường Vi

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn