Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Người Bị Ném Vào Hang Sư Tử

Người Bị Ném Vào Hang Sư Tử

ĐA-NI-ÊN

Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.

Rô-ma 8:37

Khi đề cập đến Đa-ni-ên giữa vòng những người đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể nghe những phản hồi khác nhau. Một số sinh viên nghiên cứu các sách tiên tri sẽ nói, “Đa-ni-ên là một người thông giải được Thần cảm.” Các doanh nhân nói, “ông ấy là một nhà quản trị hiệu quả.” Một mục sư trẻ tuổi nói, “một thanh niên mẫu mực,” và các chiến sĩ cầu nguyện nói về ông, “đừng quên rằng ông ấy là một người cầu thay trung tín.”

Tất cả các phát biểu trên đều đúng, nhưng Đa-ni-ên còn có một đặc điểm quan trọng nhất: ông là một người chinh phục. Sự thực là Đa-ni-ên còn hơn cả một người chinh phục, ông thuộc loại người hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời và trở nên người chiến thắng. George Washington Carver đã nói rằng sự thành công không chỉ được đo lường ở chỗ vạch kết thúc mà còn là bằng cách nào họ đã vượt qua bao nhiêu trở ngại để đi đến đó. Đa-ni-ên đã đối diện và chiến thắng nhiều kẻ thù, vượt qua những trở ngại để tồn tại và tiếp tục phục vụ Chúa và tuyển dân trong một quốc gia ngoại giáo. G. Campell Morgan đã nói, “Câu chuyện của Đa-ni-ên rất hấp dẫn, bởi vì nó cho thấy những điều người kính sợ Chúa thực hiện được giữa bối cảnh không tin kính.”1  

Đa-ni-ên là một thiếu niên khi được đưa tới đế quốc Ba-by-lôn rộng lớn  vào năm 605 trước Công nguyên, và chàng trai này đã phục vụ thành công ít nhất là sáu mươi năm trải qua bốn triều đại. Trong khi Giê-rê-mi đang giúp đỡ những người Do Thái đáng thương còn sót lại ở Giu-đa  và Ê-xê-chi-ên khích lệ những người lưu vong ở Ba-by-lôn, thì Đa-ni-ên được đem tới trung tâm quyền lực chính trị của một đế quốc ngoại giáo để bày tỏ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Israel. Đa-ni-ên đã hầu việc Đức Chúa Trời thông qua đời sống và lời chứng của mình với những người hư mất. Ông đưa ra lời khuyên cho các vua Ba-by-lôn, viết sách để dạy cho các thế hệ. Ông đã trung tín trong các mục vụ được giao, và nhận được sự tôn trọng, yêu mến từ Chúa.

Chúng ta cũng nên nhìn vào đời sống của mình thông qua các bài học từ cuộc đời Đa-ni-ên và khám phá phương cách mà ông đã trở nên người chiến thắng nhờ đức tin nơi Đức Chúa Trời.

CHÚNG TA ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG KẺ THÙ

Không dễ dàng để Đa-ni-ên và ba người bạn của ông được đế quốc Ba-by-lôn tuyển lựa để đào tạo thành những người phục vụ cho Ba-by-lôn. Kẻ thù đã chọn bốn thanh niên này là những người ưu tú nhất của dân tộc Do Thái. Họ là những thanh niên khôn ngoan, khỏe mạnh, đẹp trai. Họ có đủ những yếu tố để trở thành những người lãnh đạo tiềm năng. Kinh Thánh mô tả về họ, “Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn quan mình, lấy trong con cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến  mấy kẻ trai trẻ không có tật nguyền, mặt mày xinh tốt, tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua, và dạy cho học thức và tiếng của người Canh-đê.” (Đa-ni-ên 1:3-4). Hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa muốn họ được huấn luyện để phục vụ cho vương triều của ông. Điều này dẫn đến thế lực thù nghịch đầu tiên mà Đa-ni-ên và các bạn ông phải chiến thắng – thế giới ngoại giáo với những hình tượng, lừa dối, bạo lực và đầy kiêu hãnh.

Nếu muốn, Đa-ni-ên và các bạn của mình có thể che giấu niềm tin để thỏa hiệp với kẻ thù, mà theo quan điểm của con người là bước đi khôn ngoan. Tuy nhiên trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, thỏa hiệp trong hoàn cảnh này là phạm tội. Những người Do Thái hoài nghi có thể hỏi, “Chúng tôi là tuyển dân, đi theo lời Chúa. Tại sao Ngài cho phép kẻ thù đánh bại chúng tôi? Có lẽ các thần tượng của Ba-by-lôn quyền năng hơn Đức Chúa Trời?” Những người đàn ông Do Thái xa quê hương và chịu ảnh hưởng của văn hóa đương thời có thể nói, “Khi sống ở Ba-by-lôn, hãy hành động như người Ba-by-lôn” theo kiểu nhập gia tùy tục. Những thanh niên khác (số đông) thỏa hiệp với cung cách sống mới – tiếp nhận đồ ăn vua ban. Kinh Thánh ghi lại: “mười ngày ấy qua rồi, thấy mặt họ lại có vẻ xinh tươi đầy đặn hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn” (Đa-ni-ên 1:15). Trong khi Đa-ni-ên và các bạn ông không giống như vậy. Tại sao? Họ có thể gia nhập với số đông ấy, hoặc có thể thỏa hiệp tiếp nhận nguồn thực phẩm đã bị ô uế bởi hình tượng hay thuận phục quyền lực của Ba-by-lôn trong khi có thể bí mật giữ vững niềm tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống?

Các viên quan cận thần của Nê-bu-cát-nết-sa cung cấp thức ăn ngon để khích lệ những thanh niên Do Thái này tuân thủ các qui định của vương triều Ba-by-lôn. Những thanh niên này được ban cho các tên mới có liên hệ đến các thần tượng của người Ba-by-lôn. Chế độ ăn uống của họ cũng khác biệt với tuyển dân – là điều mà Đa-ni-ên và ba người bạn của ông không chấp nhận. Các thực phẩm của người Ba-by-lôn có thể đến từ các loài thú vật không thanh sạch, hoặc đã được dâng cho các hình tượng. Nếu có ai trong vòng tuyển dân ăn loại thức ăn đó thì đã phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời và xem như thỏa hiệp với hình tượng. Nhưng nếu Đa-ni-ên và các thanh niên này không ăn họ sẽ gặp rắc rối từ luật pháp của người Canh-đê.

“Vả, Đa-ni-ên quyết định trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, nên cầu xin người làm đầu hoạn quan để đừng bắt mình phải tự làm ô uế.  Đức Chúa Trời khiến Đa-ni-ên được ơn và thương xót trước mặt người làm đầu hoạn quan.  Người làm đầu hoạn quan bảo Đa-ni-ên rằng: Ta sợ vua, là chủ ta, đã chỉ định đồ ăn đồ uống của các ngươi. Lẽ nào vua sẽ thấy mặt mày các ngươi tiều tụy hơn những kẻ trai trẻ khác đồng tuổi với các ngươi, và các ngươi nộp đầu ta cho vua sao?  Đa-ni-ên bèn nói với Ham-mên-xa mà người làm đầu hoạn quan đã khiến coi sóc Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria, rằng:  Tôi xin ông hãy thử những kẻ tôi tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước.  Sau đó, sẽ nhìn nét mặt chúng tôi với nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ ăn ngon của vua; rồi ông sẽ làm cho những kẻ tôi tớ ông theo như điều ông đã thấy.
 Ham-mên-xa nhậm lời họ xin, và thử họ trong mười ngày.  Mười ngày ấy qua rồi, thấy mặt họ lại có vẻ xinh tươi đầy đặn hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn.  Vậy, Ham-mên-xa cất phần đồ ăn ngon và rượu của họ, và cho họ ăn rau” (Đa-ni-ên 1:8-16). Qua câu chuyện này chúng ta thấy Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 6:33 đã vận hành ngay trong Cựu Ước và còn mãi đến hôm nay.

Còn nhiều vấn đề tiếp theo. Các bạn trẻ Hê-bơ-rơ phải giải quyết các khó khăn trong cung vua. Họ cần sự khôn ngoan để xử lý các vấn đề xảy ra với vua Ba-by-lôn và các cố vấn của nhà vua. Các nhà cai trị phương Đông thường tự hào, độc tài. Họ nắm trong tay quyền lực của sự sống và cái chết đối với tất cả các đối tượng mà họ cai trị. Họ thường nóng tính và bốc đồng, và họ trông đợi các cố vấn của mình có thể giải thích những giấc mơ, giải thích những điều huyền nhiệm và đưa ra câu trả lời chính xác ngay lập tức. Còn xa hơn thế Nê-bu-cát-nết-sa cũng yêu cầu họ tường thuật lại giấc mơ mà ông đã quên và giải thích giấc mơ đó. Điều này làm bó tay các cố vấn, thuật sĩ người Ba-by-lôn. Nhưng với Đa-ni-ên là một cơ hội tốt. Trong Đa-ni-ên có Thần linh và ánh sáng của Đức Chúa Trời để giúp ông có thể nhìn thấu điều mà con người không biết. Sau khi cầu xin Đức Chúa Trời tỏ bày những điều bí mật trong lòng vua Nê-bu-cát-nết-sa, Đa-ni-ên đến trước mặt vua trả lời rằng: “Sự kín nhiệm mà vua đã đòi, thì những bác sĩ, thuật sĩ, đồng bóng, thầy bói đều không có thể tỏ cho vua được.  Nhưng có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau rốt. Vậy, chiêm bao của vua và các sự hiện thấy của đầu vua đã thấy trên giường mình là như vầy: …” (Đa-ni-ên 2:27-28). Sau đó Đa-niên đã thuật lại điều vua thấy về pho tượng lớn và giải nghĩa nó ra. Sự giải thích này làm hài lòng vua. Đa-ni-ên đã vạch trần sự ngu ngốc và bất tài của các nhà chiêm tinh ngoại giáo là những người có trong biên chế của nhà vua. “Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống, lạy Đa-ni-ên, và truyền dâng lễ vật cùng đồ thơm cho người.  Đoạn, vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm, vì ngươi đã có thể tỏ ra sự kín nhiệm nầy.  Vua bèn tôn Đa-ni-ên lên sang trọng và ban cho người nhiều lễ vật trọng. Vua lập người cai trị cả tỉnh Ba-by-lôn, và làm đầu các quan cai những bác sĩ của Ba-by-lôn.  Đa-ni-ên cầu xin vua, thì vua lập Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô cùng cai trị tỉnh Ba-by-lôn, còn Đa-ni-ên thì chầu nơi cửa vua” (Đa-niên 2:46-49).

Nhưng sự kiện này dẫn đến một vấn đề khác: các cố vấn mưu sĩ của vua ganh tị, ghét Đa-ni-ên vì cớ sự chính trực, khôn ngoan thông sáng của ông, và họ tìm cách trả thù.  Tôi có một người bạn bị mất việc bởi vì anh ấy đã làm việc rất tích cực chăm chỉ, và đồng thời cũng chỉ ra những sự lười biếng gian dối của những người cùng làm việc chung. Những người này họp lại, dựng chuyện và nói dối với quản đốc để đuổi việc người bạn tôi. “Không có gì là mới dưới ánh mặt trời.” Các cố vấn của Nê-bu-cát-nết-sa cũng đã làm điều này với Đa-ni-ên, nhưng Đức Chúa Trời minh oan cho ông.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta phải chiến đấu với thế gian, xác thịt và ma quỉ. Hãy nhớ lời sứ đồ Phao-lô viết, “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12).  Chúng ta phải sống và làm việc với những con người. Ma quỉ có thể sử dụng những con người này để vu cáo và tấn công chúng ta trên nhiều lĩnh vực. Giô-sép khi còn trẻ đã ở trong trận tuyến này, Đa-vít cũng như vậy. Hội thánh đầu tiên đối diện với những điều này, và ngay cả Chúa Giê-su cũng đã có một môn đồ phục vụ cho ma quỉ.

Phao-lô bảo đảm cho tín nhân trong Rô-ma 8:37, “trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.” Mọi sự mà vị sứ đồ đã đề cập là: “hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo (Rô-ma 8:35). Chúng ta không chỉ chiến thắng tất cả những điều này, nhưng chúng ta cũng chiến thắng ma quỉ là kẻ sử dụng con người và những sự kiện xảy ra để nghịch lại Đấng Christ. Bởi đức tin Cơ đốc nhân đánh bại Satan và những liên minh của nó – và đó là một chiến thắng thực sự, một chiến thắng được Đấng Christ giành lấy và giao lại cho chúng ta.

CÁC NGUỒN LỰC MÀ CHÚNG TA SỬ DỤNG

Tâm điểm của các vấn đề nằm ở trong lòng, và một tấm lòng bị phân tâm sẽ kéo theo hậu quả là tấm lòng đó bị đánh bại. Vì vậy nguồn lực đầu tiên cho sự chiến thắng là một tấm lòng hoàn toàn dành trọn cho Chúa. “Đa-ni-ên quyết định trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống” (Đa-ni-ên 1:8) đó là khởi điểm. Ba bạn người Hê-bơ-rơ của Đa-ni-ên là những thanh niên ưu tú, được dạy dỗ trong gia đình tin kính, họ biết điều này: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết. Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” (Châm ngôn 4:23). Bản dịch Kinh Thánh New Living Translation dịch câu này là: “Trên hết mọi điều phải giữ gìn tấm lòng của bạn, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả những gì bạn làm.”

Trong Phúc Âm Mác 7:20, Chúa Giê-su dạy, “Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người!” Vì vậy tấm lòng con người cần phải được ân sủng của Chúa làm cho thay đổi và trở nên tinh sạch. Trước giả Thi thiên viết, “Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi…. Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch. Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” (Thi. 51:6, 10). Đa-vít đã có một lời cầu nguyện đúng đắn.

Tấm lòng của Đa-ni-ên phù hợp với tấm lòng của Chúa – ông là một người cầu nguyện. “Cứ một ngày ba lần, Đa-ni-ên quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước.” (Đa. 6:10). Điều này là nghịch lại với qui định của vua Ba-by-lôn. Vào thời điểm đó mọi người tại Ba-by-lôn không được cầu nguyện với bất kỳ một thần linh nào khác ngoại trừ vua. Thế nhưng mỗi ngày ba lần, Đa-ni-ên mở cửa sổ hướng về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện với Đức Chúa Trời của mình bất chấp lệnh vua. Đa-ni-ên cầu xin sự khôn ngoan thiên thượng để có thể biết được và giải thích giấc mơ mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã quên (Đa. 2). Và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin này. Lời cầu nguyện xưng tội của Đa-ni-ên được ghi lại trong chương 9, cùng với lời cầu nguyện của E-xơ-ra chương 9, Nê-hê-mi chương 9  là gương mẫu của những tấm lòng ăn năn và hạ mình trước mặt Chúa. Lời cầu thay của Đa-ni-ên cho tuyển dân được xếp hạng chung với lời cầu nguyện của Nô-ê và Gióp (Ê-xê-chi-ên 14:14, 20). Sứ đồ Phao-lô truyền dạy chúng ta phải mặc lấy mọi khí giới của Chúa và, “nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.” (Ê-phê-sô 6:18)

Tuy nhiên Đa-ni-ên cũng tùy thuộc vào Lời của Đức Chúa Trời. Chúa đã ban cho ông Lời của Ngài cách trực tiếp. Và ông viết lời đó ra để chúng ta có thể học được. Đa-ni-ên cũng đọc và hiểu những gì Giê-rê-mi đã viết (Đa-ni-ên 9:1-2; Giê-rê-mi 25:11-12), và điều này trợ giúp ông đứng ra bênh vực cho tuyển dân. Lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện phải luôn song hành với nhau (Giăng 15:7; Công. 6:4; Ê-phê-sô 6:17-18). Lời Chúa là ánh sáng hướng dẫn và bảo vệ chúng ta trong thế giới tối tăm (Ê-phê-sô 6:17; Hê-bơ-rơ 4:12). Đức Thánh Linh có thể hướng dẫn chúng ta sử dụng Lời để giành chiến thắng. Đa-ni-ên đã vâng theo lẽ thật của Chúa trong đời sống và mục vụ (Đa-ni-ên 6:4-5). Đức Chúa Trời tôn trọng tính cách này của Đa-ni-ên.

Nhưng tất cả những nguồn lực thuộc linh này sẽ không hiệu quả, nếu Đa-ni-ên không phải là người có đức tin. Khi Đa-ni-ên cầu nguyện, ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ trả lời, và quả thật Chúa đã trả lời. Khi Đa-ni-ên đọc sách Giê-rê-mi, ông tin cậy Chúa soi sáng tâm trí ông và thực hiện Lời Ngài hứa. Và Chúa đã làm điều đó. Đa-ni-ên tín thác vào Đức Chúa Trời để Ngài hướng dẫn ông. Đức tin vào Chúa thì không cần phải sử dụng đến kế hoạch khôn ngoan theo ý riêng. Đa-ni-ên cầu xin Chúa trực tiếp hướng dẫn ông. Ông trả lại những âm mưu của kẻ thù (những kẻ tìm cách ném ông vào hang sư tử) cho chúng. “Theo lệnh vua, những kẻ đã kiện Đa-ni-ên ấy cùng con cái và vợ họ đều bị điệu đến quăng vào hang sư tử. Khi họ chưa đến dưới đáy hang, thì những sư tử đã vồ lấy và xé xương hết thảy” (Đa. 6:24). Khi Đa-ni-ên được đem lên khỏi hang, “và người ta không thấy một vết tích nào trên người, bởi người đã nhờ cậy Đức Chúa Trời mình” (Đa-ni-ên 6:23). Kẻ thù bị bẽ mặt, đức tin của Đa-ni-ên nơi Chúa được tưởng thưởng xứng đáng (Châm. 3:5-6)

NHỮNG PHƯỚC HẠNH MÀ CHÚNG TA NHẬN ĐƯỢC

Phước hạnh thứ nhất dành cho Đa-ni-ên và cũng cho tất cả chúng ta là đặc ân dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời. Sự chinh phục của vua Nê-bu-cát-nết-sa trên quốc gia Israel dường như được một số người thừa nhận rằng các hình tượng của Ba-by-lôn có quyền năng hơn Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của tuyển dân. Nhưng Đa-ni-ên đã làm đảo lộn nhận thức đó. Các cố vấn, thuật sĩ của Ba-by-lôn không thể thuật lại giấc mơ của vua thì làm sao có thể giải nghĩa được ý nghĩa của nó? Nhưng Đa-ni-ên thì khác, nhờ sự khôn ngoan thiên thượng, ông biết được giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa và giải nghĩa nó ra (Đa-ni-ên 2). Điều này khiến cho vua tôn trọng Đa-ni-ên, nhà vua tuyên bố, “Quả thật, Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm, vì Đa-ni-ên đã có thể tỏ ra sự kín nhiệm nầy” (Đa-ni-ên 2:47). Sau đó khi các bạn hữu của Đa-ni-ên được giải cứu kỳ diệu thoát khỏi lò lửa hực, vua tiếp tục công bố, “Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều bỏ thân thể mình, hầu để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình” (Đa. 3:28).

Trong chương bốn Đa-ni-ên giải thích về một “cây cao lạ thường” mà vua Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy trong giấc mơ. Và lời giải thích này trở thành hiện thực ngay sau đó. Nê-bu-cát-nết-sa phải sống như súc vật trong bảy năm, và rồi được phục hồi trở về với ngai vàng của mình. Kinh Thánh ghi lại: “Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia….Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống” (Đa. 4:34, 37).  Đây là một lời chứng tốt xuất phát từ một vua ngoại bang. Trong chương 6 của sách Đa-ni-ên, khi vua Đa-ri-út biết rằng Đa-ni-ên bình an vô sự trong hang sư tử, sự nhận thức của nhà vua đã thay đổi, “Bấy giờ, vua Đa-ri-út viết cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng ở khắp trên đất rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên!  Ta ban chiếu chỉ rằng, trong khắp miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời. Nước Ngài không bao giờ bị hủy diệt, và quyền Ngài sẽ còn đến cuối cùng.  Ngài cứu rỗi và giải thoát, làm những dấu lạ sự lạ ở trên trời dưới đất, đã cứu Đa-ni-ên khỏi quyền thế sư tử.” (Đa. 6:25-27).

Chúng ta không thể có được vị trí cao trọng như Đa-ni-ên trong vương triều của Ba-by-lôn, nhưng chúng ta có thể sống, làm việc, làm chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời cho các bậc cầm quyền trên chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đang trợ giúp chúng ta trên mọi lĩnh vực và điều này dâng vinh hiển về cho Ngài. Chúa Giê-su đã dạy trong Ma-thi-ơ 5:16, “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”

Đa-ni-ên không chỉ dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời, ông còn là một người được Chúa yêu mến. Thiên sứ Gáp-ri-ên từ thiên đàng xuống và truyền bảo Đa-ni-ên, “ngươi được yêu quí lắm” (Đa. 9:23). Cụm từ này được lặp lại trong Đa.10:11, 19. Và tất cả các tín nhân ngày nay có thể vui hưởng tình yêu đặc biệt từ Đức Chúa Trời nếu họ làm theo những gì Đa-ni-ên đã làm: cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa, kính yêu Chúa hết lòng và vâng phục Ngài. Chúa Giê-su dạy, “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta…. Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:21, 23). Sách Giu-đe câu 21 tóm tắt lời dạy của Chúa cứu thế, “hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời.” Câu Kinh văn truyền tải sự sống mà tôi dành cho Đa-ni-ên là, “Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 3:31) nhắc nhở mỗi chúng ta có thể trở thành người chiến thắng nhờ vào Đấng đã yêu thương chúng ta.

Là một tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên có niềm vui khi giúp đỡ người khác. Ông chia sẻ đặc ân của mình với ba bạn hữu và nhìn thấy họ được thăng tiến trong vương triều của Ba-by-lôn (Đa. 2:49). Thông qua ân tứ giải thích các giấc mơ, Đa-ni-ên giúp cho các vua ngoại bang hiểu biết và nhìn thấy được kế hoạch của Đức Chúa Trời, mặc dù tâm trí họ vẫn còn những hạn chế nhất định với thông điệp của Đa-ni-ên. Đời sống và nhân cách của Đa-ni-ên trở thành niềm khích lệ và làm gương tốt cho tuyển dân Chúa trải qua nhiều thế kỷ. Cái nhìn sâu sắc của Đa-ni-ên về tương lai giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản văn Kinh Thánh. Học biết về sách Đa-ni-ên là bước chuẩn bị tốt để hiểu rõ sách Khải huyền.

Giê-rê-mi giúp đỡ cho những người Do-Thái đáng thương còn ở lại Giu-đa, và Ê-xê-chi-ên dạy cho những người lưu đày ở Ba-by-lôn. Và rồi Đa-ni-ên mở ra một cánh cửa cho tuyển dân bị lưu đày trở về lại Giu-đa khi thời hạn phu tù kết thúc. Ông hiểu thời khóa biểu và đồng hồ của Đức Chúa Trời khi suy ngẫm Giê-rê-mi 25:11-12, “Cả đất nầy sẽ trở nên hoang vu gở lạ, các nước nầy sẽ phục sự vua Ba-by-lôn trong bảy mươi năm.  Đức Giê-hô-va phán: Khi bảy mươi năm ấy sẽ mãn, ta sẽ phạt vua Ba-by-lôn và dân người, vì cớ tội ác chúng nó. Ta sẽ phạt xứ người Canh-đê và biến thành một nơi hoang vu đời đời.” Chúng ta đọc thấy trong chương 9 của sách Đa-ni-ên, “Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm.  Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm” (Đa-ni-ên 9:2-3). Đa-ni-ên đã cầu nguyện và tâu với vua Si-ru về kế hoạch của Đức Chúa Trời. Kết quả là vua Si-ru đã ban chiếu chỉ cho phép dân Do thái được rời khỏi Ba-by-lôn trở về quê hương (Đa. 1:21; 2 Sử ký 36:22-23; E-xơ-ra 1:1-4). Trong số những gì còn sót lại đó đã xuất hiện một quốc gia được khôi phục và một ngôi đền được xây dựng lại, và từ khởi đầu nhỏ bé đó đã xuất hiện các tiên tri, Lời được viết và cuối cùng là Đấng cứu thế ra đời.

Cảm tạ Đức Chúa Trời.
Cảm ơn Đa-ni-ên, người được Chúa yêu!

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

GIỚI THIỆU:

(Hình ngôi nhà cần bán)

Cần bán nhà mặt tiền. Địa chỉ: 26 Đường số 2, Khu Dân Cư Thăng Long, Phường Bình Trị Đông B. Quận Bình Tân. TP. HCM. Diện tích đất: 120 mét vuông. Diện tích xây dựng: 73,75 mét vuông. Diện tích sàn: 215,75 mét vuông. Giấy tờ hợp lệ (sổ hồng). Liên hệ: Thùy Trang. ĐT: 0903140125; 0989249554  

 

Mô tả chi tiết:
Phòng khách:1
Phòng họp trên lầu 3 đủ chỗ cho 70 người ngồi: 1
Phòng vệ sinh: 7

Phòng ngủ: 4
Nhà bếp:1
Ga-ra để ô tô: 1

Có thể xem sổ hồng sau đây:

Những ai có thiện chí, vui lòng đến khảo sát nhà và thương lượng giá cả phù hợp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn