Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Ý Nghĩa Của Đời Sống

Ý Nghĩa Của Đời Sống

Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định.

Truyền Đạo 3:1

Khi A-đam và Ê-va đặt tên cho đứa con trai thứ hai của mình là A-bên (A-bên có nghĩa là hư không), họ đã mở ra cho vua Sa-lô-môn một từ khóa để viết nên sách Truyền Đạo; trong tiếng Hê-bơ-rơ từ hebel có nghĩa là “hư không,” và từ này được sử dụng ba mươi tám lần trong sách Truyền Đạo. Sa-lô-môn xem xét nhiều khía cạnh của đời sống để biết cuộc sống đáng giá như thế nào, và càng suy ngẫm, ông càng kết luận rằng cuộc sống là vô nghĩa. Cuộc sống là hư không. Đến chương hai, Sa-lô-môn nói rằng: “Vậy, ta ghét đời sống” (2:17), một câu nói đáng phải suy nghĩ đối với một người có hiểu biết rộng và có được mọi thứ như ông. Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy giống như vậy, đặc biệt khi chúng ta đọc hoặc xem tin tức, hoặc khi những kế hoạch mơ ước của chúng ta trở thành ác mộng. Tuy nhiên câu Kinh Thánh trên cho chúng ta ba lẽ thật để khích lệ chúng ta có cái nhìn tích cực về đời sống.

 

Trong đời sống, chúng ta trải qua một chuỗi các sự kiện. Sa-lô-môn gọi đó là “thì tiết” và “kỳ định.” Từ “kỳ định” xuất hiện bốn mươi lần trong sách Truyền Đạo. Đức Chúa Trời sống trong cõi đời đời, và Ngài đã đặt sự đời đời ở trong lòng chúng ta (3:11), chính vì thế chúng ta không thỏa lòng với “những sự việc” và “sự kiện” nhưng khát khao điều gì nhiều hơn thế. Và “điều nhiều hơn thế” chính là sự sống dư dật mà Đức Chúa Giê-su đã nói (Giăng 10:10), điều đó chỉ có thể được tìm thấy khi chúng ta tin cậy Chúa là Đấng Cứu Rỗi và hầu việc Ngài. Sa-lô-môn cũng đã viết về sự tận hưởng cuộc sống (Truyền Đạo 2:24; 3:12-15, 22; 5:18-20; 8:15; 9:7-10), tuy nhiên những điều đó chỉ nằm trong phạm vi con người: vui thích công việc, tận hưởng thức ăn, vui thích người phối ngẫu và gia đình. Nhưng đó là những điều mà bất cứ người ngoại đạo nào cũng có thể tận hưởng! Dù những điều trên là tốt, chúng ta muốn nhiều hơn thế, một điều gì đó để chuẩn bị chúng ta cho sự chết và cõi đời đời. Sa-lô-môn thường đề cập đến sự chết, và sự chuẩn bị đích thực cho cái chết đó chính là nhận biết Đức Chúa Giê-su Christ (Giăng 11:25-26).

 

Những sự kiện giúp hoàn thành mục đích của Chúa. Các nhà khoa học và các sử gia tài ba đã nỗ lực tìm kiếm mục đích từ vũ trụ và trong lịch sử nhân loại, tuy nhiên họ đều thất bại, lý do chính đó là họ đã loại bỏ Chúa ra khỏi vấn đề. Chúng ta là những tạo vật của thời gian và chỉ có thể nhìn thấy các chuỗi sự kiện. Việc đó giống như nhìn vào ba mảnh ghép và cố đoán ra hình ảnh của bức tranh là gì. Đức Chúa Trời nhìn thấy toàn bộ bức tranh, còn trái đất này giống như “rạp hát” của vũ trụ, nơi Chúa thực hiện mục đích và bày tỏ các kế hoạch của Ngài. “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 24:1). Có những thời điểm trong cuộc sống chúng ta tự hỏi Chúa đang làm gì vậy, tuy nhiên chúng ta có thể công bố Rô-ma 8:28 và biết rằng mọi việc xảy đến là vì ích lợi cho chúng ta và đem lại sự vinh quang cho Chúa. “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó” (Truyền Đạo 3:11). Trong đời sống này, Cơ Đốc Nhân sống dựa trên lời hứa từ Kinh Thánh chứ không dựa vào sự giải thích. Chúng ta sẽ nhận được sự giải thích khi đời sống này kết thúc và chúng ta bước vào cõi đời đời. Lời của Đức Chúa Giê-su phán cùng Phi-e-rơ ngày nay cũng có thể được áp dụng cho chúng ta: “Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết” (Giăng 13:7). Khi chúng ta cầu nguyện rằng: “Ý Cha được nên, ở đất cũng như trời,” nghĩa là chúng ta đang cầu xin ý muốn Chúa được thực hiện, chứ chúng ta không cầu xin sự giải thích hoặc lý do.

 

Mục đích của Chúa đến từ tấm lòng yêu thương của Ngài. Hãy suy ngẫm Thi Thiên 33:10-11 và vui mừng. Đức Chúa Trời có mục đích cho từng quốc gia lẫn mỗi một cá nhân; mục đích của Ngài bắt nguồn từ tấm lòng và chúng sẽ được thực hiện! Mỗi một người tin Chúa đều có thể nói rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời; Xin chớ bỏ công việc của tay Ngài” (Thi Thiên 138:8). Vấn đề của chúng ta đó là chúng ta quá vội vã hoàn thành ý muốn của mình ngay, thay vì sẵn lòng chờ đợi Chúa. Áp-ra-ham và Sa-ra đã chờ đợi đứa con trai của mình là Y-sác trong hai mươi lăm năm, và Giô-sép đã chờ đợi mười ba năm để trở thành người lãnh đạo lớn thứ hai tại Ai Cập, cả hai câu chuyện đều thể hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự hoàn thành ý muốn khôn ngoan của Ngài.

Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va!

Thi Thiên 27:14

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn