Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Kẻ Biếng Nhác Nói Gì?

Kẻ Biếng Nhác Nói Gì?

Kẻ biếng nhác nói: “Có con sư tử ở ngoài đó; Tôi sẽ bị giết tại giữa đường.”

Châm Ngôn 22:13

Trong Kinh Thánh có hai từ cổ là uể oảibiếng nhác dùng để nói về người biếng nhác. Từ uể oải bắt nguồn từ cách chuyển động chậm chạp của con lười, còn từ biếng nhác bắt nguồn từ cách di chuyển chậm chạp của con ốc sên trong thế giới động vật thân mềm. Ngày nay chúng ta có thể dùng những từ ngữ khác như kẻ lười nhác hoặc kẻ trốn việc.

 

Những kẻ biếng nhác đều rất lười biếng. Nếu có một người nào mà Sa-lô-môn không thể chịu đựng nổi thì đó là người lười biếng, người luôn luôn không coi trọng công việc – hoặc thậm chí không xuất hiện để làm việc! Những người trong Kinh Thánh được Chúa ban phước và sử dụng đều là những người chăm chỉ. Thật vậy, rất nhiều người trong số họ được Đức Chúa Trời kêu gọi khi đang làm việc. Đức Chúa Trời kêu gọi trong lúc Môi-se và Đa-vit đang chăn chiên; Ghi-đê-ôn đang đập lúa; Ê-sai đang thờ phượng trong đền thờ; và Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng đang đánh cá. Trong ẩn dụ về các ta-lâng, Đức Chúa Giê-su gọi người đầy tớ nhận một ta-lâng là kẻ ác, biếng nhác và không có ích bởi vì người đầy tớ ấy không làm việc, cũng không dùng ta-lâng của mình để sản sinh kết quả (Ma-thi-ơ 25:14-30). Phao-lô dạy dỗ dân sự của Chúa tại Rô-ma rằng “chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12:11), ông bảo những người đầy tớ tại Hội Thánh Cô-lô-se rằng: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).

 

Những kẻ biếng nhác là những người nói dối. Dường như chẳng có con sư tử nào ở ngoài đường; thậm chí nếu có thì người ta đã xua đuổi hoặc giết nó đi. Đa-vít khi còn là một thiếu niên đã giết một con sư tử và một con gấu để bảo vệ đàn chiên của mình (1 Sa-mu-ên 17:33-37), nhiều năm sau, một trong số các tướng lãnh cao nhất của Đa-vít trong một ngày kia đã giết một con sư tử trong một cái hang (2 Sam-mu-ên 23:20). Kẻ biếng nhác chỉ tìm cách biện minh cho hành động của mình, và những người vụng chèo thì khéo chống. Nhà truyền giáo người Mỹ Billy Sunday định nghĩa lời bào chữa là “một lời nói dối ẩn dưới lớp vỏ bọc của lý lẽ.” Người lười biếng không cày ruộng bởi vì bên ngoài trời giá rét (Châm Ngôn 20:4), nhưng đến mùa gặt anh ta sẽ chẳng có gì (Châm Ngôn 20:30-34). Thay vì biện hộ, người ấy phải xưng tội mình và cầu xin Chúa giúp anh ta trở nên một người làm công trung tín.

 

Những kẻ biếng nhác là những người thua cuộc. Họ không chỉ đánh mất mùa gặt của mình (đánh mất sự thu nhập), và chắc chắn điều đó sẽ tác động đến gia đình của họ, nhưng họ còn đánh mất những ích lợi cho thân thể và linh hồn mà người làm công trung tín có được. Làm việc không phải là hình phạt đối với tội tỗi, bởi vì tổ phụ của chúng ta đã làm việc trong vườn Ê-đen trước khi tội lỗi đến thế gian (Sáng Thế Ký 2:15). Làm việc là một đặc ân, một cơ hội để học hỏi và lớn lên, để dùng những khả năng và các nguồn tài nguyên Chúa ban để chúng ta tự tạo ra ích lợi cho chính mình, cho người khác và dâng hiến cho Chúa (Ê-phê-sô 4:28). Công việc phải đem lại cho chúng ta niềm vui và sự giàu có (2 Ti-mô-thê 2:17), cho dù vào cuối ngày chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi. Đó là lý do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta giấc ngủ! Đức Chúa Giê-su cảm thấy quá mệt mỏi khi thi hành chức vụ đến nỗi Ngài ngủ trên chiếc thuyền giữa biển khơi đầy bão tố. “Giấc ngủ của người làm việc là ngon” (Truyền Đạo 5:12). Kẻ biếng nhác cả về vật chất lẫn tâm linh (Hê-bơ-rơ 6:12) sẽ đánh mất phước hạnh mà Chúa dành cho.

 

Những kẻ biếng nhác không phải là lãnh đạo. Những người tạo nên lịch sử trong xã hội hoặc tôn giáo đều là những con người hy sinh, phục vụ và không biện hộ. Nếu bạn muốn được đánh thức, hãy đọc tự truyện của Phao-lô trong 2 Cô-rinh-tô 11:22-33! Đức Chúa Giê-su cầu nguyện lúc sáng sớm và Ngài lao động cả ngày cho đến tối – Ngài chính là tấm gương cho chúng ta. Vâng, Ngài dành thời gian nghỉ ngơi cùng với các môn đồ, nhưng đó là lúc Ngài và các học trò có thể lấy lại sức lực để phục vụ nhiều hơn.

Tôi đồng ý với câu nói của Tiến sĩ Bob Cook, người đã nói rằng: “Làm việc chăm chỉ là một niềm vui khi bạn đang làm theo ý muốn Chúa.”

Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến;

Khá xem xét cách ăn ở nó mà học khôn ngoan.

Châm Ngôn 6:6-7

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Vinh Hien

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn