Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Tre Già Măng Mọc

Tre Già Măng Mọc

 

TRE GIÀ MĂNG MỌC

Bạn nghĩ gì khi nghe câu nói, “Tre già măng mọc”?

Cây tre là hình ảnh đời sống xanh tươi gần gũi, tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam bền bỉ và chịu đựng.

Quanh gốc tre có những măng tre xuất hiện giống như một gia đình Việt xưa có nhiều con nhỏ.

Trong bài thơ “Con Sông Quê Hương” của Tế Hanh, tôi thấy bóng dáng của cây tre:
” Quê hương tôi có con sông xanh ngát,
nước gương trong soi tóc những hàng tre.”

Trong một bài hát về Quê Hương, tôi nghe câu thơ:
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng tre.”

Trong một câu ca dao, tôi thấy hình ảnh quê hương sông nước miền Nam.
“Ầu ơ cầu ván đóng đinh,
cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua.”

Tôi mới đọc được một bài thơ hay về Cây Tre miền Bắc Việt Nam:

Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con

Măng non là búp măng non

Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu

Mai sau,

Mai sau,

Mai sau…

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

(Nguồn: Nguyễn Duy, Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973).

Từ nhỏ tôi đã thích cây tre mọc thẳng đứng. Ngày nay tôi thích hình ảnh xanh tươi sát cánh của những rừng cây tre, cây trúc in trên bìa sách. Cây tre dùng để làm nhà, làm chòi, làm đủa, làm hàng rào, làm gường ngủ, làm ghế ngồi, làm thúng, làm ghe, làm cây cầu, làm nón… Xã hội người Việt xưa nay đều cần đến cây tre. Cây tre có thể làm chông, làm hàng rào, làm cán cày, cán cuốc, cán dao. Cây tre có thể làm chông, tên, gậy, lao, bảo vệ xóm làng. Ngày nay tôi thấy cây tre còn có thể dùng vào kỹ nghệ làm vật liệu xây dựng nền nhà, vách nhà, khung nhà rất đẹp, rất chắc… Cây tre thật hữu dụng. Tôi thích ý niệm TRE GIÀ MĂNG MỌC trong thơ văn và trong suy nghĩ của người Việt Nam.

Tôi thấy phép lạ qua hình ảnh tre già măng mọc. Nhờ Trời mà tre già măng mọc. Nhờ Trời mà con người vẫn cần dùng cây tre để tre mọc măng. Tre già măng mọc là hình ảnh sống động, là có trước có sau, là duy trì, là phát triển, là tiếp nối, là tiến tới không ngừng. Nếu sự sống không còn tiếp diễn, dù là âm thầm, chúng ta sẽ không thấy tiến bộ, chỉ thấy tàn lụi. Không có chuyện kế thừa. Không có tương lai.

Ý niệm “tre già măng mọc” có thể áp dụng vào đời sống tâm linh của bản thân, của gia đình, của Hội Thánh và của cả xã hội chúng ta đang sống.

Kinh Thánh trải qua dòng lịch sử loài người đã cho chúng ta thấy nhiều câu chuyện nói lên ý nghĩa tre già măng mọc. Tôi muốn góp phần cho măng mọc thế chỗ của tôi. Bạn có muốn góp phần giúp măng mọc thế chỗ của bạn không?

SINH SẢN LÀ MỘT MẦU NHIỆM

Ý tưởng sinh sôi nảy nở là ý tưởng mầu nhiệm đầu tiên của Đức Chúa Trời. Trong khu vườn ban đầu khi Đức Chúa Trời dựng nên thế giới chúng ta thấy những mầm sống phát sinh. Cây cỏ có hoa có trái, sinh vật có đực có cái, có trống có mái, con người có hậu tự tiếp nối. Chúng ta thấy sự sống làn tràn. Biển sanh cá, đất sinh cây. Mầm non phát triển, nhỏ thành lớn, ít thành nhiều. Tất cả là nhờ ơn Trời. Trời sinh, Trời dưỡng, Trời giúp bảo tồn.

Chúng ta thấy từ một cặp vợ chồng, thế giới có một gia đình, một gia tộc, một dân tộc… Loài người sinh sản, lan tràn, phân chia, tập hợp, chinh phục thế giới.

CHUẨN BỊ CHỌN NGƯỜI LÀM VUA

Sau-lơ là vị vua đầu tiên của dân Israel. Ông có một con trai tên là Giô-na-than. Ông không hề nghĩ đến việc đào tạo và xây dựng ngai vàng cho một vị vua mới nào khác ngoài việc để lại ngai vàng cho con trai mình. Nhưng rõ ràng vua Sau-lơ đã không chuẩn bị để có ngày truyền ngôi cho con. Bởi vì vua Sau-lơ không tin cậy và không vâng lời Chúa, ông theo ý riêng và không theo ý Chúa, nên Chúa muốn thay ông bằng một vị vua khác. Đó là lúc thanh niên Đa-vít xuất hiện, một chàng thanh niên có ngoại hình đẹp, có trí óc thông minh, có tài năng chiến đấu, biết đàn, biết hát, biết làm thơ. Quan trọng hơn hết là Đa-vít có tâm hồn và đời sống đẹp lòng Chúa. Và Chúa đã chuẩn bị đào tạo Đa-vít trở thành người xứng đáng để làm vua.

Chúa đã sai tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho Đa-vít. Từ lúc được xức dầu cho đến khi được chính thức làm vua, Đa-vít đã trải qua một thời gian rèn luyện chuẩn bị khó khăn. Đa-vít đã thi và thi đậu. Chúa đã chọn người chăn bầy nhỏ để đào tạo thành người chăn bầy lớn. Khi biết người kế vị ngai vàng của mình sẽ là Đa-vít thì vua Sau-lơ tỏ ra tức giận. Sự tức giận và ganh ghét đã khiến vua Sau-lơ dùng hết âm mưu sức lực của mình để truy đuổi, theo dõi và tìm mọi cách để tiêu diệt Đa-vít. Nhưng Đức Chúa Trời luôn có kế hoạch tre già măng mọc.

Đức Chúa Trời đã chọn và tôn Đa-vít lên ngôi vua Israel theo thời điểm của Ngài. Chúa muốn ông trở thành gương mẫu của một dòng vua kính sợ Chúa trải qua các thời đại.

Sa-mu-ên làm theo điều Đức Giê-hô-va đã phán cùng mình, và đi đến Bết-lê-hem. Những trưởng lão của thành ấy đều lấy làm bối rối, chạy đón người, mà hỏi rằng: Có phải ông đến đem bình an chăng? Người đáp rằng: Bình an. Ta đến để dâng của tế lễ cho Đức Giê-hô-va; hãy dọn mình thanh sạch và đến ăn thịt tế lễ với ta. Người cũng dọn Y-sai và các con trai người cho thanh sạch và mời đến dự tế. Khi chúng đến, Sa-mu-ên thấy Ê-li-áp, bèn thầm rằng: Quả hẳn, kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng. Y-sai bèn gọi A-bi-na-đáp, và biểu người đi qua trước mặt Sa-mu-ên; nhưng Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va cũng chẳng chọn người nầy. Y-sai biểu Sam-ma đi ngang qua, nhưng Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va cũng không chọn người nầy nữa. Y-sai biểu bảy con trai mình đi qua trước mặt Sa-mu-ên như vậy; thì Sa-mu-ên nói cùng Y-sai rằng: Đức Giê-hô-va chẳng chọn một ai trong chúng nó. Đoạn, Sa-mu-ên nói cùng Y-sai rằng: Hết thảy con trai ngươi là đó sao? Y-sai đáp rằng: Hãy còn đứa con út, nhưng nó đi chăn chiên. Sa-mu-ên nói: Hãy sai gọi nó; chúng ta không ngồi ăn trước khi nó đến. Vậy, Y-sai sai gọi người. Mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch, và hình dung tốt đẹp. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó. Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đa-vít.

Vua Đa-vít khi trưởng thành đã thành người kính sợ Chúa, sống theo lòng của Chúa. Ông sáng tác các Thi Thiên để ca ngợi Chúa, ông luôn cảm tạ Chúa, biết ơn Chúa và quyết tâm xây dựng nhà Chúa. Nhưng tiếc thay Đa-vít đã không chuẩn bị người kế thừa. Đến giờ chót cuộc đời mình vua Đa-vít đã chứng kiến cảnh các con ông tranh giành ngôi báu, tình cảm gia đình sứt mẻ, những người phục vụ đất nước không còn trung thành với ông. Ông đã phong vương cho con trai là Sa-lô-môn cách vội vàng. Vua Sa-lô-môn dầu là khôn ngoan và giàu có bật nhất vẫn không biết lo chuẩn bị người kế thừa. Đứa con không được đào tạo để làm vua đã kế vị ông nhưng vua nầy đã trở thành người chia rẽ đất nước.

CHUẨN BỊ NGƯỜI TIẾP NỐI

Đức Chúa Trời muốn người hầu việc Chúa biết chuẩn bị người kế thừa. Ê-li là vị tiên tri nổi tiếng của dân Do Thái, người nói ra ý Chúa và thi hành ý Chúa. Tiên tri Ê-li đã biết vâng lịnh Chúa đi tìm và trao lại thiên chức cho một người lãnh đạo khác. Và tiên tri Ê-li đã tìm được một người học trò xứng đáng, người đó có tên là Ê-li-sê. Theo Kinh Thánh, Ê-li-sê là người nổi danh và thành công hơn thầy mình gấp bội phần. Con hơn cha là nhà có phúc. Măng mọc lớn khi tre đã già.

Từ đó, Ê-li đi, gặp Ê-li-sê, con trai của Sa-phát đương cày có mười hai đôi bò trước mặt mình, chính người cầm đôi thứ mười hai. Ê-li đi ngang qua người, ném áo choàng mình trên người. Ê-li-sê bèn bỏ bò mình, chạy theo Ê-li mà nói rằng: Xin cho phép tôi hôn cha và mẹ tôi đã, đoạn tôi sẽ theo ông. Ê-li đáp: Hãy đi và trở lại; vì ta nào có làm gì cho ngươi đâu. Ê-li-sê bèn lìa khỏi Ê-li trở về, bắt một đôi bò giết đi, và lấy cày làm củi mà nấu thịt nó, rồi cho các tôi-tớ mình ăn. Đoạn, người đứng dậy, đi theo Ê-li, và hầu-việc người.

CHÚA GỌI, “HÃY THEO TA!”

Chúa Giê-su đã chuẩn bị chức vụ của Ngài từ thời niên thiếu. Mới 12 tuổi Chúa Giê-su đã thông thạo Kinh Thánh, đã quan tâm đến “nhà Cha, lời Cha và việc Cha.” Lên 30 tuổi Chúa ra đi truyền giáo trọn thời gian. Chúa biết trước Ngài chỉ có 3 năm để làm việc trên mặt đất. Có hàng chục ngàn người đi theo Ngài, nhưng Chúa đã chọn 12 môn đồ để ở với Ngài, học với Ngài và đi theo Ngài để chuẩn bị họ kế thừa công việc lãnh đạo Ngài giao. Ngoài 12 người lãnh đạo, Chúa còn gọi và dùng thêm 70 môn đồ khác. Chúa sai các môn đồ ra đi từng đôi. Chúa muốn đào tạo và sai phái nhiều người.

Chúa Giê-su đã gọi người đánh cá, người thâu thuế, người giàu, người nghèo, người già, người trẻ, và tất cả những môn đồ của Chúa đều là người ham học. Trò ham học để trở nên giống như thầy.

Kế đó, Đức Chúa Jêsus lên trên núi, đòi những người Ngài muốn, thì những người ấy đến kề Ngài. Ngài bèn lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo, lại ban cho quyền phép đuổi quỉ. Nầy là mười hai sứ đồ Ngài đã lập: Si-môn, Ngài đặt tên là Phi-e-rơ; Gia-cơ con Xê-bê-đê, và Giăng em Gia-cơ, Ngài lại đặt tên hai người là Bô-a-nẹt , nghĩa là con trai của sấm sét; Anh-rê, Phi-líp, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Thô-ma, Gia-cơ con A-phê, Tha-đê, Si-môn người Ca-na-an, và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, chính tên nầy đã phản Ngài.

NGƯỜI TRUYỀN GIÁO TÌM NGƯỜI HIỆP TÁC

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã ghi lại nhiều hình ảnh về tre già măng mọc xảy ra trong Hội Thánh đầu tiên.

Sau-lơ ở lại một vài ngày với các môn đồ tại thành Đa-mách. Người liền giảng dạy trong các nhà hội rằng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời. Phàm những người nghe đều lấy làm lạ, mà nói rằng: Há chẳng phải chính người đó đã bắt bớ tại thành Giê-ru-sa-lem những kẻ cầu khẩn danh nầy, lại đến đây để trói họ điệu về cho các thầy tế lễ cả hay sao? Còn Sau-lơ lần lần càng thêm vững chí, bắt bẻ những người Giu-đa ở tại thành Đa-mách, mà nói rõ rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ.
Cách lâu ngày, người Giu-đa mưu với nhau để giết Sau-lơ. Nhưng có người báo tin cho Sau-lơ về cơ mưu chúng nó. Người ta lại giữ các cửa cả ngày và đêm đặng giết Sau-lơ. Song lúc ban đêm, các môn đồ lấy thúng dòng người xuống ngoài vách thành.
Sau-lơ tới thành Giê-ru-sa-lem rồi, muốn hiệp với các môn đồ; nhưng hết thảy đều nghi sợ người, không tin là môn đồ. Ba-na-ba bèn đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Jêsus tại thành Đa-mách. Từ đó, Sau-lơ tới lui với môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem, và nhân danh Chúa mà nói cách dạn dĩ. Người cũng nói và cãi với những người Hê-lê-nít; nhưng bọn nầy tìm thế để hại mạng người. Các anh em hay điều đó, thì đem người đến thành Sê-sa-rê, và sai đi đất Tạt-sơ.

Tiếng đồn thấu tai Hội thánh Giê-ru-sa-lem, hội bèn sai Ba-na-ba sang đến thành An-ti-ốt. Khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo Chúa; vì Ba-na-ba thật là người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa. Kế đó, Ba-na-ba đi đến thành Tạt-sơ, để tìm Sau-lơ, tìm gặp rồi, bèn đưa đến thành An-ti-ốt. Trọn một năm, hai người cùng nhóm với Hội thánh và dạy dỗ nhiều người. Ấy là ở thành An-ti-ốt, người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơ-rê-tiên.

 

NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐÀO TẠO NGƯỜI KẾ THỪA

Phao-lô là người lãnh đạo Chúa dùng. Ông đã ra đi khắp thế giới thời bấy giờ và ông đã đạt được mục đích đem tin lành nước Trời từ Giê-ru-sa-lem đến tận Rô-ma. Ngay từ đầu, Phao-lô đã tìm người đi theo với ông. Ông đào tạo người kế thừa ngay trong công tác ông đang làm. Họ đi theo ông, quan sát ông, nghe theo ông, chịu khổ cùng với ông, bắt chước ông, đọc với ông, noi gương ông. Phao-lô có những người đồng công nổi tiếng như bác sĩ Lu-ca, như vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin. Phao-lô cũng có những học trò nổi tiếng như Ti-mô-thê, như Tít, như Phi-lê-môn, như Mác. Trong bức thư gởi cho người học trò cưng, Phao-lô đã nhắc nhở và truyền dạy:

“Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ. Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác. Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ. Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình. Cũng một lẽ đó, người đấu sức trong diễn trường chỉ đấu nhau theo lệ luật thì mới được mão triều thiên. Người cày ruộng đã khó nhọc thì phải trước nhứt được thâu hoa lợi. Hãy hiểu rõ điều ta nói cho con, và chính Chúa sẽ ban sự khôn ngoan cho con trong mọi việc.”

Người Việt có câu “Không thầy đố mầy làm nên.” Nhưng có người đã nói mĩa mai, “Cha làm thầy con đốt sách.” Tôi nhớ câu nói hay: “Có thể đọc sách không làm cho bạn giàu. Nhưng người giàu luôn luôn đọc sách.” Tôi ước ao bạn đọc báo Hướng Đi có thêm nhiều người ham học, ham đọc, ham viết. Tôi ước ao nhiều tín hữu người Việt trở thành Mục sư, Giáo Sư, Giáo Sĩ. Không phải bởi chức tước nhưng bởi đức tính và khả năng thăng tiến của một người ham học, ham đọc, ham viết và ham ra đi tìm cứu người bị mất. Ngày nay ở nước Mỹ tôi thấy có các Hội Thánh, các nhóm nhỏ tín hữu nhiều nơi đang tìm người lãnh đạo trẻ, nhưng tìm hoài không thấy. Có thể đó là vì chúng ta không chú tâm chuẩn bị từ đầu. Chúng ta muốn gặt nhưng không muốn gieo. Chúng ta không biết đầu tư. Chúng ta xây hàng rào nhiều hơn xây cầu. Chúng ta đang tìm kiếm sự công bình của loài người mà quên tìm kiếm sự công bình của Chúa. Chúng ta cứ thờ ơ trước tương lai.

Làm việc Cha giao không bao giờ quá muộn.

Tôi cũng biết hiện ở Mỹ đang có các Trường dạy Kinh Thánh, dạy Thần Học, dạy Truyền Giáo, dạy tiếng Việt, dạy tiếng Anh. Các Trường đang cố gắng dùng các phương tiện online để dạy, tiện lợi hơn cho học trò không ngại xa gần, học trò không cần đi đến trường  như trước. Bạn có thể học ở nhà, ở văn phòng, học ban ngày, học ban đêm. Ngày nay chúng ta không thiếu thầy nhưng thiếu trò. Vì thiếu học trò nên trong tương lai không xa chúng ta sẽ thiếu thầy. Tre già nhưng măng không chịu mọc. Nguyên nhân từ đâu? Bạn có phải là nguyên nhân?

Nhờ ơn Chúa, tôi đã là người học trò và ngày nay tôi đã trở thành người thầy. Cảm ơn Chúa đã chọn thầy cho tôi. Tôi thương và quý mến những ông thầy. Tôi xuất thân từ gia đình tín hữu và nay đã trở thành người lãnh đạo. Tôi thích chức vụ lãnh đạo thuộc linh. Là người Việt Nam tôi thích và kính trọng danh dự của một ông thầy. Tôi nhớ lại những ông thầy của tôi từ Tiểu Học, Trung Học đến Đại Học. Ngày nay thầy của tôi là những Tác Giả Các Sách Quý tôi đang chọn đọc. Tôi gắng giữ mình, tôi chịu học hỏi để xứng đáng làm thầy. Tôi muốn có thêm nhiều học trò. Tôi cảm ơn Chúa đang thấy có người sẽ kế thừa chức vụ của tôi.

Sứ đồ Phao-lô đã viết cho học trò Ti-mô-thê, đại ý như sau:

Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

Tôi lại thấy ở đây ý kiến trò phải biết chọn thầy. Thầy Phao-lô đã chọn học trò Ti-mô-thê. Chúa Giê-su là thầy đã đi chọn học trò, những ngư phủ xứ Ga-li-lê, “Hãy theo Ta, ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người…”

Có lần khi thấy có các tín đồ thối lui không theo thầy nữa, Chúa Giê-su đã hỏi các môn đồ, “Còn các con cũng muốn lui chăng?” Môn đồ Phê-rơ lập tức lên tiếng nói với thầy, “Lạy Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời. Chúng con đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời!

Tôi yên tâm vì được Chúa chọn tôi và tôi ước ao nhìn thấy nhiều con em người Việt chọn trở thành thầy giáo, cô giáo. Tôi khâm phục người Mỹ và nhìn thấy xã hội Mỹ vương lên không ngừng vì dù nghèo hay giàu, người Mỹ đều biết chọn để của lại cho việc xây dựng trường học và nhà thương… thay vì chỉ để của lại cho con. Tôi đang muốn xây trường, bạn muốn hiệp tác với tôi không?

Tôi thích tiến trình sự sống rất tự nhiên và rất thiêng liêng, tre già măng mọc.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn