Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Tại Sao Tôi Tin Theo Đạo Chúa

Tại Sao Tôi Tin Theo Đạo Chúa


Trên thế gian có nhiều mối đạo. Người ta chọn theo đạo tùy theo sở thích, tùy theo truyền thống gia đình và có khi tùy theo người khác chọn cho mình. Trên thế giới hầu như ai cũng có đạo. Ai cũng cho đạo mình là đúng nhất và muốn người khác cùng theo. Có nhiều mối đạo khác nhau với những giáo lý khác nhau và mục tiêu khác nhau. Có đạo thích hợp với một số dân tộc. Có đạo thích hợp với một số giai cấp xã hội. Nhưng đạo không phải chỉ để tin mà là để sống.Sống hạnh phúc hay bất hạnh? Sống thoả lòng hay bất mãn? Sống hy vọng hay thất vọng? Kết quả của đời người thường phát xuất từ lối sống đạo. Vì thế có tiêu chuẩn nào của chính đạo để chúng ta lựa chọn? Làm sao có thể chọn được một mối đạo để sống mà ta và gia đình sẽ không bao giờ hối tiếc?
Tiêu chuẩn để chọn đạo
Mời bạn hãy cùng tôi suy nghĩ đến một vài tiêu chuẩn quan trọng sau đây:
1. Đạo để sống phải là đạo thật. 
Đây có phải là chánh đạo hay tà đạo? Nguồn gốc đạo nầy thế nào? Hãy tự hỏi đạo nầy có phải là chân lý hay chỉ là mê tín dị đoan? Đạo nầy từ Trời hay chỉ là sản phẩm triết lý của loài người? Nhạc sĩ T.J. Bach đã nói, “Tôi thà có được một giọt đức tin hơn là cả một đại dương triết lý.”
 2. Đạo để sống phải hợp thời.
Nghĩa là đạo nầy có thích hợp với hiện tại và tương lai không? Có những đạo chỉ dành cho thời xưa, không còn giá trị cho đời nay. Có những đạo chỉ ru ngủ bạn trong đời nầy và không có khả năng dẫn bạn đến đích trong đời sau. Hãy tự hỏi bạn có thể sống đạo của mình cách ý nghĩa trong thời đại ngày nay không?
3. Đạo để sống phải có khả năng biến đổi đời sống. 
Đạo nầy có giúp bạn chiến thắng sợ hãi, nhất là sợ chết hay không? Đạo nầy có giúp bạn chiến thắng những thói hư tật xấu, những mặc cảm tội lỗi trong lòng của bạn không?
4. Đạo để sống phải đem lại hy vọng cho cả xã hội. 
Đạo nầy đã đem lại gì cho xã hội loài người? Mọi người có được hưởng phước từ đạo nầy không? Đạo nầy chỉ hứa hẹn với một thiểu số hay là niềm hy vọng cho mọi người, ở khắp mọi nơi?
5. Đạo để sống phải hấp dẫn cho mọi người trên thế giới.
Có một số tôn giáo thích hợp với một dân tộc. Chẳng hạn Hồi giáo hợp với dân Ả-rập. Thần đạo hợp với người Nhật. Đạo Khổng hợp với người Trung Hoa. Ấn giáo thích hợp với dân tộc Ấn. Phật giáo hợp với một số dân Á Đông.Hãy đem những tiêu chuẫn trên đây so với Cơ-đốc Giáo, chúng ta thấy Đạo Chúa có sự thích hợp rất đặc biệt. Chúa Giê-su dù sinh ra là một người Do Thái nhưng đời sống và đạo của Ngài thích hợp với mọi dân tộc trong mọi thời đại. Đạo Chúa hợp với người giàu lẫn kẻ nghèo, hợp với người có học lẫn người ít học. Đạo Chúa hợp với tất cả các dân tộc khắp thế giới, không phân biệt màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ…Bạn có thể yên tâm quyết định tin Chúa và theo Chúa. Cả gia đình bạn nữa. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc.Lew Wallace đã làm chứng: “Sau 6 năm dành thì giờ điều tra nghiên cứu không định kiến về Đạo Chúa, xem thử có thật hay không thật, tôi đã nhứt quyết đi đến kết luận rắng Chúa Giê-su Chrsit là Đấng Messiah (Thiên Sai) của người Do Thái, là Chúa Cứu Thế của cả thế giới, và là Chúa Cứu Thế của bản thân tôi.”Archibald Alexander lại nói, “Tất cả thần học của tôi được gồm tóm lại trong câu nói gọn sau đây: Chúa Giê-su Christ đã đến thế gian để cứu vớt các tội nhân.”Martin Luther lại xác quyết: “Trong đời sống của mình, Chúa Giê-su là một gương mẫu, chỉ cho chúng ta cách để sống; trong sự chết của Ngài, Ngài một tế lễ hy sinh, làm thoả mãn xoá tội của chúng ta; trong sự phục sanh, Ngài là Đấng chiến thắng sự chết; trong sự thăng thiên, Ngài là vua; trong sự cầu thay, Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm.”

Tại sao tôi chọn theo đạo Chúa Giê-su?
Tôi chọn tin theo Chúa Giê-su:
1. Vì Chúa Giê-su là người có thật.
Chúa Giê-su là thật. Ngài không chỉ thật nhưng Ngài chính là sự thật. Ngài là chân lý. Ai gặp Chúa và tin cậy, vâng lời Chúa đều được biến đổi. Chính vì đó mà đã có 1/3 nhân loại đang tin theo Chúa. Sự thực hữu của Hội Thánh chứng tỏ Chúa Giê-su là thật. Lúc đầu đạo Chúa xuất phát từ một nhóm người Do Thái. Những người đầu tiên nầy tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Ngài là người duy nhất làm ứng nghiệm mọi lời Đức Chúa Trời đã hứa từ xưa, từ thời Cựu Uớc. Họ theo Ngài và xây dựng Hội Thánh đầu tiên. Hội Thánh phát triển mạnh mẽ, lan tràn nhanh chóng. Chỉ trong vòng 30 năm, các Cơ-đốc nhân đã có mặt trên tất cả các thành phố chính của Đế Quốc La-mã. Họ vốn là những người Do Thái và Hy Lạp không có địa vị cao trong xã hội, thế mà họ tăng trưởng. Họ có vẻ sống rất hạnh phúc, vui vẻ, vị tha, tha thứ và đầy tình thương người. Họ đối xử với những người trong Hội Thánh như là anh chị em. Họ thông công thân mật và thiêng liêng trong bữa lễ tiệc thánh do Chúa Giê-su thiết lập đến nỗi người đời nghi là họ ăn thịt uống máu con nít. Họ bị nghi ngờ và bị cấm đoán. Họ bị Vua Nero vu khống như là những kẻ gây hõa hoạn, đốt phá thành Rô-ma. (Thật ra đây chỉ là gian kế của Nero gây ra nhằm có cớ mở rộng dinh thự của ông ở thủ đô La-mã vào năm 64 SC.) Dù hoàn cảnh xảy ra thế nào, ta cũng có thể quả quyết rằng Đấng sáng lập Hội Thánh là thật.Các sách Tin Lành (hay gọi là Phúc Âm) cũng chứng tỏ Chúa Giê-su là thật.Đây là một loại tác phẩm văn chương mới. Trước đó chưa hề có ai viết các sách Phúc Âm cả. Có 4 sách Phúc Âm do chính các sứ đồ và môn đồ của sứ đồ viết ra. Lúc đầu câu chuyện Phúc Âm lan truyền bằng ngôn ngữ nói, sau khi Chúa chết khoảng 30 đến 40 năm các chuyện đó mới được viết ra. Dầu 4 người viết sách với mục tiêu nhắm đến các độc giả khác nhau nhưng nội dung họ viết rất giống nhau. Chúng ta có thể chắc chắn là nội dung các sách Phúc Âm đã được lưu truyền đến với chúng ta ngày nay giống 0như những ngày đầu sách được viết ra. Chúa Giê-su được trình bày thật trong các sách Phúc Âm.Các sử gia La-mã và các văn sĩ Do Thái đã chứng tỏ Chúa Giê-su là thật.Chúng ta có thể nhắc đến tên và sách của những người nầy.  Họ được nêu tên là Pliny, Corneliua Tacitus, Josephus…
2. Vì Chúa sống xứng với lời tuyên xưng của Chúa.
Chúa Giê-su là một người hoàn toàn nhưng là một người phi thường. Ngài đã sinh ra đời giống chúng ta, Ngài cũng biết đói, biết khát, biết mệt, biết khóc như chúng ta. Ngài biết buồn, Ngài bị đổ máu và Ngài bị giết chết. Ngài là người nhưng còn hơn thế nữa.Ngài tuyên bố đã sống một đời vô tội. Ngài hỏi đám đông, “Ai trong các ngươi bắt ta thú tội được không?” Không ai lên tiếng cả. Ai cũng mắc tội và có thể thú tội. Chỉ có Chúa Giê-su là người vô tội.Ngài tuyên bố Ngài là đường đi đến với Đức Chúa Trời. Không phải Ngài là một trong những con đường nhưng Ngài là con đường duy nhất. Không phải Ngài chỉ dạy con đường nhưng Ngài chính là con đường. “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng Cha” (Giăng 14:6). Xem thêm Ma-thi-ơ 11:27. Không một ai dám tuyên bố như Chúa Giê-su. Ngài sống xứng đáng với lời tuyên bố của Ngài.Ngài tuyên hứa ban sự sống cho người tin Ngài.“Ta ban cho nó sự sống đời đời, nó chẳng chết mất bao giờ, chẳng ai cườp nó khỏi tay ta. Cha ta là lớn hơn tất cả. Cha đã ban chúng nó cho ta. Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). Không một người thường nào dám xưng mình chính là Thiên Chúa hoặc ngang bằng Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giê-su tuyên bố như vậy. Ngài phải là Đức Chúa Trời thành người.Ngài tuyên bố có quyền tha tội. Dân chúng Do Thái tin chắc “chỉ một mình Đức Chúa Trời có quyền tha tội.” Thế nhưng Chúa Giê-su dám tuyên bố tha tội cho một người bại được bạn bè dòng xuống trước Ngài. Để chứng tỏ có quyền tha tội, Chúa kêu người bại hãy đứng dậy vác giường mình mà đi. Ngay lập tức, người bại chỗi dậy và vui mừng hớn hỡ vác giường bước đi. Mác 2:7. Đây không phải là một lần duy nhất, Chúa đã tuyên bố tha tội cho người kỹ nữ, người thâu thuế, người tướng cướp sắp chết trên thập giá.Ngài tuyên bố chấp nhận sự thờ phượng của mọi người. Người Do Thái rất sợ người khác thờ phượng mình. Họ tin sự thờ phượng chỉ dành cho Chúa. Ông Phi-e-rơ lẫn ông Phao-lô đều từ khước khi người khác sấp mình xuống thờ phượng họ. Nhưng Chúa Giê-su chấp nhận con người thờ phượng Ngài như thờ lạy Thiên Chúa. Sau khi chứng kiến phép lạ đánh cá lạ lùng, Phi-e-rơ đã sấp mình xuống và nói, “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi vì tôi là người có tội” (Lu-ca 5:8). Chúa Giê-su không ngăn cản sự thờ phượng Chúa của Phi-e-rơ. Lần khác, sau khi Chúa sống lại, Thô-ma gặp Chúa và đã sấp mình thờ phượng Chúa với lời đầy cảm xúc, “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi.” Chúa Giê-su chấp nhận sự thờ phượng của ông Thô-ma dành cho Ngài.Ngài tuyên bố Ngài là quan án của cả loài người. Chúa Giê-su tuyên bố trong ngày sau cùng Ngài sẽ chia loài người ra làm hai giống như người chăn chia chiên và dê ra. Ngài tuyên bố Cha đã giao quyền phán xét thế gian cho Ngài. Số phận của một người tùy thuộc vào thái độ của người đó đối với Chúa Giê-su.Ngài tuyên bố lời phán của Ngài chẳng bao giờ qua đi.“Trời đất sẽ qua đi nhưng lời ta phán chẳng bao giờ qua đi” (Mác 13:31). Giá trị những lời tuyên bố của Chúa Giê-su không bao giờ thay đổi. Không gian và thời gian không thay đổi được lời tuyên bố của Chúa Giê-su. Lời tuyên bố của Chúa đã ứng nghiệm hôm nay. Các sách Tin lành đã được dịch ra và phát hành bằng nhiều thứ tiếng hơn bất cứ sách nào khác trên khắp thế giới.Ngài tuyên bố sẽ khiến người chết sống lại trong ngày sau rốt. Chúa Giê-su có những lời hứa làm ơn quá lớn mà chỉ có Ông Trời mới làm được mà thôi. Ngài sống và Ngài có quyền trên sự sống. Ngài đã từng kêu một thiếu nhi sống lại, một thanh niên sống lại và một người lớn sống lại. Chính mình Chúa cũng đã từ kẻ chết sống lại. Ngài chiến thắng kẻ thù sau cùng là sự chết. Ngài khuyên chúng ta hãy tin cậy Ngài vì Ngài đang đi để sắm sẵn cho chúng ta một chỗ, Ngài sẽ trở lại để tiềp rước chúng ta. Ngài ở đâu, chúng ta sẽ ở đó.
3. Vì Chúa yêu chúng ta trước.
Giăng 3:16
Rô-ma 5:8
I Giăng 4:8
Khải thị 1:5
Ga-la-ti 2:20
1 Phi-e-rơ 3:18Hình ảnh thập tự giá là biểu hiệu rõ nhất về tinh yêu hy sinh Chúa dành cho chúng ta. “Không cótình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” Chúa Giê-su đã chứng minh lời tuyên bố của Ngài là đúng và Ngài đã làm như lời Ngài đã phán. Ngài đã tự nguyện hy sinh mạng sống Ngài vì chúng ta. Chúng ta yêu vì Chúa yêu chúng ta trước.
4. Vì Chúa đã chiến thắng sự chết.
Rô-ma 1:4 “Chúa Giê-su đã chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời bằng cách chiến thắng sự chết” Không có lễ phục sinh thì cũng không có Hội Thánh Chúa truyền bá trên thế giới. Lễ báp-tem và tiệc thánh được Chúa thiết lập trong Hội Thánh như là sự kỹ niệm và chuyên chở ý nghĩa về sự phục sinh. Sự thờ phượng Chúa sống trong ngày Chúa Nhật là một bằng chứng. Dân Do Thái giữ ngày Sa-bát tức ngày thứ bảy trong tuần. Các tín đồ Cơ-đốc đã thay đổi ngày thờ phượng từ thứ bảy sang Chúa nhật. Sự phục sinh có nhiều chứng cớ không thể chối cãi được. Khi Chúa Giê-su sống lại, có nhiều việc lạ xảy ra trong ngày Chúa nhật đầu tiên. Các thiên sứ hiện ra báo tin Chúa sống, ngôi mộ trống, những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại, Hội Thánh được khai lập trong quyền năng chinh phục thế giới. Đời sống thay đổi hoàn toàn của các môn đồ từ nhút nhát đến dạn dĩ, từ chạy trốn đến đương đầu, từ sợ hãi đến can đảm… Đó kết quả của sự phục sinh của Chúa Giê-su và sự vâng lời Chúa của Hội Thánh đầu tiên.
5. Vì Chúa có thể biến đổi đời sống của bạn và tôi hôm nay.
Hãy suy nghĩ đến những người như Giăng và Gia-cơ “những đứa con của sấm sét.” Đây là những người nóng như lữa. Nhưng khi xây dụng mối liên hệ với Chúa Giê-su họ được biến đổi, được trở thành những môn đồ Chúa yêu. Xem 1 Cô-rinh-tô 6:9 f. Hãy suy nghĩ đến những người như Phao-lô. Ông là nhân chứng của quyền năng Chúa biến đổi hoàn toàn.Hãy suy nghĩ đến những phụ nữ như Ma-ri Ma-đơ-len, người kỹ nữ bị quỷ ám đã hoàn toàn được chữa lành sau khi gặp Chúa. Họ là những người yêu nhiều vì được tha nhiều. Vì Giê-su sống, tôi bước đi trong hy vọng. Tôi có thề hầu chuyện cùng Chúa mỗi ngày. Tôi có thề ca tụng danh Ngài. Tôi có thể nghe Ngài phán. Tôi có Chúa sống trong lòng.
6. Vì tôi luôn cần Chúa.
Như con cần cha mẹ, như anh em cần nhau, như vợ cần chồng, tôi luôn cần Chúa. Tôi đang sống trong đức tin Con Trời là Đấng đã yêu tôi và phó mình vì tôi.
7. Vì Chúa đã kêu gọi tôi.
Tôi thích nghe lời gọi của Chúa. Chúa vẫn đang kêu gọi mọi người. Hãy nghe những lời kêu gọi đầu tiên của Chúa Giê-su trong Mác 1: 15-20. Hãy nghe lời kêu gọi cuối cùng của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 28:18-20.Kết luận: Không những theo Chúa, mang ách Chúa, nhưng tôi cũng được Chúa mời gọi hãy học theo Chúa. Chúa vẫn làm gương hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài. Đạo không phải chỉ để tin mà là để sống. Tôi thích câu danh ngôn sau đây:“Tôi chỉ là một, nhưng tôi là một người. Tôi không thể làm hết mọi việc, nhưng tôi có thể làm một số việc. Điều gì tôi có thể làm thì tôi phải làm, và điểu gì tôi phải làm thì nhờ ơn điển Chúa, tôi sẽ làm.” -Edward Hale   
                                                MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ
   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn