Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Môn Đồ Và Sự Cầu Nguyện

Môn Đồ Và Sự Cầu Nguyện

Bài trước:
https://huongdionline.com/2018/11/19/cac-giai-doan-cua-mon-dang-christ/ 

Môn đồ hóa là…

Nhận diện bước thứ hai của sự vâng phục

🙂

Rabbi Giê-su

Tôi có một điều phải thú nhận. Hầu hết trong quãng đời của tôi, việc Đức Chúa Giê-su là một rabbi người Do Thái là một sự thật vô cùng hiển nhiên. Nếu bị ép buộc, tôi vẫn có thể nói rằng, vâng, Đức Chúa Giê-su là một người Do Thái và, vâng, những người theo Ngài gọi Ngài là  “Thầy” hoặc “Rabbi.” Nhưng điều đó hầu như không bao giờ tác động đến những điều mà tôi đọc trong các sách Phúc Âm… quả là một thiếu sót lớn của tôi.

Đức Chúa Giê-su là một người Do Thái. Đức Chúa Giê-su lớn lên trong nền văn hóa Do Thái, ăn thức ăn của người Do Thái, và ghi nhớ luật pháp Do Thái. Ngài thường đến đền thờ của người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem. Ngài được lớn lên trong một gia đình Do Thái tại Ga-li-lê. Ngài thường giảng dạy tại các nhà hội trong xứ Ga-li-lê, sử dụng các nhà hội làm nơi giảng đạo cho mục vụ của Ngài.

foot

Đức Chúa Giê-su cũng là một rabbi người Do Thái. Đức Chúa Giê-su được các môn đồ xưng là rabbi (Lu-ca 7:40). Ngài cũng được cả người Pha-ri-si và Sa-đu-sê gọi là rabbi (Lu-ca 19:39; Ma-thi-ơ 22:35-36; Lu-ca 20:27-28) và người dân thường trong những đám đông đi theo cũng gọi Ngài là rabbi (Lu-ca 12:13). Vì là một rabbi nên Đức Chúa Giê-su có những môn đồ. Cũng giống các rabbi khác thời bấy giờ, Đức Chúa Giê-su đòi hỏi môn đồ của Ngài phải có sự cam kết trọn vẹn vì mục đích mà Ngài dành cho họ đó là chính họ cũng sẽ trở thành rabbi, những người tự gây dựng nên các môn đồ của mình.

Trong chương vừa qua, chúng ta đã quan sát một số người trẻ dành khoảng một năm tìm hiểu về Đức Chúa Giê-su để cuối cùng quyết định Ngài có phải là một rabbi đáng tin cậy hay không… Họ đã khám phá ra rằng Ngài đáng tin cậy hơn họ tưởng rất nhiều lần. Chúng ta gọi giai đoạn đầu tiên này là công bố, với đặc điểm là sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su. Những con người này kết lại giai đoạn đầu tiên trong tiến trình phát triển của môn đồ bằng việc bày tỏ cam kết niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Hành trình phát triển của môn đồ không kết thúc tại đó. Đức Chúa Giê-su kêu gọi họ bước đến giai đoạn tiếp theo: phát triển.

 

Giai đoạn hai: Phát triển

(Dấn thân, từ bỏ và tập sự bước vào mục vụ)

“Hãy theo Ta”

Một số người trẻ (trong đó có Anh-rê, Phi-e-rơ, và Giăng) bắt đầu quan tâm đến mục vụ và lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su (Giăng 1:35-50). Sự quan tâm theo đuổi đó đã đưa họ đến với sự ăn năn và đức tin nơi Đức Chúa Giê-su. Tiến trình phát triển của môn đồ không dừng lại tại đó. Đức Chúa Giê-su kêu gọi họ đến với giai đoạn tiếp theo đó là phát triển:

Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. Ngài phán cùng hai người rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.” Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài. (Ma-thi-ơ 4:18-22)

Quyết định đi theo rabbi đồng nghĩa với một cam kết trọn vẹn. Họ phải ghi nhớ những lời của Chúa và sao chép lại lối sống của Ngài. Đi theo Chúa nghĩa là họ chọn ở cùng Ngài, học từ Ngài và trở nên giống như Ngài. Để tiếp nhận lời mời của Chúa, họ phải từ bỏ mọi điều khác để đi theo Ngài.

Song, cũng như các môn đồ đã có một cam kết vô cùng quan trọng đối với Chúa, Ngài cũng có một cam kết to lớn đối với họ. Ngài sẽ dành khoảng thời gian ba năm sắp tới để sống cùng họ và huấn luyện họ trở nên những “tay đánh lưới người,” hay nói cách khác là khiến họ trở nên những rabbi.

Trở nên môn đồ của Đức Chúa Giê-su không đơn thuần chỉ là tin nơi Ngài. Giai đoạn thứ hai trong tiến trình phát triển của môn đồ đòi hỏi chúng ta phải ôm lấy thập giá (xem chương 9), từ bỏ tất cả để đi theo Đức Chúa Giê-su (xem chương 10), và kết nhiều quả nhờ ở trong Đấng Christ (xem chương 11). Nhưng điều đó bắt đầu với việc tiến sâu hơn trong mối liên hệ với Đức Chúa Giê-su, hòa mình vào cộng đồng Cơ Đốc, gắn kết với lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và dấn thân trong mục vụ.

  1. Tiến sâu hơn trong mối liên hệ với Đức Chúa Giê-su

Ngày đó, khi Anh-rê, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng nhìn thấy Đức Chúa Giê-su và nghe Ngài mời gọi họ đi theo Ngài, đối với họ đó không phải là điều hoàn toàn bất ngờ. Họ đã đi theo Ngài trong giai đoạn thứ nhất suốt một năm. Giờ đây họ hiểu rằng đây là một lời mời để bước vào thời gian tập sự nghiêm túc và quan trọng dưới sự dẫn dắt của một rabbi để họ có thể trở thành những rabbi. Lời đáp đồng ý và đi theo Chúa đồng nghĩa với việc mối liên hệ của họ với Chúa sẽ tiến triển ở một mức độ mới. Họ sẽ không còn là những khán giả khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy và thi hành các phép lạ. Họ thật sự “ở cùng Ngài” (Mác 3:14).

Đức Chúa Giê-su không nói rằng: “Hãy tuân theo những luật lệ” hoặc “Làm theo những nghi thức.” Nhưng Ngài phán rằng: “Hãy theo Ta.” Làm môn đồ của một rabbi đồng nghĩa với một mối liên hệ cá nhân rất mật thiết. Họ phải thật sự ở cùng Ngài trong ba năm sắp đến.

Tuy không phải tất cả mọi khía cạnh trong tiến trình phát triển môn đồ của Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất đều được áp dụng cho chúng ta ngày nay, nhưng điều luôn đúng trong mọi trường hợp đó là tất cả môn đồ của Đức Chúa Giê-su phải tiến sâu hơn vào mối quan hệ với Ngài. Chúa phải là mối quan hệ ưu tiên nhất đối với các môn đồ. Bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, Ngài cũng phải được các môn đồ yêu mến với hết cả “tấm lòng, linh hồn và tâm trí” (Ma-thi-ơ 22:37). Như chúng ta sẽ tiếp tục nói đến trong chương 11, yêu Chúa có nghĩa là mối liên kết chặt chẽ và liên tục với Ngài phải luôn được trau dồi và gìn giữ (Giăng 15:1-17).

Cầu nguyện

Sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên, các môn đồ đã duy trì mối liên hệ sâu sắc với Ngài qua việc tiếp tục đời sống cầu nguyện đầy năng quyền. Điều đầu tiên mà họ thực hiện đó là tổ chức một buổi cầu nguyện kéo dài (Công vụ 1:14, 24). Khi Hội Thánh được thành lập, sự cầu nguyện là một phần trong sinh hoạt của Hội Thánh (Công vụ 2:42). Khi đối diện với sự bắt bớ, họ quỳ xuống cầu nguyện (Công vụ 4:24-31). Khi trách nhiệm quản trị Hội Thánh tăng cao, họ đã không bị phân tâm bởi những công việc cấp bách, nhưng thay vào đó, họ đã một lần nữa ưu tiên cầu nguyện là điều quan trọng hàng đầu (Công vụ 6:4). Những quyết định quan trọng được đưa ra sau khi cầu nguyện (Công vụ 1:24; 6:6). Khi sự chống đối gia tăng, sự cầu nguyện càng được gia tăng (Công vụ 12:5). Trên hết tất cả, các môn đồ là những con người cầu nguyện.

Cơ Đốc Nhân ở thế kỷ thứ nhất là những người Do Thái nên họ đã áp dụng chuẩn mực của người Do Thái trong việc cầu nguyện, nghĩa là giữ giờ cầu nguyện ba lần mỗi ngày. Hội Thánh đầu tiên đã tiếp tục thông lệ đó. Chẳng hạn như giáo phụ Tertullian đã khẳng định rằng:

Về thời gian, cần phải nghiêm túc giữ một số thì giờ nhất định: tôi muốn nói về những giờ phổ biến mà từ trước tới nay đánh dấu sự phân chia của một ngày, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, và giờ thứ chín, và đó là điều mà chúng ta sẽ giữ theo như Kinh Thánh một cách trọng thể hơn những giờ khác.1

Tại thời điểm mà giáo phụ viết ra điều này, một ngày bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Chính vì thế, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín nghĩa là 9 giờ sáng, giữa trưa, và 3 giờ chiều. Song rất nhiều lãnh đạo Hội Thánh trong thời kỳ đầu tiên giữ nhiều hơn ba lần cầu nguyện mỗi ngày. Chẳng hạn như, Hippolytus, vào đầu thế kỷ thứ ba, ông đã nói đến việc cầu nguyện sáu lần trong một ngày:

Nếu bạn ở nhà, hãy cầu nguyện vào giờ thứ ba [9 giờ sáng] và chúc tôn Đức Chúa Trời. Nhưng nếu bạn đang đi vắng thì hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời ở trong lòng… Hãy cầu nguyện như thế vào giờ thứ sáu [giữa trưa]… Hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt và chúc tôn Ngài vào giờ thứ chín [3 giờ chiều]… Cũng hãy cầu nguyện trước khi thân thể của bạn nghỉ ngơi trên giường [9 giờ tối]. Nhưng hãy trỗi dậy lúc nửa đêm, rửa tay và cầu nguyện [12 giờ đêm]… Và hãy trỗi dậy lúc bình minh và cầu nguyện một lần nữa [6 giờ sáng].2

Tôi và bạn không thể hy vọng sống đời sống của một môn đồ nếu không có đời sống cầu nguyện nghiêm túc. Nếu bạn đang cân nhắc để sống đời sống của một người môn đồ hóa, hãy cam kết một đời sống cầu nguyện.

Dave Earley

Translated by Vinh Hien    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn