Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Mẹ Ngốc

Mẹ Ngốc

nha

Cái cách chị ăn mặc khi bước vào nhà thờ làm tôi khó chịu. Áo một nơi, quần một ngã, vừa quê mùa lại vừa dị hợm. Từ cái kiểu tóc loe hoe vàng, tém sát ngắn củn cỡn chả bao giờ được chải chuốt gọn gàng, đến màu mắt xanh, môi đỏ lòe loẹt được tô quẹt một cách cẩu thả trên gương mặt bự phấn đã bao lần làm tôi ngờ ngợ phải chăng chị đang vào nhầm “hội”? Ðây là Hội “thánh” kia mà! Cái cách chị bước đi xớn xa xớn xác, lẹt qua lẹt quẹt, ngồi chưa hết giờ nhóm lại nhấp nha nhấp nhổm bước ra, gây mất trật tự làm tôi bực bội. Ngay cả cái cách chị cười cũng làm tôi khó chịu. Chị cười vu vơ. Chị cười ngu ngơ. Chị cười bâng quơ. Có ai thèm cười với chị đâu cơ chứ! Tôi ngó lơ mỗi khi ánh mắt vô tình lướt qua chị. Chả đáng cho tôi bận tâm! Ấy thế mà ngày qua ngày, chả hiểu sao tôi lại bận tâm về chị thật!

– Má, nhà thờ mình có cái bà nào mà ăn mặc chả giống ai, mặc son mày phấn lòe loẹt, lúc nào nhóm cũng bỏ về giữa chừng. Ai vậy má?

– À…! Con Hậu… – Má tôi “à” lên một tiếng dài như cả thế kỷ. Rồi từ đây, má tôi chầm chậm kể về “đời cô Hậu” rõ ràng, rành mạch như thể chính má tôi là người viết nên cuộc đời ấy…

Giờ thì tôi hiểu…

Hậu trạc tuổi tôi, cùng lắm cũng chỉ hơn tôi một, hai tuổi. Như bao thiếu nữ khác, Hậu yêu rồi lấy chồng, hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh. Gia đình nhỏ bé của Hậu hạnh phúc ngập tràn. Bỗng nhiên, đùng một cái, chồng Hậu ngoại tình, bỏ nhà đi theo nhân tình, bỏ lại mẹ con Hậu côi cút, bơ vơ. Không chịu nổi cú sốc tinh thần quá lớn, hụt hẫng tột cùng, đớn đau chất ngất, vì quá yêu chồng, Hậu hóa điên hóa khùng, hóa ngu ngơ, khờ dại từ dạo ấy. Hậu hay nói, hay cười, và hay thích làm đẹp – cái kiểu làm đẹp chẳng giống ai, nhưng mang “phong cách rất riêng” của Hậu. Mọi người nhìn Hậu với ánh mắt xót xa, thương cảm pha lẫn chút thương hại, tội nghiệp. Mặc kệ, Hậu chẳng hay điều ấy. Hậu thương con, thương lắm, thương cái giọt máu yêu đương đầu tiên và cũng là cuối cùng này vì tình yêu nên đã được thành hình trong Hậu. Nhìn cái cách Hậu vẫy vẫy tay, mi gió với thằng cu con, âu yếm nhìn nó và cười với nó khi tiễn nó vào lớp Trường Chúa Nhật, tôi thầm nghĩ ánh mắt ấy, nụ cười ấy giống như ánh mắt, nụ cười của hai đứa trẻ dành cho nhau hơn là của một bà mẹ dành cho đứa con trai bé nhỏ. Rồi cái cách Hậu loay hoay mãi suốt mươi mười phút mới đeo được giày cho thằng cu con, hay lật đật xé gói bim bim cho thằng nhỏ lúc nó đang ứ é khóc, líu quíu làm vung vãi hết trên sàn rồi vụng về lò mò hốt lại, tôi lại ái ngại “liệu như thế có thể làm mẹ được chăng… ???”. Thế nhưng, khi nhìn Hậu một tay quệt những giọt mồ hôi đã chảy thành dòng trên trán giữa trời trưa nắng gắt, một tay xốc nách giữ chặt thằng cu đang khóc ngằn ngặt bên hông, kiên nhẫn đứng xếp cuối hàng đợi cho bằng được chỉ để nhận mấy viên thuốc sốt cho thằng bé được cấp phát miễn phí do đoàn Samari nhân lành đến nhà thờ tôi làm từ thiện, tôi nghe lòng mình nhẹ nhõm khi chợt hiểu: ai bảo người khùng người điên thì không biết thương con! Người ta ngô nghê đấy, dại khờ đấy, nhưng…  tình mẫu tử thiêng liêng làm con người ta “tỉnh” trí.

* * *

Rằm tháng tám. Trăng tròn vành vạnh. Nhà thờ tôi tưng bừng tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi, nhi đồng trong hội thánh. Các em nhỏ trong nhà thờ tôi xúng xính trong những bộ áo váy đẹp, tay cầm đèn lồng háo hức được cha mẹ dắt đến nhà thờ chơi trung thu. Niềm vui sướng, hạnh phúc lộ rõ trên gương mặt các bé. Tôi chưa có con nhưng cũng nô nức đi “trẫy hội”, vui cùng niềm vui con trẻ cho đời thêm vui vẻ. Ôi chao! Lộng lẫy, tưng bừng. Con nít chạy lăng xăng, người lớn cười nói rôm rả. Nào bong bóng đủ màu, nào đèn lồng đủ kiểu, nào bánh quà đủ loại được đóng thùng, xếp ngay ngắn gọn gàng để cuối giờ phát cho trẻ nhỏ. Chương trình vui trung thu của nhà thờ tôi chả khác gì một tiệc đêm dành cho trẻ em ở Tây phương. Liếc nhìn một vòng khuôn viên nhà thờ xong xuôi, đã đời, ánh mắt tôi chợt “đứng hình” khi nhìn thấy mẹ con Hậu. Vẫn cái bộ đồ quê mùa, “dị hợm” không giống ai, vẫn cái đôi dép lê cũ mòn lẹt quẹt. Thằng bé vẫn được Hậu xốc nách bên hông, tay nó nắm chặt gói bim bim chỉ còn vài miếng lụn vụn, như thể từ xưa đến nay ngoại trừ…  sữa mẹ thì bim bim là thứ nó được ăn duy nhất trên đời..! Chỉ có điều khác hơn mọi ngày: đêm nay, Hậu cười tươi hơn trước. Ừ, cũng phải, trung thu là tết thiếu nhi, lúc này đây, Hậu dường như cũng chỉ là một đứa trẻ con mà thôi..! Tôi đã thôi không còn ghét nụ cười ngờ nghệch ấy, mà trái lại, đôi khi tôi cũng thầm ước ao mình cũng có thể cười như Hậu – nụ cười ngô nghê mặc cho dòng đời ngoài kia bao điều gớm ghê. Nhìn Hậu cười, nghe đời bình yên lạ!

“Tiệc” tan. Lúc các bé náo nức, háo hức tập trung lại, đợi đến phần hấp dẫn nhất của chương trình là được nhận quà bánh thì cũng là lúc tôi…  lóc cóc dắt xe ra về. Ðột nhiên, tôi thấy Hậu bồng con chạy vụt qua trước mặt. Ủa? Hậu không ở lại vào trong để nhận bánh cho thằng cu con sao mà lại chạy ra ngoài này? Trung thu mà, trẻ em trong hội thánh ai mà chẳng có quà? Hay là Hậu không biết sẽ có tiết mục phát quà bánh cho trẻ con vào cuối chương trình? Ồ, nhưng không, chưa kịp đến gần để hỏi Hậu điều đó thì tôi đã thấy Hậu hí ha hí hửng ngồi bệt xuống đám cỏ trước sân nhà thờ, đặt thằng cu con vào lòng rồi nhanh tay, hồ hởi tháo cọng dây chun buộc bị bánh, lấy ra chiếc bánh dẻo thằng mặt hề, đặt vào tay thằng bé trước ánh mắt vô tư, trong leo lẻo và rạng ngời niềm sung sướng của nó. À, ra vậy, thì ra Hậu đã được nhận phần quà cho thằng cu con rồi đấy! Chắc các cô dạy đạo đã ưu tiên phát cho Hậu trước. Mà đáng lẽ…  nên cho mẹ con Hậu hai phần luôn mới đúng, vì…  Hậu cũng là một “đứa trẻ” mà.. Tôi phì cười cho cái suy nghĩ “kể cả” của mình. Mặc dầu vậy, nhìn Hậu ôm ấp thằng bé trong lòng, vuốt vuốt mái tóc loe hoe vài cọng của nó (chẳng khác mấy với mái tóc của Hậu), còn thằng bé thì thích thú ngắm nghía mãi cái bánh “con nhà giàu” hình mặt cười, thèm lắm mà chẳng dám ăn (ăn sợ hết, trẻ con đứa nào chả thế), tôi thấy lòng mình len lén dâng lên niềm xúc động, chợt vui lây niềm vui con trẻ..

Yên vị trên chiếc mi-ni, chưa kịp nhấn pê-đan phóng đi thì tôi đã giật mình thắng lại cái kít khi nghe thấy đằng sau lưng tiếng ai hét lớn:

– Con Hậu kia…!

Dựng chóng xe đứng lại. À, là cô Thu, một cô trong ban dạy đạo thiếu nhi, mà tôi cũng mấy lần bị cô la vì cái tội “tự tiện phát kẹo cho mấy nhóc” mà chưa được sự cho phép của cô! Cơ mà kẹo của tôi chứ có phải của cô đâu mà cần được cô cho phép nhỉ! Nhưng mà… chuyện gì xảy ra với mẹ con Hậu mà cô Thu lại “thân chinh” ra tận đây “đàm phán”?

– Con Hậu kia! Ai cho mày tự tiện lấy bánh trung thu cho con mày hả? Phải ẵm nó vào lớp ngồi ngay ngắn đàng hoàng mới được phát bánh chớ! Ðưa lại đây!

images (1)

Cô Thu sẵn giọng rồi nhanh chóng giật phắc lấy bị bánh trên tay Hậu. Cô giật tay mạnh quá làm cái bánh dẻo thằng hề trên tay thằng nhỏ rớt luôn xuống đất. Nó vẫn chưa kịp cắn miếng nào. Bánh lấm lem đất cát. Mặt cười đã thôi cười, còn mặt thằng nhỏ thì mếu máo khóc vì sợ hãi. Hậu sững sờ, ú ớ chưa kịp thốt lên thành tiếng, cô Thu đã lạch phạch quay lưng bước đi, không quên đem theo bị bánh trung thu – như “chiến lợi phẩm” được cô “thu hồi” từ tay “kẻ trộm”, bỏ lại sau lưng ánh mắt buồn rười rượi đến thảm sầu, pha lẫn niềm đớn đau, hụt hẫng của một bà mẹ ngốc nghếch, đơn côi đến tội nghiệp. Thằng nhỏ khóc. Hậu cũng thút thít khóc. Trời ơi, lần đầu tiên tôi thấy Hậu khóc! Ðó không còn là “hai đứa trẻ” khóc nữa mà là giọt nước mắt của một bà mẹ đau khổ, bất lực đang khóc cho chính mình vì không thể đem đến cho đứa con trai yêu dấu niềm hạnh phúc dẫu chỉ là đơn sơ nhất, bình thường nhất là chiếc bánh, cái kẹo trong đêm trung thu. Nước mắt Hậu như xát muối trái tim tôi làm nó bỏng rát, nhói đau, nhói đau thật sự! Cô Thu ơi, sao nỡ làm như thế? Sao nỡ đang tâm cướp đi niềm vui con trẻ trong cái đêm mà tất cả trẻ em đều xứng đáng có được niềm vui và hạnh phúc từ cha mẹ chúng…? sao nỡ vô tình lấy cái vật chất tầm thường kia để làm tổn thương tâm hồn con trẻ thơ ngây, trong sáng? Tội tình gì đâu…? Có đáng là bao…? Yêu thương là như thế sao…???

Không gian đặc quánh. Không khí tưng bừng xung quanh tôi dường như đóng băng, cổ họng nghẹn đắng, tôi đứng chôn chân chết lặng, nghe tim mình vụn vỡ, nước mắt chực trào ra. Tôi đến bên mẹ con Hậu. Bây giờ không còn “hai đứa trẻ” khóc nữa, mà là…  “ba đứa trẻ” cùng khóc.

“Nín đi con, cô dẫn con đi mua bánh nha” Tôi giang tay ôm vào lòng đứa con trai của Hậu, cảm tưởng như… con trai của mình. Giây phút đó, tôi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, lớn lao thế nào. Mặc dầu tôi chưa từng làm mẹ nhưng trái tim tôi vẫn đủ tình yêu và sự bao dung dành cho một đứa trẻ. Nó tròn xoe con mắt, ngơ ngác nhìn tôi, rồi quay sang nhìn mẹ của nó.

“Thật hả chị? Chị dẫn con em đi mua bánh hả chị?”. Hậu nhìn tôi, đôi mắt ngời sáng, đôi môi đã bắt đầu chịu nở nụ cười. Dường như Hậu đã nhanh chóng quên đi “tấn bi kịch” mới diễn ra vài phút trước đó. Tôi gật đầu, bế đứa trẻ ngồi lên yên sau chiếc mi-ni, dắt bộ chầm chậm đi bên mẹ nó. Hậu cười, Hậu nói, Hậu hỏi tôi đủ điều, kể cho tôi nghe những câu chuyện không đầu không cuối, đơn sơ, dung dị như chính tâm hồn của Hậu.

Tôi mua cho thằng bé hộp bánh Chocopie, hộp kẹo ông mặt trời và cả chiếc lồng đèn ông sao do chính tay thằng bé chọn. Nó thích. Hậu cũng thích. Tôi còn thích hơn. Nó khoái. Hậu cũng khoái. Tôi còn khoái hơn. Tôi nghe lòng mình hạnh phúc lắm! Ðúng là “ban cho có phước hơn nhận lãnh”. Tôi thầm cảm ơn mẹ con chị Hậu đã đem đến cho tôi niềm vui đích thực mà tôi cảm nhận được trong “đêm hội dành cho con trẻ”. Hậu nhắc nó “cảm ơn cô đi con”. Thằng bé ngoan ngoãn nhanh chóng làm theo lời mẹ. Rồi Hậu dắt nó đi, không quên ngoảnh lại cười toe, tặng cho tôi một lời “chúc phước” rất “đầy ơn” :

– Cảm ơn chị đã tốt với mẹ con em. Xin Chúa luôn ban phước cho chị nghen!

Ngộ nghĩnh. Ngỡ ngàng. Hậu đâu có khờ, đâu có ngốc. Hậu biết “chúc phước” cho tôi đấy!

Vẫn cái bộ đồ quê mùa “dị hợm”, vẫn đôi dép lê lẹt quẹt xuống đường, vẫn mái tóc hoe vàng ngắn ngủn, bóng mẹ con Hậu khuất xa dần, xa dần, hòa lẫn trên con đường nhộn nhịp ánh vàng, nhưng giờ đây, đọng lại duy nhất trong tôi là hình ảnh một bà mẹ – không còn ngốc, không còn khờ – nhưng với trái tim đong đầy tình yêu và nghị lực, thương con với tất cả cam chịu, hi sinh và bản năng vốn có của thiên chức làm mẹ…  “Chúa ơi, con sẽ chẳng từ chối làm việc lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có phép làm điều đó..”. Tôi nghe sống mũi cay xè, dường như tôi đang “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” thì phải..! Sao tôi lại dễ xúc động thế này cơ chứ..!

Lòng nhẹ nhàng đạp xe ngang qua những con phố vắng trong đêm trăng vằng vặc, mưa thu giăng đầy trên mắt, tôi thầm mong yêu thương sẽ sớm quay về bên Hậu.

 

TINI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn