Nhận Được Tất Cả Dưỡng Chất Từ Lời Chúa
Mục Sư Rick Warren
“Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8)
Tôi nhớ là mình đã từng nghe những bài giảng hay hoặc bài dạy Kinh Thánh rất sâu sắc và tự hỏi làm thế nào mà người dạy có thể tìm được tất cả những lẽ thật quý giá ấy trong Lời Chúa. Đó là lý do tôi viết cuốn sách đầu tiên của tôi cách đây 35 năm để giúp những người giống như tôi: “Rick Warren’s Bible Study Methods” chia sẻ 12 phương pháp học Kinh Thánh, ví dụ như phương pháp tóm lược chương, phương pháp học theo chủ đề, phương pháp học từng câu.
Một trong những phương pháp tôi ưa thích là phương pháp suy gẫm Kinh Thánh trong giờ tĩnh nguyện. Nếu phải tóm tắt phương pháp này trong một chữ, thì có thể nói là “suy gẫm hay thiền”. Đối với nhiều người, chữ “thiền” là một từ mang ý nghĩa xấu. Nó khiến họ liên tưởng đến những tôn giáo Đông Phương hoặc Tân Thời. Một số Cơ-đốc nhân, khi nghĩ về suy gẫm, họ nghĩ đến hình ảnh một người trong tư thế ngồi xếp bằng, gập mình xuống và nhìn chăm vào rốn.
Đó có thể là thiền định Đông Phương hay Phật giáo, nhưng đó không phải là thiền định của Cơ-đốc giáo. Kinh Thánh dùng chữ “thiền hay suy gẫm” 29 lần trong Phiên Bản Quốc Tế Mới để mô tả đời sống sùng kính của người tin Chúa. Đức Chúa Trời muốn chúng ta suy gẫm.
Ngài hứa với chúng ta rằng nếu chúng ta suy gẫm Lời Chúa, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta. (Giô-suê 1: 8) nói, “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”
Vì thế, theo Đức Chúa Trời, bạn phải suy gẫm Lời của Ngài nếu bạn muốn thành công.
Bạn làm điều đó như thế nào? Lấy tự điển và tra tìm một từ đồng nghĩa cho “thiền”, và bạn có thể tìm thấy từ “nhai lại”. Có lẽ bạn không biết từ đó trừ khi bạn là một nông dân. Nhai lại là hành động của con bò nhai cỏ. Nó nhai đi nhai lại thức ăn trong miệng của nó.
Điều đó tương tự như cách bạn suy gẫm Kinh Thánh. Bò ăn cỏ, nhai, và nuốt xuống bao tử khá nhanh. Khi thức ăn vào bao tử, thấm các loại a-xít và hóa chất khác. Rồi, sau một thời gian, bò ựa thức ăn đã nuốt lên với mùi vị khác, nhai lại cỏ đó và một số cỏ khác, và làm toàn bộ quá trình lại lần nữa. Bò lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng sẽ hấp thụ được tất cả chất bổ dưỡng ra từ cỏ.
Suy gẫm Kinh Thánh là như vậy, đó là tiêu hóa tư tưởng. Chúa muốn chúng ta nhận được tất cả dưỡng chất thuộc linh ra từ Lời của Ngài. Ngài muốn chúng ta nhai nó, tiêu hóa nó, và sau đó nhai nó thêm một ít nữa.
Biến Niềm Tin của Bạn Thành Hành Vi
“Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (2Ti-mô-thê 3:16-17)
Một lần kia có người hỏi tôi rằng bản dịch Kinh Thánh nào là bản tốt nhất. Câu trả lời của tôi là “Khi bạn dịch nó vào cuộc sống của bạn.” Đó là ý nghĩa của việc học Kinh Thánh. Nếu bạn không dịch Lời Chúa vào cuộc sống của bạn, bạn đã không học Kinh Thánh như cách Chúa đã định.
Chúa ban Kinh Thánh cho chúng ta để biến đổi chúng ta, không phải chỉ đơn giản thông báo cho chúng ta. Lời Chúa đem đến cho chúng ta một trái tim lớn hơn chứ không phải một cái đầu lớn hơn. Gia-cơ 1: 22 nói, “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.”
Nói cách khác, Đức Chúa Trời muốn niềm tin của chúng ta trở thành hành vi.
Mục đích của Chúa ban Kinh Thánh được nói rõ hơn trong 2 Ti-mô-thê 3:16-17: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”
Mục đích của Kinh Thánh không chỉ là để chỉ cho chúng ta biết điều sai trái trong đời sống của chúng ta hoặc cách chúng ta nên sống như thế nào, mà còn hơn thế nữa. Chúa ban cho chúng ta Lời Ngài để biến đổi cuộc đời chúng ta một cách triệt để.
Kinh Thánh mô tả Lời Chúa bằng nhiều hình ảnh. Ví dụ, Kinh Thánh gọi Lời Chúa là một cái búa, một thanh kiếm, và một con dao. Tất cả những dụng cụ này được thiết kế để tạo ra những thay đổi toàn diện. Chúa dùng Kinh Thánh với mục đích thay đổi đời sống của chúng ta một cách ấn tượng.
Kinh Thánh cũng mô tả lẽ thật của Chúa như sữa, nước, bánh mì, và thịt. Tất cả những thứ đó có tính chất gì chung? Nếu bạn không ăn hay uống chúng thường xuyên, bạn sẽ chết. Chúng ta đã không bao giờ được tạo ra để sống mà không có Kinh Thánh.
Kinh Thánh là thiết yếu cho đời sống của chúng ta vì nó mang lại cho chúng ta sự sống. Thật ra, Kinh Thánh cũng nói về Chúa Jesus như là Lời của Đức Chúa Trời. Giăng 1:14 chép: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Đức Chúa Trời đã ban cho bạn Lời Hằng Sống, Chúa Jesus, là người khởi đầu và kết thúc của đức tin bạn, Ngài đã ban cho bạn Lời đã được viết ra để chuẩn bị bạn sống cho đức tin của mình. |