Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Niềm Tự Hào Về Thập Tự Giá

Niềm Tự Hào Về Thập Tự Giá

Bài trước:
https://huongdionline.com/2018/07/24/su-ha-minh-cua-co-doc-nhan/ 

“Tôi chẳng khoe về điều gì ngoài thập tự giá của Chúa chúng ta

là Đức Chúa Giê-su Christ.”

GA-LA-TI 6:14

foot

Sự tự hào có gì đó khiến cho chúng ta tò mò. Dù biết rằng một người khoe khoang thì không ai ưa nhưng mọi người đều vẫn thích khoe khoang. Người ta khoe về bất cứ thứ gì: về con cháu, tài khoản ngân hoàng, vòng eo, điểm số bowling, kế hoạch đi du lịch, thành tích, đôi khi khoe cả sự hớ hênh của mình.

Những năm thập niên chín mươi xuất hiện một sự khoác lác lố bịch trên truyền hình. Đồng ý rằng ngành thương mại hầu như thế nào cũng phải khoe khoang, nhưng cái này có thể nói đã đạt cấp độ mới trong ngành quảng cáo. Một hãng xe huyênh hoang tuyên bố “đây là loại xe công nghệ an toàn tiên tiến ấn tượng nhất … một loại xe có thể cứu rỗi linh hồn của bạn.”

CHÚA CẤM!

Nếu là Phao-lô, ông sẽ không bao giờ khoe khoang về một chiếc xe. Hay về bất cứ điều gì khác. Ông đã viết trong Ga-la-ti 6:14 rằng “Tôi không bao giờ khoe khoang.” “Nguyện sự kiêu ngạo tránh xa tôi.” Hay, rõ ràng hơn là, “Đức Chúa Trời cấm tôi khoe khoang!”

Từng là một học giả Cựu Ước, Phao-lô biết rằng Thánh Kinh cấm kiêu ngạo. Sách tiên tri Giê-rê-mi viết rằng: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Người khôn ngoan đừng tự hào về sự khôn ngoan mình; người mạnh đừng tự hào về sức mạnh mình; người giàu đừng tự hào về sự giàu có mình” (Giê-rê-mi 9:23). Nếu một người không được khoe năng lực trí tuệ, sức mạnh cơ bắp hoặc khả năng tài chính của mình, vậy thì người ấy có thể khoe điều gì? Chẳng có thể khoe điều gì cả. Vua Sa-lô-môn đã để lại lời cảnh báo khôn ngoan rằng: “Hãy để người khác khen con, miệng con đừng làm như thế; hãy để người ngoài khen con, môi con đừng tự khen mình” (Châm ngôn 27:2). Nói cách khác là hãy để người khác khoe về bạn!

Sự kiêu ngạo không bao giờ tạo ra sức hút. Sự kiêu ngạo tồi tệ nhất là kiêu ngạo về những thành tích tôn giáo của mình. Vậy mà đó lại chính là điều một số người trong thời Phao-lô đã làm. Nhiều Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu bẩm sinh là người Do Thái, vì thế họ đã chịu phép cắt bì lúc sơ sinh. Thời Cựu Ước, cắt bì là một dấu hiệu chứng tỏ một người thuộc về dân Chúa. Nếu một người dân ngoại muốn gia nhập cộng đồng Do Thái, người đó phải chịu cắt bì. Một số Cơ Đốc nhân thời kỳ sơ khai cho rằng phép cắt bì vẫn còn là một đòi hỏi nếu muốn gia nhập cộng đồng những người được cứu. Họ nói rằng, bất cứ ai muốn trở thành môn đồ thật sự của Chúa Giê-su Christ đều phải chịu cắt bì theo tiêu chuẩn của Cựu Ước.

Dù điều này nghe có vẻ lạ trong thời hiện đại, nhưng những người ủng hộ phép cắt bì thời ấy đã rất tự hào việc mình được cắt bì đến nỗi họ khoe khoang về điều đó. Càng thuyết phục được nhiều người ngoại chịu cắt bì, họ càng trở nên kiêu ngạo. Dưới đây là điều mà Kinh Thánh nói về họ: “Họ muốn anh em chịu cắt bì để khoe khoang về xác thịt của anh em” (Ga-la-ti 6:13). Tỏ ra thánh khiết hơn anh em!

Những người sùng đạo ngày nay không khoe khoang về phép cắt bì như cách những người ngày xưa làm, nhưng chúng ta vẫn thấy rất nhiều thứ để khoe. Chúng ta tự hào về số người nhóm lại, số người tin Chúa, về cung cách thờ phượng, về những ủy thác chính trị, hoặc thương hiệu đặc biệt về thần học của hội thánh chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta tìm ra những cách tài tình để kêu gọi người ta chú ý xem chúng ta thuộc linh cỡ nào. Thẳng thắn mà nói, một trong những lý do khiến một số người cực kỳ ghét hội thánh là vì Cơ Đốc nhân quá tự mãn.

Chính Phao-lô đã có rất nhiều điều thuộc về tôn giáo để tự hào. Trong một dịp, ông đã liệt kê những điều nổi bật trong lý lịch thuộc linh của mình: “Chịu phép cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Y-sơ-ra-ên, bộ tộc Bên-gia-min, là người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, tôi là một người Pha-ri-si; về lòng sốt sắng, tôi là kẻ bắt bớ Hội thánh; về sự công chính theo luật pháp thì tôi không chỗ trách được” (Phi-líp 3:5-6). Ai còn có thể đòi hỏi thêm điều gì? Phao-lô có mọi kết nối đúng đắn. Ông xuất thân từ một gia đình tốt, học trường tốt nhất và tin vào hệ thống thần học chính thống nhất.

Nếu ông muốn khoe mình thì ông có nhiều điều để khoe hơn bất cứ ai. Tuy nhiên, khi Phao-lô đến với Chúa Giê-su Christ, ông nhận ra rằng ông chẳng có gì để tự hào. Tất cả những thành tích tôn giáo mà ông có chỉ như một đống rác rưởi (Phi-líp 3:8). Đức Chúa Trời cấm ông khoe khoang về bất cứ điều nào trong những điều ấy!

SỰ ÁM ẢNH LẠ LÙNG NHẤT

Chỉ có một điều duy nhất trong cõi vũ trụ này đáng để chúng ta khoe. Kinh Thánh cho phép chỉ duy nhất một ngoại lệ: “Tôi chẳng khoe về điều gì ngoài thập tự giá của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ” (Ga-la-ti 6:14).

Điều đáng ngạc nhiên về sự tự hào này là trong xã hội cổ đại, việc bị đóng đinh chẳng có gì đáng để khoe. Chúng ta vừa nói rằng thập tự là một sự sỉ nhục đối với người La Mã và là một sự rủa sả đối với người Do Thái. Học giả Tân Ước F. F. Bruce kết luận rằng:

Điều mà Phao-lô khoe lúc ấy là điều bị coi là ô nhục nhất theo tiêu chuẩn thông thường vào thời của ông – một điều không những không nên khoe mà còn nên thấy xấu hổ. Thật khó để cảm nhận sự ghê tởm và miễn cưỡng khôn tả của những người sống thời Phao-lô khi nghe đến hoặc nghĩ đến thập tự giá. Những người lễ độ trong xã hội La Mã không bao giờ đề cập đế từ thập tự giá; thậm chí khi một người bị kết án đóng đinh, người ta sẽ viết một bản án theo kiểu: arbori infelici suspendito, “hãy treo hắn lên cây gỗ bất hạnh” (Cicero, ibid. 13). Ở các tỉnh phía đông của đế quốc, từ stauros trong tiếng Hy Lạp (“thập tự”) chắc hẳn cũng gây ra nỗi khiếp sợ và ghê tởm như từ tương đồng với nó trong tiếng La-tinh.

Điều đó đáng lẽ phải khiến Phao-lô hết sức sửng sốt khi nhắc đến thập tự giá, chứ chưa nói đến khoe về thập giá. Nếu được hy vọng một điều gì đó chắc người ta sẽ hy vọng những Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu khước từ việc Chúa Giê-su đã chết trên cây thập tự. Hay ít nhất là thành thật công nhận sự thật này một cách hết sức miễn cưỡng.

Tuy nhiên, Phao-lô không những không hề miễn cưỡng mà còn rất háo hức khoe về thập tự. Như John Stott giải thích, “Điều mà thường dân La Mã cho là ô nhục, đáng xấu hổ và thậm chí đáng kinh tởm lại là niềm tự hào, và vinh quang đối với Phao-lô.” Thật ra, từ “khoe” trong tiếng Anh (“boast”) hầu như không đủ mạnh để diễn tả thái độ của ông về thập giá. Nên Stott nói tiếp rằng, “Không có một từ tiếng Anh nào tương đương hoàn toàn với từ kauchaomai. Nghĩa là lấy làm tự hào, vui mừng, hãnh diện, tin cậy, thích thú và là lẽ sống. Đối tượng của niềm kiêu hãnh hay “tự hào” của chúng ta vượt quá phạm vi hiểu biết của chúng ta, choán hết sự chú ý của chúng ta, và thu hút hết thời gian và năng lượng của chúng ta. Nói tóm lại, “niềm kiêu hãnh” đó là nỗi ám ảnh của chúng ta.

 

PHILIP GRAHAM RYKEN

(Còn nữa)

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn