Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / SƠ LƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC DO THÁI

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC DO THÁI

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC DO THÁI

(Phần 1)

jews

Kinh Thánh được Chúa mặc khải trong bối cảnh của dân Do Thái.  Có kiến thức khái quát về lịch sử của dân tộc này sẽ giúp chúng ta dễ hiểu Kinh Thánh hơn.

Khởi Ðầu Lịch Sử

Kinh Thánh cho biết rất nhiều chi tiết về lịch sử loài người qua lịch sử của người Do thái và Hội Thánh. Mười một chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký thuật lại những biến cố đầu tiên của lịch sử loài người, bắt đầu từ lúc vũ trụ được tạo thành, cùng sự ra đời của các quốc gia, ngôn ngữ, và văn hoá. Những biến cố này xảy ra rất lâu trước khi quốc gia Do thái được thành lập (Sáng-thế-ký 1-11).

Tổ Phụ Ðầu Tiên của dân tộc Do thái

Áp-ra-ham, con trai là I-sác, và cháu nội là Gia-cốp đều là dân du mục. Ðức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham và bảo người lìa khỏi xứ Mê-sô-bô-ta-mi đến Ca-na-an. Ðức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban xứ cho ông làm cơ nghiệp, và ông sẽ trở thành tổ phụ của dân tộc Do-thái.

Gia-cốp, cháu nội Áp-ra-ham, sau có mười hai người con trai và họ trở thành tổ phụ của 12 chi tộc I-sơ-ra-ên (tên mỗi người là tên của một chi phái của dân Do-thái). Sau một cơn đói kém lớn ở trong xứ, Gia-cốp và mười hai con trai của mình di cư xuống Ai-cập (Sáng-thế-ký 12-50).

Môi-se và Hành Trình Về Ðất Hứa

Vài đổi thay trong triều chính Ai cập khiến mười hai chi tộc Do thái không còn được ưu ái như trước nữa. Dân Ai-cập bắt người Do-thái làm nô lệ cho họ, và sau đó ban lệnh giết tất cả các bé trai mới sinh, nhằm diệt đi nguy cơ nổi loạn sau này. Một bé trai tên Môi-se được cứu sống và được nuôi dưỡng trong cung đình của Pha-ra-ôn. Môi se sau này lớn lên giết chết một người Ai-cập, và phải chạy trốn vào sa mạc. Nhiều năm sau, Ðức Chúa Trời tìm gặp Môi-se và ban lệnh cho ông quay trở lại Ai-cập để đưa dân Do thái ra khỏi cảnh nô lệ. Mặc dù gặp nhiều sự chống đối của một Pha-ra-ôn cố chấp, dân Do thái cuối cùng cũng được giải thoát ra khỏi xứ và đi vào miền sa mạc ở phía đông Ai cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 1-15).

Dân Do-thái Lập Quốc

Sau một cuộc hành trình dài ba tháng, dân sự đi đến núi Si-nai, và tại đó Môi-se nhận Mười Ðiều Răn từ Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời lập một giao ước với dân Do-thái, và quốc gia I-sơ-ra-ên được thành kể lập từ đó (Xuất Ê-díp-tô ký 16-20).

Xứ Ca-na-an

Dân Do-thái đã có thể tiến vào xứ Ca-na-an trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng vì sợ người bản xứ sống tại đó và không có đức tin nơi Đức Chúa Trời nên họ đã bị Chúa phạt phải quay trở lại sa mạc và lưu lạc trong sa mạc hết 38 năm. Trong khoảng thời gian đó, hầu hết những người ra đi từ Ai-cập đều chết trong sa mạc, kể cả Môi-se. Ðức Chúa Trời lựa Giô-suê thay thế cho Môi se để đưa dân Do thái vượt sông Giô-đanh để vào miền đất hứa. Dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, dân Do-thái chinh phục được vài thành trì, mà quan trọng hơn cả là thành Giê-ri-cô và thành Ai. Tuy nhiên việc chinh phạt cả xứ là một quá trình kéo dài và chậm chạp (Giô-suê 1-11).

Giai Ðoạn Các Quan Xét

Sau khi Giô-suê qua đời, dân Do thái không có người lãnh đạo. Về phương diện lý thuyết thì Ðức Chúa Trời là vua của dân Do thái, nhưng trên thực tế thì họ lại rất ngưỡng mộ các tôn giáo của các dân tộc địa phương sống trong xứ Ca-na-an (thờ phượng các thần như Ba-anh), và không còn trung thành với Ðức Chúa Trời nữa. Thêm vào đó, họ liên tục bị các dân bản xứ quấy phá: dân Am-môn, dân A-ma-léc, dân Mô-áp, và đặc biệt là dân Phi-li-tin. Dân Do-thái thỉnh thoảng quay trở lại cùng Ðức Chúa Trời, cầu xin Ngài giải cứu họ khỏi sự đàn áp của dân bản xứ. Chúa bèn ban cho họ những người lãnh đạo (gọi là các quan xét) để chiêu tập dân sự chống lại các dân tộc bản xứ này. Nhưng sau khi đã được tự do, họ lại dần quay trở lại con đường cũ và lìa bỏ Ðức Chúa Trời (Các Quan Xét).

Các Vua Ðầu Tiên

Sa-mu-ên là vị quan xét cuối cùng và nổi tiếng nhất trong các quan xét. Trong lúc này, dân Do thái bị dân Phi-li-tin đàn áp, và dân chúng quyết định rằng họ phải có một vua cho mình, vì họ muốn có một thể chế lãnh đạo ổn định hơn thể chế của các quan xét. Ðức Chúa Trời báo cho Sa-mu-ên biết rằng ông nên để cho dân Do-thái có một vua, và Ngài dẫn Sa-mu-ên đến gặp Sau-lơ thuộc chi phái Bên-gia-min. Sau-lơ, trong cương vị là vua đầu tiên của dân Do-thái, đã bộc lộ tính tình không ổn định của mình. Trước lúc người qua đời, Chúa chọn Ða-vít, thuộc chi phái Giu-đa, để kế vị cho người (I Sa-mu-ên 1-16).

Ða-vít và Sa-lô-môn

Sau-lơ dành những năm cuối cùng của cuộc đời mình để săn đuổi và trừ khử Ða-vít. Sau khi Sau-lơ chết, quốc gia lâm vào cảnh nội chiến, nhưng sau cùng, hết thảy các chi tộc đều quy phục dưới quyền của Ða-vít. Ða-vít cuối cùng cũng chinh phục được dân Phi-li-tin, và bờ cõi quốc gia được mở rộng hơn bao giờ hết. Giê-ru-sa-lem (trước khi bị đánh chiếm tên là Giê-bu của người Ca-na-an) trở thành thủ đô của quốc gia I-sơ-ra-ên (Do thái). Gần cuối thời đại của Ða-vít các con trai của người tranh chấp ngôi vua khiến xứ lại lâm vào cảnh nội chiến. Tuy nhiên Sa-lô-môn sau cùng được chọn để lên ngôi. Chính người đã xây đền thờ tại Giê-ru-sa-lem (I Sa-mu-ên 31 – II Sa-mu-ên 5, và I Các Vua 1-2).

Ðất Nước Chia Ðôi

Mặc dù Sa-lô-môn nổi tiếng là một vì vua khôn ngoan, Kinh thánh cho biết rằng vài chính sách của ông đã gây ra nhiều hậu quả tai hại sau này. Ðặc biệt là việc xây dựng các đền đài nguy nga đã làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, thuế má tăng cao, và dân chúng bị ép phải làm công dịch hay nghĩa vụ quân sự. Tình trạng bất mãn gia tăng khiến một phái đoàn dân sự đã phải đến gặp con vua Sa-lô-môn là Giê-rô-bô-am sau khi Sa-lô-môn qua đời để xin vua xem xét lại các chính sách đang lưu hành ở trong nước. Khi Giê-rô-bô-am khước từ lời thỉnh cầu của dân chúng, đe doạ sẽ thi hành chính sách khắc nghiệt hơn, thì mười chi phái tách ra thành một miền riêng dưới quyền chỉ huy của Rô-bô-am. Người này trước đây là một quan chức dưới thời của vua Sa-lô-môn. Mười chi phái này nằm ở phía bắc của quốc gia Do thái và sau này được gọi là I-sơ-ra-ên hay vương quốc miền Bắc. Quốc gia này chọn Sa-ma-ri làm thủ đô (I Các Vua 3-12).

Quốc Gia Hai Miền

Hai chi phái ở miền Nam được gọi là Giu-đê hay vương quốc miền Nam. Nước Giu-đê ổn định hơn nước I-sơ-ra-ên vì được thừa hưởng một thể chế lâu đời hơn. Lịch sử của vương quốc phía Bắc ghi lại nhiều cuộc đảo chánh, ám sát các vua, và ít có một triều đại nào kéo dài hơn một đời vua. Thỉnh thoảng hai nước Bắc Nam giao tranh tại biên giới. Tuy nhiên hai quốc gia cũng đôi lúc hiệp tác để chống lại một cường quốc lân bang (I Các Vua 13-16).

Thời Kỳ Của Các Nhà Tiên Tri 

j 2

Tuy không có cùng một nhịp độ, lịch sử của cả hai quốc gia đều có chiều hướng đi xuống dốc trong lãnh vực tôn giáo. Các tôn giáo địa phương vẫn có ảnh hưởng mạnh, trong lúc giai cấp lãnh đạo càng lúc càng trở nên lũng đoạn và bất công. Ðức Chúa Trời bèn dùng các nhà tiên tri để cảnh tỉnh dân tộc về tình trạng bất công trong xã hội, cũng như để nhắc nhở họ về điều răn và lời hứa trong giao ước mà Ðức Chúa Trời đã lập với họ. Trong những giai đoạn đầu tiên của nước I-sơ-ra-ên, hai tiên tri Ê-li và Ê-li-sê là hai tiên tri nổi tiếng nhất (I Các Vua 17-19 và II Các Vua 2, 4-5).

 

(Còn nữa).

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn