Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / MÙA THU CHẾT

MÙA THU CHẾT

mua thu

Mùa thu là mùa mà hắn yêu biết bao, nhưng cũng có khi sợ hãi biết bao. Mùa thu gợi cho người ta cái cảm giác mọi thứ sắp kết thúc, nhưng không ai muốn kết thúc. Hắn đứng đó một lúc, tay kéo lại, rồi lại gỡ ra, rồi kéo lại cái mũ dính liền với cái áo jacket che kín tai vì gió lộng, và lá rơi, mặc dù lá rơi không phải là một chi tiết quan trọng trong việc kéo lại cái mũ. Hắn nhìn quanh như tìm một sự giúp đỡ dù chẳng biết là mình cần giúp đỡ cái gì. Một vài người bản xứ đi ngang, già cũng có trẻ cũng có, trai cũng có gái cũng có, đẹp cũng có xấu cũng có, đen cũng có trắng cũng có, cho thấy rằng hắn đã đứng đó khá lâu…. nhìn hắn với khuôn mặt ái ngại dù họ cũng đang vội vã đi cho nhanh để tránh những cơn gió đang thổi bay những chiếc lá vàng, thổi vào trong áo quần và có thể thổi cái gì đó đang bay tan tác trong lòng. Một chàng trai Mỹ cao lớn, đẹp trai như một tài tử, đang bước vội chợt đứng lại bên cạnh hắn. You need help, sir? Hắn lắc đầu gượng cười.

Hắn có cần ai giúp gì đâu, dù quả là gánh nặng trong lòng khá nặng, gần cả tạ. Hắn đang chờ một người. Hắn nhìn quanh xem người ấy đến chưa? Chỉ có người ấy, may ra, có thể giúp được hắn. Người ấy nói rằng, hôm nay, giờ này, tại đây, thời tiết có thế nào. Chúng ta sẽ gặp nhau, sẽ quay một đoạn phim về cuộc đời một người nào đó, cảnh bắt đầu sẽ là một cảnh chấm dứt, như hầu hết những đạo diễn hơi khác người, vẫn làm. Một Mục sư, đôi khi dùng kết luận để làm nhập đề, rồi đưa cái nhập đề ấy xuống phía dưới để làm một kết luận.

Sao người không đến, hắn tự hỏi.

 

Từ từ, rụt rè, bước ra rồi lui lại, dùng dằng, như thu hết chút bình tĩnh cỏn con trong lòng, trong bóng tối xuất hiện một vòng tròn ánh sáng vừa đủ để nhìn thấy một đứa bé trai vào khoảng mười ba, mười bốn tuổi, ngồi bó gối, nhìn bất động xuống dưới hai đầu gối mình. Từ từ, thằng bé ngẩng lên, như một diễn viên thứ thiệt, với một khuôn mặt suy tư, như đang nói: từ khi tôi biết tôi, tôi đã là một người như vậy.

Lâu quá rồi, lúc ấy thì màu chưa thịnh hành, đen trắng là chủ yếu. Lâu đến nỗi những người từng biết hắn vào thời kỳ ấy có người đã qua khỏi cuộc đời, đã đi khuất vào đám đông, vào cõi mịt mờ, có người nằm trong nursing home với tâm trí mờ mịt, có người vẫn còn mỗi ngày, mỗi tuần, chăm chỉ chụp hình, tự chụp hay nhờ người khác chụp post lên facebook, diện những bộ áo quần thường không mấy thích hợp với tuổi tác, cố ý đứng cạnh một vườn hoa, bông hoa hay cái gì đó đẹp hơn mình, thường thì cảnh đẹp hơn người, hầu cho lỡ mà người ta có nhìn thấy cảnh đẹp mà khen, thì cũng không tiếc một lời hào phóng (hơi quá mức) khen thêm người trong ảnh. Tuổi già, thì cũng chỉ biết “lừa dối” mình một chút, để mà vui qua ngày.

Những bài thơ của một đứa bé khoảng tuổi ấy thì thế nào? Chắn là không hứa hẹn một thiên tài bùng nổ cỡ Arthur Rimbaud, thiên tài thì hay chết sớm, mà hắn vẫn còn đây. Chỉ là những vần thơ ngô nghê của một đứa trẻ cố gắng chụp bắt những cảm xúc còn rất non nớt (mười ba tuổi thì đã phát triển được gì đâu, mười bốn thì may ra) đại khái là mô tả một đồng cỏ xanh với những cọng cỏ xanh phất phơ trong gió được gợi ý từ trong truyện Kiều cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa, chữ nhiều hơn ý (kiểu các ông bà mình hay làm thơ bây giờ), chữ nghe kêu vang, mà ý thì chẳng có gì hết. Tuổi ấy thì chỉ có đọc những tờ báo… con nít như Tuổi Hoa…, hơi dậy thì sớm một chút, Tuổi Ngọc. Một hai năm sau đó khi thấy mình đã đủ lớn thì cố gắng chen lấn hết cỡ vào các báo người lớn (rất tự tin nghĩ mình có thể chen lấn được) và ý thức rằng rất có tầm cỡ, như Văn, như Khởi Hành, như Thời Tập, mà chẳng bao giờ chen vào được, thơ gởi đi không hẹn ngày trở lại, mỗi tuần mỗi nửa tháng nhịn ăn xôi bắp buổi sáng mua những tờ báo ấy, run run mở từng trang (thường là đọc mục lục trước), xem có thấp thoáng cái gì như là tên của mình trong ấy chăng mà chờ mãi, mãi mãi không có một tin vui nào giữa giờ tuyệt vọng cả. Thôi thì cứ vui với Tuổi Hoa Tuổi Ngọc…

Để coi cái thằng nhỏ mười ba mười bốn tuổi thuở ấy làm thơ… kiểu gì? Làm thơ theo mùa, theo đơn đặt hàng, tháng một tháng hai, mùa đông, rồi mùa xuân, rồi hạ rồi thu, cứ xoay quanh mười hai tháng bốn mùa, làm như mùa tiết là cái duy nhất có thể dùng làm đề tài gợi hứng để làm thơ.

Trên lối cũ đi về chim có nhớ

Tháng mười hai bông sứ rụng trong vườn

Em xõa tóc bâng khuâng ngồi dưới cỏ

Và lá vàng bay gợn nhẹ xót thương

 

Mùa xuân, ta bước về trên cỏ

hồn bay tản mạn với muông chim

ngắt vội cành hoa tươi trước cửa

nhắm mắt – mơ vào trong trái tim

Lớn lên một chút (tự biết là mình đã lớn rồi, nhìn thì biết), thì lò mò đi qua khu vườn bên kia xem cái gì ở bên ấy. Bên ấy gồm một số các cô các cậu dậy thì sớm hơn tuổi, buồn trước khi vui, già trước khi đủ trẻ, chưa kịp thương thì đã yêu. Hắn lò mò dò lại một bài thơ khá… nổi tiếng của Vũ ngày ấy trong ánh sáng nhá nhem của một máy quay phim cũ. Gọi là khá nổi tiếng vì sau khoảng… 40 năm có một… bà tiến sĩ giáo dục trong nước còn viết cả một bài nhắc nhở, ca ngợi, cảm xúc và bức xúc… hỏi: Vũ ơi bây giờ anh ở đâu. Một độc giả ngày xưa vội vã lên tiếng giùm, Vũ vẫn còn đây, nhưng người bốn mươi năm sau không còn là một chàng tuổi trẻ đẹp trai (một cách tự tin), bềnh bồng tóc bay và một vài cô gái thì thầm rủ nhau chung bước trên đường về.

tháng chín mưa dầm trên mái ngói

người ra đi chia nửa trời sầu

chẳng lẽ như chim lười biếng hót

mà người thì thôi đã quên nhau

Trước khi rời Việt Nam năm 1994, nghĩ rằng nên làm một cái gì đó để kỷ niệm, và cũng để tạm biệt, bèn nghĩ ra một ý định in một tập thơ… để đời. Tập thơ mỏng manh chỉ có vài chục trang. Bìa do Đỗ Trung Quân vẽ, và chắc ông ta cũng chẳng bao giờ biết tới một nhà thơ gầy gò, nhút nhát, ít nói, nhưng đẹp trai (lúc đó) từ một thành phố ven biển vào chuẩn bị bay đi như loài chim biển. Đây là bài thơ cuối cùng đăng trên Tuổi Ngọc, năm mười chín, dài nhất trong số các bài thơ đã làm, và đã thấp thoáng bóng tai ương cuối đường…

tôi đi hiu quạnh trong đời sống

có ai về dìu lại bước chân

nghìn năm rồi có nghìn năm nữa

tôi vẫn ngồi ôm suốt căn phần

Nhiều năm không chen lấn vào Văn trước 1975 được, thì sau 1975 hắn vẫn… thủng thỉnh bước vào Văn một cách đàng hoàng không cần chen lấn. Văn thì vẫn là Văn thôi, tên giống mà. Một số lớn các bài thơ đăng trên Văn sau 1975 có trong tập thơ Tôi Nói Với Chiêm Bao.

Được mời viết tựa cho tập thơ chữ nghĩa của đán xuất bản tại California, nhà thơ thứ thiệt Trần Dạ Từ viết:

Tôi yêu truyện ngắn Trần Nguyên Đán. Dữ dội mà mơ mộng. Chừng mực mà rốt ráo. Rất cổ điển: cái tinh tế từ tốn làm nhớ Anton Chekhov, bậc thầy truyện ngắn từ thế kỷ 19. Mà tối tân: những chuyển đoạn biến hóa làm nhớ Sam Mendes, đạo diễn phim American Beauty, giải Oscar năm đầu của thế kỷ 21.

Đọc Trần Nguyên Đán, dễ hình dung tác giả gồm nhiều mẫu người khác nhau được dồn chung làm một. Chàng có thể là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim, nhà tâm lý học, nhà truyền giáo hay những nhà gì đó khó lường. Riêng tôi, thấy có chém chết chàng cũng là thi sĩ.

Thơ của bạn đâu? Tôi hỏi trong email làm quen…

Nghe được so sánh với người này kẻ nọ hắn cũng cẩn thận vào google tìm đọc Anton Chekhov và xem American Beauty, cái gì ở trong mình khiến cho ông Từ phải liên tưởng đến những tượng đài… ngất ngưởng ấy. Ngài thi sĩ đã quá hào phóng lời khen. Dù thi sĩ văn sĩ thường hay mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây nhưng đôi khi cũng phải… leo xuống, thực tế một chút.  Hắn ngạc nhiên vì chưa từng bao giờ nói với ông rằng mình làm thơ và chưa từng gởi cho ông một cái gì gọi là thơ. Nhưng nó đẩy hắn vào tận trong cả một… góc trời thương nhớ.

Những bài thơ đầu tiên gởi cho Trần Dạ Từ trong 100 bài gọi là chữ nghĩa của đán, là một sự ngạc nhiên đối với hắn. Hắn không thể làm thơ có vần có điệu như những ngày trước đó nữa, cố gắng ép mình vào trong khuôn khổ của vần điệu như cố nhét mình vào trong một cái lồng gà chật chội. Lách mình, cựa quậy, trầy da chảy máu, khó chịu. Lá rơi có phải cứ lựa chọn chỗ để mà rơi đâu. Hãy để nó rơi tự do, không bắt chước, không làm dáng. Hãy là mình.

Hắn tự họa:

chân dung một trung niên năm mươi bốn tuổi

như ly cà phê còn một nửa

đã nguội ngắt

còn ráng uống…

Cho đến mãi sau này, khi thời gian cuống cuồng day dứt kêu gào ly biệt, ly cà phê chỉ còn một phần ba, thơ là những chữ nghĩa khốc liệt cào cấu vào trái tim chẳng lấy gì mạnh khỏe:

….có phải đêm, đang vây khốn tôi trận chiến nguyên tử

quyết liệt sống chết

có phải những viên đạn đại bác đang bắn vào những vách tường mềm mại

những ngăn tim và da thịt tôi

hôn lên trán tôi bằng sự vỗ về giả tạo

đêm, sự khốn nạn của giấc ngủ lay lắt lúc bốn giờ

hình dung chiếc xe màu đen chạy chầm chậm qua con đường

nơi mùa thu đang khóc sự úa tàn của đời người

vài chiếc lá vàng rơi

một vài người đi qua phố

vội vã đi về phía cuối chân trời

cuối chân trời

Sau này, trong một lần được phỏng vấn về… sự nghiệp văn chương, người phỏng vấn hỏi: nếu chỉ gọi ông bằng một nhà gì đó trong số những nhà ông có, ông muốn được gọi là nhà gì? Thì ra mình có nhiều nhà vậy sao?

Có nhiều mạch máu chảy về tim để nuôi sống trái tim, nhưng có lẽ cái mạch máu lớn nhất để giữ trái tim ổn định qua thời gian, thì đó là thơ. Tôi vẫn luôn muốn bắt đầu về tôi như một người làm thơ, dù chẳng mấy xứng đáng gọi là nhà thơ. Tôi muốn được gọi là một người làm thơ hơn. Hắn suy nghĩ và nói một cách thật thà.

Dù vậy, công bằng mà nói, hắn ngẩng nhìn người phỏng vấn qua một cái viễn vọng kính nhìn xuyên qua trái đất: Thơ là hơi thở mà văn là thức ăn. Nhịn đói, tuyệt thực một hai ngày không đến nỗi chết. Nhưng nhịn thở vài phút thì có thể đến nỗi.

fall

Cuộn phim vẫn quay, có khi đứt khúc, rồi vội vã tự nối lại, như con chim quên thời gian làm tổ trên mái nhà, tiếp tục quay vòng những bánh xe đời. Bài đầu tiên hắn đăng báo, một tờ báo con nít, hắn thích gọi vậy cho gần gũi dễ thương, là một truyện nhỏ chủ đề trung thu, làm cho hắn sướng mê mệt tới nỗi mua một lần 5 tờ báo đem về trải hết trên bàn nhìn cho nó đã, và có cảm tưởng cả thế giới đang quay mặt lại nhìn mình với vẻ thán phục. Và cái giải duy nhất hắn nhận được từ sự nghiệp văn chương bé con tại quê nhà là một đoản văn ngắn… khuyến khích, vài năm sau đó. Lúc đó hắn đã nghĩ, tại sao mình lại thi truyện ngắn không phải là sở trường của mình, nếu đem thơ đi thi, chắc ít nhất cũng giải… ba. Nhưng cái giải khuyến khích ấy cũng… khuyến khích hắn viết tiếp, vì nghĩ rằng ngoài làm thơ, mình cũng có thể viết văn được. Cho đến bây giờ, bon chen, chật vật lắm, hắn cũng chỉ chen được đến hạng… nhì. Sức chỉ đến đó thì chấp nhận vậy.

Dầu vậy văn chương đối với hắn lúc đó cũng giống như một ngọn đèn dầu lù mù từ xa, viết là viết thế thôi chứ không có một đam mê nào. Cho đến khi định cư ở Mỹ, có một cái nhà để ở, và trở thành một nhà gì đó… khó lường. Vào khoảng giữa năm 2006, trong khi đang hết sức xoay sở để có đủ tiền hoàn tất cái nhà thờ của người Việt đầu tiên trong khu vực Metropolitan mắc mỏ, thì hắn đọc thấy một thông báo dự thi Viết Về Nước Mỹ với số tiền của giải thưởng là một sự cám dỗ một người ra khỏi nhà thờ, nhìn lên bầu trời, nhìn ra mây trắng, nhìn ra xa hơn nữa một cái gì không phải là mây trắng, nhìn xuống cuộc đời. Bây giờ suy nghĩ lại thì hắn thầm tạ ơn Chúa vì đối với hắn, những diễn biến của cuộc đời, đều ở trong một sự sắp xếp, trong bàn tay của Đấng Tối Cao, không có gì gọi là ngẫu nhiên trong cuộc đời, Ngài đã gợi ý cho hắn bước trở lại cánh đồng văn chương mà hắn nghĩ đã mù mịt xa xôi, dù cuộc thi chẳng phải là cuộc thi văn chương, nhưng cứ văn chương, ai cấm. Hắn đã nghĩ ra những đề tài táo bạo và nghĩ rằng càng táo bạo càng dễ đoạt giải, và đó là lý do vì sao phải đổi bút hiệu lần nữa, để cho đừng ai nhận ra mình, sợ rằng những người không nên đọc lại đọc được, không nên biết lại biết được. Dù chẳng có gì là bí mật dưới ánh mặt trời. Kinh Thánh viết vậy.

Phim đen trắng lại bất chợt đổi màu. Sau cái giải thưởng không như ý muốn, vì rốt cuộc vẫn không đủ tiền để hoàn tất cái nhà thờ dang dở, lại được một giải thưởng ngoài ước muốn, rồi cánh cửa của cánh đồng văn chương đã mở ra, mời hắn vào, hắn nghiêm nghị bước vào như một nhà hàn lâm, như thôi chứ không phải.

Từ đó thơ và truyện ngắn cùng bay một lần, tựa vào nhau mà bay. Càng bay cao càng rắc rối.

Việt Báo thì thế này, táo bạo mà mơ mộng, Buổi Chiều Rất Ngắn là bài đầu tiên gởi cho Trần Dạ Từ và dù hơn 10 năm đã trôi qua, khi đọc lại bài này (đoạn này) vẫn thấy bùi ngùi:

Khoảng một năm sau, khi tôi chuẩn bị lập gia đình, tôi email cho ông, mời ông về dự. Tôi muốn mời ông thay mặt người cha vắng mặt của tôi. Bức thư hết sức tha thiết. Tôi mong ông quên hết những chuyện xưa, dù vẫn chưa hiểu hết. Tôi cầu nguyện cho ông trả lời.

Hai ngày sau tôi nhận được email trả lời, địa chỉ email của ông, nhưng người viết là bà:

Vũ,

Chắc cậu ngạc nhiên tại sao tôi lại là người trả lời thư này cho cậu. Cách đây hơn một năm trong một dịp tình cờ, tôi đã mở được hộp thư email của nhà tôi, trong đó ông cất giữ những bức thư bí mật ông viết cho cậu mà không bao giờ gởi đi. Ông thú nhận với chính ông rằng ông yêu cậu. Yêu tha thiết. Tôi nghĩ là cậu hiểu ý nghĩa tình yêu đó. Vì lý do đó mà chúng tôi không sống chung với nhau nữa và ông dọn đi tiểu bang khác, ông đến Alaska, để tự đầy đọa mình, để cố quên hết, để sống những ngày cuối cùng. Cách đây khoảng một tháng ông lại bị stroke và lần này thì ông ra đi thật. Người ta báo cho tôi …

Tôi không đọc tiếp được nữa. Nước mắt làm nhòe cặp mắt kính. Tôi tiếp tục ngồi đó, tiếp tục khóc, cho đến khi người vợ sắp cưới của tôi đi vào phòng, đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi, và đọc hết bức thư còn dang dở …

Còn Da Màu thì sao? Chữ nghĩa càng lúc càng nghẹt thở như bị bóp cổ. Đây là j. một nhân vật quái dị sinh ra trong một không gian bị lửa đốt, không phải là đàn ông cũng chưa hẳn là đàn bà, chỉ có thể viết bởi một người bệnh tâm thần:

Tôi sửa lại đôi chút và gởi j. đi. Không ai nhận được sự phản hồi của tòa báo về truyện ngắn đã gởi. Nhưng tôi nhận được một bức thư dường như là lén lút viết trong một chỗ nào đó vội vã. Truyện của bạn quá kỳ dị. Những người khác nói rằng đây là bút pháp của một người điên, nhưng tôi biết là bạn không điên. Bạn bình thường hơn những người bình thường. Tôi muốn chấm giải nhất truyện của bạn. Nhưng tôi sợ người ta sẽ cho tôi là điên.

Thư không ký tên và không đề địa chỉ. Nhưng tôi biết nó phát xuất từ một người có tên trong danh sách Ban Giám Khảo cuộc thi. Ba nam ba nữ. Tôi cũng không thể đoán được là nam hay nữ nào đã viết bức thư đó.

……

Tôi thấy tôi tay này nắm lấy tay kia, chân kia đá hất chân nọ. Một mình tôi treo trên vách đá của một ngọn núi, y hệt một hình ảnh rất nguy hiểm của Cliffhanger. Tôi cũng có thể nhìn xuống phía dưới tối đen và nhìn lên sự sáng rực của bầu trời ban ngày. Sức hút của vực sâu lôi tôi xuống, nhưng ánh sáng của bầu trời lại nhấc tôi lên. Tôi quan sát tôi chiến đấu.

Tôi cứ treo lơ lửng như vậy. Chưa biết đến bao giờ.

Hắn đôi khi, rất nhiều khi, muốn đưa người đàn ông dễ thương, đáng thương, người đàn ông phụ nữ cùng nhiều những nhân vật… dị hợm khác mà hắn đã sáng tác ra trong những khuya về sáng, khi tinh thần và tình cảm bất định, ra với đời, nhưng vẫn ngần ngại, mặc dù bây giờ những người không nên biết đã biết, những người không nên đọc đã đọc, và cũng không ai còn lơ mơ nhầm lẫn giữa một nhà thơ, một nhà văn và một nhà lãnh đạo tinh thần. Biết nhau hết rồi còn gì. Một giáo sư đáng kính mà hắn học trong trường thần học, nhân một lần gặp mặt, nói một cách đột ngột, kèm một cái vỗ vai: tôi theo dõi Đán rất chăm chỉ đấy nhé. Cái vỗ vai nhẹ hều, mà làm hắn giật mình, theo dõi Đán rất kỹ, có nghĩa là góc nào cũng thấy, đường nào cũng theo, nhưng thấy rồi thì nghĩ gì? Có khi cũng không nghĩ gì, nhưng nghĩ gì mà không nói gì, lại là một việc khác. Hắn đã cho in một số sách trong khuôn viên nhà thờ, trong sân những đại hội tôn giáo, nhưng những gì cống hiến cho đời vẫn nằm yên lặng trên những trang mạng vô cảm, đôi khi bức xúc, chen lấn, trồi ra, rồi lại được vỗ về ve vuốt, hãy cứ nằm yên lặng đấy, chẳng biết là vì lý do gì, có khi cũng không phân biệt được là lý do gì, khi lột trần, mở banh ngực, giải phẫu tim Nick trong Đối Thoại Một Mình, rồi lại cho Nick Sống Lại Lần Nữa, Nick Từ Trong Mơ Bước Ra, bài thơ gởi tặng cho Michael ở một làng xa Tây Úc nào đó, rồi Nhảy Một Lần Ba Bước Trong Khi Gẫy Một Chân….

Máy quay phim cứ rè rè quay lại những đoạn phim cũ, vấp một cái, suýt té, rồi gượng dậy được. Và cameraman chầm chậm xoay lại vào trung tâm bức tranh đang được che kín bởi một tấm màn, rồi thì bức màn ấy chầm chậm thổi bay đi mùi của các hương liệu thơm ngát huyền hoặc người Do Thái dùng ngày xưa. Những mùi hương bay lên. Một người đàn ông tóc đã bạc mầu xuất hiện với dáng vẻ đứa bé trai ngày xưa, nhưng không ngồi nhìn xuống hai đầu gối mình, mà đứng cúi xuống nhìn vào tâm hồn mình, với nét nhăn của sự khắc khoải, không phải là đôi mắt suy tư nhìn thẳng vào cuộc đời.

Hắn hơi bối rối khi nhận ra đó chính là mình, trên bục giảng. Nhà thơ nhận ra hắn, đưa tay chào, rồi quay đi, nhà văn đứng từ xa, vẫy tay, rồi lui gót. Một hai người nữa đứng trong bóng tối mờ mờ có vẻ như muốn nói gì mà không nói được. Dù khá bối rối, hắn nhanh chóng tập trung vào bài giảng hàng tuần đã soạn sẵn để trước mặt, trên cái bục giảng. Có khi hắn nói như bị kích thích mà không cần nhìn vào những tờ giấy và những người ngồi dưới có vẻ bị đụng chạm hơn là khi vừa nói vừa cúi nhìn. Không ai biết là lúc đó chính hắn bị đụng chạm ngộp thở và bởi vì vậy hắn mới có thể nói ra những lời làm đụng chạm người khác.

Hắn nhớ lại bài giảng, một bài giảng, một đoạn bài giảng, đoạn mà hắn không giảng, chỉ nói, chỉ bấm nút vào tâm trí đã mở rộng, và những bông hoa tường vi bắt đầu nhảy nhót, vì nhiều năm, vào tháng 12, hắn vẫn cứ nói về đề tài ấy, với tất cả niềm say mê như không bao giờ phai tàn, vì đấy chính là con đường mà hắn đã tìm thấy trong khi đang đi trong một đường hầm tối đen như cách j. đang bám vào vách đá mà chiến đấu một cách mòn mỏi. Ngôn ngữ trong bài giảng thì không phá phách cào cấu như những truyện ngắn, vì nó cần người ta hiểu. Nó cần phải được hiểu rõ.

Từ trong nguyên tri người ta tin là có một Đấng cao cả tạo dựng muôn loài và gọi đó là Trời, tùy theo ngôn ngữ của quốc gia đó. Người Việt là một trong những dân tộc tôn thờ Trời. Người ta nói rằng có thể trong đời bạn chưa từng nói một chữ nào đó, nhưng có một chữ bạn đã từng nói ít nhất là một lần trong đời, chữ Trời ơi. Hãy mở kho tàng ca dao tục ngữ Việt, để kinh ngạc rằng dân Việt đã ý thức về Trời cách đậm đà biết bao, nhưng không thực biết Trời là ai.

Người Mỹ gọi Trời là God, họ biết God là ai, họ tin cậy và thờ phượng Trời, trên đồng tiền Mỹ có chữ In God We Trust: chúng tôi tin cậy Chúa, đồng tiền Mỹ có giá trị cao trên toàn thế giới và đi khắp thế giới ngay cả những quốc gia không phải là đạo Chúa, chúng ta dù có cố gắng từ khước Chúa nhưng vẫn xài đồng tiền Mỹ, làm lụng vất vả để kiếm tiền Mỹ, không có đồng tiền Mỹ chúng ta khó sống.

Người Mỹ có câu One Nation Under God: một quốc gia dưới sự quản trị của Chúa. Các Tổng Thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức phải đặt tay lên quyển Kinh Thánh tuyên thệ: tôi cai trị nước Mỹ dưới luật pháp của Chúa. Nước Mỹ dù vẫn nhiều khuyết điểm, sai trật, tội lỗi, vì không có ai, không có gì là toàn hảo dưới ánh mặt trời, nhưng người ta nói rằng nếu Mỹ không có Chúa, nước Mỹ sẽ tồi tệ hơn nhiều. Một đặc điểm của nước Mỹ là lòng nhân đạo được Chúa dạy: hãy yêu người lân cận như mình, nên đã mở rộng vòng tay đón người từ các quốc gia nhập cư, đặc biệt là Việt Nam, có bao giờ chúng ta nghĩ tại sao mình được đến đây, tại sao mình ở đây, được hưởng không khí tự do, được làm việc bình đẳng, có cơ hội vươn lên, có đời sống vật chất đầy đủ, dư thừa. Tại sao vậy? Chắc là chúng ta không làm ơn cho họ và được họ đền ơn, hay Mỹ áy náy vì vết thương chiến tranh nên đưa chúng ta qua đây để chuộc lỗi? Thưa không. Vì thực hiện sự dạy dỗ của Chúa mà nước Mỹ đã mở cho chúng ta một cơ hội đến đây. Kinh Thánh nói rằng Mỹ là một quốc gia được ban phước, đượm sữa và mật vì họ tin cậy Chúa: Thi-thiên 33:12: Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!

Chúng ta có biết rằng không phải nước Mỹ, mà chính sự sắp xếp của Trời, do Thiên Định, mà chúng ta có mặt tại đất nước hùng mạnh này?

Mỗi tuần một bài giảng, mỗi tháng 4 tuần, mỗi năm 52 tuần, mười năm là 520 tuần, hai mươi năm là 1040 tuần, hai mươi ba năm, bao nhiêu bài giảng rồi. Tình yêu dành cho người đàn ông Do Thái ấy cứ mỗi lúc mỗi đầy, rồi tràn, những lúc buồn, những lúc vui, khi nhảy nhót, như sóng biển tràn qua rừng thông, như tuyết lấp non cao, những khi hoang vắng còn lại một mình, vẫn còn chàng.

chàng đi qua đêm đen tôi và làm cho nó nồng nàn
bằng vòng tay ôm của cổ thụ ban mai
những tia sáng nhức nhối bao quanh vùng đồi sương mù
và thung lũng hôn mê chưa bao giờ hồi sinh
ở đâu đó, trong khoảng không, chàng ẩn mình tôi
nhưng làm sao chàng có thể dấu diếm hơi thở đầy hương
và thân thể đẹp đẽ của kim cương đen
chàng đang bay qua tôi và tôi nắm được chàng
rồi chúng tôi cùng rơi vào lặng thinh khôn cùng
nơi chỉ còn sự hiện hữu của mây
và mưa, của ngàn năm đang trôi

Đôi khi hắn hát, trước hoặc sau khi giảng, một vài lần, nói đáng tội, cả gan hát trong một vài buổi ca nhạc gây quỹ cất nhà thờ, lại còn… dám song ca với Thanh Lan (ấy là chút hoài niệm còn rơi lại, chỉ còn dăm ba bụi phấn). Thời trước còn hát nhiều, khi giọng hát còn… nghe được, đi giảng ở đâu cũng hát, giảng thì giảng, không thể thiếu hát. Thường thì đến đâu cũng được yêu cầu hát. Bây giờ ít người yêu cầu, vì tuổi thì lên dần mà tên thì xuống dần, thì phải hỏi mọi người có muốn nghe Mục sư hát không, thì chẳng “nỡ” làm Mục sư buồn, mọi người đồng thanh kêu lên, yes. Nếu phải thêm vào trong cái danh sách “những nhà gì đó khó lường” thì chắc cũng thêm vào đấy một căn nhà nhỏ, nằm dưới bóng mát của những tàng cây, nhỏ thôi, nhưng vừa đủ để có thể chui vào đấy, cúi đầu, khom lưng mà vào, nhưng bước vào thì cũng có một chỗ vừa đủ để nằm, vắt tay lên trán, suy nghĩ vu vơ rồi ngủ giấc êm đềm. Để nhớ lại thời… vàng son đã khuất bóng ấy, thì để những cái CD cũ của mình trong xe, lái xe không có chuyện gì làm, cũng không muốn suy nghĩ để phải buồn, phải nhăn mặt, chau mày, lắc đầu, thì mở lên mà nghe. Đôi khi hắn lẩm cẩm nghĩ, cái gì người ta cũng gọi là nhà, sao người hát thì không gọi là nhà hát nhỉ, mà phải gọi là ca sĩ?

Rồi thì hắn cũng có thêm một cái mà người ta gọi là nhà, nhà báo. Là một cái nhà mà hắn chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ “sở hữu” nó. Nói đáng tội, chỉ làm công việc của một “thầy cò” cho một tờ đặc san mỗi năm 4 kỳ của Tin lành hải ngoại. Nhưng có người đã gợi ý hắn, và mời hắn, khi chưa “điều tra” gì về kinh nghiệm làm việc của hắn, mà tin hắn có thể làm được, chẳng qua là vì có một lần hắn “cả gan” edit lỗi chánh tả bài viết đầu trang của ông chủ nhiệm cho nên ông tín nhiệm mời làm “thầy cò” rồi lên chức chủ bút ngay 30 giây sau đó. Cho đến bây giờ, học từ Chúa, hắn có thể “tha thứ” được những việc rất khó tha (khó nhất là tha thứ cho chính mình), nhưng lại không thể tha thứ được những việc rất dễ tha, là lỗi chánh tả. Chẳng biết bao giờ hắn đã tự nhận cái “job” này như là của mình mặc dù chẳng ai nhờ, và vì làm cái công việc “xét đoán” người khác nên hắn cũng phải rất cẩn thận để khỏi bị người khác “xét đoán” mình, vì Chúa Jesus cũng từng nói rằng ngươi lường cho người ta mực nào thì người ta sẽ lường lại cho ngươi mực ấy. Làm nhà báo cũng vui, tuy có hơi nhức mắt vì các nhà văn nhà thơ hiện đại cứ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, hỏi ngã lung tung, tùy tiện muốn hỏi thì hỏi muốn ngã thì ngã. Mà hõi nhiều hơn ngả. Khi tổ chức một cuộc thi viết cho niềm tin cách đây 3 năm dựa theo mô hình của Viết Về Nước Mỹ, một số bài gởi đến loáng thoáng ý văn mạnh, lời văn lạ, nhưng cứ nhìn thấy hõi ngả lung tung là dẹp lại để đó, gởi cho giám khảo khác đọc. Nghĩ rằng mình cũng là một tay khó chịu, không hiền lành quá như người ta vẫn nhìn thấy bên ngoài. Hắn luôn luôn nghĩ rằng đã làm cái gì thì phải làm cho ra cái đó, nhà nào ra nhà đó, không lôi thôi lếch thếch được, dù là cái nhà nhỏ, nhưng phải cho gọn gàng sạch sẽ, buổi sáng khi từ phòng ngủ ra phòng khách, lê vào bếp, đi ngang cái gì, thấy cái gì còn vương vấn trên bàn, trên kệ, là phải vớ ngay một cái khăn lau lại cho sạch sẽ, rồi ngã mình trên sofa, hài lòng thấy mọi thứ sạch sẽ, uống ly cà phê đầu ngày với ánh sáng xanh nhạt của bình minh thấp thoáng sau màn cửa sổ.

dem-san-3

Đoạn phim chợt mờ đi, hay mắt hắn chợt mờ đi vì một cơn gió mạnh, lạnh tê tái luồn vào trong cái mũ mỏng manh, len xuống cổ, như một bàn tay buốt giá sờ soạng vào gáy, làm hắn tỉnh lại. Hắn bắt đầu bước những bước chân nặng nề vào cửa bệnh viện. Chẳng phải là quá xa từ parking lot đến cửa chính, nhưng là bước rất chậm, từng bước từng buớc thầm, cũng chẳng phải nỗi buồn nào làm trì kéo nặng nề bước chân, nhưng là hai bàn chân đau nhức, tê thốn khi bước, là hậu quả của một trong hai căn bệnh mà một y sĩ và một bác sĩ đang âm thầm đấu nhau trên phần thân thể đau đớn của bệnh nhân: nerve neurophathy và plantar fastiitis, bệnh nhân thì… ưng cái bệnh sau hơn vì có vẻ là… sống lâu hơn, cái bệnh trước. Nhưng bệnh gì thì bây giờ cũng phải lê từng bước. Hai bàn chân nặng, mà tinh thần cũng nặng nề. Mùa thu và những cơn mưa bất thình lình mà dữ dội (cái gì thình lình cũng dữ dội) thổi bay những chiếc lá còn ráng nắm níu bấu víu chưa muốn lìa cành tan tác trên mặt đất, như muốn làm cho vẻ thê lương ủ dột càng ủ dột thê lương hơn.

Hắn đứng trước cánh cửa tròn quay vòng, bước vào thì cửa sẽ quay tròn, và người bước vào sẽ đi theo vòng quay tròn ấy để lọt vào bên trong. Lọt vào bên trong, thì những đoạn phim đen trắng sẽ tự động chấm dứt. Những hoài niệm sẽ chấm dứt, vì không còn chỗ để tồn tại. Trong cánh cửa ấy người ta qua lại mà không thấy nụ cười. Cái cánh cửa sinh tử ấy quả là đau đớn đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Hơn một tháng nay đã quá quen thuộc với chiếc ghế góc trái, cái bàn bên phải, chiếc đàn piano nằm chếch bên hông như nụ cười ai đó bỏ quên trong khu vực không tiếng cười, không ai đàn, thỉnh thoảng vang lên những note buồn tẻ của kỹ thuật điện tử, chẳng mấy ai buồn dừng lại để nghe. Hắn quẹo phải, rồi quẹo trái, rồi đi thẳng. Rồi ngừng lại, ngần ngại một chút trước cửa phòng, nghiêng người nhìn qua vai người y tá, nhìn xem người nằm đó mê man nhiều tháng nay, xem có gì thay đổi không, trái tim se lại một chút, rồi tự nhủ: hãy bước vào, chẳng tránh được đâu. Nó nằm ngay ở giữa đường mà. Rồi thì ai cũng phải bước qua nó. Đôi mắt, đã lâu khô ráo bởi vì những giọt nước mắt đã bị xô lấn, chen đẩy vào trong tận cùng ngõ ngách của tâm hồn, chợt thấy đau xót, chợt thấy lặng lẽ. Mới thấy rằng mình đã cố gắng hết sức để làm cho mọi cái nhẹ nhõm, nhưng mà không, không có cái gì làm cho hắn nhẹ nhõm được, Nặng lắm, từ trái tim, từ bàn chân, lên đến đỉnh đầu.

Thời gian sau này, Mục sư thường nghĩ đến một quyển sách đặc biệt của Kinh Thánh, khó đọc khó hiểu khó chấp nhận, sách Truyền Đạo hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Thấy đó rồi mất đó, hiện hữu rõ ràng đó trong phút chốc như một đám mây phiêu lãng giữa trời chợt tan. Như một luật định của đời. Những bài thơ cào cấu vào những mặt bằng của núi đồi, đâm suốt vào rốn biển, bằm nát trái tim người như giã nhuyễn thức ăn nêm thêm mắm muối, rốt cuộc cũng chỉ là hư không. Những truyện ngắn quái dị như mặt nạ che kín phần mềm mại của cơ thể mà vẫn dấu đầu lòi đuôi, vẫn cho người ta thấy sự khắc khoải của một tâm thức không mấy bình thường, cũng chỉ là hư không. Những căn nhà lớn nhỏ hắn dầy công xây lên bằng sức lực còm cõi của mình, nói một cách nào đó, cũng là hư không. Vì khi hắn đưa tay lên, dang tay ra, nắm tay lại, thì không chụp bắt được gì hết, chỉ là một khoảng trống. Tôi Chạy Vòng Quanh Một Khoảng Trống. Chạy mãi, cũng chỉ là khoảng trống.

Khoảng trống ấy cứ ngày qua lấp đầy, những lá vàng, rồi cũng có lúc nó lấp kín, như một giòng sông lấp. Bấy giờ đi ngang qua giòng sông xưa nay chỉ còn là một bãi cỏ xanh bằng phẳng và tấm bia mộ là dấu tích cuối cùng cho biết ngày xưa, đã từng là một giòng sông, mà bây giờ, chỉ còn là mùa thu.

Cuối tháng 11, mùa thu chỉ còn là lá vàng khô đầy trên đất, trên cỏ, nhưng vẫn còn mùa thu với dăm ba hàng cây sang thu muộn cố nắm níu chút trễ nãi thương tiếc. Tang lễ di chuyển một cách chậm rãi trong không gian và thời gian mùa thu, chậm bởi vì không còn gì vội vã nữa,  gồm một chiếc limousine đen chạy rất chậm phía trước, một nhóm người mặc áo đen, gồm những người có liên hệ gần, rất gần, có thể va chạm được, chầm chậm theo sau, một số người theo sau nữa cầm những vòng hoa, một số xe chầm chậm chạy sau cùng, gồm những người già, đàn bà trẻ con không dám thi gan với cơn gió lạnh se sắt của mùa thu. Ít thấy bây giờ những tang lễ có người đi bộ chầm chậm theo sau, trong không gian lạnh lẽo và ánh nắng vàng nhạt, trông như một đoạn phim cũ kỹ nhiều chục năm.  Khu vực nghĩa trang đầy lá vàng, như một lời chia buồn. Bầu trời sáng mai dường như cũng nhuộm vàng. Mầu vàng đôi khi là mầu kiêu sa vương giả của áo dài hoàng hậu, có đôi khi là sắc mầu tàn úa trên khuôn mặt của một người vừa mới qua đời, là những bông hoa hồng vàng phủ kín trên quan tài như chút gửi gấm cuối cùng, cho người đang ra đi trong mùa thu.

Khu vực mà người ra đi sẽ nằm lại có tên Eternity, vĩnh viễn, đã được chọn trước, một cách ý tứ, tế nhị, đầy xúc cảm, nằm dưới bóng rộng của một cây cao, vào xuân sẽ nở những nụ hoa lấm tấm hồng, sang hè sẽ xanh ngắt lá, mùa thu nhuộm vàng những khắc khoải và khẳng khiu trơ trọi sang đông. Nhưng thế nào thì cũng không thể so sánh với nơi ở mới mà người đã về, đã được mua với biết bao năm tháng miệt mài trong nhà thờ, với biết bao sự phục vụ dâng hiến không tên, với một niềm tin đơn giản mà dai dẳng không gì có thể tách rời. Nơi ở ấy được mô tả ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái, và những lá cây đó dùng chữa lành cho các dân. Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa, ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành, các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài, chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa, và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho, và chúng sẽ trị vì đời đời.

Những nghi thức tiễn biệt cuối cùng cũng chầm chậm, như không có gì vội vàng, vội vàng chi nữa, chỉ còn dăm phút nữa thôi. Những tiếng nói cũng được tự nguyện giảm bớt và vặn nhỏ lại, loáng thoáng đâu đó tiếng chim hót, lẻ loi, nhưng đâu có lẻ loi đâu, vì Đức Chúa Trời đang ở gần, rất gần, đang vỗ về những trái tim đang nứt rạn có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Quan tài được đưa đến phần mộ, xung quanh bao phủ bằng những vòng hoa tang nhiều mầu sắc như cố gắng an ủi chút nào những tấm lòng đang nặng nề sắc xám của nỗi buồn. Người Mục sư chủ lễ đọc đoạn Kinh Thánh cuối, nói vài lời cuối, cầu nguyện lần cuối, ra hiệu cho những người làm công việc kế tiếp. Người đàn ông đến gần, đưa máy vào khung sắt, cái ròng rọc chầm chậm đưa quan tài xuống lòng đất. Tiếng rè rè của máy móc, của sự di chuyển cuối.

Người đàn ông đeo khăn tang đứng gần quan tài hơn hết, vì chỗ đó để dành cho một người gần gũi nhất của người vừa qua đời, chợt khuỵu xuống bên thành quan tài, nắm lấy thành quan tài, như cố gắng ngăn sự di chuyển của tiếng ròng rọc đang quay tròn, không chủ ý, nhưng là trái tim bảo hãy làm thế, không ai có thể ngăn chặn tiếng gọi của trái tim,  gục đầu xuống thành quan tài, và nước mắt làm phận sự cuối cùng. Những lời cuối, chỉ người đang nói nghe mình nói, và hy vọng người trên cao kia sẽ nghe nói, là những lời thì thầm của trái tim đang sầu khổ, chỉ là những se sắt không thành lời.

Quan tài đã nằm yên đáy mộ. Người chủ lễ ném bông hồng vàng đầu tiên xuống mộ, nói một lời của nghi thức: cát bụi trả lại cho các bụi. Nhưng thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó. Những bông hoa khác lần lượt rơi xuống, rồi những vành khăn tang cũng được tháo gỡ gởi vào theo với lòng đất. Vành khăn tang trên đầu bây giờ không còn quan trọng nữa, vì những tiếc thương sẽ được dồn chặt vào đáy lòng. Rồi tất cả lùi lại, công việc cuối cùng của xe chở đất phủ lấp, của tiếng nện đất, của một thảm cỏ đắp lên, những vòng hoa làm phận sự cuối cùng là lấp đầy mặt cỏ mới. Một vùng hoa lá sạch sẽ, tinh khôi, mầu sắc ấm, trong không gian lạnh lẽo.

Em đã ra đi mùa thu, với tôi, mùa thu từ đây sẽ còn mang thêm một từ ngữ khác: kỷ niệm.

TRẦN NGUYÊN ĐÁN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn