Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Martin Luther Và Cuộc Cải Chánh

Martin Luther Và Cuộc Cải Chánh

95 LUẬN ĐỀ CỦA TIẾN SĨ MARTIN LUTHER[1]

về quyền hạn và hiệu lực của sự ân xá

500

Do lòng yêu mến chân lý và muốn làm sáng tỏ lẽ thật, những luận đề sau đây sẽ được bàn cãi tại Wittenberg, dưới sự chủ tọa của Đức Cha Martin Luther, Cao học Văn Chương và Thần học Bí tích, Giảng sư thực thụ về các môn trên tại Chủng viện Wittenberg. Ông yêu cầu quý vị nào không thể đến dự cuộc tranh luận nầy, có thể viết thư nêu ý kiến.

Trong danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.

  1. Khi Đức Chúa Jêsus Christ, Thầy chúng ta phán “Hãy ăn năn…”, Ngài muốn rằng tín hữu phải ăn năn hối cải trong suốt cuộc sống.
  2. Lời phán nầy không có nghĩa là bí tích sám hối tức là việc xưng tội và đền tội do các Linh mục chủ lễ.
  3. Vả lại, lời đó không chỉ nói đến sự ăn năn hối cải nội tâm; không, không có sự ăn năn hối cải trong lòng nào mà không được bày tỏ ra bằng những sự hành xác bên ngoài[2].
  4. Cho nên, hình phạt [của tội lỗi] được tiếp tục song song với việc tự ghét mình; vì đó là sự ăn năn thật trong lòng, và được tiếp tục cho đến khi bước vào nước thiên đàng.
  5. Đức Giáo Hoàng không có ý định, và không thể tha thứ hình phạt nào, ngoại trừ những hình phạt do Ngài áp đặt qua thẩm quyền của Ngài hay Giáo luật.
  6. Đức Giáo Hoàng không thể tha thứ bất kỳ vi phạm nào ngoại trừ việc công bố rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ và thừa nhận sự tha thứ ấy; tuy nhiên, để cho được chắc chắn, Đức Giáo Hoàng có thể ban sự tha thứ trong những trường hợp dành cho Ngài phán xét. Nếu thẩm quyền tha tội nầy bị coi thường, tội lỗi vẫn không được tha.
  7. Thượng Đế không tha thứ ai mà Ngài không đồng thời khiến họ hạ mình trong mọi việc và thuận phục trước vị đại diện của Ngài là các Linh mục.
  8. Nghi thức đền tội[3] chỉ được áp dụng cho người sống, và cũng theo Giáo luật đó, không một điều khoản nào có thể áp dụng trên người sắp chết.
  9. Bởi vậy, Đức Thánh Linh trong Đức Giáo Hoàng rất nhân từ đối với chúng ta, vì qua các sắc lệnh, Đức Giáo Hoàng luôn xem các điều khoản nói về sự chết và nhu cầu cuối cùng trong cuộc sống là những trường hợp ngoại lệ.
  10. Các Linh mục đã hành động sai lầm và độc ác khi họ không áp dụng những hướng dẫn ăn năn tội cho những người sắp qua đời mà để dành đến khi họ vào ngục luyện tội[4].
  11. Sự thay đổi hình phạt theo giáo luật thành hình phạt nơi ngục luyện tội thật giống như chuyện cỏ lùng được gieo trồng khi các Giám mục đang ngủ[5].
  12. Trước đây, những hướng dẫn đền tội được áp đặt, không phải sau, mà là trước khi xá tội, để xem sự ăn năn thống hối có thật hay không.
  13. Người sắp chết được miễn tất cả mọi án phạt khi họ qua đời; họ đã chết đối với các giáo luật, và có quyền được miễn trừ khỏi các giáo luật đó.
  14. Sự bất toàn [của linh hồn], nói một cách khác, sự thiếu kém về tình yêu thương của người gần cõi chết đã mang đến những nỗi sợ hãi lớn lao cho họ; và tình thương càng ít thì sự lo sợ càng gia tăng.
  15. Nỗi sợ hãi và kinh khiếp nầy tự nó (không kể đến các việc khác) cũng đủ để tạo thành hình phạt nơi ngục luyện tội, vì điều ấy rất gần với nỗi kinh khiếp của sự tuyệt vọng khi bị mất linh hồn đời đời.
  16. Địa ngục, ngục luyện tội, và thiên đàng dường như khác biệt với nhau cũng như sự tuyệt vọng khi bị mất linh hồn đời đời, gần tuyệt vọng, và sự bảo đảm để được an toàn.
  17. Với những linh hồn trong ngục luyện tội, dường như sự kinh khiếp cần phải được giảm thiểu và tình yêu thương gia tăng.
  18. Dường như không thể dùng lý luận hoặc Kinh Thánh để chứng minh rằng các linh hồn trong ngục luyện tội không còn có khả năng tạo thêm công đức, nghĩa là không thể lớn thêm lên về tình yêu thương.
  19. Lại nữa, dường như không thể chứng minh rằng các linh hồn trong ngục luyện tội, hay ít nhất tất cả các linh hồn đó, có thể chắc chắn hay được đảm bảo về ơn phước của họ, dù rằng chúng ta tin chắc về các phước hạnh đó.
  20. Vậy nên khi Đức Giáo Hoàng nói về “sự tha thứ hoàn toàn tất cả mọi hình phạt”, Ngài không có ý nói tha thứ “tất cả”, nhưng chỉ những án phạt do Ngài áp đặt.
  21. Vì thế, những giảng sư về sự ân xá đã sai lầm khi nói rằng bởi sự tha tội của Đức Giáo Hoàng, người ta được thoát khỏi mọi hình phạt và được cứu;
  22. Trái lại, Đức Giáo Hoàng không ân xá những án phạt nào cho các linh hồn trong ngục luyện tội, mà theo giáo luật họ đã trả xong khi còn sống.
  23. Ví bằng nếu có thể ban sự ân xá cho tất cả mọi án phạt, thì chắc chắn chỉ có những người hoàn toàn nhất mới nhận được sự ân xá nầy, nghĩa là một số rất ít.
  24. Vì thế nhiều người đã bị đánh lừa qua các lời hứa bừa bãi và rỗng không về sự tha thứ.
  25. Nói một cách tổng quát, thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trên ngục luyện tội, cũng giống như quyền hạn riêng biệt của các giám mục, cha xứ trên giáo khu hay xứ đạo mình.
  26. Đức Giáo Hoàng hành động đúng khi tha thứ những linh hồn [trong ngục luyện tội], không phải bởi thẩm quyền của chìa khóa[6] (mà Ngài không có), nhưng bằng cách cầu thay.
  27. Họ giảng đến đổi người ta nói rằng ngay khi đồng tiền vừa kêu leng keng trong hộp dâng, linh hồn liền bay thoát ra [khỏi ngục luyện tội].
  28. Điều chắc chắn là khi đồng tiền vừa kêu leng keng trong hộp dâng, thì vật chất và lòng tham sẽ gia tăng, nhưng kết quả sự cầu thay của Hội thánh chỉ do quyền năng Đức Chúa Trời mà thôi.
  29. Ai có thể biết chắc rằng tất cả các linh hồn trong ngục luyện tội đều muốn được mua chuộc khỏi nơi nầy, như trong truyền thuyết[7] của Thánh Severinus[8] và Paschal[9].
  30. Không ai biết chắc rằng mình có thật tâm ăn năn; đừng nói chi đến việc nhận được sự tha thứ hoàn toàn.
  31. Có ít người thành thật ăn năn, cũng có ít người thật sự tin vào thư ân xá, nghĩa là những người nầy thật rất hiếm.
  32. Họ cùng với thầy mình sẽ bị kết án đời đời vì đã tin chắc vào sự cứu rỗi bởi họ có thư ân xá.
  33. Người ta phải cẩn thận đề phòng những ai nói rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng là quà tặng vô giá của Đức Chúa Trời nhờ đó mà con người được làm hòa với Ngài.
  34. Vì “những ơn ân xá” nầy của Đức Giáo Hoàng chỉ được áp dụng cho các hình phạt của bí tích đền tội, và các điều nầy do loài người lập nên.
  35. Họ không giảng dạy lẽ đạo Cơ-đốc khi cho rằng những người định mua linh hồn ra khỏi ngục luyện tội hay định mua thơ xưng tội không cần phải ăn năn.
  36. Bất kỳ các Cơ-đốc nhân nào thành thật ăn năn hối lỗi thì họ có quyền nhận sự tha thứ tất cả mọi hình phạt và vi phạm, dù không có thư ân xá.
  37. Mọi Cơ-đốc nhân thật, dù còn sống hay đã qua đời, đều được dự phần trong tất cả những phước hạnh từ Đấng Christ và Giáo hội; và điều đó được Đức Chúa Trời ban cho họ, mặc dầu họ không có thư ân xá.
  38. Tuy nhiên, sự ân xá và phục hồi [trong phước hạnh của Giáo hội] được Đức Giáo Hoàng ban cho không vì lẽ gì mà bị coi thường, như tôi đã nói, đó là lời tuyên bố về sự ân xá từ trời.
  39. Thật rất là khó cho ngay cả các nhà thần học uyên bác nhất trong cùng một lần, đồng một lúc, ngợi khen sự dư dật của thư ân xá và [sự cần thiết phải] ăn năn thật.
  40. Sự ăn năn thống hối thật tâm tìm kiếm và mong muốn được sửa phạt, còn việc ân xá bừa bải chỉ làm hình phạt nhẹ đi và làm cho người ta không thích, hay ít nhất cũng gây cơ hội [để họ ghét sự ân xá].
  41. Sự ân xá của Đức Giáo Hoàng phải được giảng dạy một cách thận trọng, kẻo người ta lầm tưởng nó có giá trị hơn các việc làm từ thiện tốt lành khác.
  42. Cơ-đốc nhân phải được dạy là Đức Giáo Hoàng không có ý cho rằng việc mua thư ân xá có thể so sánh với các công việc từ thiện.
  43. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng ai bố thí cho người nghèo hoặc giúp đỡ kẻ cùng túng là làm việc lành tốt hơn sự mua thư ân xá;
  44. Bởi vì tình yêu thương được gia tăng lên qua việc từ thiện, và con người sẽ trở nên tốt hơn; nhưng họ không tốt hơn qua sự ân xá, mà chỉ thoát khỏi các hình phạt.
  45. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng ai thấy kẻ lân cận mình trong cơn nguy khốn mà không giúp, và lại dùng [tiền mình] cho sự ân xá, thì chẳng mua được sự tha thứ của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ chuốc lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.
  46. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng trừ khi họ có tiền nhiều hơn nhu cầu, họ buộc phải cung ứng cho gia đình mình chi dùng đầy đủ, và không vì lý do gì mà hoang phí để mua thư ân xá.
  47. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng việc mua thư ân xá là hoàn toàn tự nguyện, và không phải do lệnh trên truyền xuống.
  48. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng Đức Giáo Hoàng, khi ban sự ân xá, cần và mong muốn họ chuyên tâm cầu nguyện cho Ngài hơn là số tiền họ mang đến.
  49. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng chỉ có ích khi họ không đặt lòng tin tưởng vào đó; nhưng trái lại thật là tai hại, nếu vì nó họ mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
  50. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng nếu Đức Giáo Hoàng biết rõ được sự đòi hỏi quá đáng của các giảng sư về sự ân xá, thì Ngài muốn thấy ngôi Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô)[10] bị thiêu hủy thành tro bụi, còn hơn là được xây dựng lên bằng da, thịt và xương của các con chiên mình.
  51. Cơ-đốc nhân phải được dạy rằng đó là sự mong muốn của Đức Giáo Hoàng, cũng như đó là nhiệm vụ của Ngài, dùng chính tiền mình để trả lại cho những ai bị bọn bán buôn thư ân xá lường gạt, ngay cả khi cần phải bán ngôi Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô).
  52. Sự bảo đảm được cứu rỗi bằng thư ân xá là luốn công, dầu qua vị đại diện, không đâu, ngay cả khi chính Đức Giáo Hoàng đặt linh hồn Ngài để bảo đảm.
  53. Những người nào truyền lệnh bưng bít lời Chúa tại một số nhà thờ, để giảng dạy về sự ân xá ở những nhà thờ khác là kẻ thù của Đấng Christ và Đức Giáo Hoàng.
  54. Dành thì giờ nói đến sự ân xá bằng hay nhiều hơn thì giờ học hỏi lời Chúa trong cùng một bài giảng là làm tổn thương đến lời Đức Chúa Trời.
  55. Ý định của Đức Giáo Hoàng là nếu sự ân xá, chỉ là một việc nhỏ, được ăn mừng với một tiếng chuông, một đám rước lễ, một nghi lễ, thì lời Phúc âm, là điều cao quí nhất, phải được giảng dạy với một trăm tiếng chuông, một trăm đám rước lễ, một trăm nghi lễ.
  56. “Kho tàng của Giáo Hội[11]” mà Đức Giáo Hoàng dùng để ban phát sự ân xá không được nói đến hoặc hiểu biết đầy đủ giữa vòng Cơ-đốc nhân.
  57. Rằng thật nó không phải là kho tàng thế gian, vì những kẻ rao bán sự ân xá không muốn ban phát các kho tàng ấy ra một cách dễ dàng mà chỉ muốn thâu lượm thêm.
  58. Kho tàng đó cũng không phải là những công đức của Đấng Christ và các Thánh[12], bởi vì ngay cả khi không có Đức Giáo Hoàng, nó luôn làm việc tốt lành trong lòng con người, còn thập tự giá, sự chết và địa ngục cho con người bề ngoài.
  59. Thánh Laurence[13] gọi các giáo dân nghèo khó là những kho tàng của Giáo Hội, nhưng ông nói theo cách dùng từ ngữ thời bấy giờ.
  60. Chúng ta có thể nói một cách thận trọng rằng chìa khóa của Giáo Hội, được ban cho qua công đức của Đấng Christ, mới là kho tàng của Giáo Hội;
  61. Vì Đức Giáo Hoàng thật có đủ quyền tha các án phạt trong những trường hợp dành riêng cho ông.
  62. Kho tàng thật của Giáo Hội chính là Phúc Âm Chí Thánh về sự vinh hiển và ân điển của Đức Chúa Trời.
  63. Nhưng kho tàng nầy theo lẽ tự nhiên thật rất là đáng ghét, vì nó khiến người đầu trở nên rốt[14].
  64. Mặt khác, kho tàng của sự ân xá đương nhiên được chấp nhận dễ dàng nhất vì nó khiến người rốt trở nên đầu.
  65. Vậy nên, kho tàng của Phúc Âm là những cái lưới mà trước đó thường được dùng để đánh lưới người.
  66. Còn kho tàng của sự ân xá là những cái lưới ngày nay người ta dùng để thâu gặt sự giàu có từ con người.
  67. Phép xá tội mà các giảng sư kêu gào rằng đây là “ân điển lớn lao nhất” chỉ được coi là đúng vì nó mang đến sự gia tăng lợi lộc.
  68. Tuy nhiên chúng thật chỉ là một ân điển cực nhỏ so với ân điển của Đức Chúa Trời và lòng tôn kính thập tự.
  69. Các Giám mục và Cha xứ buộc phải thừa nhận quyền tha tội của Đức Giáo Hoàng với tất cả lòng tôn kính.
  70. Nhưng còn thêm nữa, họ cũng phải chăm chú nhìn cho kỹ, nghe cho rõ, vì e rằng những giảng sư về sự ân xá dạy dỗ theo ý riêng của mình, thay vì những gì Đức Giáo Hoàng truyền dạy họ.
  71. Ai nói nghịch lại chân lý về sự tha tội của Đức Giáo Hoàng sẽ bị dứt phép thông công và nguyền rủa!
  72. Nhưng phước thay cho người nào đề cao cảnh giác chống lại lòng tham và sự phóng túng của những giảng sư về sự ân xá!
  73. Đức Đức Giáo Hoàng đã quở trách một cách chính đáng những ai dùng mọi thủ đoạn, mưu toan làm hại đến những huấn thị[15] về thư ân xá.
  74. Nhưng Ngài còn quở trách nhiều hơn thế nữa những kẻ viện cớ ân xá để mưu toan làm hại đến tình yêu và lẽ thật thánh.
  75. Nếu nghĩ rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng thật là kỳ diệu đến độ có thể tha thứ cho một người, ngay cả khi người ấy phạm tội tày trời và xúc phạm đến Mẹ của Thiên Chúa — thì thật là điên dại.
  76. Trái lại, chúng ta nói rằng sự ân xá của Đức Giáo Hoàng không đủ để bôi xóa một tội nhỏ nhất của những tội vặt, theo nghĩa của sự vi phạm.
  77. Người ta nói rằng ngay cả Thánh Phi-e-rơ (Phê-rô), nếu ông là Giáo Hoàng lúc nầy, không thể ban cho ân điển nào lớn hơn; đây là lời phạm thượng với Thánh Phi-e-rơ (Phê-rô) và Đức Giáo Hoàng.
  78. Trái lại, chúng ta nói rằng ngay cả Giáo Hoàng đương nhiệm, và bất kỳ một vị Giáo Hoàng nào khác có ân điển lớn hơn trong tay mình; đó là Phúc âm, quyền năng, ân tứ chửa bệnh, vv…, như đã chép trong I Cô-rinh-tô đoạn 12.
  79. Cho rằng thập tự được chạm trổ bằng huy hiệu của Đức Giáo Hoàng và được tâng bốc [bởi những giảng sư về sự ân xá], có giá trị ngang hàng với Thập Tự Giá của Đấng Christ là lộng ngôn.
  80. Các Giám mục, Cha xứ, và Nhà thần học nào cho phép những lời lẽ như thế loan truyền giữa vòng giáo dân phải chịu tránh nhiệm về điều đó.
  81. Những sự giảng dạy không kiềm chế về sự ân xá đó đã gây khó khăn cho, ngay cả các người học thức, tìm cách cứu vãn lòng tôn kính Đức Giáo Hoàng khỏi các lời mạ lỵ hay những câu hỏi xảo trá của người thế tục.
  82. Biết rằng: “Tại sao Đức Giáo Hoàng không giải thoát tất cả mọi linh hồn khỏi ngục luyện tội, vì lòng yêu thương thánh và vì nhu cầu của những linh hồn nơi đó? Đây là lý do rất chính đáng. Trong khi đó, tại sao Ngài lại cứu chuộc vô số linh hồn vì một số tiền đê tiện, để chi dùng trong việc xây cất Vương Cung Thánh Đường? Đây là một lý do rất tầm thường”.
  83. Lại nữa: “Tại sao lại tiếp tục cử hành lễ an táng và lễ giổ cho người chết, và tại sao Đức Giáo Hoàng không trả lại hay cho phép rút ra số tiền đã dâng cho các lễ nầy, vì việc cầu thay cho những người đã được cứu chuộc là sai lầm?”
  84. Lại nữa: “Lòng sùng mến Đức Chúa Trời và Giáo Hoàng mới nầy là gì mà vì cớ tiền bạc, họ cho phép những kẻ vô đạo và kẻ thù của họ mua sự giải cứu khỏi ngục luyện tội cho một linh hồn tin kính, bạn của Đức Chúa Trời, và lại không làm như vậy vì nhu cầu của linh hồn mộ đạo đáng yêu đó, và vì tình yêu thương thanh thiết?”
  85. Lại nữa: “Vì cớ nào mà các nghi thức đền tội, từ lâu vì trong thực trạng và bởi không còn được dùng đến, đã bị hủy bỏ và vô dụng, nay lại được chấp nhận qua sự ban phát thư ân xá, như còn tồn tại và có hiệu lực?”
  86. Lại nữa: “Tại sao Đức Giáo Hoàng, giàu hơn những người giàu nhất, lại không dùng tiền mình để xây Vương Cung Thánh Đường Phi-e-rơ (Phê-rô), mà lại dùng tiền của giáo dân nghèo khó?”
  87. Lại nữa: “Vì cớ gì mà Đức Giáo Hoàng lại tha và theo tiêu chuẩn nào[16] mà Ngài đã ban cho những người, nhờ sự ăn năn hối cải hoàn toàn của họ, đã được quyền hưởng trọn ơn tha thứ và phục hồi?”
  88. Lại nữa: “Có ơn phước nào lớn hơn cho Giáo hội nếu Đức Giáo Hoàng ban sự ân xá và phục hồi cho mọi tín hữu một trăm lần mỗi ngày thay vì chỉ ban một lần mỗi ngày như Ngài hiện đang làm?”
  89. “Vì Đức Giáo Hoàng, qua thư ân xá, mưu cầu sự cứu chuộc linh hồn hơn là tiền bạc, tại sao Ngài lại đình chỉ các quyết định ân xá và tha tội đã ban ra từ trước vì chúng đều có hiệu lực như nhau?”
  90. Nếu chỉ dùng sức mạnh để đàn áp những lý luận và quan tâm về đạo đức của những người thế tục mà không giải quyết chúng bằng cách giải thích rành mạch, là đặt Giáo hội và Đức Giáo Hoàng trong tư thế để các thù địch chê cười, và làm cho Cơ-đốc nhân buồn khổ.
  91. Cho nên nếu sự ân xá được giảng dạy theo quan điểm và tinh thần của Đức Giáo Hoàng, tất cả những ngờ vực nầy sẽ được giải quyết dễ dàng; không đâu, sự giảng dạy nầy đã không được thực hành.
  92. Vậy, những tiên tri nào nói với con dân Đấng Christ: “Bình an, bình an” mà chẳng có sự bình an chi hết![17] Hãy tránh xa.
  93. Nhưng phước thay cho những tiên tri nói với con dân Đấng Christ: “Thập tự, thập tự” mà chẳng có thập giá nào!
  94. Cơ-đốc nhân phải được khuyến khích rằng họ phải bền đỗ trên con đường theo Đấng Christ, là Đầu của họ, để vượt qua các hình phạt, sự chết và địa ngục;
  95. Và như thế, hãy vững tin đi vào Thiên đàng, thà qua nhiều gian truân thử thách[18], còn hơn là nhờ sự bảo đảm để được an tâm[19].

mar

[1] Vào ngày 31 tháng Mười năm 1517, Linh mục Martin Luther niêm yết 95 Luận đề, viết bằng tiếng La-tinh, nơi cửa Thánh đường Castle ở Wittenberg, Đức. Biến cố nầy là khởi điểm của phong trào Cải chánh (Protestantism). Chúng tôi dịch tài liệu nầy từ “Work of Martin Luther” Adolph Spaeth, L.D. Reed, Henry Eyster Jacobs, et Al., Trans. & Eds. (Philadelphia: A. J. Holman Company, 1915), Vol.1, pp. 29-38.

[2] Những sự hành xác bên ngoài (outward mortification of the flesh) gồm các việc quên mình kiêng ăn, cầu nguyện và bố thí.

[3] Nghi thức đền tội (The penitential canons) có những khoản về sự hướng dẫn đền tội mà các vị Linh mục có thể chọn cho mỗi tội phạm khác nhau.

[4] Theo giáo lý thời Trung cổ, khi xưng tội thì được tha nhưng phải chịu sự đền tội, nếu sự đền tội không được thực hiện trong lúc còn sống thì khi xuống ngục luyện tội, họ sẽ chịu hình phạt tiếp tục. Vì thế thư ân xá của Đức Giáo Hoàng sẽ có hiệu lực tha thứ các hình phạt nầy để các linh hồn có thể lên thiên đàng.

[5] “Nhưng khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi” (Ma-thi-ơ 13:25).

[6] Người Công Giáo tin rằng Đức Giáo Hoàng có chìa khóa Thiên đàng do Đức Chúa Jêsus trao cho Phi-e-rơ truyền xuống (Ma-thi-ơ 16:18-19).

[7] Theo truyền thuyết, hai vị Giáo Hoàng nầy muốn ở trong Ngục luyện tội lâu hơn để được sự vinh hiển lớn hơn khi vào thiên đàng. Martin Luther không tin như vậy nhưng ông muốn dùng nó như một giả thuyết có thể có những người như vậy.

[8] Severinus: Giáo hoàng được bầu cử vào tháng Mười năm 638, nhưng bị vua ngăn cấm, vì ông không chấp nhận tà thuyết rằng Chúa không có nhân tánh, cho đến cuối tháng Năm năm 640 mới nhậm chức. Ông chỉ tại vị được hơn hai tháng. Ông cho rằng Đấng Christ có nhân tánh và thần tánh.

[9] Paschal (I): Giáo hoàng Paschal nhậm chức vào tháng Hai năm 817, qua đời vào tháng Sáu năm 824. Ông rất ôn hòa với Hoàng đế Louis nước Franks. Giáo hoàng tấn phong Lothair, con của Louis làm Hoàng đế vào năm 823, mặc dầu ông chống đối quyền hạn của Hoàng đế trên La Mã và Tòa Thánh. Sau khi Lothair rời La Mã, hai viên chức cao cấp của Tòa thánh bị bộ hạ của Giáo hoàng giết vì hai ông nầy ủng hộ Hoàng đế Franks. Nhiều người cho rằng Đức Giáo Hoàng đã chủ mưu việc nầy nhưng ông tuyên thệ rằng mình vô tội. Hoàng đế Louis gởi người sang La Mã điều tra nhưng họ không trừng phạt được kẻ sát nhân vì Đức Giáo Hoàng tuyên bố là hai kẻ bị giết đả phạm tội làm phản.

[10] Vương Cung Thánh Đường Phê-rô, là một ngôi nhà thờ lớn nhất thế giới, được xây cất vào năm 1506 và hoàn tất vào năm 1614, nhiều vị Giáo Hoàng cho phép bán thơ ân xá để gây quỹ cho công trình nầy.

[11] Theo giáo lý Công giáo, mỗi giáo dân phải làm một số công đức để tránh vào ngục luyện tội. Đức Chúa Jêsus, Đức Mẹ và các Thánh không cần có đủ các công đức ấy để vào Thiên đàng. Những công đức mà giáo dân làm hơn luật định sẽ được cho vào Kho tàng của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng dùng các công đức nầy để bán thơ tha tội.

[12] Xin xem chú giải trên (số 11).

[13] Thánh Lawrence sanh tại nước Tây Ban Nha là thầy phó tế của La Mã trong thời Đức Giáo Hoàng Sixtus II (257-258, tử đạo vào ngày 6 tháng Tám, bị Hoàng đế Valerian I giết). Khi được triệu về để giao những kho tàng của Hội thánh, ông trình lên những kẻ nghèo khó trong giáo phận của ông. Thánh Lawrence cũng bị chết thiêu tử đạo dưới tay Hoàng đế Valerian vào ngày 10 tháng Tám năm 258.

[14] “Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy” (Ma-thi-ơ 20:16).

[15] Huấn thị (traffic): Sự loan truyền, thông tin về các dạy dỗ của Đức Giáo Hoàng (về sự ân xá).

[16] Theo tiêu chuẩn nào (what participation): Từ xưa có nghĩa là theo đặc tín, phẩm chất nào.

[17] Trích trong Giê-rê-mi 6:14, dự ngôn về các tiên tri giả “Họ rịt vết thương cho dân ta cách sơ sài mà rằng: Bình an! bình an! mà không bình an chi hết”.

[18] Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22 “giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đổ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời”.

[19] Sự bảo đảm giả tạo của thơ ân xá.

reformation

31.10.2017 là một ngày đặc biệt đối với mỗi một  tín hữu.
🎉 31.10.2017 là Kỷ niệm 500 năm Ngày Cải Chánh Tin Lành.🎉
Ngày 31.10.1517, tức 500 năm trước, một tu sĩ người Đức tên Martin Luther đã đến gõ cửa nhà thờ Công Giáo La Mã ở Wittenberg. Ông đóng đinh lên cánh cửa đó tấm giấy da có chứa 95 Luận Đề nêu lên những sai phạm của nhà thờ đương thời. Đó là tia sét đầu tiên khởi phát cơn bão Cải Chánh sắp sửa ập đến trên Nhà thờ Công giáo La Mã thời bấy giờ.

🎉Ngày kỷ niệm Cuộc Cải Chánh Tin Lành là một ngày đáng để chúng ta cùng nhau hân hoan vui mừng. Vui mừng vì lẽ gì?
🔔Vui mừng vì từ đó hàng trăm triệu tín hữu đã quay lại với niềm xác tín rằng chỉ duy Lời Chúa có thẩm quyền tối cao trên đời sống họ (Sola Scriptura) và sự cứu rỗi là món quà được ban cho chỉ duy bởi ân điển Chúa (Sola Gratia) thông qua phương tiện duy nhất là đức tin (Sola Fide) nơi sự chết và sự sống lại của một Đấng Trung Bảo và Cứu Thế duy nhất là Jesus Christ (Sola Christus); vì thể mọi vinh hiển phải được quy về một mình Chúa Ba Ngôi mà thôi (Sola Deo Gloria)
🔔Vui mừng vì chúng ta nhận ra rằng mình được xưng công bình chỉ nhờ ân điển bởi đức tin mà thôi. Không phải bởi việc làm. Càng không phải bởi dùng tiền để mua bùa xá tội.
🔔Vui mừng vì Kinh thánh cuối cùng cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được tự do đến với con người mọi giai cấp tầng lớp mọi dân tộc. Nếu bạn biết nhà thờ thời  trung cổ ra sức ngăn cấm dịch thuật Kinh thánh ra tiếng Anh để người bình dân cũng có thể đọc được, nếu bạn biết tội đọc Kinh thánh tiếng Anh những năm 1400 là tội tử hình ở Anh Quốc, thì mới thấy mỗi ngày được nuôi dưỡng tâm linh bằng Lời Chúa trong tiếng mẹ đẻ của mình là điều đáng quý biết dường nào.
🔔Vui mừng vì chúng ta, những tín đồ bình thường nhất cũng có thể đến diện kiến và trò chuyện trực tiếp cách thân mật với Cha Thiên Thượng mà không phải thông qua một ai khác nữa.
🔔 Cảm tạ Chúa vì tất cả những sự kiện này đều nằm trong kế hoạch vĩ đại và tốt lành của Ngài cho chúng con 

– John Piper –
(Nguồn: Desiring God)

———————-

Tìm hiểu cuộc cải chánh của Martin Luther – Diệp Dung

Đuốc Thiêng 103, tháng 11 năm 2010

oneway-vn_martin-lutherMartin Luther là một tu sĩ thuộc tăng đoàn Augustin, một nhà thần đạo uyên bác, một lãnh tụ can trường của cuộc cải chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã thế kỷ XVI tại Đức Quốc. Martin Luther sanh ngày 10 tháng 11 năm 1483, tại làng Eisleben, Thuringia, Đức Quốc.

Thời niên thiếu, Martin Luther học trường đạo từ tiểu học cho đến khi tốt nghiệp trung học.

Năm 18 tuổi, Martin Luther vào Đại học Erfurt. Năm 22 tuổi, Martin Luther tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân văn khoa. Sau đó, Martin Luther theo học luật khoa để chiều theo ý muốn của cha mẹ.

Vào mùa hè năm 1505, Martin Luther về thăm nhà, trên đường trở lại đại học xá, ông bị sét đánh suýt chết. Sau lần chết hụt này, Martin Luther cảm thấy cuộc đời của con người quá mỏng manh, nên ông quyết định bỏ ngành luật khoa để vào học ở tu viện Augustin tại Erfurt.

Sau hai năm tu học, Martin Luther được truyền chức linh mục khi vừa được 24 tuổi. Đến năm 25 tuổi, Martin Luther được Viện Đại Học Wittenberg mời làm giáo sư dạy môn vật lý và triết học.

Qua năm sau, ông đặc trách dạy môn thần đạo và giải nghĩa Kinh Thánh. Đến năm 29 tuổi, Martin Luther đoạt được bằng tiến sĩ thần đạo của Viện Đại Học Wittenberg.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần đạo, Martin Luther tiếp tục dạy môn thần đạo tại Viện Đại Học Wittenberg. Trong lúc nghiên cứu để giảng dạy các sách của Kinh Thánh như Thi thiên, Rô-ma và Galati, Martin Luther khám phá ra lẽ đạo cứu rỗi là chỉ nhờ cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời thể hiện qua đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-Xu trên thập tự giá mà thôi, còn việc làm thánh thiện của tín hữu không cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn. Hơn nữa, Martin Luther quan niệm rằng Kinh Thánh là quyền tối thượng của tín hữu chớ không phải Giáo Hoàng. Martin Luther còn cho rằng Kinh Thánh không chỉ dành riêng cho nhóm tăng lữ, nhưng Kinh Thánh phải được phổ biến rộng rãi đến mỗi tín hữu. Các quan điểm của Martin Luther đều hoàn toàn mâu thuẫn với truyền thống của Công Giáo La Mã đã có hơn 15 thế kỷ qua là giáo dân đọc Kinh Thánh là phạm tội với Tòa Thánh Va-ti-can.

250px-life_of_martin_luther

Đến đời Giáo Hoàng Leo X (1513-1521) cần tiền để hoàn tất công tác tái thiết Quảng Trường Thánh Phê-rô ở La Mã. Giáo Hoàng bắt đầu đẩy mạnh việc buôn bán phiếu xá tội để gây ngân quỹ cho công tác này. Giáo Hoàng giao việc bán phiếu xá tội ở Đức Quốc cho Tổng Giám mục Albert, thuộc giáo phận Mainz. Số tiền thâu được trong việc buôn bán Phiếu Xá Tội chia cho Giáo Hoàng phân nửa.Tổng Giám mục Albert được giữ lại phân nửa để trả món nợ mà Tổng Giám Mục đã vay mượn của ngân hàng Fugger trước đây để mua chức Tổng Giám Mục cho mình. Tổng Giám mục Albert chỉ định tu sĩ Jean Tetzel thuộc dòng tu Dominic làm đại lý bán phiếu xá tội ở giáo phận Mainz, Đức Quốc.

Để bắt đầu công việc buôn bán, tu sĩ Tetzel vào các giáo đường, nhân danh Giáo Hoàng hứa rằng hễ ai mua phiếu xá tội sẽ được tha tội, tội lớn lẫn tội nhỏ đã phạm và sẽ phạm trong tương lai. Ai mua phiếu xá tội cho thân nhân quá cố thì linh hồn của họ đang bị đọa đày ở Luyện Ngục được lên thiên đàng ngay. Để cho việc buôn bán có thêm nhiều lợi nhuận, tu sĩ Tetzel quảng cáo rầm rộ khắp đường phố là ai mua phiếu xá tội của ông bán thì linh hồn của thân nhân ở Luyện Ngục được bay lên thiên đàng ngay, như bài thơ được truyền tụng trong thời đó là: “Tiền vàng rơi xuống thùng đây. Hồn trong hỏa ngục bay ngay thiên đàng” (As the coin into the coffer rings, the soul from purgatory springs).

Việc buôn bán phiếu xá tội và những lời quảng cáo láo khoét của tu sĩ Tetzel đến tai Linh mục Martin Luther, người đang cai quản một họ đạo giáp ranh với vùng Mainz. Linh mục Martin Luther vốn đã từng chống đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo Hoàng, vì người cho đó là việc làm ăn bất chính. Linh mục Martin Luther càng căm phẫn hơn khi nghe tu sĩ Tetzel quảng cáo phiếu xá tội có tánh cách lừa bịp giáo dân để thu lợi bất chính trên mồ hôi nước mắt của con chiên nghèo khổ. Ông liền viết một kháng nghị gồm có 95 luận đề. Đến ngày 31-10-1517, ông đem dán kháng nghị đó trên bản yết thị của đại thánh đường Wittenberg để phản đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo Hoàng. Đại ý của kháng nghị nói rằng Giáo Hoàng là người giàu nhất của những người giàu thì nên dùng tiền của mình để tái thiết công trường Thánh Phê-rô, thay vì đi bán phiếu xá tội lấy từ đồng từ cắt của con chiên nghèo khổ để tái thiết công trường này. Giáo Hoàng phải hoàn lại số tiền mà con chiên đã bị dụ dỗ mua phiếu xá tội. Việc buôn bán phiếu xá tội là việc làm ăn bất chính. Phiếu xá tội của Giáo Hoàng chẳng có quyền bôi xóa dầu một tội nhỏ xíu nào mà người ta đã phạm cùng Đức Chúa Trời. Giáo Hoàng cũng không có quyền tha tội. Người nào giảng dạy dùng phiếu xá tội để chuộc tội là sai lầm. Ai đặt niềm tin nơi phiếu xá tội là đặt niềm tin vào một tà thuyết vô ích. Người có tiền mà không dùng tiền mình để giúp người nghèo khổ mà lại dùng tiền đó để mua phiếu xá tội của Giáo Hoàng là mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời về cho mình.

Martin Luther gởi bản kháng nghị nói trên đến Tổng Giám mục Albert. Tổng Giám mục Albert liền chuyển bản kháng nghị đó đến Giáo Hoàng ở La Mã để xin Giáo Hoàng có biện pháp thích nghi đối phó với tu sĩ Martin Luther.

Đến năm 1518, quan tư pháp của Giáo Hoàng (papal inquisitor) là Silvester Prierias ban trác lệnh đòi Martin Luther qua La Mã hầu tòa, để chịu xét xử về tội phổ biến và giảng dạy tà thuyết.

Martin Luther bác bỏ trác lệnh đòi hầu tòa đó vì quan niệm rằng Kinh Thánh không bao giờ sai lầm, chỉ có Giáo Hoàng mới có thể sai lầm mà thôi.

Đến ngày 15 tháng 6 năm 1520, Giáo Hoàng Leo X ban hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Giáo lệnh này trưng ra 41 điều để cáo buộc Martin Luther dạy tà thuyết. Giáo lệnh bắt buộc Martin Luther phải thiêu hủy các sách mà ông đã viết để quảng bá lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin. Giáo lệnh cho Martin Luther 60 ngày để ăn năn. Nếu Martin Luther không ăn năn nội trong 60 ngày thì giáo lệnh đương nhiên có hiệu lực. Giáo lệnh còn cho phép chính quyền bắt Martin Luther giải giao về La Mã để Giáo Hội trị tội. Giáo lệnh khuyến cáo ai chứa chấp Martin Luther sẽ bị họa lây vào thân. Giáo Hoàng còn cho rằng: “Martin Luther là con heo rừng đang phá hoại vườn nho của Chúa.”

Để đối phó với giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo Hoàng Leo X, Martin Luther đem giáo lệnh dứt phép thông công ra đốt trước đám đông gồm có các giáo sư, sinh viên và dân chúng.

Martin Luther cho rằng: “đó là giáo lệnh khả ố của Antichrist.”

Martin Luther đốt giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo Hoàng là có mục đích để nói lên rằng Martin Luther hoàn toàn phủ nhận quyền hạn và chức vụ Giáo Hoàng, và cũng là một hành động để nói lên sự chấm dứt mối liên hệ giữa Martin Luther với Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Trước hết, nên biết thêm là trong thời cải chánh của Martin Luther, nước Đức đang bị chia ra gần 300 tiểu quốc. Ở mỗi tiểu quốc do một tiểu vương cai trị. Mỗi tiểu vương có một nền hành chánh và quân đội riêng của mình, các tiểu vương ở dưới quyền của Hoàng Đế của Đế Quốc La Mã Thánh (Holy Roman Empire). Trong lúc đó, Giáo Hội Công Giáo La Mã ở dưới quyền kiểm soát và kềm tỏa của Giáo Hoàng. Trong thời cải chánh, Charles V là Hoàng đế đương nhiệm của Đế Quốc La Mã Thánh. (Đế Quốc La Mã Thánh do vua nước Đức là Otto I cấu kết với Giáo Hoàng thành lập vào năm 962, bằng cách kết hợp nước Đức và nước Ý thành một khối. Đế Quốc La Mã Thánh bị Nã-phá-luân phá hủy năm 1806).

Giáo Hoàng Leo X không ngớt yêu cầu Hoàng đế Charles V thi hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Để thi hành giáo lệnh dứt phép thông công, Hoàng đế Charles V muốn nghe đôi bên tường trình quan điểm của mình. Đến ngày 17 tháng 4 năm 1521, Hoàng đế Charles V triệu tập hội nghị tại tỉnh Worms ở Đức Quốc, để nghe Martin Luther và viên tư pháp của Giáo Hoàng tường trình các quan điểm của đôi bên. Hội nghị này có nhiều thành phần tham dự, Hoàng đế Charles V ngồi ở giữa phòng họp, xung quanh hai bên là những hàng ghế của các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các sứ thần của Giáo Hoàng và các khâm sai cùng đại biểu của các nước Âu Châu phái đến tham dự.

Để mở đầu hội nghị, viên tư pháp của Giáo Hoàng đứng lên chỉ tay vào hơn 20 quyển sách của Martin Luther để trên bàn, rồi hỏi Martin Luther rằng: “Có phải ngươi là tác giả của các sách này không? Ngươi có bằng lòng thủ tiêu các quyển sách đó cùng các quan điểm chứa đựng trong các sách đó không?”

Martin Luther đứng lên giữa phòng hội dõng dạc công nhận ông là tác giả của các sách đó.

Rồi ông bình tĩnh đưa ra các lý do khiến ông không thể thủ tiêu các sách đó được vì nghĩ rằng ông không thể để cho Giáo Hoàng hay là các Giáo Hội Nghị có quyền xét đoán niềm tin của mình. Nếu ai muốn thay đổi quan điểm của ông thì phải chỉ cho ông biết điểm nào sách ông nói không đúng với Kinh Thánh.

Qua ngày sau, hội nghị tái nhóm và biểu quyết nghiêm cấm lưu hành các sách của Martin Luther, thu hồi quyền công dân của Martin Luther và đặt Martin Luther ra ngoài vòng pháp luật. Bởi cấm lệnh này, số phận của Martin Luther như chỉ mành treo chuông, vì phe phái của Giáo Hoàng có thể ra tay sát hại Martin Luther bất cứ lúc nào.

Trong nhóm người ủng hộ Martin Luther có tiểu vương Frederick, vị tiểu vương này nhận thấy Martin Luther không thể sống an toàn với cấm lệnh của hội nghị Worms. Nên tiểu vương Frederick tổ chức bắt cóc Martin Luther đem giấu trong lâu đài Wartburg ở gần Eisenach, Đức Quốc.

Trong lúc Martin Luther đang ẩn náu ở lâu đài Wartburg thì bên ngoài có giáo sư Philip Melanchthon và Andreas Carlstadt thay thế Martin Luther tiếp tục lãnh đạo và đẩy mạnh cuộc cải chánh lan tràn trên khắp nước Đức.

Martin Luther ẩn náu trong lâu đài Wartburg được 10 tháng – từ tháng 4 năm 1521 đến tháng 2 năm 1522. Trong thời gian này Martin Luther viết nhiều sách nhỏ để phổ biến quan điểm cải chánh khắp nơi trong nước Đức. Ông cũng dùng thời gian này để dịch Kinh Thánh Tân Ước từ tiếng Hy Lạp qua Đức ngữ. Nhờ bản dịch này, dân chúng Đức biết được lẽ thật của Lời Chúa mà gia tăng lòng ủng hộ và mong sao cho cuộc cải chánh sớm thành công. Cũng trong thời gian này, ở Wittenberg có một số người theo cải chánh quá khích, muốn chấn chỉnh Giáo Hội Công Giáo La Mã bằng bạo động. Họ xúi giục sinh viên xông vào các giáo đường đang lúc hành lễ Mi-sa, đập bể hình tượng, dẹp bỏ các bàn thờ, bài xích việc làm lễ báp-têm cho trẻ sơ sanh. Khi Martin Luther hay sự việc xảy ra ở Wittenberg thì lo sợ việc dùng bạo lực để cải chánh sẽ làm cho chánh quyền và giáo quyền có duyên cớ dùng vũ lực đàn áp thì phong trào cải chánh sẽ bị tiêu diệt, khó thành công được. Martin Luther liền tức tốc rời lâu đài Wartburg để trở về Wittenberg ngay. Martin Luther vẫn biết rằng ông có thể bị giáo quyền và chánh quyền bắt ông ở Wittenberg để thi hành bản án của hội nghị Worms. Nhưng Martin Luther nương cậy vào sự bảo vệ của cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời nên ông không ngần ngại trở lại Wittenberg. Martin Luther về đến Wittenberg nhằm ngày Chúa nhật. Ông vào giáo đường giảng dạy tám ngày liên tiếp. Ông bài bác các bạo động quá khích có phương hại đến cuộc cải chánh ôn hòa mà ông đang chủ trương. Lời giảng dạy của Martin Luther có sức mạnh cảm hóa được thành phần quá khích, lập lại được trật tự và chấn chỉnh lại các nghi thức thờ phượng thích hợp với chiều hướng mới của công cuộc cải chánh.

bill2_event_det_177

Vào năm 1521, Giáo Hoàng Leo X qua đời, đến năm 1522 Giáo Hoàng Hadrian VI lên kế vị.

Giáo Hoàng Hadrian VI lên ngôi được một năm rồi cũng qua đời. Đến năm 1523, Giáo Hoàng Clement VII lên kế vị.

Vào tháng 12 năm 1524, Martin Luther cởi áo thầy tu trả lại nhà dòng để trở lại đời sống “phàm tục.” Đến ngày 27 tháng 6 năm 1525, Martin Luther thành hôn với nữ tu sĩ hồi tục tên Catherine von Vora. Hôn lễ cử hành tại thánh đường Wittenberg dưới sự chủ lễ của Mục sư Pomeranus. Ông bà Martin Luther chung sống với nhau có được 2 người con trai và 3 người con gái, và còn nuôi thêm 11 em cô nhi trong nhà.

Trong thời gian trở lại sống ở Wittenberg, Martin Luther tiếp tục làm giáo sư và giảng sư ở Viện Đại Học Wittenberg. Ông vẫn tiếp tục viết sách để phổ biến quan điểm cải chánh của mình. Hơn nữa, Martin Luther đã hoàn tất việc phiên dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra Đức ngữ.

Trong thời gian này, Giáo Hoàng không ngớt gây sức ép để bắt buộc Hoàng đế La Mã thi hành cấm lệnh Worms là thiêu sống Martin Luther như Giáo Hội Công Giáo La Mã đã từng làm đối với những người dám lên tiếng chống lại những giáo lý bất hợp kinh của Giáo hội Công Giáo La Mã. Trong số người bị thiêu sống đó có tu sĩ John Huss (1369-1415) đã bị Toà Án Dị Giáo của Giáo Hoàng kết án tử hình bằng cách thiêu sống vì đã dám chỉ trích những sai lầm của Giáo Hội Công Giáo trước đó hơn một thập niên. Sở dĩ, Hoàng đế Charles V không thể thực hiện được lời yêu cầu của Giáo Hoàng về việc thi hành cấm lệnh Worms đối với Martin Luther. Vì trong thời gian này, Hoàng đế La Mã thường có chiến tranh với các nước lân bang nên ngài rất cần các tiểu vương cải chánh ở Đức hỗ trợ về mặt quân sự khi gặp cơn nguy biến. Hơn nữa, việc thi hành cấm lệnh Worms cũng có thể gây ra sự chia rẽ giữa nhóm giáo dân theo phong trào Cải Chánh và nhóm giáo dân theo Giáo Hội Công Giáo La Mã. Hoàng đế e rằng sự chia rẽ có thể đưa đến một cuộc nội chiến khó tránh khỏi. Nhờ vào tình huống này mà Martin Luther khỏi bị thiêu sống. Ông sống thêm 25 năm nữa ở Wittenberg để lèo lái công cuộc cải chánh.

Vào những năm cuối của cuộc đời, Martin Luther thường đau ốm luôn, nên qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1546 tại quê nhà. Martin Luther hưởng thọ được 63 tuổi.

Trong thời gian từ hội nghị Worms (1521) cho đến khi Martin Luther qua đời (1546), Hoàng đế La Mã Charles V đã triệu tập nhiều hội nghị để nhóm Cải Chánh của Martin Luther và Giáo Hội Công Giáo La Mã hòa giải các dị biệt về niềm tin của đôi bên. Mục đích của Hoàng đế là lôi kéo phe Cải Chánh quay trở lại Giáo Hội Công Giáo La Mã và thuận phục Giáo Hoàng. Nhưng các hội nghị đó chẳng mang lại kết quả cụ thể nào. Hai bên càng tranh luận càng cách biệt nhau nhiều hơn.

Hoàng đế Charles V nhận thấy nghị đàm không thuyết phục được phe Cải Chánh, nên ngài quyết định dùng binh lực hùng mạnh của mình để tiêu diệt phe Cải Chánh ở Đức. Đến năm 1550, Hoàng đế La Mã xua quân qua Đức, đánh chiếm và triệt hạ các thành trì của các tiểu vương theo phe Cải Chánh. Trong vòng một năm đầu mà chỉ có thành Magdebourg còn đứng vững trước các cuộc tấn công của quân Hoàng đế Charles V. Sau nhiều cuộc tấn công thành Magdebourg thất bại, Hoàng đế Charles V bèn giao việc bao vây và triệt hạ thành Magdebourg cho Maurice, một tiểu vương của nước Đức, trước đó có lần đã theo phe Cải Chánh.

Trong lúc bao vây thành Magdebourg, tiểu vương Maurice cảm thấy mình không nên tiếp tục ủng hộ Hoàng đế La Mã để cho quân ngoại quốc giày xéo đất nước mình và chà đạp lên quyền tự do tín ngưỡng của dân tộc mình. Nên tiểu vương Maurice quyết định quay lại đánh Hoàng đế La Mã. Với sự hỗ trợ của Hoàng đế Pháp là Henry II và tàn binh của phe Cải Chánh. Tiểu Vương Maurice tiến đến vây đánh Hoàng đế La Mã Charles V làm cho Hoàng đế phải thua chạy trốn qua nước Áo. Sau đó, quân Cải Chánh làm chủ được tình hình của toàn thể nước Đức.

Đến năm 1552, tiểu vương Maurice và đồng minh Cải Chánh nhận thấy thế lực của Hoàng đế La Mã càng ngày càng suy yếu. Nên họ gởi văn thư yêu cầu Hoàng đế phải bãi bỏ các cấm lệnh, cho họ được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời theo lời dạy trong Kinh Thánh và cho Giáo Hội Cải Chánh được bình đẳng với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Vì yếu thế, Hoàng đế Charles V đành phải ưng thuận ký hoà ước tại Passau, cho Giáo Hội Cải Chánh được các quyền lợi theo như lời yêu cầu.

Đến năm 1555, một hội nghị được triệu tập tại Augsburg. Trong hội nghị này phe Cải Chánh yêu cầu Hoàng đế Charles V cho họ được tự do tín ngưỡng vô điều kiện, thừa nhận Giáo Hội Cải Chánh là hợp pháp và được bình đẳng với Giáo Hội Công Giáo La Mã trên mọi phương diện. Hoàng đế Charles V nhận thấy uy quyền của mình không còn hùng mạnh như xưa nữa, nên Hoàng đế phải hạ bút ký hòa ước vào ngày 25 tháng 9 năm 1555, theo như sự đòi hỏi của Giáo Hội Cải Chánh. Hoà ước này thường được gọi là Hoà ước Augsburg.

images

Hội nghị Augsburg cũng đưa ra một biểu quyết chung cho Giáo hội ở Đức là tiểu vương nào theo Giáo Hội Cải Chánh thì toàn dân của tiểu quốc đó phải theo Giáo Hội Cải Chánh. Tiểu vương nào theo Giáo Hội Công Giáo La Mã thì toàn thể dân chúng của tiểu quốc đó phải theo Giáo Hội Công Giáo La Mã. Người dân có quyền di cư qua vương quốc mà mình chọn lựa để sinh sống thích hợp với tín ngưỡng của mình. Giáo Hội Cải Chánh được thật sự tự do hành đạo từ khi có hoà ước Augsburg này.

Đuốc Thiêng 103   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn