Tôi nhận được một email, từ một người chưa hề quen biết, cho đến bây giờ cũng không biết ở đâu, làm gì. Chào Mục sư Thật đường đột khi viết email này, mong Mục sư không phiền vì một người yêu mến Mục sư. Thật tình cờ HThanh được đọc bài viết của Mục sư khi một Mục sư chia xẻ trên facebook. Lần đầu đọc với một chút mến thương, thấu hiểu vì HThanh cũng đã trải qua những “biến động của cuộc đời” như Mục sư. Sáng nay lại tình cờ đọc SÁCH CŨ của Mục sư, HThanh thấy lòng mình hiểu thêm về một Mục sư tài hoa đang đối diện với những nghịch cảnh trong đời, nói như than, nhưng không phải vậy, là tự bạch, nói đến những điều Mục sư đang đối diện… mà lòng vẫn luôn thuận phục, tin cậy nơi Ngài. HThanh bị cuốn hút và vào SỐNG ĐẠO để đọc thêm những bài viết ngắn của Mục sư, đọc mà nước mắt không ngừng chảy, rất nhiều bài, nhiều nhất là THƯ VIẾT CHO NGƯỜI. Xin Chúa an ủi Mục sư, khi sự chịu đựng đã đủ, khi Chúa dùng hoàn cảnh để hạ lòng Mục sư đã đủ… thì Ngài sẽ đội mũ cho Mục sư, mở cửa để Mục sư có thể ra đường, bước đi để tìm những vẻ đẹp của hoa cỏ, của đất trời sông hồ. Nhất định là như vậy! Xin Chúa thêm sức cho Mục sư. Blessings Bức thư làm tôi muốn chảy nước mắt. Tôi biết ở đâu đó, vẫn có người đọc tôi, cảm thông tôi, bức thư nhắc nhở tôi rằng anh em tôi đâu đó, cũng đã từng chiến đấu như tôi, vẫn còn đang chiến đấu như tôi, trên những mặt trận khốc liệt khác nhau. Tôi vào Da Màu, tờ báo văn chương điện tử mà tôi cộng tác nhiều năm nay, đọc một bài tự sự của nhà văn Trần Hoài Thư, ông kể câu chuyện ông phải chăm sóc vợ bị đột quị đang nằm trong nursing home, căn bệnh ngày càng biến chứng nặng nề hơn và những đau đớn tinh thần ông phải gánh chịu khi đối diện với căn bệnh của bà nặng nề hơn so với những nhọc mệt về thể xác. Đoạn ông mô tả nửa đêm lái xe ra ngoài đường tìm quán rượu vì chịu không nổi sự cô đơn và nỗi đau cũng làm tôi muốn chảy nước mắt. Tôi muốn viết một dòng đồng cảm với ông nhưng viết đi viết lại vài lần rồi bỏ, không gởi đi. Tôi biết ở đâu đó vẫn có những người có cùng hoàn cảnh như tôi, có khi còn đau lòng hơn. Buổi trưa, trong nỗi buồn, và đau, tôi mở cửa, ra đường, không đội mũ, đầu trần, nhìn qua bên kia đường nhà hàng xóm thấy một cây hoa nở hoa hồng, bèn chụp, và nhủ lòng, hồng một chút, cho bớt xám. Đêm qua nhà tôi co giật, cong quắp, từ 1 giờ đến khoảng 4 giờ sáng, trong ánh sáng lẻ loi của ngọn đèn ngủ tôi tránh nhìn đôi mắt mở to, thất thần, nhìn tôi mà không thể nói. Tôi nhìn lên trần phòng, như nhìn Chúa trên cao. Dạo sau này tôi chỉ còn có thể nói với Chúa, ôi Chúa xin Ngài thương xót, mà không thể nói gì hơn. Tôi dường như nghe tiếng Chúa nói với Phao-lô: ân điển ta đã đủ cho ngươi rồi. Có phải vậy không Chúa, con hy vọng là không phải. Ân điển là đủ, nhưng sự thương xót vẫn đợi chờ. Tôi thấy mình giống Trần Hoài Thư, tìm cách ra khỏi nhà, dù đôi khi chỉ chạy một vòng, chạy về gần tới nhà lại quay ngược xe lại chạy một vòng nữa, chẳng để làm gì và cũng chẳng thể nghĩ được gì nhưng chỉ vì không muốn đối diện với hình ảnh mà mình không muốn đối diện. Tôi đã cố gắng tập đối diện với nó nhưng có đôi khi thấy mình muốn chạy trốn nó. Trong những nỗi đau con người, thì người có Chúa hay không có Chúa cũng cùng một nỗi đau, chỉ có khác vì niềm tin và sự trông cậy. Tôi mở lại 1 Phi-e-rơ 1:6-7, đọc lại câu Kinh Thánh thỉnh thoảng chạy về trong trí Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra. Tôi nhìn lên cây hoa đang trổ hồng, và bỗng dưng đưa tay che miệng ngáp, ngáp đến sái quai hàm. Đêm qua không ngủ được nhiều nên buồn ngủ quá. Ngáp là ngáp thế thôi, chứ ngủ thì không thể ngủ đâu, còn phải làm rất nhiều việc đây, dù sao thì một chút hồng trong trời cũng làm cho màu xám trong lòng tôi vơi bớt đi, thêm một chút năng lực để chiến đấu, dĩ nhiên nói là nói trên phương diện tình cảm con người, chứ còn trong đức tin thì hoàn toàn trông cậy Chúa. Chớ có vội ném đá Mục sư 🙂 🙂 Mục sư Lữ Thành Kiến https://www.youtube.com/watch?v=Q447YcAbFwo
|