Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Vách Tường và Những Cổng Thành Giê-ru-sa-lem

Vách Tường và Những Cổng Thành Giê-ru-sa-lem

Mục sư Nguyễn Duy Tân, © 2017  TinLanhLibrary.com

dt1

Chắc ai trong chúng ta cũng đều học biết về công trình xây sửa vách tường thành Giê-ru-sa-lem của Nê-hê-mi và những người đồng công với ông. Khi được đến viếng cổ thành Giê-ru-sa-lem và nhìn thấy vách thành, chúng tôi mới biết rằng đây là một công tác đầy thách thức cho họ, dù lúc Nê-hê-mi làm việc đó thì chu vi của thành nhỏ hơn ngày nay rất nhiều. Nhưng dù sao, để có những bức tường thành chắc chắn, đủ sức chống lại những cuộc tấn công của kẻ thù, người ta xây vách rất cao và dày, trung bình cao 12 thước tây và dày từ 2 đến 3 thước! Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe nói vách thành dày như thế, nhưng khi nhận thấy vách bên ngoài của các nhà hội cổ cũng đã có bề dày 1 thước rưởi rồi, nên hiểu vách tường thành 2-3 thước bề dày là chuyện bình thường, vì bên trên phải đủ rộng để lính canh có thể đi qua đi lại hay chạy tới chạy lui khi chiến đấu, và đôi khi còn phải di chuyển những dụng cụ chiến tranh nặng nề. Người ta cũng dùng những hòn đá to và nặng, từ vài chục đến vài trăm kí-lô để xây thành! Nê-hê-mi và dân sự của ông chỉ mất có 52 ngày mà sửa xong toàn bộ vách thành lên tới phân nửa chiều cao, thật là một công trình và những cố gắng đáng nêu gương phục vụ Chúa cao độ cho chúng ta, nhất là họ vừa xây dựng vừa phải thay phiên nhau lo việc canh giữ!

Vách thành quan trọng vô cùng cho sự an ninh của vua và dân, vì ngày xưa người ta chỉ sống bên trong vách thành để cảm thấy được an toàn, nhất là dân thành Giê-ru-sa-lem đã trải qua không biết là bao nhiêu lần bị kẻ thù tấn công. Vì cớ đó vách thành Giê-ru-sa-lem nhiều lần đã được xây lại và càng ngày càng được mở rộng ra theo nhu cầu phát triển dân số. Được biết, trước đây chỉ có160 năm, dân chúng thành Giê-ru-sa-lem hoàn toàn sống bên trong cổ thành chật chội và không ai dám ra bên ngoài để xây nhà riêng để ở. Những người thử làm điều đó đều bị quân cướp đến tấn công lúc ban đêm, nên đến năm 1860 thì mới có những chương trình xây chung cư bên ngoài thành với hàng rào kiên cố và có quân đội bảo vệ. Vách thành luôn tượng trưng cho sự an ninh của đời sống và là hình ảnh của sự che chở của Chúa trong đời sống thuộc linh của chúng ta trước những đòn tấn công của ma quỷ. Đa-vít nói: “Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi…” (Thi. 91:2).

Chúng ta chú ý thấy ngoài việc xây sửa vách thành, Nê-hê-mi cũng sửa lại các cổng và cửa thành là những địa điểm rất quan trọng trong việc bảo vệ thành phố. Người Do thái rất khôn khéo khi xây cổng thành là nơi mà kẻ thù thường đánh phá khi tấn công. Cổng thành thường có cửa bằng gỗ hay bằng đồng, thật cao, dày, và chắn chắn. Khi kẻ thù phá được cửa thì không thể ào vào dễ dàng vì nhiều cổng có hình chữ L. Đi thẳng vào, họ bị chận lại bởi một vách tường kiên cố và bắt buộc phải quẹo trái. Nơi địa điểm chật hẹp đó, họ phải chiến đấu rất khó khăn chống lại những chiến sĩ thiện nghệ với khả năng đặc biệt là thuận tay tả, cầm gươm chiến đấu với họ bằng tay tả.

dt2

Lúc Nê-hê-mi sửa chữa vách tường thành thì thành có 10 cổng vào. Một số cổng vẫn còn cho đến ngày nay. Mỗi cổng đều có tên riêng và có ý nghĩa thật đặt biệt cho đời sống thuộc linh của chúng ta. Vì vậy chúng ta nên cố gắng sửa lại những cổng nầy khi muốn điều chỉnh lại đời sống đang đổ nát của gia đình hay Hội Thánh chúng ta.

1. Cổng Chiên (Sheep Gate, cũng được gọi là Cổng Sư Tử, Lion Gate, Nêh. 3:1). Cổng nầy là cổng đầu tiên mà Nê-hê-mi nói đến. Trách nhiệm xây sửa được giao cho thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-síp, vì cổng nầy là nơi người ta mang chiên sinh tế vào để được dâng tại đền thờ. Ngày nay, để vào Cổng Chiên chúng tôi phải đi lên một con đường dốc thật khó khăn. Cổng nầy hiện nay đưa chúng tôi vào khu vực dành cho người Hồi giáo và dẫn tới khu vực đền thờ và con đường Thống khổ, Via Dolorosa. Cổng nầy nhắc chúng ta về Chiên Con của Đức Chúa Trời, đã đổ huyết ra mua chuộc tội lỗi chúng ta. Ngài là Sư Tử Giu-đa, là Vua dân Giu đa, và Vua của chúng ta. Cổng nầy nhắc chúng ta về thập tự giá, về sự hy sinh của Con Đức Chúa Trời, là trung tâm điểm của Phúc Âm mà chúng ta truyền bá. Ngài là cánh cửa đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu (Giăng 10:9 – “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi…” Ngài là thầy Tế Lễ Thượng phẩm đang cầu thay cho chúng ta. Nếu đời sống chúng ta không có Chúa làm Chủ, hãy sửa lại Cổng Chiên khi chúng ta xây lại vách thành đổ nát trong đời sống mình.

2. Cổng Cá: (Nêh. 3:3) Cổng nầy là nơi các người đánh cá mang cá vào thành để bán. Sau nầy Cổng Cá đã được xây lại và mang tên khác là Cổng Đa-mách (Damascus Gate) là cổng được cho là đẹp nhất nằm về phía Bắc, gần con đường dẫn đến mộ Chúa. Cá là hình ảnh của những con người đang hụp lặn trong bể trầm luân mà chúng ta có trách nhiệm mang họ về cùng Chúa. Cổng nầy nhắc chúng ta lời kêu gọi của Chúa Giê-su “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các con nên tay đánh lưới người.” (Mác 1:17) Nếu đời sống hầu việc Chúa của bạn hay của hội thánh bạn thiếu công tác truyền bá Phúc Âm, hãy nhớ rằng khi xây lại vách thành, nên sửa lại cái Cổng Cá nầy nhé!

dt3

3. Cổng Cũ (Old Gate, Nêh. 3:6): Cổng nầy không phải là con đường dẫn đến đời sống cũ, không! Cái cũ đây là Tin Lành Cũ, là những Lẽ đạo Cũ mà chúng ta đã học từ xưa, mà chính miệng Chúa Giê-su và các Sứ đồ giảng dạy (2Tê-sa. 2:15). Chúng ta phải cẩn thận với cái gì mới, “những mặc khải mới” mà Lời Chúa không nói đến, và coi chừng đó là Tin lành mới hay tà giáo. Cũng đừng chạy theo bất cứ “phương cách mới” nào mà không được  Kinh Thánh hậu thuẫn để phát triển công việc Chúa. Ví dụ như là chạy ra nước ngoài tìm kiếm tiền trước rồi mới lập kế họach xây dựng nhà Chúa, là cách không đặt nền trên đức tin nhưng trên tiền bạc là nền không bền vững. Nếu những cái mới đã làm cho vách tường đời sống ta hay hội thánh ta đổ vỡ, thì khi xây lại vách thành nên nhớ sửa lại cái Cổng Cũ nầy!

4. Cổng Rác (Dung Gate, Nêh. 3:13,14 và 12:31). Phía Nam của vách thành Giê-ru-sa-lem có cái Cổng Rác nầy, ngày nay thì rất đẹp, nhưng ngày xưa chỉ là cái cổng nhỏ, nơi mà người ta mang rác rến, đồ dơ, xác chết thú vật ra ngoài thành, nơi có một đống rác lớn để đổ hoặc đốt bỏ. Mác 7:20-23. Đời sống quý ông bà anh chị em cần có cái cổng nầy, nếu không thì những rác rến, những vật ô uế chồng chất trong đời sống sẽ sinh ra bệnh hoạn cho sức khoẻ thể xác và thuộc linh, cũng như đời sống quý anh chị em thay vì bay ra mùi thơm của Phúc Âm thì lại bốc lên mùi hôi thối của tội ác trước mặt Chúa và mọi người chung quanh!

dt4

5. Cổng Trũng hay Cổng Thung Lũng (Valley Gate, Nêh. 3:13) Cổng nầy đưa người dân đi xuống thung lũng. Nó nhắc chúng ta Thi. 23:4 “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết…” Con đường theo Chúa của chúng ta thường đưa chúng ta vào những thung lũng của thử thách, gian nguy, nhưng chỉ khi nào có đi ngang qua những nơi đó chúng ta mới được trưởng thành và kinh nghiệm được sự gìn giữ và gần gũi với Chúa! Cổng Trũng cũng nhắc nhở chúng ta phải có đời sống hạ mình, khiêm nhượng trong tâm trí và trong tấm lòng. Muốn đến gần Chúa để được Ngài sử dụng, phải hạ mình xuống vì Ngài luôn chống cự và không dùng kẻ kiêu ngạo.

6. Cổng Suối (Fountain Gate, Nêh. 3:15 và 12:37). Cổng nầy nằm gần Ao Si-lô-ê nơi Chúa chữa lành cho người bại 38 năm. Cổng Suối nhắc chúng ta về Đức Thánh Linh, Ngài là suối nước mang đến sự tẩy sạch và tươi mát cho đời sống chúng ta, là Đấng an ủi và chữa lành, là nguồn năng lực và khôn ngoan, giúp chúng ta có khả năng vâng theo Lời Chúa và nhận được ơn tứ để phục vụ Ngài (Giăng 7:30-38).

7. Cổng Nước (Water Gate, Nêh. 3:26, 27 và 8:1) Nước luôn luôn là hình ảnh của Lời Chúa. Lời Chúa là nguồn nước sống cho chúng ta. Lời Ngài rửa sạch lòng chúng ta, thánh hóa chúng ta (Êph. 5:26,27). Hãy hợp tác với Đức Thánh Linh mời gọi mọi người đến nhận lấy Nước Sống mà Đức Chúa Giê-xu ban cho cách nhưng không (Giăng 4:10-13, Khải. 22:17). Điểm đặc biệt là Cổng Nước là cổng duy nhất không cần Nê-hê-mi chỉnh sửa! Cổng Nước là địa điểm duy nhất trong vách thành còn đứng vững! Muốn xây lại vách thành bị sụp đổ trong đời sống, chúng ta hãy đứng trên Lời bền vững của Đức Chúa Trời!

dt5

8. Cổng Ngựa (Horse Gate, Nêh. 3:28). Cổng nầy nằm gần chuồng của ngựa chiến. Con ngựa luôn tượng trưng cho chiến tranh nên nhắc nhở chúng ta về cuộc chiến không ngừng chống lại quyền lực của tối tăm (Êph. 6:12, 2Ti-mô-thê 2:3). Muốn xây dựng lại những đổ nát trong đời sống cá nhân và chức vụ, chúng ta phải luôn cầu nguyện và nhờ quyền năng của Chúa Cứu Thế để chiến đấu với ma quỷ. Muốn luôn đắc thắng, chúng ta hãy xây lại Cổng Ngựa trong đời sống mình!

9. Cổng Hướng Đông (East Gate, cũng có tên là Cổng Vàng, Golden Gate). Đây là cái cổng lớn và đẹp, nên cũng có tên là Cổng Đẹp, nhưng không phải Cổng Đẹp nơi Phierơ chữa lành cho người què. Cổng nầy quay về hướng Đông, là hướng của núi Ô-li-ve và vườn Ghết-sê-ma-nê xinh đẹp. Cổng nầy nằm ngay con đường dẫn vào đền thờ Sa-lô-môn mà Hê-rốt đại đế đã xây lại trong thời Chúa Giê-xu đang sống. Cổng xoay về hướng mặt trời mọc nên tượng trưng cho ngày mới, tượng trưng cho hy vọng. Cổng nầy nhắc nhở chúng ta trông đợi những gì tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc đời theo Chúa của chúng ta, khi mọi thử thách và bệnh tật không còn nữa, và Mặt Trời Hy vọng của chúng ta sẽ trở lại. Theo truyền thống của người Do-thái và dựa theo lời tiên tri (Xa-cha-ri 14:4), họ tin rằng khi Đấng Mê-sia đến, Ngài sẽ giáng xuống và đứng trên núi Ô-li-ve. Vì vậy, từ xưa một phần rộng lớn phía Nam của núi Ô-li-ve đã trở thành nơi chôn cất của những người Do-thái có đức tin trông chờ Đấng Mê-sia hiện đến và khiến họ sống lại. Họ tin rằng khi Ngài đến thì sẽ vào thành Giê-ru-sa-lem qua Cổng Hướng Đông hay Cổng Vàng nầy. Vì biết được truyền thống đó, người Hồi Giáo từ Thế Kỷ thứ 7 đã nhiều lần dùng đá xây bít kín cái cổng nầy lại (xem hình), với ý nghĩ thật kỳ quặc là không cho Đấng Mê-sia đi vào thành qua cổng nầy! Quân viễn chinh của Giáo Hội Công Giáo (Crusaders) nhiều lần chiếm thành đã phá đá để khai thông cổng nầy ra (Thế Kỷ thứ 10, thứ 11 và nhiều lần trong Thế Kỷ thứ 13). Nhưng sau khi quân Hồi Giáo nhiều lần tái chiếm thành thì lại dùng đá xây kín nó lại cũng vì ý nghĩ đó. Và lần cuối quân Hồi Giáo đã xây kín lại là cách đây 450 năm. Cổng Vàng vẫn còn bị bít kín không ra vào được cho đến ngày nay! Người Hồi Giáo còn cho phép tín hữu của họ dùng vùng đất bên ngoài cổng thành như một khu nghĩa trang, vì họ nghĩ rằng Đấng Mê-si-a nếu có đến cũng sẽ không đi ngang qua vùng đất ô uế để vào thành! Năm 1967, khi quân đội Do thái tái chiếm thành Giê-ru-sa-lem, thì họ bị Liên Hiệp Quốc bắt buộc phải chia cho người Hồi giáo 1/4 của cổ thành Jerusalem thuộc về phía Đông, trong đó có vách tường thành phía Đông nầy và đền thờ Hồi Giáo nằm ngay địa điểm của đền thờ Sa-lô-môn. Vì cớ đó, Cổng Hướng Đông (Cổng Vàng) nầy vẫn chưa được khai thông. Nhưng người Do-thái không màng, vì họ tin rằng Đấng Mê-si-a đầy quyền năng sẽ vào thành ngõ khác! Dù sao thì Cổng Vàng nhắc chúng ta phải có lòng kiên trì trông đợi trong sự hy vọng chắc chắn về sự trở lại của Đấng Mê-si-a tức là Chúa Cứu Thế của chúng ta (Giăng 14:3). Chỉ khi có hy vọng đó chúng ta mới có thề giữ vững được niềm tin, chấp nhận mọi thử thách, gian khổ, và bắt bớ để có thể tiếp tục xây dựng Nhà Ngài.

10. Cổng Thầy (Master Gate, cũng có tên là Cổng Khảo sát, Examination Gate). Cổng nầy nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên ngồi xuống kiểm điểm lại đời sống mình, ngừng lại mọi công việc để đánh giá sự hầu việc Chúa của mình, xem có điều nào sai trật không? Chúng ta đang làm mọi sự vì Chúa hay vì mình? Chúng ta đang tìm kiếm lợi riêng hay lợi ích cho Nhà Chúa? Đang tìm danh vọng hay sự vinh hiển cho Ngài?… Thà rằng hôm nay chúng ta đánh giá chính mình để điều chỉnh lại. Nếu không thì ngày kia, khi đứng trước mặt Chúa, những công khó của chúng ta sẽ bị mang ra xét nghiệm bằng lửa và có thể chỉ còn lại một đống tro tàn! (1Côr. 3:13).

Chúng ta nên tự nhắc lại, những cái Cổng nầy bắt đầu từ Cổng nào? – từ Cổng Chiên, tức là thập tự giá, nơi đó Chiên Con của Đức Chúa Trời đã chết thay cho chúng ta. Khi đi một vòng thành Giê-ru-sa-lem, chúng ta bắt đầu từ Cổng Chiên (Nêh.3:1) và cũng trở lại Cổng Chiên (Nêh. 3:32). Mọi sự phải bắt đầu và kết thúc tại thập tự giá. Mọi công tác phải được so sánh với công việc của Đấng Christ trên thập tự giá để chúng ta thấy được công việc, hay những cố gắng của chính mình có giá trị trước mặt Ngài hay không!

Cầu xin Chúa giúp chúng ta, dù là tín hữu hay tôi tớ Chúa, đều cố gắng xây lại cho chắc chắn vách thành và các cổng thành trong đời sống cá nhân, gia đình, và hội thánh để có thể bảo vệ cách hữu hiệu gia đình mình và hội thánh Chúa trước những đòn tấn công ngày càng ác liệt từ ma quỷ. Amen!

dt6

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn