Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / GIÁO SƯ, ĐẤNG CHỮA LÀNH VÀ CỨU CHÚA

GIÁO SƯ, ĐẤNG CHỮA LÀNH VÀ CỨU CHÚA

Bài trước:
https://huongdionline.com/2017/05/25/new-testament-32/ 

“Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của họ, bèn phán rằng: Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.” (Lu-ca 5:20)

Jesus heals par
Chúa Jesus được mọi người mến chuộng khi Ngài khởi sự thi hành các mục vụ trong năm đầu tiên của chức vụ. Luôn có một đám đông đi theo Chúa để được nghe giảng dạy, chữa lành bệnh tật và nhìn thấy các phép lạ. Hãy tưởng tượng là bạn và tôi có mặt trong đoàn dân đông đi theo Chúa Jesus. Chúng ta sẽ học được gì từ Chúa?

Chúa Jesus là một giáo sư. Đoàn dân đông đi theo Chúa Jesus với những động cơ khác nhau. Có người đi theo vì hiếu kỳ muốn xem các phép lạ, có người muốn được Chúa chữa lành. Một số đi theo vì khao khát lẽ thật. Trong khi đó các thầy thông giáo và người Pha-ri-si có mặt trong đoàn dân đông để theo dõi Chúa, soi mói và tìm cách bắt lỗi Ngài. Kinh Thánh ghi: “Đức Chúa Jêsus đang dạy dỗ.” (Lu-ca 5:17) và “Ngài giảng đạo cho họ nghe.” (Mác 2:2). Như vậy chúng ta thấy Chúa giải thích và chờ đợi mọi người áp dụng sự dạy dỗ của Ngài. Nếu chúng ta đến với Chúa bằng một tấm lòng chuẩn bị đón nhận, khi ấy chúng ta có thể học và áp dụng các bài học Ngài dạy. Nếu chúng ta vâng theo lời Chúa dạy, phước hạnh sẽ được gia bội trên đường chúng ta đi. “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Mat. 5:6)

Chúa Jesus là Đấng chữa lành. Kinh Thánh nói về Ngài: “quyền phép Chúa ở trong Ngài để chữa lành các bịnh.” (Lu-ca 5:17). Trong Lu-ca chương 5 kể một câu chuyện về một người bại được những người thân khiêng đến. Người bại này được Chúa chữa lành vì những người khiêng bệnh nhân có đức tin nơi Chúa. Tuy nhiên, chúng ta đọc thấy Chúa Jesus không làm nhiều phép lạ ở Na-xa-rét là quê hương của Ngài: “Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin.” (Ma-thi-ơ 13:58). Sự vô tín cản trở các phép lạ. Khi chúng ta đi đến buổi nhóm của hội thánh với một đức tin mở ra trông đợi Chúa làm phép lạ, lúc ấy phép lạ sẽ xảy ra trên chính chúng ta. Còn nếu đến với hội thánh để thờ phượng Chúa với một cái nhìn nghi ngờ và những ý tưởng phê phán chỉ trích điều này điều kia, lúc đó vô hình trung chúng ta đang cản trở công việc của Đức Thánh Linh. Những người có đức tin khi khiêng người bại đến với Chúa. Đám đông cản trở không cho họ đi, họ đã đi bằng một lối khác: trèo lên mái nhà để thòng người bại xuống trước mặt Chúa. Người mà thực sự có đức tin sẽ vượt những trở lực, rào cản và kinh nghiệm phép lạ. Những người như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tốt trên người khác và không điều gì có thể trói chân của họ. Xa-chê, một viên chức thu thuế cho chính quyền La-mã cũng đối diện với một vấn đề. Làm thế nào để thấy Chúa Jesus và gặp được Ngài khi mà ông là một người lùn không thể chen lấn với đám đông? Ông đã trèo lên một ngọn cây, và tại đó ông đã nhận được phần thưởng cho mình (Lu-ca 19:1-10). Phép lạ của Chúa không chỉ bày tỏ tình yêu và sự khoan dung của Ngài dành cho tội nhân, nhưng đó cũng chính là ứng dụng thực tế cho những bài giảng của Ngài. Tội lỗi cũng giống như bệnh tật (Ê-sai 1:4-6). Nó khởi đầu với một vài điểm nhỏ rồi lan rộng nhanh chóng cho đến khi nó kiểm soát tội nhân. Điểm đến cuối cùng của nó là sự chết. Trong bài học chúng ta đang nghiên cứu, Chúa Jesus đã nối kết tội lỗi với bệnh tật (tội được tha thì bệnh cũng được chữa lành). Chúa Jesus phán với người bại: “Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.” hàm ý rằng người này được giải thoát ra khỏi tội mà trước đó anh ta bị giam cầm với nó.

Jesus là Cứu Chúa. Chúng ta ghi nhận điểm đầu tiên Chúa Jesus dành cho người bại là sự tha tội. Nếu làm cho một người bệnh khỏe mạnh nhưng không thay đổi tấm lòng và số phận của anh ta, thì người đó vẫn còn là một tội nhân tiếp tục bơi lội trong tội lỗi với một thân thể mạnh khỏe. Vấn đề căn bản sẽ không được giải quyết. Những con người tội lỗi có thể chống cự đấu đá lẫn nhau, họ cũng có thể tha thứ cho một ai đó làm tổn thương họ. Nhưng chỉ duy Đức Chúa Trời có thể tha tội và thanh tẩy một đời sống thực sự ăn năn. Sự tha thứ của Chúa có nghĩa là giải phóng tội nhân ra khỏi nơi cầm buộc của tội lỗi. Khi Chúa Jesus tuyên bố: “Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.” thì Ngài đã làm cho những người lãnh đạo Do thái giáo thời ấy vấp phạm, vì họ không tin Ngài là Con Đức Chúa Trời. Chúa Jesus dễ dàng nói điều này, nhưng sau đó chính Ngài phải hi sinh trên thập tự như là một giá phải trả cho lời tuyên bố của Ngài. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” (Ê-sai 53:4-5). Chúa Jesus không chỉ chữa lành người bị liệt, nhưng Ngài còn tha thứ tội lỗi của anh ta. Bạn không thể nhìn thấy tấm lòng bên trong, nhưng bạn có thể nhìn thấy sự chữa lành của thân thể.
Trong Lu-ca 7:36-50, Chúa Jesus cũng phán điều tương tự với người phụ nữ xấu nết: “Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.” Ngày hôm nay Chúa chúng ta cũng phán điều ấy với những ai tin cậy Ngài. “Hỡi các con cái bé mọn ta, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con đã nhờ danh Chúa được tha cho.” (1 Giăng 2:12). Cụm từ “được tha tội” trong ngữ pháp Tiếng Anh hàm ý: bạn đã được tha tội, và bạn luôn luôn sẽ nhận được sự tha tội, mỗi khi bạn ăn năn. Đó là tin tức tốt lành cho chúng ta.
“Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” (Ê-sai 53:5)

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn