Phân tích tư tưởng, hành vi của một người giúp chúng ta nhận ra nhân cách của người đó và bài học thuộc linh dành cho tất cả chúng ta.Rê-be-ca là một trong những phụ nữ lừng danh trong thánh sử. Warren W. Wiersbe đã có bài khảo luận về người phụ nữ này.
_
Mẹ đáp rằng: Con ơi! Xin sự rủa sả đó để cho mẹ chịu; hãy cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con.
Sáng thế ký 27:13
–
Trước khi chết, Áp-ra-ham đã ban tất cả gia tài cho con trai Y-sác. Ông cũng ra lệnh cho Ê-li-ê-se, người quản gia trung tín nhất trong nhà đi tìm một người vợ cho Y-sác: “Ngươi không cưới một cô nào trong bọn con gái của dân Ca-na-an, tức giữa dân ấy ta trú ngụ, làm vợ cho con trai ta. Nhưng hãy đi về quê hương ta, trong vòng bà con ta, cưới một người vợ cho Y-sác, con trai ta” (Sáng 24:3-4). Chuyện tình duyên của Y-sác và Rê-be-ca khởi đầu trong vui mừng hạnh phúc, nhưng kết thúc lại là một câu chuyện buồn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời tể trị mọi biến cố xảy ra và hoàn thành mục đích của Ngài.
–SỰ HƯỚNG DẪN
Từ providence (sự dự phòng) trong Tiếng Anh đến từ hai từ Latin: pro và video. Hai từ này ghép lại có nghĩa là nhìn thấy trước. Các nhà thần học gọi sự dự phòng thần thượng từ trước là kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người để hoàn thành ý muốn của Ngài. Là những con cái vâng lời Chúa thì những gì xảy ra cho chúng ta không phải là ngẫu nhiên tình cờ, nhưng đó là kế hoạch thiên thượng mà Chúa đã lập trình. Sáng thế ký chương 24 là minh họa tốt nhất cho điều này.Vâng lời Áp-ra-ham, “người đầy tớ bắt mười con lạc đà trong bầy của chủ mình, đem theo đủ các tài vật của chủ đã giao, rồi đứng dậy đi qua xứ Mê-sô-bô-ta-mi, đến thành của Na-cô” (câu 10) bắt đầu cuộc hành trình tìm vợ cho Y-sác. Trước đó Áp-ra-ham nhận được một lời hứa từ Đức Chúa Trời, “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy!” và ông truyền lệnh cho người quản gia trung tín, “Chính Chúa sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi, và nơi đó ngươi hãy cưới một vợ cho con trai ta” (câu 7). Người quản gia Ê-li-ê-se đã lập lại điều này khi ông bước vào trong gia đình của Rê-be-ca (câu 40). Trong ơn thần hựu (chúng ta có thể xem là tình cờ) người quản gia trung tín đến đúng nơi chốn và cũng đúng thời điểm mà Rê-be-ca xuất hiện bên giếng nước. Ông hỏi nàng, “Cô là con gái của ai?” Đối với chúng ta ngày nay câu này cũng có nghĩa là: Bạn là con của Đức Chúa Trời hay là con cái của thế gian?Ngay trong tình huống đầu tiên Rê-be-ca xuất hiện và trở thành người nữ mà Đức Chúa Trời đã chọn cho Y-sác. Rê-be-ca cũng như Sa-ra là những người nữ xinh đẹp, tài năng, tin kính trong Kinh Thánh. Y-sác còn có thể mong ước điều gì hơn thế!
–QUYẾT ĐỊNH
Rê-be-ca là mẫu người phụ nữ mạnh dạn đưa ra quyết định và thể hiện điều đó theo cách cô ấy chào đón người quản gia, chăm sóc ông cùng những con lạc đà của ông, và đưa ông đến nhà cô. Câu chuyện đầy kịch tính khi La-ban là anh trai của Rê-be-ca nhìn thấy “khoanh vàng và đôi xuyến nơi tay em gái”. La-ban đã nói với Ê-li-ê-se, “Hỡi người đã được Đức Giê-hô-va ban phước! Xin mời vào. Sao đứng ngoài nầy vậy? Tôi đã sửa soạn nhà và dọn dẹp một nơi cho mấy con lạc đà rồi” (câu 31). Rất hiếu khách và lịch sự! Đây cũng chính là La-ban, người mà sau đó đã cố gắng loại bỏ Gia-cốp khỏi mọi thứ anh ta kiếm được và sẽ thành công nếu Chúa không can thiệp. Như chúng ta sẽ thấy, bên dưới ân sủng và vẻ đẹp tuyệt vời của Rê-be-ca, người nữ này có thể nhận ra tính cách và bản chất của anh trai mình.Trong thế giới hiện nay, tình bạn giữa hai người khác phái có thể dẫn đến tình yêu. Tình yêu gắn kết sẽ dẫn đến hôn nhân. Điều này không giống với thời đại của Rê-be-ca. Lúc đó hôn nhân đến trước, rồi tình yêu mới phát triển sau đó. Rê-be-ca và Y-sác phải học tập để yêu nhau. Việc cưới xin từ phía nhà trai phụ thuộc vào cha mẹ cô dâu hoặc người giám hộ đồng ý hay không. Vì vậy chúng ta thấy câu chuyện ở đây, người quản gia bước vào trong nhà của Rê-be-ca, trình ra các sính lễ, trình bày câu chuyện và chờ đợi sự quyết định từ phía gia đình người nữ.Đến đây chúng ta bắt đầu phát hiện các vấn đề của gia đình? Bê-tu-ên là cha của Rê-be-ca vẫn còn sống (Sáng. 24:50), nhưng Rê-be-ca “chạy về, thuật chuyện nầy (chuyện đã gặp Ê-li-ê-se) lại cho nội nhà mẹ mình” (câu 28). Những phụ nữ thời đó sống trong những căn lều tách biệt, và có phải bất cứ chuyện gì xảy ra Rê-be-ca cũng thuật lại cho mẹ mình trước tiên? Chỉ có người quản gia của Áp-ra-ham đã đến mang theo những món quà quý giá. Có phải trực giác nữ tính của Rê-be-ca đã nói với cô ấy rằng đó là một lời cầu hôn được thực hiện, hay việc con gái chia sẻ tin tức đặc biệt trước với mẹ là điều tự nhiên? Rõ ràng là mẹ của Rê-be-ca theo cách tự nhiên sẽ bảo con gái mình thuật lại câu chuyện với cha và anh trai. Và tình huống xảy ra tiếp theo có vẻ như La-ban là người chịu trách nhiệm thay mặt gia đình giải quyết vấn đề. Cha của Rê-be-ca dường như không đóng vai trò chính trong những quyết định của gia đình mà thay vào đó là mẹ và anh trai. Trong câu 55 chúng ta thấy điều này: “Nhưng anh và mẹ nàng nói rằng: Hãy cho người gái trẻ ở lại cùng chúng tôi ít ngày nữa, độ chừng mười bữa, rồi nó sẽ đi: (câu 55). Bê-tu-ên nắm giữ một vai trò mờ nhạt hơn trong câu chuyện này, ông cũng nhận biết chuyện tình duyên của con gái bởi Đức Chúa Trời mà đến (câu 50) nhưng sự quyết định các chi tiết khác nằm trong quyền hạn của vợ ông và con trai. Có gợi ý ở đây rằng Rê-be-ca được thừa hưởng khả năng quyết định mạnh mẽ từ mẹ? Sau đó nàng đưa ra một quyết định “tôi sẽ đi” với người quản gia của Áp-ra-ham, và không có ai thảo luận hay ngăn cản nàng chuyện này.
–TÌNH YÊU
Những sự kiện xảy ra trong cuộc hành trình dài của Rê-be-ca không được đề cập đến. Một lần nữa chúng ta thấy bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trong việc Y-sác chuẩn bị đón rước Rê-be-ca. Khi Rê-be-ca đến từ đàng xa, Y-sác đang đi dạo suy ngẫm trên cánh đồng. Y-sác “nhướng mắt lên, kìa ngó thấy lạc đà đâu đi đến” (Sáng. 24:63) và rồi cô dâu xuất hiện. Không cần giấy phép hoặc nghi lễ đặc biệt nào được bày ra để Y-sác nhận Rê-be-ca làm vợ. “Y-sác bèn dẫn Rê-bê-ca vào trại của Sa-ra, mẹ mình, lấy làm vợ, và yêu mến nàng” (Then Isaac brought her into his mother Sarah’s tent; and he took Rebekah and she became his wife, and he loved her) (câu 67). Điều này được mọi người mặc nhiên chấp nhận vào thời điểm đó.Y-sác yêu mến người vợ xinh đẹp Rê-be-ca và nỗi buồn vì mẹ Sa-ra qua đời phai nhạt dần theo năm tháng. Trong một chừng mực nào đó nhiều người vợ phải “làm mẹ” cho chồng của họ. Và ở đây Y-sác hiện ra như một người đàn ông nhiều cảm xúc và sống nội tâm. Nhưng nếu mẹ chồng của Rê-be-ca luôn hiện diện trong trái tim và ký ức của chồng, thì nàng liệu có dành được một chỗ nào trong tấm lòng của Y-sác? Chúng ta biết rằng Y-sác yêu mẹ mình và cảm thấy đau buồn sâu sắc trước cái chết của bà, nhưng giờ đây ông đã có một người vợ yêu quí xinh đẹp, và Rê-be-ca xứng đáng với tất cả tình cảm của ông dành cho nàng.
–
SỰ PHÂN CHIA
Cặp đôi hạnh phúc Y-sác và Rê-be-ca phải chờ đợi hai mươi năm trước khi Chúa ban cho những đứa con đầu tiên. Ngay trước khi hai đứa con sinh đôi chào đời, đã có sự xung đột của hai đứa trẻ trong lòng mẹ. “Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu quả thật vậy, cớ sao điều nầy xảy đến làm chi? Đoạn, nàng đi hỏi Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ” (Sáng. 25:19-34). Bản Kinh Thánh Tiếng Anh NKJ ghi: “bọn trẻ chống lại nhau (the children struggled together within her. V 22). Điều này có nghĩa từ khi còn trong bụng mẹ, hai anh em Ê-sau và Gia-cốp đã hục hặc với nhau.Khi hai trẻ sinh đối này lớn lên, Kinh Thánh ghi: “Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại. Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 27-28). Chúng ta thấy rằng Y-sác là mẫu người suy ngẫm sống nội tâm trong khi Rê-be-ca là người hướng ngoại thích các hoạt động bên ngoài. Thông thường cha mẹ cố gắng truyền đạt cho con cái phong cách sống mà họ mong muốn nhưng khó có thể đạt được. Đôi khi con cái sống theo cách đối lập với cha mẹ chúng.Cả hai người Y-sác và Rê-be-ca đều biết rằng Chúa đã làm cho Gia-cốp thành đứa con đầu lòng mặc dù là người sinh ra sau Ê-sau, điều đó có nghĩa là Gia-cốp sẽ nhận quyền trưởng nam và các phước lành. Lẽ ra Y-sác nên lãnh đạo gia đình quyết đoán hơn và dành thời gian chuẩn bị Gia-cốp cho vai trò là người kế thừa, nhưng ông tập trung sự chú ý của mình vào Ê-sau. Y-sác có hai đứa con trai chuẩn bị xung đột trong nhà. Rắc rối đã đến.
–
SỰ LỪA DỐI
Hầu hết mọi gia đình đều có một người biết “lắng nghe và thấu hiểu” mọi chuyện trong nhà, và trong gia đình của Y-sác, người đó là Rê-be-ca. Rê-be-ca đã nghe những lời chồng mình nói, khi Y-sác cố tình không vâng lời Chúa và chuẩn bị ban cho Ê-sau phước lành của con trưởng nam. Mọi người trong nhà đều biết rằng Ê-sau là một người đàn ông không tin kính, anh ta kết nghĩa với người Hê-tít và thậm chí kết hôn với hai phụ nữ Hê-tít. Điều này đem lại đau buồn cho vợ chồng Y-sác (Sáng thế ký 26:34-35). Điều chắc chắn là Y-sác nhớ lời phán của Đức Chúa Trời, “đứa lớn phải phục đứa nhỏ” (Sáng. 25:23; Rô-ma 9:10-12), nhưng ông đã phớt lờ điều này.Nếu bạn biết mình sắp chết, bạn sẽ làm gì? Đọc Kinh Thánh? Cầu nguyện với bạn hữu và gia đình? Ngợi khen Chúa bằng một bài thánh ca? Y-sác đã làm gì trong giả định này? Ông “gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây. Người bèn nói rằng: Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.” (Sáng. 27:2-4). Ở đây Y-sác chỉ muốn ăn một món ngon theo sở thích. Dường như lúc này ông không còn một nguyện vọng thuộc linh nào! Rê-be-ca biết lời tỏ bày của chồng dành cho Ê-sau, và bà đã lên một kế hoạch đánh tráo hoàn hảo. Rê-be-ca lừa dối Y-sác trong khi thực hiện kế hoạch hoán đổi Gia-cốp giả dạng thành Ê-sau. Rê-be-ca muốn chắc chắn rằng phước lành từ Y-sác sẽ được chuyển giao cho Gia-cốp, chứ không cho phải Ê-sau. Và kế hoạch lừa đảo này đã thành công. Triết lý mà Rê-be-ca theo đuổi có từ xa xưa trong một câu cổ ngữ: “chúng ta chấp nhận làm điều xấu, và điều tốt có thể đến” (Rô-ma 3:8).
Một nhà thần học người Đức là Hermann Busebaun (1650) bình luận về hành động “mưu trí” của Rê-be-ca, “nếu kết thúc được thừa nhận, thì phương tiện cũng được cho phép.” Trong ngôn ngữ hiện đại điều này có nghĩa là: Mục đích biện minh cho phương tiện.
Chúng ta làm thế nào để hiểu động cơ bên trong tấm lòng của Rê-be-ca? Rê-be-ca yêu Gia-cốp và biết rằng phước lành từ chồng của mình sẽ được chuyển giao cho Gia-cốp. Nhưng bà không có đủ sự mạnh dạn để đối diện với Y-sác trong vấn đề này. Đức Chúa Trời ở về phía với Rê-be-ca. Và lời hứa về một Đấng Mê-si sẽ ra từ dòng dõi của Y-sác. Nhưng Rê-be-ca không có đức tin để rút cánh tay của mình ra, và để cho Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài. Bà đã can dự vào một sự lừa dối con trai và chồng của mình. Khi hối thúc Gia-cốp đánh tráo thân phận, Rê-be-ca nói, “hãy cứ nghe lời mẹ” (Sáng. 27:13). Điều này được xem là dùng sức riêng để giành lấy ơn phước. Về sau này liệu Rê-be-ca có nhận ra rằng mình đang “vẽ đường cho hưu chạy” với những đứa cháu của mình thực hiện cùng một mánh khóe đối cùng Gia-cốp và khiến ông đau lòng suốt hai mươi hai năm vì nghĩ rằng Giô-sép đã chết!Kế hoạch của Rê-be-ca thành công, và Gia-cốp nhận được phước lành từ cha Y-sác, nhưng hầu hết mọi thứ khác sụp đổ. Ê-sau định tâm tìm cách giết Gia-cốp vì đã cướp phước lành quyền trưởng nam của mình. Rê-be-ca phải đứng ra dàn xếp cho Gia-cốp chạy trốn, bà nói với con trai, “Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù. Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran, và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết” (Sáng. 27:42-44). Từ biến cố đó Y-sác sống thêm bảy năm nữa. Khi ông qua đời mối thâm thù của Ê-sau đối cùng Gia-cốp cũng nhạt phai, và họ đã làm hòa với nhau (Sáng. 33), sau đó cùng đứng ra lo chôn cất cha. Tuy nhiên Rê-be-ca không bao giờ gặp lại Gia-cốp nữa sau biến cố hai mẹ con lường gạt Ê-sau và Y-sác. Gia-cốp đi qua xứ Pha-đan A-ram đến nhà cậu La-ban (Sáng. 28:5) và rồi lấy vợ, khởi nghiệp tại đó. Cuối cùng trong Sáng thế ký 49, chúng ta đọc thấy Y-sác và Rê-be-ca được mai táng chung trong hang đá của đồng bằng Mặc-bê-la: “Ấy nơi đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và Sa-ra, vợ người; Y-sác và Rê-be-ca, vợ người.” (Câu 31).“Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài?” (Rô-ma 11:34). Cả Y-sác và Rê-be-ca đều biết ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến Gia-cốp. Nhưng Y-sác không đồng tình với ý muốn của Ngài, còn Rê-be-ca thì dùng sức riêng của mình để “trợ giúp” Đức Chúa Trời hoàn thành kế hoạch của Ngài.
George McDonald đã viết, “Trong bất cứ điều gì con người thực hiện và để Chúa qua một bên, người đó sẽ thất bại thảm hại, hoặc thành công nhưng lại chuốc lấy sự đau khổ hơn.” Rê-be-ca đã thành công trong kế hoạch của mình, nhưng phần đời còn lại bà đã phải sống trong sự ngậm ngùi.“Hãy cứ nghe lời mẹ” hay “chỉ cần làm theo lời mẹ” (Sáng. 27:13) là một lời nói quyết đoán có hiệu quả. Ngày nay người ta có thể gọi đó là sự sắp xếp và lãnh đạo thông minh. Tuy nhiên những gì thực hiện mà không có Đức Chúa Trời trong đó là nguy hiểm, và hậu quả của nó có thể ảnh hưởng đến thế hệ kế tiếp.
–Translated by Huong Di magazine