Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Khải Tượng Là Gì?

Khải Tượng Là Gì?

Trần Đình Tâm

Những người có lòng sốt sắng hầu việc Chúa thường nói đến Khải tượng như là một điều cần thiết phải có trong mục đích phục vụ Chúa và mở mang Hội Thánh. Tuy nhiên có bao giờ chúng ta suy gẫm “khải tượng” có ý nghĩa gì và sự hiểu biết của chúng ta về “khải tượng” có dựa trên nền tảng Thánh Kinh hay không?

1. “Sự hiện thấy” hay “khải tượng” là gì?

Từ ngữ “khải tượng” và “sự hiện thấy” là hai từ đồng nghĩa, “khải tượng” được dùng trong bản dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2011 hay trong các bản dịch Kinh Thánh hiện đại khác. “Sự hiện thấy” được dùng trong bản dịch Kinh Thánh Truyền Thống 1926. Cả hai được dịch từ chữ “vision”  trong Anh ngữ (tiếng Hebrew: châzôwn; tiếng Hy-lạp: őραμα, horama).

Khải tượng hay sự hiện thấy có nghĩalà sự nhìn thấy và nghe thấy những điều Chúa bày tỏ (revelation) cho con người khi người đó đang trong tình trạng tỉnh thức.

2. Khải tượng trong thời Cựu Ước.

Nhiều nhân vật trong thời Cựu Ước được Chúa ban cho khải tượng, xin kể vài trường hợp:

1./ Sa-mu-ên:

“Sa-mu-ên nằm ngủ cho đến sáng, đoạn mở các cửa đền của Đức Giê-hô-va. Người sợ không dám thuật sự hiện thấy nầy cho Hê-li.” (I Sa-mu-ên 3:15)

Sa-mu-ên phục vụ trong đền thờ khi còn rất trẻ. Một đêm kia, khi Sa-mu-ên đang ngủ thì nghe tiếng Chúa gọi ông 3 lần, sau đó Chúa nói chuyện với ông, Chúa cho ông biết ý định Ngài sẽ làm đối với gia đình thấy tế lễ thượng phẩm Hê-li. Sa-mu-ên được trực tiếp nghe rõ tiếng Chúa gọi và nói bên tai: Sa-mu-ên nhận được khải tượng.

2./ Ê-sai:

“Về đời Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia, là các vua nước Giu-đa, thì Ê-sai, con trai A-mốt, có sự hiện thấy về nước Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem.” (Ê-sai 1:1)

Đọc sách Ê-sai, chúng ta thấy Ê-sai được Chúa ban cho khải tượng về dân Giu-đa, thành Giê-ru-sa-lem, về các dân tộc ngoại bang và về thời kỳ sau cùng của thế giới. Các lời tiên tri của Ê-sai cũng như các tiên tri khác của thời Cựu Ước được trình bày qua các hình ảnh sống động mà các tiên tri đã được thấy. Chúng ta có thể nói, Ê-sai chẳng những được Chúa soi sẫn để viết sách Ê-sai nhưng ông cũng được nhìn thấy cảnh tượng của thành Giê-ru-sa-lem trong thời kỳ sau rốt, được nhìn thấy Đấng Mê-si chịu thương khó, được nhìn thấy quang cảnh của thế giới trong thời đại Vương quốc Ngàn Năm của Chúa Jesus v.v…

3./ Ê-xê-chi-ên:

“Năm thứ ba mươi, ngày mồng năm tháng tư, khi ta đang ở giữa phu tù, trên bờ sông Kê-ba, các từng trời mở ra, và ta xem những sự hiện thấy của Đức Chúa Trời.” (Ê-xê-chi-ên 1:1)

Các khải tượng Ê-xê-chi-ên được nhìn thấy đều được ghi chép trong sách Ê-xê-chi-ên, đặc biệt có khải tượng về hài cốt sống lại, về đền thờ cuối cùng trong thời kỳ sau rốt v.v…

4./ Đa-ni-ên:

“Năm thứ ba, đời vua Bên-xát-sa, có sự hiện thấy tỏ ra cho ta, là Đa-ni-ên, sau sự hiện thấy đã tỏ ra cho ta khi trước.” (Đa-ni-ên 8:1)

Đa-ni-ên được Chúa ban cho nhiều khải tượng, trong số đó có khải tượng về 4 con thú, khải tượng về con dê đực và con chiên đực, khải tượng về 70 tuần lễ v.v…

3. Khải tượng trong thời Hội Thánh sơ khai.

1./ A-na-nia:

“Vả, tại Đa-mách có một môn đồ tên là A-na-nia. Chúa phán cùng người trong sự hiện thấy rằng: Hỡi A-na-nia! Người thưa rằng: Lạy Chúa, có tôi đây” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10)

2./ Cọt-nây:

“Đang ban ngày, nhằm giờ thứ chín, người thấy rõ ràng trong sự hiện thấy có một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời vào nhà mình và truyền rằng: Hỡi Cọt-nây! Đôi mắt người ngó chăm thiên sứ và run sợ lắm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:3)

3./ Phao-lô:

“Đang ban đêm, Phao-lô thấy sự hiện thấy; có một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt mình, nài xin rằng: Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi. Phao-lô vừa thấy sự hiện thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin Lành ở đó.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:9,10)

4. Cách dùng không đúng về “khải tượng” trong Hội Thánh ngày nay.

Trong Hội Thánh ngày nay, các vị lãnh đạo Hội Thánh cũng như các tín hữu đều nói đến sự cần thiết của khải tượng cho công việc Chúa. Nhưng chúng ta đã không hiểu về cách dùng từ ngữ “khải tượng”. Từ ngữ “khải tượng” ngày nay đã bị những người hầu việc Chúa lạm dụng, nhiều người đã nói về “khải tượng” trên môi miệng mà không suy nghĩ cẩn thận. Chúng ta thường được nghe những câu nói đại loại như sau: “Tôi đã có khải tượng về công việc Chúa tại …”; “Chúa cho tôi thấy khải tượng về tương lai của Hội Thánh …”; những người đứng trên tòa giảng, giảng dạy cách hùng hồn: “Con cái Chúa cần phải có khải tượng trong sự mở mang vương quốc của Ngài …”; “phải cầu xin Chúa để nhận được khải tượng …” v.v… Trên thực tế, nếu căn cứ trên ý nghĩa của từ ngữ “khải tượng” mà Kinh Thánh dùng, người ta đã thật sự không có khải tượng nào! Vì khải tượng là “vision”, nên người nhận khải tượng phải nhìn thấy và nghe rõ điều Chúa muốn bày tỏ, chứ không thể căn cứ vào “cảm nhận” hay cảm xúc (emotion) của mình. Cảm xúc hay ước muốn không phải là khải tượng. Chúa không bày tỏ khải tượng qua cảm xúc của con người, nhưng qua hình ảnh mà con người thấy được trong lúc tỉnh thức.  

Như vậy, tất cả những gì chúng ta làm là làm với mục đích phục vụ Chúa, đều đến từ sự vâng lời Chúa dạy trong Tân Ước, chúng ta căn cứ vào những điều Kinh Thánh dạy cùng với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh (đã được ban trong chúng ta) mà chúng ta làm, chúng ta cầu nguyện để Chúa đồng công với chúng ta, để Chúa thêm ơn thêm sức cho chúng ta, để Chúa hướng dẫn từng bước trong tiến trình hầu việc Chúa. Đó không phải vì đã thấy khải tượng! Điều chúng ta đã làm là điều chúng ta phải làm, vì Kinh Thánh dạy chúng ta như vậy, chứ không phải vì cần phải thấy khải tượng mới làm.

Nên nhớ rằng sự dạy dỗ về “khải tượng” không được tìm thấy trong tất cả các thư tín. Không có một chổ nào trong các thư tín khuyên dạy chúng ta cần phải có khải tượng để hầu việc Chúa. Cũng không có câu nào dạy chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho khải tượng. Những khải tượng mà con người nhận được trong Kinh Thánh đều đến bởi sự ban cho của Chúa, theo ý muốn của Ngài, chứ không ai cầu xin hay tìm kiếm mà được.

Trong Hội Thánh của Chúa ngày nay, chỉ có những ai có kinh nghiệm tương tự như các nhận vật trong Kinh Thánh đã thấy khải tượng như đã nêu trên mới được kể là đã có khải tượng thật sự.

5. So sánh giữa khải tượng và chiêm bao.

Thiên Chúa dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ ý định của Ngài cho loài người.

Con người cũng được Chúa phán dạy qua chiêm bao (dream). Gia-cốp chiêm bao thấy cái thang bắc từ đất lên trời (Sáng Thế Ký 28:10-12). Vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy một pho tượng trong giấc chiêm bao (Đa-ni-ên 2:1); Chúa sai thiên sứ báo tin cho Giô-sép trong giấc chiêm bao (Ma-thi-ơ 1:20). Tuy nhiên chiêm bao không phải là khải tượng.

Chúng ta cần phân biệt giữa khải tượng và chiêm bao, vì có những người nằm ngủ thấy chiêm bao nhưng lại nghĩ rằng mình thấy khải tượng. Chiêm bao (dream) và khải tượng (vision) hoàn toàn khác nhau. Chiêm bao là những hình ảnh thấy được khi con người đang nằm ngủ, còn khải tượng là những hình ảnh con người nhận thấy được không phải trong khi ngủ, nhưng trong lúc tỉnh thức. Do đó, tất cả những gì chúng ta nằm ngủ và nhìn thấy trong giấc chiêm bao không được kể là đã thấy khải tượng.

6. Ngày nay Chúa có phán dạy Cơ-đốc nhân qua khải tượng?

Để tìm hiểu vấn đề nầy, chúng ta quay trở lại thời điểm Đức Thánh Linh giáng lâm thành lập Hội Thánh. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng xuống, các môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, họ nói được tiếng ngoại quốc và nói về sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Sự kiện lạ lùng nầy khiến cho mọi người chung quanh ngạc nhiên và sững sờ. Sứ đồ Phi-e-rơ lên tiếng giải thích cho họ hiểu trong phần mở đầu bài giảng của ông:

    “Nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri rằng: “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta
    sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, bọn trai trẻ sẽ thấy
    khải tượng (vision), và các người già cả sẽ có chiêm bao”
 (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:16,17)

Phi-e-rơ trích dẫn lời tiên tri trong Giô-ên 2:28,29. Lời tiên Đức Thánh Linh được ban xuống bắt đầu ứng nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Những người tiếp nhận Tin Lành sẽ nhận được các ân tứ đặc biệt như nói tiên tri, chiêm bao hay khải tượng tùy theo Đức Thánh Linh ban phát theo ý định của Ngài. Chúng ta ghi nhận Chúa thật đã ban cho một số người những ơn nầy trong thời kỳ Hội Thánh thành lập được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ: A-na-nia; Cọt-nây; Phao-lô đều nhận được khải tượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10; 10:3; 16:9,10; 18:9). Phi-e-rơ thấy chiêm bao (10:9,10). A-ga-bút, Giu-đe, Si-la, các cô gái con của Phi-líp là những người nói tiên tri (11:28; 15:32; 21:9).

Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý điều nầy: Sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm thành lập Hội Thánh, vì Kinh Thánh Tân Ước chưa hoàn tất trong thời Công Vụ Các Sứ Đồ, Chúa thường dùng khải tượng để bày tỏ cho một số người biết ý muốn của Ngài. Sau khi hoàn tất Kinh Thánh, chúng ta thấy các thư tín không đề cập gì đến khải tượng, ngoại trừ một trường hợp đặc biệt, Chúa cho Sứ Đồ Giăng thấy nhiều khải tượng về thời kỳ sau cùng của thế giới để ông viết sách Khải Huyền.

Một khi Tân Ước được hoàn tất, Kinh Thánh giữ thẩm quyền tuyệt đối trong việc tìm biết ý muốn của Chúa cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Tân Ước không có câu nào khuyến khích chúng ta đi tìm kiếm hay cầu xin để nhận được khải tượng. Dù vậy, trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nếu Đức Thánh Linh muốn bày tỏ cho con cái Ngài biết ý định của Ngài về một công việc nào đó, Chúa có thể bày tỏ qua khải tượng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nầy, chúng ta phải cẩn thận xem xét khải tượng đó có phải do Đức Thánh Linh bày tỏ hay không. Giê-rê-mi 23:16 là lời cảnh báo cho chúng ta ngày nay: “Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Chớ nghe những lời của các tiên tri nói tiên tri với các ngươi. Chúng nó dạy cho các ngươi sự hư không, và nói sự hiện thấy (vision) (hay khải tượng) bởi lòng mình, chẳng phải bởi miệng Đức Giê-hô-va.”

Trong thế giới ngày nay, không thiếu những người mang danh nghĩa “tôi tớ Chúa” nhưng giảng dạy Kinh Thánh theo ý riêng của mình. Chúng ta thấy rõ các hoạt động của họ qua các chương trình TV, sách báo, các trang web v.v… Sứ Đồ Giăng khuyên chúng ta: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần (spirit), nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ.” (I Giăng 4:1)

Các khải tượng đến từ Chúa phải phù hợp với các giáo lý được bày tỏ trong Tân Ước.

nguồn: gianggiaithanhkinh.net

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn