Vì Chúa đã định ngày cho người,Chúa biết số tháng trong đời người,Chúa đặt cho người một giới hạn không thể vượt qua. Gióp 14:5
Trở thành con người là chấp nhận những giới hạn mà Chúa trong sự khôn ngoan của Ngài đã dành sẵn cho chúng ta và trên thế giới mà Ngài đã đặt chúng ta vào đó. Đức Chúa Trời tạo các giới hạn của biển (Gióp 38:10-11) và Ngài vẽ đường biên giới của các quốc gia (Công vụ 27:26). Các tổ phụ đầu tiên của con người trong vườn Ê-đen cũng bị giới hạn trong những gì họ làm, và khi họ bước quá giới hạn đó, họ bị đuổi khỏi vườn (Sáng thế ký 3). Mỗi cá nhân chúng ta đều bị giới hạn về khả năng, cơ hội, nguồn lực, và những năm tháng sống trên đất. Đức Chúa Trời đã thiết lập các giới hạn. Chúng ta không thể đi xa hơn các giới hạn của Ngài. Theo như luật pháp, tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, nhưng khi liên quan đến cuộc sống, chúng ta không bình đẳng, bởi vì cuộc sống của con người liên quan đến những hạn chế cá nhân.
–
Các sự giới hạn này cho chúng ta sự tự do. Tôi đã đáp ứng các điều kiện để thi đậu bằng lái xe và điều này cho tôi lái xe trên đường phố và các cao tốc tại Việt Nam. Kinh Thánh trao cho chúng ta những điều kiện, và khi đáp ứng, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời cho sự cầu nguyện. Và nếu chúng ta vâng lời, Đức Chúa Trời sẽ tài trợ những gì chúng ta yêu cầu. Đây là một trong những khác biệt giữa sự tự do và giấy phép. Sự tự do thật không làm những gì chúng ta muốn, nhưng làm những gì Chúa muốn, và sự vâng lời của chúng ta mở cửa cho những phước hạnh đến từ Chúa. Chúng ta không nhận một giấy phép để chỉ làm theo một danh mục. Chúng ta nhận sự tự do từ Chúa và làm theo điều Chúa muốn trong một biên độ lớn hơn nhiều nếu so sánh với giấy phép.
–
Chúng ta phải tiến lên một bước cao hơn: Sự tự do thật khuyến khích sự hợp tác. Bởi vì khả năng và những gì tôi có là giới hạn, có nhiều điều tôi không biết và không thể làm. Vì vậy tôi cần sự giúp đỡ từ những người khác. Đức Chúa Trời nhìn thấy A-đam lúc đầu chỉ ở một mình và điều đó không tốt, vì vậy Ngài làm nên một Ê-va để bù đắp cho những giới hạn của A-đam (Sáng. 2:18-25). Hôn nhân, gia đình và các bạn hữu là những món quà từ Đức Chúa Trời để giúp mỗi chúng ta bổ sung cho những giới hạn của mình. Gia-đình, cộng đồng và hội thánh cũng theo nguyên tắc tương tự. Chúng ta thuộc về nhau, chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau và chúng ta cần nhau.
–
Cuộc sống liên quan đến những hạn chế, những hạn chế mang lại cho chúng ta sự tự do, sự tự do dẫn đến sự hợp tác và sự hợp tác làm cho chúng ta nghiêm túc với cuộc sống. Khi đời sống chúng ta nối kết với những người khác trong tình yêu thương, những người khác sẽ trở nên đặc biệt với chúng ta, và chúng ta không muốn đánh mất họ. “Xin dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi. Để chúng tôi được lòng khôn ngoan.” (Thi. 90:12). Đức Chúa Trời đã thiết lập các giới hạn cho những năm tháng trên đất của chúng ta, và chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng Chúa biết (Thi. 13915-16)
–
Kết luận gì cho bài học này? Chúng ta phải nhận thức rõ ràng về giới hạn của đời sống của chính mình và người khác. Chúng ta phải biết rằng Chúa lập trình các giới hạn, đặc biệt là tuổi thọ của chúng ta. Vì vậy đang khi còn sống hãy làm hết khả năng theo ý muốn của Chúa theo những gì Chúa đặt để trong chúng ta. Chúa Giê-su phán, “Khi còn ban ngày, chúng ta phải làm những công tác của Đấng đã sai Ta đến, kẻo khi đêm xuống, không ai làm việc được nữa!” (Giăng 9:4) Sự giới hạn của chúng ta không phải là những sự ngăn trở, chúng là những cơ hội. Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong các giới hạn hầu cho chúng ta có thể tập chú vào những gì Chúa muốn chúng ta làm. Có một câu ngạn ngữ nói, “Tôi không thể làm tất cả mọi điều, nhưng tôi có thể làm một số điều. Tôi phải làm những gì tôi có thể làm miễn là Chúa cho phép, và tôi phải trung tín cho đến khi Ngài chỉ dạy tôi một việc khác.”
–
Vậy, anh chị em hãy hết sức thận trọng về nếp sống của mình, đừng sống như người khờ dại nhưng như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi hiện tại là thời xấu xa. Ê-phê-sô 5:15-16