Thứ Bảy , 11 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Cứ Rỗi Hộ Gia Đình?

Cứ Rỗi Hộ Gia Đình?

Một sự hiểu biết đúng đắn về sự giảng dạy của Kinh Thánh đối với sự cứu rỗi hộ gia đình phải bắt đầu bằng việc biết Kinh Thánh dạy gì về sự cứu rỗi nói chung. Chúng ta biết rằng chỉ có một cách cứu rỗi đó là nhờ đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ (Ma-thi-ơ 7:13-14; Giăng 1:12; 3:16; 6:67-68; 8:24; 14:6; Công vụ 4:12; Ê-phê-sô 2:8). Chúng ta cũng biết rằng mạng lệnh để tin là hướng đến các cá nhân và hành động tin là một hành động cá nhân. Do đó, sự cứu rỗi chỉ có thể đến với một cá nhân tin một cách cá nhân nơi Đấng Christ. Tin vào Đấng Christ không phải là điều mà một người cha có thể làm cho đứa con trai hay con gái. Thực tế là một thành viên trong gia đình hoặc hộ gia đình tin Chúa thì không đảm bảo rằng những người còn lại cũng sẽ tin.

Chính Chúa Giê-xu chỉ ra rằng phúc âm thường phân rẽ gia đình. Trong Ma-thi-ơ 10:34-36; Lu-ca 11:51-53, Chúa Giê-xu nói: “Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng và kẻ thù của người ta lại là người nhà của mình”. Những lời này hoàn toàn làm suy yếu khái niệm về sự cứu rỗi hộ gia đình.

Nếu mọi người được cứu với tư cách cá nhân, thì làm thế nào chúng ta giải thích những đoạn Kinh Thánh đó mà dường như có một lời hứa về sự cứu rỗi hộ gia đình? Làm thế nào chúng ta có thể thuyết phục sự cần thiết cho các cá nhân để tin để được cứu và các câu như Công vụ 11:14? Trong đoạn đó, Cọt-nây được hứa rằng gia đình ông sẽ được cứu. Trước hết, như với bất kỳ đoạn Kinh Thánh nào, chúng ta phải xem xét thể loại hoặc loại sách mà nó xuất hiện. Trong trường hợp này, nó được tìm thấy trong sách Công vụ, một câu chuyện lịch sử về các sự kiện có thật. Một nguyên tắc liên quan đến lịch sử Kinh Thánh là không một sự kiện nào có thể tự động được giả định để áp dụng trong mọi tình huống. Ví dụ, Sam-sôn nhổ các cổng thành Ga-xa và mang chúng lên một ngọn đồi (Các quan xét 16:3), nhưng điều này không có nghĩa là nếu tóc chúng ta mọc dài ra thì chúng ta sẽ có thể thực hiện những kỳ tích sức mạnh tương tự như vậy. Trong Công vụ 11, thực tế là Đức Chúa Trời đã hứa với Cọt-nây rằng toàn bộ gia đình của ông sẽ được cứu thì không có nghĩa là lời hứa đó được áp dụng rộng rãi cho tất cả các hộ gia đình trong mọi thời đại. Nói cách khác, Công vụ 11:14 là một lời hứa cụ thể cho một người cụ thể tại một thời điểm cụ thể. Chúng ta phải cẩn thận về việc giải thích những lời hứa như vậy là phổ quát. Chúng không nên được tách rời khỏi bối cảnh lịch sử của chúng.

Thứ hai, cách Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài đối với Cọt-nây là điều quan trọng. Trong Công Vụ đoạn 10, Cọt-nây chào đón Phi-e-rơ vào nhà của mình và nói: “Chúng ta đều ở đây” (Công vụ 10:33). Nói cách khác, toàn bộ gia đình của Cọt-nây được tập hợp lại để nghe mọi điều mà Phi-e-rơ giảng. Tất cả đều nghe phúc âm, và tất cả họ đều đáp lại. Tất cả mọi người trong gia đình của Cọt-nây đều tin và chịu phép báp-têm (Công vụ 11:15-18). Đây chính xác là điều Chúa đã hứa. Gia đình của Cọt-nây không được cứu vì Cọt-nây tin nhưng bởi vì họ tin.

Một đoạn Kinh Thánh khác có lời hứa về sự cứu rỗi hộ gia đình là Công vụ 16:31. Ở đây, viên cai ngục người Phi-líp hỏi Phao-lô và Si-la, “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu?” Những người truyền giáo trả lời: “Hãy tin Chúa là Đức Chúa Jêsus thì ông và cả gia đình ông sẽ được cứu”. Một lần nữa, lời hứa này được ban cho một cá nhân cụ thể trong một ngữ cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lời hứa này có chứa một lời hứa bổ sung rõ ràng phổ quát và kéo dài mọi thời đại và ngữ cảnh.

Lời hứa đó không phải là một lời hứa về sự cứu rỗi hộ gia đình mà là hoàn toàn phù hợp với mọi câu khác trong Kinh Thánh nói về sự cứu rỗi. Đó là lời hứa rằng nếu bạn tin vào Chúa Giê-xu thì “bạn sẽ được cứu”. Ngoài ra, sự cứu rỗi đến với gia đình của viên cai ngục là kết quả của việc họ nghe Lời của Đức Chúa Trời và đáp ứng một cách cá nhân bằng đức tin: Phao-lô và Si-la “truyền đạo Chúa cho ông và tất cả những người ở trong nhà ông nữa” (Công vụ 16:32). Cả gia đình nghe phúc âm. Tất cả họ đều được cứu, giống như Đức Chúa Trời đã hứa, nhưng sự cứu rỗi của họ không phải do họ là một phần của gia đình viên cai ngục. Họ đã được cứu bởi vì họ tự mình tin phúc âm.

Câu thứ ba trong Tân Ước mà một số người dùng để dạy về sự cứu rỗi hộ gia đình là I Cô-rinh-tô 7:14: “Vì người chồng không tin Chúa sẽ nhờ vợ được thánh hóa, còn người vợ không tin Chúa sẽ nhờ chồng được thánh hóa. Nếu không, thì con cái anh em đã bị ô uế, nhưng hiện nay chúng đều được thánh hóa cả”. Câu này dường như dạy rằng một người phối ngẫu không tin có thể được cứu trên cơ sở đức tin của người phối ngẫu của họ trong Đấng Christ. Nó cũng có vẻ như nói rằng con cái của họ sẽ được thánh trước mặt Chúa bởi vì một trong những cha mẹ của chúng được cứu. Nhưng kết luận đó sẽ không nhất quán với việc giảng dạy chung của Kinh Thánh.Trong ngữ cảnh này, từ được thánh hóa không đề cập đến sự cứu rỗi hay được thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời.

Thay vào đó, nó đề cập đến sự thiêng liêng của mối quan hệ hôn nhân. Phao-lô dạy rằng các Cơ Đốc nhân không nên “mang ách chung” với những người không tin (II Cô-rinh-tô 6:14). Nỗi sợ hãi của một số người trong Hội Thánh là, vì họ kết hôn với những người không tin, họ đang sống trong tội lỗi, hôn nhân của họ là “không thánh khiết” và con cái của họ là bất hợp pháp từ sự kết hợp đó. Phao-lô làm giảm nỗi sợ hãi của họ: những tín hữu đã kết hôn với một người không tin thì vẫn nên giữ hôn nhân đó miễn là người không tin bằng lòng giữ hôn nhân đó. Họ không nên tìm cách ly hôn; mối quan hệ hôn nhân của họ được thánh hóa (thánh khiết hoặc tách rời trong mắt của Đức Chúa Trời) dựa trên đức tin của người phối ngẫu tin Chúa. Tương tự như vậy, con cái của cuộc hôn nhân của họ là hợp pháp trong mắt của Chúa.

Thực tế là I Cô-rinh-tô 7:14 không nói về sự cứu rỗi hộ gia đình, là điều được nhìn thấy rõ ràng trong câu hỏi mà Phao-lô hỏi trong I Cô-rinh-tô 7:16: “Hỡi người làm vợ, biết đâu chị em lại cứu được chồng mình? Hỡi người làm chồng, biết đâu anh em lại cứu được vợ mình?” Nếu sự cứu rỗi hộ gia đình là đúng, thì người vợ đã được cứu (dựa trên sự cứu rỗi của người chồng). Phao-lô sẽ không cần phải đề cập đến thời gian cứu rỗi trong tương lai cho người vợ.

Kinh Thánh không hứa về sự cứu rỗi hộ gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là một người cha hay người mẹ tin kính thì không có sự ảnh hưởng thuộc linh sâu sắc đối với những đứa trẻ trong gia đình đó. Người lãnh đạo của một hộ gia đình dẫn dắt gia đình bằng nhiều cách, bao gồm cả thuộc linh. Chúng ta nên nghiêm túc hy vọng, cầu nguyện và hành động cho sự cứu rỗi của gia đình chúng ta. Có nhiều lúc Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham cũng trở thành Đức Chúa Trời của Sa-ra, rồi đến Y-sác, và sau đó là Gia-cốp. Như Charles Spurgeon đã nói, “Mặc dù ân điển không chạy trong máu, và sự tái sinh cũng không phải là huyết hay sự ra đời, nhưng nó thường xuyên ….. xảy ra rằng Chúa, bằng phương tiện của một hộ gia đình, kéo những người còn lại về phía chính Ngài. Ngài kêu gọi một cá nhân và sau đó sử dụng anh ta để trở thành một loại mồi tinh thần để đưa những người còn lại của gia đình vào lưới phúc âm”.

English

nguồn: gotquestions.org

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn