Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Nguồn Sáng Cho Việt Nam

Nguồn Sáng Cho Việt Nam


Sau Ngày Hội Nguồn Sáng ở Sài Gòn tôi ở lại Sài Gòn thêm nhiều ngày nữa, vì còn nhiều việc phải làm tại đây trước khi bay đi Hà Nội cho sự kiện thứ hai. Người phụ tá tình nguyện bao nhiêu năm đi cùng khi tôi trở về Việt Nam cũng đã trở về nhà mình, tôi một mình ở lại, trong một căn phòng nhỏ của một khách sạn nhỏ, mỗi ngày sau những thì giờ làm việc thì xuống… đường, đi tìm cái gì ăn sáng, trưa, chiều, khi thì bánh mì, khi thì cơm khi thì bún bò, bánh canh, bánh cuốn, dọc phố đủ món muốn ăn gì có nấy, sáng sớm và trưa thì tìm một quán cà phê có bàn ghế đàng hoàng để ngồi làm việc, vì phòng ngủ nhỏ không có bàn (muốn có bàn phải đặt phòng lớn hơn, nhiều tiền hơn, không muốn 🙂), muốn làm việc phải kê cái gối lên đùi, để laptop (đúng nghĩa là lap) lên trên ngồi viết khá bất tiện.

Sài Gòn tháng 10 buổi chiều hay mưa, mưa lớn, ảnh hưởng cơn bão Noru của miền Trung, khi ngồi trong quán cà phê làm việc ngó qua cửa kính, xe chạy qua lại trên đường, có khi bần thần một chút, nhớ nhà ở nửa bán cầu kia, nơi mỗi ngày lặng lẽ vào ra, khi đi bộ trên những lề đường gập ghềnh, nhấp nhô, dưới những tàng cây nhỏ, trong bóng đèn hắt từ bên trong các hàng quán, dưới cơn mưa nhỏ hạt, thấm thía câu hát nào đó: thích một mình nhưng lại sợ cô đơn 🙂

Tôi nhớ buổi chiều sau khi chấm dứt chương trình Ngày Hội Nguồn Sáng ở Hoa Viên Phú Thọ Sài Gòn, một người tươi cười tiến lại bắt tay, siết tay thật chặt, nói với một người đứng bên cạnh: đây là một con người đã cống hiến hết mình cho Chúa. Tôi cảm thấy hơi hổ thẹn vì câu nói ấy, trên phương diện thuộc linh, vì không có một cống hiến nào cho Chúa gọi là hết mình so với sự cống hiến vĩ đại của Chúa, nhưng cũng cảm thấy lòng mình được an ủi, trên phương diện con người.

Tôi nhớ khi viết một bài kêu gọi tham dự Ngày Hội Nguồn Sáng post lên facebook, cảm thấy hơi thất vọng, hơi buồn vì không nghe một phản hồi tích cực nào:
TIẾNG KÊU TRONG ĐỒNG VẮNG

Tôi khá bị áp lực cho Ngày Hội Nguồn Sáng sắp đến gần. Tôi có cảm giác cô đơn. Tôi cảm thấy như mình đang gánh một gánh nặng. Tôi cầu nguyện Chúa nhiều hơn. Tôi ngủ ít đi, thường dậy sớm và thao thức, suy nghĩ.

Tôi đã quyết định rời Hoa Kỳ bình an của tôi sớm hơn dự tính theo sự thúc giục của Chúa để tổ chức cái gọi là Ngày Hội Nguồn Sáng tại 3 miền Nam Trung Bắc, cụ thể là Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội với mục đích chính là quảng bá tờ báo, làm sao để nó lan rộng đến mức có thể. Tôi đã hết sức làm việc, liên lạc nhiều nơi ở Việt Nam từ Hoa Kỳ, làm rất nhiều việc để chuẩn bị, những việc tôi có thể làm. Đôi khi tôi thấy mình bị quá tải. Tôi hay mệt đột ngột. Tôi biết mình đã lo lắng nhiều quá. Tôi cố gắng giao bớt gánh nặng cho Chúa, nhưng vẫn thấy nặng. Ngày về càng gần, tôi càng thấy nặng.

Tôi đã làm Thiệp Mời, post lên facebook nhiều lần kêu gọi tha thiết, tôi liên lạc messenger với cá nhân, kêu gọi mời gọi mọi người đến, và mang theo người đến. Nhưng sự đáp ứng làm tôi khá thất vọng. Người ta vào like thì có, nhưng có vẻ chỉ like cho có thế thôi, không thấy ai trả lời. Vài người nói cách hờ hững: tôi sẽ cố gắng. Tôi nghĩ rằng mình khá giống Giăng Báp-tít, đi trong đồng vắng, kêu gọi trong đồng vắng, tiếng kêu chỉ có âm thanh của đồng vắng vọng lại.

Ngày hôm qua đến giờ tôi để đoạn Kinh Thánh này trước mặt, đọc và suy gẫm:
“Đức Chúa Jêsus lại phán ví dụ cùng chúng nữa, rằng: Nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình. vua sai đầy tớ đi nhắc những người đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Nầy, ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới. Nhưng họ không đếm xỉa đến, cứ việc đi đường mình; kẻ nầy đi ra ruộng, kẻ kia đi buôn bán…”

Thật giống tình trạng bây giờ. Dường như không ai để ý đến lời mời. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình. Người đang bận cho đám cưới mình, đám cưới con cháu mình, người đi nghỉ lễ Đà Lạt Vũng Tàu, người đang check in ở các địa điểm du lịch, vui chơi, bận buôn bán online…

Tôi sẽ phân bua điều này với ai. Với Chúa ư? Tôi nói với Chúa rằng, đây là việc của Ngài, và con chỉ là người làm công cho Chúa thôi. Hãy kêu những con gặt, sai họ đến. Con đã làm hết sức có thể, sức của một người không còn tuổi trẻ nữa……

Một người bạn comment: … một cái nhìn khác. Chúa kêu gọi, chọn lựa, ban ân tứ, chức vụ, khả năng. Nhưng Ngài biết và cho phép những đáp ứng… không phải cùng một cách! Vì mọi vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! Amen Roma 11:36

Tôi nghĩ mình hiểu ý nghĩa của lời comment ấy, vì trước đây tôi cũng nói một câu như vậy khi nghe những lời kêu gọi dấn thân truyền giáo. Câu đó không có gì sai, nhưng làm tôi suy nghĩ: có nhiều cách hầu việc Chúa, mỗi người được kêu gọi mỗi cách. Nhưng truyền giáo không phải là một cách trong mỗi cách, nó là một mạng lệnh chung cho tất cả mọi người. Truyền giáo không phải là một sự lựa chọn của Cơ đốc nhân, nó là một việc must do. Chỉ có là người ta đã làm nó như thế nào, nhiều hay ít, tận tình hay hờ hững, quan tâm bao nhiêu.

Khi còn ở Mỹ, còn cùng điều hành tờ Hướng Đi chung với một vị niên trưởng, chúng tôi đã cảm thấy khá bối rối với cách Hội Thánh và tín hữu đáp ứng các lời kêu gọi hiệp tác truyền giáo. Hướng Đi trong nhiều năm khá thành công trong việc kêu gọi làm từ thiện, xây nhà nguyện, nhà tình thương, xây cầu, làm giếng nước, thậm chí cung cấp những chiếc xuồng, ghe nhỏ để chèo chống trên các vùng sông rạch miền Tây, họ đã dâng những số tiền lớn, vài ngàn, vài chục ngàn, có khi lên đến ba bốn chục ngàn đô la một lần (một cơ sở nhà Tình Thương do Hướng Đi bảo trợ nay đã xây dựng xong một căn nhà tương đối lớn, số tiền lên đến con số trăm ngàn), nhiều người đã làm như vậy, vui vẻ, tình nguyện làm, nhưng khi kêu gọi cộng tác trong các chương trình truyền giáo, huấn luyện đào tạo, phần lớn chỉ… mỉm cười, tay không nhấc lên 🙄. Tôi đã phải… sáng tác ra một cách gọi mới, từ thiện tâm linh, mong đánh động đến tâm hồn yêu thương linh hồn đồng bào của Cơ đốc nhân, nhưng kết quả cũng chẳng là bao 🙂

Dù vậy, khi Đức Chúa Trời kêu gọi vào công trình này, tôi đã không chần chừ, mà ngay tức khắc vâng lời, như kiểu Ê-sai nói: có con đây, xin hãy sai con. Tôi đã không hỏi Chúa tiền đâu, vì trong saving account của một Mục sư… nghèo (các bạn học của tôi gọi vậy), gần 30 năm hầu việc Chúa miệt mài trên đất Mỹ, quản nhiệm vài Hội Thánh, truyền giáo đây đó vài năm, có một số tiền để dành không bằng… tiền lẻ của các ca sĩ… hiện đại khi họ chỉ cần cất tiếng lên hát một bài hát. Tôi mang hết về Việt Nam và đưa hết vào tài khoản của nguyệt san Nguồn Sáng để sử dụng. Đôi khi, tôi nghĩ đến sự… tằn tiện của mình cho nhu cầu của chính mình, tính toán từng chút về việc ăn uống khi ở Mỹ, tính toán từng chút khi về Việt Nam, tìm những khách sạn rẻ, ở những căn phòng nhỏ, những trưa chiều xuống phố tìm thức ăn thường chỉ dám… ngó vào các quán… cóc 🙂, cảm thấy mình cư xử không… fair với mình. Sau bao nhiêu năm hầu việc Chúa, lẽ ra mình có thể sử dụng số tiền để dành ít ỏi ấy để ăn uống bồi bổ hơn, cho những chuyến du lịch gần, xa, từ lâu đã ở trong ước mơ của mình. Vốn là một người người đam mê du lịch từ trong… máu 🙂, tôi đã ước mơ đến những khung cảnh tuyệt vời của Châu Âu, của Pháp, của Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ….., nhưng bây giờ, đã đóng sập những cánh cửa mơ ước ấy lại.

Bây giờ chỉ còn một mơ ước duy nhất: chinh phục những linh hồn người Việt cho Chúa trên cánh đồng mênh mông của nước Việt. Tôi làm việc miệt mài trên laptop, viết bài, tìm bài, sửa bài, tính toán bố cục, cấu trúc nội dung, từ đầu tháng cho đến giữa tháng, và khi bản final layout đưa vào nhà in thì quay lại làm bản thảo cho số báo mới. Những khi mệt, tôi nghĩ một điều: mình chưa làm gì cho Chúa đủ cả, so với tình yêu bao la vĩ đại của Ngài, để được thêm sức. Tôi cảm thấy mình mau… nước mắt hơn khi nghe, nhìn một video clip được thực hiện để chuẩn bị cho ngày hội giao lưu sắp tới, nghe bài hát chủ lực, nhạc hiệu cho Nguồn Sáng, nhận được những thông tin truyền giáo kết quả của anh em qua tờ báo. Tất cả những điều ấy, thêm cho tôi sức lực để lại bước đi trên con đường gập ghềnh của những hè phố Sài Gòn, (sắp tới đây, Hà Nội, và Đà Nẵng), ngay cả những bậc tam cấp khập khiễng không hề báo trước trong các tòa nhà, mà tôi hay gọi đùa là cạm bẫy của Việt Nam, vì rất dễ vấp té nếu không cúi xuống nhin từng bước chân.

Khi bắt đầu kế hoạch 3 sự kiện giao lưu với độc giả với Ban Điều Hành Nguồn Sáng, tôi hy vọng số báo hàng tháng sẽ tăng lên từ 7500 đến 10000, nhưng chỉ mới Sài Gòn, đã tăng lên trên 10000, số 9 mới nhất không đủ cung cấp, phải… ngắt véo chỗ này chỗ kia một cách vất vả, nhưng mà vui lòng 🙂 Hai sự kiện còn lại, và nhất là cách làm việc rất… chuyên nghiệp, tận tình, bài bản của anh em Hà Nội, con số chắc sẽ không nhỏ hơn 🙂. Đồng thời với số báo tăng, tôi phải bắt buộc nghĩ ngay đến một con số khác sẽ phải tăng theo, đó là tiền, tiền trong saving account của Mục sư… nghèo đã cạn. Bây giờ tôi lại phải hỏi Chúa, như ngày xưa khi rời khỏi con thuyền an toàn ở Hội Thánh Fort Worth, Texas đi Nga, tôi đã hỏi Chúa rằng tiền ở đâu để con đi, hãy sai những con quạ mang thức ăn đến cho tiên tri Ê-li tại khe Kê-rít. Quạ đã nuôi tiên tri trong những ngày hạn hán. Con cần quạ.

Tôi đã nhìn thấy bàn tay của Chúa trong những ngày tháng này một cách lạ lùng. Trong trí tưởng giới hạn của tôi, tôi vẫn nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ sai những con quạ ở… Mỹ đến, vì nó sẽ mang đến những đồng đô la, giá trị rất nhiều lần so với tiền Việt. Nhưng Đức Chúa Trời Đấng cho biết rằng Ngài sẽ làm những việc lớn và khó là những việc ngươi chưa từng biết, Ngài đã sai quạ đến ngay trong lúc cơn hạn hán đang làm nứt đất, nhưng là một con quạ… Việt Nam. Không phải quạ Mỹ 🙂 Quạ Mỹ cũng có, nhưng là những con quạ vừa phải, còn con quạ này mang dáng vóc của một con đại bàng, dang cánh rộng không giới hạn. Tôi kinh ngạc vì sự dâng hiến của em, khi em dâng, tôi phải ngẩng đầu nhìn lên núi mà tạ ơn Chúa, và rơi nước mắt vì biết ơn. Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài theo đúng kế hoạch của Ngài, không vội vã hoặc chậm trễ nhưng đúng kỳ. Mây đủ nặng thì mưa.

Con đại bàng ấy đang đi với tôi trong những ngày tháng rất… sôi động này, khi con số báo nhảy lên rất nhanh và tiền bạc bay lên rất cao. Hầu như mỗi ngày em đem xe đến khách sạn chở tôi đi uống cà phê, ăn sáng, ăn trưa, những câu chuyện về khải tượng cho tờ báo miệt mài không bao giờ chấm dứt. Chúng tôi bàn những kế hoạch mới khi tờ báo phát triển lên đến 20.000 và hơn nữa. Em nhìn thấy sự áy náy của tôi khi em tiếp tục dâng những số tiền lớn hơn và gấp rút hơn. Em nói: con không đang làm việc cho một mục vụ hay cho một người nào, con đang làm việc cho Chúa. Con nhìn thấy tiềm năng của tờ báo là lớn, tờ báo sẽ đi rất xa và hiệu quả rất nhiều cho sự cứu rỗi linh hồn người Việt. Con không phải là người hỗ trợ, con đặt mình là người trong cuộc, việc này là của con. Con áy náy là trước đây con đã dấn thân, nhưng không hết lòng. Bây giờ còn sẽ làm việc hết lòng. Mục sư không phải áy náy về việc dâng hiến của con và đừng quá lo lắng về tài chánh, công việc Chúa đi tới đâu con sẽ đi tới đó.

Tôi có một lần nói với em về câu chuyện Người Trai Trẻ Giàu Có trong Mác 10:21: Đức Chúa Jêsus ngó người mà yêu. Tôi nghĩ rằng Chúa Jesus đang nhìn người trai trẻ này mà yêu. Công khó Ngài gây dựng chàng trai trẻ này bao nhiêu năm trong nhà thờ không phải là vô ích. Ngài đã chuẩn bị em cho công trình thuộc linh lớn lao này. Tôi không hỏi Chúa tiền đâu nữa, vì Ngài đang làm, sẽ làm, Chúa không bỏ dở công trình xây dựng của Ngài khi nó chưa hoàn tất. Việc Ngài đã khởi đầu làm, thì sẽ làm cho đến cuối cùng. Tôi tin vậy. Khi nào công việc xong, Ngài biết, khi Ngài nói hãy đi, tôi sẽ đi, khi nào Ngài nói đủ rồi, tôi sẽ ngưng lại, không hối tiếc. Tôi không đang làm việc cho một mục đích gì khác hay là cho ai, cho cá nhân tôi, tôi đang làm việc cho Chúa. Đây là việc của Ngài.

Trưa nay chúng tôi gặp một Mục sư trẻ, người nhiệt tình cộng tác với chúng tôi từ những số đầu tiên (lẽ ra hai người nhưng một người bệnh bất ngờ không đến được) tại một quán cà phê dễ thương, Little Du Miên, nơi hẹn hò của Nguồn Sáng, tôi đem thắc mắc ra hỏi: tại sao người ta sẵn sàng dâng những số tiền rất lớn cho công tác xã hội, làm từ thiện, mà dường như rất ít quan tâm đến vấn đề truyền giáo, cứu rỗi linh hồn con người. Mục sư nói: tôi không nghĩ vậy đâu Mục sư, khi người ta thấy kết quả của việc truyền giáo, người ta sẽ dâng. Vấn đề là: hãy để cho người ta thấy sự hiệu quả của tờ báo này.

Tôi hỏi đùa: và người ta sẽ dâng hàng chục triệu, trăm triệu tiền Việt, hay là chục ngàn đô la Mỹ chứ.

Chúa trả lời: Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trỗi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.

Mục sư Lữ Thành Kiến

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn