Mục sư Lữ Thành Kiến
Tôi không biết đây có phải là một sự “cố ý” của Đức Chúa Trời không bởi vì tôi rất “vô tình” click vào cái bản đồ này trên google, đang khi tâm trạng tôi khá… bất ổn vì những suy nghĩ cứ hiện ra trong đầu, đến rồi đi, đi rồi đến, mà không tự chủ được. Tôi… out of control 🙄
Có lẽ, Đức Chúa Trời thấy tôi đang có ý muốn lui lại, muốn thoái thác, khi mọi cái đã được set up, chỉ chờ ngày về. Có lẽ nào Đức Chúa Trời đã đọc được những “tư tưởng” của tôi, như trong câu Kinh Thánh: Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Hê-bơ-rơ 4:12. Có lẽ chưa bao giờ tôi chạm đến chiều rộng chiều sâu của lời Kinh Thánh này như lúc này. Là một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Tôi luôn giảng câu Kinh Thánh này như là một giải thích của sự cáo trách của Kinh Thánh, nhưng chưa từng nghĩ đó là một sự đụng chạm riêng tư của kinh nghiệm. Đến nỗi phải ngồi xuống viết, mặc dù có bài giảng tuần này đang chờ và hai video Thánh Kinh Giải Đáp đã hứa làm xong trước ngày đi Việt Nam cùng phải soạn thảo những dự án, dự tính cho các sự kiện của Ngày Hội Nguồn Sáng vì nó đang đến rất gần. Tôi hầu như phải để cho các “chất xám” của tôi chảy ra đến mức tối đa có thể.
Đức Chúa Trời nhìn thấy, biết, và hiểu những trăn trở của suy tư con người ngay cả khi họ chưa nghĩ ra. Điều này là một sự kỳ diệu của Đức Chúa Trời mà trí tưởng của con người không thể vói đến.
Tôi đang cảm thấy đức tin của tôi đang bị va chạm, đang được thử thách. Thời gian sau này tôi có một điều không vui, dù tôi cố gắng khỏa lấp nó bằng những hoạt động trí óc dồn dập hơn, làm việc nhiều hơn trên laptop, viết nhiều subjects trên màn hình và save lại để đó. Nhiều khi mệt vì viết nhưng không chịu ngừng. Tôi cũng biết tôi là một người nhiều cảm xúc, nhưng trong công việc tôi chưa từng để cho cảm xúc quyết định một quyết định nào đó của mình. Nhưng nay, điều đó có thể xảy ra. Tôi nghĩ là tôi đã nghe rõ tiếng Chúa kêu gọi về Việt Nam lần trước và lần này, nhưng trong một lúc nào đó, một câu hỏi bật ra trong đầu tôi: có phải không? Tôi chợt thấy nghi ngờ những gì tôi đã xác định trước đó. Mình có quá nhạy cảm không?
Tôi đã nhìn thấy rõ bàn tay Chúa can thiệp vào tờ báo khi tôi trở về lần trước vào tháng 11, khi đại dịch vẫn còn đang lảng vảng rất gần, chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tôi chỉ có một ít tiền để dành trong saving như bất cứ một người nào sống ở Mỹ lâu năm phải có, gọi là emergency fund, quỹ cấp cứu, dự phòng cho những lúc bất trắc đột xuất, và đó là số tiền tôi dùng để bắt đầu cho một công việc lớn mà Đức Chúa Trời kêu gọi tôi, không hề lưỡng lự. Người làm việc cùng tôi lâu năm trong lãnh vực báo chí hứa sẽ cho (mượn) tiền khi tôi về Việt Nam nhưng đó chỉ là lời hứa của con người: Chớ cậy ở loài người, là loài có hơi thở trong lỗ mũi; vì họ nào có đáng kể gì đâu? Tôi đã xoay sở bằng mọi cách có thể, nhưng cho đến số 3 của tờ báo thì bế tắc, tờ báo thiếu một số tiền lớn để trả cho nhà in. Đang lúc đó, Đức Chúa Trời rẽ nước sông Giô-đanh, hay sai một con quạ mang thực phẩm đến khi Ê-li đang đói. Hay là lúc Môi-se đã thật sự mỏi tay, thì A-rôn và Hu-rơ đến hai bên, đỡ tay lên. Có thể là một, hoặc là cả 3 trường hợp đó.
Số lượng báo phát hành mỗi tháng tiếp tục tăng lên, nhu cầu tài chánh càng tăng lên. Và trong một lần tôi thật sự bối rối, bàn tay Chúa đưa ra kịp lúc một cách kỳ diệu không thể ngờ. Và bây giờ 8 số báo đã có mặt, đến tay người Việt ở 23 tỉnh thành trong số 63 tỉnh thành của đất nước Việt Nam. Cho đến lúc này thì tôi tin vào sự tiếp trợ của chính Đức Chúa Trời: Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, Là Đấng đã dựng nên trời và đất. Thi-thiên 121:1-2. Vậy thì tôi nghi ngờ gì cho chuyến về lần này? Tôi đang nuôi mộng đánh một trận lớn cho Đức Chúa Trời, cho dân tộc Việt Nam, hoàn toàn không phải tôi, không một ai thấy tên tôi xuất hiện trên tờ báo. Nhưng một cái gì đó đang gieo ra trong đầu tôi, như một dấu hỏi mỗi lúc một lớn. Người theo Chúa sẽ đổ thừa ma quỷ, nhưng tôi nghĩ, chưa chắc đã là nó. Có thể là tôi.
Tôi đang nhìn vào cái saving đã cạn ráo. Tôi chắt chiu từng đồng qua các bài giảng hàng tuần, và hàng tháng tôi phải chi ra một số tiền lớn hơn số tiền tôi đã chắt chiu tích cóp được trong một tháng. Tôi chờ đợi thứ tư tuần thứ ba của tháng để tiền hưu đến, trả những cái bill dồn dập, và thở dài. Một thú vui duy nhất xem Tennis trên TV cũng đã bị cắt đứt vì… tốn tiền. Tôi cảm thấy mình keo kiệt với chính mình, uống một ly cà phê Starbucks cũng phải đắn đo suy nghĩ, mua trái cây để ăn bớt cho những bữa ăn chính nhiều chất bột vì tiểu đường, phải nhìn kỹ giá của nó trên bao bì. Ngày nào cũng phải mở cái app ngân hàng lên xem còn bao nhiêu tiền, buổi sáng ngồi trong cửa sổ nhìn ra đường, chờ chiếc xe bưu điện hiện ra ở đầu đường, chờ người phát thư bỏ thư vào thùng, hy vọng hôm nay trong mớ bills và báo quảng cáo, sẽ có 1 cái check. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Rõ ràng là tôi đang bước đi bởi mắt thấy, chứ không phải đức tin như tôi thường nói. Tôi đang không ngước mắt lên núi để nhìn xem sự tiếp trợ đến từ Chúa. Tôi đang mong chờ sự tiếp trợ đến từ con người.
Tôi đang nhìn vào những thách thức của chuyến viễn du trước mắt. Chính miệng tôi đã nói những khải tượng và tôi đã chia sẻ nó một cách mạnh mẽ. Tôi nói là tôi đã nghe đã thấy đã rờ…, nhưng bây giờ dường như tôi đang chùn bước. Tôi nghĩ đến những ngày sẽ phải lại bôn ba bay đi đây đi đó, chuẩn bị những dự án, kế hoạch mà tôi sẽ phải thực hiện, trong khi sức khỏe tôi bây giờ không phải là sức khỏe của một thanh niên hay một trung niên. Tôi cảm thấy gánh nặng, dù biết rõ là Đức Chúa Trời sẽ gánh phụ, gánh phần lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy nặng nề. Trái tim tôi đang bị thương tổn vì những niềm u hoài khôn nguôi, trí óc bị bào mòn vì những suy tưởng quá mức. Tôi thấy là sức khỏe tôi đã lên tiếng, dù những ngày qua Chúa cho check up bình thường, không có gì đáng ngại cả. Tôi có nên nghỉ ngơi chưa, sao tôi cứ tự gánh nặng, vác nặng, tôi nhớ lời bài hát: tự mình ôm lấy tổn thương riêng mình. Đúng là tôi tự muốn gánh vác. Tự mình muốn làm mệt mình. Sao tôi vẫn chưa muốn ngồi yên, mỗi sáng mai thức dậy bình an trong căn nhà của mình, căn phòng của mình, chiếc giường của mình. Thưởng thức ly cà phê cùng những chiếc bánh quen thuộc. Đi bộ quanh xóm nghe chim hót, nhìn mây bay.
Tôi đang nhìn vào đất nước Việt Nam, gần 100 triệu dân, 2% người tin Chúa, trong số 2% đó đa số là người sắc tộc. Đó là lý do tôi muốn trở lại Việt Nam lần thứ hai trong khi chưa đầy nửa năm. Tôi muốn tổ chức những buổi giao lưu với độc giả của mình, nhằm mục đích đưa những tờ báo này lan ra xa nhất có thể. Tôi hình dung hình ảnh những người dân Việt ở những nơi xa xôi hẻo lánh, tay cầm tờ báo, đọc nó, biết những thông tin cần thiết về một Đức Chúa Trời toàn năng đầy yêu thương mà họ chưa từng biết, điều đó làm trái tim tôi như được hàn gắn lại những đổ vỡ, ấm áp trong mùa đông, hạnh phúc trong bất an. Khi con mắt tôi nhướng lên, tôi thấy nụ cười của Chúa, làm tôi muốn chảy nước mắt.
Nhưng thực tế vẫn là thực tế. Tôi vẫn chưa nguôi những băn khoăn. Chưa có một người thánh nào đã đi hết cuộc đời mình trên đất với Chúa mà không có nghi vấn. Đôi khi, trong bóng tối, trong u ám, trong khắc nghiệt, trong băn khoăn, họ vẫn hỏi Chúa những câu hỏi ít ai hỏi, vì chỉ có những người rất đặc biệt mới có thể có những câu hỏi trăn trở như vậy. Tôi hỏi Chúa về những nghi vấn của tôi, tôi tin là Ngài sẽ trả lời, vì Ngài vẫn trả lời những câu hỏi rất nặng… ký của Đa-vít, của Ê-li, của Giê-rê-mi và nhiều người thánh khác. Tôi trải qua những ngày đồng vắng, dù trong những ngày ấy tôi vẫn cố gắng làm việc, nhưng dường như là overload với tôi.
Một buổi sáng Đức Chúa Trời đã trả lời tôi, không bằng những câu trả lời tôi đã soạn sẵn, nghĩ ra, yêu cầu, mong đợi. Đức Chúa Trời có những câu trả lời của chính Ngài. Không giống bất cứ câu trả lời nào tôi nghĩ, vì Chúa là Chúa, không phải là bất cứ ai. Ngài cũng không dùng Kinh Thánh để trả lời tôi như mọi lần. Sinh nhật tôi năm nay, một người tín hữu đã dùng zelle để chuyển số tiền $100 vào account của tôi. Người tín hữu này mười mấy năm qua chưa bao giờ quên gởi quà sinh nhật cho người Mục sư mà cô luôn nói là biết ơn, dù trong những năm đại dịch, số tiền ấy vẫn đến trong một phong bì có một tấm thiệp đẹp với những dòng chữ viết tay rất cẩn trọng mặc dù một tay cô không hoạt động bình thường như người khác sau một lần stroke. Nhưng năm nay không thấy. Cho đến cuối ngày thì message báo tin có một số tiền đã zelle vào account của tôi. Tôi nhắn cho cô với giọng đùa: Mục sư đang suy nghĩ năm nay không biết người tín hữu trung tín ấy có nhớ tặng quà sinh nhật cho Mục sư sao nhiều năm tháng dài không. Cô trả lời: thưa Mục sư, năm nay quả thật là con đã quên, nhưng cho dù con quên, thì Đức Chúa Trời vẫn có cách nhắc cho con nhớ. Chúa nói với con là con không thể quên. Con biết ơn Chúa, và biết ơn Mục sư đã không quản ngại bao nhiêu khó khăn để giúp con trở thành con như ngày hôm nay.
Chữ biết ơn như một viên đạn của tình yêu bắn vào trái tim tôi. Tôi biết Chúa đang nhắc lại cho tôi nhớ về ơn của Ngài dành cho tôi qua bao nhiêu năm tháng. Tôi đang quên, nhưng Đức Chúa Trời có cách của Ngài để nhắc cho tôi nhớ. Quả thật, tôi không thể là tôi ngày hôm nay nếu không có sự thương xót và ban ơn của Chúa. Trong trí tưởng tôi hiện ra tất cả những hình ảnh mà Chúa đã làm ơn cho tôi nhiều nhất tôi có thể nghĩ, đến nỗi tôi phải ngồi im, thừ người ra một lúc, để những hình ảnh ấy lần lượt chạy ngang qua tôi như một đoạn phim cũ quay chậm. Đến một lúc, tôi bị overload vì những hình ảnh ấy, phải bật nói: Chúa ơi, đủ rồi, hiểu rồi, thấy rồi. Tôi cảm thấy một sự chua xót tràn ngập tâm hồn. Tôi đã nói với Chúa bao nhiêu lần về sự biết ơn của tôi với Ngài, là không xiết kể, là kinh nghiệm thật, là từ trong lòng, sâu thẳm của hồn, chứ không phải chỉ là sự đụng chạm của Kinh Thánh. Bây giờ thì Chúa nhắc lại cho tôi nhớ những lời hứa của tôi với Ngài.
Rồi những khắc khoải, ưu tư của tôi về sức khỏe, về tài chánh, về tình cảm, Chúa đang dùng một eraser để erase tất cả, dần dần, từng cái một, bóng tối mờ dần, ánh sáng hiện dần lên, sáng sủa, yên tĩnh, đẹp đẽ như không hề có dấu vết trước đây, tôi lại mở bài hát mà tôi đã viết, đã nghe mỏi mòn, thuộc lòng, cảm nhận từng chữ, từng lời: trong ánh sáng xanh mướt của hừng đông, con thả mình trôi về phía mặt trời hồng. Con xanh mướt vì đêm chưa tan, nhưng Cha hồng vì ngày đang tới. Dù có những nỗi buồn thì, đêm cũng đã qua, và ngày sẽ tới.
Vậy thì, hẹn Việt Nam tháng 9 và những chuyến đi như đã lên kế hoạch: ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia.
Mục sư Lữ Thành Kiến