Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Sự Chết Của Thánh Đồ

Sự Chết Của Thánh Đồ

“Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở
khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được,
dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công vụ 17:26-27)

SỰ CHẾT CỦA NGƯỜI THÁNH

Bài giảng trong ngày tang lễ của người Tin lành.

NHẬP ĐỀ
“Sự chết của các người thánh.
Là quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va.”
(Thi thiên 116:15)
“người thánh” trong câu KT này là những người đã tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Họ được gọi là thánh đồ.
Cách đây không lâu, một Cơ đốc nhân trưởng thành đang ra sức đạp xe đạp trong một phòng tập Gym, Mục sư Ân Điển nhìn vào chiếc máy đo huyết áp đeo trên tay.
Mục sư hỏi: “Anh đang làm gì vậy?”
Anh nhỏ nhẹ đáp: “Nhìn xem tôi còn sống không.”
Mục sư hỏi vặn lại: “Anh sẽ làm gì nếu thấy mình đã chết?”
Anh cười rạng rỡ trả lời: “tôi sẽ nói lớn Ha-lê-lu-gia!”
Trải qua nhiều năm tháng, chúng ta có thể thấy năng lực mạnh mẽ bên trong của nhiều tín nhân: kiên nhẫn đối diện với sự xuống dốc và mệt mỏi về thể chất với đức tin và hy vọng khi tiến gần hơn đến đoạn kết của cuộc đời. Quả thực, người tin Chúa không chỉ tìm được hy vọng, mà sự chết cũng mất quyền cai trị trên người đó.
Ai có thể tìm được sự bình an và hy vọng, thậm chí là vui mừng khi cận kề cái chết? Chỉ những người bởi đức tin được kết nối với Đức Chúa Trời đời đời và những ai biết rằng họ có sự sống đời đời mà thôi. Phao-lô viết, “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa,2 trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa” (1 Côr. 15:51-52). Với những người có sự bảo đảm ấy, giống như tín nhân trên đây, thì sự chết không còn khiến anh sợ hãi. Anh có thể nói về niềm vui lớn lao khi gặp Đấng Christ mặt đối mặt!
Nhà thơ John Donne (1572-1631) đã nói, “Sau một giấc ngủ ngắn, chúng ta sẽ thức mãi mãi.”
Đối với người tin Chúa, sự chết là bóng đêm cuối cùng của trần gian trước bình minh của thiên đàng.

KHAI TRIỂN BÀI GIẢNG
“Danh tiếng hơn dầu quí giá; ngày chết hơn ngày sanh.2 Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. 3 Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. 4 Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng.
(Truyền đạo 7:1-4)

Người đời có câu “gần đất xa trời”, muốn nói lên một con người sẽ không còn hiện hữu dưới mặt trời này nữa nhưng sẽ mãi mãi chôn sâu dưới lòng đất. Cái chết là tai vạ lớn nhất của nhân loại, người ta đấu tranh bằng mọi cách để tồn tại và sống còn. Ngày chết chính là ngày khóc lóc tang chế của những người thân còn ở lại.
Là con người TRONG MỘT THẾ GIỚI SA NGÃ thì không ai tránh được sanh-lão-bệnh-tử.
Mọi người đều chuẩn bị cách tốt nhất cho ngày ra đời của đứa con mình, mua đồ đạc trẻ em sơ sinh, chuẩn bị tiền bạc. Khi trở về già ai cũng chuẩn bị cho công việc nghĩ dưỡng, làm sao ở những ngày cuối đời mình được thư thái, tiền hưu, tiền trợ cấp…. Ai cũng có ít nhất một bảo hiểm xã hội để đề phòng khi bệnh tật thì để được chữa trị cách tốt và không tốn kém.
Đa số chúng ta đều là những người có khả năng lập kế hoạch rất tốt cho cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên hầu như rất ít người trong chúng ta lập kế hoạch cho ngày mình qua đời.
Người ta sợ nói đến từ “chết” đến mức người ta có hàng loạt các từ đồng nghĩa khác để thay cho nó, để làm giảm nhẹ đi sự sợ hãi của loài người ví dụ: qua đời, qui tiên, ngủ, yên nghỉ,…. Sự chết là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Nó đánh dấu việc chúng ta lìa khỏi đời này mà bước vào cõi đời đời. Sự chết là cánh cửa để đi vào cõi vĩnh hằng. Hạt giống cần phải chết đi mọc lên thành cây lớn. Thân thể này cần phải chết đi để được sống lại và biến hóa thành thần thể mới.
Sự chết khẳng định cho chúng ta 3 lẽ thật rằng:
1) Loài người chúng ta không có quyền trên sự sống và sự chết. Loài người không thể tạo ra sự sống, sự sống của chúng ta có thể mất đi bất kỳ lúc nào.
2) Có một Đấng Tối cao nắm giữ sự sống và sự chết của loài người. Đấng đó chính là Đức Chúa Trời.
3) Sự chết là khởi đầu của sự sống mới. Hạt giống gieo vào thì nó phải chết đi thì mới có thể mọc thành cây.
Kinh thánh không sợ hãi khi nhắc đến từ chết. Ít nhất có 1231 lần trong Kinh thánh nhắc đến từ chết. Trong khi đó chữ “sống” chỉ nhắc đến 1194 lần mà thôi (theo bản dịch tiếng Việt- truyền thống). Điều này cho thấy Kinh thánh xem cái chết vô cùng quan trọng đối với loài người chúng ta.

Trở lại với Kinh thánh chúng ta vừa đọc. Cụm từ quan trọng nhất mà CHÚNG TA CHÚ Ý hôm nay chính là “Ngày chết hơn ngày sanh”.
Phân đoạn này so sánh ngày chết là tốt hơn ngày sanh. Đó là sự chết của một người tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình.
Ngày mà chúng ta sanh ra là ngày có những con người chào đón bạn. Nhưng ngày bạn qua đời là ngày thiên sứ tiếp rước bạn.
Ngày bạn sanh ra là lúc bạn cất tiếng khóc chào đời, nhưng ngày bạn qua đời là ngày bạn mỉm cười trước sự sống vĩnh hằng với Chúa.
Ngày bạn sanh ra là ngày đầu tiên bạn cần tắm rửa để được sạch thân thể. Nhưng ngày bạn qua đời bạn cần từ bỏ thân thể hư nát này để được nhận lấy thân thể biến hoá vĩnh hằng nơi thiên đàng.
Ngày bạn sanh ra là lúc cần được mặc tả và quần áo để che thân, nhưng ngày bạn qua đời là ngày bạn mặc lấy sự vinh hiển từ nơi Cha.
Ngày bạn sanh ra là lúc từ từ tiến đến sự chết, nhưng ngày bạn qua đời là lúc bạn bước vào cõi đời đời vinh hiển không hề chết mất.
Ngày bạn sanh ra là ngày bạn chưa biết nói, nhưng ngày bạn qua đời bạn sẽ được tương giao với Cha Thiên Thượng bằng ngôn ngữ thiêng liêng.
Ngày bạn sanh ra bạn cần được người ta chăm sóc, nhưng ngày bạn qua đời bạn được chính Chúa chăm sóc.
Ngày bạn sanh ra bạn chưa có tóc, chưa mọc răng, chưa ăn được.. nhưng ngày bạn qua đời bạn sẽ được sống lại một thân thể thiêng liêng đầy trọn nhất, mạnh mẽ nhất và siêu nhiên và sẽ bước vào trong tiệc yến của thiên đàng.
Thế giới mới (sự đời sau) mà Đức Chúa Trời đang sắm sẵn cho chúng ta là kỳ diệu. Nơi đó là ngôi nhà thật của chúng ta. Thế nhưng sự chết không có Chúa Giê-su chính là sự chết đời đời – vĩnh viễn dưới lòng đất và mãi mãi xa trời.
Sự chết của người trong Chúa (của người thánh) không phải là sự chết mà là chia tay tạm thời. Sự chết của người trong Chúa là một thủ tục trả lại thân thể về bụi đất để được biến hóa một thân thể mới của Thiên đàng.

KẾT LUẬN
Hôm nay gia quyến và hội thánh của Chúa tạm chia tay với ông/bà… người cha, người chú, người anh em trong hội thánh, nhưng rồi chúng ta sẽ gặp lại ông/bà trong cõi đời đời.

Minh họa:

Một Chú Chó Con
Bác sĩ đến nhà một bệnh nhân để khám bệnh. Vị bác sĩ này có thói quen dẫn theo một chú chó con. Ông để nó bên ngoài hành lang và bước vào nhà của bệnh nhân. Người nhà của bệnh nhân đóng cửa lại.
Bệnh nhân: tôi sắp chết rồi, ông có biết sau khi chết tôi sẽ về đâu?
Bác sĩ suy nghĩ để tìm câu trả lời thích hợp thì nghe tiếng con chó đang cọ vào cánh cửa đòi vào nhà, ông từ tốn hỏi lại:
-Ông có biết tại sao con chó của tôi đòi vào bên trong nhà của ông?
-Vì nó biết có ông ở bên trong.
-Đúng rồi, thế này nhé. Con chó hoàn toàn không biết bên trong căn nhà ông có gì, nó chưa từng vào đây. Nhưng nó muốn vào vì nó biết bên trong có tôi là chủ của nó. Cũng vậy Cơ đốc nhân trước khi chết chưa bao giờ vào thiên đàng, và cũng không biết rõ trên thiên đàng như thế nào, nhưng Cơ đốc nhân muốn vào đó vì biết rằng khi về thiên đàng thì sẽ được gặp ai.
Người bệnh nghe xong nở nụ cười và thở hơi thở cuối cùng về bên kia thế giới.
Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn