Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Đức Chúa Trời Cũng Tin Chúng Ta

Đức Chúa Trời Cũng Tin Chúng Ta

ĐỨC CHÚA TRỜI CŨNG TIN CHÚNG TA

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA TIN NGÀI

“Nên ta đã bảo rằng các ngươi sẽ chết trong tội lỗi mình; vì nếu các ngươi chẳng tin ta là Đấng đó, thì chắc sẽ chết trong tội lỗi các ngươi” (Giăng 8:24).

Trên thực tế, nếu chúng ta không có đức tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không thể được cứu. “Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng Ngài cũng có niềm tin nơi chúng ta. Đôi khi Ngài tin vào chúng ta nhiều hơn là chúng ta tin vào chính mình.

ĐỨC CHÚA TRỜI TIN ÁP-RA-HAM

Đức Chúa Trời phán về Áp-ra-ham: “Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng; thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham” (Sáng thế ký 18:19). Đức Chúa Trời toàn năng tin cậy Áp-ra-ham và nói rằng các con và cháu của ông sẽ được dạy dỗ để giữ theo đạo Đức Giê-hô-va. Tất nhiên, Ngài đã đúng. Y-sác (con trai) và Gia-cốp (cháu), tin vào Đức Chúa Trời và đi theo con đường của Áp-ra-ham. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyển dân Y-sơ-ra-ên  đôi khi không tiếp tục bước đi với đức tin đã từng có trong các tổ phụ của họ.

ĐỨC CHÚA TRỜI TIN GIÓP

Một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến diện kiến Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến. (Gióp 1:6). Đức Giê-hô-va  hỏi Sa-tan rằng: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” (Gióp1:8). Sa-tan biện luận với Đức Giê-hô-va rằng: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người, và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất.  Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là Gióp sẽ phỉ báng Chúa (câu 9-11). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời tin vào Gióp. Ngài biết ông sẽ không làm Ngài thất vọng. Và Gióp đã chịu đựng được sự tấn công tồi tệ nhất từ Sa-tan. Tuy nhiên, ông  đứng vững trong hoạn nạn. Ông đã chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, bất chấp lời cám dỗ từ người vợ: “Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi” (Gióp 2: 9).

ĐỨC CHÚA TRỜI TIN RA-HÁP

Ra-háp không phải là một hình mẫu cho người đương thời (Giô-suê 2:1-6). Cô ấy là kiểu người mà mọi người xì xào, chỉ trỏ và xa lánh. Họ không tin tưởng vào nhân cách của người phụ nữ này.

  • Ra-háp là một phụ nữ có đạo đức và nhân cách không tốt. Nói một cách thẳng thắn, cô ấy là một gái điếm, và đồng thời cũng là chủ nhà trọ (Hê-bơ-rơ 11:31; Gia-cơ 2:25). Cô đã bán thân xác của mình cho những người đàn ông đi ngang qua thành phố và ở lại trong nhà trọ của mình. Trong thời kỳ này, các dân ngoại bang chung quanh Y-sơ-ra-ên thờ lạy hình tượng và hành vi dâm ô đôi khi là một phần của sự thờ phượng tà thần.
  • Ra-háp là một kẻ phản bội đất nước của mình bằng cách chứa chấp kẻ thù.
  • Ra-háp là một kẻ nói dối. Cô ấy nói rằng các thám tử Y-sơ-ra-ên đã bỏ đi trong khi họ đang trốn trên mái nhà của cô. Một số người sử dụng điều này để bênh vực cho những tình huống đặc biệt (xem Rô-ma 3:7), nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ chấp nhận lời nói dối (Châm-ngôn 6:17; Ê-phê-sô 4:25). Chúa có thể bảo vệ các thám tử theo cách không cần đến lời nói dối của Ra-háp.

Ra-háp được Kinh Thánh chấp nhận bất chấp lời nói dối của cô. Là người Ca-na-an, Ra-háp có thể đã không được dạy rằng nói dối là xấu xa. Các nhân vật khác trong Kinh Thánh`được khen ngợi, mặc dù mắc những tội trọng. Đa-vít phạm tội ngoại tình, Áp-ra-ham nói dối, Nô-ê say rượu, Sam-sôn tự làm sỉ nhục mình.  Nhiều người trong số những người được khen ngợi trong Hê-bơ-rơ 11 không được khen ngợi vì tất cả những gì họ đã làm. Họ được ca ngợi chỉ vì một hành động đức tin nào đó. Cũng giống như chúng ta có thể khen ngợi một nhà hùng biện về tài ăn nói, trong khi phản đối một số ý tưởng hoặc từ ngữ của ông ấy.

Bất chấp tất cả những quá khứ xấu xa của Ra-háp, Đức Chúa Trời tin cô ấy. Ngài đã tha thứ cho tội lỗi của cô. Ngài sẵn sàng quên đi cuộc sống trước đây và tha thứ cho lời nói dối của cô liên quan đến nhóm do thám Y-sơ-ra-ên. Ngài đã nhìn thấy điều tốt đẹp ở cô. Ngài tin rằng cô đã thay đổi và có điều gì đó đáng giá. Điều Chúa nhìn thấy ở cô là đức tin và công việc. Trong sách Hê-bơ-rơ, Ra-háp được tôn vinh bởi đức tin của mình, còn trong Sách Gia-cơ, cô ấy được chú ý vì các công việc của mình.

Và kết quả là cuối cùng Ra-háp được liệt kê trong gia phả của Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 1: 5). Đức Chúa Trời cho phép người phụ nữ có quá khứ không tốt đẹp này được kết hôn với một người đàn ông trong tuyển dân Y-sơ-ra-ên, và trở thành mẹ của một đứa trẻ. Một số nhà thần học suy đoán rằng Sanh-môn, chồng của Ra-háp là một trong những thám tử mà cô đã đem đi giấu trên mái nhà. Nếu đúng như vậy thì đây thật là một câu chuyện tình xinh đẹp biết bao!

Ra-háp trở nên một thành viên trong cộng đồng Y-sơ-ra-ên, và quan trọng hơn, cô trở thành một phần của dòng dõi từ Áp-ra-ham qua vua Đa-vít đến Chúa Giê-su Christ. Trước giả Ma-thi-ơ khi đưa vào gia phả của Chúa, chỉ đề cập đến bốn người phụ nữ: Ta-ma, Ra-háp, Ru-tơ và ám chỉ đến Bát-sê-ba (vợ của U-ri được nói đến trong Ma-thi-ơ 1:6). Ba người trong số này có cái tên không mấy thiện cảm. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy xấu hổ khi có những kẻ quấy rối và ngoại tình trong gia đình của họ. Nếu nằm trong khả năng, họ sẽ không bao giờ cho phép những kẻ đó có mặt ngay từ đầu. Đức Chúa Trời có thể bỏ tên Ra-háp ra bên ngoài, nhưng Ngài tin tưởng Ra-háp đến nỗi đã đặt tên cô ấy vào trong gia phả của Chúa Giê-su Christ. Và đó là ân điển!

ĐỨC CHÚA TRỜI TIN PHI-E-RƠ

Phi-e-rơ đã rủa và thề rằng ông không biết Chúa Giê-su người Na-xa-rét. “Người bèn rủa mà thề rằng: ta không biết người đó” (Ma-thi-ơ 26:70-74). Thậm chí trước đó khi Phi-e-rơ khoe rằng ông sẽ theo Chúa đồng tù đồng chết. Nhưng rồi ông đỏ mặt trước lời tra hỏi của một thiếu nữ. Ông giả vờ như chưa bao giờ gặp Chúa Giê-su và nhấn mạnh lời khẳng định đó bằng  lời nguyền rủa – là những lời nói thô tục. Lời nói ấy không xứng hợp chút nào với một sứ đồ.

Sau hành động đó, Phi-e-rơ khóc như một đứa trẻ ăn năn. Ông sám hối vì thất bại của mình. Đức Chúa Trời có thể đã từ bỏ Phi-e-rơ. Ngài có thể  tìm người khác làm sứ đồ thay thế, nhưng lạ thay Chúa chúng ta vẫn tin Phi-e-rơ. Và khi đến lúc chọn ai đó làm phát ngôn viên chính cho Đấng Christ trong ngày lễ  ngũ tuần, Đức Chúa Trời đã sử dụng Phi-e-rơ đứng lên giảng một bài khuấy động lòng người và mang lại kết quả lớn cho phúc âm (Công vụ 2).

ĐỨC CHÚA TRỜI TIN SAU-LƠ (PHAO-LÔ)

Chúa đã nói về Sau-lơ là “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên” (Công vụ 9:15). Mọi người lúc bấy giờ  đều nhận thấy Sau-lơ là kẻ thù tồi tệ nhất của hội thánh, nhưng Chúa đã nhìn thấy ông  là người truyền giáo và là nhà thần học trứ danh. Những người khác thấy một người hung bạo  bắt bớ các Cơ đốc nhân, nhưng Chúa đã nhìn thấy một người có thể hoán cải và trở thành sứ đồ chịu khổ vì tin lành. Những trường hợp này cho thấy rằng Đức Chúa Trời đôi khi tin vào chúng ta trong khi những người khác, hoặc ngay cả bản thân chúng ta thì không tin. Những ai trung thành phụng sự Ngài và chịu đau khổ vì phúc âm, Ngài sẽ không chỉ bảo vệ mà còn sử dụng. Và Ngài sẽ làm cho họ trổi hơn những gì họ có thể suy nghĩ tới, đến nỗi họ trải nghiệm điều Phao-lô viết: “được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:20). Đức Chúa Trời có thể sử dụng những người đã mắc sai lầm. Chúng ta đọc thấy những kẻ thâu thuế và kỵ nữ được vào vương quốc. Đức Chúa Trời không chỉ dung thứ mà họ còn được hoan nghênh. “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi” (Ma-thi-ơ 21:31). Những người có mặt trong ngày lễ Ngũ tuần đã từng đòi giết Chúa Giê-su trước đó, nhưng họ trở thành những Cơ đốc nhân đầu tiên sau bài giảng của Phi-e-rơ (Công vụ 2). Người Cô-rinh-tô đã sống vô đạo đức, nhưng Đức Chúa Trời đã tha thứ cho họ (1 Cô-rinh-tô 6:9-11).

Bạn tin Đức Chúa Trời. Và bây giờ hãy để Ngài tin tưởng bạn sẽ làm nên những kỳ tích cho Ngài. Chúa Giê-su khích lệ chúng ta: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12).

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn