Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Chúa Muốn Tôi Làm Gì?

Chúa Muốn Tôi Làm Gì?

Click vào hình tam giác nhỏ ở trên để nghe bài SỨC KHỎE LÀNH MẠNH  của Đài Nguồn Sống


ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỘT VÀ THẬT

Sáng nay thức dậy bình thường. Mặt trời bên ngoài vẫn chiếu ánh nắng dịu của Mùa Thu mới đến. Lá cây đổi sang màu vàng. Gió trời thổi nhẹ làm bay lá vàng. Tôi vẫn còn hít thở, vẫn còn rửa mặt đánh răng, vẫn còn ăn điểm tâm, vẫn mở miệng nói chuyện với vợ con, vẫn hết lòng tạ ơn Trời, ơn Chúa. Nhờ Trời, tôi vẫn còn sống. Tôi và gia đình tôi đang sống ở Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Chúng tôi đã sống ở đây được hơn 25 năm. Gia đình chúng tôi đã từ Nước Việt đến Nước Mỹ và bây giờ đang chờ đợi đến Nước Trời.
Năm 2020 trở thành năm đặc biệt đối với gia đình tôi và cả nước Mỹ. Ngay từ tháng Giêng, nạn dịch corona virus lan tràn từ Vũ Hán, Trung Quốc đã lây lan ra tới Hoa Kỳ và các nước nhanh chóng. Hậu quả rõ ràng của tình trạng toàn cầu hóa khi người ta khắp nơi đi lại dễ dàng, mang mầm bệnh lan ra, mang phong tục tập quán các nước tràn lan.
Nước Mỹ phân chia càng ngày càng rõ, nhất là toàn dân xôn xao trong mùa bầu cử. Chọn bầu Tổng Thống. Khác những lần trước, năm nay cuộc bầu cử xảy ra thật cam go, không minh bạch, không rõ ràng. Nền tảng tồn vong của Nước Mỹ đang lung lay, nhiều người đâm ra lo lắng và suy nghĩ. Chưa bao giờ sự bàn luận về tình hình đất nước dân tộc trở nên căng thẳng như thế.
Điều gì đang xảy ra?
Tôi thấy dân số thế giới đang gia tăng, lòng người vẫn không thay đổi. Nhu cầu toàn cầu hóa lan rộng, kèm theo những va chạm về kinh tế, về văn hóa, nhất là giữa các nước lớn càng ngày càng tăng. Tình hình tranh chấp của các nước nhỏ cũng kéo theo. Sự phân chia phe phái cũng xảy ra. Thế giới chưa ổn định.
Tôi nhớ về quê nhà. Việt Nam đang tham gia vào sự phát triển của cộng đồng nhân loại. Tình trạng đói nghèo đang được đẩy lui, nhà cửa, đường sá, xe cộ, bến cảng, phi trường, thành phố được xây dựng, người ta bớt lo việc cơm áo gạo tiền để dành thêm thời giờ lo nghĩ đến đời sống tinh thần, tâm linh. Các hoạt động tôn giáo cũng phát triển càng ngày càng rầm rộ, nhà chùa, nhà thờ, kinh sách cũng mọc lên nở rộ. Trong khi đó các phương tiện truyền thông, truyền thanh, truyền hình, báo chí, liên lạc càng ngày càng tiến bộ, nhu cầu hội nhập với nền văn minh thế giới dẫn đến đời sống tinh thần dân chúng khắp nơi đang mở rộng khi tiếp xúc với những nguồn thông tin của nước ngoài nhất là qua các mạng xã hội. Tôi thích nhất là người Việt đang sử dụng các phương tiện liên lạc như điện thoại cầm tay, internet, GPS, Youtube, Facebook… và nhiều người trong nước còn sử dụng các phương tiện nầy giỏi hơn người sống ở nước ngoài. Chẳng bao lâu, tôi thấy mình trở nên như người lạc hậu dầu đang sống ở Mỹ hơn 25 năm rồi.
Nhưng tôi quan tâm đến đời sống tinh thần hơn thể xác, đời sau hơn đời nầy, tôi quan tâm đến sự độc lập, tự do và hạnh phúc thật sự của dân tộc Việt Nam. Tôi quan tâm đến sự giữ gìn các giá trị căn bản lâu dài của dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ đến tương lai.
Tôi rất vui vì từ năm 2000, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tại Hà Nội đã bắt đầu xuất bản Tạp Chí số 1, trong đó có nêu ý kiến về Quốc Đạo ở Việt Nam. Trong bài viết “Đôi Điều Suy Nghĩ Về Quốc Đạo Ở Việt Nam” của tác giả Tô Bửu Giám, tôi thấy có những nhận xét sau đây:
“Có thể nói ngay ở thời đạo Phật thịnh hành nhất vào đời Lý, được cả vua quan đều coi trọng, Đạo Phật chưa phải là quốc đạo ở Việt Nam, vì không phải là ai ai cũng tu hành, thờ cúng đạo Phật trong mỗi gia đình, sống đúng theo các tín điều, giới răn của đạo Phật (Đại Thừa hay Tiểu Thừa). Về sau, ở đất nước ta, nhiều đạo được truyền vào: Đạo Nho, Đạo Giáo từ Trung Quốc, đạo Công Giáo, đạo Tin Lành từ các nước Phương Tây, đạo Hồi từ các nước Ả-rập… Ngoài các đạo du nhập nói trên, có đạo sản sinh từ trong nước như Đạo Cao Đài, Đạo Hoà Hảo. Tín đồ theo đạo nào cũng có nhưng chưa có đạo nào có thể quy tụ được tuyệt đại bộ phận đồng bào dân tộc Việt Nam. Chưa có đạo nào có thể gọi là Quốc Đạo Việt Nam. “
Tôi nghĩ rằng nhận xét nầy là đúng và cũng đã phản ảnh tâm lý và tâm hồn người Việt trải qua bao nhiêu đời. Tôi nghĩ rằng đây là ơn Trời ban cho người Việt Nam. Người Việt Nam tôn trọng quyền tự do quyết định của mỗi linh hồn. Người Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Nếu ông bà cha mẹ chúng ta đã chọn một tôn giáo làm quốc đạo thì có lẽ ngày nay dân Việt chẳng khác nào dân Ấn Độ theo chế độ tập cấp… dân Thái Lan theo Phật Giáo, hay các dân tộc theo Hồi Giáo chủ trương giết chết người dân nào đi theo một tôn giáo khác.
Tôi ước ao với tinh thần tự do mới bởi người Việt, với người Việt, vì người Việt, tất cả chúng ta là người đang sống trong nước hay sống ở nước ngoài sẽ tìm hiểu và đề xuất một con đường hay một hướng đi mới để tất cả chúng ta suy nghĩ tìm kiếm và lựa chọn cho mình và gia đình mình một chính đạo. Nếu tiến đến một quốc đạo càng tốt. Tôi suy nghĩ đến người Amish ở Hoa Kỳ, họ vẫn giữ được đức tin, bản sắc dân tộc và không lệ thuộc vào công nghiệp hay văn minh tiến bộ của người Mỹ. Thế giới bên ngoài đã không xen vào thay đổi bản sắc dân tộc người Amish từ khi nước Mỹ lập quốc trong hơn 200 năm qua.
Tôi rất thích câu chuyện về người Rê-cáp “không uống rượu” và “không xây nhà, không lập vườn, nhưng ở nhà tạm suốt đời.” Tác giả Giê-rê-mi đã ghi lại một giai đoạn khi người Ra-cáp bị cám dỗ uống rượu và thay đổi nếp sống nhưng cuối cùng họ đã thắng, giữ vững truyền thống gia đình và đã được tiếng khen. Chính Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Giô-na-đáp, con trai Ra-cáp, sẽ chẳng thiếu một người nam đứng trước mặt ta đời đời.” Mời bạn xem đầy đủ câu chuyện nầy trong Kinh Thánh sách Giê-rê-mi chương 35: 1-19.
Lý do người Amish ở Mỹ và người Ra-háp ở Israel vẫn giữ được nếp sống tinh thần không thay đổi qua rất nhiều các thời đại là vì đức tin và truyền thống của dân tộc họ đã được truyền thụ và giữ gìn.
Tôi nghe nói, “Tiếng Việt còn thì dân tộc còn.” Câu nói nầy rất hay nhưng tôi thấy không còn thực tế nữa. Chẳng hạn, vợ chồng tôi có 3 con và 7 cháu. Ba con tôi đến Mỹ khi đã học xong Trung Học, nhưng bảy cháu nội ngoại của tôi, sinh ra ở Mỹ và lớn lên giữa trường học và bạn bè nói tiếng Anh. Từ nhỏ các cháu của tôi đã không có cơ hội học đọc, học viết tiếng Việt. Tiếng Việt và nền văn hóa Việt không được phát triển trong lòng các cháu của tôi từ khi chúng còn nhỏ. Nếu không nói tiếng Việt chúng sẽ không biết tiếng Việt. Tôi nghĩ đến tương lai tiếng Việt rất dễ mai một khi đến các thế hệ con cháu của tôi.
Vì thế ngay bây giờ chúng ta phải biết lựa chọn hướng đi và biết chắc hướng đi cho mình và con cháu mình. Ngày từ trong gia đình, từ nhà đến nhà, từ xóm đến xóm, từ làng đến làng. Trong đời sống tinh thần, tôi tin chắc rằng dù muốn hay không nhân loại của chúng ta cũng sẽ chỉ có hai hướng đi mà thôi: hướng đi xuống và hướng đi lên. Tôi thường nói nếu bạn không biết chắc hướng đi lên là bạn đang đi xuống. Đi xuống thì dễ, đi lên thì khó.
Có một trường hợp lựa chọn mà tôi thấy rõ ràng trong thời hiện tại. Đó là sự lưạ chọn vị Tổng Thống cho Nước Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng Thống cuối năm 2020. Tôi không bàn về việc lựa chọn đảng phái giữa đảng Cộng Hoà hay đảng Dân Chủ, nhưng tôi thấy người dân Mỹ đã chọn bỏ phiếu cho hai gia đình hay hai khuynh hướng Bảo Thủ và Cấp Tiến. Gia đình Ông Joe Biden và gia đình ông Donald J. Trump. Ông Biden có con trai là Hunter Biden rất mang tiếng xấu vì đã lợi dụng danh nghĩa người cha làm Phó Tổng Thống và đã lao đầu vào một cuộc sống trụy lạc, hư hỏng. Con gái của ông cũng mang tiếng không đẹp khi bị bắt dùng ma túy, một tệ nạn lan tràn giữa giới trẻ trong xã hội Mỹ. Trong khi đó các con trai, con gái của ông Trump đã xây dựng một đời sống xứng đáng, giàu có, hạnh phúc và có tiếng tốt. Từ nhỏ họ đã được dạy dỗ trong môi trường đạo đức, không hút thuốc, không uống rượu, không xì-ke, không ma tuý, không xâm mình. Yếu tố gia đình quan trọng hơn yếu tố dân tộc. Hướng đi tới của một dân tộc phải bao trùm cả mọi người trong xã hội từ người già đến người trẻ. Thời gian kéo dài trong cả một đời người, trong một trăm năm hay trong một ngàn năm…
Kết thúc kỳ bầu cử nầy là gì? Nếu dân Mỹ chọn ông Biden làm Tổng Thống thứ 46 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tương lai nước Mỹ đang đi xuống. Đi xuống thì dễ, đi lên thật khó.
Đời sống tinh thần của người Mỹ sẽ ra sao? Chắc chắn cả thế giới sẽ kéo theo.
Kinh Thánh cảnh cáo trước:
“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. 16 Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. 17 Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.’’
Chúng ta sẽ chọn ai làm người lãnh đạo cho đời sống tâm linh của chúng ta và dòng tộc chúng ta?
Tôi đã nhìn thấy sự ứng nghiệm trong lời dạy của Chúa Giê-su, với 1/3 nhân loại tôn Ngài là Chúa Cứu Thế. Chúa Giê-su đã phán,
Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.
Tôi không lạ gì khi thấy đa số người ta đã tôn Ma-môn là chủ và đã không chấp nhận Đức Chúa Trời làm chủ. Chỉ có đến ngày tận thế khi Đức Chúa Trời phán xét thế gian, chúng ta mới thấy rõ kết cuộc dẫn loài người tới đâu. Bạn có thấy cái kết cuộc nầy không?
Chúa Cứu Thế Giê-su đã trình bày một thí dụ sau đây để chứng mình quy luật nầy.
Đức Chúa Giê-su phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Nhưng đương khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. 26 Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. 27 Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? 28 Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng:Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? 29 Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. 30 Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: Trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.
36 Bấy giờ, Đức Chúa Giê-su cho chúng về, rồi vào nhà; môn đồ đến gần mà hỏi Ngài rằng: Xin thầy giải lời ví dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi. 37 Ngài đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt, là Con người; 38 ruộng, là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ; 39 kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ. 40 Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; 41 Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, 42 và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 43 Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!
Bạn có đọc câu chuyện lịch sử nầy chưa?
Lịch sử không giống như cái bánh xe đi vòng đi vòng không có mục đích như nhiều người Á Đông lầm tưởng, nhưng là một con đường dẫn đến một chung cuộc đắc thắng vinh quang của thiện thắng ác, của sáng thắng tối, của thật thắng giả, của tình yêu đắc thắng hận thù.
Loài người sẽ nhìn thấy sự thật phơi bày.
Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. 35 Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. 36 Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; 37 vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.
Đây là kết quả của sự lựa chọn của mỗi người giữa việc theo đời hay theo đạo. Theo Trời hay theo Satan. Theo thật hay theo giả, theo sáng hay theo tối. Trước mặt loài người chỉ có theo phải hay theo trái, theo cực hữu hay theo cực tả. Theo đa số hay theo thiểu số. Theo con đường thẳng biết trước hay theo con đường quanh co không thấy trước. Người ta chỉ nghĩ đến hiện tại, ít nghĩ đến tương lai. Người ta chỉ nghĩ đến đời nầy, ít ai nghĩ đến đời sau.
Loài người dưới đất đang cần một khả năng to lớn hơn để thấy xa hơn. Bạn có biết câu chuyện các phi hành gia Mỹ khi đặt chân lên mặt trăng đã làm gì không? Họ đã đọc câu Kinh Thánh: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” (Sáng thế ký 1:1).
Loài người lúc nào cũng đứng trước sự lựa chọn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, không thể đổ thừa hay trách móc ai cả. Là người có lương tâm Thiên Phú, chúng ta ai nấy đều chấp nhận luật chơi nầy. Nhìn thiên nhiên chung quanh chúng ta ai nấy cũng đều chấp nhận quy luật gieo chi gặt nấy. Cả nhân loại ai cũng nhìn thấy quy luật gieo gặt nầy. Chỉ có một điều là nhiều người vẫn không biết ai đang điểu khiển luật nầy.
Đây là kết quả của sự lựa chọn giữa xu hướng toàn cầu hoá và xu hướng giữ gìn bản sắc dân tộc.
Là người Việt Nam giữa lòng các dân tộc trên thế giới, tôi lo cho số phận của dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết, “Năm 2000, năm chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới,” Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã viết, “Ngày nay, Việt Nam lại đang đứng trước một thách thức mới: hội nhập toàn cầu mà không bị hoà tan, không đi đến một hình thức bị nô dịch mới. Khai thác được thuận lợi do khoa học công nghệ, do văn minh bốn biển đem lại, để làm cho dân tộc lớn lên, tưởng không gì hơn phải tiếp nối bài học của cha ông, dựa vào chủ nghĩa yêu nước chân chính, giương cao ngọn cờ dân tộc, trên cơ sở đó đoàn kết tất cả những ai là con Hồng cháu Lạc, những ai đã sinh thành trên mảnh đất mẹ Việt Nam, thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi. Đất nước sẽ chắp cánh cho những đứa con vươn lên, tinh khôn và can đảm bước vào cuộc đấu tranh mới, gian khổ bội lần để có một chỗ đứng trên trường quốc tế.”
Các bạn đều biết đây là suy nghĩ của ai rồi.
Dười cái nhìn của Chúa, dưới ánh sáng Kinh Thánh, tôi thấy mình thường nghĩ khác. Tôi nghĩ theo ý Trời trong khi người khác nghĩ theo ý người.
Tôi suy nghĩ đến sự thật nầy. Muốn thành công trong việc xây dựng tương lai tươi sáng lâu bền cho dân tộc Việt, giống như Nước Mỹ mà tôi đã quan sát, chúng ta với tư cách một dân tộc phải biết giữ lập trường. Khách quan. Kiên định. Tôi nghĩ đó là tinh thần tôn trọng sự thật. Giống như người Mỹ, chúng ta phải nhứt quyết tuyên bố, “Tell the truth, the whole truth, and nothing but the truth, so help me God.” (Tôi thề nói thật, tất cả sự thật, không nói gì khác ngoài sự thật, xin Trời chứng giám). Giống như người Nhật bản, chúng ta cũng quyết tâm làm theo chủ trương: “If it’s not yours, don’t take it. If it’s not right, don’t do it. If it’s not true, don’t say it. If you don’t know, shut up.” (Nếu không phải của bạn, đừng lấy. Nếu không đúng, đừng làm. Nếu không thật, đừng nói. Nếu không biết, hãy làm thinh).
Mới đây tôi có post lên FB của tôi “Hue Nguyen” một lời kêu gọi như sau:
Anh chị em ơi!
Trong khi đang suy nghĩ lý do tại sao sau hơn 100 năm Tin Lành đã được truyền đến Việt Nam mà ngày nay số người tin thờ Đức Chúa Trời vẫn là thiểu số, người Việt vẫn theo các tôn giáo Á Đông và ít quan tâm theo Cơ-đốc Giáo. Đức Chúa Trời đã dạy tôi tìm thấy trước hết một lý do quan trọng là người Việt cho đến nay vẫn chưa biết Đức Chúa Trời là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì.
Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến những câu hỏi lớn. Chẳng hạn, Có Ông Trời không? Ai là Ông Trời? Ông Trời là ai? Có Một Ông Trời hay có bao nhiêu Ông Trời? Tên Ông Trời là gì? Tại sao người Việt không thể thống nhứt xưng tên Ông Trời như người Mỹ gọi Ngài là God? Tại sao người Việt hay Cầu Trời khẩn Phật? Có phải Phật là Ông Trời? Khả năng Ông Trời tới đâu? Nếu có Ông Trời thì bản tánh của Ông Trời ra sao? Tại sao người Việt nói Trời Hành? Trời Phạt? Tôi có nghe người Việt nói đến lưới Trời, lộc Trời, nợ Trời… Con người có thể biết gì về Ông Trời? Nếu Ông Trời không tự bày tỏ chính mình Ngài, chúng ta có thể biết Ngài không? Có phải Ông Trời dựng nên thế giới, vũ trụ và cũng đã dựng nên loài người? Ông Trời có kế hoạch gì cho nhân loại không? Tại sao người ta đang đồn nhau về ngày tận thế? Làm sao liên lạc với Ông Trời như chúng ta gọi điện thoại với người thân? Ông Trời có viết Sách không? Nên đọc sách nào để biết việc Ông Trời làm?
Biết bao nhiêu câu hỏi về Ông Trời mà người Việt biết đến cách mơ hồ, không rõ ràng và vì thế không có sách giáo khoa để dạy con dạy cháu. Người Việt có tin là Ông Trời sẽ phán xét thế gian không? Người Việt có thực sự tin là mỗi người sẽ chầu Trời hay không?
Đến ngày phán xét, Đức Chúa Trời sẽ nói, “Ta không biết ngươi.” Hay Ngài sẽ phán, “Mời vào, hãy vui mừng với Chúa ngươi!”
Tôi rất lo cho số phận dân tộc Việt Nam…
Giáo sư A. W. Tozer, một danh nhân người Mỹ nổi tiếng, đã viết: “What comes into our minds when we think about God is the most important thing about us. The history of mankind will probably show that no people has ever risen above its religion, and man’s spiritual history will positively demonstrate that no religion has ever been greater than its idea of God.” (Tozer, Knowledge of the Holy, 1.)
Tôi ước ao nhiều người Việt, kể cả những nhà nghiên cứu, học thức, bình dân, sinh viên, học sinh… và cả người lãnh đạo sẽ cùng tôi nghiên cứu ý kiến của vị Giáo sư nầy. Mong bạn hưởng ứng.
Ngay hôm sau, tôi nhận được một bài viết hưởng ứng đã được đăng lên FB có nội dung mà tôi rất thích:
🙂
“What comes into our minds when we think about God is the most important thing about us.” A. W. Tozer
Điều gì xuất hiện trong tâm trí khi chúng ta nghĩ về Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất cho chúng ta.
A. W. Tozer viết thêm:
“Lịch sử của nhân loại có lẽ sẽ cho thấy rằng không có người nào từng vượt lên trên tôn giáo của họ, và lịch sử tâm linh của con người sẽ chứng minh một cách tích cực rằng chưa có tôn giáo nào vĩ đại hơn ý tưởng của nó về Chúa.”
Còn C.S. Lewis viết:
“Chúng ta nghĩ về Chúa như thế nào không có gì quan trọng ngoại trừ nó liên quan đến cách Ngài nghĩ về chúng ta. Cách Chúa nghĩ về chúng ta không chỉ quan trọng hơn, mà còn rất quan trọng.”
Người Việt nghĩ gì về Ông Trời? Câu trả lời có thể tìm thấy trong kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam về chủ đề ông Trời. Có thể đọc tham khảo một bài viết ở đây:
Bạn nghĩ gì về Đức Chúa Trời?
Bất luận bạn nghĩ như thế nào về Đức Chúa Trời – điều này không làm cho Ngài trở nên giống như cách bạn nghĩ. Muốn suy nghĩ thấu đáo về TRỜI/CHÚA TRỜI/ÔNG TRỜI bạn không thể bỏ qua một quyển sách bày tỏ về Ngài: Kinh Thánh.
Một câu hỏi khác: TRỜI nghĩ gì về bạn? Muốn biết suy nghĩ của TRỜI, chúng ta phải đọc Lời của Ngài.
Kinh Thánh sẽ làm thay đổi bạn, thay đổi nhận thức của chúng ta về TRỜI. “Kinh Thánh là tài sản quí giá nhất của loài người.”
TÔI ĐỌC KINH THÁNH ĐỂ BIẾT Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI DÀNH CHO TÔI, VÀ TÔI ĐẦU PHỤC Ý MUỐN NGÀI.

Tường Vi

🙂

Một người khác đã có ghi ra một nhận xét là dân Việt Nam có lòng mộ đạo và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi tin điều đó và tôi có hy vọng người Việt sẽ thay đổi nếu tìm ra chân lý, nếu khám phá sự thật.
Vì vậy, tôi ước ao qua diễn đàn nầy hoặc qua các phương tiện truyền thông khác, nhiều người Việt có quan tâm đến tương lai dân tộc hãy đầu tư thời giờ tâm huyết cùng chúng tôi xây dựng một con đường tâm linh đáng chọn, đáng theo, đáng sống… bắt đầu bằng cách viết, đọc và góp ý cho quyển sách CÓ MỘT VÀ CÓ THẬT mới ra mắt đầu năm 2021 do nhóm HƯỚNG ĐI VIỆT NAM hợp soạn và phát hành.
Bởi người Việt, với người Việt, vì người Việt, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm cho ra sự thật. Tôi đã tìm ra một giải pháp cho người Việt Nam. Giống như câu chuyện lịch sử của dân Israel đã mang ách nô lệ dưới tay của Đế Quốc Ai-cập suốt hơn 400 năm. Sau một thời gian dài, đa số người dân Israel đã quen mang ách nô lệ từ ngày nầy qua ngày kia, từ năm nầy qua năm khác. Nhất là những người trẻ tuổi, những trẻ em mới sanh, tất cả đều xem việc làm nô lệ như là chuyện bình thường. Họ chưa bao giờ nếm được bầu không khí tự do. Họ cũng vì thế không hề khao khát tự do. Tự do là gì khi mọi người đang sống với cơm ăn áo mặc, với việc làm lao động mỗi ngày? Tự do là gì khi chung quanh họ thấy tất cả đều là người nô lệ, là anh chị em, là dòng họ của mình? Mọi quyết định đều đã có người khác lo? Cơm ăn áo mặc đã có người khác lo? Tự do không phải là điều gì có giá trị, là khao khát cháy bỏng. Tự do không thực tế, chỉ là chiếc bánh vẻ.
Cho đến một ngày có một người gốc Do Thái, được xuất ngoại khá lâu ngày, có đến 40 năm. Người nầy có lòng yêu quê hương, yêu dòng giống của mình, một người rất nóng lòng muốn mọi người đồng hương được vui hưởng tự do và hiểu biết lẽ thật. Có một người thấy xa, dám hy sinh hạnh phúc riêng của mình góp phần giải cứu quê hương. Người đó đã trở về quê hương và đi thẳng đến người chủ nô để yêu cầu, “Hãy để cho dân Ta đi!”
Người đó có tên là Môi-se, một người sẵn lòng để Đức Chúa Trời sử dụng cuộc đời còn lại của mình để cứu vớt quê hương. Câu chuyện xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử. Cho đến ngày nay, hình ảnh Môi-se vẫn là mô hình lý tưởng của một nhà lãnh đạo đem lại tự do, không chỉ cho dân Israel xưa, nhưng cũng cho tất cả các dân tộc đang bị áp bức muốn được tự do.
Cũng một thể ấy, loài người đang sống trong ách nô lệ của tội lỗi và đàng sau là Satan, kẻ thù của cả Trời lẫn người. Loài người cũng đang cần một Đấng Giải Cứu của linh hồn. Lịch sử cho thấy có một người như vậy đã từ trời hiện đến với loài người, đã hy sinh mạng sống mình để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ. Khỏi oán phạt tội lỗi, khỏi quyền lực của tội lỗi và khỏi sự hiện diện của tội lỗi. Bạn đang thấy hình ảnh của người đó, nhưng vì bạn chưa biết nên bạn đã làm lơ, đã lãng quên.
Tôi đang hân hạnh giới thiệu với bạn con người đặc biệt nầy. Một con người cũng là một con đường có một và thật. Một người từ Trời. Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hể thay đổi.
Tôi thích những câu hỏi của nhà lãnh đạo Dp Thái có tên là Sau-lơ. Trên con đường phục vụ cho tôn giáo của mình, ông đã gặp Chúa Giê-su. Ông đã hỏi 2 câu: 1. Chúa là ai? 2. Chúa muốn tôi làm gì?
Tôi hy vọng chính mình bạn và dân tộc Việt Nam, những nhà lãnh đạo Việt Nam hãy sẵn sàng để hỏi 2 câu hỏi nầy và tìm được những câu trả lời.
Chân thành cảm ơn quý vị và các bạn.
NGUYỄN VĂN HUỆ
Có thể là hình ảnh về hoa hồng và thiên nhiên
Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn