Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Chinh Phục Miền Đất Hứa

Chinh Phục Miền Đất Hứa

Click vào hình tam giác để nghe bài chia sẻ.

Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại…

Xuất Ê-díp-tô Ký 17:13

Vả, khi đó, dân A-ma-léc đến khiêu chiến cùng Y-sơ-ra-ên tại Rê-phi-đim. 9 Môi-se bèn nói cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma-léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay. 10 Giô-suê bèn làm y như lời Môi-se nói, để cự chiến dân A-ma-léc; còn Môi-se, A-rôn và Hu-rơ lên trên đầu nổng. 11 Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn. 12 Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. 13 Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người.

Đây chính là những lời ghi chép đầu tiên về chiến thắng quân sự của Giô-suê. Trên hành trình từ Ai Cập đến Si-nai, quân A-ma-léc đã tấn công Y-sơ-ra-ên, và với sự cầu thay của Môi-se, A-rôn và Hu-rơ, Giô-suê đã đánh bại quân địch. Những lời trên cũng mô tả chính xác về cả cuộc đời của Giô-suê, vì trong mọi lĩnh vực ông đều là người chiến thắng.

Ban đầu tên gọi của ông là Hô-sê, nghĩa là “sự cứu rỗi,” nhưng với cái nhìn của một tiên tri, Môi-se đã đổi tên cho ông thành Giô-suê, nghĩa là “Giê-hô-va là sự cứu rỗi” (Dân. 13:8, 16). Trong tiếng Hy Lạp, tên của ông là Giê-su (Ma-thi-ơ 1:21). Với tên gọi này, con trai của Nun có thể là gì khác hơn ngoài sự đắc thắng?

Tuy nhiên, để trở thành một người chiến thắng, bạn chắc chắn phải dối diện với những rào cản và vượt qua chúng. Giô-suê đã vượt qua những rào cản nào, và làm thế nào những chiến thắng đó khích lệ chúng ta trở nên những người chiến thắng hôm nay?

1.NHU CẦU CẦN CÓ LÃNH ĐẠO

Tuyển dân Y-sơ-ra-ên biết rằng Chúa đã chọn Giô-suê để kế tục Môi-se. Khi còn trẻ, ông bắt đầu là một người giúp việc khiêm tốn của Môi-se (Xuất. 24:13; 33:11; Dân. 11:28; 27:15-23; Phục 31:1-8; 34:9; Giô-suê 1:1), vì khi Chúa muốn xây dựng một lãnh đạo, Ngài đều bắt đầu với một người đầy tớ (Ma-thi-ơ 25:21). Kinh Thánh viết rằng: “Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se” (Phục. 34:10). Hãy tưởng tượng được đi theo một lãnh đạo như ông! Môi-se là một người có đức tin lớn, dũng cảm và lòng tin quyết, một người lãnh đạo thực thi những phép lạ vĩ đại, một tiên tri được trò chuyện mặt đối mặt với Đức Chúa Trời và ban phát lời Chúa cho dân sự.

Nhưng Giô-suê đủ thông minh để nhận ra rằng dù tất cả các lãnh đạo đều phải tin cậy và vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng không phải họ đều như nhau. Người lãnh đạo mới thường phải thách thức và dẫn dắt một thế hệ mới, và nhiệm vụ của Giô-suê chính là đem thế hệ mới này tiến vào miền Đất Hứa. Giô-suê có được sự hướng dẫn qua năm tháng cùng đi với Môi-se, sự khích lệ từ lời hứa của Chúa (Giô-suê 1:1-9), và sự hiện diện của Chúa để vùa giúp cho ông, chính vì thế Giô-suê đã được trang bị cho những trận chiến ở phía trước.

Đã ba lần Chúa phán cùng Giô-suê rằng: “Hãy vững lòng bền chí” (Giô-suê 1:6, 7, 9), và một lần Chúa ban mệnh lệnh cho Giô-suê không được run sợ (c.9), bởi vì nếu không có sự can đảm, ông sẽ run sợ trước kẻ thù và thất bại. Nhà truyền giáo D. L. Moody nói rằng: “Can đảm là điều rất cần thiết cho công tác Cơ Đốc. Tôi chưa từng thấy một ai dễ dàng nản chí lại có thể đóng góp được gì ở bất cứ nơi đâu.” Tuyển dân Y-sơ-ra-ên thường làm nhụt chí Môi-se, nhưng ông vẫn cứ tiếp tục bước đi và vâng theo Chúa, và Giô-suê cũng noi theo tấm gương đó. Khi bạn nhận biết Đức Chúa Trời kêu gọi bạn vào nhiệm vụ của mình, khi ấy bạn đang đứng ở bên thắng cuộc.

2.ẢNH HƯỞNG XẤU CỦA AI CẬP

Nếu bạn nghĩ rằng mọi người Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập đều được thánh hóa thì bạn đang mắc một sai lầm lớn. Đức Chúa Trời đã  phán cùng họ rằng: “Các ngươi ai nấy khá quăng xa mình những sự gớm ghiếc của mắt các ngươi, và chớ làm ô uế mình với các thần tượng của Ê-díp-tô” (Ê-xê-chi-ên 20:7). Họ có vâng lời Ngài không? Không! “Nhưng mà chúng nó dấy loạn nghịch cùng Ta, và không muốn nghe Ta; ai nấy không ném bỏ những sự gớm ghiếc của mắt mình, và không lìa bỏ các thần tượng của Ê-díp-tô (Ê-xê. 20:8). Hãy đọc Ê-xê-chi-ên 23 và lưu ý bao nhiêu lần từ “hành dâm” được nhắc đến, đây là từ để chỉ về sự thờ phượng tà thần thay vì thờ phượng Đức Giê-hô-va (c. 3, 8, 18, 19, 21, 27, 29, 35).

Sau khi cùng dân sự băng qua sông Giô-đanh, Giô-suê đã dựng mười hai hòn đá tại Ghinh-ganh để nhắc dân sự nhớ rằng chính Đức Chúa Trời đã phân rẽ nước và đem họ vào đất hứa cách bình an (Giô-suê 4). Thế hệ trước đó đã trải nghiệm một hành trình ra khỏi Ai Cập, nhưng thế hệ mới này thì kinh nghiệm một hành trình ra khỏi nơi đồng vắng và những thất bại. Sau đó Giô-suê làm phép cắt bì cho tất cả những người nam, tái khẳng định giao ước của Đức Chúa Trời đối với dân sự, qua đó “sự xấu hổ của xứ Ê-díp-tô” được cất khỏi họ. Dân tộc này đang có một khởi đầu mới. Ai Cập không còn quyền thống trị trên họ.

Tuy vậy, nếu có ai thờ phượng thần tượng của Ai Cập thì họ vẫn chưa được tự do, họ vẫn còn là nô lệ; và Giô-suê biết rằng dân chúng dễ có xu hướng âm thầm thờ lạy các tà thần. Trong bài diễn văn chia tay, Giô-suê cảnh báo dân sự rằng: “Vậy bây giờ, hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Ê-díp-tô; phải phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:14). Giô-suê cùng các trưởng lão của ông chắc hẳn đã làm rất tốt các mục vụ, bởi vì trong những năm dưới sự lãnh đạo của họ và những năm sau đó dưới sự lãnh đạo của các trưởng lão mà họ đã huấn luyện, dân sự đã trung tín hầu việc Chúa; nhưng đến thế hệ thứ ba, dân sự đã từ bỏ đức tin và quay về với sự thờ lạy hình tượng (Các quan. 2:6-23).

Trong thời gian phân chia đất và khiến cho dân sự cư ngụ yên ổn trong xứ, khó khăn lớn nhất của Giô-suê không phải là việc dân sự so sánh ông với Môi-se. Vấn đề lớn nhất của ông chính là họ có xu hướng so sánh miền Đất Hứa với Ai Cập! Tội lỗi bị che giấu của xứ Ai Cập vẫn được nuôi dưỡng trong tấm lòng của một số người. Môi-se đã đem người Do Thái ra khỏi Ai Cập; nhưng trong miền đất mới, Đức Chúa Trời đã phải đem Ai Cập ra khỏi người Do Thái.

3.QUÂN ĐỊCH

Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban cho dân Y-sơ-ra-ên sự chiến thắng trên các dân tộc ngoại quốc tại Ca-na-an. Chủ đề được lặp lại nhiều lần đó là: “Ta sẽ đuổi kẻ thù ra khỏi ngươi” (Xuất 23:20-33; 33:1-2; 34:10-14; Lê-vi-ký 18:24-25; 20:23-24; Dân. 33:50-56; Phục 4:35-38; 7:17-26; 9:1-6).

Đức Chúa Trời giữ lời hứa Ngài, Giô-suê đánh bại ba mươi mốt vua và chiếm lấy xứ (Giô-suê 12).

Điều đáng buồn là một số bản nhạc thánh ca với giai điệu ba-lát đồng quê và thậm chí một số bản thánh ca xưa đã dùng hình ảnh dân Y-sơ-ra-ên băng sông Giô-đanh để ví sánh về sự chết và sự cất lên thiên đàng của người tin Chúa, bởi vì miền đất Ca-na-an đầy dẫy tội lỗi và chiến tranh không phải là hình ảnh của thiên đàng. Tuy nhiên miền đất này biểu trưng cho cơ nghiệp thuộc linh mà chúng ta được thừa hưởng trong Đấng Christ và sự đắc thắng trên Sa-tan và thế lực của nó là những kẻ luôn muốn cho chúng ta đi lang thang trong hoang mạc mà không bao giờ đến đích. Chúng ta không chiến đấu giành sự chiến thắng bởi sức riêng; nhưng chúng ta chiến đấu từ sự chiến thắng mà Đức Chúa Giê-su đã đắc thắng qua sự chết và phục sinh của Ngài. “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:15). Hãy lấy đức tin công bố điều này!

Bốn chương đầu sách Hê-bơ-rơ công bố cơ nghiệp thuộc linh của chúng ta trong Đấng Christ, và trước giả của sách đã nhắc nhở chúng ta rằng không phải Môi-se nhưng chính Giô-suê là người đem dân Y-sơ-ra-ên vào phần cơ nghiệp của họ. Có hai lý do cho việc thay đổi lãnh đạo này. Đầu tiên, Môi-se phạm tội vì không dâng cho Chúa sự vinh hiển (Dân. 20), nên Chúa đã cho phép ông được nhìn thấy vùng đất hứa chứ không cho phép ông được bước vào. Nhưng lý do thứ hai, Môi-se được xem như là luật pháp, và chúng ta không nhận phần cơ nghiệp của mình bằng việc vâng theo luật lệ và thực hiện các nghi thức tôn giáo. Chính Đức Chúa Giê-su là Giô-suê của chúng ta, đã làm trọn luật pháp thay cho chúng ta và đóng đinh luật pháp trên cây thập tự của Ngài. Vậy chúng ta nhận lấy phần cơ nghiệp của mình bởi đức tin khi chúng ta đi theo Đấng Christ. Trải nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên ở tại Ai Cập lẫn trong đồng vắng đều là sự trói buộc và vô ích, nhưng tại miền Đất Hứa, họ được hưởng sự tự do và trọn vẹn.

4.LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ

Giô-suê 7-9 ghi lại hai lần Giô-suê đã không chờ đợi, cầu nguyện và bước đi bởi đức tin nhưng ông đã đi trước Chúa. Sau chiến thắng vĩ đại tại Giê-ri-cô, dân Y-sơ-ra-ên thất bại và bị sỉ nhục tại A-hi (Giô-suê 7-8); và khi người Ga-ba-ôn lừa Giô-suê để khiến ông nghĩ rằng họ đến từ một đất nước xa xôi, ông đã lập giao ước cùng với họ (Giô-suê 9; Phục 20:10-15). Đức Chúa Trời đã khích lệ Giô-suê phải “vững lòng bền chí” (Giô-suê 1:6-7), nhưng để có được sự can đảm, con người phải chờ đợi trước Chúa và nhận lệnh từ Ngài. “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (Thi 27:14). Nếu chờ đợi trước Chúa, Giô-suê chắc hẳn đã có thể biết về việc A-can trộm cắp và sự lừa dối của dân Ga-ba-ôn.

Bởi vì lãnh đạo đều là con người, nên họ sẽ mắc phải những sai lầm. Nhưng cách họ giải quyết những sai lầm đó sẽ thể hiện con người thật của họ. Họ có đổ lỗi cho người khác không? Họ có che giấu sai lầm không? Họ có bào chữa không? Khi Giô-suê làm sai, ông tìm đến Chúa để cầu xin sự tha thứ và khôn ngoan, và rồi ông khiến những lỗi lầm đó phục vụ cho mình! Thất bại trước thành A-hi nhỏ bé đã biến thành một kế hoạch phục kích thông minh để quét sạch quân địch. Đối với những người Ga-ba-ôn thông minh, Giô-suê đã bắt họ phải phục dịch dân Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 9:22-27). Thật ông đã biến lỗi lầm trở thành điều ích lợi cho mình.

Người không phạm lỗi thường chẳng làm được gì. Người phạm lỗi rồi từ bỏ là những người nhu nhược, nhưng những ai tận dụng được những lỗi lầm của mình mới là những người chiến thắng. F. W. Robertson nói rằng: “Cuộc sống cũng giống như chiến tranh, là một chuỗi những lỗi lầm, và người phạm ít lỗi lầm nhất không phải là Cơ Đốc Nhân vĩ đại nhất cũng không phải là một vị tướng tài giỏi nhất. Người giỏi nhất là người giành được nhiều chiến thắng huy hoàng nhất bằng việc sửa chữa những lỗi lầm. Hãy quên những lỗi lầm đi; và hãy giành lấy sự chiến thắng từ những sai lầm.”

5. TIN VÀO LỜI HỨA CỦA CHÚA

Giô-suê khám phá chìa khóa cho sự chiến thắng chính là khi ông tin vào lời hứa của Chúa, hành động dựa trên những lời hứa ấy, và trở thành người chiến thắng. “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống” (Hê. 11:30). “Sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1 Giăng 5:4)

Trong bài phát biểu cuối cùng của Giô-suê, ông không nhận bất kỳ sự tôn vinh nào cho chính mình nhưng nhắc nhở các lãnh đạo và dân sự rằng ông chỉ tin vào lời hứa của Chúa. “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết” (Giô-suê 23:14; và xem 21:45). Chắc chắn đã có những thời điểm Giô-suê cảm thấy mệt mỏi và nản lòng (xem Giô-suê 7:6-9), tuy nhiên ông luôn luôn giao phó những ưu tư của mình cho Chúa và công bố lời hứa Ngài. Điều này cũng rất đúng đối với Môi-se, trên nhiều phương diện ông đã đối mặt với thử thách lớn hơn cả Giô-suê. Khi chúng ta tin vào lời hứa của Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta ân điển mà chúng ta cần để thực hiện công tác.

Trong sứ điệp của Chúa dành cho bảy Hội Thánh tại vùng Tiểu Á, Ngài thách thức các tín hữu trong mỗi một Hội Thánh trở nên người chiến thắng (Khải 2:7, 11, 17, 26; 2:5, 12, 21). Ngài vẫn tiếp tục thách thức chúng ta ngày nay. Chúng ta sẽ là người chiến thắng – hay chiến bại? Chúng ta sẽ là những người thắng cuộc hay là nạn nhân? Tất cả đều phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với những lời hứa của Đức Chúa Trời.

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn