Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời Cho Các Thời Đại

Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời Cho Các Thời Đại

VIỆC GIẢNG DẠY TẠI CHỦNG VIỆN giúp tôi tiếp xúc với nhiều sinh viên. Khi tôi gặp và làm quen với các sinh viên tại văn phòng hay tại các bữa ăn trưa, tôi thường đặt ra một câu hỏi cho các sinh viên về kế hoạch của họ trong tương lai. Tôi hỏi “Bạn muốn làm gì sau khi hoàn thành việc học ở chủng viện?” Hoặc tôi hỏi, “Bạn thử hình dung mình đang làm gì trong 4 hoặc 5 năm tới?”

Với chương trình học dày đặc, nhiều sinh viên đã gặp khó khăn trong việc dự định cho cuộc sống của họ sau khi tốt nghiệp! Nhưng nếu tôi cho họ thời gian, họ thường biết khá rõ lý do tại sao họ đến học tại chủng viện và cách họ muốn phục vụ Chúa trong tương lai. Tôi thấy rằng việc tìm hiểu các kế hoạch của họ sẽ giúp tôi hiểu rõ hơn về họ.

Tôi tin rằng nguyên tắc này cũng áp dụng khi chúng ta đang tìm cách hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn. Tôi thật là ngạc nhiên khi một số Cơ đốc nhân không biết gì về kế hoạch của Ngài. Thực tế là chúng ta quan tâm đến kế hoạch của chính mình hơn là kế hoạch của Ngài! Nhưng chúng ta cần phải quan tâm theo cách ngược lại. Là những Cơ đốc nhân, chúng ta sống là để mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời (1 Côr. 10:31). Rất khó để làm được điều này nếu chúng ta không biết các kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chương này thảo luận về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại, để chúng ta có thể biết Ngài rõ hơn.

Nhiều Cơ đốc nhân mắc phải cái mà Richard Foster gọi là “cận thị trong Kinh Thánh.”1 Họ biết rất nhiều các sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng thiếu một thế giới quan – một tầm nhìn về tổng thể. Nhiều Cơ đốc nhân chưa bao giờ nhìn biết được bức tranh về kế hoạch toàn diện của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại. Kết quả là, họ khó nhìn thấy mọi điều mà Đức Chúa Trời đang thực hiện phù hợp với nhau như thế nào.

Khi chúng ta nhìn xem “bức tranh lớn” — kế hoạch của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại như được tiết lộ trong Sáng-thế Ký trải dài đến Khải Huyền — chúng ta sẽ không dừng lại ở mỗi cột mốc trên chặng đường đi, nhưng chúng ta sẽ chú ý đến các chỗ giao nhau và những điểm quan trọng.

Biết được kế hoạch tổng thể của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về quyền tể trị của Ngài. Và điều này cho chúng ta cảm nhận rõ hơn về quan điểm của Ngài khi chúng ta gặp phải một số khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Khi con cái đau bệnh, khi người thân yêu qua đời, khi mất việc, chúng ta có thể tin tưởng, yên tâm rằng Chúa biết tương lai của chúng ta và nắm quyền tể trị trên mọi điều đó.

 

VƯƠNG QUỐC ĐỜI ĐỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời có thẩm quyền tuyệt đối và nắm giữ các quy luật như một vị Vua. Trước giả Thi-thiên tuyên bố, “Đức Giê-hô-va làm Vua đến đời đời vô cùng!” (Thi 10:16). Giê-rê-mi cũng tuyên bố, “Nhưng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật; Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, là Vua đời đời” (Giê-rê-mi 10:10). Đa-vít đã công bố trong Thi-thiên 103:19, “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật.” Với tư cách là Vua, Đức Chúa Trời có thẩm quyền (ngai vàng), vương quốc (các tầng trời) và thần dân (muôn vật).

Vương quốc của Đức Chúa Trời là đời đời. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời luôn sở hữu quyền tể trị tuyệt đối. Vương quốc của Ngài cũng mang tính phổ quát; Quyền tể trị của Đức Chúa Trời không bị giới hạn về phạm vi. Ngài thi hành quyền cai trị của Ngài trên tất cả các tạo vật của Ngài.

Quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên đất thường được giao cho các nhà cầm quyền là những người được chọn ra để điều hành tất cả các tạo vật của Ngài. Như Nê-bu-cát-nết-sa đã nhận biết rằng, “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó” (Đa. 4: 17).

 

VƯƠNG QUỐC GIẢ MẠO CỦA SA-TAN

 

Trong thời xưa, vương quốc phổ quát và đời đời của Đức Chúa Trời bị thách thức bởi một thiên sứ – một tạo vật được gọi là Sa-tan hoặc ma quỷ. Kinh Thánh cho biết rất ít về sự sa ngã của Sa-tan, nhưng tội lỗi của nó đã tạo ra một hành động phản nghịch chống lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời (1 Tim. 3:6; Khải. 12:4).

Vào lúc sa ngã, Sa-tan đã thiết lập một vương quốc giả mạo song song với vương quốc của Đức Chúa Trời và thách thức quyền lực của Ngài. Sa-tan là kẻ soán ngôi, tuyên bố vương quyền và tìm cách thực thi quyền lực của mình trên đất. Phao-lô gọi nó là “chúa đời này” (2 Cô. 4: 4) và “vua cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2). Trong thời đại hiện nay, Sa-tan thực hiện quyền lực giới hạn của mình trên các tạo vật bị xa cách với Đức Chúa Trời bởi tội lỗi.

Để làm đầy vương quốc của mình cùng với những người theo nó, Sa-tan đã dỗ dành cặp vợ chồng đầu tiên của loài người – A-đam và Ê-va – tham gia vào việc chống nghịch Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán dặn rất rõ ràng. “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng. 2:17). Nhưng Sa-tan đã thực hiện thành công kế hoạch của mình là khiến cho con người sa ngã.

Hậu quả của tội lỗi dành cho A-đam và Ê-va là ngay lập tức và mang tính quyết định. Lần đầu tiên, mối tương giao với Đức Chúa Trời bị phá vỡ và họ bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời bởi tội lỗi của họ. Điều này đã tạo ra sự chết thuộc linh. Ngoài ra, họ và thế hệ con cháu của họ cũng phải trải qua sự chết thuộc thể. Phao-lô tóm tắt hậu quả của tội lỗi trong Rô-ma 5:12: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.”

Vì tội lỗi của con người, Đức Chúa Trời đã rủa sả đất, vì vậy mà đất đai chỉ có thể sinh hoa kết trái sau khi làm việc khó nhọc (Sáng. 3:17-18). Những cây gai và cây tật lê khiến con người phải làm việc vất vả hơn. Tất cả muôn vật hiện nay đang phải vật lộn dưới sự rủa sả vì tội lỗi của A-đam (Rô-ma 8:22).

KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Đức Chúa Trời đã tạo ra một thế giới mà Ngài gọi là “rất tốt lành.” Nhưng bây giờ vương quốc của Đức Chúa Trời đã bị Sa-tan thách thức; con người đã rơi vào tội lỗi; và thế giới, dưới sự thống trị của Sa-tan, đang công khai chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Thật là một mớ hỗn độn! Trước tình trạng đó, Đức Chúa Trời đã bắt đầu một chương trình để đưa tạo vật bị tội lỗi trở lại với những phước hạnh dưới sự ngự trị vinh quang của Ngài.

Như một viên ngọc quý có nhiều mặt, chương trình của Đức Chúa Trời cũng có nhiều khía cạnh — sự cứu chuộc, quyền cai trị vương quốc và sự phán xét. Đức Chúa Trời nhân từ quyết tâm khôi phục nhân loại, thiết lập lại vương quốc của Ngài và giải quyết tội lỗi một cách công bằng. Tất cả những điều này cuối cùng được tạo ra nhằm tôn cao và làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Hầu hết lịch sử kinh thánh và thần học có thể được xem như là một công việc phụ của một trong những khía cạnh này trong chương trình thần thượng của Đức Chúa Trời. (a) Cứu chuộc loài người. Bởi vì ân điển vô hạn và tình yêu hy sinh của Ngài, Ngài đã chọn cách đưa ra một giải pháp nhằm giải thoát chúng ta khỏi số phận của sự chết thuộc linh. Chúng ta gọi đây là chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời — một chương trình cứu chuộc nhân loại bị sa ngã. (b) Giành lại vương quốc của Ngài. Đức Chúa Trời tối cao không thể để cho các thế lực chống đối thành công khi thách thức vương quyền của Ngài. Nếu vương quyền của Ngài bị thách thức, và ma quỉ thành công khi làm như vậy, thì cho thấy rằng Ngài không thực sự có quyền. Vì vậy, Đức Chúa Trời sẽ lấy lại vương quốc của Ngài và xác nhận lại quyền tối cao của Ngài trên đất này — phạm vi đã bị thách thức. (c) Thực thi quyền phán xét. Vì Đức Chúa Trời là thánh khiết, Ngài không thể thờ ơ chấp nhận tội lỗi và sự chống nghịch. Ngài phải thi hành sự phán xét trên Sa-tan và những người theo nó để thanh tẩy thế gian khỏi hậu quả của tội lỗi.

 

CÔNG VIỆC CỨC CHUỘC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Vì tình yêu thương và ân điển vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời đã đưa ra một phương cách cứu rỗi cho tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su Christ.

 

Giao Ước Nô-ê

Lời hứa của Đức Chúa Trời với Nô-ê sau cơn Đại hồng thủy cung cấp một nền tảng quan trọng cho công việc cứu chuộc của Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa với Nô-ê sẽ không bao giờ hủy diệt mọi loài sống trên đất nữa bằng cơn Đại hồng thủy (Sáng 8: 21-22; 9: 8-17). Mặc dù các thế hệ gian ác sẽ nổi lên sau thời Nô-ê, Đức Chúa Trời vẫn sẽ không dùng nước lụt để đoán phạt cho đến khi tội lỗi được giải quyết hoàn toàn và triệt để — tại thập tự giá của Đấng Christ. Giao ước Nô-ê đã cung cấp một thời gian cần thiết để Đức Chúa Trời thực hiện kế hoạch cứu chuộc của Ngài.

 

Sự Cứu Chuộc Được Minh Họa

Những sinh tế trong Cựu Ước (Xuất 12 và Lê-vi 1-7, 16) minh họa cho sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời, theo đó một nạn nhân vô tội chết thay cho kẻ có tội. Chúng ta gọi những sinh tế hy sinh này là “hình bóng” bởi vì chúng chỉ ra một sự thật lớn lao. Chúng báo trước về sự đến của một Người thay thế (Chúa Giê-xu Christ), Đấng sẽ giải quyết tội lỗi một cách hoàn toàn và triệt để.

Huyết của con sinh tế không thể cất tội lỗi đi được (Hê-bơ-rơ 10: 4). Những sinh tế chỉ đơn giản là sự báo trước về những gì Đấng Christ sẽ hoàn thành. Như Phao-lô đã viết, “trong buổi Ngài [Đức Chúa Trời] nhịn nhục, Ngài đã bỏ qua các tội phạm trước kia” (Rô-ma 3:25) cho đến khi huyết của Đấng Christ có thể thỏa mãn cơn thịnh nộ thánh khiết của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi.

Kế Hoạch của Đức Chúa Trời Được Thực Hiện

Việc Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho con người cho mọi thời đại là bởi ân điển, qua đức tin nơi lời hứa của Ngài, dựa trên huyết của Đấng Christ. Phao-lô đã trình bày lẽ thật này trong Ê-phê-sô chương 2. Trong câu 8, ông viết, “ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu.” Sau đó, trong câu 13, ông nói thêm rằng người Ê-phê-sô là những người ngày trước cách xa Đức Chúa Trời “đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi.”

Thuật ngữ “nhờ ân điển” có nghĩa là sự cứu rỗi là một món quà thiêng thượng, miễn phí và không ai xứng đáng được nhận. Điều này ngăn chặn sự khoe mình của con người, nghĩa là chỉ Đức Chúa Trời được vinh hiển, thay vì con người (2: 8-9).

Thuật ngữ “bởi đức tin” chỉ ra rằng ân điển cứu rỗi thiêng thượng có được chỉ bởi đức tin cá nhân. Đức tin (“niềm tin” hay “sự tin cậy”) liên quan đến sự tin cậy hoàn toàn vào sự ban cho của Đức Chúa Trời qua sự chuộc tội của Đấng Christ.

“Huyết” nhắc nhở chúng ta rằng vì Đức Chúa Trời thánh khiết nên Ngài phải đoán phạt chúng ta bởi vì tội lỗi. Nhưng bởi vì Ngài nhân từ, nên Ngài đã ban một người thay thế để chết thay cho kẻ có tội (Lê-vi Ký 17:11; Hê-bơ-rơ 9:22). Bản thân các sinh tế trong Cựu Ước không thể chuộc tội (10: 4). Vì vậy, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một sinh tế tối thượng — Con của Ngài — để làm Chiên Con sinh tế, Đấng sẽ cất tội lỗi của thế gian đi (Giăng 1:29; Công Vụ  2:23).

 

Sự Chuộc Tội của Đấng Christ Được Ban Cho

Đấng Christ đã hiến mạng sống của Ngài trên thập tự giá để thỏa mãn cơn thịnh nộ thánh khiết của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi (Rô-ma 3:25; 1 Giăng 2: 1-2). Khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử cứu chuộc là khi Chúa Giê-su mang lấy những tội lỗi mà những sinh tế thời Giao ước Cũ chỉ che đậy. Khi Ngài mang lấy tội lỗi của mọi người trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì Ngài đã trở thành “tội lỗi thay cho chúng ta” (2 Cô 5:21, NASB). Trong giây phút đau đớn tột cùng của Ngài, Chúa Giê-su đã kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Giống như thể Đức Chúa Cha đã quay lưng lại với chính Con Ngài khi Chúa Giê-su gánh lấy tội lỗi của loài người. Sau đó, Chúa Giê-su tuyên bố: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Việc ban cho sự cứu chuộc đã hoàn tất.

 

Giao Ước Mới Được Thiết lập

Sự chết của Đấng Christ vì tội lỗi có nghĩa là sự kết thúc Giao ước Cũ và sự thiết lập Giao ước Mới (Giê 31: 31-34; Êxê. 36: 24-28; Hê 8: 6-13). Giao ước Mới cung ứng sự tái sinh và sự tha tội nhờ đức tin nơi Đấng Christ qua sự chuộc tội hy sinh của Ngài (1 Cô 11:25; Hê 7:22; 8: 6-13; 10: 15-22). Hầu như tất cả các phước hạnh mà chúng ta có được trong Đấng Christ đều dựa vào sự ban cho thuộc linh trong Giao ước Mới.

 

CÔNG VIỆC CỦA VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Kể từ khi quyền cai trị tối cao của Đức Chúa Trời trên vũ trụ bị Sa-tan thách thức, Đức Chúa Trời đã hành động để khẳng định lại quyền tể trị của Ngài trong phạm vi mà nó bị thách thức. Chương trình cho vương quốc Đức Chúa Trời gồm có một vị Vua cai trị, một dân tộc được cai trị và một phạm vi nơi sự cai trị được công nhận. Graeme Goldsworthy đã tuyên bố một cách ngắn gọn rằng: “Vương quốc của Đức Chúa Trời bao gồm: (a) con dân của Đức Chúa Trời (b) phạm vi cai trị của Đức Chúa Trời (c) dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời.”2

Công việc của vương quốc Đức Chúa Trời gồm có việc chứng minh và công nhận thẩm quyền thiêng thượng của Ngài trên đất này, nơi mà quyền cai trị của Ngài đã bị thách thức. Chính trong khía cạnh này về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại mà nhiều lời tiên tri trong Ê-xê-chi-ên được chú trọng. Sự hiện thấy về đền thờ của Đấng Mê-si-a (Ê-xê 40-48) mà Đức Chúa Trời tỏ cho Ê-xê-chi-ên sẽ xuất hiện trong vương quốc thiên niên kỷ trong tương lai. Sự phát triển của vương quốc Đức Chúa Trời được chép lại trong một số đoạn Kinh Thánh quan trọng.

 

Vương Quốc Được Hứa Ban (Sáng 12: 1-3)

Về việc Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham, Ngài bắt đầu khởi sự một số bày tỏ quan trọng trong việc tái lập thẩm quyền vương quốc của Ngài trên đất. Những sự bày tỏ này tập trung vào những lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham trong Sáng-thế Ký 12: 1-3. Những lời hứa vô điều kiện này bảo đảm cho Áp-ra-ham và con cháu của ông về ba điều: một nước, một dân tộc và một nguồn phước.

Đầu tiên, con cháu của Áp-ra-ham nhận được một xứ — nước Y-sơ-ra-ên. Diện tích của xứ được nói đến trong Sáng-thế Ký 15:18 và Giô-suê 1: 4. Lời hứa về nước Y-sơ-ra-ên được cho biết thêm trong Phục truyền 30: 1-10. Thứ hai, con cháu của Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân lớn. Những lời hứa về một dân tộc được bày tỏ trong Giao ước Đa-vít (2 Sa-mu-ên 7: 12-16). Thứ ba, con cháu của Áp-ra-ham được ban phước và là nguồn phước cho những dân tộc khác. Những lời hứa về phước lành được nhắc đến trong Giao ước Mới (Giê-rê-mi 31: 31-34).

Giao ước Áp-ra-ham góp phần một cách đáng kể vào việc thực hiện chương trình vương quốc của Đức Chúa Trời. Nó bảo đảm cho Y-sơ-ra-ên là một quốc gia tồn tại vĩnh viễn, một danh hiệu mãi mãi cho nước Y-sơ-ra-ên, các phước lành về thuộc thể lẫn thuộc linh (qua Chúa Giê-su Christ), và các dân ngoại được chia sẻ những phước lành mà Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên (Ga-la-ti 3: 8-14).

 

Vương Quốc Được Báo Trước (2 Sa-mu-ên 7: 12-16)

Trong triều đại của Đa-vít, một sự bày tỏ quan trọng khác trong chương trình vương quốc của Đức Chúa Trời đã xảy ra. 2 Sa-mu-ên 7: 12-16 ghi lại rằng Đức Chúa Trời đã thiết lập một giao ước đời đời, vô điều kiện với Đa-vít, bảo đảm rằng vương quốc thần quyền thuộc dòng dõi của ông sẽ trở thành hiện thực và một trong những con cháu của Đa-vít sẽ trị vì vương quốc đời đời.

Về bản chất, Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít rằng nhà, ngai vàng và vương quốc của ông sẽ được vững bền đời đời (7:16). Điều này có nghĩa là (a) dòng dõi hoặc triều đại của Đa-vít sẽ luôn là dòng dõi hoàng gia, (b) quyền cai trị sẽ luôn thuộc về con cháu của Đa-vít, và (c) quyền của vương quốc theo nghĩa đen sẽ không bao giờ bị tước đoạt khỏi hậu thế của Đa-vít.

 

Vương Quốc Được Bày Tỏ (Mat 4:17)

Khi thiên sứ Gáp-ri-ên phán với Mary rằng bà sẽ là mẹ của Đấng Mê-si-a, Thiên sứ đã liên kết sự giáng sinh của Chúa Giê-su với lời hứa của Đức Chúa Trời với Đa-vít trong 2 Sa-mu-ên 7: 12-16 (Lu-ca 1: 31-33). Thiên sứ Gáp-ri-ên nói rõ rằng ngôi Đa-vít được định sẵn cho Chúa Giê-su, Ngài sẽ trị vì nhà Gia-cốp đời đời, và cai trị một vương quốc đến mãi mãi – tất cả đều được ứng nghiệm trong 2 Sa-mu-ên 7: 12-16.

Chúa Giê-su đã bày tỏ vương quốc đã được nói tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài tuyên bố, “Các người hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Mat 4:17). Đây là lời mời gọi những người Do Thái trong thời của Ngài chấp nhận Ngài là Vua và bước vào vương quốc của Ngài. Chúa Giê-su đã xác nhận lời mời gọi của Ngài về vương quốc bằng các phép lạ, điều này cho thấy các đặc điểm về quyền cai trị của Đức Chúa Trời sẽ như thế nào khi nó được bày tỏ cách hoàn toàn (Ê-sai 35: 5-6; Ma-thi-ơ 12:28).

 

Vương Quốc Bị Từ Chối (Ma-thi-ơ 12: 22-32)

Những người Do Thái sống ở thế kỷ thứ nhất đã đoán trước được sự ứng nghiệm theo nghĩa đen về những lời hứa vương quốc đã được nói bởi các nhà tiên tri. Tuy nhiên, họ khó chấp nhận thân vị của Đấng Christ. Việc mong đợi một người giải cứu về quân sự đầy quyền lực, đã khiến họ từ chối Đấng Cứu Rỗi khiêm nhường.

Bước ngoặt quan trọng nhất trong chức vụ của Đấng Christ là sự từ chối Ngài bởi tổ chức tôn giáo Do Thái. Các nhà lãnh đạo Do Thái cáo buộc Chúa Giê-su đã dùng quyền năng của Sa-tan để trừ quỷ (Mat 12: 22-24). Thực tế là họ từ chối các phép lạ của Ngài và cho rằng những công việc quyền năng này là bởi Sa-tan thay vì bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thông qua Đấng Christ, Đấng đã làm các phép lạ. Quyết định của các nhà lãnh đạo Do Thái đã khiến dân chúng chống lại Chúa Giê-su và khiến dân tộc họ phải từ chối Đấng Mê-si-a của họ. Vì những hậu quả khủng khiếp bởi quyết định của các nhà lãnh đạo tôn giáo, Chúa Giê-su gọi tội lỗi của họ là tội lỗi “sẽ chẳng được tha” (12: 31-32).

 

Vương Quốc Bị Trì Hoãn (Lu-ca 19: 11-27)

Vì vương quốc được xây dựng dựa trên những lời hứa giao ước vô điều kiện, nên nó không thể bị hủy bỏ, ngay cả khi không được tin. Vì vậy, quyền cai trị của Đấng Christ trên nước Y-sơ-ra-ên bị trì hoãn cho đến một thời điểm vì sẽ có một thế hệ thích hợp hơn.

Trong dụ ngôn về mười nén bạc (Lu-ca 19: 11-27), Chúa Giê-su cho biết rằng vì dân Y-sơ-ra-ên không chấp nhận Vua của mình, nên vương quốc sẽ bị trì hoãn và thế hệ khước từ này sẽ bị xử phạt (xem 19:14, 27).

 

Vương Quốc Được Hiện Thực Hóa (Khải 20: 4-6)

Khải Huyền 11:15 chỉ ra rằng những lời hứa về vương quốc sẽ được thực hiện sau những sự kiện vẫn còn trong tương lai về khoảng thời gian bảy năm được gọi là Thời kỳ Đại nạn. Vào lần trở lại thứ hai của Đấng Christ, dân Do Thái sẽ chấp nhận Ngài là Đấng Mê-si-a của họ (Xa-cha-ri 12: 10 -13: 1). Sau đó, Chúa Giê-su sẽ thiết lập một sự trị vì ngàn năm và Ngài sẽ cai trị thế giới trong một ngàn năm (Khải huyền 20: 4-6). Đây là thời kỳ mà Ê-xê-chi-ên đã nói tiên tri về đền thờ sẽ là trung tâm thờ phượng của toàn thế giới!

 

Vương Quốc Của Đức Chúa Trời Trong Thời Đại Hiện Tại

Một số nhà thần học, đánh đồng Hội thánh với vương quốc, phủ nhận sự tồn tại của một vương quốc trong tương lai. Những người khác thì phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào giữa Hội Thánh và vương quốc, họ tin rằng vương quốc là hoàn toàn trong tương lai. Chúng ta có bằng chứng trong Kinh Thánh cho cả hai quan điểm này. Vương quốc của Đức Chúa Trời vừa ở hiện tại vừa ở tương lai.

Theo cách giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen, thì không thể phủ nhận một vương quốc trong tương lai (Mat 26:29; Lu-ca 19:11; 22:30). Tuy nhiên, dường như cũng có một vương quốc đang diễn ra trong thời đại hiện nay (Giăng 3: 3; Cô-lô-se 1:13; 4:11). Mặc dù bản thân Hội Thánh không phải là vương quốc, nhưng nó là một khía cạnh quan trọng trong sự cai trị của Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta có thể nói rằng Hội Thánh là khía cạnh quan trọng và dễ thấy nhất của vương quốc Đức Chúa Trời khi nó đang phát triển trong thời đại hiện nay.

Sau khi ký thuật lại lời tuyên bố của Chúa Giê-su “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần” (Mác 1:15; Mat 4:17), Mác đã ghi lại một loạt các phép lạ của Chúa Giê-su. Các phép lạ, phản ánh các đặc điểm của vương quốc (Ê-sai 35: 5-6), nhằm xác nhận cho lời tuyên bố của Ngài. Các phép lạ của Chúa Giê-su chứng tỏ rằng tương lai đã đột nhiên thành hiện tại. Khi Chúa Giê-su khiến người mù được thấy, chữa lành người bệnh, khiến người què được đi, làm sạch người phung và giải cứu những người bị quỉ ám, Ngài đang cung cấp một bức tranh về vương quốc của Đức Chúa Trời.

Vương quốc của Đức Chúa Trời gồm có con dân của Đức Chúa Trời, tại nơi cai trị của Đức Chúa Trời, và dưới sự cai trị của Ngài. Ngày nay, con dân của Đức Chúa Trời là những người tin vào Đấng Christ (dù là người Do Thái hay người ngoại bang). “Nơi cai trị” của Đức Chúa Trời là thân thể của Đấng Christ, tức là Hội thánh. Sự cai trị của Đức Chúa Trời trên dân sự của Ngài được thực hiện thông qua Đấng Christ và những người chăn (các trưởng lão trong Hội thánh).

Hình thức cai trị hiện nay của Đức Chúa Trời là trong Hội Thánh. Nhưng sự cai trị của Đấng Christ với tư cách là Đấng Mê-si-a của Y-sơ-ra-ên đang trong thời gian chờ đợi thời kỳ Thiên hy niên khi Ngài sẽ trị vì trên ngôi Đa-vít trong một vương quốc theo nghĩa đen trên đất. Trong thời đại của vương quốc tương lai đó, Giê-ru-sa-lem sẽ là trung tâm thờ phượng của thế giới (Ê-sai 2: 2-4, Mi-chê 4: 1-2).

 

SỰ PHÁN XÉT

 

Sự phán xét của Đức Chúa Trời vừa ở hiện tại vừa ở tương lai. Nó đang diễn ra hiện nay (Giăng 3: 18-19) và cũng sẽ diễn ta vào thời điểm trong tương lai theo như lời tiên tri.

 

Sự Phán Xét Trên Sa-tan Và Những Quỉ Sứ Nó

Chúa Giê-su nói về “lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (Mat 25:41). Sự phán xét thực sự đối với Sa-tan bắt đầu tại thập tự giá (Giăng 12:31). Phạm vi hoạt động của nó sẽ bị giới hạn nhiều hơn trong thời kỳ Đại nạn (Khải 12: 9) và thời kỳ Thiên hy niên (20: 2). Vào cuối thời kỳ ngàn năm của vương quốc Đấng Mê-si-a, Sa-tan sẽ bị quăng xuống hồ lửa là nơi ở đời đời của nó (20:10).

 

Sự Phán Xét Dành Cho Những Ai Theo Sa-Tan

Khải Huyền 20: 11-15 tiết lộ rằng sau vương quốc của Đấng Mê-si, những người chết ngoài Chúa sẽ sống lại và bị phán xét. “Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (20:15).

 

Thanh Tẩy Trái đất

2 Phi-e-rơ 3:10 cho biết rằng trái đất hiện tại này — phạm vi phản nghịch của Sa-tan chống lại Đức Chúa Trời — sẽ bị thanh tẩy bằng lửa để chuẩn bị cho trời mới và đất mới (Khải 21: 1; Ê-sai 65: 17-25). Sự thanh tẩy này sẽ loại bỏ tất cả các hậu quả của tội lỗi và sự sa ngã. Sau đó, những lời của Giăng trong Khải Huyền 22: 3 sẽ được ứng nghiệm, “chẳng còn có sự nguyền rủa nữa.”

Kinh thánh bắt đầu với một lời nguyền rủa vì tội lỗi và cũng kết thúc với việc xóa bỏ hậu quả của tội lỗi và chấm dứt lời nguyền rủa đó. Tóm lại, đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại – để đảo ngược lời nguyền rủa.

 

KẾT LUẬN

Những người tin Chúa ngày nay đang sống giữa sự đến thứ nhất và thứ hai của Đấng Christ dưới luật pháp của Giao ước Mới. Họ đang tham gia vào vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng vẫn đang chờ đợi sự đến hoàn toàn của vương quốc Ngài khi Đấng Christ sẽ thiết lập sự cai trị của Ngài trên đất.

Hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại giúp chúng ta biết Đức Chúa Trời nhiều hơn. Chúng ta cũng được khích lệ khi biết rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch! Ngài biết sự kết thúc ngay từ lúc khởi đầu (Ê-sai 46: 9-10). Tất cả về lịch sử và sự tồn tại của con người đều nằm dưới sự cai trị và sự thiết lập của Ngài. Khi đối mặt với điều không chắc chắn và bất hạnh, Cơ đốc nhân có thể tin chắn rằng Đức Chúa Trời đang kiểm soát! Khi Ngài tể trị trên mọi việc của các quốc gia, thì Ngài cũng tể trị trên mọi việc trong cuộc đời chúng ta — theo ý muốn quyền năng của Ngài.

 

 

admin
tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn