Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Người Vật Lộn Cùng Đức Chúa Trời

Người Vật Lộn Cùng Đức Chúa Trời

Nghe bài giảng, click vào nút hình tam giác.

…vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.

Sáng thế ký 32:28

Thủ tướng Winton Churchill đã phát biểu trên đài phát thanh của Anh vào năm 1939, “Tôi không thể dự báo cho mọi người biết hành động của Nga, đó là một câu đố bí ẩn được gói bên trong một bí ẩn.” Khi đọc lại câu này tôi liên hệ nó với nhân vật Gia-cốp trong Kinh Thánh.

Trong phần bình luận về nhân vật Gia-cốp, một tác giả viết, “Gia-cốp là một tên vô lại gian trá trong những năm đầu đời.” Có lẽ điều đó không sai. Nhưng tại sao Kinh Thánh nói về “Đức Chúa Trời của Gia-cốp,” và không có điều gì tôn trọng hơn điều đó? Đức Chúa Trời phán bảo Gia-cốp trong Sáng thế ký 28, và cũng chỉ dạy ông trong thời gian lao tác tại nhà người cậu La-ban (Sáng. 31:10-13). Đức Chúa Trời vật lộn với ông tại Phê-ni-ên khi ông chuẩn bị gặp Ê-sau, người anh của mình (Sáng. 32). Ngài hiện ra với ông tại Bê-tên (Sáng. 35:9-15) và nói chuyện với ông tại Bê-e-sê-ba khi ông chuẩn bị đi Ai-cập để gặp con trai mình là Giô-sép (Sáng. 46:1-4).  Đức Chúa Trời dành cho Gia-cốp một sự ưu ái đặc biệt! Gia-cốp là tổ phụ của mười hai chi phái Israel, và tất cả các chi phái dành cho ông sự kính trọng, và xuyên qua họ mà Cứu Chúa Giê-su đã nhập thế làm người. Đó là một vinh dự lớn lao cho Gia-cốp!

Khi nghiên cứu về Gia-cốp, Watchman Nee đã viết trong tác phẩm Đền Tạm Trong Đồng Vắng:

“Cho đến khi Chúa bắt đầu xử lý chúng ta, chúng ta có khuynh hướng sử dụng các mưu mẹo cao hơn những kế hoạch của Gia-cốp, nhưng khi chúng ta bắt đầu chạm trán với những suy nghĩ lệch lạc của chính mình, chúng ta sớm nhận ra bản chất thật của con người. Hãy nhớ những gì đã thay đổi cuộc sống của Gia-cốp từ hư không thành phước lành không gì khác hơn là sức mạnh của ân điển Chúa.”

Nói một cách khác, nan đề của Gia-cốp có thể là nan đề của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta có những “câu đố bí ẩn được gói bên trong một bí ẩn”. Kinh Thánh nói về điều này: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Từ Hê-bơ-rơ dịch từ dối trá liên hệ đến từ gót chân. Và cả hai từ này tạo thành từ Gia-cốp (kẻ nắm gót). Khi nói về Gia-cốp, Ê-sau là anh của Gia-cốp bình luận: “Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa” (Sáng. 27:36). Từ chỗ này chúng ta có thể dịch Giê-rê-mi 17:9, “tấm lòng con người giống như tấm lòng Gia-cốp”. Và chúng ta hãy nhìn vào trong chính tấm gương soi là Kinh Thánh để tra xét chính mình.

Nhiều thế kỷ sau đó, tiên tri Ô-sê đã nói với dân sự của vương quốc phía bắc Israel, hướng họ trở lại với tên của họ là Gia-cốp, “Đức Giê-hô-va cũng có sự kiện cáo với Giu-đa, và Ngài sẽ phạt Gia-cốp theo đường lối nó; Ngài sẽ báo trả nó theo việc nó làm. Vừa lúc ở trong lòng mẹ, Gia-cốp nắm gót chân anh mình; và đến tuổi trưởng thành, hưởng đặc quyền nơi Đức Chúa Trời” (Ô-sê 12:3-4). Mặc dù có nhiều nhược điểm – và tất cả chúng ta đều có chúng – Gia-cốp có một tấm lòng hướng về Chúa và mong muốn những phước lành mà chỉ một mình Ngài có thể ban tặng. Ê-sau thì không giống như thế.

Bởi vì tất cả chúng ta giống Gia-cốp, chúng ta phải học tập từ con người vĩ đại này phương cách xử lý những thách thức của đời sống để tiến về phía trước: vật lộn với con người và các tình huống, chưa hết chúng ta còn vật lộn với Đức Chúa Trời và cuối cùng chiến thắng chính bản thân chúng ta.

1.ĐẤU TRANH VỚI CON NGƯỜI VÀ CÁC HOÀN CẢNH

Ngay trước khi sinh ra, Gia-cốp đã tranh đấu với anh mình là Ê-sau, và sự đấu tranh này kéo dài xuyên suốt cuộc đời ông. Sau đó dòng dõi của Ê-sau là người Ê-đôm tiếp tục tranh đấu chống nghịch dòng dõi Gia-cốp mỗi khi có cơ hội đến. Gia-cốp cũng tranh đấu với La-ban, ông cậu vợ nhiều mưu mẹo. Gia-cốp phải mất mười bốn năm lao tác cực nhọc trong nhà La-ban để cưới được Ra-chên và Lê-a. Và ông còn phải làm việc thêm sáu năm nữa để gầy dựng bầy gia súc của riêng mình. Trong suốt những năm đó Gia-cốp chịu đựng những mất mát, gian lao trên đồng cỏ và bị người cậu La-ban thay đổi tiền lương mười lần.

Sau hai mươi năm khó khăn, cuối cùng Gia-cốp rời khỏi vùng đất Paddan Aram. Ông và La-ban đưa ra một điểm đánh dấu ranh giới gọi là Mích-ba (có nghĩa là tháp canh) giữa hai vùng đất và thề rằng sẽ mỗi người không vượt qua nó và tấn công người kia. Hai cậu cháu cam kết, “Đức Chúa Trời sẽ theo dõi chúng ta.” Điều này có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhìn thấy những gì mỗi người đang làm, vì vậy hãy cẩn thận.” “La-ban có nói thêm rằng: Khi chúng ta phân cách nhau,cầu xin Đức Giê-hô-va coi sóc cậu và cháu. (Sáng.31:49). Hai cậu cháu không nhận ra rằng họ đã cam kết về một thỏa thuận ngừng bắn vũ trang tạm thời nhưng không phải là chấm dứt chiến tranh hoàn toàn.

Tuy nhiên những tranh đấu trong cuộc đời Gia-cốp vẫn chưa hết. Gia-cốp không chỉ đấu tranh với La-ban và các con trai mình, ông còn phải chịu đựng sự xung đột giữa vòng bốn người nữ: hai người vợ Ra-chên và Lê-a, và hai cô hầu gái của hai người vợ này.  Thêm vào đó là việc quản lý mười một đứa con trai và chúng ta có thể thấy rằng nơi ở của Gia-cốp không phải dễ chịu như một công viên giải trí, nhưng Gia-cốp kiên nhẫn chịu đựng tất cả.

Gia-cốp đã làm những gì? Ông nói ra bí mật của mình với La-ban trong Sáng thế ký 41:42, “Nhưng Đức Chúa Trời của cha cháu tức Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đáng kính sợ của Y-sác đã phù hộ cháu. Nếu không cậu đã đuổi cháu đi hai tay không rồi. Ngài thấy nỗi khổ và công việc nhọc nhằn của cháu nên đêm qua Ngài đã chỉnh cậu.” Gia-cốp đã dạy chúng ta một bài học quan trọng: Khi con người gây khó khăn, làm hao mòn chúng ta và tưởng chừng không thể chịu đựng được, hãy trao tất cả cho Chúa và tin cậy Ngài làm cho ta trưởng thành và cuối cùng ban cho sự thịnh vượng. Sự tấn công từ con người và những tình huống đau khổ có thể huấn luyện nâng cấp hoặc hủy hoại chúng ta, và chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Hai mươi năm yên lặng, thuận phục và nhọc nhằn của Gia-cốp đã nung đốt ông thành một con người có thể dâng vinh hiển về cho Chúa.

Trong tác phẩm Đường Ít Người Đi – một quyển sách bán chạy nhất, tác giả W. Scott Peck đã viết trong chương mở đầu, “một khi chúng ta thực sự biết rằng cuộc sống thật khó khăn, một khi chúng ta thực sự hiểu và chấp nhận nó – thì cuộc sống không còn khó khăn nữa.” Nhà thơ William Blake cũng nói ý tương tự cách đây hai thế kỷ, “Con người được tạo ra cho niềm vui và sự đau khổ / và khi chúng ta biết chính xác điều này / chúng ta đi qua thế giới cách an toàn.”  Đức Chúa Trời đã sử dụng những con người và những hoàn cảnh khó khăn để huấn luyện Gia-cốp, và chuẩn bị ông xây dựng quốc gia Israel. Người ta nói rằng những gì cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc vào những gì cuộc sống tìm thấy trong chúng ta. Và đối với Gia-cốp, cuộc sống đầy những khó khăn đã tìm thấy nơi ông đức tin và sự kiên nhẫn. Gia-cốp làm việc, chịu đau khổ, chờ đợi và khi Chúa bày tỏ ý muốn Ngài, ông vâng lời.

2.VẬT LỘN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Phần Kinh Thánh trong Sáng thế ký 32:22-32, và ngữ cảnh ở đây sử dụng từ “đấu tranh” hay “vật lộn” (các câu 24, 25, 28). Khi Gia-cốp chuẩn bị gặp anh trai mình là Ê-sau, và ông hồi họp chưa biết điều gì sẽ xảy ra!  Nhưng Gia-cốp đang ở trong một cuộc chiến với những người khác, và với chính mình bởi vì ông đang ở trong một cuộc chiến với Đức Chúa Trời. Và các trận đánh đó được lập trình trước để chuẩn bị cho ông có thể đối diện với Ê-sau trên đường trở về nhà cha sau hai mươi năm lánh nạn tại nhà La-ban.  Lúc bấy giờ, Gia-cốp là người lập kế hoạch cẩn thận, ông tách gia đình ra ngay lập tức và đặt họ ở một nơi an toàn, và sau đó ông đứng ra bảo vệ họ, chờ đợi điều tiếp theo xảy ra.

Khi Gia-cốp ở một mình tại Phê-ni-ên ông bị một người lạ tấn công, người này vật lộn với ông cho đến hừng sáng. Người này là một thiên sứ đã hiện ra trong hình dạng của một con người, hay là Con Trai của Đức Chúa Trời? Các câu 28 và 30 đối chiếu với Ô-sê 12:3 dường như chỉ ra rằng Con Trai của Đức Chúa Trời đã xuống vật lộn với Gia-cốp để huấn luyện ông giành chiến thắng. Gia-cốp đã tranh đấu với Ê-sau là anh của mình, với người cậu vợ La-ban và gia đình của ông này, và với những người vợ. Nhưng bây giờ Gia-cốp phải tự bảo vệ mình bằng cách vật lộn với Đức Chúa Trời!

Khi hừng sáng, Gia-cốp phát hiện ra rằng ông có thể nhận phước lành từ người bí ẩn tại núi Phê-ni-ên (Sáng. 32), vì vậy ông đã ôm lấy người này và giữ chặt. Một tác giả viết, “Khi năm tháng trôi qua, chúng ta bắt đầu bám víu vào người/nơi mà chúng ta đã từng vật lộn.”  Vì sao bám? Bởi vì Gia-cốp muốn người lạ ban phước cho ông, và ông không để cho người này đi cho đến khi ông nhận được điều thỉnh cầu. Gia-cốp nhận ra rằng ông đã vật lộn cùng Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời có thể đánh bại Gia-cốp ngay tức khắc, nhưng điều quan trọng là Gia-cốp nhận ra rằng đã đến lúc phải dừng trận đấu và qui phục Đức Chúa Trời. John Calvin đã nói, “Chúa chiến đấu chống lại chúng ta bằng tay trái của Ngài và chiến đấu cho chúng ta bằng tay phải của Ngài.” Vua Đa-vít đã biết điều bí mật này khi ông viết, “Với người trong sạch, Ngài là Đấng trong sạch. Với người xảo quyệt, Ngài sẽ đối xử nghiêm minh.” (Thi. 18:26). Đức Chúa Trời sẽ dừng lại không sử dụng cánh tay trái của Ngài khi chúng ta thuận phục ý muốn Ngài. Vì vậy hãy tiếp tục giữ đức tin vào Ngài, cầu xin Ngài ban phước. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dầu vậy, xin đừng theo ý Con, nhưng xin ý Cha được nên!” (Lu-ca 22:42)

Đây là yếu tố dẫn đến sự chiến thắng. “Đức Chúa Trời không thể ban phước đầy trọn cho một người, cho đến khi Ngài chinh phục người đó.” A. W. Tozer đã nói như thế.

3.VƯỢT QUA THẤT BẠI

“Gia-cốp vật lộn với thiên sứ và thắng cuộc. Ông khóc lóc và xin thiên sứ ban phước;
Đức Chúa Trời gặp Gia-cốp tại Bê-tên, và phán dạy ông tại đó.” (Ô-sê 12:4).

Chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời là Đấng thực sự chiến thắng. Khi chúng ta được Đức Chúa Trời chinh phục, lúc đó chúng ta có thể chiến thắng chính bản thân và các hoàn cảnh. Gia-cốp phải ở trong cuộc chiến với chính bản thân và những người khác trong cuộc sống, bởi vì ông đang ở trong một cuộc chiến với Đức Chúa Trời. Và khi Gia-cốp dừng trận đánh với Đức Chúa Trời, ông đã bám lấy Ngài cầu xin sự ban phước. Khi đó ông chuyển sự thất bại thành chiến thắng.

Điều đầu tiên, Gia-cốp được ban cho một sự yếu đuối mới. Điều này nghe có vẻ lạ lùng. Nhưng để giúp đỡ một con người đi tới thành công, người đó cần điều này. Theo Phao-lô, “Vì khi tôi yếu đuối (trong chính mình), ấy chính là lúc tôi mạnh mẽ (trong Đức Chúa Trời)” (2 Cô-rin-tô 12:10). Đức Chúa Trời “đụng vào khớp xương hông của Gia-cốp làm trật xương hông” (Sáng. 32:26).  Chúng ta thử hình dung, khi Gia-cốp trở về nhà, mọi người nhìn thấy ông trong tình trạng “ra khỏi Phê-ni-ên lúc trời rạng đông, ông đi khập khểnh vì trật khớp xương hông” và rồi gạn hỏi ông về điều đó. Gia-cốp phải trình bày với gia đình ông đã gặp Đức Chúa Trời và được thay đổi.

Gia-cốp được ban cho một tên mới. Tại Phê-ni-ên, Gia-cốp được người bí ẩn hỏi, “tên ngươi là gì? Đáp rằng: Gia-cốp.  Người liền bảo: Tên ngươi không phải là Gia-cốp nữa, nhưng bây giờ là Y-sơ-ra-ên vì ngươi vật lộn với Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều thắng cả!” Trước đó Gia-cốp đã từng nói dối cha mình cách trắng trợn, khi được cha hỏi: Con là đứa nào. Gia-cốp trả lời: Con là Ê-sau, con trưởng nam của cha (Sáng. 27:32).

Còn bây giờ Gia-cốp nói ra sự thật trần trụi: Tôi là Gia-cốp (là kẻ nắm gót dối trá). Gia-cốp đã vượt qua sự thất bại để dám nhìn thẳng vào con người của mình.

Đức Chúa Trời cho ông một tên mới: Y-sơ-ra-ên! Trải nghiệm của Gia-cốp có thể gọi là “kẻ khập khểnh được đội vương miện”. Đức Chúa Trời phán bảo Gia-cốp, “Tên ngươi không phải là Gia-cốp nữa, nhưng bây giờ là Y-sơ-ra-ên vì ngươi vật lộn với Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều thắng cả!” Gia-cốp nhận lãnh chiến thắng nhờ ơn Chúa và giờ đây ông có thể trở nên một người chiến thắng cho Đức Chúa Trời. Một số người còn cho rằng Y-sơ-ra-ên có nghĩa là “một người đàn ông được Chúa làm chủ”. Kinh Thánh luôn đề cập đến các tổ phụ của tuyển dân Do Thái, và danh từ Y-sơ-ra-ên được dùng hơn 2500 lần trong Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp phước hạnh mới, bởi vì ông đã cầu xin điều này từ nơi Chúa trong đức tin. Ngài đã ban phước cho ông tại Bê-tên lúc khởi đầu cho một chuyến đi nhiều trắc trở (Sáng. 28). Và bây giờ ông lại được ban phước tại Phê-ni-ên để chuẩn bị cho ông đối diện với những gánh nặng trong quãng đời còn lại. Ông đã đối mặt với Đức Chúa Trời, và bây giờ Gia-cốp với tên mới là Y-sơ-ra-ên đi khập khểnh trở về với gia đình. Một bình minh mới đến trên cuộc đời Gia-cốp. Chúng ta cũng vậy.

Sự nghiệp của Gia-cốp bắt đầu như một kẻ chạy trốn khỏi nhà. Lúc ấy ông trở nên như một người khách lạ, xa gia đình trong suốt hai mươi năm lao tác tại nhà người cậu. Nhưng bây giờ ông như một người lữ khách hành hương trở lại vùng đất của cha mình. Ngay cả khi ông chuẩn bị bước vào thành phố thiên đàng, ông vẫn còn là người lữ khách “dựa trên gậy mình mà thờ lạy” (Hê-bơ-rơ 11:21).

Cuộc vật lộn kết thúc. “Phước cho người nào có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ. Và biết trông cậy nơi CHÚA, Đức Chúa Trời mình.” (Thi. 146:5)

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn