Người Đàn Bà Hạnh Phúc
Tác giả: Ang Son Yoo
Lời Nói Đầu
“Với bó hoa lòng biết ơn ,
tôi khiêm cung dâng tặng quyển sách nầy lên cho
Chúa và Cưú Chúa Giê-xu Christ ,
người bạn đời và người bạn đồng công
trọn đời của tôi .”
Cùng Quí Độc Giả Việt Nam
Kính Thưa Quí Thân Hữu và Tín Hữu Việt Nam:
Một trăm mười năm về trước, ở Đại Hàn không có một tín hữu Tin Lành nào hết. Hầu hết dân chúng theo Khổng Giáo hoặc Phật Giáo. Nhưng ngày nay, khoảng một phần ba dân tộc Nam Hàn tin thờ Chúa. Bảy trong số mười Hội Thánh lớn nhất trên thế giới nằm ở Nam Hàn. Có khoảng 7,000 Giáo sĩ Tin Lành người Đại Hàn đang truyền giáo tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Vì ảnh hưởng của cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và áp lực quân sự thường xuyên của Bắc Hàn, các tín hữu Tin Lành ở Nam Hàn đã học cách nương dựa nơi Chúa và hết lòng hầu việc Chúa. Họ thực sự xác tín Chúa Giê-xu là Đấng sống và Ngài là Đấng không hề thay đổi.
Dù sự phát triển của Hội Thánh đang chậm lại do tình hình kinh tế trong vòng mười năm qua, hầu hết các Hội Thánh vẫn giữ những buổi nhóm cầu nguyện 5 giờ sáng của họ. Mức độ dự phần truyền giáo và dâng hiến của họ vẫn được kể là đứng đầu giữa các Hội Thánh ở Á Châu.
Sau Thế Chiến Thứ hai, càng ngày càng có nhiều người Đại Hàn di cư đến Hoa Kỳ. Đi đến đâu họ cũng thành lập Hội Thánh. Trong khi người tín hữu Trung Hoa với gần 200 năm lịch sử đã thiết lập được khoảng 1,000 Hội Thánh người Hoa tại Hoa Kỳ; tín hữu người Việt trên 25 năm lịch sử đã xây dựng được hơn 200 Hội Thánh người Việt tại Hoa Kỳ; thì người Đại Hàn với 50 năm lịch sử đã xây dựng được hơn 4,000 Hội Thánh người Đại Hàn tại Hoa Kỳ.
Người tín hữu Đại Hàn đã kinh nghiệm nhiều về Chúa. Họ đã nêu gương sáng thờ phượng và hầu việc Chúa cho nhiều dân tộc trên thế giới. Chúng ta có thể noi gương họ và cùng với họ hiệp tác hầu việc Chúa, đem Tin Lành truyền bá khắp thế giới, để hoàn thành Đại Mạng Lịnh Chúa giao.
Tôi có may mắn hiệp tác với một số Hội Thánh và tín hữu Đại Hàn. Nay tôi lại may mắn hiệp tác để chuyển ngữ quyển sách “Người Đàn Bà Hạnh Phúc” của Nữ Mục sư Yoo, Ang Son, từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Tôi được khích lệ rất nhiều khi đọc và dịch quyển sách nầy. Đây là quyển sách rất có giá trị vì nó không phải là lý thuyết nhưng là kinh nghiệm thực tế. Đây là từng trải của một người kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa giữa những khổ đau, giống như từng trải của nhiều người Việt Nam trên con đường theo Chúa.
Tôi hết lòng giới thiệu quí độc giả Việt Nam quyển sách nầy và xin quí vị tiếp tay giới thiệu quyển sách nầy cho nhiều người cùng đọc. Ước mong Đức Chúa Trời dùng quyển sách nầy để dẫn quí vị đến nguồn hạnh phúc mà chỉ có Chúa Giê-xu có khả năng ban cho những người đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Muốn thật hết lòng.
Chân thành cảm ơn quí vị.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ , Dallas .
Lời Tựa
Đề tài quyển sách nầy đang thu hút rất nhiều người.
Ai lại không muốn hạnh phúc?
Tác giả quyển sách nầy là một nữ Mục sư. Số phận của bà thật kỳ diệu. Khi lên mười hai tuổi bà được kêu gọi để phục vụ những người già. Đời sống của bà đầy dẫy những thăng trầm, ánh sáng và bóng tối, vui vẻ và buồn bã, bình an và rắc rối. Bà đã từng trải tất cả trong suốt đời bà. Nhưng đời sống bà cũng đầy dẫy sức sống thuộc linh. Bà vâng giữ giao ước của Đức Chúa Trời. Trong Ngài bà đi theo những qui luật của tình yêu thương chân thật, của sự thương xót và của sự trung tín là những điều làm nên người đàn bà hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn noi theo và bắt chước đời sống của những vĩ nhân. Bà Yoo, Ang Son là người đàn bà biết rõ sự thật về những điều có thể thay đổi đồng thời cũng biết chấp nhận những gì không thể thay đổi. Đức Chúa Trời đã ban cho bà ân tứ khôn ngoan để biết phân biệt giữa hai điều nầy.
Ý tưởng về quyển sách nầy ra đời như thế nào? Tôi đã nghe về Mục sư Yoo, Ang Son ở Nước Nga là nơi Hội Thánh Truyền Giáo Manna rất nổi danh giữa vòng các tín hữu Tin Lành. Vào tháng Mười Một năm 1998 khi tôi đến Hoa Kỳ, tôi có cơ hội dự nhóm ở Hội Thánh nầy. Tôi được khích lệ khi tôi nghe bà rao giảng với quyền năng của ân điển, tình yêu và niềm hy vọng trong tiếng nói của bà. Vào tháng Giêng năm 1999, tôi được mời đến nhà bà.
Chúng tôi thông công nhau cách ấm áp trong sự đầy dẫy Thánh Linh và ân điển Chúa. Lúc đó có một số tín hữu của Hội Thánh đang có mặt. Khi tôi nhìn bà Mục sư, tôi cảm thấy như Đức Thánh Linh đang phán với tôi rằng bà phải kể lại cho mọi người trên thế giới về bà. Tôi không biết gì hết về câu chuyện đời bà. Tôi đã nghĩ về những phụ nữ Nga, những buồn đau, khó khăn và đời sống vô vọng của họ. Tôi nói, “Mục sư ơi, xin hãy viết một quyển sách cho những phụ nữ Nga về cách nào bà đã trở thành một người đàn bà hạnh phúc. Ở Nga những người bị áp bức nhiều nhất là người phu nữ. Bà phải kể cho họ nghe cách làm thể nào để họ cũng có thể trở thành những người hạnh phúc. Tôi bắt đầu nói và nhấn mạnh cách tha thiết dường như có Ai đó đang nói qua tôi. Bà Mục sư chỉ lắng nghe tôi và mỉm cười khi tôi tiếp tục thuyết phục bà viết quyển sách nầy. Và, một phép lạ xảy ra! Sau ba tháng, quyển “Người Đàn Bà Hạnh Phúc” đã được viết ra, xuất bản bằng tiếng Đại Hàn và đã dược dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga.
Quyển sách “Người Đàn Bà Hạnh Phúc” cung cấp con đường dẫn đến dòng sông hạnh phúc đồng thời đem lại hy vọng và niềm tin rằng chỉ có tình yêu của Đấng Christ và Đức Chúa Trời mới có thể làm cho một người hạnh phúc. Tôi tin rằng quyển sách nầy sẽ dẫn dắt nhiều người đàn bà bất hạnh đến cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là nguồn gốc thực sự của hạnh phúc. Hội Thánh Truyền Giáo Manna đã hưởng ứng sự kêu gọi cao cả của Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa.
Mời bạn đến “Dòng sông Hạnh phúc”
Ngày nay khi nhìn lại cuộc đời 75 tuổi của tôi, tôi muốn mời quí độc giả hãy đến với cái nguồn mạch của niềm vui chân thật vốn đã khiến tôi trở thành người đàn bà hạnh phúc nhất thế giới!
Tôi muốn giới thiệu bạn đến với Ngài, là Đấng đã ban phước cho tôi trước khi tôi lọt lòng mẹ. Ngài cũng là Đấng chẳng bao giờ thất hứa.
Ngài đã chẳng bao giờ để cho tôi sống trong đói khát, trần truồng hay không nhà không cửa. Ngài đã luôn luôn bồng ẳm tôi khi tôi cô đơn, thương tổn hay khóc than.
Ngài đã nói chuyện với tôi, luôn luôn với lời nói yêu thương, an bình và an ủi. Ngài đã đi với tôi trong những đường hầm tối tăm của cuộc đời. Ngài đã hứa ban cho tôi sự sống vĩnh cửu cũng như sự hiện diện của Ngài trên thế giới nầy.
Ngài nắm tay dắt tôi lên tận đỉnh núi. Ngài bảo vệ tôi và trở nên nơi ẩn náu của tôi.
Nếu tôi có một lời ước trước khi chấm dứt cuộc đời, thì đó là lời ước được mời bạn đến cùng dòng sông hạnh phúc nầy và bạn được đích thân gặp Ngài. Tôi cầu mong bạn bước vào con thuyền tình yêu đẹp đẽ của Ngài mà Ngài đã chuẩn bị cho bạn từ lâu. Tôi cầu mong bạn đồng hành với Ngài từ nay cho đến đời đời.
Mười Hai Giỏ Đầy Hạnh Phúc
Giỏ Đầy Thứ Nhất Phước Lành Của Gia-cốp
Giỏ Đầy Thứ Hai Người Tôi Gặp
Năm Hai Mươi Ba Tuổi
Giỏ Đầy Thứ Ba Tha Thứ Và Lại Tha Thứ
Giỏ Đầy Thứ Tư Con Có Thật Lòng
Yêu Ta Chăng?
Giỏ Đầy Thứ Năm An Ủi Kẻ Hèn Mọn
Giỏ Đầy Thứ Sáu Tôi Nghĩ Mọi Sự
Đều Là Của Tôi
Giỏ Đầy Thứ Bảy Thấp Hèn Nơi Đồng Vắng
Giỏ Đầy Thứ Tám Con Có Thể Nào Đi Qua
Trũng Tội Lỗi Chăng?
Giỏ Đầy Thứ Chín Và Rồi, Sau Đó
Giỏ Đầy Thứ Mười Mang Những Quả Thật Đẹp
Giỏ Đầy Thứ Mười Một Người Đàn Bà Gieo Giống
Giỏ Đầy Thứ Mười Hai Chén Tôi Đầy Tràn
–
Giỏ Đầy Thứ 1
PHƯỚC LÀNH CỦA GIA-CỐP
Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi , Qua Trũng Bóng Chết , Giỏ Đầy Thứ Nhất
Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông nội tôi còn sống là lúc ông đang nằm trên giường tại phòng mình. Tôi ra khỏi phòng ông nội và vào phòng mình để ngủ. Nhưng vào lúc tôi sắp thiếp đi thì có tiếng ai đó la lên, “Ông nội qua đời rồi!” Cả nhà tôi khóc. Tôi nhảy ra khỏi giường và chạy đến phòng của ông.
Một tấm vải trắng được phủ lên thi thể của ông nội tôi, người hết lòng thương yêu tôi. Chỉ mới đây thôi, ông còn đặt một tay lên đầu tôi, còn tay kia giơ qua khỏi đầu mình và nói điều gì đó mà tôi không thể hiểu. Rồi ông bảo, “Ang Son, bây giờ cháu về ngủ đi.”
Tôi vẫn còn cảm thấy bàn tay run run và giọng nói yếu ớt của ông ở gần tôi lắm. Tôi không tin rằng ông nội đã chết.
Khi ông nội còn sống, ông rất yêu thương tôi. Tôi khóc lớn và nói rằng, “Tại sao ông nội qua đời mà không phải là bà nội?” Rồi tôi lại khóc.
Cả làng ai cũng biết ông nội rất thương tôi. Ông bồng ẵm tôi từ khi tôi còn nhỏ, đã được gần mười năm từ lúc con trai trưởng của ông (là cha tôi) lập gia đình. Ông nội đặt cho tôi cái tên độc nhất vô nhị, “Ang Son” nghĩa là “con của chim sơn ca.” Đây là một loài chim đẹp trên thế giới thuộc họ này. Ông rất sung sướng khi đặt cho tôi cái tên như thế.
Mẹ tôi là con dâu đầu tiên của ông nội tôi. Bà đi đến một ngôi làng khác, cải trang để đi tới một Shaman (nơi cử hành nghi thức tôn giáo của người đa thần) để nguyền rủa cái tên “Ang Son” vì bà rất ghét cái tên đó. Một ngày nọ, ông nội về nhà với bàn tay đầy máu, ông đã dùng tay không đánh vào một thân cây. Sau đó, ông nói với gia đình là ông không thể tiếp tục sống chung với người con dâu thờ lạy hình tượng. Ông thu dọn đồ đạc và đi lên Seoul, nơi con trai thứ hai của ông đang sống. Trước khi ông qua đời, ông gọi cha tôi, lúc đó đang ở Wonsan, bảo đem tôi lên Seoul. Cha tôi xin phép trường học của tôi và đưa tôi lên Seoul bằng xe lửa.
Khi thấy tôi, cô tôi hét to lên, “Ang Son tới rồi!” Ông nội tôi bình thường vốn im lặng, nhưng hôm đó ông đã kêu lớn tên tôi và cười rất tươi.
Vào đêm thứ ba ở Seoul, lúc tôi đang ngủ thì cha tôi đánh thức tôi dậy và đưa tôi đến phòng ông nội. Khi tôi bước vào phòng với đôi mắt còn mơ ngủ, ông nội bảo mọi người trong nhà đi ra để tôi ở lại. Trong căn phòng hầu như trống trải, ông nội yên lặng nhìn tôi với cái nhìn trìu mến. Lúc đó, tôi vẫn còn nửa mê nửa tỉnh nên không biết chuyện gì đang xảy ra. Một lúc sau, ông đặt bàn tay yếu ớt của mình lên đầu tôi, còn tay kia giơ lên cao. Ông bắt đầu nói chuyện “với một người nào đó,” và tôi không biết đó là ai. Tôi vẫn còn buồn ngủ. Tôi định hỏi ông là,” Ông ơi, ông đang làm gì vậy?” Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì ông đã nói với giọng run run rằng, “Ang Son ạ, xong rồi cháu. Bây giờ, cháu có thể về phòng ngủ.” Tôi gật đầu, mắt mở một cách khó khăn. Tôi đứng dậy và rời phòng ông nội.
Và tôi, đứa bé gái 12 tuổi trong bộ đồ tang “ricksha,” đứng đó trong dòng người đến viếng lễ tang ông nội. Tôi miên man suy nghĩ và tò mò về những điều mà ông nội đã nói và làm năm ngày trước đó. Tôi tiếc vì đã không hỏi ông những điều đó có ý nghĩa như thế nào. Suốt đám tang, tôi khóc trong niềm thương tiếc khôn nguôi vì biết mình sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Ông nội thương yêu tôi lắm. Và mọi ký ức này dường như mới chỉ xảy ra hôm qua mà thôi.
Tôi nay đã 75 tuổi. Giờ đây, khi nhìn lại quãng đời của mình, tôi hiểu ra điều ông nội tôi đã làm vào buổi tối hôm ấy.
Ông đã đặt tay lên tôi và chúc phước cho tôi, đứa cháu gái mà ông rất mực yêu thương. Đó là những ơn phước mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Giờ đây, đứa cháu gái đó đã lớn, gần bằng tuổi của ông nội lúc đó. Và tôi đã nhận biết những ơn phước vô cùng quý giá mà ông đã chúc lành cho tôi nhiều năm về trước.
Tình yêu bao la của ông nội xuất phát từ đâu? Tình yêu mà bằng một chút hơi tàn của mình, ông đã dốc đổ ra cho tôi? Ông biết rằng những điều ông có đến từ Đấng là nguồn của mọi phước lành.
Đó là lý do tại sao ông nội đợi tôi đến và bằng hơi thở cuối cùng của mình, ông đã cầu xin Đấng ấy chăm sóc đứa cháu yêu dấu của mình. Và Đấng đã nhậm lời cầu xin của ông nội thật đã nắm tay đứa bé gái ấy và đồng đi với cô trong suốt 75 năm qua.
Qua Trũng Bóng Chết
Ông nội tôi, người đã đưa tôi đến với Đấng là nguồn của mọi phước lành, khi còn trẻ đã gặp một nhà Truyền giáo người Mỹ, lúc Đại Hàn đang ở dưới triều đại nhà Lee. Sau đó, ông đã cắt đi búi tóc của mình và hằng ngày theo chân nhà Truyền giáo ấy đi khắp mọi nơi. Cha mẹ của ông vốn cực kỳ bảo thủ, đã rất tức giận vì nghĩ rằng đứa con thứ tư của mình đã bị ma quỷ phương Tây ám. Vì lẽ đó, gia đình đã từ ông. Ông đã tự bươn chải kiếm sống và đã trở thành bác sĩ Đông Y ở Wonsan, Bắc Hàn. Ông trở thành vị Trưởng lão thứ nhất của nhà thờ Tin Lành đầu tiên trong thành phố.
Sau đó, ông đã cùng vợ và hai con trai lánh sang Trung Quốc vì ông phản đối việc thờ lạy hình tượng Hoàng Đế dưới quyền lực của người Nhật. Ông mở phòng khám Đông Y và trở nên giàu có. Ông đã hỗ trợ tài chính cho chính quyền lâm thời Đại Hàn tại Thượng Hải, Trung Quốc, lúc đó đang trong tư thế chuẩn bị giành độc lập. Ông đi đến nhiều thành phố của Trung Quốc và thành lập nhà thờ ở đó. Nhiều người đã kể lại, có vô số bệnh nhân đã được chữa lành khi được bàn tay ông nội chạm đến. Tiếng lành đồn xa, và ông luôn bận rộn với bệnh nhân đến từ khắp nơi xa gần trong cả nước.
Cha tôi tốt nghiệp trường Đại Học Meigi nổi tiếng ở Nhật Bản và quyết định theo gương của cha ông, tức ông nội tôi, là người căm ghét người Nhật vì sự thờ lạy hình tượng của họ. Cuối cùng, cha tôi mở tiệm kinh doanh dược thảo Đông Y. Sau khi Đại Hàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân Nhật, ông trở thành Thị trưởng của thành phố Wonsan. Ông cưới mẹ tôi, và tôi chào đời vào ngày 10 tháng Ba, 1924.
Trong những năm tháng đi học, tôi rất hay mắc cỡ, chủ yếu là vì cái tên độc nhất vô nhị mà ông nội đã đặt cho tôi. Vì cái tên ấy mà có một lần, trong lúc điểm danh, giáo viên đã kêu tôi đứng dậy.
Tôi lớn lên trong môt gia đình đầy tình yêu thương. Là con một của một gia đình giàu có, tôi được dành trọn mọi sự quan tâm chăm sóc. Tôi tốt nghiệp phổ thông Trung học ở trường Luci, nằm gần bãi biển tuyệt đẹp ở Wonsan; và sau đó tốt nghiệp Đại Học Nữ Ehwa sau khi học xong Kinh Tế Đối Nội. Năm tôi tốt nghiệp Đại học (lúc đó tôi 20 tuổi), chú tôi, Tiến sĩ Sukchan Yoo, giới thiệu tôi với ông Jin Ho Kim. Ông Jin Ho Kim đã học quản trị kinh doanh tại Đại Học Meigi, Nhật Bản. Chúng tôi cưới nhau cũng vào năm ấy.
Khi tôi đang sống ở Wonsan, Bắc Hàn, thì quốc gia đang ở trong giai đoạn cực kỳ rối ren dưới sự cai quản của Liên-xô và Mỹ. Chồng tôi phải ngưng việc kinh doanh và đi xuống miền Nam.
Chồng tôi một mình ra đi vào tháng năm, 1947, hứa sẽ sớm trở về với gia đình. Hoàn cảnh ngày càng trở nên tồi tệ và tôi buộc phải đi xuống miền Nam cùng với hai đứa con còn nhỏ của mình.
Đứa con đầu lòng của tôi được người dẫn đường cõng trên lưng, còn tôi cõng đứa bé hơn. Chúng tôi phải trèo lên núi Odai trong bóng tối dầy đặc. Tôi chưa từng đi bộ một mình trong ban đêm bao giờ. Tôi không thể kiểm soát đôi chân đang run lẩy bẩy của mình. Tôi tự hỏi, “Làm sao mình có thể qua nổi cái dốc núi này với đứa con trên lưng trong đêm tối mịt mùng như thế ?”
Tôi nghe nói ngọn núi này nổi tiếng có nhiều rắn độc. Tim tôi đập mạnh trong nỗi sợ hãi và tuyệt vọng cùng cực khi tôi cất bước trong bóng đêm mù mịt ấy. Bất thình lình, tôi nhìn thấy ánh sáng.
Đó là một thứ ánh sáng rất đặc biệt. Nó giống như tia sáng phát ra từ cây đèn pin và dẫn tôi đi từng bước một. Tôi không nhìn thấy môt cái gì ngoại trừ bước đi kế tiếp mà tôi sắp sửa bước.
Cả vùng núi tối đen như mực, ấy thế mà tia sáng nhỏ bé ấy, cùng với gang bàn chân tôi đã chỉ đường cho tôi, chính xác chỗ tôi cần phải bước. Tia sáng này từ đâu ra nhỉ? Ai đang làm việc này? Nếu quân đội Bắc Hàn phát hiện ra chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ bị giết. Vào thời điểm ấy, sự sống của tôi không nằm trong tay tôi nữa. Nếu như đứa con nhỏ tôi đang cõng cất tiếng khóc thì… Ấy thế mà nó đang ngủ rất say trên lưng của tôi. Ai là người đang giúp tôi bước qua trũng bóng chết?
Chúng tôi đi bộ, rồi leo núi suốt đêm, và cuối cùng thì tới được bờ sông Imjn. Nấp mình trong bụi cây, chúng tôi chờ cho đến khi trời sụp tối trở lại. Cuối cùng, có một chiếc thuyền cập vào bờ sông. Những người lánh nạn xuống miền Nam ra khỏi những bụi cây và lẳng lặng bước xuống thuyền. Người dẫn đường với đứa con nhỏ của tôi trên lưng cùng tôi cũng bước xuống thuyền.
Đúng lúc ấy, một giọng nói thấp cùng với tiếng suỵt vang lên từ phía sau lưng tôi, “Tất cả sẽ chết nếu đứa bé này khóc, hãy ra khỏi thuyền đi!” Chúng tôi đã leo núi suốt đêm với ước mong được vào thuyền. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang cầm chắc cái chết trong tay. Chúng tôi khóc và nài nỉ xin được vào thuyền, và người đàn ông nói, “Tôi sẽ để bà lên nếu bà liệng hai đứa trẻ xuống sông.”
Làm sao tôi có thể giết con để cứu lấy mạng sống của mình? Những con mắt trên thuyền làm tôi hoảng sợ. Rốt cuộc, họ đẩy người dẫn đường và tôi ra khỏi thuyền và rời bến.
Chiếc thuyền bắt đầu băng qua sông, bỏ lại chúng tôi đằng sau. Tôi khóc với tấm lòng buồn bã và sự đau đớn tột cùng. Người dẫn đường bảo tôi đi dọc theo con sông, tìm chỗ cạn và hẹp đủ để có thể băng qua. Chúng tôi đi bộ hai mươi phút trong sự tuyệt vọng hoàn toàn.
Thình lình, tôi nghe tiếng súng máy chát chúa vang lên từ đàng sau. Chúng tôi vội tìm chỗ trốn và nhìn lại hướng bờ sông. Một số đông quân lính đang bắn xả vào chiếc thuyền, lúc bấy giờ đã đi được nửa đoạn đường. Một vài phút sau, chiếc thuyền chìm xuống cùng với tiếng la khóc thảm thiết của những người trong thuyền ấy. Dòng sông tỉnh lặng trở lại, một lần nữa sự chết đã kề cận tôi.
Tôi không tài nào nhấc chân lên nổi sau khi chứng kiến những gì vừa xảy ra ngay trước mắt. Ai đã giải cứu tôi khỏi cái chết khủng khiếp này? Người cứu tôi dường như đã biết trước tất cả những việc sắp xảy ra. Ai đã đem tôi ra khỏi những giây phút hiểm nghèo đó?
Những hòn đá phủ đầy rêu khiến lòng sông vô cùng trơn trợt. Người dẫn đường phải lấy dây rơm cột chặt những đôi giày cao su của chúng tôi lại để phòng khi chúng tôi trợt chân khỏi những hòn đá ấy. Tôi bước chầm chậm theo người dẫn đường. Đầu tháng Năm, nước sông lạnh buốt. Càng lúc, sông trở nên sâu hơn và nước dâng lên tới ngực tôi; con tôi ở đàng sau thì nước đã ngập qua khỏi lưng gần tới cổ. Tôi cố vươn mình càng cao càng tốt bằng cách đi nhón gót. Nhưng dòng nước chảy mạnh khiến tôi không thể bước thêm một bước nào nữa. Tôi tự nhủ, “Mình sẽ chết chìm thôi.”
Chính vào lúc ấy, một người nào đó nhẹ nhàng nâng đôi vai tôi lên, và tôi biết chắc rằng chân tôi không còn đụng đáy sông nữa. Ai đã nâng cánh tay và đôi vai tôi lên để tôi có thể vượt qua dòng nước tối đen ấy?
Tôi không biết Đấng cứu mạng sống tôi, con tôi và người dẫn đường khỏi những tình thế nguy nan và những nỗi ưu phiền là ai. Nhưng ba năm sau, tôi đã khám phá ra Đấng ấy khi tôi gặp Ngài trên đường đi tị nạn lúc cuộc chiến tranh Đại Hàn diễn ra. Chính Ngài đã giải cứu tôi khỏi những tình thế tưởng chừng đã bế tắc.
Rốt cuộc, chúng tôi tới được Seoul và gặp chú tôi, Tiến sĩ Sukhan Yoo, đang tiếp tế cho người nghèo tại dưỡng đường Nhân Dân của ông. Vào lúc ông nghĩ rằng đứa cháu gái của mình đã chết, thì tôi bước vào cùng với hai đứa con nhỏ. Chú tôi và chồng tôi khóc lên vì sung sướng.
“Ôi! Ang Son, nếu cháu có mệnh hệ gì thì làm sao chú dám gặp mặt ông nội của cháu đây?” Ông cầm tay tôi và khóc rất nhiều. Sau chiến tranh Triều Tiên, chú tôi mua một mảnh đất ở Seoul và dự trù xây một bệnh viện. Nhưng cuối cùng ông đã quyết thực hiện theo di chúc của ông nội.
Việc giáo dục thế hệ trẻ là một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với tương lai của Đại Hàn. Vì thế ông mở trường dạy kinh tế chính trị, và đây chính là cơ sở cho sự ra đời của trường Đại học Kunkook. Sau này chồng tôi, lúc đó đã có công việc kinh doanh của riêng mình, đã cùng chú tôi mua bảy trăm mẫu đất ở ngoại ô, thành lập trường Đại học Kunkook (mang ý nghĩa xây dựng đất nước.)
Chồng tôi vừa là Giám đốc Điều hành, vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi ông mất vào tháng 12, 1968. Chú tôi, Tiến sĩ Yoo được Tổng Thống Đại Hàn ban tặng huân chương vì sự đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục ở Đại Hàn. Ông là tác giả của quyển sách nổi tiếng “Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng,” sau này đã trở thành nền tảng cho quyển “Phong Trào Mới Ở Làng Xã” của Tổng Thống Park Chung Hee.
Chú thích :
Phần chú thích này nhằm giúp cho độc giả nắm rõ về các con của Mục sư Yoo được đề cập tới trong sách. Bà có cả thảy bảy người con. Con đầu lòng của bà là bé trai được người dẫn đường cõng trên lưng, cháu đã qua đời ở Seoul khi chưa đầy một tuổi. Người con thứ nhì là bé gái mà bà cõng lúc vượt sông. Hiện giờ, cô đang sống ở Los Angeles. Người con thứ ba là bé gái đã qua đời lúc chín tuổi vì bệnh bạch hầu. Người con thứ tư được sinh ra trong khoảng thời gian tị nạn và hiện giờ đang sống ở Los Angeles. Người con trai thứ năm đang sinh sống ở San Diego, California. Người con gái thứ sáu của bà về sau đã qua đời ở Los Angeles. Và người con trai thứ bảy hiện đang định cư ở Los Angeles, Hoa Kỳ.
(còn nữa)