Gióp 1:6-12
Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.(a) 7 Đức Giê-hô-va phán hỏi Sa-tan rằng: Ngươi ở đâu đến? Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va rằng: Tôi trải qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi nó. 8 Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác? 9 Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va rằng: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao?(b) 10 Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người, và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. 11 Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. 12 Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Nầy, các vật người có đều phó trong tay ngươi;nhưng chớ tra tay vào mình nó. Sa-tan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va,
Trung tín theo Chúa không bảo đảm rằng bạn sẽ được miễn nhiễm khỏi những đau đớn của thế giới tan vỡ.
“Đây là khoảng thời gian đen tối và khủng khiếp của tôi và gia đình tôi. Xin dành những lời cầu thay…”
Tôi thấy Facebook của một người bạn đăng những dòng trạng thái này.
Tôi nhắn tin riêng cho anh ấy và được biết rằng gia đình anh đang trải qua khoảng thời gian rất khó khăn. Và tôi cũng đã thấy một loạt bài đăng tương tự trong những ngày này.
Sách Gióp chứa đầy lời khôn ngoan giúp chúng ta định hướng cuộc sống trong một thế giới không công bằng.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra vô vàn đổ vỡ.
Nếu sách Luật dạy chúng ta điều nên làm, thì sách Khôn ngoan dạy chúng ta cách sống khi mọi thứ không đi theo kế hoạch.
Đây là sáu bài học khôn ngoan tôi đã rút ra từ sách Gióp:
1. Cơ Đốc nhân không miễn trừ khỏi đau khổ
Trung tín theo Chúa không bảo đảm rằng bạn sẽ được miễn nhiễm khỏi những đau đớn của thế giới tan vỡ.
Sách Gióp kể câu chuyện đầy đau đớn để chứng minh rằng Gióp là người “trọn vẹn và ngay thẳng” (Gióp 1:1).
2. Đức Chúa Trời luôn có lý do cho việc Ngài làm
Điều xảy ra với Gióp là kết quả của cuộc trao đổi giữa Đức Chúa Trời và kẻ thù (Gióp 1:6-2: 10).
Chúa không bao giờ hành động tùy tiện và không có lý do.
3. Chúa không có nghĩa vụ phải cho bạn biết lý do của Ngài
Trong suốt sách Gióp, Chúa chưa bao giờ cho ông Gióp biết về cuộc trao đổi giữa Đức Chúa Trời và kẻ thù.
Phản ứng của con người khi đối diện với bi kịch là đặt câu hỏi “tại sao?”
Đừng hỏi tại sao mà hãy hỏi rằng chúng ta học được điều gì gì từ nỗi đau.
Tuy nhiên, có những lúc cả hai câu hỏi trên đều không được trả lời.
4. Đức Chúa Trời không bao giờ phạm sai lầm
Gióp đòi gặp Chúa vì ông cho rằng nỗi đau mình phải chịu thật bất công.
Cuối cùng, Đức Chúa Trời cũng hiện ra với ông trong cơn lốc. Chúa không trả lời câu hỏi của Gióp, nhưng Ngài cho ông nhìn thấy sự uy nghiêm của Ngài.
Câu trả lời đầy ngụ ý từ Chúa: “Trông Ta có giống kiểu Đức Chúa Trời hay phạm sai lầm không?”.
5. Tin cậy Ngài ngay cả trong bóng tối
Gióp nhận ra rằng nghi ngờ của ông là không chính đáng và ăn năn về điều đó (Gióp 42: 1-6).
Ông tiếp tục tin cậy Chúa mặc dù hoàn cảnh đau đớn của ông không thay đổi ngay lập tức.
6. Chúa phục hồi mọi thứ
Cuối cùng thì Đức Chúa Trời đã phục hồi mọi thứ (Gióp 42:10-16).
Kinh thánh dạy chúng ta lẽ thật, ngay cả những lẽ thật khó chấp nhận.
Bruce K. Waltke từng nói:
“… Đức Chúa Trời tự do sáng tạo và cứu chuộc, ngoài tầm hiểu biết của con người. Năng quyền Ngài trỗi hơn một phép tính đơn giản như “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Nếu hành động của Đức Chúa Trời không phù hợp với hiểu biết của loài người, điều đó không có nghĩa Ngài không tốt lành hoặc không quan tâm. Chúa cai trị bằng cách cho phép bóng tối và nỗi đau tồn tại trong một thế giới vượt qua “trí tuệ” của con người, chứ không phải bằng cách loại bỏ nó”. (Bruce K. Waltke, Thần học Cựu ước)
Điều quan trọng là cuộc đời chúng ta được xây dựng dựa trên đức tin rõ ràng trong Kinh thánh. Trong cơn đau đớn, đôi khi điều người ta cần chỉ đơn giản là những người bạn ngồi bên cạnh mình.
“Khi ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha người Na-a-ma được tin về các tai họa đã xảy đến cho ông, thì họ từ xứ mình hẹn nhau đến để chia buồn và an ủi ông. Từ xa, họ ngước mắt nhìn nhưng không thể nhận ra Gióp. Đến gần, họ bật khóc lớn tiếng, mỗi người xé áo mình, hất bụi lên trời và lên đầu mình. Ba người bạn ngồi xuống đất với Gióp suốt bảy ngày đêm, không ai nói với ông một lời, vì họ thấy nỗi đau của ông quá lớn” (Gióp 2:11-13).
Vì đại dịch COVID-19, tôi không thể ngồi bên cạnh bạn mình. Nhưng tôi luôn ở bên anh ấy trong lời cầu nguyện.
Những ngày này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để cầu nguyện cùng nhau và cầu thay cho nhau.
Bài: Tan Soo-Inn; dịch: Nhạn Võ
Nguồn: thirst.sg; https://oneway.vn