Thứ Hai , 27 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Kinh Thánh Nói Về Sự Cứu Chuộc

Kinh Thánh Nói Về Sự Cứu Chuộc

Tất cả các tôn giáo đều cung cấp một số phương cách để giải thoát cuộc sống đau khổ của con người và mang lại hòa bình và hạnh phúc. Nhưng sự cứu rỗi được bày tỏ trong Kinh Thánh chỉ nói về một phương cách thiên thượng duy nhất. Các phương cách “cứu rỗi” khác nhau được tìm thấy trong các tôn giáo trên thế giới đều dựa trên một khái niệm: Sự giải thoát đến từ những nỗ lực của con người. Điều này được minh họa trong câu chuyện sau đây về một số người theo đạo Hindu.

Chúng tôi quay lưng lại với dòng sông và đến một bãi đất trống, lần theo con đường mòn bằng đá giữa các cánh đồng, được bao bởi bức tường đất sét thấp và những bụi gai. Trời bắt đầu nắng lên sau mỗi bước chân của chúng tôi trên con đường đất bụi. Sau một lúc, chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi, nằm thẳng trên mặt đất và dường như đang tập thể dục. Anh ta chồm dậy, vươn tay trái về phía sau hết mức có thể, nhặt một viên đá từ một đống đá nhỏ nằm ở đó, rồi nằm thẳng người trên mặt đất, vươn tay phải về phía trước càng xa càng tốt, và đặt viên đá đó lên một đống đá nhỏ tương tự …. Tiến sĩ Govindam giải thích với tôi rằng người thanh niên này không được phép nói chừng nào anh ta còn say mê với hình thức parikrama (vòng luân hồi) đặc biệt đáng khen này. 108 viên sỏi phải được thu lượm và sau đó di chuyển từng viên sỏi đến một chỗ nào đó, như cách mà người thanh niên đã làm. Sau khi tất cả 108 viên sỏi đã được di chuyển với khoảng cách khoảng hai bước chân, thì chu kỳ này lập lại với từng viên sỏi. Vậy thì phải mất bao lâu để thực hiện việc làm này theo cách này? Có lẽ vài tuần, hoặc vài tháng. Chúng tôi đi qua những người mộ đạo khác là người chọn cách chuộc tội này, trong số đó có một góa phụ già. Tiến sĩ Govindam giải thích với chúng tôi rằng có lẽ bà ấy đang làm việc đó để nhận lấy công đức cho chồng mình ở thế giới bên kia …. Nhiều tuần sau đó, chúng tôi thấy bà ấy vẫn ở đó cách nơi mà chúng tôi đã nhìn thấy bà lần đầu tiên vài kilômet. Bà ấy dường như yếu đến nỗi cứ sau hai mươi mét là bà ấy nằm kiệt sức bên cạnh đống đá nhỏ của mình?

Cho dù là theo con đường chính nghĩa của người Hindu, kỷ luật theo Bát chánh đạo của Phật giáo, hay là cầu nguyện và ăn chay của người Hồi giáo, tất cả các tôn giáo ngoài Kinh Thánh đều tìm kiếm sự cứu rỗi bằng các việc làm. Cách nghĩ phổ biến là để vào được thiên đường phải “làm tốt nhất những gì mình có thể.” Điều này dễ hiểu khi chúng ta nhận ra rằng những người này có ý thức hay vô thức về bản chất sa ngã của mình, đang bị ràng buộc bởi tội lỗi. Tình trạng của họ được mô tả trong lần phạm tội đầu tiên của tổ phụ loài người: “Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng 3: 5). Thật khó để một “vị thần” thừa nhận rằng mình không thể làm được gì cho bản thân!

Tuy nhiên, trong một số tôn giáo, mọi người tin vào những vị thần cứu tinh là những người ban sự cứu rỗi cho các tín đồ của họ. Hình thức Phật giáo được chấp nhận rộng rãi nhất ở Nhật Bản dựa trên câu chuyện về Amita, người đã tích lũy một kho công đức khổng lồ trên đường đến với Phật đến mức ông ấy đã thề sẽ ban sự tái sinh cho tất cả những ai tin vào ông ấy và liên tục lặp lại cụm từ “A Di Đà Phật”. Khái niệm vị thần cứu tinh cũng phổ biến ở Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, ngay cả khi người ta tin vào những vị thần cứu tinh, thì họ vẫn tin rằng công đức là cần thiết để được các vị thần ban ơn. Hơn nữa, họ không có cách nào để đối phó một cách nghiêm túc với thực tế rõ ràng của tội lỗi. Như Leon Morris đã chỉ ra, “Những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong nhân loại luôn nghĩ rằng sự tha thứ thực sự chỉ có thể có được khi sự quan tâm thích đáng được trả theo luật đạo đức …. Chúng ta hẳn đã không thấy đây là điều mà Đức Chúa Trời đã gieo vào sâu thẳm trong lòng con người sao. Đối mặt với một tội ác ghê tởm, ngay cả những người vô cảm nhất trong vòng chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: ‘Điều đó đáng bị trừng phạt!’” Không có cảm giác được thỏa mãn về sự công bình trong các tôn giáo sai lầm.

Sự cứu rỗi được mô tả trong Kinh Thánh khác nhau như thế nào! Mong muốn tự nhiên của con người trong việc tìm kiếm công đức để nhận được sự cứu rỗi là hoàn toàn không thể; vì mọi vinh quang trong sự cứu rỗi đều thuộc về Đức Chúa Trời. Theo lịch sử thì thực tế về tội lỗi và hình phạt dành cho nó được xác nhận đầy đủ. Sự cứu rỗi được thực hiện bởi tình yêu thương vô tận của Đức Chúa Trời theo một cách mà vẫn bảo tồn sự thánh khiết của Ngài. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình trong việc trừng phạt tội lỗi; và tình yêu thương của Ngài đáp ứng điều đó qua sự hy sinh của Con Ngài. “Đức Chúa Giê-su Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-su” (Rô-ma 3: 25-26). Vì vậy, trái ngược với các phương cách khắc phục sự khốn khổ của con người do tội lỗi gây ra bằng cách cố gắng tìm kiếm sự phục hồi từ bản chất sa ngã là điều không thể, hoặc phương cách đặt sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời qua một bên đều là vô ích. Phương cách cứu rỗi được đưa ra để con người tham gia vào trong thuộc tính toàn năng, tình yêu và sự khôn ngoan của chính Đức Chúa Trời, vừa để thỏa mãn sự công bình tuyệt đối của Ngài, vừa để khôi phục lại sự hư hoại của con người do tội lỗi; vì vậy sự giải cứu này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của thiên đàng, và là mọi điều cần thiết cho nhân loại.

Sự chết Con Đức Chúa Trời, như là phương tiện cứu rỗi, trái ngược với tất cả những tôn giáo khác. Ajith Fernando, một học giả Cơ đốc giáo đã phục vụ nhiều năm ở Sri Lanka, kể về một “nhà văn Phật giáo nổi tiếng”, người đã nói với ông rằng “Đức Phật cao cả hơn Chúa Giê-su bởi vì Chúa Giê-su đã bị đánh bại đến nỗi phải chết trong trận chiến cho sự công chính của con người.” Từ điển bách khoa Do Thái khẳng định, “Không có Đấng Mê-si nào mà người Do Thái biết lại có thể chịu chết như vậy; vì ‘Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả’ (Phục truyền 21:23), nếu cho rằng Đấng Mê-si bị treo lên thập tự là một ‘sự xúc phạm đến Đức Chúa Trời” (Targum, Rashi). Tương tự như vậy, người Hồi giáo cũng từ chối lẽ thật về Chúa Giê-su bị đóng đinh. Kinh Koran nói, “Chúng tôi đã giết Đấng Mê-si là Giê-su, con trai của Ma-ri, Sứ đồ của Allah.’ Họ đã không giết Ngài, cũng không đóng đinh Ngài, nhưng họ nghĩ rằng họ đã làm như vậy” (Sura 4: 156). Rõ ràng thập tự giá của Đấng Christ, như Phao-lô đã viết là “sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (1 Côr. 1:23). Nhưng đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” cho sự cứu chuộc (1:24).

Hơn nữa, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ những câu chuyện thần thoại hay những ý tưởng khai sáng, mà là trong được ghi lại trong lịch sử tuyển dân.  Những lời của Gresham Machen đã tóm tắt sự độc đáo về lời dạy cứu rỗi trong Kinh Thánh. “Theo Kinh Thánh, sự cứu rỗi không phải là điều được khám phá ra, mà là điều đã xảy ra. Do đó thể hiện tính độc nhất của Kinh Thánh. Tất cả các ý tưởng trong Cơ đốc giáo có thể được tìm thấy trong một số tôn giáo khác, nhưng ý tưởng của các tôn giáo khác thì không có trong Cơ đốc giáo. Vì Cơ đốc giáo không phụ thuộc vào các ý niệm phức tạp, nhưng dựa trên lời tường thuật về một sự kiện. Nếu không có sự kiện đó, thế giới, trong cái nhìn của Đấng Christ, hoàn toàn tối tăm, và nhân loại bị hư mất bởi tội lỗi. Không thể có sự cứu chuộc bằng việc khám phá ra lẽ thật vĩnh cửu, vì lẽ thật vĩnh cửu mang lại sự tuyệt vọng, bởi vì tội lỗi. Nhưng một diện mạo mới được khoác lên cuộc sống bởi điều phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã làm khi ban chính Con một của Ngài.

Sự cứu chuộc ấy quá xa lạ đối với con người tự nhiên, nhưng lại rất vĩ đại và thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm trong lòng của tất cả mọi người đến nỗi nó không thể được tạo ra bởi loài người. Phao-lô, người đã cố gắng tự cứu mình bằng những việc làm của con người, đã tóm tắt tính chất siêu nhiên về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời: “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy.  Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11: 32-33).

 

 

admin

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn