Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Làm Thế Nào Mỗi Cá Nhân Có Thể Nhận Biết Đức Chúa Trời?

Làm Thế Nào Mỗi Cá Nhân Có Thể Nhận Biết Đức Chúa Trời?

“Họ xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài, thật là đáng ghét, trái nghịch và không thể làm một việc lành nào hết.” (Tít 1:16)

Có thể biết về Đức Chúa Trời, tuy nhiên bạn chưa bao giờ nhận biết Ngài cách cá nhân hay thiết lập một mối quan hệ với Ngài? Thực tế là có người lấy được văn bằng tiến sĩ về Thần học nhưng vẫn chưa nhận biết Đức Chúa Trời một cách cá nhân. Chúng ta có thể kể ra các danh xưng của Đức Chúa Trời, phân tích tất cả các thuộc tính của Ngài, giải thích sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một thì tất cả những điều đó cũng không ý nghĩa gì nếu chúng ta không nhận biết Ngài cách cá nhân là Cứu Chúa, là Chủ, là Cha thiên thượng, là Bạn của mình.


Giả định một tình huống là một người nào đó có bằng tiến sĩ về lương thực và dinh dưỡng nhưng vẫn ăn uống không lành mạnh và thậm chí bị suy dinh dưỡng. Các sinh viên trường Y có thể học biết về các thực phẩm bổ dưỡng có trong tự nhiên. Tuy nhiên họ sẽ chết đói nếu từ chối không ăn bất cứ loại thực phẩm tốt nào mà họ học được.
Một trong những lẽ thật đáng kinh ngạc về Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng sáng tạo nên hoàn vũ là con người có thể nhận biết Ngài cách cá nhân và thiết lập một mối quan hệ với Ngài. Trong toàn bộ sự sắp xếp trật tự của các sự vật, hành tinh trái đất chỉ là một hạt bụi trong hàng loạt dãy ngân hà dày đặc như những đám mây khổng lồ vô giới hạn. Tuy nhiên, một cá nhân, chỉ là một người trong sáu tỷ con người trên trái đất lại có một đặc ân không thể tin được là trở thành người bạn cách cá nhân với Đức Chúa Trời vĩ đại.
Nhưng lẽ thật này còn đáng kinh ngạc hơn, đó là Đấng Tạo Hóa theo đuổi và trông đợi được kết nối một mối liên hệ cá nhân với từng người trên trái đất! Từ buổi bình minh sáng tạo, khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va sa ngã, đánh mất mối liên hệ cá nhân với TRỜI, bị trục xuất ra khỏi vườn Ê-đen, thì Chúa tể của vũ trụ vẫn yêu thương và theo đuổi một kế hoạch phục hòa với con người.
A-đam và Ê-va không thể trốn tránh khỏi TRỜI. Và chúng ta cũng vậy. Đức Chúa Trời tìm kiếm tổ phụ loài người, che đậy sự xấu hổ của họ bằng chiếc áo choàng được lấy từ da của một con chiên. Con người có thể phục hòa với TRỜI thông qua chương trình cứu rỗi của Ngài. Đức Chúa Trời muốn khôi phục chúng ta đi đến mối quan hệ cá nhân với Ngài.
Làm Thế Nào Con Người Tội Lỗi Có Thể Đến Với Đức Chúa Trời Thánh Khiết?
Bởi vì “mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược.” (Ha-ba-cúc 1:13). Vậy thì làm sao Ngài có thể theo đuổi những con người gian ác, bất chính để phục hòa họ cho một mối tương giao đã bị gãy đổ? Câu trả lời là đây: Đức Chúa Trời rất yêu thương con người.
Sứ đồ Giăng mô tả tình yêu diệu kỳ của TRỜI: “Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.” (1 Giăng 4:10). Phao-lô cũng viết, “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài (Christ), và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.” Muốn hòa thuận với Đức Chúa Trời, con người phải ăn năn tội lỗi, lấy đức tin tiếp nhận món quà cứu rỗi vĩ đại mà Ngài đã ban cho trong Đấng Christ.
Rào cản tội lỗi giữa TRỜI với người bị phá bỏ. Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại phục hòa với Ngài qua Đấng Christ: “Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi.” (2 Côr. 5:19). Con người tội lỗi không thể chủ động phục hòa với TRỜI. Tuy nhiên Đấng Christ đã làm điều này cho chúng ta.
Những ai tiếp nhận Đấng Christ làm Chủ đời sống sẽ được sinh lại, trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Côr. 5:17). TRỜI trở nên người Cha thiên thượng khi chúng ta tiếp nhận Christ. Chúng ta được chấp nhận để bước vào trong đại gia đình của Ngài. Đức Chúa Trời “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời.” (Tít 3:5-6)

Đấng Christ là con đường duy nhất để nhận biết Đức Chúa Trời.

Nếu có một con đường khác để đến thiên đàng, thì Đức Chúa Trời đã không cho phép Con Ngài phải bị sỉ nhục đau thương, gánh lấy cái chết khổ hình trên thập tự giá. Con người tội lỗi không thể cứu lấy chính mình qua nếp sống tu thân ép xác, làm việc công đức, ngồi thiền suy gẫm hay làm bất cứ việc nào khác. Chỉ có một lối thoát cho nhân loại: Christ đã chết vì chúng ta, Cha kéo chúng ta đến với Christ, Thánh Linh cáo trách tội lỗi, thuyết phục tội nhân ăn năn trở về với TRỜI.
Bạn có thể nghiên cứu sách này cách cẩn thận và có một số tri thức về Đức Chúa Trời, nhưng bạn đã nhận biết Ngài một cách cá nhân? Bạn có bao giờ kêu cầu danh Chúa, thừa nhận tội lỗi và cam kết hiến dâng chính mình cho Ngài? Có lẽ bạn sẽ nói: “Ồ tôi luôn luôn tin vào Đức Chúa Trời.” Nhưng bạn chưa dâng nộp đời sống mình cho Ngài. Hãy nhớ rằng: ma quỉ cũng tin Đức Chúa Trời và run sợ (Gia-cơ 2:19), nhưng nó không thuộc về Christ.
Gần đây tôi ghé thăm một cựu chiến binh tám mươi hai tuổi trong bệnh viện. Tôi nói chuyện với ông ta về Christ và Hội thánh. Ông ta nói: “Tôi tin Đức Chúa Trời nhưng tôi không thích các hội thánh.” Tôi ân cần nhắc cho ông biết rằng ma quỉ cũng tin TRỜI, nhưng nó không phải là Cơ đốc nhân.
Tôi nhìn vào các chai thuốc của ông bên cạnh giường bệnh và nói: “Các lọ thuốc này không thể hữu ích cho sức khỏe của ông cho đến khi ông uống chúng.” Và tôi tiếp tục: “Ông có thể tin vào Đức Chúa Trời, nhưng điều này không ích lợi gì cả cho đến khi ông thừa nhận tội lỗi mình, tiếp nhận Chúa Jesus làm Chủ, làm Cứu Chúa của riêng ông. Chỉ như vậy ông mới nhận được sự sống đời đời.”
Trước khi rời bệnh viện tôi hỏi ông ta có muốn tiếp nhận Christ làm Cứu Chúa. Ông ta gật đầu: “tôi muốn.” Tôi hướng dẫn ông cầu nguyện:
Lạy Chúa Jesus, con thừa nhận tội lỗi của con. Con biết con đã làm những điều sai lầm. Xin Chúa tha thứ cho con. Cám ơn Ngài đã chết thay đền tội cho con trên thập tự giá. Xin Chua ngự vào lòng con và biến đổi con nên con cái của Ngài. Tạ ơn Chúa Jesus đã cứu con. Amen.
Sau khi cầu nguyện những giọt lệ rơi ra trên gò má của người cựu chiến binh. Ông ta có hơi bối rối một chút, nhưng ánh mắt sáng lên trong sự vui mừng. Tôi tiếp tục nói chuyện vời ông ta về đời sống mới trong Đấng Christ. Tôi quyết định sẽ trở lại thăm ông ta lần nữa vào tuần sau để khích lệ ông bước đi trong nếp sống mới.
Chiều Chủ nhật tuần đó, một tín hữu nói với tôi: “Mục sư có biết người cựu chiến binh mà ông đã thăm trong bệnh viện tuần vừa qua?” Tôi trả lời:
– Có biết.
– Ông ta vừa mới chết sáng hôm nay.
Tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi nhớ lại những giọt nước mắt của người cựu chiến binh. Về phía con người, ông và tôi biết cuộc đàm thoại mà chúng tôi đã nói chuyện với nhau tuần trước. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời biết sự ăn năn và lời cầu nguyện của ông. Không ai biết được mình sẽ chết vào lúc nào. Nhưng niềm vui của Cơ đốc nhân là biết sau khi chết mình sẽ về đâu.
Nếu bây giờ bạn vẫn chưa nhận biết Chúa Jesus một cách cá nhân. Hãy dừng lại và suy nghĩ. Hãy kêu cầu danh Chúa, thừa nhận tội lỗi và dâng nộp đời sống cho Ngài. Nếu bạn đã làm điều đó, hãy nói cho người khác biết quyết định của bạn. Tiếp nhận Chúa Jesus làm Chủ, làm Cứu Chúa và khởi sự thiết lập một mối quan hệ cá nhân với TRỜI. Bạn sẽ bước đi trong Ngài mỗi ngày.

Đấng Christ sống trong chúng ta

Khi tiếp nhận Christ làm Cứu Chúa, sự chết của Ngài trên thập tự giá trở nên sự chết trong con người cũ của chúng ta. Lúc này sự sống của Đấng Christ trở nên sự sống mới trong chúng ta. Bí mật cho một đời sống Cơ đốc đắc thắng tội lỗi và những khủng hoảng khác được Phao-lô tiết lộ: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).
Một minh họa khác, Phao lô cho biết con người tự nhiên của ông không thể làm điều lành hoặc tự giải thoát khỏi tội lỗi: “vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy…..Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:19-20; 24). Bạn có đang trải qua những trải nghiệm tương tự như Phao-lô?
Phao-lô dạy cho Hội thánh biết bí quyết để sống đạo: để Thánh Linh của Đức Chúa Trời sống bên trong chúng ta.
“Vậy nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì thân thể chết nhân cớ tội lỗi, mà thần linh sống nhân cớ sự công bình. Lại nếu Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống.” (Rô-ma 8:10-11)
Biết Christ một cách cá nhân là ý thức rằng hiện diện của Chúa Jesus ở với chúng ta mọi lúc mọi nơi. Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu ở Ê-phê-sô nhận được quyền phép Đức Thánh Linh để trở nên mạnh mẽ: “tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em.” (Ê-phê-sô 3:16-17). Bản Kinh Thánh Tiếng Việt dùng từ ‘ngự trong’. Trong nguyên ngữ từ này có nghĩa: ‘thiết lập một chỗ ở thường xuyên bên trong.’ Khi chúng ta đi đến nhận thức là hiện diện của Christ ở bên trong chúng ta, lúc đó chúng ta thực sự nhận biết Đức Chúa Trời cách cá nhân.
Trong khi viết thư tín Ê-phê-sô, Phao-lô cũng viết cho các tín hữu ở thành Phi-líp: “Tôi có lòng trông cậy chắc chắn nầy, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng (hay được tôn cao) trong mình tôi.” (Phi-líp 1:20). Và vị sứ đồ xác định: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Phi-líp 1:21). Trải nghiệm này của Phao-lô chính là ông đã nhận viết TRỜI cách cá nhân.
Giữ mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Trời qua sự vâng lời thuận phục của chúng ta. Khi mối liên hệ này bị gián đoạn vì cớ tội lỗi xen vào, chúng ta phải áp dụng lời dạy của sứ đồ Giăng để nối lại mối tương giao với TRỜI: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1 Giăng 1:9). Ngay khi chúng ta thừa nhận tội lỗi và xưng ra với TRỜI, chúng ta nhận được sự tha thứ, sự tẩy sạch và phục hòa với Ngài.

Nhận Biết TRỜI Trong Sự Thờ Phượng

Nhận biết Đức Chúa Trời cách cá nhân có nghĩa là nhận ra sự không xứng đáng của chúng ta khi bước vào trong hiện diện của Ngài. Chúng ta đọc và thấy trải nghiệm của tiên tri Ê-sai khi ông đối mặt với Chúa: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (Ê-sai 6:5).
Bước vào trong sự thờ phượng là một đặc ân của chúng ta. Từ thờ phượng trong Cựu Ước nguyên ngữ là shachah có nghĩa quỳ xuống. Còn từ thờ phượng trong Tân Ước là proskuneo có nghĩa tôn kính, vâng phục.
Sau đây sự thờ phượng được đề cập trong Kinh Thánh:
– Sáng thế ký 22, Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ. Ông giải thích với hai người đầy tớ: “Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ-phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi.”
– Sau đó Áp-ra-ham giao phó cho người quản gia đi cưới vợ cho Y-sác, ông quản gia này cũng thờ phượng TRỜI với sự chúc tạ ngợi khen khi ông tìm gặp Rê-be-ca: “Người bèn cúi đầu và sấp mình xuống (thờ phượng) trước mặt Đức Giê-hô-va, mà nói rằng: Đáng ngợi khen thay Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi! Ngài chẳng ngớt thương xót và thành thực đối cùng chủ tôi! Khi đương đi, Đức Giê-hô-va dẫn dắt tôi đến nhà anh em của chủ tôi vậy.” (Sáng. 24:26-27)
– Khi Môi-se thay mặt dân sự lên hòn núi thánh để nhận bảng luật pháp. “Môi-se lật đật cúi đầu xuống đất và thờ lạy (thờ phượng) mà thưa rằng: Lạy Chúa!” (Xuất. 34:8)
– Khi thầy thông giáo E-xơ-ra mở quyển sách luật pháp của Đức Chúa Trời ra, dân sự đáp lại bằng sự thờ phượng: “E-xơ-ra dở sách ra trước mặt cả dân sự, vì người đứng cao hơn chúng; khi người dở sách ra, thì dân sự đều đứng dậy. E-xơ-ra ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời cao cả; cả dân sự bèn giơ tay lên, mà đáp lại rằng: A-men, A-men! Rồi chúng cúi đầu, sấp mặt xuống đất mà thờ lạy (thờ phượng) Đức Giê-hô-va.” (Nê-hê-mi 8:5-6)
– Các bác sĩ từ phương đông xa xôi theo ánh sao huyền nhiệm tìm về Bết-lê-hem thờ phượng Ấu Chúa Jesus. “Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược.” (Ma-thi-ơ 2:11)
– Sau khi phục sinh Chúa đã hiện ra với các phụ nữ trước ngôi một trống. Các chị em này đã làm gì? “Nầy, Đức Chúa Jêsus gặp hai người đàn bà đó, thì phán rằng: Mừng các ngươi! Hai người cùng đến gần, ôm chân Ngài, và thờ lạy Ngài.” (Ma-thi-ơ 28:9)
Kinh Thánh bày tỏ sự thờ phượng đúng nghĩa không phải là tìm kiếm những cảm xúc của chúng ta. Mục đích của hành động thờ phượng là làm vui lòng và tôn cao Đức Chúa Trời. Trong sự thờ phượng chúng ta dâng lên trước ngôi thi ân một số điều. Sự thờ phượng không phải là để nhận được một điêù nào đó.
Sứ đồ Giăng nhìn thấy sự thờ phượng trên thiên đàng: “tôi nhìn xem, nghe bốn bên ngôi và các sinh vật cùng các trưởng lão, có tiếng của vô số thiên sứ; thiên sứ hàng muôn hàng ngàn, đồng nói lên một tiếng lớn rằng: Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!
Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời! Rồi bốn con sinh vật đều nói: A-men. Và các trưởng lão sấp mình xuống mà thờ lạy.” (Khải huyền 5:11-14).
Cá nhân thờ phượng TRỜI và thiết lập mối tương giao với Ngài hàng ngày là yếu tố cần thiết để khám phá nhiều hơn về chính Ngài. Sự thờ phượng chung trong cộng đồng Hội thánh địa phương sẽ bổ sung thêm cho sự thờ phượng cá nhân. Mỗi thành viên trong Hội thánh đều có những ân tứ riêng và các ân tứ này sẽ được phát huy trong sự thờ phượng chung. Sẽ có người giảng dạy, làm chứng, ca hát, cầu nguyện chữa lành… Vì vậy trước giả thư Hê-bơ-rơ nhắc nhở chúng ta: “chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hêb. 10:25)

Biết Đức Chúa Trời Thông Qua Lời Của Ngài

Phao-lô dạy rằng tất cả Kinh Thánh đều được Thần cảm và hữu ích cho chúng ta trong mọi điều (2 Ti-mô-thê 3:16). Tuy nhiên sứ đồ Phi-e-rơ cũng cảnh báo sự nguy hiểm nếu có những người giải thích sai Kinh Thánh: “Ấy là điều người (Phao-lô) đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.” (2 Phi-e-rơ 3:16)
Để hiểu biết Đức Chúa Trời cách cá nhân và thiết lập một mối liên hệ mật thiết với Ngài, chúng ta phải đi theo Lời của Ngài được viết trong Kinh Thánh. Những người ở thành Bê-rê đều tra xem Kinh Thánh hàng ngày để đối chiếu với lời giảng của Phao-lô: “Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.” (Công vụ. 17:11). Chúng ta đọc Kinh Thánh không chỉ để biết các thông tin nhưng còn phải biết tấm lòng của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua từng trang sách – điều này quan rọng hơn.
Nhiều năm về trước, khi Billy Graham nói chuyện trong một hội nghị Cơ đốc, ông làm chứng rằng mỗi ngày ông đọc năm chương sách Thi Thiên một chương sách Châm Ngôn. B. Graham nói rằng Thi thiên dạy chúng ta dạy chúng ta cách bước đi với Đức Chúa Trời, còn Châm Ngôn dạy chúng ta cách cư xử với con người. Nếu bạn áp dụng cách đọc này của tiến sĩ Billy Graham, bạn sẽ đọc hết hai sách này cứ mỗi một tháng.
Khi tôi còn là một mục sư trẻ tuổi, tôi nghe C. Wade Freeman, mục sư chủ tịch của Báp-tít Liên hiệp ở Texas nói rằng cứ mỗi tháng ông đọc hết sách Công vụ các sứ đồ. Những lời chứng này của các mục sư lãnh đạo đã truyền cảm hứng cho tôi đọc xuyên suốt Kinh Thánh.

Kinh Thánh bày tỏ tấm lòng, tâm trí và ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Xuyên suốt Kinh Thánh TRỜI bày tỏ chính mình Ngài để chúng ta có thể nhận được những tri thức mới và áp dụng nó. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu biết hết đại dương bao la những lẽ thật về Đức Chúa Trời trong cái tri thức hữu hạn của chúng ta vốn bé nhỏ như một tách trà. Tuy nhiên càng hiểu biết và kinh nghiệm về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng trưởng thành hơn.
Chúa Jesus phán với những người Pha-ri-si, “Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!” (Giăng 5:39-40). Hãy nhớ rằng sự sống đời đời không phải được tìm thấy qua việc nghiên cứu Kinh Thánh. Chúng ta phải tiếp nhận, phải đến với Chúa Jesus.

Nhận Biết Đức Chúa Trời Xuyên Qua Các Công Việc Ngài

Có một mối liên hệ cá nhân với TRỜI là trở thành người hợp tác đồng công trong công việc của nhà Ngài. Khi Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất, Ngài đã chọn nhóm mười hai người ở với Ngài, huấn luyện họ để làm công việc Ngài. Sau khi thăng thiên về trời, Chúa Jesus vẫn tiếp tục công việc của Ngài thông qua chúng ta. Nếu chúng ta sẵn lòng, chúng ta sẽ trở thành người dự phần với Ngài để thực hiện chương trình, công việc của Ngài còn lại trên đất và trong cõi đời đời.
Kinh Thánh nói về Chúa Jesus: “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.” (Công vụ 10:38). Khi Đấng Christ từ bỏ mạng sống Ngài vì cớ chúng ta, Phao-lô viết: “Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành.” (Tít 2:14). Chúng ta chú ý các cụm từ in nghiêng. Cuối lá thư gởi cho Tít, Phao-lô nhắc lại: “Những người bổn đạo ta cũng phải học tập chuyên làm việc lành, đặng giùm giúp khi túng ngặt, hầu cho họ khỏi đưng đi mà không ra trái.” (Tít 3:14)
Khi chúng ta làm việc với tư cách là những người “chung phần với TRỜI trong một công ty”, chúng ta cũng phải làm giống như Ngài. Bất cứ nơi đâu Phúc âm được rao giảng, nơi đó có các việc lành của Cơ đốc nhân để giúp đỡ cho người khác. Khi đi theo tiếng gọi của Chúa, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ Chúa (Ma-thi-ơ 25:39-40). Chúa Jesus cũng dạy chúng ta trang bị cho mình tinh thần phục vụ khiêm nhường: “kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:27-28).
Bước vào chức vụ, Chúa Jesus giảng bài đầu tiên từ sách tiên ti Ê-sai, “Có người trao sách tiên tri Ê-sai cho Ngài, Ngài dở ra, gặp chỗ có chép rằng:
Thần của Chúa ngự trên ta;
Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo;
Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha,
Kẻ mù được sáng,
Kẻ bị hà hiếp được tự do;
Và để đồn ra năm lành của Chúa.” (Lu-ca 4:17-19; Xem Ê-sai 61:1-2)
Bất cứ nơi đâu khi dân sự có nhu cầu, Chúa Jesus động lòng thương xót họ (Ma-thi-ơ 9:36) và Ngài đáp ứng cho những nhu cầu đó. Đến lượt chúng ta cũng vậy.
Nhiều năm trước đây, khi chúng tôi còn sống ở Paris, Texas. Một cơn lốc xoáy chết người đã ập vào thị trấn. Những người đầu tiên đến giúp đỡ cho cư dân bị mất nhà cửa ở đây là các Cơ đốc nhân. Nhiều Hội thánh từ khắp các quốc gia khác cũng gởi sự trợ giúp đến. Và chẳng bao lâu sau đã khôi phụ trở lại những sinh hoạt bình thường cho người dân sau cơn bão táp. Các thành viên của hội thánh Baptist khắp nơi đổ về xây dựng lại ngôi nhà thờ cho Hội thánh Baptist ở Texas bị đổ nát. Đó chính là những việc lành mà chúng ta phải làm.
Những thảm họa tự nhiên có thể đánh vào bất cứ nơi nào trên thế giới. Động đất ở Mexico City, bão lớn ở New Orleans hay sóng thần ở Nam Thái Bình Dương, bất cứ nơi đâu cũng luôn ghi lại những câu chuyện về các việc tốt lành của Cơ đốc nhân. Đó là Đức Chúa Trời đang làm công việc của Ngài xuyên qua dân sự Ngài. Nếu chúng ta muốn nhận biết TRỜI cách cá nhân, chúng ta phải tham gia vào các công việc của Ngài.
Đừng quên rằng, chúng ta cũng phải nói cho người khác biết: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16). Những người bị nạn vì thảm họa tự nhiên không chỉ cần cứu giúp vật chất. Họ cũng cần ánh sáng của Phúc âm – vì đó là nhu cầu tâm linh chính đáng của họ giống như họ cần nhu cầu vật chất.
Kinh Thánh tuyên bố: “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:13). Những người ngoại bang sẽ không thể kêu cầu danh Chúa nếu họ chưa tin. Và nếu không có ai rao giảng lời Chúa thì làm sao họ tin? Họ cần nghe câu chuyện Phúc âm – và đây là công việc của chúng ta. Đức Chúa Trời không sử dụng các thiên sứ để rao ra câu chuyện Phúc âm, nhưng Ngài sử dụng chúng ta. Ngài không muốn cho một ai chết mất, nhưng muốn mọi người đều ăn năn. Đức Chúa Trời cũng không gởi đi những người từ cõi chết sống lại trở về thế giới để rao giảng Tin lành. Trách nhiệm này là của chúng ta – những tiên tri của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh xác định: “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy.” (Lu-ca 16:31)
Kế hoạch duy nhất của Đức Chúa Trời cho công tác công bố Phúc Âm là xuyên qua mục vụ của những người được cứu chuộc. L.R. Scarborrough –nguyên giáo sư và chủ tịch của Viện Thần học Baptist Tây Nam đã viết một quyển sách vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi nhan đề: “Cùng Với Christ Theo Đuổi Người Hư Mất”. Vị mục sư này đã được truyền cảm hứng để thực hiện các mục vụ khó khăn giống như lời của Phao-lô đã truyền lửa cho Ti-mô thê: “Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.” (2 Ti-mô-thê 4:5). Nhan đề của quyển sách trên cũng là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay.
Đấng Chrit đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư ất (Lu-ca 19:10). Nếu chúng ta thực sự biết Christ cách cá nhân, chúng ta cũng sẽ đi với Ngài để làm điều tương tự.

KẾT LUẬN

“Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài.” (Ô-sê 6:3). Chúng ta có thể hiểu biết nhiều về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế giới, nhưng không nhận biết họ cách cá nhân. Với Đức Chúa Jesus Christ thì không thể như vậy. Biết Chúa trong kinh nghiệm cá nhân, thiết lập một mối tương giao mật thiết với Ngài mỗi ngày, và làm điều Ngài muốn chúng ta làm để chúng ta có thể đồng thanh nói chung với Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

Admin

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn