Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Hiểu Biết về Đức Chúa Trời

Hiểu Biết về Đức Chúa Trời

Nghe Radio  Tiếng Nói Quê Hương:

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỘC LẬP VỚI CÕI SÁNG TẠO
Chúa hoàn toàn tự do và độc lập. Ngài “có sự sống trong chính Ngài” (Giăng 5:26), và sự sống này hoàn toàn độc lập với những người khác. Ngài không có nhu cầu phải được đáp ứng từ cõi sáng tạo của Ngài hoặc từ con người.
Đức Chúa Trời không bị chủ thể nào thao túng hay áp đặt lên Ngài những kế hoạch. Các tác phẩm của Ngài là do Ngài tự quyết định thay vì bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, cảm xúc và kế hoạch của bất kỳ ai khác. Ê-sai đã nghĩ đến thuộc tính này của Đức Chúa Trời khi ông viết, “Ai lường được Thần của Đức Chúa Trời, và làm mưu sĩ Ngài, đặng dạy Ngài điều gì? Nào Ngài đã bàn luận với ai? Ai đã dạy khôn cho Ngài và dạy Ngài đường công nghĩa? Nào ai đã đem sự thông biết dạy Ngài và chỉ cho Ngài lối khôn ngoan?” (Ê-sai 40:13-14). Mở rộng ý tưởng của Ê-sai, Phao-lô viết, “Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại?” (Rô-ma 11:35). Nói cách khác, Đức Chúa Trời không nợ ai. Ngài có nghĩa vụ phải trả ơn cho một ai không? Câu trả lời là không. Đức Chúa Trời hoàn toàn tự do.
Đức Chúa Trời tự do hoàn thành điều tốt theo ý muốn của Ngài (Ê-phê-sô 1: 5). Ngài cũng có thể cho phép điều ác xảy ra, mặc dù Ngài không hài lòng (Công vụ 2:23). Đức Chúa Trời tự do lựa chọn một số người cho chính Ngài (Ma-la-chi 1: 2; Ê-phê-sô 1: 4), và Ngài tự do bỏ qua những người khác (Ma-la-chi 1: 3; Rô-ma 9:22). Ngài toàn quyền làm cho chết, hoặc làm cho sống (1 Sa-mu-ên 2:6). Ngài toàn quyền hạ người này xuống, nhắc người kia lên (2:7-8). Ngài khiến các thánh đồ đã chết được sống lại (Giăng 5:21), và Ngài toàn quyền làm cho kẻ chết sống lại và rồi thi hành sự phán xét (5:27, 29).
Trong khi Đức Chúa Trời độc lập và toàn quyền tuyệt đối, có một số điều Ngài không thể làm vì chúng trái với bản chất của Ngài. Chẳng hạn, Ngài không thể nói dối (Hê-bơ-rơ 6:18), bất trung (2 Ti-mô-thê 2:13), hoặc làm điều ác (Hê-bơ-rơ 1:13; Gia-cơ 1:13). Không có khả năng phạm tội không được coi là yếu đuối trong bản chất của Ngài; thay vào đó nó phản ánh sự nhất quán thiêng liêng về bản chất và thuộc tính của Ngài.
Vì Đức Chúa Trời tự do, toàn quyền và độc lập, nên Ngài không cần bất cứ thứ gì chúng ta dâng lên. Chúng ta không hề đóng góp bất cứ điều gì cho Đức Chúa Trời để xứng đáng với sự chú ý hoặc quan tâm của Ngài. Không có gì Chúa đã làm cho chúng ta vì Ngài có nghĩa vụ phải đáp trả chúng ta. Tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta là từ tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Và không có cách nào để chúng ta có thể trả lại cho Ngài những ân phước này vì Ngài không có nhu cầu. Hiểu được điều này về Đức Chúa Trời giúp chúng ta đánh giá cao sự siêu vĩ đại của ân điển thiêng liêng mà Ngài đã ban cho chúng ta cách miễn phí. Và dĩ nhiên, khi đã am hiểu bài học này, chúng ta có thể nào bước đi mà phớt lờ các mạng lệnh và trách nhiệm Ngài đã giao phó?
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG MÀ CON NGƯỜI KHÔNG THỂ DÒ LƯỜNG HẾT ĐƯỢC
Một trong những thuộc tính quan trọng nhất cần suy ngẫm khi xem xét bản chất của Đức Chúa Trời là chúng ta không có khả năng hiểu tất cả những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Khi chúng ta khẳng định rằng Đức Chúa Trời không thể hiểu được, chúng ta đang nói rằng vẫn còn một bí ẩn về thân vị của Ngài mà chúng ta không thể biết mặc dù đã nghiên cứu cẩn thận. Phao-lô đề cập đến điều này khi ông viết, “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài?” (Rô-ma 11:33-34).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ rất nhiều về chính Ngài cho con người qua sự mặc khải phổ quát và mặc khải đặc biệt. Các sự mặc khải này cho phép chúng ta biết Ngài trong giới hạn. Nhưng vẫn còn nhiều điều về Chúa bị che giấu. Gióp công nhận rằng Đức Chúa Trời “thực hiện những điều kỳ diệu không thể tin được, những phép lạ không thể đếm được” (Gióp 9:10). Trước câu hỏi của Sô-pha, “Nếu ông dò xét, há có thể hiểu biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Và thấu rõ Đấng Toàn năng sao?” (Gióp 11:7). Chúng ta phải trả lời câu này cách rõ ràng là không. Trong khi Đức Chúa Trời là “Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm” (Đa-ni-ên 2:47), thì Ngài vẫn giữ một số bí ẩn về chính Ngài. Chúa có thể được biết đến, nhưng không thể mổ xẻ và phân tích hết được. Ngài có thể được hiểu, nhưng con người không thể hiểu Ngài hoàn toàn. Một số điều thuộc về Ngài là bí mật (Phục truyền. 29:29).
Các nhà thần học thường xuyên phân tích Đức Chúa Trời đến mức họ cố gắng xóa bỏ bí ẩn về bản chất thiêng liêng của Ngài. Thật không may, họ kết luận về Đức Chúa Trời với một cái gì đó kém hơn nhiều so với Ngài. Họ nhìn thấy một Đức Chúa Trời nhỏ bé, một Đấng vĩ đại nhưng bị giới hạn bởi sự hiểu biết hữu hạn của chính họ. Là Cơ đốc nhân, chúng ta phải theo đuổi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Nhưng đồng thời cũng phải cẩn thận để những lý giải thần học của chúng ta không làm giảm đi sự mầu nhiệm về bản chất thần thượng của Ngài.
Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY
translated by Hon Pham

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn